Cuối tuần ông nội mình lên thăm. Nhưng tiếc là có mỗi mình mình trông nhà. Em trai mình thì sang nhà chú bác chơi từ tối hôm qua.
Mỗi lần ông lên đây là không có lần nào mang ít quà vặt lên cả. Nào là vải thều, bánh tét nhân chuối nhân đậu, có khi còn đem lên cho nhà mình con gà đã vặt lông cắt tiết sẵn nữa.
Ông nội hình như không có ý nán lại lâu. Chỉ ngồi xơi nước rồi hỏi han mình chút chuyện. Mình chợt nghĩ về giấc mơ đó, đáng lí ra mình sẽ không dám mở miệng hỏi, nhưng những thứ mình thấy quá chân thật. Nếu mình ngủ sâu thêm vài tiếng nữa thì mình nhất định sẽ nghĩ đây là hiện thực mình đang đối diện.
- Ông nội... con có chuyện muốn hỏi.
Mình dè dặt lên tiếng.
- Con hỏi đi.
- Nhưng mà... ông hứa đừng mắng con khi con hỏi nha.
- Có bao giờ nội mắng mày bao giờ chưa?
Mình suy nghĩ, cũng đúng, nhà có quá trời anh chị em họ, ông nội thương thì vẫn thương nhưng hình như hơi thiên vị mình so với mấy anh chị khác.
- Trước con... còn có anh chị nào khác không ạ? Ý con muốn nói... mẹ con gặp chuyện xui xẻo... cho nên mới...
Ông ấy ngửa cổ, định hóp hết nước trà trong chén. Vì câu nói này của mình mà ông nội khựng lại. Ôi cha, chắc bị mắng quá , tự dưng hỏi chuyện không đâu.
Mình nhắc đến chuyện đó, mắt ông ấy buồn vời vợi. Quá khứ ấy, nhất định là bi ai tột cùng.
- Tại sao con biết chuyện này?
Giọng ông nội bỗng dưng nghiêm thấy rõ.
- Dạ... con nằm mơ... con thấy ba mẹ con khi còn trẻ... ba thì nằm dưới đường bất tỉnh... còn mẹ... thì chảy rất nhiều máu. Còn có... một thai nhi chưa rõ hình hài... từ đâu bò tới... níu lấy chân con...
Nói xong một mạch, mình thở hổn hà hổn hển. Nhìn ông nội bây giờ đáng sợ quá, giống như là sắp phát điên lên vậy.
- Nếu nó còn sống, bây giờ chắc là hơn con hai tuổi.
Mình thấy mắt ông ấy rơm rớm, mặt mày vì thế cũng đỏ lên theo. Ông kể mình nghe, chậm rãi từng chi tiết. Mình nghe rồi, cả người cứ thẫn thờ thế nào ấy. Mình không biết, đã biết bao lần mình khiến bà rơi lệ. Mà mỗi lần mẹ khóc là ba lại đánh mình. Bây giờ nghe ông kể xong thì mình mới ngộ ra. Mắt mẹ mình vốn rất yếu, năm xưa khóc vì ba, khóc vì đứa con đầu lòng chưa nhìn mặt ba mẹ thì đã qua đời. Nếu khi ấy không phẫu thuật kịp thời thì có lẽ giờ đây, bà ấy sẽ sống một cuộc đời không thấy ánh dương.
Tiễn ông ra khỏi cổng, chiếc xe đi khuất rồi nhưng trong lòng mình vẫn còn day dứt khó tả. Mình bắt đầu có khả năng nhìn thấy người đã khuất kể từ khi mơ về người "anh" của mình. Mình chắc rằng khả năng khác thường này trong tương lai sẽ ít nhiều mang đến phiền toái cho mình. Nhưng một sự khởi đầu đẹp đẽ với cậu bạn cùng khối ấy, mình nghĩ mọi chuyện không đến nỗi tệ.
.....
- Ông nội ghé thăm hồi nào vậy con?
- Dạ từ lúc sáng sớm ạ.
Quà ông nội lên thăm, ba mình đang phân ra thành hai phần. Ông ấy đóng gói xong xui, mình tưởng đích thân ba mình đi biếu người ta. Nào ngờ, ông ấy phát biểu một câu đậm chất chia rẽ tình ba con.
- Con mang ít quà này sang nhà bác Mai đi, bảo quà ông nội con đem lên biếu bác ăn lấy thảo.
Mình đấu tranh nội tâm dữ dằn lắm kìa. Cuối cùng, mình quyết định, từ chối!
- Con không đi đâu ba!
