Mình rất ghét môn Hóa, nhưng cực kì thích người dạy nó.

Chương 12: Khi nhắc đến thầy, mình lại mường tượng đến gió xuân ấm áp.

Mình với bác Mai ngồi chờ rất lâu, hơn một tiếng dài đằng đẵng trôi qua, ca phẫu thuật cuối cùng đã diễn ra rất suông sẻ.

Mình muốn vào thăm ghê gớm nhưng người ta mới mổ xong nên sức còn yếu. Giờ còn nằm mê man trong phòng hồi sức kia kìa.

Bác Mai thấy mình phờ phạc thế này nên bảo mình về nhà nghỉ ngơi sớm. Bác ấy tiễn mình ra đến cổng bệnh viện, còn bắt một chiếc taxi cho mình nữa.

Mình chưa đặt được ngón chân cái lên xe đã nghe tiếng gọi lanh lảnh của ba mình.

- Phương...

Thế là, nghỉ ngơi đâu chẳng thấy, chỉ thấy bị hai vị phụ huynh lôi tọt ngược lại vào phòng hồi sức. Ba mình tận tâm như thế mình cũng chẳng dám có ý kiến. Làm gì làm lúc nào cũng phải nghĩ đến cái ơn cái nghĩa của bác Mai đối với gia đình mình, ba mình dạy như thế đấy.

Mình để hai vị vào trong, còn mình thì lượn qua lượn lại trước cửa phòng bệnh. Thi thoảng bắt gặp ánh mắt của người ta lại mình lại cuống lên như con dở. Không hiểu sao, thấy người ta bình an vô sự mình như trút được tảng đá ngàn cân. Mình chẳng nhớ lúc ấy mình khóc nhiều đến mức nào nữa. Cho đến bây giờ, mắt mũi của mình vẫn còn tèm nhem như con mèo vằn.

Thầy phục hồi nhanh lắm, nhưng sắc mặt vẫn còn trắng bệch chưa có sức sống.

Bác Mai vẫn không quên nhắc đến tên mình, bác bảo nếu không có mình thì chắc giờ này thầy thành cái gì rồi chứ không còn sống mà ngồi đây hàn huyên nói chuyện kiểu này đâu.

Mình đâu biết, người mà người ta muốn gặp nhất, là mình. Thầy ấy nói với ba mình đại loại mấy câu khách sáo, chung quy là lúc này, thầy xem mình như ân nhân cứu mạng của thầy vậy. Thầy chỉ được cái làm quá lên. Nếu đổi lại là người khác, mình vẫn sẽ cứu, nhưng mình không khóc và sẽ không có cảm giác mất mát như thế.

- Mẹ, mẹ làm ơn gọi Phương vào đây giúp con với.

Hai vị phụ huynh ra ngoài. Trong phòng còn mỗi mình với thầy. Đôi khi mình thấy, cái tính rề rà của mình cũng chưa hẳn là xấu. Nếu như ngày hôm nay, mình gấp rút ra về, may rủi không ai phát hiện ra thầy, mình không biết lúc đó mình sẽ đối diện với sự thật ra sao nữa.

- Cảm ơn em!

Ngại ngùng một hồi, cuối cùng thầy rặn ra được từng ấy chữ. Do ở đây không phải trường học, không có nhiều ánh mắy soi xét, người ta thản nhiên nắm lấy tay mình, miết nhẹ từng ngón tay.

Mình ngượng, muốn rụt tay lại, nhưng người ta nắm rõ chặt. Sức mình thừa lực giằng ra, nhưng trong tận đáy lòng, mình lại muốn để yên như thế cho thầy nắm.

Ngặt cái là, người ta chẳng những đau ruột thừa mà còn bị sảy chân ngã cầu thang nữa. Mình nhìn trời, cảm thấy chưa muộn lắm nên mới nán lại ở với thầy chút nữa.

Trông người ta kìa, có thấy biểu hiện gì của người vừa mới phẫu thuật chứ. Ngược lại còn rất là khoái trá và đắc ý.

- Hai ngày nghỉ tới, mượn tạm Phương nhé.

- Thuê em thì không thể trả lương bình thường được.

- Thế không muốn trả bằng tiền vậy em chọn trả bằng cái gì?

Mình ngẫm nghĩ, ma xui quỷ khiến thế nào mà mình lại dám phát ngôn một câu thế này.

- Thuê em 10 điểm môn Hóa, hai ngày nghỉ em sẽ nuôi trọn thầy.

Thề là lúc ấy mình chỉ nói đùa thôi. Mình biết chắc thế nào ông cũng sẽ không đồng ý. Nhưng mình sai rồi, mà người ta chỉ phẫu thuật ruột thừa, đừng nói là dao kéo vô tình múa máy trúng não nên bị ấm đầu rồi chăng?

- Được thôi.

