Thành Lập Cộng Hòa Năm 1400

Chương 27



Trên một cánh đồng cỏ cách Hội An khoảng 10km về phía Nam, một đàn ngựa tầm 500 con, đủ màu sắc, hình dáng, đang thả nước kiệu rong ruổi đuổi nhau. Đàn ngựa này, cùng với 6 đàn ngựa khác được chăn nuôi ở khắp Thuận Hóa, khoảng 2000 con, lúc này thuộc về hội Liên Việt. Trong số đó chỉ có 500 con ngựa này là thuộc vào dòng ngựa chiến xuất thân nòi ngựa Ký và ngựa Kì. Những con chiến mã này sẽ được sử dụng để thành lập một lực lượng cơ động, phản ứng nhanh nhằm đáp ứng các tình huống như truy đuổi quân địch, dò xét tình báo hay báo tin khẩn cấp.



Tất nhiên, thành lập gì thì thành lập, cũng không thể không phát “xe” cho các thành viên hội Liên Việt được. Mỗi thành viên của hội Liên Việt được chọn 1 con chiến mã ưng ý để làm thú cưỡi. Và danh sách các chiến mã của hội như sau



Mạnh chọn 1 con ngựa thuộc dòng ngựa Ký, màu trắng, cao 1m15, đặt tên là Tuyệt Ảnh



2 anh em Lý Trung Kiên, Lý Trung Trực cưỡi chung 1 con ngựa Mông Cổ, thuộc nòi Hãn Huyết Bảo Mã, màu nâu.



Anh chàng mới lấy vợ Lê Trần Dũng cưỡi một con chiến mã màu cam sẫm, thuộc dòng ngựa Kì nam Á



Nhóc Gia Bảo chọn một con ngựa Hãn Huyết màu hồng, thuộc nòi ngựa Mông Cổ.



Huỳnh Đức Bình chọn một con ngựa màu trắng, cũng thuộc nòi ngựa Ký, đặt tên cho nó là Bạch Quỷ.




Xích Tử chọn một con ngựa màu Hồng, nòi Hồng lăng bảo mã, tên gọi Aslan.



Những người khác cũng chọn những con ngựa vừa ý của mình. Cả hội lại mất gần tháng trời để luyện tập cưỡi ngựa, không mong có thể phi ngựa xung trận, nhưng ít nhất cũng phải điều khiển được ngựa đi đều bước hay chạy nước kiệu, nước đại. Kiên lại dùng một số loại gấm phủ bông chế ra một loại yên ngựa kiểu mới, bảo vệ những cái mông mềm mại của anh chị em trong hội.



---------------



Tháng 4 năm 1402, trời bắt đầu vào hè. Những chiếc sà lan trọng tải lớn bắt đầu chở quặng sắt khai thác từ Phú Yên và Hà Tĩnh về đến khu công nghiệp Hội An. Những chiếc sà lan này là sản phẩm của công ty đóng tàu Liên Việt, nơi đã cho ra đời chiến hạm Victoria I huyền thoại. Những chiếc sà lan này có bộ khung được làm bằng sắt, sau đó dùng xi măng đổ lên làm thành tàu, trọng tải 500 tấn, được kéo bởi 1 đầu máy hơi nước công suất 8000 mã lực. Bên cạnh việc chế tạo 10 chiếc sà lan, công ty đóng tàu Liên Việt cũng đóng thêm 4 chiếc chiến hạm Frigate kiểu tàu Victoria, lần lượt là Victoria II, Rebecca, Trưng Vương, Đinh Tiên Hoàng, và hiện đang thử sức với chiến hạm có hầm chứa pháo, có thể trang bị 48 khẩu pháo.