- Con với chả cái, nhờ vả tí cũng không được. Đi đi, bác Mai không ăn thịt ăn cá gì con đâu mà sợ.
Vấn đề là không phải bác ấy, mình thì quý bác ấy lắm. Bác là ân nhân của gia đình mình mà. Trên chuyến bay năm ấy, mẹ mình trở dạ sắp sinh đến nơi, nếu không nhờ bác Mai thì mình chẳng thể ngồi đây cãi lời deo dẻo cái miệng đâu.
Người mình ngại nhất, là thầy cơ!
Bác Mai là mẹ của thầy, mà hôm nay là Chủ nhật nên mình đoán kiểu gì ổng cũng sẽ có ở nhà.
Nơm nớp lo sợ là thế, ấy vậy mà lại đứng trước cửa nhà người ta lúc nào chẳng hay.
Mình ấn chuông cửa vài tiếng, ôi mẹ thầy ấy đích thân ra mở cửa luôn kìa. Mình lễ phép cúi đầu lia lịa.
- Dạ con chào bác Mai.
- Vào chơi đi con, lâu quá mới gặp con đấy.
Mình từ chối khéo, biếu bác ấy quà quê xong là mình vội chuồn ngay. Nhưng bác ấy một mực không cho mình về, lôi kéo qua lại một hồi, cuối cùng người thua cuộc vẫn là mình.
Cái dáng vẻ khép nép e thẹn thật là chẳng giống mình chút nào. Giống đứa nào ấy chứ đâu giống con Phương?
Thấy bác Mai hình như là nấu cơm trưa. Thế là mình nhiệt tình vào bếp xin phụ với bác. Bác mắng mình, bảo ai lại để khách đến chơi làm mấy chuyện này.
Ặc, bác nhờ mình giúp một chuyện. Ừ thì nhặt rau mổ cá mình làm được tất. Còn đằng này... đằng này... bác nhờ mình lên phòng gọi thầy dậy.
Bác với mình lâu lâu mới gặp, chả lẽ nhờ giúp mỗi việc nhỏ ấy mà từ chối thì kì lắm.
Xem nào, phòng thầy lên lầu một rẻ phải là tới. Mình khẽ khàng gõ cửa, bên trong phản hồi lại mình là một mảng yên ắng. Mình kiên nhẫn, tiếp tục gõ thêm vài cái nữa, vẫn không có động tĩnh gì cả.
Bác bảo mình, thầy đã ngủ thì ngủ say như chết, nếu gõ cửa không được thì mình cứ vào trong gọi thầy.
Tầm 5p sau, mình nhẹ nhàng mở cửa. Đập vào mắt mình, chẳng phải dáng vẻ của ông thầy ngầu lòi thường ngày. Ai đây? Thầy chủ nhiệm của mình sao? Ngủ cởi trần trông hoang dã thật đấy.
Mình đứng cách ổng hơn một mét, miệng bắt đầu thì thầm.
- Thầy ơi... bác gọi thầy dậy ăn cơm...
- Thầy ơi... mặt trời chiếu đến mông rồi... không dậy thì khét đó thầy...
Mình nhây đến thế rồi mà vẫn không chịu dậy. Mình có một chiêu, chiêu này áp dụng trong trường là rất ok luôn. Mình mà bảo mình chưa học bài chưa đụng gì đến môn Hóa là y như rằng có người lập tức xù lông với mình.
Phương tằng hắng, cố nói thật to thật rõ.
- Chắc tại thầy không biết. Mấy lần thầy không gọi em lên trả bài em mừng biết chừng nào. Thầy biết vì sao không? Vì em chưa học bài, chưa đụng gì tới môn của thầy hết á. Có đôi lúc em còn tưởng là môn Hóa không có trong thời khóa biểu cơ...
Mình chầm chậm mở mắt. Ối mẹ ơi giật cả mình, người ta ngồi thẳng dậy, trừng mắt liếc mình cơ đấy. Mình cười hì hì, bắt đầu vỗ ngọt.
- Thầy dậy rồi ạ? Em gọi khản cổ mà thầy nhẫn tâm không chịu nghe.
- Gọi như em đến mùa quýt năm nào người ta mới nghe.
Ơ thế là ổng thức từ lâu rồi à. Ghét thật, hại mình làm đủ trò mèo, đã thế mình còn nói trắng trợn ra sự thật éo le của mình nữa.
- Thầy biết lá gan của em lớn, nhưng đến mức độ này thì xem ra em không xem thầy ra gì rồi. Chuẩn bị tinh thần đi, từ đây đến cuối năm đừng hòng thoát.
