- Tại hạ trước tiên là nói về luận điểm của Khổng Khâu. Khổng Khâu cho rằng, thánh vương thượng cổ trị dân, thánh hiền hậu thế dạy dân, đều là một chữ "Lễ". Chữ "Lễ" này, bản chất chính là "không biến đổi", không quan tâm tới biến hóa của thế sự, kinh tế phát triển, phát minh tiến bộ, chỉ chú ý tới chính mình cùng cái gọi là "Ngũ luân" trong xã hội. Chỉ coi trọng lễ của nho gia, cường điệu tôn ti, sang hèn, địa vị lớn nhỏ, quy chế pháp luật, quy phạm đạo đức, chuẩn tắc sinh hoạt, là căn cứ vào chế độ chính trị huyết thống thị tộc mà hình thành nên, cấp bậc sâm nghiêm. Điều này để tu thân, trị trong một nhà thì còn được, nhưng mà mở rộng Lễ này ra toàn bộ thiên hạ thì càng ngày càng phức tạp, tiến tới lấy để "Trị quốc, bình thiên hạ", đó là điều không thực tế.
Tống Triều mỉm cười nói:
- Nói như vậy, Ngô huynh thờ phụng luận điểm pháp trị của Thiếu Chánh Mão?
Khánh Kỵ cũng không trả lời thẳng, lại nói:
- Việc trị quốc mênh mông thâm ảo, lời của ta và ngài cũng chỉ có thể chạm vào phần nông, vị tất đã là chính xác. Tại hạ sẽ kết hợp tình thế trên thiên hạ, nói sơ qua. Thời kì thượng cổ, thành trì cùng lắm chỉ như một thôn trấn như hiện nay, dân cư cũng ít ỏi, hơn nữa bên trong nhân dân, nhiều thế hệ sống quần cư một chỗ, ít khi lưu động. Cho đến tiếp tục phát triển, dân cư tăng lên nhiều, thành trì tăng lên nhiều, trao đổi cũng tăng theo, lúc này từ trong thị tộc bộ lạc mới xuất hiện chính quyền quốc gia.
Từ triều nhà Ân, khai sinh ra quyền thống trị. Đứng đầu sự thống trị đó, tự xưng là thiên tử, cái mà hắn nắm giữ, gọi là thiên hạ. Thiên tử phân chia thiên hạ cho các chư hầu, thành lập chư quốc. Chư quốc lại phân các phong ấp cho công khanh đại phu, gọi là thế gia. Gia, quốc, thiên hạ, bởi vậy mà hình thành. Đó là chế độ phong kiến, chế độ của quốc gia.
Nếu những công khanh đại phu trung với chư hầu, chư hầu trung với thiên tử, đó là thiên hạ hữu đạo, ngược lại, chính là thiên hạ vô đạo. Chỉ có điều tới hiện giờ không thể không thừa nhận rằng, công khanh mạnh hơn chư hầu, chư hầu mạnh hơn Chu thiên tử, đó là sự thật không thể tranh cãi.
Một tia ngạc nhiên chợt lóe trong mắt Tống Triều, vui vẻ nói:
- Nghe một lời đã giác ngộ, mời nói tiếp.
Khánh Kỵ lại nói:
- Hiện tại phải trị loạn thế, không thể không đối mặt với thế giới như vậy, nên giải quyết như thế nào đây? Nếu như dưới ép trên, đương nhiên sẽ không từ thủ đoạn, ngươi lừa ta gạt, ánh đao ảnh kiếm, dân chúng thứ dân sẽ bị vây trong nước sôi lửa bỏng. Khổng Khâu muốn phục Lễ, lại dùng luận điệu cũ rích, muốn khôi phục Chu lễ, khôi phục gia quốc thiên hạ trong quá khứ, chính là làm suy yếu quyền lực chư hầu, suy yếu quyền lực công khanh, thử hỏi miếng thịt béo tới tay có ai chịu buông sao? Người nào đã nắm giữ quyền hành trong tay có ai chịu chắp tay nhả ra? Cho nên mới nói, luận điểm của Khổng Khâu tuy rằng lý tưởng, lại khó thi hành được.
