Thuận Thiên Kiếm - Rồng Không Đuôi

Chương 127: Hồi mười sáu (10)

Lữ Nghị thấy quân sĩ hớt hơ hớt hải ba chân bốn cẳng nhào ra khỏi rừng, cơ hồ không để người chỉ huy là y vào mắt thì không khỏi kinh ngạc.

Mấy tên này gặp chuyện gì trong rừng mà hốt hoảng như thế?

Y thúc ngựa vọt lên, tóm cổ một cậu lính trẻ đỡ lên lưng ngựa. Bình thường tên tiểu binh này có phần sùng bái Nghị, nên thấy mặt chủ tướng cũng bình tĩnh lại được phần nào.

“ Chuyện gì mới xảy ra?? ”

“ Tướng quân, ngài cũng chạy đi thôi. Ma. Trong đó có ma đấy! ”

Lữ Nghị nhíu mày, vỗ vào mặt tên tiểu binh một cái:

“ Ma? Trên đời này làm gì có ma quỷ? ”

“ Có! Có! Ma cà rồng mang oan hồn ra báo thù. Đông lắm. Đám người An Nam đều chết cả rồi. Quân ta cũng chết nhiều lắm. Chết vì phép ma. Ma làm đấy!! ”

Lữ Nghị còn đang muốn nói gì đó với tên tiểu binh, thì bỗng nhiên con ngựa y cưỡi chồm hẳn lên, hí lên một tiếng đầy đau đớn. Cả hai người bị hất khỏi lưng ngựa, ngã dúi dụi.

Họ Lữ lăn tròn mấy vòng mới hóa giải được lực văng. Toàn thân y ê ẩm vì đá cứng, song vẫn có thể đứng lên lại được ngay, chứ không như cậu tiểu binh nọ lăn ra đất là nằm lăn quay, để rồi bị chính đồng bạn đạp lên, sống chết không rõ.

“ Ai?? ”

Lữ Nghị tuốt kiếm, trợn mắt lên mà quát rống một tiếng.

Ngã khỏi lưng ngựa đối với một tướng lĩnh đã là chuyện đáng xấu hổ, huống chi Lữ Nghị là bị quật ngã mà còn không biết vì sao, ai làm. Thật đúng là nhục không biết để đâu cho hết.

Thủ phạm bôi tro trát trấu lên mặt Lữ Nghị hãy còn ngồi bên xác chết của con chiến mã, mồm đầy máu tươi. Đôi mắt như rực lửa của con hung khuyển nhìn chằm chằm vào Lữ Nghị, như chỉ chực ăn tươi nuốt sống luôn cả hắn.

“ Té ra là con chó to. ”

Lữ Nghị nghiêm mặt, khóe môi nhếch lên khinh thường. Con chó này là chó săn, ắt phải có chủ. Cũng có nghĩa, mấy con “ ma cà rồng ” trong rừng thực ra là có kẻ đang giả ma giả quỷ lừa gạt binh sĩ.

Biết được điều này, Lữ Nghị càng thêm tự tin.

Đối phương không dám đặt mai phục mà phải dùng trò mê tín dị đoan hư trương thanh thế dọa dẫm, chứng tỏ nếu đánh trực diện thì kẻ địch chẳng phải đối thủ của họ.

Song lúc này y nghĩ chuyện cần phải làm không phải gom đám lính đang sợ đái cả ra quần kia lại, mà phải bám theo con chó to, xem xem ai là chủ nó.

Mà những cái chuyện bám đuôi trinh sát này, tốt nhất vẫn nên đi càng ít người càng tốt.

Lữ Nghị đang định ra tay, thì con Trương Phụ đã ngóc đầu về phía bắc như thể nghe thấy tiếng gì. Nói đoạn, nó bỏ cả cơn khát máu, ba chân bốn cẳng chạy tót về phía xa.

“ Ngự thú thuật?? ”

Trong giang hồ, ngoại trừ đao khách kiếm thủ thông thường còn có một loại cao thủ thứ ba – Ngự Thú sư, tức là điều khiển thú dữ tấn công kẻ địch. Còn cái gọi là ngự thú thuật, thực chất là dùng một cây còi đặc biệt phát ra một thứ âm thanh tai người không nghe thấy, nhưng tai thú thì nghe được, để sai khiến chúng.

Lữ Nghị thấy con hung khuyển hành động là đã thấy là lạ. Nếu nó là dã thú bình thường thì hẵn phải đang trong cơn say máu, nhảy vào cắn xé ngấu nghiến con ngựa luôn mới phải. Thế nhưng, con chó này cắn chết chiến mã của hắn xong thì đứng khựng lại, rồi bỏ chạy. Đây không phải là hành động thuộc về bản năng, mà rõ ràng có người sai khiến.

