Từ xa xưa, Thị trấn A tồn tại một truyền thuyết, kể về vị thần hộ mệnh bảo vệ và mang phước lành đến cho người dân. Nhiều người cho rằng, truyền thuyết sinh ra là ước vọng của dân gian hòng cầu mong một cuộc sống hạnh phúc. Tuy nhiên, có những thứ không đơn giản chỉ là câu chuyện truyền miệng, nó thực sự có thật. Hơn ai hết, tôi là người hiểu rõ điều đó nhất.
Tôi, thần hộ mệnh đời thứ mười ba, Đặng Khánh An. Ấy là bà nói với tôi vậy. Thực chất, tôi thấy mình chẳng có điểm gì liên quan đến thần linh, ngoại trừ vài điểm khác với người thường.
Bà nói những người đặc biệt như tôi không có bố mẹ và sinh ra ở ngôi đền linh thiêng của Thị trấn. Sự xuất hiện của tôi đã được báo trước. Khi mặt trời lên đến đỉnh, khi tiếng khóc đầu tiên của tôi vang lên, đó cũng là lúc vị thần tiền nhiệm ra đi. Chào đón tôi đến với thế giới này là em gái ruột của bà. Dòng họ Đặng gắn bó với chúng tôi, cứ thế mà cũng đã qua vài đời.
Tôi được ông trời ưu ái hơn những đứa trẻ khác. Khả năng ghi nhớ, học tập hay bất kì lĩnh vực nào tôi cũng giỏi hơn bất kì ai trang lứa. Tôi là kẻ đứng đầu. Đứng trên tất cả, tôi đâm ra khá kiêu ngạo. Tuy nhiên, dù tôi kiêu ngạo đến mấy nó cũng không ảnh hưởng gì đến ai bao giờ. Ngược lại, thứ khiến tôi ghét cay ghét đắng, lưu truyền từ thần hộ mệnh đời này đến đời khác, khả năng kì dị của thần linh theo miệng người đời: nhìn thấy cái chết của người khác.
Kể cả được coi là thần nhưng tôi vẫn có những sai lầm không thể tha thứ: Tiết lộ cái chết cho bất kì ai cần đến nó. Tôi không biết những người đó sau đấy sẽ ra sao, cố thay đổi vận mệnh hay chấp nhận nó, tôi chỉ biết một khi đổi thay cuộc đời mới sẽ nhận lại kết cục không tốt đẹp gì.
Một câu chuyện rất lâu, rất lâu về trước.
***
Trong một lần rời khỏi Thị trấn đi thăm họ hàng, tôi gặp tai nạn.
Lần ấy, bà có việc bận nên không đi cùng, chỉ còn tôi cùng em gái bà.
Phải nói thêm về em gái bà. Bà ấy trước đó cũng họ Đặng nhưng sau lấy chồng họ Trần (Bí thư Hoan) nên dần tôi gọi thành bà Trần luôn. Vì sao tôi gọi bằng “bà” thay vì “cô” hay “bác” ư? Từ khi biết nói bà Đặng đã dạy tôi vậy. Sau này, tôi quen rồi nên không muốn đổi, còn mọi người xung quanh cũng không thấy có vấn đề gì nên cứ để nguyên vậy.
Vụ tai nạn xảy ra do một gã say rượu không kiểm soát được xe mà lao thẳng lên vỉa hè. Đoạn đường đông người qua lại, người bị thương không chỉ có mình tôi. Là nạn nhân nghiêm trọng nhất, mất máu quá nhiều, tôi được chuyển ngay đến bệnh viện. Chuyện sẽ không có gì nếu máu của tôi không phải máu hiếm và lượng máu dự trữ ở bệnh viện không đủ để dùng cho tôi.
Nằm trên bàn phẫu thuật, cơ thể tôi càng lúc càng lạnh.
Hơi ấm dần xa.
Không phải tôi sắp chết rồi chứ?
Trong lúc hoảng loạn, bà Trần – vốn là người trong ngành y – chỉ biết cách gọi cho người duy nhất bà nhớ có cùng nhóm máu với tôi, em chồng bà, ông Trần Hỉ.
Nhờ có ông ấy, ca phẫu thuật diễn ra nhanh chóng và thành công ngoài mong đợi.
Tôi sống rồi.
***
Tỉnh dậy giữa không gian thoang thoảng mùi thuốc sát trùng, người đầu tiên tôi nhìn thấy là gương mặt lo lắng của bà Trần.
Bà đâu?
