Phượng Thê cung hôm nay cũng thật náo nhiệt. Canh giờ vừa đúng, đám oanh yến vội thu lại tiếng nói cười ríu rít, đồng loạt quỳ gối thi lễ với bóng dáng đang được nữ quan Thẩm thị dìu đỡ chầm chậm bước qua bức bình phong bách điểu triều phượng vào chính điện.

- Chúng thiếp kính chào lệnh bà, chúc lệnh bà mãi mãi tươi trẻ, phúc thọ dài lâu.

Kinh hậu mặc một bộ áo bào đỏ tươi thêu những họa tiết hoa cỏ, mây nước, ngũ phúc (1); mặt mày tươi tỉnh trông rất có tinh thần. Bà ngồi thẳng người trên ghế phượng, hai tay đặt giao nhau trên đùi, nền nã chỉnh tề, phong phạm đoan trang của bậc quốc mẫu toát ra từ từng cử chỉ, nét mặt. Công bằng mà nói thì vẻ đẹp của Kinh hậu không phải loại diễm lệ lấn át tất thảy như Ý Anh Hoàng hậu mà chỉ đạt đến trình độ thanh nhã, không mấy nổi bật giữa trăm hồng nghìn tía.

Cố tình người đàn bà như vậy lại ngồi ổn ngôi hậu hơn hai mươi năm.

- Miễn lễ cả đi. - Bà khẽ nâng tay.

- Tạ ơn lệnh bà. - Đám phi tần đồng thanh rồi lần lượt từng người ngồi vào vị trí của mình.

Hoàng hậu bắt đầu hỏi thăm các phi tần, thái độ hòa nhã, các phi tần cũng nhất nhất đáp lại. Hương thoảng trà thơm, bầu không khí rất mực thiện lành, đây chính là cảnh tượng hậu cung hài hòa luôn làm vui lòng Hoàng đế.

Cho đến khi, Kinh hậu phát hiện ra thiếu mất một người:

- Khánh Sung nghi đâu rồi?

Chúng phi tần bấy giờ mới “nhớ” ra đúng là không thấy Khánh Sung nghi đâu thật. Bọn họ liên tưởng tới việc Chương Hòa Đế không thèm đếm xỉa đến cô ả hôm qua, nhiều người rỉ tai nhau khe khẽ, sau đó liền có tiếng cười rúc rích vang lên.

- Thưa lệnh bà, em ấy có hành động mất mặt, chắc cũng tự biết xấu hổ lấy, bây giờ có khi đang trốn trong Quan Thư cung không dám tới vấn an lệnh bà cũng nên.

Người lên tiếng tư thái trang nhã, thanh quý hơn người, cử chỉ tao nhã hiền thục so với trung cung không hề kém cạnh song lại tỏ ra nhún nhường. Nhưng đừng vì vậy mà lầm tưởng, địa vị của bà thật ra lại là quý phi chỉ dưới một mình Hoàng hậu. Hơn nữa Đoan quý phi xuất thân không tầm thường, còn là trường hợp duy nhất được Chương Hòa Đế cho phép sửa lại ngọc điệp hoàng thất, ghi tên hoàng nam thứ năm - Thuận vương điện hạ dưới danh nghĩa của bà (2). Ân sủng nồng hậu quả đã khiến cho hậu cung phải đỏ mắt.

- Đâu ra cái lí ấy! Nếu cô ả thật sự biết lỗi thì càng phải tới vấn an, xin lệnh bà khoan thứ cho mới phải. Ngữ thấp kém chỉ biết mời sủng mà không hiểu cái gì là tôn ti đích thứ, đặt ở nước Yến bọn muội ắt phải giáng mấy bậc phẩm trật mới biết mình sai ở đâu được.

Có những lời, người phẩm trật thấp không dám nói, người phẩm trật cao lại chẳng buồn nhắc.