“ Chạy đi đâu! ”

Thấy xung quanh chỉ còn mấy người thân tín giữ được bình tĩnh, Lữ Nghị vội quát lên một tiếng, sau đó thi triển khinh công đuổi theo.

Trương Phụ luồn lên, lách xuống, lượn trái, trườn phải, chẳng mấy chốc đã chui tọt vào cái bờ cái bãi nào mất hút. Có câu chó chạy bờ rào, chuột chạy bờ ao. Con hung khuyển vốn là chó săn, rừng núi là lãnh địa của nó. Chạy thi với nó trong này, vốn dĩ là chuyện khó càng thêm khó.

Giữa khoảng rừng vắng, chỉ còn một mình Lữ Nghị.

Cỡ mấy hơi thở sau, họ Lữ bật thốt:

“ Không được! Có bẫy! ”

Y vội ngoái đầu, toan chạy khỏi chốn rừng thiêng nước độc, thì đã nghe veo véo từng hồi từng hồi. Chỉ thấy mấy chục cái gói bằng lá chẳng biết giấu thứ gì được người ta lẳng về phía hắn. Theo bản năng, Lữ Nghị một tay vung kiếm chém bừa vào mấy cái gói lá, chân thì lui sát vào một cây đại thụ.

Xoạc.

Lá đứt lìa, cả một chùm chất lỏng sền sệt như keo, óng ánh như dát vàng bắn đầy mặt Lữ Nghị. Da dẻ y cứ nhớp nhớp dính dính, còn tóc thì bết cả vào nhau.

“ Mật ong? ”

Lữ Nghị nếm thử thứ bắn vào mặt mình, thấy đầu lưỡi thoảng mùi thơm ngọt, biết là việc lớn không ổn. Rừng cây này nhiều cây cao, tán lá xòe rộng rợp cả thân người, cúi xuống không thể phân biệt nổi bóng cây với bóng người. Thế nên có thể chắc chắn một điều, ấy là chốn này chắc chắn không thiếu tổ kiến.

Quả nhiên…

Mùi mật thơm phức kích thích đám kiến. Dưới đám lá cây mục, giữa những vết nứt của đám cổ thụ già cỗi, nếu ai tinh mắt chắc chắn sẽ thấy những con kiến lửa thân đầu đỏ rực màu đồng hoặc vàng kim đang hành quân. Số lượng của chúng cả ngàn, cả vạn. Không sao đếm hết cho nổi.

“ Ahh!! ”

Thấy chân tê buốt, Lữ Nghị biết chắc đã có kiến chui vào giầy mình rồi. Nọc kiến lửa không gây chết người ngay được, nhưng cái nhói buốt dai dẳng thực là khó chịu như chết đi sống lại. Theo bản năng y nhảy bật lên một cái, tay tóm lấy chạc cây.

Rồi thì những ngón tay cũng thi nhau buốt tấy lên. Lữ Nghị hoảng sợ nhìn lên, chỉ thấy kiến lửa đã bu đặc lấy năm ngón tay. Trên bàn tay còn có một đám sâu lạ màu đen đang bám chặt vào da tay. Ấy là loài đỉa lá, hay còn gọi là vắt.

Lữ Nghị sợ hãi nhảy xuống đất, lập tức thấy gan bàn chân tê buốt.

“ Bỉ ổi!! ”

Y gào, y chửi, song chẳng ích gì. Chính bản thân y cũng biết chuyện này nực cười đến dường nào. Lần này sa bẫy chốn này, là lỗi do y không tính đến chuyện địch thủ lợi dụng ưu thế địa lợi, giăng bẫy chờ sẵn. Lữ Nghị nhịn đau, cắm đầu chạy. Kẻ địch giấu mặt còn ở đây, nếu không lùi nhanh thì chỉ có đường chết! Y nhìn lên thân cây, thấy nơi nào rêu mọc thì đi về hướng ấy, chắc chắn sẽ tìm được suối nước, lạch nước.

Đám vắt ở tay hút no máu, con nào cũng béo tròn lẳn như ngón tay cái rồi mới nhả tay y ra. Lữ Nghị cũng không có thời gian mà ăn mừng tin vui nho nhỏ này. Y cứ cắm đầu mà chạy thục mạng.

Rốt cuộc…

Phía đông khu rừng có một lạch nước nhỏ, hai bên bờ là bãi đá thấp. Xa hơn nữa, là có thể nghe thấy dòng nước sông Vạc hiền hòa đang chảy róc rách, róc rách.

Lữ Nghị không quản được nhiều, vội vàng nhảy ùm vào lạch nước. Nước không xối chết kiến, nhưng cũng khiến chúng nó bị cuốn đi, không còn hơi sức đâu mà cắn người nữa. Nước lạnh chảy qua chỗ bị nọc kiến, khiến Lữ Nghị thấy vết thương dịu đi nhiều.