Khóc không ra nước mắt luôn các cậu ạ. Mình vội đu theo người ta, năn nỉ muốn vả bọt mép mà người ta vẫn làm mặt lạnh với mình.
- Em ghét môn Hóa, nhưng có ghét người dạy nó không?
Thầy hỏi kiểu gì vậy, mình ngớ người luôn rồi. Đúng là, có đôi khi rất ghét thầy, ghét thầy tại sao luôn khắc khe với mình. Nhưng ngẫm nghĩ lại, những gì người ta làm, âu cũng vì muốn tốt cho mình.
- Nếu em nói không hay có thì kiểu gì cũng bị gọi tên lên bảng trả bài thôi.
Đột nhiên, ngoài cửa có tiếng con gái lảnh lót vọng vào. Giọng điệu này, không nhầm lẫn đi đâu được mà.
- Anh Phong, anh dậy chưa? Em vào nhé.
Này, này, này, này! Ít ra phải gõ cửa một tiếng chứ. Mình luống cuống tay chân, nhanh trí chui xuống gầm giường. Kết quả là mình chui không vừa, đụng "cành" một cái u một cục trên đầu.
Người ta kéo mình dậy rồi chui tọt vào nhà tắm. Thầy ấy mở vòi nước, tiếng nước chảy bắt đầu lấn át giọng nói của cô Quyên.
- Em xuống nhà đợi anh, anh đang tắm.
Cuối cùng cô ấy cũng chịu đi. Mình hãi quá nên tay bấu chặt vào lồng ngực người ta mãi mới chịu buông.
Người ta xoa xoa chỗ sưng của mình, vừa xoa vừa mắng.
- Ngốc mà.
Mặt mình, để trứng gà lên chắc nó cũng chín. Thầy nhẹ nhàng xoa, hình như... còn hôn lên tóc mình nữa. Tim mình sắp nổ cái bùm mất rồi, mình vội lách người, bước vội về phía cửa.
- Em xuống nhà đợi thầy!
Đứng trước cửa phòng thầy, hai chân mình cứ run lập cập. Mình vỗ vỗ hai gò má, cố bình tĩnh hết mức có thể rồi chậm rãi xuống nhà. Cô Quyên nhìn thấy mình, thái độ kinh ngạc cùng nghi hoặc không thể giấu được.
- Ủa Phương... em đến hồi nào vậy?
- Dạ em mới đến.
Bác Mai chùi tay vào tạp dề, bác ấy hỏi mình một câu chẳng lên quan.
- Tolet lầu một dùng được không con?
- Dạ được bác, may là có nước chứ không hỏng như tầng trệt.
Mình cẩn thận quan sát biểu cảm của cô Quyên. Thái độ thù địch đã giảm một nửa, nhưng thái độ cô đối với mình hình như là không ưa mình lắm. Mình biết mà, cái chuyện cô ấy có ác ý đăng ảnh mình đi bệnh viện cùng chị là mình cũng đủ hiểu rồi.
Biết người ta không ưa nên mình chẳng hỏi han bắt chuyện gì nhiều.
Mình với bác Mai dọn xong đồ ăn lên bàn thì vừa hay thầy đi xuống. Mình ngồi với bác, thầy ngồi với bạn thầy. Vậy đi cho yên ổn, mình mà ngồi với thầy thì kiểu gì cô ấy cũng sẽ muốn ăn tươi nuốt sống mình mất.
Thầy ăn, tắm tắt khen ngon. Thầy cảm ơn ba mẹ và ông nội mình đã có lòng. Mắt mình vô tình nhìn trúng cô Quyên. Ặc, mình có làm gì đâu mà cô lườm mình ghê thế. Cô ấy muốn tị nạnh với mình, thế là tiểu thư buông đũa, bắt đầu khoe khoang trước mặt mình.
- Hôm trước ba con có đi nước ngoài về có gửi tặng cô chai Whisky. Không biết gia đình mình có dùng thử chưa ạ? Ba con nói rượu đó là rượu hảo hạng, mà con nhớ không lầm bác trai rất thích uống rượu.
Đúng là người học thức cao có khác, bác Mai hiểu rõ lời của cô ấy nói. Trên mặt bác vẫn giữ thái độ hòa nhã vui vẻ, gắp cho cô Quyên miếng thức ăn, bác ấy vừa cười vừa nói.
- Cô ít hiểu biết về rượu nhưng nhìn là cũng hiểu rượu con tặng là thứ đắt tiền rồi. Nhưng tiếc là ông nhà cô bị bệnh về gan nên nửa năm nay không động vào nữa.
