Hình dáng tiều tụy của Trần Ngỗi khiến cậu chàng kinh ngạc.
Từng là một vị vua nhiệt huyết bừng bừng, có tráng trí hùng tâm đòi lại núi sông Đại Việt, vì sao lại trở nên người không ra người quỷ không ra quỷ?
Người ngồi trên ngôi cửu ngũ, chủ của một cõi giang sơn gấm vóc. Một lời y nói ra chính là thánh lệnh, chiếu chỉ.
Người như thế lại nói, lời y nói ra không ai tin…
Quả thực là chuyện kì lạ.
Thường thường, thời thế càng loạn lạc, thì những sự kì quặc trên thế gian cơ hồ lại càng nhiều.
Lê Hổ lúc này không biết nói sao để khuyên can Trần Ngỗi, chỉ có thể thở dài:
“ Nếu thánh thượng không nói, thì làm sao thần biết có nên tin ngài hay không? ”
Trần Ngỗi ngẩng đầu, sau đó lại cười thảm…
Mãi một lúc sau, ông mới lên tiếng:
“ Thực sự ta không hề giết ai. Đặng Tất. Nguyễn Cảnh Chân. Nguyễn Mộng Trang đều là do kẻ khác hại chết. ”
Lê Hổ tạm thời không đáp.
Thực tế, cậu chàng đã sớm đoán được ông sẽ nói như vậy.
Nhưng…
Phòng kín chỉ có bốn người.
Ba chết! Một thì vẫn đang ngồi đây…
Khói trầm vẫn bay nghi ngút.
Một lúc sau, như đã hết kiên nhẫn, Trần Ngỗi mới ngước lên, hỏi:
“ Ngươi có tin ta không? ”
Ánh mắt ông có đôi chút khẩn khoản, một chút van lơn, nhưng phần nhiều là chán chường.
Lê Hổ lúc này mới nói, giọng khẳng định chắc nịch:
“ Thần tin ngài. Nhưng hai vị Nguyễn, Đặng đại nhân hình như đều không phải võ tướng, không hề biết võ công. Nên ba người họ cho dù có tự tàn sát, thì Nguyễn Mộng Trang cũng không chết thê thảm như thế được. Trừ phi… ”
“ Trẫm hiểu. Khanh muốn an ủi ta. Lòng trung của khanh, ta đã hiểu rồi. ”
Trần Ngỗi khoát tay, ý bảo Lê Hổ mau đi ra khỏi chánh điện.
“ Thánh thượng, ngài hiểu nhầm ý thần… ”
“ Đi! Đi mau! Ha ha! Ha ha ha! Các người đều cùng một giuộc, đều là cá mè một lứa hết! Ai cũng coi trẫm là bù nhìn, là con cờ! Giờ trẫm sa cơ thất thế, bị kẻ gian đổ vạ, nên các người giở mặt, không thèm nghe theo ta nữa đúng không? Ta biết! Ta biết rồi! Chỉ có các người là người khôn… còn ta là kẻ ngu ngốc bị che mắt đúng không? ”
Trần Ngỗi lảm nhảm một hồi, nội dung của lời nói đã không còn rõ ràng.
Đoạn…
“ Cút! Cút ngay! ”
Ông ta vớ lấy cái mõ, toan ném vào mặt Lê Hổ. Chỉ tiếc nhịn đói lâu ngày, khí lực không đủ, nên vừa nhoài lên đã ngã sõng xoài ra đất.
Lê Hổ thở dài…
“ Thánh thượng, bây giờ ngài đang kích động, chắc không nghe thần khuyên. Nhưng nếu Trần Triệu Cơ có linh thiêng, cả những hộ vệ của ngài ở sông Vân dưới suối vàng nhìn thấy cảnh này, có lẽ cũng đau lòng. Họ hi sinh vì cái gì? Trung thần nghĩa sĩ, sau cùng chỉ xin bệ hạ hiểu cho tấm lòng son.”
Nói rồi đi ra khỏi phòng, khép cửa lại…
Lê Sát và Lê Thận đã chờ ở ngoài.
Họ đã nghe hết cuộc nói chuyện trong chính điện.
“ Cậu thực sự tin thánh thượng? Tôi thấy ngài ấy phát điên rồi. ”
Lê Sát gác thương lên vai, nói.