Chính lúc này, từ đâu lại lao tới một vật tròn tròn, đánh trúng ngay cổ tay y. Lưỡi kiếm ba tấc rời khỏi tay, còn Lữ Nghị thì thất kinh cả hồn vía. Y biết mình trúng phục binh!

Một thân ảnh từ từ bước lên tảng đá cao nhất bên bờ tây.

Trên tay y nắm một lưỡi dao, thuôn dài và mảnh như một chiếc lá.

“ Câu được con cá to ghê. ”

Người nọ chính là Lê Thận và ám khí trầu không.

Lữ Nghị bị điểm huyệt, quăng lên bờ. Hai tay hai chân y đều bị người An Nam nọ trói nghiến lại bằng dây rừng, không sao động đậy được.

Lê Thận làm xong xuôi mọi việc, thì mé tây cũng có tiếng loạt xoạt vang lên.

Dẫn đầu là Giản Định đế và bốn hộ vệ, theo sau là Lê Hổ và hai người Trần Đĩnh Ngũ Thư. Cậu nhóc Nguyễn Xí nghịch ngợm thế mà lại không giành đi tót đằng trước như mọi lần, mà tụt hẳn về cuối đoàn.

Giản Định và Lữ Nghị gặp lại, thợ săn và con mồi nay đổi vị trí, tất nhiên chẳng thế thiếu một phen thóa mạ lẫn nhau. Trần Ngỗi còn tính là có học, biết thu liễm tâm tình, nhưng bốn tên thị vệ thì là lực điền chân chất. Thấy kẻ thù khi trước ở Mô Độ, cả đám chẳng giữ gìn gì cả, cứ nhào lên mà tay đấm chân đá. Lữ Nghị bị trói chặt, không phản kháng gì nổi, chỉ đành chịu trận. Thế nhưng y có chân khí hộ thể, còn những lực điền kia thì lại chỉ có sức trâu chứ chẳng luyện chút nội lực nào. Thành thử, Lữ Nghị dù bị đánh cho đau đến nghiến răng nghiến lợi, nhưng thương thế lại không lấy gì làm nghiêm trọng.

Lê Hổ thuận miệng hỏi hai người kiếm thủ:

“ Sao rồi, xong xuôi cả chứ? ”

“ Không thành vấn đề. Giặc Minh nhát gan, bị dọa vỡ mật nát gan rồi, tạm thời không dám quay lại đâu. ”

Trần Đĩnh vỗ ngực, cười vang. Lâu lắm rồi y mới được sảng khoái như lúc này.

Phạm Ngũ Thư đáp:

“ Cũng nhờ có mấy cái còi gỗ cậu Nguyễn Xí giấu trong áo, mới khiến chúng ta càng thêm giống ma quỷ. Còn người của ta, Ngũ Thư đã an bài cho họ tìm về Lam Sơn cả rồi. ”

Lê Hổ gật đầu, thầm than mẹ mình tài.

Chẳng là năm đó nhà Hồ mộ binh, cụ thân sinh của Hổ bị bệnh, thế nên mẹ cậu chàng mới cho mấy trăm gia đinh đi thay. Lại dặn cẩn thận:

“ Lòng dân không theo, nhà Hồ bại là chuyện không sớm thì muộn. Mọi người cứ đánh hết sức xem có vớt vát được gì không, nhưng nếu thấy đại thế đã mất thì phải hàng ngay, sau đó tiềm phục trong quân Minh, chờ đến khi có minh chúa xuất hiện thì cùng ra hưởng ứng. ”

Nguyễn Xí tay cứ cầm còi câm dùng để ngự thú mà thổi, phồng mang trợn mắt lên. Nhưng hồi lâu cũng không thấy thằng bé ngưng lại.

Lê Hổ thấy thằng bé có vẻ lo lắng chuyện gì, bèn vỗ vai hỏi:

“ Xí, sau vậy? ”

“ Con thổi còi, nhưng mãi con Trương Phụ chưa về. Bình thường nó khôn lắm, hễ nghe tiếng còi là tìm về ngay. ”

“ Hay nó mải chơi lạc đâu mất? ”

Trần Đĩnh lên tiếng.

“ Không! Sao mà có chuyện đó được? Mũi con Phụ thính lắm. Từ lúc hai đứa đến bìa rừng này là nó ngửi thấy mùi của cậu Hổ rồi. Sao mà lạc cho được? ”

Mọi người còn đang băn khoăn vì sao con chó của Nguyễn Xí chưa tìm về chỗ chủ, thì ở phía bên kia sông, đã có tiếng rên “ ư ử ” rất khẽ.

Đúng là con Trương Phụ.