Sáp Huyết

Quyển 1 - Chương 39: Quan ti (6)

Dương Đắc Ý nói:

- Chúng tiểu nhân đều không nhịn được, có người đến gần khuyên gã, chẳng ngờ cũng bị gã đấm cho mấy đấm.

Dứt lời chỉ một ngón tay vào khóe mắt bầm tím nói:

- Chỗ này là do hắn đánh.

Địch Thanh cắn chặt răng, thân thể khẽ run, đã biết mục đích của những người này chỉ có một, đó là không giết được hắn thề không bỏ qua!

Chu Đại Thường tiếp lời nói:

- Cũng may gia đinh của Mã công tử chạy đến, họ chỉ muốn khuyên Địch Thanh đừng đánh nữa. Ai dè Địch Thanh lại phát điên như chó, cắn xé khắp nơi, trong lúc hoảng loạn, không biết là ai đẩy nhầm một người qua đường. Mã công tử “thương người như thể thương thân” nên vội vàng chạy đến bảo vệ. Người này dường như là tên điên, sau này không còn biết tung tích nữa. Địch Thanh lúc này đã bị chế trụ, Mã công tử nói: “Chỉ cần Địch Thanh nhận sai, sẽ bỏ qua tất cả mọi chuyện.” Không ngờ Địch Thanh lòng người dạ thú, giả vờ nhận sai rồi nhân lúc gia đinh thả hắn ra, xông tới đánh ngã Mã công tử, trong lúc hỗn loạn, xe củi bị lật đổ, Mã công tử bị đè dưới xe.

Gã nói xong cầm góc áo lau khóe mắt, nức nở nói:

- Đáng thương cho Mã công tử có tấm lòng Bồ Tát, số mệnh lại bị như thế. Bọn tiểu nhân nhịn không được, lúc này mới dũng cảm nói ra chân tướng, chỉ cầu Phủ doãn đại nhân cho Mã công tử công đạo!

Năm người này muôn miệng một lời, y như là trước đó đã diễn luyện qua. Lưu Tòng Đức đứng dậy chắp tay nói:

- Phủ doãn đại nhân, bây giờ chắc hẳn chân tướng đã rõ rồi chứ? Địch Thanh ăn nói lung tung, vọng tưởng lừa dối, không ngờ lưới trời lồng lộng, lưới trời lồng lộng a.

Lưu Tòng Đức vì muốn định tử tội cho Địch Thanh, đặc biệt tìm một hơi tới năm nhân chứng. Hắn mặc dù thấy dân chúng bên ngoài nha môn không ít, nhưng cũng biết tình cảnh lúc ấy hỗn loạn, rất nhiều người không hiểu tình huống, hơn nữa hắn cũng không tin có người dân nào dám ra đây đối nghịch với Lưu gia, làm chứng cho Địch Thanh.

Trình Lâm lại nhìn Bàng Tịch, nói:

- Bàng thôi quan, ông có kết luận gì không?

Bàng Tịch đi vài bước thong thả trước công đường, đột nhiên hỏi:

- Năm người các ngươi trước đây có biết Mã Trung Lập không?

Năm người không ngờ thôi quan lại hỏi như vậy, có hai người gật đầu, ba người lắc đầu, người gật đầu thấy có người lắc đầu liền vội vàng lắc đầu, người lắc đầu thấy có người gật đầu cũng cuống quýt gật đầu, trong lúc nhất thời vô cùng tức cười.

Bàng Tịch buồn rầu nói:

- Rốt cuộc là quen hay là không quen?

Lưu Tòng Đức ho khan một tiếng, nói:

- Đương nhiên là sau khi đến Trúc Ca lâu mới quen.

Hắn nói như vậy, chỉ muốn tăng thêm độ tin cậy của lời chứng. Năm người đều gật đầu nói:

- Lưu đại nhân nói rất đúng, tất nhiên là sau khi đến Trúc Ca lâu mới quen.

Ánh mắt Bàng Tịch đảo qua trên người năm tên này, nghiêm nghị nói:

- Bọn ngươi cũng biết luật ‘Vu cáo phản tọa(12)' của bổn triều rồi đấy, nghiêm cấm vu cáo, nếu như bị tra ra vu cáo thì sẽ bị nghiêm trị?

Năm người ngơ ngác nhìn nhau, ẩn ước vẻ sợ hãi. Lưu Tòng Đức cười lạnh nói:

- Bàng Tịch, ngươi đang uy hiếp bọn họ sao? Ngươi chẳng lẽ cho rằng mấy người này là do ta tìm đến để vu cáo Địch Thanh sao?

