Bắc Thần

Chương 5: \"Hiếu kinh\" gây sóng gió

- Vị nữ quan này trông thật lạ mặt. Chẳng hay trước kia mụ nhậm chức ở nơi nào? - Hoàng lục nữ không tiếp tục vấn đề này nữa, bèn chuyển đề tài sang Cát thị.

- Thưa, nô tỳ trước kia hầu hạ trong Từ Thọ cung, Thái hậu giá băng, nô tỳ được điều tới Phượng Thê cung, bây giờ thì hầu hạ Vĩnh Lạc công chúa. - Cát thị thi lễ, đáp.

Dụ Ngôn Thanh gật đầu, ra vẻ đăm chiêu. Dụ Huấn Chiêu nhìn mặt đoán ý, biết hoàng lục nữ có chuyện muốn nói với mình, đành tìm cớ:

- Bản cung khát nước, nữ quan hãy về Tín Phương cư lấy một bình trà cúc tới đây đi. 

Trà nước trên bàn đầy ra đấy, sao không uống đi. Giả như không thích uống thì bao nhiêu người như vậy, sao cứ nhất định phải là mụ, Cát thị muốn phản đối song đã bị ánh nhìn như cười như không, thực chất giấu đầy lạnh lẽo của Vĩnh Lạc công chúa dọa sợ. Bao lời đến miệng đều phải nuốt xuống, chỉ đành vâng mệnh rời đi.

Cát thị vừa khuất bóng, Dụ Ngôn Thanh đã cau mày, dò hỏi:

- Mẫu hậu thực sự ban mụ ta cho em à?

- Vâng, đúng thế. Có điều gì bất thường ạ?

Hoàng lục nữ do dự một lát, cẩn thận vẫy lui hai cung nữ theo hầu mình là Hương Cầm, Hương Kì. Vĩnh Lạc công chúa cũng hiểu ý cho hai đứa bé nhà mình lui theo.

- Em nghĩ xem, mụ ta từng hầu hạ Thái hậu. Quan hệ của Thái hậu với phụ hoàng của chúng ta lại như thế kia. Vậy nên chị mới cảm thấy mẫu hậu có ý đồ riêng.

Thái hậu Triệu thị không phải mẹ ruột của Chương Hòa Đế, càng không phải Hoàng hậu đời trước. Bà ta là sủng thiếp của Thế Tông, xuất thân gái hoa, chẳng biết bản lĩnh thế nào mà được tiên đế xem trọng, con trai được phong thái tử. Triều thần phản đối kịch liệt, ngày nào cũng có người đập đầu can gián ở Bàn Long điện. Gián quan mắng thái tử không phải đích cũng chẳng phải trưởng, đã thế còn tối dạ ngu đần, chỉ biết cậy thế mẹ ruột được sủng, mắng Thái hậu khi đó còn là Quý phi, mắng cả Thế Tông đến tối tăm mặt mày. Mà Thế Tông vốn cũng chẳng cứng rắn được như Chương Hòa Đế, hai bên giằng co đúng hai tháng thì Thế Tông phải chịu thua. Con trai Quý phi ngồi ghế thái tử còn chưa ấm đã phải ra chuồng gà chơi, trở thành vị thái tử ở ngôi ngắn nhất trong lịch sử nước Vinh. Sở vương (Chương Hòa Đế) tức vị, tuân theo di chiếu của Thế Tông tấn tôn Triệu Quý phi làm Thái hậu, phong con trai bà ta làm Ngô vương. Năm Chương Hòa thứ hai, Ngô vương mưu phản bị xử lăng trì, Thái hậu thì “bạo bệnh” qua đời.

Nói chung, những người có tầm mắt đều sẽ ngấm ngầm cảm nhận được sự khác thường gì đấy. Bởi nhà bình dân chết bệnh thì có thể là chết bệnh thật nhưng ở nơi quyền quý, chết bệnh thường chỉ là cái cớ hợp lí để che đậy một số sự thật không thể phơi bày dưới ánh mặt trời mà thôi.