- Con bé này, cháu nhìn ngó xung quanh cái gì? Chị ấy vừa đi ra ngoài ăn một chút. Cả đêm qua chị ấy ở bên cháu đấy.
- Nghe khá kì quặc nhưng cháu nghĩ cháu khỏe rồi ạ!
Bà Trần cốc đầu tôi, nhìn tôi cười trìu mến:
- Gớm, cô thì khỏe nhanh! Dựa vào học được vài món võ đuổi gà mà cứ nghĩ mình tài lắm ấy.
- Mà bà ơi, cái bác giúp cháu đâu ạ? Cháu phải cảm ơn bác ấy? – Bà dạy nhận ân tình của người ta thì phải biết báo đáp.
- Thế thì cháu phải thật khỏe đã bà mới cho đi.
- Nhưng mà…
- Đừng lôi mấy cái đuổi gà đuổi vịt ra với bà!
Chịu thật, tôi học võ đàng hoàng tử tế thế mà trong mắt bà Trần, đó chẳng khác gì mấy thứ vớ vẩn, chỉ xứng đem đi dọa mấy loài gia súc, gia cầm.
***
Chiều, trước sự kiên trì của tôi, bà Trần đành thỏa hiệp đưa tôi đi gặp ông Trần Hỉ.
Thông thường, sau khi truyền máu, người truyền chỉ cần nghỉ ngơi tại bệnh viện khoảng tiếng là đủ. Nhưng đây là ngoại lệ, ông Trần Hỉ vốn mới ốm dậy, lại cho đi rất nhiều máu cùng lúc nên ông bị suy kiệt. Ông nghỉ lại tại bệnh viện thêm một ngày một đêm nữa.
Tôi tới phòng ông Trần Hỉ đúng lúc ông đang thu dọn đồ đạc chuẩn bị về.
Vừa tới cửa, tôi có chút va chạm với một người phụ nữ và một cậu bé trạc tuổi mình. Cái đáng ghét nhất lại đến, vài hình ảnh lướt nhanh qua trước mắt tôi.
Thấy tôi còn đứng chần chừ mãi ở cửa, bà Trần dắt tôi cùng vào. Ông Trần Hỉ thấy tôi thì rất vui mừng, miệng tươi cười:
- Cháu là Khánh An?
Thay vì trả lời ông, tôi lại hỏi một câu chẳng ăn nhập gì:
- Đó là con trai bác? Và, vợ bác?
- Cháu nói Hải Dương? Đúng, vợ và con bác.
- Vâng, hai người vừa đi ra khỏi phòng ấy ạ! – Ra cậu ấy tên là Hải Dương.
- Cháu có gì muốn nói?
- Cậu ấy sắp chết!
Khoảnh khắc nghe được câu nói đó, tôi thấy rõ sự phức tạp trên gương mặt ông Trần Hỉ. Ngạc nhiên, ngỡ ngàng, hồ nghi đan xen lẫn nhau. Hẳn ông không ngờ được rằng, người ông cứu sống lại mang đến tin tức thế này cho ông trong lần đầu gặp mặt.
- Cháu đùa lạ quá!
- Những gì cháu nói đều là sự thật.
- Cháu có thể thấy trước tương lai à?
- Cháu chỉ nhìn thấy được cái chế của người khác.
- Làm sao bác có thể tin cháu?
- Tin hay không là sự lựa chọn của bác. Nhưng, 15 phút nữa, trước cổng bệnh viện, cậu ấy sẽ gặp tai nạn – Tôi liếc nhìn đồng hồ treo ở đó không xa – Giờ còn 8 phút 13 giây.
- Cháu nói cháu nhìn được cái chết của người khác, vậy, xem cho bác, bao giờ bác chết?
Theo yêu cầu của ông Trần Hỉ, tôi rụt rè đưa tay chạm vào người ông. Vài hình ảnh lướt ngang qua. Tôi đã thấy điều này một lần trước đó.
- Ừm, bác và vợ giống nhau thật.
- Ý cháu là gì?
- 5 năm nữa, hai người sẽ có một chuyến đi trên du thuyền tư nhân. Đáng tiếc là chiếc thuyền đó sẽ bị đắm.
- Hừm, cháu biết đấy, những lời nói của cháu, nó thực sự khó tin. Sao chúng ta không thử nghiệm để kiểm chứng nhỉ? Cháu nói bao lâu nữa Hải Dương sẽ gặp tai nạn.
- Còn 2 phút 5 giây ạ.
