Cứ tầm hai giờ chiều, thằng Hái theo lịch trình sẽ rời nhà, cầm xấp vé số đi một vòng quanh xóm. Khổ nỗi nó đi đến đâu, người ta đều né như né tà.

“Đừng có lại gần thằng đó. Nó bị HIV đó!” Ông Tư tạp hóa cảnh báo tôi khi thấy tôi mon men ý định ủng hộ vài tờ.

Tôi nghe xong cũng nhát, từ bỏ lòng trắc ẩn một mạch về nhà.

Tất cả người dân quanh xóm đều bài xích nó, duy nhất chỉ có một người luôn cười khi thấy nó đi qua.

Đó là chị Huệ.

Chị Huệ lúc nào cũng xách theo một cái giỏ chứa những thứ linh tinh, mặc một chiếc áo màu tím kèm theo cái quần vàng cũ kỹ, nơi đáy quần còn đọng lại màu đỏ sậm của những lần chu kỳ đến nhưng không vệ sinh.

Chị gặp ai cũng cười, vì chị bị điên.

Mẹ tôi từng nói ngày xưa chị Huệ rất bình thường. Sau khi cô ruột lừa lấy mất căn nhà liền tức quá hóa tâm thần. Chị hay đi lang thang nhặt rác của người ta vứt trên đường, kể cả phân chó chị cũng hốt dọn. Lũ trẻ trong xóm hay trêu chị, gọi chị: “Con Huệ! Con Huệ khùng.”

Chị vẫn cười dù bị chửi. Tôi chưa bao giờ thấy nụ cười tắt trên môi của chị.

Thằng Hái thấy chị cười với nó, nó vui lắm dù biết chị không bình thường. Từ ngày phát hiện mình dương tính với ma túy, xung quanh không ai nói với nó một câu kể cả chữ đơn giản nhất: “Chào!” Cũng đúng thôi, ngày xưa nó quậy quá, chỗ nào ăn chơi cũng đều có mặt nó. Sau này nhiễm HIV rồi, nó trở nên hiền hơn, không phá làng phá xóm nữa. Nhưng cái tiếng xấu của nó đã ăn sâu vào trong tiềm thức của người dân. Bây giờ bảo nó hoàng lương, mọi người thà tin heo nái biết leo cây còn hơn tin nó.

Chị Huệ không biết có tin nó không, miễn chị cười với nó thì nó đã thấy hài lòng. Ít ra vẫn còn người không lơ nó. Tôi hay thấy nó mua cho chị khi là một ổ bánh mì, khi là một cái bánh bao, có khi là cả một hộp cơm sườn - điều mà mọi người nơi đây chưa bao giờ làm.

Một buổi tối tan ca về trễ, tôi thấy thằng Hái bới từ trong bịch rác đầu xóm ra một tấm màng cửa cũ màu xanh, mặt nó hiện đầy sự vui vẻ. Thấy tôi nhìn, nó liền ôm tấm màng chạy nhanh về nhà.

Hôm sau, tôi thấy tấm màng trong giỏ của chị Huệ. Thì ra nó đem cho chị làm cái mền đắp đỡ lạnh.

Sau lần đó, tôi bớt sợ nó hơn.

Ngày chủ nhật nghỉ làm, tôi canh lúc hai giờ ra đứng trước nhà. Thấy thằng Hái đi qua, tôi liền ngoắc tay bảo nó lại, mua giúp nó vài tờ.

Nó như không tin vào mắt mình, cầm tờ năm chục ngàn đưa lên trời soi lấy soi để. Xác nhận không phải mơ, nó cảm ơn ríu rít rồi lại đi mời những chỗ khác.

“Sao con dại quá vậy? Lỡ nó lây bệnh rồi sao?” Dì Năm đối diện nhà trách khẽ khi thấy tôi mua tận năm tờ.

Tôi chỉ cười trừ đáp lại: “ HIV lây qua đường máu dì Năm ơi! Vé số này mới tinh à.”

Dì Năm lắc đầu bất lực trước sự “thiếu hiểu biết” của đứa con gái nhà đối diện.

Cũng trong tối hôm đó, vì ăn quá no nên tôi đi dạo một vòng quanh nhà, phát hiện chị Huệ đang ăn một món gì đó. Do trời quá tối, tôi tiến lại gần hơn để nhìn cho kỹ. Thì ra là hộp mì xào kèm theo một chai nước nhỏ.

Không cần đoán tôi cũng biết từ đâu chị có được những thứ này.

Lòng tốt của một người hóa ra là điều mà đến người điên cũng có thể cảm nhận được, xuất phát từ bất cứ tầng lớp nào trong xã hội bao gồm tâm hồn của một kẻ từng ăn chơi.

Sau này, thằng Hái bị công an khu vực bắt vào trại cai nghiện, chị Huệ không còn được ai đem cho ổ bánh mì, hộp cơm như trước.

Chị vẫn cười khi thấy tôi. Mọi thứ vẫn diễn ra như bình thường. Chỉ là vào hai giờ trưa, chị hay đi một vòng quanh xóm ngó dáo dác, tìm kiếm điều gì đó mà không ai biết.