Thôi cho tôi xin, ổng bất thình lình đồng ý mới khiến mình sợ toát mồ hôi hột đấy.

- Em đùa thôi, nếu chúng bạn mà biết chúng nó lôi em ra mổ xẻ mất.

- Nếu như em muốn, thầy có thể cho em, nhưng đặc ân này chỉ duy nhất một mình em có thôi.

Chẳng lẽ, vì muốn mình ở cạnh thôi mà bất chấp như vậy sao? Thật là không giống thầy chút nào cả.

Mình tiến tới, kéo căng gò má người ta ra. Kéo xong mình lại nhào, hết nhào đến véo, mình nghiêm mặt nói.

- Em chỉ nói đùa thôi ạ. Công tư phân minh đàng hoàng nha thầy giáo.

10 điểm môn Hóa thật sự không dễ dàng gì. Lúc thi học kì đạt điểm tối đa môn Toán nên mình hiểu cảm giác nó cực nhọc đến mức nào.

Bụng mình sôi ọt ọt, tính ra mình ăn có một bữa là lúc 10h trưa cho tới tận thời điểm hiện tại. Mình về, nhưng người ta trông có vẻ luyến tiếc lắm. Người ta dặn mình về nhớ rep tin nhắn người ta. Mình hiểu cảm giác này, lúc mình bị ngã cầu thang, một mình trong căn phòng bao quanh bởi bốn bức tường nó bực bội, bí bách đến nhường nào.

Mình lên xe về với ba. Đi được một đoạn, mình thấy cô Quyên hớt hải chạy vào, tốc độ lái xe không khác mấy kẻ quái là bao. Từ từ cô ơi, thầy em còn sống nhăng răng mà, cô đừng có lo lắng quá. Cô lái xe mà kéo tốc độ kiểu này là muốn chung phòng với thầy em hay sao cô?

Ba mình vẫn không hề có thiện cảm với cô ấy. Cô ấy đẹp người nhưng cái nết lại đi ngược với cái đẹp. Chuyện xấu mình làm trong trường, mình tin thầy không phải là người nói cho cô biết mà chính cô tự đi bới móc những chuyện chả mấy tốt đẹp mà mình gây ra.

Nhiều lúc cay lắm, cô ấy trên lớp dạy thế tiết thầy lúc nào cũng bâng quơ bêu xấu mình. Coi tức không, cô là người sai trước mà lúc nào cũng tỏ ra là cô chỉ vô tình nhắc đến chuyện mình thôi. Mình ứ phải thứ vừa, mình đề nghị trước lớp nhờ cô giải một bài Hóa cực kì khó. Mà công nhận mình làm khó người ta thiệt, nhìn cô ấy khổ sở xem đi xem lại cái đề, cuối cùng lại bảo để cô về nghiên cứu thêm.

Bài hóa ấy vào tay thầy mình, một phút ba mươi giây là xong.

.....

Giữ đúng lời hứa với thầy, sáng ngày thứ Bảy, mình ăn mặc thật tươm tất đến bệnh viện "nuôi" thầy. Chân người ta bị chấn thương khá nặng, đi lại sẽ cảm thấy khó khăn, mình giúp ít nhiều chắc thầy cũng mát lòng mát dạ.

Hăng hái bao nhiêu, nhiệt tình bao nhiêu. Ấy thế mà vừa ló đầu trước cửa phòng bệnh, nụ cười trên môi mình vụt tắt như đưa miệng thổi một cây nến tàn.

Nhiệt tình và hăng hái đâu chẳng thấy, trong lòng mình bây giờ chỉ còn lại cảm giác hụt hẫng thôi. Cô Quyên này, được cái là rất hay cho mình gáo nước lạnh. Nhìn cô ấy chăm sóc thầy mình chu đáo thế kia, mình không còn gì đáng lo nữa.

Mình là Phương, chẳng phải thầy, nên mình có bao giờ biết được, người ta mong mình mỏi mòn đến mức nào.

Cả ngày hôm ấy, mình chán chường lê la khắp những chỗ quen thuộc mà mình hay lui đến. Thi thoảng có nhắn cho người ta vài tin, chẳng hạn như:

" Thầy đã ăn gì chưa?".

" Có uống thuốc chưa? Chân đã đỡ đau hơn chút nào chưa".

Hỏi một đằng, người ta trả lời một nẻo.

" Nhớ em. Không thấy em đến, dẫu có uống thuốc bệnh cũng thêm nặng".

Ặc, nhìn thấy mấy chữ vỏn vẹn ấy thôi mà tay mình muốn rụng rời. Nhưng làm sao đây, cô Quyên ở đó chăm sóc thầy, mình có đến cũng chỉ là kì đà cản mũi thôi.

" Em xin lỗi, em bận, ngày mai em lại đến thăm thầy".

Người ta không những giỏi Hóa mà hình như còn best Văn nữa hay sao ấy. Mình nhắn dư chữ "lại" thôi nhưng người ta đã tinh ý phát hiện ra.

