“ Hai cậu vừa đi ít bữa, là bọn giặc Minh chúng nó kéo đến ngay, đòi thu sưu thu thuế. Dân đen chúng tôi thấp cổ bé họng, sợ chết khiếp đi được ấy. ”
“ Chết. Thế có sao không bà? ”
“ May nhờ bà lớn khéo lo lót, chúng mới để yên cho đấy. Khó là khó cái anh Lê Sát. Khổ. Người đâu mà tính cứ nóng phừng phừng như lửa. Bà lớn phải khuyên mãi, ông tướng í mới không vác giáo vác thương ra. ”
Lê Hổ bèn cười:
“ Cái anh Lê Sát này gì cũng tốt, chỉ có cái tật vũ dũng háo chiến là chưa sửa được. ”
Nghĩ lại bản thân trước đây vẫn trách mẹ nhún nhường quân giặc, đem tiền của dân ra làm khó nghĩa binh mà Lê Hổ không khỏi lắc đầu tự cười mình nghĩ ngắn.
Sức dân chưa đủ, có đánh cũng chỉ phí mạng…
Nếu hồi ấy ở Khoái Châu cậu chàng cũng nghĩ được như thế, thì dân khổ sai nơi ấy đã không phải mất mạng oan, mà nghĩa quân bây giờ khéo lại có thêm một phần sức mạnh.
Chung quy là thoả chí khí một lúc, nhiệt huyết đương thời, mà gây hại cho đại kế lâu dài, chẳng khác nào bỏ gốc lấy ngọn.
“ Gần đây Lam Sơn có gì nữa không bà? ”
Đến đây, thì Đinh Lễ cũng lờ mờ hiểu được nguyên nhân Lê Hổ ngồi lại uống nước.
Phóng mắt khắp miền quê Đại Việt, có lẽ không còn ai tin tức nhanh nhạy bằng mấy bà mấy cô hàng nước. Chỉ ngồi một chỗ, mà chuyện trong nhà ngoài ngõ, làng trên xóm dưới đều tỏ tường. Thành thử, muốn tìm hiểu nghe ngóng, cứ tìm đến mấy quán nước gốc đa là nhanh nhất.
“ Tiên sư nhà anh, đến uống nước hay đến hạch sách già thế? Uống chén nước, ăn miếng trầu đi rồi từ từ già kể cho mà nghe. ”
Bà hàng nước rót chè, mời trầu trong khi cả ba cùng nhìn nhau mà cười.
Nói rồi, bà hàng nước hắng giọng, ngồi xổm trên cái ghế đẩu, tay phe phẩy quạt mo:
“ Hồi giờ ở Lam Sơn mình có một tên thầy tướng số xuất hiện. ”
“ Thầy tướng số! ”
Lê Hổ, Đinh Lễ cùng nhìn nhau.
Thầy tướng số thì có gì mà lạ? Chỗ nào mà có chùa, chỗ ấy chẳng có thầy tướng số?
Bà hàng nước phẩy quạt, nói:
“ Để yên già kể tiếp đã. Gã thầy xem tướng này hành xử kì quặc, chưa thèm xem người khác lấy một cái đã nói sẽ xem sai. Ai cũng bảo là quái lạ. Nhưng được cái y hay chữ, viết lại đẹp, nên bà con xóm giềng lên chùa cũng hay nhờ y viết cho mấy chữ treo trong nhà.
Lạ một nhẽ là ai trả công y cũng một mực không nhận. Bà con cho oản chuối lương khô, với rượu nếp thì lấy mà sống qua ngày. ”
“ Trên đời còn có loại thầy tướng số này? Sao y không đi viết thư pháp luôn đi? ”
Lê Hổ vừa nghe, vừa trầm ngâm tự hỏi.
Phàm là người xem tướng trong thiên hạ, đều sẽ tự nhận mình là Khổng Minh tái thế, khoa trương xem đúng xem chuẩn. Nay lại có người chưa xem đã bảo mình đoán sai, lại còn không lấy tiền, thực đúng là chuyện lạ.
Lê Hổ còn hỏi thêm mấy chuyện nữa, mới đứng dậy trả tiền nước, rồi quay sang Đinh Lễ:
“ Lễ, cậu sắp xếp cho cô ta một nơi nghỉ lại tươm tất đi. ”
“ Thế còn chủ công? ”
Đinh Lễ như cảm thấy ánh mắt khác lạ của thiếu nữ ngồi cạnh, mà thoáng rùng mình. Cậu chàng vừa nói, vừa tỏ rõ thái độ bất đắc dĩ của mình trước cô nàng Phạm Ngọc Trần, hi vọng chủ công để ý.
