Thuận Thiên Kiếm - Rồng Không Đuôi

Chương 126: Hồi mười sáu (9)

Quả nhiên.

Rầm!

Vụn gỗ bắn tung tóe, bình sứ úp ngược dưới sàn vỡ loảng choảng. Tạng Cẩu phải dùng đến biến hóa kì quái học lóm của Phiêu Hương, mới vừa vặn thoát nổi nhát chém thần tốc.

Nhưng chạy được mùng một, thì khó qua ngày rằm.

Đao bổ hụt, Tửu Thôn đã dùng chân đã ngay vào tay cầm, khiến mũi đao ngóc ngược trở lên. Hắn lại trầm hông, vặn vai, phóng ra một nhát đâm nhanh như điện xẹt. Chỉ nghe xoạt một cái, vai áo Tạng Cẩu đứt toác cả ra, máu đổ lênh láng. Cồn ở lưỡi đao ngấm vào vết thương, Tạng Cẩu xót đến chảy nước mắt.

“ Nhanh quá… ”

Nó chỉ mới buột miệng, đao của Tửu Thôn đã vẩy ngay vào cổ. Tạng Cẩu bèn dùng chiêu Chó Chui Gầm Chạn để né, toan lăn ra xa để kéo dãn khoảng cách với đối thủ.

Tửu Thôn chiều nó.

Hắn vận lực tung một cước, đá cho Tạng Cẩu văng hẳn vào tường. Thằng bé con chỉ có một mẩu bị đánh cho ộc cả máu.

Đau. Tạng Cẩu đau đến nỗi nó đã sụt sà sụt sịt chực khóc.

Dẫu sao nó cũng vẫn chỉ là một thằng bé sắp lên chín.

Mũi giày của Tửu Thôn đồng tử xuất hiện trước mặt Tạng Cẩu. Giọng nói lạnh băng vô cảm của tên sát thủ vang vọng bên tai thằng nhỏ.

“ Tạm biệt, ranh con! ”

Trở lại với nhóm người Lê Hổ, Giản Định.

Nắng đã hừng.

Quân Minh đóng ở bìa rừng cũng bắt đầu lục tục chỉnh chang lại quân trang. Nói đoạn, cả lũ nhổ trại, theo chân tên thủ lĩnh kéo nhau vào sâu trong rừng hòng sục sạo tung tích của Giản Định và thuộc hạ.

Thủ lĩnh cánh quân Minh này là Lữ Nghị, nguyên là đô chỉ huy sứ, quyền lực không phải vừa.

Nói về người này, thì quả thực hắn với mảnh đất phía nam lắm sông nhiều núi này có dây mơ rễ má chẳng ít. Lần đầu tiên Nghị sang Đại Việt là lúc đưa Thiêm Bình về. Ai cũng biết chuyến này quân Minh thất bại thảm hại, Lữ Nghị mất cả chức tước bổng lộc. May sao Chu Đệ cho y cơ hội lập công chuộc tội, để y theo Trương Phụ sang Đại Việt. Thế nên giờ này Nghị mới ở đây.

“ Cái đám An Nam này quả thực là một lũ ngu si, thân lừa ưa nặng. Một tên phế vương, với một đám nông dân ô hợp thì làm được gì? Chém lá chặt cây xé rừng có khi còn khó hơn giết hết cả đám chúng nó. ”

Lữ Nghị dẫn đầu cánh quân, vừa vung kiếm phạt bớt cây cối vừa chửi.

“ Tướng quân nói chí phải. ”

Binh lính dưới trướng hắn vừa tấm tắc khen chủ tướng, vừa gạt cành bẻ lá sang một bên lấy lối đi. Từ sau khi Đại Ngu sụp đổ, quân Minh cơ hồ đánh đâu thắng đó. Nghĩa quân tuy đông nhưng ô hợp, như đống lá trước sân, một ngọn gió thổi qua là tan tác.

Chiến thắng…

Thực là dễ khiến người ta trở nên kiêu cao, ngạo mạn.

Mấy ngàn năm nay, đó vẫn là chuyện thường tình ở trên đời.