Về phần Lão Đam thuyết giảng, huyền diệu khó giải thích, theo lẽ đương nhiên, thuận theo tự nhiên mà trị, cái gì không cần làm thì không làm. Ông ta cho rằng vì có gia, quốc, thiên hạ, mới có đủ loại mâu thuẫn do con người dựng nên, mới có tình hình hỗn loạn không chịu nổi hiện giờ. Nếu muốn giải quyết tận gốc, vậy không cần gia quốc thiên hạ nữa, đó là thuận theo tự nhiên mà trị, mặc cho nó phát triển tự nhiên, như nước chảy, đó là thuận theo lẽ đương nhiên. Ta nghĩ rằng, cũng không thể thực hiện được, bởi vì gia quốc thiên hạ đã có rồi, làm sao có thể tiêu tan được.
Luận điểm pháp trị, lấy pháp trị quốc. Nếu có người có dục vọng riêng, mục đích khác nhau, hành động sai trái, vậy thì không để cho người trị nữa, mà là định ra một pháp tắc, mọi người thống nhất tuân thủ theo, bắt phải làm theo một tiêu chuẩn thống nhất duy nhất để thống trị quốc gia. Ai nếu làm trái lại, chính là làm tổn hại tới ích lợi của mọi người, sẽ dùng pháp mà áp chế. Ta cảm thấy rằng, như thế sẽ phù hợp với thực tế hơn một chút. Tuy rằng pháp này là từ trên định ra, lúc đầu không khỏi có thể xiên lệch, thiên vị, nhưng mà so với những điều không thực tế như lấy Lễ mà trị, hoặc thuận theo tự nhiên để trị, thì có lẽ cao minh hơn một chút. Hơn nữa tuy rằng có thể có thiếu hụt, có thể có hạn chế, nhưng trong khi thi hành tất nhiên có thể dần dần cải thiện. Cách này tuy có lợi và có hại, nhưng nhiều lợi mà ít hại, dùng pháp trị là khả thi nhất.
- Chỉ có điều thiên hạ hiện giờ hỗn loạn, vô luận là gia hay quốc hay là thiên hạ, ai cũng như thế, bởi vậy cho dù là loại chính luận nào đi chăng nữa, muốn thi hành trong thời loạn, cũng không có khả năng. Muốn thi hành trong một nhà, trước tiên phải diệt trừ những đối lập trong một nhà, thống nhất hiệu lệnh; Muốn thi hành trong một quốc gia, trước tiên phải lấy vũ lực cường đại để thống nhất chính quyền, trừ bỏ cục diện chính trị hiện giờ mạnh đè ép yếu; Toàn bộ thiên hạ, cũng là như vậy. Nếu không, mặc kệ là loại chính luận cao minh nào, cũng chỉ như hoa trong gương, trăng trong nước, thành công dã tràng mà thôi.
- Tuyệt diệu!
Tống Triều vỗ tay trầm trồ khen ngợi, khiến cho hắn lâm vào kích động, không phải là pháp trị hay thuận theo tự nhiên để trị trong lời nói của Khánh Kỵ, mà là đoạn cuối cùng Khánh Kỵ nói bên trong ẩn ẩn mang theo ý sát phạt, cái luận điểm này ý là muốn trị một nhà, trước phải yên ổn nhà, muốn trị một nước, trước phải yên ổn nước. Hắn sớm đã nhìn ra Khánh Kỵ kẻ này cũng không phải là một nhân vật tầm thường, lời nói ra từ trong miệng hắn tất có thể trông cậy. Hắn đang muốn tiến thêm một bước, hỏi chí hướng của Khánh Kỵ, chợt nghe thấy bên ngoài khoang thuyền ồn ào một trận, lập tức người lái thuyền liền giương giọng rống lên một tiếng:
- Xảy ra chuyện gì? Để cho ta yên ổn một chút. - Sau đó chính là một trận tiếng bước chân bình bịch, hai người kinh ngạc nhìn nhau, vội vàng đứng dậy đi ra ngoài.
Đi ra khoang thuyền tới chỗ vừa nghe thấy tiếng, chỉ thấy phía sau khoang thuyền tụ tập không ít người, ở giữa có người đang rống to, đoán rằng chắc là giữa hạ nhân xảy ra chuyện tranh cãi đánh nhau, loại sự tình này trong hạ nhân vốn là không hiếm thấy, Khánh Kỵ liền mỉm cười nói:
- Tống huynh mời xem, nếu theo lễ nhạc mà trị, thì nên từ từ giáo hóa, căn dặn đạo lí cho bọn họ. Nếu theo tự nhiên mà trị, chúng ta cứ làm như không thấy, cứ để họ đánh, đánh tới khi bọn họ tự cảm thấy rằng đánh nữa sẽ chỉ bất lợi cho cả hai, khi đó tự sẽ dừng tay.