Liên hệ đến lời đồn mẹ ruột của Chương Hòa Đế chết trong tay Thái hậu thì cũng có khả năng Chương Hòa Đế xử chết Thái hậu lắm.

- Em sẽ cẩn thận hơn. - Dụ Huấn Chiêu nhìn quanh quất, nói: - Uy vọng của mẫu hậu vẫn luôn cao, chị chớ vạ miệng.

- Em nói phải. - Dụ Ngôn Thanh gật đầu, lại hỏi: - Hôm nay em tới Phượng Thê cung vấn an, thế có gặp được mẫu hậu không?

- Ôi. Mẫu hậu bận trăm công nghìn việc, đến cái bóng của bà, em còn chẳng được thấy nữa là. - Nói rồi, Vĩnh Lạc công chúa tóm lược sự việc hôm nay cho hoàng lục nữ nghe, hoàng lục nữ thất kinh:

- Em xử sự hấp tấp quá. Người ở cung mẫu hậu, nói thế nào cũng không tới lượt chúng ta quản giáo. Mẫu hậu trước nay luôn không vừa mắt mẹ Thiền, tuy không đến mức giày vò khiến em thiếu ăn thiếu mặc nhưng chuyện ngáng chân e rằng khó tránh.

- Chị à. - Vĩnh Lạc công chúa đưa mắt nhìn hàng cây ngân hạnh đã chuyển vàng ngoài kia, bầu trời cao vợi, sâu trong hoa viên đầy những chậu cúc nở sớm mà sớm nay đám cung nhân bên hoa phòng chuyển tới. Gió thoảng đưa hương khiến lòng người gợn sóng.

- Em không làm gì thì mẫu hậu vẫn chướng mắt em thôi. Bà đã cho em quyền xử trí thì em dại gì không trút cơn ấm ức chứ. Cứ nhịn mãi thì sớm muộn gì cũng không chịu nổi nữa.

Hoàng lục nữ dán mắt nhìn em gái, phát hiện em thay đổi rất nhiều. Cơn đau xót trào dâng, nàng nghĩ đến mấy năm qua em gái phải chịu sương gió nơi xứ người, thậm chí không chỉ là sương gió mà còn là nhiều điều khốn nạn khác...

Đúng vậy, chẳng gì thì mẫu hậu cũng không ưng em ấy, thế nhưng…

- Mẫu hậu ngồi ở ghế phượng hơn hai mươi năm, Thái Tử điện hạ làm chủ Đông cung, thanh thế trong triều không phải dạng vừa, không thì còn có anh sáu Duệ vương. Tương lai của mẫu hậu đã chắc tám phần là ở Từ Thọ cung rồi, chúng ta không cự lại được đâu. 

Chớ trách hoàng lục nữ khiếp đảm, dưới gối Chương Hòa Đế tổng cộng hai mươi ba người con, đến nay chỉ có chín hoàng nam và sáu hoàng nữ còn sống. Không ít, nhưng thử ngẫm lại mà xem, tại sao con cái của Kinh hậu không ai chết yểu? 

Lí giải cho điều này thì có nhiều cách nói song theo cách được lưu truyền rộng rãi nhất thì nghe đâu Kinh hậu có tướng vượng phu ích tử nên các con do bà sinh ra đều là rồng phượng trong loài người, phúc trạch nồng hậu. Đối với lời đồn này, Dụ Huấn Chiêu chỉ cười nhạt. 

Thủ đoạn thì kinh rồi.

Nghe có khác gì đang đánh bóng tên tuổi đâu chứ.