Lê Hổ nhún vai, nói:
“ Ta cần phải đến gặp người xem tướng kia một chuyến. ”
Bà hàng nước nói:
“ Giờ này chắc y cũng thu sạp về rồi. Cậu cứ theo đường lớn mà đi, gặp ai đi đường chuếnh choa chuếnh choáng vì say thì đích thị là y đấy. ”
Đoạn không để Đinh Lễ kịp lên tiếng phản đối, cậu chàng đã chắp tay với Phạm Ngọc Trần:
“ Tiểu thư cứ đi với Lễ, cậu ta sẽ sắp xếp cho cô một chốn nghỉ tạm. Hổ còn có việc gấp, không tiện ở lại lâu. Tạm biệt. ”
Phạm Ngọc Trần nói:
“ Đã vào sống ra chết với nhau rồi còn khách sáo cái gì? Cứ gọi tôi là Ngọc Trần là được rồi. ”
Lê Hổ đã giục ngựa phi được một đoạn, bèn nói vọng lại:
“ Được! ”
Ngựa rảo bước trên đường làng cát bụi, chạy dọc ruộng lúa mênh mang thẳng cánh cò bat, xuyên qua rặng tre xanh xanh rì rào trong gió. Chiến trường đầy máu nóng thép lạnh khiến nhiệt huyết thiếu niên bùng cháy, lại khiến người ta mỏi mệt. Trở về với làng, với xóm, với giếng nước, với gốc đa… khiến người cưỡi ngựa như bé lại, bé lại mãi trên con đường làng, mãi cho đến khi bóng lưng cứng cỏi vì phong ba bão táp kia hoà vào tấm lưng trần nhễ nhại mồ hôi của đứa bé mục đồng rong ruổi lưng trâu mới thôi.
Dưới khóm tre làng, người ta mới thấy an yên.
Lê Hổ phóng ngựa được một lúc, thì thấy một người cỡ ba mươi đổ lại lảo đà lảo đảo đi từ phía cuối đường tới. Y vận một bộ áo vải xô gai như để tang ai, tóc xổ tung loà xoà che kín mặt. Tay y cầm một lá cờ phướn, viết: “ Mắt sáng như sao, chỉ đúng một lần ”. Ở eo y còn lỉnh kỉnh nào bút nào nghiên, nào giỏ nào bọc.
Thấy y không có vẻ gì muốn tránh ngựa, Lê Hổ buộc phải hoành cương giật dây, khiến con ngựa chồm lên một cái, vừa vặn dừng ngay trước mặt người nọ. Nếu cậu chàng phản ứng chậm một chút, thì hai chân trước của chiến mã đã đá trúng ngay cằm người kia.
Người nọ bỗng nhiên ngẩng đầu, tay vén tóc khỏi mái trước. Lê Hổ không khỏi giật mình. Mắt người nọ rất sáng, rất có thần. Bình sinh cậu chàng chưa gặp một ai có cặp mắt đặc biệt đến thế.
“ Ồ, ngựa tốt. Ngựa tốt. Không biết có thành con Đích Lô không đây. ”
Lê Hổ thấy người này nói Tam Quốc, lại nhớ đến Lê Thận, đột nhiên tính trẻ con nổi lên, bèn hắng giọng:
“ Ngựa của mỗ không phải Đích Lô, nhưng tiên sinh cũng vị tất đã không phải Từ Thứ. ”
Người nọ làm như không biết cậu trêu chọc, xua tay:
“ Không! Không! Tôi đây chẳng phải Từ Thứ. Mà cậu càng chẳng phải Lưu Bị. ”
“ Sao ông lại nói vậy? ”
Lê Hổ bèn hỏi.
Người kia bèn nói:
“ Chỉ xem đúng một lần! Ấy là lần xem cho cậu! Cậu không thể là Lưu Bị được, vì sau cùng cậu đâu có thua? ”
“ Ý ông là gì? Ông không phải cái ông thầy tướng số mà người ta vẫn đồn đấy chứ? ”
“ Kém? Giỏi? Ai nói được? Có những kẻ cả đời xem tướng không sai, nhưng chỉ nhìn thấy những chuyện tầm thường vớ vẩn. Ta đây xem cả đời đều sai, chỉ đúng một lần, nhưng một lần xem tướng đúng đủ để xoay chuyển càn khôn, thay triều hoán đại. Thử hỏi ai hay ai dở? ”
Lê Hổ cười:
“ Ông có vẻ tin tưởng thuật tướng số của mình lắm nhỉ? ”
Quái nhân bèn đáp:
“ Ta không tin vào thuật xem tướng của mình, mà tin vào mệnh của ta. Cậu thì không tin vào thuật xem tướng, cũng chẳng tin vào bản thân mình. Chậc. Xem ra còn phải đi dài, rất dài… ”
Nói rồi chắp tay sau lưng, lóc cóc đi về hướng ngược lại với hướng Lê Hổ đang nhìn.