Trang phi dám nói bởi vì nàng là trưởng công chúa nước Yến, rất tự hào về xuất thân của mình, nói dăm ba lời đều treo nước Yến bên khóe môi. Khiến cho Đoan quý phi được vọng tộc danh giá nuôi dạy hết sức có ý kiến, đã phê bình kín đáo vài lần mà Trang phi vẫn không chừa, thành thử bà cũng chẳng thèm bảo ban thêm lời nào nữa.

Kinh hậu cũng khó chịu nhưng không phải vì việc ấy, bà nhẹ nhàng cảnh cáo:

- Sau này không được nói thế nữa. Khánh Sung nghi là họ hàng xa của em Thiền, nói Khánh Sung nghi như vậy chẳng khác gì đang mắng luôn em Thiền cả.

Lời lẽ khó nghe tuôn ra từ miệng Trang phi không chỉ vả vào mặt Khánh Sung nghi mà còn động chạm đến Hoàng quý phi. Hoàng quý phi lại là cái vảy ngược của bệ hạ. Lỡ như truyền tới tai ngài thì chẳng phải bà sẽ mang tội danh quản giáo không nghiêm ư?

Muốn nói xấu gì thì đóng cửa phòng vào mà nói, đã ngu còn thích to mồm.

Một bên là Khánh Sung nghi, một bên là em Thiền, chúng phi tần nghe thôi cũng hiểu rõ trong lòng trung cung thiên vị ai. Thứ không biết điều như Khánh Sung nghi, bị ghét là đáng đời. Hàng thứ phẩm mà bày đặt giở thói ngạo mạn, chẳng chóng thì chày cô ả cũng sẽ bị bệ hạ ghẻ lạnh mà thôi. Đến khi đó...

- Lệnh bà dạy phải ạ.

Đám phi tần bắt đầu lấy làm lạ bởi phe Hoàng hậu hay phe trung lập đều tỏ thái độ cả rồi thế mà Chu quý phi vẫn chưa vặc trả câu nào. Đúng là chuyện xưa nay hiếm thấy

Chu quý phi ngồi ghế đầu tiên bên phải dưới ghế phượng là tướng môn hổ nữ, sinh hạ hoàng nam thứ ba, lại nuôi nấng hoàng nam thứ tám, thanh thế cũng gần ngang ngửa trung cung. Cùng là quý phi nhưng Đoan quý phi luôn bo bo giữ mình, còn Chu quý phi lại cứ thích cạnh khoé Hoàng hậu. Có điều, đẳng cấp của người ta thì cao rồi, lời khiêu khích bóng gió mờ mịt mà vừa đủ để người có trình độ thấp cũng nghe hiểu chứ đâu chỉ tên thẳng mặt như ai kia.

- Xem đi, vừa nhắc Tào Tháo, Tào Tháo đã tới rồi đấy. - Chu quý phi đột nhiên cất lời, quả nhiên, ngay lúc này gã nội thị gác cửa xướng dài: - Khánh Sung nghi tới.

Tiếng cười ngân nga êm dịu, người còn chưa thấy bóng mà âm đã vào trước. Khánh Sung nghi vịn tay cung nữ bước qua tấm rèm châu, eo thắt đáy lưng ong, thướt tha đỏm dáng. Cô ả tới trước Kinh hậu uyển chuyển cúi đầu, tà váy tử đinh hương mềm mại tỏa rộng trên sàn điện lát gạch ngọc, trong một nháy mắt nào đó Kinh hậu đã tưởng mình thấy được Hoàng quý phi sống lại.

- Thiếp xin bái kiến lệnh bà. Đêm qua thiếp đau đầu mới chậm trễ, chắc lệnh bà không trách thiếp đó chứ?

Kinh hậu liếc nhìn Khánh Sung nghi, ảo tưởng đã bay biến đâu mất kể từ khi cô ả mở miệng. Bà gẩy gẩy lá trà, nét mặt vẫn cứ đoan chính.