Sau hơn 1 năm vừa học vừa làm, khu công nghiệp Hội An đã có được gần 1 vạn thợ cả giỏi tay nghề, có thể thay hội Liên Việt đào tạo lớp thợ tiếp theo. Theo đề án phổ cập giáo dục của Ngọc Vy, trẻ em từ 6-16 tuổi bắt đầu được đi học chữ, học một số kiến thức cơ bản về hóa học, vật lí... những môn khoa học tự nhiên cần cho sự phát triển của hội. Lịch sử, địa lí cũng được đưa vào giảng dạy, những câu chuyện kể về hai bà trưng, Đinh bộ lĩnh... đã in vào tâm hồn non nớt của lũ trẻ tinh thần yêu nước, yêu dân tộc, yêu đồng bào.



Về y tế, sau khi cơ chế cấp phát chứng nhận hành nghề được đưa vào thực thi, cùng với việc nâng cao dân trí, tuyên truyền về chính sách cho dân chúng, việc lang băm làm hại người bệnh cũng đã giảm xuống rõ rệt. Bây giờ muốn khám bệnh người ta cũng đòi xem giấy chứng nhận, không có thì có khám miễn phí dân chúng cũng không cho.



Ở Tây Đô, Hồ Nguyên Trừng cải cách càng lúc càng dữ dội, ai có thể chịu nổi nhiệt thì ở lại với Hồ, ai không đỡ được thì khăn gói quả mướp vào Thuận Hóa mua đất, dựng nhà, xây làng, mở xóm. Chỉ trong có 4 tháng đầu năm 1402, dân số Thuận Hóa đã tăng từ 12 vạn người lên đến gần 20 vạn người. Có thêm dân chúng, quân đội Liên Việt được mở rộng ra thành lực lượng vũ trang thường trực bao gồm 1 vạn người, 1 lực lượng dân quân 2 vạn người luân phiên thay đổi, cứ 3 tháng luyện tập 3 tháng làm việc nhà nông. Hơn nữa mỗi năm, trai tráng từ 20-30 tuổi phải đi tập huấn 1 tháng nghĩa vụ quân sự, nhằm mục đích tẩy não và huấn luyện kỹ năng chiến đấu.



Chẳng biết từ bao giờ trong dân gian có câu vè:



“Trời Nam xuất hiện hai Vua



Một người ở Nghệ, một người sát Chiêm



Một vua hung bạo ác nhân



Một vua hiền hậu yêu dân muôn phần



Tây đô mấy vạn nhân dân



Cầu mong hiền chúa xuất quân Bắc hành...”




Những điều này lại càng khiến cho dân Đại Ngu lo lắng, trong triều cũng có rất nhiều quan lại đưa sớ xin vua “xuất binh diệt trừ phản tặc”, “tước binh quyền triệu phong hầu” hay gọi “Thượng tướng quân về kinh ban thưởng”, nhưng Trừng chỉ cười mà gạt đi.



Nhưng không biết có phải do chính sách cải cách của Trừng quá khắc nghiệt, hay do dân gian xuất hiện lời đồn mà tháng 5 năm 1402, Nhật Nam Quận Vương Trần Ngỗi trốn về Mô Độ, Ninh Bình, cùng thổ hào đất này là Trần Triệu Cơ tụ tập lực lượng. Tháng 8 năm 1402, Trần Ngỗi xưng là Giản Định đế (bởi vì trước đây thời Trần, Trần Ngỗi được phong là Giản Định Vương nên giờ lấy danh đó để xưng đế), lấy hiệu Hưng Khánh, binh xưng 2 vạn.



Tháng 6 cùng năm, Lê Ngã, vốn là người hầu của quý tộc nhà Trần là Trần Thiên Lại, người làng Chàng Kênh, huyện Thủy Đường, đổi cả họ cả tên thành Dương Cung, tự xưng là cháu 4 đời của vua Trần Dụ Tông, từ Lão Qua về, đi khắp nơi chiêu mộ binh mã, thu được 1 vạn người, lúc đến huyện ĐƠn Ba, phụ đạo Đơn Ba là Bế Thuấn đem con gái gả cho, và lập Ngã làm vua, xưng là Thánh Thiên Hoàng đế, quân binh cũng có được vài vạn.