Rừng vắng có thêm hơi người, chẳng mấy mà trở nên nhiệt náo hẳn. Chim muông bị ánh đao làm cho kinh hãi, rời tổ bay loạn. Lông vũ rụng rơi, cánh chim nhịp phách vào tiếng chân thú xào xạo trong bụi cỏ đặng trốn khỏi bóng kiếm…

Liệu tiếng động có che giấu huyền cơ gì chăng?

Ai mà biết trước được?

Phạm Ngũ Thư và Trần Đĩnh đã mặc xong trang phục ma cà rồng, đang náu mình trong bọng cây chỉ chờ Lê Hổ ra hiệu.

“ Đã dặn mọi người phối hợp chưa? ”

Té ra Hổ ta và hai chủ chó Nguyễn Xí Trương Phụ đã nằm rạp ở một bụi cỏ trên đồi cao, chính đang quan sát truy binh của quân Minh.

“ Chú yên tâm, con lo đâu vào đấy rồi. Một chốc nữa người của mình sẽ tản ra, mỗi người theo một nhánh truy binh. Chỉ cần hai chú kia xuất hiện, là lập tức diễn kịch hay. ”

Lê Hổ ngẫm một lúc, lại nhắc:

“ Một lát nữa địch quân loạn lên, con xua con Trương Phụ xuống cắn cổ ngựa của tên cầm đầu, cho hắn ngã ngựa xem sao. ”

“ Chú yên tâm, con Phụ khôn lắm. ”

Trương Phụ được chủ khen, thè lưỡi ra liếm mặt của Nguyễn Xí.

“ Cái thằng lanh chanh, đặt tên chó thế nào không đặt, lại đi đặt tên là Trương Phụ. ”

Lê Hổ thở dài, chẳng biết phải quản cái thằng ranh này ra làm sao. Cậu chàng lại bất giác nhớ chuyện mới hơn nửa năm trước, cũng có một thằng nhóc khiến cậu và Phạm Ngũ Thư phải láo nháo chạy khắp cả khu cố đô. Bây giờ hồi tưởng, chẳng rõ vì sao lại muốn cười.

Thằng bé là đệ tử của Quận Gió.

Ông cũng đã dạy cho hai người Lê Hổ, Ngũ Thư nhiều điều. Có thể nói là có nửa nghĩa sư đồ.

Nhớ chuyện vua trộm uất ức ngậm hàm oan mà chết, đến nay vẫn bị giang hồ đàm tiếu là Lê Hổ lại thấy lòng chua chát, sống mũi cay cay, vòm họng đắng nghoét lại.

Lữ Nghị chọn một chỗ thoáng đãng, rồi cho quân xé chẵn thành lẻ, toả đi các hướng. Hàng binh Đại Ngu năm nào cũng lục tục mỗi người chọn cho mình một hướng.

Chẳng mấy chốc, xung quanh Lữ Nghị chỉ còn vài thuộc hạ tin cẩn. Y cũng xuống ngựa, lựa lấy một chỗ thoáng đáng mà nghỉ ngơi.

“ Hành động! ”

Lê Hổ cố đè thấp giọng mình, thì thào.

Nguyễn Xí co chân lại, tay hơi chống xuống để nâng ngực lên khỏi mặt cỏ. Nhìn tư thế thằng bé chẳng khác nào con cóc đang nằm. Nói đoạn nó ngóc đầu, nghiến răng, rung hầu gầm một cái:

“ Cà Uồm! ”

Nguyễn Xí giả tiếng hổ rất giống, cơ hồ không thể phân biệt nổi thật giả. Trong một khắc ấy, chim chóc sợ đến sững sờ, thú nhỏ hoảng hồn nằm im trên mặt đất mà run rẩy trước uy thế của hùm thiêng. Ngay cả Lê Hổ nằm sát bên cạnh, nghe được cũng phải giật mình một cái theo bản năng. Huống chi là quân Minh đang ở dưới đồi, cách chỗ này một khoảng khá xa?

Truy binh đang tiến vào rừng cũng ngơi tay đao tay kiếm, mà nhìn quanh quất.

“ Ông ba mươi nổi giận đấy. ”

Xưa kia, thời Trần nạn hổ hoành hành, vua phải xuống chiếu ban thưởng hễ ai giết được một con hùm thưởng ba mươi quan. Xong cũng phải chịu đánh ba mươi hèo để hồn thiêng thỏa lòng yên nghỉ nơi suối vàng. Dân gian cũng từ đó tránh gọi thẳng là hổ, mà gọi là ông ba mươi.