" Em thật sự bận sao? "

" Thật"

Mình kiên quyết trả lời. Hồi lâu sau không thấy tăm hơi của thầy đâu nữa. Mình ngờ ngợ, chắc cô Quyên chỉ vào thăm một lát rồi về. Mình mua thêm trái cây ở siêu thị, định bụng là sẽ ở lại với người ta đến tối muộn mới về.

Tầm giữa trưa, mình kiên nhẫn quay lại phòng bệnh của thầy. Mớ trái cây này, chắc là phải để tủ lạnh ăn lần lần rồi. Thầy cũng lạ lùng, có người chăm sóc tốt như vậy sao cứ nằng nặc bảo mình đến làm gì.

Bao nhiêu bức bối trong lòng không biết bộc phát vào đâu. Khi xưa mình có cả tá búp bê nhiều tóc, lắm lúc hờn dỗi hay bực tức là những con búp bê xinh đẹp ấy không còn lấy một sợi tóc với mình. Dần dà, mình đổi sang thú vui khác, mình là đứa không thích hợp chơi với những món đồ mong manh dễ vỡ.

Tai mình dạo này bị lãng hay sao ấy, bác Mai gọi mình quá trời mà mình có nghe được gì đâu.

Đến tận ngày hôm sau, dằn lòng là không đến bệnh viện nữa. Thế mà có con dở nào đó lại mặt dày đứng lấp ló trước cửa phòng bệnh thầy. Cô Quyên đúng là hết lòng với thầy, hai ngày nghỉ dành trọn thời gian để săn sóc cho người ta. Kệ, như thế đỡ cực cho mình.

Hôm nay trông người ta có sức sống hơn rồi, nhưng xem ra cổ chân vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm thì phải. Bác Mai làm ở bệnh viện này nên đương nhương việc lui tới xem thầy thế nào là chuyện dễ hiểu.

- Ủa con, sao không vào mà đứng đây làm gì?

- Dạ... con...con...

- Vào nói chuyện với thằng Phong chút đi, qua giờ nó mong con mãi đấy.

Bác ấy là thế, luôn vui vẻ niềm nỡ với mình. Bác dẫn mình vào, cô Quyên thấy bác cũng lịch sự chào hỏi một tiếng. Qua mấy lần tiếp xúc, mình chắc nịch khẳng định, bác Mai không có thiện cảm với bạn thân của thầy.

Bác nói bâng quơ, nửa đùa nửa thật.

- Bé Quyên nhiệt tình đến nỗi con bé chẳng dám làm phiền. Qua giờ bác thấy nó ghé qua mấy lần nhưng lại không vào. Thôi, dù sao cũng cảm ơn bé Quyên nhiều nha.

Mình trộm nhìn thầy, ánh mắt thầy kinh ngạc chẳng giấu diếm.

- Dạ... đâu có gì đâu bác...

- Từ lúc con về nước đến giờ chưa có hỏi thăm con gì hết trơn. Đi, hai bác cháu mình ra ngoài đổi gió một tí.

Bác ấy đã lên tiếng, cô Quyên nào có ý cãi lại.

Trong phòng còn lại hai người. Thầy mình ngày thường vốn dĩ ít nói, mà nay được gặp mình nói luyên tha luyên thuyên.

- Hôm qua đến sao lại không vào?

- Em thấy thầy đang ngủ nên không dám làm phiền.

Thầy nhéo nhéo lên chóp mũi mình, giở giọng quở trách.

- Nói dối phải chớp mắt, hôm qua tôi thức cả ngày chỉ để trông em đến.

Nhớ mình đến thế cơ à, bao nhiêu tiết Hóa trong trường gặp còn chưa đủ hay sao. Mà thầy nói thế, mình nghe mà mũi lòng. Bình thường người ta lạnh lùng khó gần. Mà nay, khi đem lòng thích mình, thi thoảng người ta có nói vài câu, chẳng phải lời ngon tiếng ngọt hay những câu sến súa nhưng cũng đủ khiến tim mình tan chảy theo.

Người ta không cần mình làm gì nhiều, chỉ cần ngồi cạnh người ta như thế là được. Trời sắp sửa vào xuân, thi thoảng có làn gió ấm lả lướt thoáng qua, mang theo hương thơm ngào ngạt của hoa nguyệt quế vào căn phòng đầy mùi thuốc khử trùng này.

Mình biết, tiết trời vào xuân rực rỡ đến mức nào. Nhưng không cần phải đợi đến mồng 1 mới được cảm nhận. Giờ đây, người ta ngồi trước mặt mình, đưa tay tém lọn tóc rối ra phía sau giúp mình. Ánh mắt của thầy, âm trầm trìu mến. Nụ cười ấy, phơi phới gió xuân, nhẹ nhàng thổi mát cả tâm hồn mình.