- Bản cung cho người rút thẻ hoa của Sung nghi xuống một tháng. Sung nghi thấy thế nào?

Dám phạt phi tần đang được sủng, trung cung này cũng không phải một bà vợ cả bất lực. Ý tứ của Hoàng hậu, Khánh Sung nghi ngu mấy cũng hiểu, cô ả cười nhạt không cho là đúng:

- Lệnh bà thích rút thì cứ rút. Dù sao thì bệ hạ muốn triệu hạnh ai, lệnh bà cũng đâu quản được hết, hơn nữa không nhất thiết phải lật thẻ hoa. Chỉ là đến lúc đó mong lệnh bà giơ cao đánh khẽ, đừng làm khó các Đồng sử (3) mới phải.

- Việc ấy Sung nghi cứ yên tâm. Bệ hạ không phải quân chủ tham sắc, ngài nhất định sẽ thông cảm cho lí do chính đáng của Sung nghi thôi.

Kinh hậu ngó thấy khuôn mặt hí hửng của Khánh Sung nghi, tiếp tục bổ sung:

- Đêm qua Khánh Sung nghi phải gió bị nhiễm phong hàn, không thể hầu hạ thánh giá. Thường Tân, đợi buổi chầu sớm tan, cô sang Kiến Xương cung báo với bệ hạ một tiếng.

Cái uy của trung cung quang minh chính đại mà chẳng cần phô trương thanh thế quả là khiến ai nấy đều cảm phục.

Thường Tân thưa dạ.

Tức thì, sắc mặt Khánh Sung nghi xám đi, cô ả bất chấp việc Hoàng hậu chưa cho mình miễn lễ mà đứng bật dậy, nhìn thẳng mặt Kinh hậu, chỉ trích:

- Lệnh bà, thiếp chẳng qua chỉ vô lễ một chút. Ngài luôn tự nhận mình rộng lượng, cớ sao không chịu khoan thứ cho thiếp?

Trang phi bật cười, đã không hiểu lí lẽ lại cứ thích cãi cùn. Nghe thử xem vô lí chưa kìa. Cái thứ đi ra từ nơi hèn kém mà còn không biết tự lượng sức mình. Cùng mang họ Tư Không mà khác nhau đến vậy ư?

Kinh hậu không thèm đếm xỉa tới, thản nhiên uống trà, nói cười với các phi tần khác, không ai thèm để ý tới cô ả nữa. Dần dà, Khánh Sung nghi cũng tự thấy mất mặt, ấm ức vung tay áo tới chỗ mình ngồi xuống. Trận khẩu chiến đến đây kết thúc với phần thắng thuộc về Hoàng hậu. Có điều Khánh Sung nghi cũng chẳng ngồi không, khi không khí đang tươi đẹp lại chen miệng vào:

- Hôm nay thiếp đến đây để đòi lại công bằng cho cháu gái, mong được lệnh bà quan hoài.

- À. - Hoàng hậu chuyển dời tầm mắt sang Khánh Sung nghi, bảo: - Sung nghi hãy cứ nói.

Đám phi tần, cung nữ theo hầu đều dỏng tai lắng nghe. Mắt thấy lời nói của mình có trọng lượng, Khánh Sung nghi thỏa mãn cong môi, mở lời:

- Lệnh bà và các chị, các em cũng đều biết trước kia Vĩnh Lạc công chúa ngụ ở Lan Trì hiên. Nay bệ hạ cho Trường Duyệt công chúa dời vào đó ở, thiếp không dám có ý kiến. Thế nhưng... - Khánh Sung nghi chợt ngẩng đầu đối mắt với Hoàng hậu, giọng điệu ra chiều thương xót lắm: - Thiếp nghe nói lệnh bà sắp xếp cho Vĩnh Lạc công chúa ở một nơi gọi là Tín Phương cư. Tín Phương cư? Thiếp tiến cung gần cả năm trời mà chưa từng nghe thấy, sợ công chúa chịu ấm ức nên phái người tới xem. Ai mà ngờ tới Tín Phương cư lại là cái nơi nghèo rách. Dám hỏi lệnh bà tại sao người lại làm thế? Chẳng phải ngài vẫn luôn đối xử tốt với đám con cái do chúng thiếp sinh ra ư? Là có nguyên do gì khó nói chăng?