Bàng Tịch tỏ vẻ kinh ngạc hỏi:

- Lưu Tự Sự vì cớ gì mà nói ra lời này? Hạ quan chỉ cảm thấy trong lời khai của bọn họ có một số chỗ mâu thuẫn, lúc này mới mở miệng nhắc nhở mà thôi. Nếu như bọn họ làm đúng thì hà tất gì phải nhắc nhở chứ?

Lưu Tòng Đức mặt đỏ tới mang tai, biết Bàng Tịch đang thầm mỉa mai mình. Hắn hừ lạnh nói:

- Vậy phải nghe cao luận của Bàng thôi quan rồi.

Mặt Bàng Tịch vẫn đầy ưu sầu nói:

- Chu Đại Thường, theo như lời Địch Thanh và Trương Diệu Ca nói, là ngươi và Dương Đắc Ý rời đi trước, sau đó Mã công tử và bọn Đông Lai Thuận mới rời đi, sau cùng lại qua khoảng gần nửa canh giờ, ba người Địch Thanh mới rời khỏi Trúc Ca lâu?

Chu Đại Thường nhịn không được nhìn về phía Lưu Tòng Đức, không biết trả lời thế nào. Lưu Tòng Đức có chút bất mãn nói:

- Cứ theo sự thật mà nói, chẳng lẽ còn có người có thể đổi trắng thay đen sao?

Chu Đại Thường lập tức nói:

- Bàng đại nhân nói không sai.

Bàng Tịch mỉm cười hỏi:

- Ngươi và Dương Đắc Ý, còn có mấy người Đông Lai Thuận sau khi đến Trúc Ca lâu mới kết bạn với Mã công tử?

Chu Đại Thường nói:

- Không sai.

- Vậy các ngươi vì cái gì mà trong gần một canh giờ vẫn còn quanh quẩn ở phụ cận Trúc Ca lâu, rề rà không đi? Mã công tử là vì muốn giảng chút đạo lý với Địch Thanh nên mới không rời đi. Còn ngươi và Dương Đắc Ý là vì cái gì chứ? Các ngươi bị Mã công tử trách mắng, nên ở phụ cận Trúc Ca lâu không chịu rời đi là vì lòng sinh bất mãn, muốn trả thù Mã công tử sao?

Chu Đại Thường toát mồ hôi hột đầy trán, vội hỏi:

- Sao có thể như vậy? Hại Mã công tử là Địch Thanh, chứ không phải bọn tiểu nhân.

- Vậy các ngươi ở phụ cận Trúc Ca lâu để làm gì?

Bàng Tịch truy hỏi.

Chu Đại Thường không biết làm sao, Lưu Tòng Đức nháy nháy đôi mắt tam giác, nói:

- Bọn họ chắc là hối hận vì lời nói và việc làm của mình ở Trúc Ca lâu, lúc này mới muốn tìm Mã Trung Lập tạ lỗi. Mã Trung Lập là người thích kết bạn, thấy bọn họ thành tâm sửa đổi nên kết giao với cùng bọn họ, mấy người này vừa gặp như đã quen lâu, ở quán trà bên cạnh Trúc Ca lâu uống trà, uống gần nửa canh giờ, cũng không có vấn đề gì a?

Lưu Tòng Đức dù sao vẫn có chút nhanh trí, giải thích một phen, cơ hồ ngay cả mình cũng tin.

Bàng Tịch trầm ngâm nói:

- Vậy bạn bè rốt cuộc đến mức nào, là bạn nhậu hay là bạn bè tri tâm?

Dương Đắc Ý nói tiếp:

- Đương nhiên là bạn bè tri tâm, chúng tiểu nhân cảm thấy sự nhân nghĩa của Mã công tử, hiềm khích lúc trước hóa không, trở thành tri kỷ. Không ngờ Địch Thanh phát rồ, thậm chí ngay cả người như Mã công tử cũng hại, thật sự là tội ác tày trời.

Ba người còn lại đều gật gù, vội vàng nói:

- Đúng thế, đúng thế.

Bàng Tịch nói với Trình Lâm:

- Phủ doãn đại nhân, nếu như bọn họ đúng là bạn bè tri tâm, vậy lúc chọn lời chứng, cần phải xét lại, để ngừa bọn họ bị tình cảm bạn bè lấn át mà làm ra lời chứng bất lợi cho hung phạm.

Lưu Tòng Đức giận tím mặt nói:

- Bàng Tịch, ngươi rốt cuộc có ý gì? Chẳng nhẽ chứng minh bọn họ kết bạn với Mã Trung Lập chỉ nhằm làm cho lời chứng vô hiệu? Loại Thôi quan như ngươi, bổn quan dù có đến chỗ Thiên tử Thái hậu, cũng tuyệt đối không nhân nhượng!