Tống Triều ha ha cười nói:
- Nếu như thế, Ngô huynh nếu không ngại thì lấy pháp lệnh mà bắt tuân theo, lấy pháp để phạt họ đi.
Khánh Kỵ mỉm cười:
- Phải như vậy thôi, mời.
- Mời.
Hai người mỉm cười bước đi, Khánh Kỵ đã định bụng nghe ngóng tình hình, phân rõ thị phi, đương trường hành pháp, trừng trị kẻ sinh sự, lấy việc nhỏ nhìn việc lớn, cho Tống Triều được chứng kiến.
Ở khoang thuyền khiêu khích tranh cãi ầm ĩ không phải là người ngoài, mà chính là Quý Tôn Tiểu Man. Nàng đi tới khoang thuyền, đang ở mạn thuyền suy nghĩ tâm sự của mình, chợt nghe thấy một tiếng cục cằn vang lên:
- Phía trước đã tới Hoàng Long độ, nơi đó nước chảy xiết, thuyền lớn như của chúng ta, nếu chỉ dựa vào tay chèo sợ rằng không qua được, bảo những người kéo thuyền chuẩn bị dây thừng tốt, lát nữa sẽ lên bờ kéo thuyền, chuẩn bị sẵn sàng đi!
Theo tiếng hét lớn, một đại hán hai chân trần, mặc cát bào đi tới khoang thuyền phía sau quát to. Người này dáng người vạm vỡ, khuôn mặt sần sùi, hiển nhiên là khi còn nhỏ bị mắc bệnh đậu mùa, bộ mặt xấu xí đó khiến người ta không dám nhìn lâu. Quý Tôn Tiểu Man lẩn vào trong thuyền từ sáng sớm, cũng biết rõ thân phận của hắn, người đó là phụ tá cho người lái chính, tên là Triệu Dương, phụ trách những việc tạp vụ trên thuyền, cũng coi như là quản sự.
Quý Tôn Tiểu Man vừa thấy hắn tới, xoay người liền muốn bỏ chạy, Triệu Dương đi tới, lại chính là mặt đối mặt với nàng, liếc mắt một cái là nhìn thấy bộ dáng của nàng, Triệu Dương hai mắt chợt sáng lên. Đêm qua Quý Tôn Tiểu Man bởi vì chuẩn bị đào tẩu, thay đổi một bộ áo xanh bình thường, thoạt nhìn giống như một hạ nhân làm tạp dịch. Triệu Dương đánh giá nàng từ trên xuống một hồi, thấy thiếu niên này dáng người nhỏ xinh, mặt mày tuấn tú, vẻ dữ tợn trên khuôn mặt rỗ dần trở nên nhu hòa đi chút, thanh âm nhẹ nhàng hỏi:
- Vị tiểu huynh đệ này, ngươi là ai, sao ta chưa từng thấy mặt ngươi?
Quý Tôn Tiểu Man có chút chột dạ, cụp mắt xuống đảo đảo suy nghĩ một hồi rồi nói:
- Ờ, ta... ta là theo thương đội tới Vệ quốc.
- Là người trong thương đội à?
Triệu Dương càng kỳ quái:
- Thương đội lúc lên thuyền ở Phí thành, bọn họ đều đã ra mắt ta, cũng không nhìn thấy mặt ngươi, ngươi rốt cuộc là...
- Xuỵt..., xin nhỏ giọng đi chút...
Quý Tôn Tiểu Man nhìn trái nhìn phải, áp sát vào hắn, khuôn mặt nhỏ nhắn trở nên ngọt ngào mang theo chút lấy lòng:
- Triệu đại ca, thực không dám giấu, ta vốn là ở Khúc Phụ. Phụ mẫu đáng thương của ta đều mất, một người ở Khúc Phụ không thể sống được, ta có một ca ca trong nhà, mấy năm trước tới Vệ quốc, ta nghĩ muốn tới dựa vào hắn, nhưng lại không có nhiều lộ phí như vậy, hôm nay ở bến tàu nghe nói chiếc thuyền này đi Vệ quốc, cho nên...
- Hay cho ngươi, hóa ra là một tên vụng trộm lẻn lên thuyền...