Nói về hồn thiêng, thì phải kể lại chuyện của Phạm Nhĩ. Tương truyền ông này là thần tướng nhà trời, chẳng những sức mạnh vô song, còn có đôi tai dài quá cằm nghe được chuyện khắp thiên hạ. Nhĩ vốn là kẻ chọc trời khuấy nước, vì không được trời trọng dụng, bèn cảm thấy uất, thế là họp quân lại đánh lên trời. Lần đó nhà trời cơ hồ bị lật tung, quân trời bị một mình Nhĩ đánh cho tan tác, ông trời phải chạy trốn, Chuẩn Đề cũng bị Nhĩ dùng đôi nắm đấm giã cho thân tàn ma dại ôm đầu chạy.

Cuối cùng, Đức Phật phải ra tay dùng túi thần thu phục, cắt đi đôi cánh thần, khép đôi tai vạn lí lại ép Nhĩ đầu thai. Y hóa thành con hổ đầu tiên trong trời đất.

Thế nên, người Nam mới có câu:

“ Trời sinh hùm vốn có vây

Hùm mà có cánh hùm bay về trời ”

“ Có khi là hùm xám. ”

Một hàng binh lại lên tiếng.

Người Mường có truyền thuyết về thần hổ xám thành tinh, cũng nhuốm đầy màu sắc truyền kỳ. Tương truyền mỗi khi hổ giết một người, trong vành tai nó sẽ xuất hiện một vết đỏ là linh hồn của nạn nhân. Người bị nó giết không sao siêu thoát được, thành ma trành đi theo phục vụ con hổ. Đến khi vành tai đủ trăm vết, lông hùm mất màu cam đỏ, đổi thành màu xanh xám, còn khổ người hóa lớn gần gấp đôi to hơn cả trâu bò. Ấy cũng là lúc nó thành tinh.

Chính mấy chuyện đậm sắc liêu trai, nhuốm vị truyền kì này là thứ binh sĩ hay kể nhau nghe trong những lúc trà dư tửu hậu nhất. Chẳng những người Việt thích kể, người phương bắc cũng khoái nghe. Lữ Nghị muốn cấm cũng chẳng được, đành mặc kệ. Dù sao thân là binh sĩ, cũng là hạng lưỡi đã nếm đất sa trường, môi đã thấm sương chiến địa. Chả lẽ lại vì ba cái chuyện thần hồn nát thần tính mà chùn chân?

Thế nhưng…

Sợ hãi giống như một thứ quái bệnh. Nó có thể lây lan truyền nhiễm, bùng phát thành dịch.

Nhất là cái nơi âm u vắng vẻ, thiếu thốn hơi người như rừng rú. Chốn này lá rậm cành dày, người bình thường cơ hồ chỉ có thể nhìn được hình dáng đại khái của thứ nọ thứ kia.

Vụt.

Bóng đen tung mình nhảy xuống từ chạc cây kèm theo một tiếng rít gào rợn cả tóc, lướt đến đưa thanh Huyết Ẩm nhẹ nhàng cứa cổ hai binh sĩ. Thân pháp y ngụy dị như ma quỷ đã đành, cái thứ đen sì cứ phấp phới sau lưng hắn như quỷ khí và âm thanh cao vút chói tai chẳng giống tiếng người mới thực là khiến người ta hãi hùng. Một tên hàng binh Đại Ngu thấy lính phương bắc chết trận, bèn đảo mắt hô to:

“ Ma! Ma cà rồng đấy! ”

“ Là thật! Chuyện hổ xám dẫn ma cà rồng ra bắt người là thật! ”

Lính Trung Hoa cũng bắt đầu hoảng loạn cả lên. Nhất là khi trong đội có vài tên hàng binh đại Ngu bị “ con ma ” nhảy vào là ngã vật ra, xong cứ giật nảy người lên, cà tưng cà tưng như bị sét đánh. Nói rồi, cả đám bật mình dậy, người quay lại, mắt trợn trắng dã.

“ Chúng tao đây… ”

Ngữ khí không còn như bình thường, mà đứt quãng và run run, nghe mà lạnh cả xương sống.