“ Này! Sao ông… ”
Lê Hổ thấy y nói trúng phóc tâm sự của mình, cả kinh. Cậu chàng giật cương ngựa, quay đầu, đang định hỏi rõ thêm về người nọ, nhưng bóng thầy tướng số đã ở xa. Chỉ có tiếng ngâm nga còn vọng lại:
“ Ngẫm ngợi sơn lâm lẫn thị triều,
Nào đâu là chẳng đất Ðường Nghiêu.
Người tham phú quý người hằng trọng,
Ta được thanh nhàn ta xá yêu.
Nô bộc ắt còn hai rặng quýt (*),
Thất gia chẳng quản một con lều.
Miễn là tiêu sái qua ngày tháng,
Lộc được bao nhiêu ăn bấy nhiêu. ”
( (*): Lý Xung 李衝 (Tam Quốc chí 三國志) trồng một nghìn gốc quýt, bảo con rằng: “Ngô hữu mộc nô thiên đầu” 吾有木奴千頭 (Ta có một nghìn cây làm tôi tớ).
Nguồn thivien.net)
Lê Hổ thở dài, đang định giục ngựa bỏ đi, thì phát hiện ở góc yên cương đã giắt một tấm thẻ tre tự bao giờ. Thấy lạ, cậu chàng bèn rút ra, thì thấy có một tờ giấy con được cuộn tròn lại cho gọn, buộc chung vào với thẻ tre.
Mở ra, chỉ thấy bốn hàng chữ:
“ Mình ta say cùng thơ rượu
Muôn người tỉnh với lợi danh
Hiệp giả đại đạo vô nhân tẩu
Gian nhân tiểu lộ vạn khách hành ”
Lê Hổ thấy cái viết trên giấy hết sức buồn cười, nửa Hán nửa Nôm, lại có chỗ sáu chữ chỗ bảy chữ chẳng theo niêm luật thông thường tí nào, cũng không phải Hàn luật hay thơ.
“ Không biết là y ngông nghênh, hay ngốc nghếch nữa. ”
Cậu chàng nhún vai, sau đó vừa ruổi ngựa vừa bất giác ngâm lên hai câu cuối:
“ Hiệp giả đại đạo vô nhân tẩu
Gian nhân tiểu lộ vạn khách hành ”
( Chú thích: nhân vật xuất hiện ở đây – không ai khác – chính là Nguyễn Trãi. Từ khi nhà Hồ thất thủ, cho đến khi ông đến đầu quân cho Lê Lợi, là mười năm. Trong mười năm ấy không có ghi chép cụ thể gì về ông, thành thử cũng phát sinh nhiều giả thuyết suy đoán ông đã đi đâu và làm gì. Song không có khuôn vàng thước ngọc để tham khảo nên tác xin được phóng tác.
Về bài thơ theo kiểu “ nhét chữ vào mồm cụ ”…
Nguyễn Trãi trong truyện đang ở giai đoạn “ nửa ông nửa thằng ”, thế nên tác đã phải nặn óc vắt trán ra một bài cũng “ lợ lợ ” y hệt ông ở giai đoạn bấy giờ. Cụ thể: trước khi thành danh, thơ Nguyễn Trãi hay dùng chữ Hán. Còn trong các tập thơ Nôm còn lưu truyền đến giờ, ông thường dùng chữ Nôm và thể Hàn Luật. Nên tác đã pha hai phong cách này vào một bài tự biên. Bút lực tất nhiên kém cụ xa, nên cũng chỉ dám để đây là một bài cụ viết đại mà thôi.
Nhân đây cũng xin đính chính, trong chính sử các nhân vật thường được viết theo kiểu kì tài, dị nhân, lí tưởng hoá.
Tác giả thì nghĩ, để các vĩ nhân bắt đầu bình thường, sau khi trải qua nhiều kì ngộ biến cố trong đời, mới trưởng thành nên con người vĩ đại ta vẫn biết qua chính sử sẽ hay hơn nhiều. Xét cho cùng, vĩ nhân cũng là người, cũng có quyền được sai lầm, học hỏi, cải thiện, và trưởng thành.
Tất nhiên, truyện vẫn sẽ được sáng tác trên tinh thần trung thành với lịch sử hết mức có thể, và tôn trọng các vĩ nhân, anh hùng dân tộc đến mức tối đa.)