- Chuyện tương lai khó đoán, em chỉ biết bệ hạ vẫn đang tại vị, tuy ngài không mấy thân thiết với con cái nhưng thứ nên cho chúng ta, ngài sẽ cho không thiếu một thứ gì. Mà mẫu hậu dù sao cũng phải nhìn trước ngó sau. - Dụ Huấn Chiêu hơi ngừng, rồi lại tiếp tục: - Có lẽ chị sẽ thấy khó chịu nhưng em luôn nghĩ cung đình đã là nơi như vậy. Rúc đầu trong mai có thể tránh được mối nguy nhất thời chứ không tránh được cái hoạ về lâu dài.

- Như chị chẳng hạn, cứ cho rằng chị được nuôi dưỡng dưới gối Hiền phi lâu năm cũng có tình cảm nhưng chung quy không phải con ruột của bà. Hiền phi đã có chị An Kỳ để lo lắng, chăm nom rồi, hơi sức đâu mà chăm lo cho chị nữa.

 Bằng chứng là đến nay hoàng lục nữ vẫn chưa có hôn phối, thậm chí còn chưa được phong công chúa. Giả như Chương Hoà Đế bận rộn chính sự mà quên đi thì người bên cạnh ít ra cũng phải nhắc nhở đôi câu. Thế nhưng đến giờ vẫn không có tiếng gió truyền ra. Càng kéo dài thì ai mà biết tương lai sẽ xảy ra biến cố gì.

- Chị à, em chỉ nói là nếu như thôi. Nếu như tương lai bệ hạ cần gả một công chúa đi hoà thân thì người đó chưa chắc sẽ là con gái trong tông thất đâu. Về phần là chị, chị Tranh, em, hay em Tiếu thì ai mà biết được.

Cơn gió nhẹ nâng niu làn tóc đen mượt bồng bềnh tựa mây, hoàng lục nữ bàng hoàng, dường như đã nghĩ đến khả năng ấy, chợt nghĩ đến một người khác cũng được gả đi xa. Nước nhà không thể làm chỗ dựa, chú ruột hận cha nàng gần chết càng không có khả năng làm cây cao bóng cả cho nàng dựa vào. Sinh ra vinh hiển mà nửa đời sau long đong lận đận. Tuy nói không cùng chí hướng khó lòng chung đường nhưng dẫu sao… dẫu sao cũng là máu mủ ruột rà. 

Một giọt máu đào hơn ao nước lã. Muốn rẫy bỏ thì có thể rẫy bỏ được chăng?

Không! Đây là nhà đế vương. Nhà đế vương không có nghĩa tình.

- Công chúa. - Ngưng Chỉ bước vào gián đoạn cuộc trò chuyện, khẽ thưa: - Em thấy bóng Cát thị ở xa ạ.

Ngụ ý chính là có chuyện bí mật gì thì mau nói cho xong.

Rất nhanh Cát thị đã mang tới một tin tức không mấy tốt lành.

- Thưa, lệnh bà sai người tặng thưởng tới Tín Phương cư ạ. - Mụ đi vội, tóc tai có phần tán loạn, trà cúc cũng không buồn chuẩn bị mà thực ra chẳng ai để tâm đến trà cúc cả.

Dụ Ngôn Thanh bừng tỉnh, nắm tay Dụ Huấn Chiêu bảo: - Thôi, em về đi kẻo muộn.

- Vâng.

Tín Phương cư

Vĩnh Lạc công chúa vừa bước qua cửa lớn đã thấy đại cung nữ Thường Nhã của Phượng Thê cung đứng chờ trong sảnh chính. Thường Nhã đã gần ba mươi, ăn vận chỉnh tề, không quá xinh đẹp mà thanh tú vừa đủ, xử sự cũng khôn khéo, hay nên nói đám cung nữ thân cận của Hoàng hậu ai nấy đều biết chừng mực.

- Nô tỳ thỉnh an công chúa. - Ánh mắt rũ xuống không nhìn thẳng, ngôn hành cử chỉ rất mực tôn kính cứ như thể Vĩnh Lạc công chúa chỉ ra ngoài dạo chơi bái Phật một thời gian chứ chẳng phải là nàng nhục nhã đi đày nơi man tộc.