“ Sao? Sao? ”

Đám lính Minh triều thì run lên bần bật. Còn số hàng binh Đại Ngu kia thì hỏi, giọng run è è, mặt thì tái xám tái xanh.

“ Chúng mày quên rồi hả? Ai chém chúng tao? Ai giết chúng tao?? Cửa Kỳ La, núi Cao Vọng, cửa Muộn Hải nữa… ”

“ Chúng tao thề có chết cũng làm ma ám lấy rừng thiêng nước độc đất Nam. Giờ linh ứng thật rồi. ”

Nói đoạn cả lũ bật cười lên sằng sặc, phe phé như kẻ điên.

Người phương nam chưa chắc đã điên, nhưng người bắc quốc thì muốn nổi điên lắm rồi. Sang Đại Việt lâu ngày, tất nhiên cũng hiểu được chút ít tiếng Nam. Nhất là cái câu nguyền rủa của người Đại Việt ở cái lần trên núi Cao Vọng thì không ai quên cho nổi.

Những kẻ còn đứng cúi đầu nhìn đồng bạn đã ngã gục trong đống máu. Chỉ thấy gương mặt tên kia biến dạng, miệng há lớn nhưng không kịp kêu cứu lấy một tiếng, còn đôi nhãn châu thì trừng lớn, dại ra. Nét mực kinh hãi nơi đáy mắt vẫn còn chưa phai theo đôi đồng tử dần tan rã.

“ AAAAAAAAAAA! ”

Chẳng biết ai là người khởi xướng, nhưng tiếng rú thất thanh bắt đầu vọng từ khóe môi người này sang đầu lưỡi người kia.

Loạn!

Trong nháy mắt thôi, cánh truy binh đó đã vỡ trận.

Đứa nào đứa nấy đạp lên nhau mà chạy, đầu không dám ngoái lại lấy một giây. Lúc này cả đám chỉ hận không vắt được giò lên cổ mà chạy cho mau, chứ nào còn gan còn mật đâu nữa mà quay đầu?

Trần Đĩnh cứ được thể tung kiếm, giết hết người này đến người khác. Y lại nhớ đến chuyện cũ ở cửa Hàm Tử, thi thể của Hồ Xạ bị chính những tên hàng binh nọ hành hạ ra sao. Lửa giận bốc ngun ngụt, bèn nhấn sức vào lưỡi kiếm, khiến thanh Huyết Ẩm trong tay y càng vẩy ra càng nhanh, hệt như cánh én đang chao liệng. Trần Đĩnh cứ nhè những kẻ y nhớ mặt hôm đó mà ra tay, lưỡi kiếm bay qua cần cổ, cướp đi sinh mạng của hết tên này đến tên khác. Từng gương mặt hiện lên, vẽ lại cái đêm kinh hoàng ở cửa biển. Rõ ràng, rành rọt, tưởng như cơn ác mộng đã in vào ký ức, còn đậm sâu hơn tất thảy những vết sẹo trên mặt y cộng lại.

Vậy mới có câu thứ đáng sợ nhất là thứ mà người ta không biết.

Ở phía xa xa, Trần Đĩnh cũng đã nghe thấy tiếng chân người chạy ra khỏi rừng. Điều ấy chứng tỏ Phạm Ngũ Thư cũng đã thành công hù dọa một toán truy binh. Y gật đầu với mấy “ hàng binh ” phe mình, rồi nhảy vọt lên vòm cây, tìm đến một cánh truy binh khác.

Hai bên trong ứng ngoài hợp, ông hát bà khen hay, chỉ thoáng một hồi là cả đám truy binh đã bị dọa cho chạy bán sống bán chết. Nhất là mấy tên xui xẻo bắn tên vào Phạm Ngũ Thư. Phải biết bộ kiếm pháp tổ truyền Đảo Nam Nghịch Bắc của y được Phạm Ngũ Lão sáng chế chuyên là để khắc chế xạ thuật của người Mông Nguyên, vốn nổi danh là thiện xạ nhất thế giới. Bao nhiêu mũi tên dội vào Ngũ Thư đều bị y dùng Hùng kiếm hất ngược về phía cánh truy binh, có chỗ chết gần hai thành sĩ tốt.