Tôi vừa dứt lời thì ông Trần Hỉ cầm lấy chiếc điện thoại trên đầu giường, ông gọi một cuộc điện thoại đến vợ ông:
- Ừ, anh đây, thủ tục xuất viện xong rồi chứ?
- …
- Em và con đang ở cổng bệnh viện chờ anh á?
- …
- Đúng là trước đấy chúng ta có giao hẹn thế, có điều, bây giờ anh đang có chút rắc rối, em và con lên đây được không?
- …
- Cả hai người! Nhanh lên!
Tôi thấy được sự sốt ruột trong giọng nói và cả cái cách ông nhìn đồng hồ. Hóa ra tuy chưa hoàn toàn tin tưởng nhưng đến gần thời khắc sinh tử của con mình, ông ấy cũng cảm nhận được, cũng lo lắng như bất kì bậc cha mẹ nào trên thế gian.
- Này, tiếng gì vậy?
Cùng lúc ấy, tôi nghe những tiếng bước chân hỗn loạn ngoài hành lang bệnh viện. Tôi nhìn đồng hồ.
Đến rồi…
Kịp chứ?
Tôi đã rất hồi hộp.
Tôi nìn thở.
Không nguyên do.
- Tai nạn giao thông?
- ...
- Có ai sao không?
- …
- Em nói hai mẹ con vừa đứng vị trí đấy ngay phút trước???
- …
- Khóc gì chứ? Không phải mọi thứ đều ổn rồi sao?
Kết thúc cuộc điện thoại, ông Trần Hỉ trầm ngâm đến vài phút. Có lẽ nghĩ thông suốt rồi, ông mới thở phào nhẹ nhõm rồi xoa đầu tôi:
- Cảm ơn cháu!
MỌI CHUYỆN CHƯA KẾT THÚC!!!
- Cháu còn muốn nói thêm một điều nữa. Chẳng có gì ổn ở đây cả! Từ 5 năm, bác còn 1 tuần.
- Hà – Ông nhìn tôi cười, không tỏ ra bất ngờ - Bác cũng đoán tuổi thọ sẽ giảm xuống. Còn ít vậy thôi à…
- Bác đoán ạ?
- Ừ! Quy luật tự nhiên thôi mà. Cháu còn nhỏ, cần học tập nhiều nữa. Sống chết có số, tươi héo bởi trời, sửa mệnh nghịch thiên. Bác đã sửa đổi số mệnh của Hải Dương ắt gặp phải báo ứng. Đây cũng không phải chuyện gì lạ.
- Là do cháu, cháu xin lỗi! – Nếu tôi không tiết lộ tùy tiện, liệu sự việc có tiến triển đến bước này không? - Bác có muốn thay đổi không? Cháu đã thấy, cháu có thể...
- Không, bác không muốn thay đổi gì cả. Vậy là đủ rồi. Nếu tiếp tục thay đổi, chẳng ai lường trước được chuyện gì - Ngừng lại một lúc, ông nói tiếp - Cháu là vị thần bảo hộ trên ngôi đền đời thứ mười ba đúng không?
- Thần bảo hộ? – Tôi cá là bà Trần sẽ không nhắc gì đến vấn đề này, tôi cũng chưa nói, sao ông ấy biết được?
- Bác vốn là người ở Thị trấn A mà. Khi bé cũng thường được các ông bà kể chuyện…Khánh An!
- Dạ?
- Bác không can thiệp chuyện cháu sử dụng năng lực của mình như thế nào. Nhưng, - Ông đặt tay lên vai tôi - hứa với bác, nếu Hải Dương trở lại Thị trấn, giúp bác bảo vệ nó nhé!
- Cháu hứa!
Từ đầu tới cuối, trong góc phòng, bà Trần đều im lặng lắng nghe. Vài lần tôi thấy bà ngập ngừng định nói gì đó nhưng nhận được cái lắc đầu khe khẽ của ông Trần Hỉ, bà lại thôi.
Giữa người lớn như họ, luôn tồn tại một loại bí mật không thể sẻ chia.
***
Trước thời gian vụ thảm sát diễn ra, tôi đã có mặt trước cổng ngôi nhà, hiện trường.
Tôi nhìn thấy cậu ấy.
“Cháu nói được làm được”.
Đúng vậy chứ?
***
Sáu người.
Số nạn nhân lên đến... sáu người...
Tôi gần như không tin vào tai mình.
Chỉ vì thay đổi số mệnh của một đứa trẻ mà sáu người lớn phải thế thân?