Lê Thận cũng đồng tình:
“ Mỗ thấy chuyện giết người trong phòng kín đã là quá hoang đường. Người còn sống duy nhất lại không giải thích được chuyện gì đã xảy ra, cứ u u mê mê thế này. ”
Lê Hổ nói:
“ Tôi tin thánh thượng không phải hạng dám làm không dám nhận. Chỉ không biết kẻ địch đã dùng kế li gián, giá họa kiểu gì. ”
“ Làm gì có kẻ nào thần thông như thế? Nếu không phải quỷ thần, thì chắc do ông ta tưởng tượng ra mà thôi. ”
Lê Sát nói.
Còn Lê Hổ thì lại trầm mặc…
[ Thực sự là quỷ thần ư? ]
Kể từ sau chuyện của Quận Gió ở Anh Hùng yến Tây Đô năm xưa, cậu chàng cứ có một cảm giác mơ hồ…
Rằng có một kẻ nào, hay một thế lực nào đó cậu không biết đang âm thầm đứng sau màn, thao túng tất cả…
Không có một lí do cụ thể nào cả, hoàn toàn là trực giác của Lê Hổ…
Nhưng lúc nghe Trần Ngỗi kể lại sự tình, không hiểu sao cậu lại có hồi tưởng lại chuyện ở Tây Đô. Giản Định của hiện tại, trong mắt cậu, lại giống với Quận Gió đến kì lạ.
Thiên hạ như một bàn cờ…
Lại như một tuồng rối nước.
Bên dưới mặt nước, sau tấm rèm thưa, là ai?
Tạm thời không có đáp án, thành thử ba người Lê Hổ quyết định ở lại Hoa Lư một thời gian. Trước là muốn khuyên can hai phe đình chiến, ngồi xuống nói lời thẳng thắn, tránh để hiểu nhầm thêm sâu, chỉ tố khiến ngoại xâm được lợi. Sau là để từ từ điều tra sự thật, xem xem ai mới là kẻ đã ra tay giết ba người Đặng Tất, Nguyễn Cảnh Chân và Nguyễn Mộng Trang.
Sáng hôm sau…
Có một tướng một thân một mình đến thành đông, nói là có chuyện muốn gặp Kim Ngô tướng quân của Lam Sơn.
Lê Hổ vừa hay tin, vội vã chạy xuống xem thử có chuyện gì xảy ra.
Trên đường núi trải đá, quả nhiên có hai tướng đang đứng gườm ghè nhau.
Đứng cao hơn đối thủ cỡ mươi bậc, tay cầm một thanh đao sơ sài là một kẻ mặt trắng không râu. Ngoại trừ hoạn quan Nguyễn Quỹ thì còn ai vào đây nữa?
Lê Hổ chuyển dịch tầm mắt về phía tướng đối diện. Người này một thân giáp đen, tay cầm đại chuỳ. Nhìn y mặt mày cục cằn, tưởng như là kẻ thô hào. Nhưng xem thật kỹ mới thấy ánh mắt có thần, sâu và sáng, rõ là kẻ có tâm tư cẩn mật, xem chừng cũng là một tướng giỏi. Lê Hổ lại phát hiện người này có tướng yểu mệnh, không khỏi thở dài một tiếng.
Động tác này rất nhỏ, sĩ tốt chung quanh chẳng ai nhận ra, nhưng hai tướng đang ngưng thần khoá chặt đối phương lại để ý. Chỉ thấy tướng nọ chắp tay, nói vọng lên:
“ Cho hỏi phía trước có phải Kim Ngô tướng quân hay không? ”
Lê Hổ gật đầu, trả lễ nói:
“ Phải. Xin hỏi tướng quân là? ”
“ Lê tướng quân cần gì phí tâm đáp lời đám loạn thần tặc tử? Phản tướng xem đao! ”
Nguyễn Quỹ quát to, đoạn vung thanh đao sơ sài lên, phạt một nhát. Y đứng từ trên cao, đao mượn đà bổ xuống, đã chiếm được địa lợi. Chỉ thấy tướng giáp đen đột nhiên hú một tiếng, dựng cây chuỳ lớn lên đỡ.
“ Bản tướng là Nguyễn Suý, tự nhận không thẹn một tiếng anh hùng! Không biết Lê tướng quân thì sao? ”
Lê Hổ thấy y tiếp đao, mà còn đủ khí lực quát một câu vừa dài vừa lớn như thế, không khỏi có chút tán thưởng. Tuy nhiên dù gì cậu chàng cũng từng gặp ba đại tông sư đương thời, nên muốn khiến cậu chàng nể phục, thì còn kém một chút.
Ầm!
Nguyễn Quỹ bị chuỳ của Nguyễn Suý chấn lui, thở hổn hển.