Trong lúc Hồ Nguyên Trừng đang bù đầu vì rối loạn trong nước, thì ở đất Thuận Hóa, chiến thuyền Victoria I vừa hoàn thành nhiệm vụ, cập bến Hội An cùng một số khách đặc biệt. Toàn bộ bến cảng bị giới nghiêm, thường dân không được lại gần. Các vị khách quý được đưa lên những cỗ xe ngựa bọc thép, đưa thẳng đến khu đặc cấp, cũng thật sự may mắn là trên đường đi không hề xảy ra bất cứ vấn đề gì. Bánh xe ngựa được bọc cao su, có lắp hệ thống giảm xóc, đường xá lại là đường đổ bê tông, thế nên các vị khách được tận hưởng cảm giác vô cùng êm ái mà xe ngựa bánh gỗ không bao giờ mang đến được.



Trong tòa nhà hội nghị quốc gia, các vị khách quý được đưa đến từng căn phòng sang trọng, có nước nóng và giường đệm êm ấm. Các vị khách được đề nghị tắm nước nóng, thay quần áo, sẵn sàng để dự buổi tiệc tẩy trần tối nay.



Tối hôm đó, các vị khách tắm rửa xong xuôi, thay quần áo rồi được đưa đến đại sảnh đường, nơi tiếp khách của hội Liên Việt. Hội Liên Việt dùng kính để làm đèn và trang trí đại sảnh, do đó ánh nến được phản chiếu khiến cả hội trường sáng trưng. Trong hội trường, hội Liên Việt, nam mặc quân phục hoặc lễ phục, nữ mặc váy dài hoặc áo dài, lộng lẫy xinh đẹp vô cùng. Thấy người hầu dẫn các vị khách quý đến, Mạnh cười lớn nói



- Các anh em, các chị em, xin mọi người tạm dừng câu chuyện, cho tôi xin một ít sự tập trung nào. Tôi xin giới thiệu với các bạn, hôm nay đến đây với chúng ta có các vị khách quý đến từ nước Đại ngu, trong đó có một vị xuất thân từ hoàng tộc nhà Trần, thân phận rất là cao quý đó nha, các chị em chú ý – Mạnh cười nói, làm một người thanh niên trẻ tuổi tỏ ra hơi ngượng ngập, còn các chị em hội Liên Việt thì che miệng cười vui vẻ.



- Xin giới thiệu với mọi người, quan Nhập nội trị trung Trần Quý Khoáng, con của Mẫn Vương Ngạc, cháu nội vua Trần Nghệ Tông – Mạnh đưa một ly rượu vang cho người thanh niên, cười nói



Tiếng vỗ tay lốp bốp vang lên rộn rã. Trần Quý Khoáng khẽ gật đầu chào mọi người, rồi bưng ly rượu uống cạn. Loại rượu này hơi nhẹ, thơm ngọt, uống không cay rát như rượu bình thường hắn hay uống.



Mạnh lại đỡ lấy 1 ly rượu khác, đưa cho một người đàn ông trung niên, nói



- Vị này là quan Tư Nghiệp Quốc Tử Giám Nguyễn Phi Khanh, văn tài xuất chúng.



Nguyễn Phi Khanh cười nói



- Không dám nhận, không dám nhận – rồi cũng bưng ly cạn sạch



- Còn chàng trai trẻ tuổi tài cao này là Ngự sử đài Chính chưởng Nguyễn Trãi, hiệu là Ức Trai, Nguyễn đại nhân, xin mời




- Hầu gia quá khen, Trãi không dám nhận – Nguyễn Trãi cười, bưng ly nhấp 1 ngụm



- Vị này là em họ của Ức Trai đại nhân, Trần Nguyên Hãn, binh nhung võ nghệ đều giỏi cả, văn tài cũng là nhất nhì đó nha – Mạnh lại đưa một ly rượu cho một người da hơi nâu, dáng người cân đối, khỏe mạnh