Đám phi tần nghe xong, thầm cười nhạo cô ả đúng là đồ không biết xấu hổ. Nói cứ như thể yêu thương gì Vĩnh Lạc công chúa lắm, trong khi chính cô ả còn từng ước gì rũ sạch được quan hệ với công chúa ấy chứ. Nay tự dưng muốn làm lành, ai mà biết có rắp tâm gì?

Trang phi chẳng nhịn nổi cơn ngứa mồm, cười cợt:

- Chúng thiếp? Thế ra em Tình sinh con rồi à? Là hoàng nam hay hoàng nữ vậy?

Khánh Sung nghi khuê danh là Tư Không Tình. Ban nãy nói hớ một câu, ai ngờ lại bị cười chê, mà Khánh Sung nghi đương nhiên cũng chẳng chịu thua trước một phi tần chỉ hơn mình một bậc. Vặc lại:

- Thiếp chưa sinh con, là hoàng nam hay hoàng nữ cũng đều nhờ ơn trên cả. Chỉ tiếc cho chị đời này cũng chẳng thể có cái phúc ấy.

Một phen lời lẽ quả đã động tới nỗi đau của Trang phi.

Thiên hạ hiện nay chia làm bốn nước lớn: Cảnh phía Đông, Tề phía Tây Nam, Vinh đất Nam và Yến phương Bắc. Mỗi nước lớn có ít nhất bốn nước nhỏ phụ thuộc, mặt ngoài vẫn luôn giữ mối bang giao hòa hảo với nhau.

Các nước lớn vẫn luôn có một luật lệ bất thành văn, rằng: Hoàng hậu của nước nào chỉ có thể là người nước đó. Như vậy có nghĩa là thà rằng để con gái dân thường làm hậu cũng nhất quyết không để người ngoại bang trèo lên ngôi hậu. Công chúa chính thống của nước lớn khác gả sang cùng lắm chỉ là Quý phi mà thôi. Hơn nữa, bọn họ không được phép có con, con gái cũng không.

Bởi vì giữ lại mối nguy ngầm chi bằng bóp chết nó từ khi còn trong trứng nước.

Phòng ngừa trường hợp phi tần xuất thân ngoại bang có con trai để rồi nuôi mộng lớn, cấu kết với nước mẹ tàn hại tay chân, tránh để hoàng nam có huyết thống ngoại tộc kế thừa đại thống, luật ngầm ra đời, được các nước lớn thừa nhận.

Như vậy Trang phi đời này không thể có con, thậm chí cả quyền ôm con của các phi tần phẩm trật thấp về nuôi cũng chẳng có.

-------------

(1) Ngũ Phúc: Hình tượng năm con dơi và thường đi kèm với tiền vàng, chữ thọ, chữ vạn,… tượng trưng cho sự trường thọ, tiền tài, phúc lộc, niềm vui lớn,…

(2) Việc sửa lại ngọc điệp này có ý nghĩa là trước kia Thuận vương không phải là con ruột của Đoan quý phi nhưng sửa xong rồi thì mọi người đều phải thừa nhận Thuận vương là con ruột của bà ấy, kể cả trong lòng họ biết rõ Thuận vương không phải do Đoan quý phi sinh ra, mẹ ruột của ông thì ra coi như không có đứa con này.

(3) Đồng sử: Chức nữ quan quản việc yết kiến tiến ngự, phụ trách ghi chép lại ngày tháng phi tần được triệu hạnh. (Nguồn: Wikipedia)