Y trước giờ tự phụ có bảy mươi hai đường đao pháp Âm Dương Lưỡng Nghi, cương nhu kiêm tề, trên chiến trường cũng không phải kẻ dễ đối phó. Thế mà bị một chuỳ chấn cho hai tay run rẩy không ngừng, bảy mươi hai đường đao pháp chưa kịp thi triển đã bại liểng xiểng, đúng là xấu mặt.
Nguyễn Suý không truy kích…
Đúng hơn là không dám.
Vì lúc này đang có một ngọn thương chĩa ra, chặn ngang đường tiến của gã.
Một thanh trường thương có hai mũi…
Lại kể chuyện Hổ Vương lên Sơn Trang Bách Điểu.
Nhóm bốn người của Hổ Vương đều có luyện nội lực, đường núi dù khó đi nhưng với họ cũng không hề gì. Nếu không phải có một Trần Liên Hoa cản tay cản chân thì e là ba người đã đến sơn trang Bách Điểu từ lâu rồi.
Cỗ kiệu hoa hổ kéo chậm rãi lăn bánh trên đường cái…
Đường dài, tắm gió phơi sương, cho dù là người làm bằng sắt cũng phải han rỉ, hà huống là con người bằng xương bằng thịt. Ngay cả tông sư như Hổ Vương Đề Lãm cũng phải vừa đi vừa vươn vai mấy cái liền cho đỡ mỏi.
Thật may, núi Điểm Sơn đã ở phía trước.
Bách Điểu Sơn Trang có phân đà rải rác khắp cả Kinh Bắc, song trên giang hồ không ai mà không biết, chủ trang thì nằm trên đỉnh núi Điểm Sơn.
Chốn này là trọng địa của một thế lực lớn trong võ lâm Đại Việt, tất nhiên trong trang toàn là tinh anh trăm người tuyển một. Cho dù là người gác cổng, quét tước hơi thở cũng ổn trọng hơn người, rõ ràng đã tu tập được công phu ngoại gia đến mức nhất định. Thành thử từ thời Lý Thái Tổthanh đến giờ, người trong võ lâm không ai dám đến Điểm Sơn quấy rầy. Chốn này nghiễm nhiên trở thành một nơi tiên sơn thanh tịnh trong mắt người đời.
Tuy nhiên, phía sau cái an tịnh thần tiên ấy, là cốt trắng như núi, thây chất thành rừng.
Sự thanh tịnh giả dối ấy rốt cuộc hôm nay đã phải dao động.
Một đoàn ba người, một hổ, lững thững kéo một cỗ kiệu đến trước sơn môn.
Mấy đệ tử canh gác, tuần núi tuy cũng có chút võ vẽ, nhưng nhìn thấy con mãnh hổ lừng lững như con trâu đực thì sợ đến mặt cắt không còn giọt máu. Thế là một kẻ ba chân bốn cẳng chạy lên núi gọi cao thủ trong trang, số còn lại thì cứ lẩy bà lẩy bẩy đứng thủ sau cổng không dám động đậy.
Hổ Vương đến trước cái cổng tam quan bằng đá cao đến hai trượng. Ngước mặt lên nhìn, thì thấy bốn chữ Bách Điểu Sơn Trang được làm bằng đá hoa chuyển từ miền ngược xuống phản chiếu ánh nắng lên mặt ông. Tuy là chữ bằng đá, nhưng nét bút có thần vận, như rồng như phượng, đủ thấy người làm cái cổng này là tay thư pháp có nghề.
“ Uy nghi bề thế. Xem ra tên này biết hưởng thụ hơn cả bản vương. ”
Bạch Thanh Lâu bèn nói:
“ Hổ Vương chắc đã nghe đến câu Bá Điểu Triều Hoàng / Quần Long Hữu Thủ. Bá Điểu ở đây là chỉ Bách Điểu Sơn Trang này. Môn phái này đã sừng sững ngót bốn trăm năm chưa hề suy bại, hiển nhiên là có tiền có của rồi. ”
Hổ Vương gật gà gật gù, rồi lại hỏi:
“ Thế còn quần long? ”
Nguyễn Trãi bèn tiếp:
“ Nhắc đến quần long mà lại buồn. Đây vốn dĩ là chỉ Thập Bát Liên Trại. Nhưng từ sau khi chống giặc Nguyên, trại chủ các đời ngày càng chẳng ra gì. Đến giờ truyền cho Phạm Hách, chỉ biết chạy theo làm chó săn cho Phan Chiến Thắng, Thiên Cơ lão đạo. Đúng là hổ cho thần binh Giao Long chuy. ”