Cái giá này... quá đắt...
Tôi đã làm ra việc ngu ngốc gì thế này?
Phải làm sao? Phải làm thế nào mới có thể chuộc lỗi.
Đúng rồi, bảo vệ.
Tôi cần bảo vệ Hải Dương.
***
Thời gian cứ thế trôi qua, thoắt cái cũng hơn 10 năm sau vụ thảm sát.
Cái gọi là 10 năm thực chất rất ngắn. Chỉ là trong quãng thời gian đó, tôi hiểu thêm một số chuyện, biết thêm một số điều.
Trong đó, bao gồm cả sự thật bị vùi lấp giữa màn sương năm ấy...
Bà Trần gọi điện báo tin cho tôi vào ngày bình thường không thể bình thường hơn. Sáng sớm, tôi quét sân đền như mọi khi thì nhận được cuộc gọi của bà:
- Khánh An, có chuyện rồi đây. Bà nội Hải Dương, bà ấy không qua khỏi rồi!!!
- Vâng, hơn 3 năm trước, bà ấy có về thăm ngôi đền một lần.
- Cháu biết đấy, quyền giám hộ Hải Dương giờ sẽ...
- Cậu ấy không còn lựa chọn nào khác sao?
- Trước khi Hải Dương 18 tuổi thì không.
- Vâng, cháu hiểu rồi.
- Lời nói đó...
- Bà yên tâm đi, cháu đã chuẩn bị kĩ càng!
Từ 3 năm trước, tôi đã chuẩn bị sẵn tinh thần. Dù có cố gắng đổi thay thế nào thì cậu ấy vẫn quay về Thị trấn này. Rõ ràng, giữa cậu và nơi đây có một liên kết đặc biệt nào đó.
17 năm trước, không phải mọi người đã cố thử một lần rồi sao?
***
Một tháng sau, bà Trần thông báo cho tôi Hải Dương đã tới Thị trấn.
Tôi không biết bản thân mình lúc nghe tin sao nữa. Chỉ là tôi có chút khó chịu.
Cậu đã trì hoãn đến một tháng, tại sao lại không cố gắng thêm? Chỉ cần đến khi cậu tròn 18 tuổi, miễn cậu không quay lại đây, cậu sẽ an toàn.
Cậu là kẻ không có lựa chọn.
Tôi nên nói cậu là kẻ ngu ngốc hay đáng thương...
***
Đúng giờ, tôi bước vào lớp học, lòng không khỏi dâng lên cảm giác cồn cào khó hiểu.
Tôi thấy cậu.
Giữa đám bạn cùng lứa ồn ã, cậu ngồi đó, lặng thinh quan sát mọi người. Cậu khác biệt với phần thế giới còn lại, bao quanh cậu có gì đó như một tầng khí thể hiện sự xa cách. Tầng khí như ẩn như hiện, mờ mờ ảo ảo thoáng qua đôi mắt cậu.
Thời gian qua, có phải rất khó khăn đối với cậu không?
***
Xế chiều hôm ấy, tôi lần nữa gặp Hải Dương. Cậu lúng túng đứng dưới đèn đường, nhìn ngó xung quanh không biết đi về đâu. Trống ngực tôi đập liên hồi, phải cố gắng lắm mới có thể tìm được vài từ ngữ bắt chuyện với cậu:
- Cậu lạc đường?
Ánh đèn hắt lên gương mặt Hải Dương, làm nổi bật hai tai đỏ bừng. Cậu ngượng ngùng gật đầu. Lần gặp mặt chính thức đầu tiên của chúng ta:
- Hải Dương nhỉ? Chúng ta cùng lớp, tôi là Khánh An.
Tôi giúp Hải Dương về nhà Bí thư Hoan.
Ngay trước khi tôi rời đi, cậu khẽ hỏi. Giọng cậu rất bé nhưng tôi vẫn nghe rõ được từng từ ngữ:
- Này, có phải chúng ta đã từng gặp nhau không?
Đáp lại câu hỏi của anh, tôi chỉ cười rồi tiếp tục bước đi...
Phải, chúng ta đã gặp nhau trước đó.
Vài lần thoáng qua...
Tôi không nghĩ cậu ấy nhớ lâu đến vậy.
Có điều, nhớ thì sao, không nhớ thì sao. Một sự thật không thể phủ nhận, tôi là kẻ gián tiếp gây đến cái chết của gia đình cậu.
Thứ tôi nợ cậu không đơn thuần chỉ là lời xin lỗi.