Trình Lâm nhíu mày, nói:

- Bàng Thôi quan, những người này trước đây không biết nhau, về sau vừa quen đã thân nên mới kết bạn. Mà vụ án phát sinh chỉ là chuyện sau đó, những người này đứng ra làm chứng, cũng không có gì không ổn.

Bàng Tịch gật đầu nói:

- Phủ doãn đại nhân nói rất đúng. Vậy giờ hạ quan kể đầu đuôi câu chuyện lại một lần. Mấy người Chu Đại Thường và Mã Trung Lập chưa bao giờ gặp qua, sau đó ở trong Trúc Ca lâu, Chu Đại Thường và Dương Đắc Ý nói năng xằng bậy, vũ nhục Trương Diệu Ca. Mã Trung Lập đứng ra can thiệp, đuổi hai người Chu, Dương ra ngoài. Hai người Chu, Dương lầm đường biết sai, hoàn toàn tỉnh ngộ, nên đứng ở dưới lầu chờ Mã công tử. Mã công tử đại nhân độ lượng, nhận lời xin lỗi, hơn nữa còn kết bạn với hai người. Đúng lúc này, ba người Đông Lai Thuận, Văn Thành, Cổ Thận Hành đi ngang qua... Nếu như bọn họ trước đây chưa từng gặp Mã công tử, chắc là thấy Mã công tử chính khí lẫm liệt, thật lòng hâm mộ, bấy giờ mới cùng kết bạn luôn?

--------------------------

Chú thích:

(1),(2) Hàn Tín(韩信): (229 – 196 TCN), còn gọi là Hoài Âm hầu, là một danh tướng bách chiến bách thắng, thiên hạ vô địch: "cầm quân trăm vạn, đánh tất thắng, công tất lấy" thời Hán Sở tranh hùng, là một trong "tam kiệt nhà Hán" có công rất lớn giúp Lưu Bang đánh bại Hạng Vũ lập nên nhà Hán kéo dài 400 năm.

Theo sách Tây Hán chí thì Hàn Tín là người ở Hoài Âm (nước Sở). Cha mẹ mất sớm phải sống côi cút từ bé, nhà nghèo phải làm nghề câu cá. Khi mẹ mất, vì muốn xây cất cho mẹ ngôi mộ ở nơi đẹp đẽ trên núi cao mà bán cả nhà cửa, xách kiếm đi lang thang ngoài chợ. Thấy Hàn Tín gầy gò yếu đuối nhưng lại vác kiếm trông như võ tướng. Có gã bán thịt lợn làm nhục bắt Tín một là dùng kiếm đánh nhau với gã, hai là luồn qua háng y. Mọi người thấy Tín bị nhục đều chê cười. Có hôm không câu được cá, Tín không có gì ăn, thường đi xin cơm của bà lão giặt lụa và hứa hẹn sau này làm nên sự nghiệp sẽ trả ơn ngàn vàng. Bà lão giặt lụa trách: "cậu là thanh niên trai tráng mà không lo nổi miếng ăn thì làm sao làm nên sự nghiệp, tôi giúp cậu chỉ vì thấy tội chứ có mong cậu báo đáp làm chi".

Mọi người thấy thế đều cho ông là người thấp kém, hèn hạ.

(3) Phủ doãn: thẩm phán, chánh án.

(4) Ngục tốt: lính canh ngục.

(5) Thôi quan: ở đây tương đương trợ lý, làm nhiệm vụ nghị án.

(6) Kinh Đường mộc: Cục gỗ để vỗ lên bàn tạo âm thanh uy nghiêm.

(7) Cửu Tự Ngũ Giám (九寺五监): là các ban ngành độc lập với chức năng trung ương, thành lập vào thời Đường. Về cơ bản là cùng cấp quan chức với Thượng thư Lục bộ, không có quan hệ lệ thuộc về pháp định với Lục bộ, nhưng chức quyền lại chồng chéo với Lục bộ rất nhiều, thực tế thì tồn tại quan hệ phân công cùng chế ước lẫn nhau. Lục bộ chủ quản chính lệnh, Cửu Tự Ngũ Giám phân biệt phụ trách các mặt sự vụ cụ thể.

- Cửu Tự (九寺):

+ Thái Phủ tự: thuộc bộ Hộ — quản lý tiền tệ.

+ Ti Nông tự: thuộc bộ Bộ — quản lý lương thực.

+ Tông Chính tự: thuộc bộ Lễ — quản lý hoàng tộc.

+ Thái Thường tự: thuộc bộ Lễ — quản lý tế tự.