- Hầu gia quá khen, Hãn chỉ là một kẻ võ biền, không dám nhận hầu gia khen tặng – Trần Nguyên Hãn cười nói, bưng ly uống một ngụm, nhăn mặt nói – quá nhẹ, rượu này chẳng khác gì nước lã



- Haha, đây mới chỉ là khai vị, món chính còn ở phía sau, tướng quân không cần phải nóng vội



- Vậy thì Hãn này xin đợi – Trần Nguyên Hãn cũng cười nói



- Vị này là...



Mạnh giới thiệu một loạt các vị khách quý, rồi bắt đầu dẫn mọi người vào bàn tiệc. Bữa tiệc đón khách diễn ra khá long trọng, rượu vang, uýt ky, thậm chí cả vodka dự trữ trên thuyền được mang ra uống sạch, Trần Nguyên Hãn cùng mấy tên tướng lĩnh hội Liên Việt đấu rượu, kết quả là mấy tên hội Liên Việt gục sạch, Hãn chỉ mặt hơi đỏ mà thôi. Chỉ có Nguyễn Quý là đấu được cùng Trần Nguyên Hãn 2 chai vodka, cuối cùng cũng bị Nguyên Hãn hạ gục.



Nguyễn Trãi và Trần Quý Khoáng thì bị các nàng hội Liên Việt quây lại hỏi thăm, làm hai người trẻ tuổi đỏ mặt lúng túng mãi không thôi.



Hôm sau, mấy vị khách quý được mời đi tham dự buổi duyệt binh của lực lượng vũ trang Liên Việt. Từng đội ngũ binh sỹ mặc quân phục kiểu mới, áo dài cùng quần dài màu xám, đầu đội mũ sắt kiểu Đức, vai mang súng trường, chân đi ủng đen bước nghiêm qua lễ đài. Tiếp đó là đội kỵ binh mặc áo giáp nhẹ, đội mũ giáp có gù đuôi ngựa, quân phục đen, bên hông đeo bội kiếm và súng lục Hổ mây, thả ngựa đi nước kiệu. Tiếp đó là mấy chục con ngựa lùn kéo theo những khẩu sơn pháo, lựu pháo, pháo cối diễu qua. Tiếp nữa là Các thủy quân mặc quân phục trắng, đội mũ vải có những sợi tua bay trong gió. Đám hải quân xuất thân từ cướp biển bị Jame và mấy chục tên thủy thủ huấn luyện suốt 3 tháng mới có thể nghiêm chỉnh đi nghiêm và xếp thành đội hình đội ngũ được. Tiếp theo đội Hải quân là 4 vạn quân Xiêm, đội nón mây, mặc giáp mây, hông đeo nỏ Kiến Vằn, lưng đeo lá chắn và đao cong, nghiêm chỉnh đi qua phía trước lễ đài. Cuối cùng là 1000 cảnh sát vũ trang bước đều bước.



Sau buổi lễ duyệt binh là biểu diễn hiệp đồng tác chiến. Đầu tiên là mấy chục khẩu pháo ra oai, bắn nát mấy chục tấm bia thể hiện quân địch. Sau đó là bắn súng, xung phong, chiếm chiến hào, công thành...



Buổi chiều, đoàn khách được mời đi thăm quan chiến hạm Victoria I, xem hải quân tác chiến trên biển. Chỉ sau 3 lượt pháo, chiếc tàu cướp biển cũ kỹ, thể hiện chiến hạm địch bị đánh chìm, trong con mắt sững sờ của các vị khách



Buổi tối, các vị khách được bí mật đưa đi thăm quan Hội An, dự thêm một bữa tiệc nữa. Ngày mai, Mạnh sẽ có một buổi hội đàm cùng các vị khách quan trọng này.