Không so sánh thì thôi, vừa so cái là đã ăn đứt đám cung nhân bình thường rồi. Chẳng trách người ta được trọng dụng.

Dụ Huấn Chiêu ngồi lên ghế trên, mỉm cười bảo cô miễn lễ.

- Lệnh bà tặng cho công chúa năm cuộn gấm Thủy Ngọc, một bộ văn phòng tứ bảo, một chuỗi tràng hạt gỗ đàn.

Dứt lời, đám cung nữ theo sau Thường Nhã cũng lần lượt trình khay đỏ lên cho nàng thưởng lãm. Vĩnh Lạc công chúa chưa vội nhìn đã rời ghế, quỳ về hướng Phượng Thê cung, lạy ba lạy tỏ ý tạ ơn. Xong xuôi, được Ngưng Chỉ đỡ dậy, nàng mới cười dài, bảo:

- Làm phiền cô cô đi một chuyến.

- Vốn là bổn phận của nô tỳ, công chúa khách khí rồi. - Thường Nhã uốn gối, đáp.

- Mẫu hậu còn căn dặn điều gì à?

Sắc mặt Thường Nhã không được tự nhiên, bởi chẳng ai lại đi hỏi thẳng thừng ra thế cả. Lẽ ra nên là: “Mẫu hậu còn căn dặn điều gì không?” mới đúng. Vị công chúa này đúng là không theo lẽ thường mà.

- Lệnh bà nhận thấy dạo gần đây thánh thể bất an, song có lòng mà không đủ sức nên đành cậy nhờ các hoàng nữ, công chúa chép kinh Phật cầu phúc cho bệ hạ.

Thường Nhã xoay người xốc chiếc khăn đỏ phủ trên cái khay cuối cùng chưa được mở. Dụ Huấn Chiêu ngó sang, mặt trầm xuống, nàng gượng cười:

- Cô cô mang nhầm rồi. 

Lẫn trong đám kinh sách nhà Phật có một cuốn “Hiếu Kinh”. “Hiếu Kinh” vốn là kinh sách Nho giáo, răn dạy về đức hiếu. Chẳng liên quan gì tới chuyện chép kinh Phật cầu phúc cả, trông có vẻ giàu ý tứ sâu xa.

- Thưa, nô tỳ không nhầm. Lệnh bà bảo rằng Đại Vinh lấy hiếu đức trị vì thiên hạ, lấy lễ nghĩa giáo hóa muôn dân. Phàm là bậc bề trên thì càng phải làm gương cho trăm họ. Nay để công chúa ngày ngày nhẩm đọc cốt để thấm nhuần lời dạy bảo của thánh nhân, mới không quên hiếu kính cha mẹ.

Đấy! Biết ngay mà! Làm gì có chuyện Kinh hậu dễ dàng tha thứ cho việc nàng làm náo loạn Phượng Thê cung như vậy.

Đám đàn bà trong cung ấy mà, thường thích lục đục ngấm ngầm kiểu vậy đấy.

- Có thật không? Chỉ một mình bản cung hay cả các chị em khác? - Vĩnh Lạc công chúa không thể tin nổi.

Trăm nết thiện, hiếu đứng đầu. Chữ hiếu chính là gốc rễ của thời đại này. Ngay cả bậc thiên tử, nếu không giữ hiếu đạo, ắt sẽ có lớp lớp đại thần đứng lên can gián, tiếng xấu lưu truyền ngàn đời, thậm chí có thể đánh mất ngôi vị. Một quyển “Hiếu Kinh” có thể úp lên đầu Vĩnh Lạc công chúa cái tiếng bất hiếu, khiến nàng ta khó khăn trăm bề. Bởi thế nên Thường Nhã chẳng lấy làm khó hiểu trước phản ứng của công chúa. Cô ta vẫn giữ dáng vẻ khom lưng uốn gối của bề tôi đối với bậc bề trên, chỉ là trong nét cười ẩn hàm một điều gì đấy không biết nên gọi là khinh miệt hay thương hại.