+ Quang Lộc tự: thuộc bộ Lễ — quản lý ăn uống.

+ Hồng Lư tự: thuộc bộ Lễ — quản lý ngoại giao.

+ Vệ Úy tự: thuộc bộ Binh — quản lý quân khí.

+ Thái Bộc tự: thuộc bộ Binh — quản lý xe ngựa.

+ Đại Lý tự: thuộc bộ Hình — quản lý tư pháp.

Có một Thiết khanh, hai Thiếu khanh, Tự Thừa quản lý sự vụ hằng ngày.

Mình không tìm được chức quan Tự Sự, chắc có lẽ thấp hơn Tự Thừa. Ai có thông tin thì góp ý mình nhé.

- Ngũ Giám (五监):

+ Quốc Tử giám: thuộc bộ Lễ — học phủ tối cao trong hệ thống giáo dục, đồng thời quản lý bộ máy giáo dục của quốc gia.

+ Quân Khí giám: thuộc bộ Binh — chế tạo và sửa chữa vũ khí.

+ Thiếu Phủ giám: thuộc bộ Công — quản lý chi tiêu cung đình, chế tác quần áo cho Hoàng đế, Hoàng hậu, phi tần và quan lại.

+ Tương Tác giám: thuộc bộ Công — quản lý công trình bằng gỗ: cung điện, vách thành, thiết kế và xây dựng dịch sở.

+ Đô Thủy giám: thuộc bộ Công — quản lý sông ngòi, bến cảng, đê điều, thủy lợi, ngư nghiệp...

(8) Đại Lý tự (大理寺): là một trong Cửu Tự, tương đương với toà án tối cao bây giờ. Quản lý Hình ngục, thẩm tra xử lí án kiện. Thời Tần, Hán là Đình Úy, thời Bắc Tề là Đại Lý tự, nhiều triều đại tiếp theo đều như vậy, đến đời Thanh là Đại Lý viện.

(9) Quốc Tử giám (国子监): là cơ quan đào tạo giáo dục cấp trung ương tại các nước Á Đông thời phong kiến Nho giáo. Ở Trung Quốc, Quốc Tử giám đầu tiên xuất hiện sau thời nhà Tuỳ. Mỗi triều đại sau đó đều lập Quốc Tử giám tại kinh đô của mình - Trường An, Lạc Dương, Khai Phong, Nam Kinh. Kể từ thời nhà Minh thì có tới hai Quốc Tử Giám: một ở Nam Kinh và một ở Bắc Kinh.

(10) Vệ Úy tự (卫尉寺): là một trong Cửu Tự, một cơ quan công sở của Trung Quốc xưa. Thời Bắc Tề thiết lập nên Vệ Úy tự, Vệ Úy đổi tên thành Vệ Úy Tự khanh hoặc Vệ Úy khanh, quan phụ tá gọi là Vệ Úy Thiếu khanh. Quản lý nghi trượng lều vải (vũ khí, quạt, dù, cờ... mà đội hộ vệ mang theo khi vua, quan lại đi tuần hành thời xưa). Đến thời Tần Hán thì đã thành chức quan nhàn tản. Kéo dài đến triều đại Nam Tống thì được nhập vào bộ Công.

(11) 'Kiêm thính tắc minh, thiên tín tắc ám': nghe ý kiến nhiều phía, nhiều mặt mới có thể nhận thức chính xác sự vật, chỉ tin lời nói phiến diện đơn phương sẽ dẫn đến sai lầm.

(12) 'Vu cáo phản tọa': lấy tội danh và hình phạt của người bị vu cáo ghép cho kẻ vu cáo.

--------------------------

Chú thích:

(1) Thị thần: cận thần bên cạnh Hoàng thượng.

(2) Thái Bảo: chức quan thấp nhất trong hàng tam công: Thái Sư, Thái Phó, Thái Bảo

(3) Thái Uý: chức quan thời xưa, quản lý về quân sự.

(4) (5) Thượng thư lệnh (尚书令), Trung thư lệnh (中书令): Vào thời Tống có cấp bậc trên cả Thái Sư. Nhưng đây không phải chức vụ có quyền lực và nghĩa vụ cụ thể, chỉ là chức quan kèm theo cho thân vương hoặc các đại thần được phép ban chiếu vua (lưu thủ, tiết độ sứ, đổng bình chương sự,...).(theo Aficio).

(6) Tam Quán (三馆): gồm có Thống Văn Quán (tức Chiêu Văn Quán, Tu Văn Quán), Tập Hiền Viện, Sử Quán.

(7) Thực quân bổng lộc, dữ quân phần ưu: ăn bổng lộc của vua, phải giúp đỡ cho vua.