- Vâng. Nguyên văn lời của lệnh bà là vậy. Nô tỳ đâu dám thêm thắt chữ nào. - Giọng cô ta thoáng nâng cao: - Ngoài ra, hoàng lục nữ, hoàng bát nữ và hoàng thập nữ trong cung, An Kỳ công chúa và Cảnh Du công chúa ngoài cung mỗi người đều được ban một cuốn “Nhị thập tứ hiếu”. 

Dụ Huấn Chiêu đương nhiên hiểu thâm ý trong ấy. Những người khác đều là “Nhị thập tứ hiếu” chỉ mình nàng được “Hiếu Kinh”, đám người dưới trong cung mà không suy nghĩ sâu xa mới là lạ đấy. Còn như bật lại, người chịu thiệt vẫn là nàng thôi. Hoàng hậu dạy dỗ con cái vốn chuyện thường, hơn nữa bà ta cũng không công khai kết tội nàng. Phản ứng kịch liệt càng chứng tỏ mình chột dạ.

Có điều, nàng không phải em họ. Ba thứ ám chỉ mơ hồ này chả là cái đinh gì đối với nàng cả.

Là người bình thường, lúc này ắt nên rỏ mấy giọt lệ.

Mà nàng xác thực cũng làm như vậy…

- Cô cô… - Vĩnh Lạc công chúa khẽ gọi, lúc ngẩng mặt lên, có chuỗi ngọc châu trong veo rơi xuống. Không ai nếm thử nhưng nghe sao mằn mặn, đăng đắng. Mờ mịt hốt hoảng hợp với một diện mạo đẹp đẽ hơn hoa khiến ai nhìn thấy cũng không khỏi xiêu lòng. Tiếng nghẹn ngào, nức nở vỡ tan trong không trung nghe mà muốn ôm ấp che chở:

- Có phải mẫu hậu trách ta vượt qua bổn phận không? Cô cô…

Thường Nhã thừa biết người trước mặt rồi cũng sẽ đứng khác chiến tuyến với chủ nhân nhà mình. Nhưng không thể phủ nhận, trong một giây phút nào đó, cô thậm chí đã tước vũ khí đầu hàng. Vị công chúa này thừa hưởng dung sắc của mẹ, bình thường mặt mày luôn tươi cười ôn hòa, xa cách tựa như những người con gái được hun đúc bởi những quy tắc chốn khuê môn. Song lúc trút bỏ bộ cánh hào nhoáng lãnh đạm, vẻ yếu mềm đau thương quả là khiến người ta rung động.

Quả là… thứ dụ dỗ không biết liêm sỉ.

- Thưa, chuyện này nô tỳ không dám nói bừa. - Thường Nhã dù sao cũng là người hầu cận Kinh hậu lâu năm, đã trui rèn được một trái tim cứng rắn. Cô đáp lại bằng một nụ cười trông chẳng mấy thân thiết mà vừa đủ xa cách.

- Nhưng công chúa không nên nhầm lẫn giữa công và tư. Công chúa là phận con, tiếp thu lời răn của cha mẹ càng là chuyện phải làm. Mà lệnh bà là mẫu hậu của ngài, răn dạy ngài, đó là bổn phận, là trách nhiệm.

-------------------

"Hiếu Kinh": Một tác phẩm kinh điển được Nho học đề cao. Nội dung thuật lại một cuộc trò chuyện giữa Khổng Tử và Tăng Tử về đạo Hiếu.

"Nhị thập tứ hiếu": Một tác phẩm kể lại sự tích của hai tư tấm gương hiếu thảo do Quách Cư Nghiệp biên soạn.

(Nguồn: Wikipedia)