Cô ấy vâng dạ nhưng trong lòng có vẻ ấm ức lắm.
Ăn uống no nê, mình nán lại phụ bác rửa mấy cái bát. Cô Quyên thì ra phòng khách thái trái cây cho thầy. May là có bác bên cạnh tám chuyện chứ không thôi cô đơn chết đi được. Mình trông ra phía phòng khách, xem kìa, có khác gì đôi vợ chồng son đâu chứ.
Miệng thì nói không quan tâm chứ thực chất trong lòng buồn bực muốn chết. Mình lục đục ra về, lúc đi qua phòng khách thầy có gọi mình lại.
- Phương, cho em này.
- Gì vậy ạ?
- Táo.
- Thôi ạ, nhà em có mà, thầy không cần cho em.
- Táo thầy gọt vỏ sẵn rồi, về rửa lại rồi ăn.
- Dạ em cảm ơn thầy.
Thầy biết mình thích táo luôn à. Còn gọt vỏ cho mình nữa chứ, nhưng thề là thầy nói thầy gọt mình mới dám nhận chứ thầy bảo của cô Quyên gọt có đánh chết mình cũng chẳng dám nhận.
Về đến nhà, mình hí hửng mang hộp táo vào bếp rửa sạch sẽ. Eo, chẳng muốn ăn tí nào cả, chỉ muốn để đó nhìn ngắm thôi. Miệng thì nói thế chứ cái bao tử nào có chịu nghe lời. Nằm xem phim một hồi thể nào lại chén sạch không còn một miếng.
....
Hai ngày nay, mình thấy sắc mặt người ta xanh xao trắng bệch. Trán thi thoảng còn lấm tấm vài giọt mồ hôi to đùng nữa. Mình thấy hơi lo, tìm cách hỏi thăm thôi cũng phải giữ ý giữ tứ.
- Thầy bị đau ở đâu à?
- Không sao, chỉ là đau bụng thôi.
Có phải đau dạ dày không? Nhìn cả người thầy rệu rã giống như chết rồi ấy. Đến đầu giờ chiều, mình thấy người ta chẳng có dấu hiệu gì gọi là ổn cả. Mình tìm cớ lên hỏi bài rồi thủ thỉ vào tai thầy.
- Hay thầy về nghỉ đi ạ, em thấy thầy có thể gục ngã bất cứ lúc nào đấy.
Người ta không trả lời, ngón tay khẽ móc vào ngón út của mình.
- Thầy ổn!
Mình tin ổng mình là con cún chui gầm giường. Chiều hôm nay có mỗi lớp mình có hai tiết, trống điểm là học sinh ùa ra như bầy ong vỡ tổ, giáo viên khác thì hầu như không còn ở trường nữa.
Tính mình lề mề nên sửa soạn cả buổi mới xách đít ra khỏi cửa. Không biết thầy mua thuốc uống chưa hay còn bướng bỉnh nằm nhà chịu trận nữa.
Đi tới cầu thang lầu hai, tim mình như bị bóp nghẹn, sống lưng bôcng chốc lạnh toát. Người ta nằm đó, hoàn toàn bất động, bàn tay thì nắm chặt bụng chỗ đau đến nổi gần xanh. Mình hoảng quá nên vứt luôn cặp sách lao đến chỗ thầy.
Mình cố gọi, cố gào hết mức có thể. Đáp lại mình, chỉ là cái nhíu mày gắt gao.
- Thầy... thầy sao vậy thầy... thầy đừng làm em sợ mà thầy...
Một mình mình làm sao có thể đỡ nổi thầy đây?
Mình cố hô hào, cầu mong ai đó vô tình đi ngang đây chứ mình là lực bất tòng tâm rồi. Thật may, tiếng gào của mình trời xanh nghe thấy. Bác bảo vệ đi khóa cửa cầu thang, mình phát hiện có người đã mừng quýnh như chết đuối cứu được phao.
Bác ấy cũng sốc không kém gì mình. Hai bác cháu gắng sức đỡ thầy dậy, ra tới cổng bắt được chiếc taxi là có hi vọng rồi.
Người ta bắt đầu hôn mê, cả người mơ hồ tựa vào mình, nhưng tay thầy vẫn thế, vẫn nắm chặt tay mình không buông.
Trên đường đến bệnh viện, mình có điện thoại cho ba, nhờ ông báo gấp cho bác Mai một tiếng.
Xe taxi vừa đến thì băng ca vừa được đẩy tới. Bác ấy làm ở bệnh viện đa khoa, nghe tin như thế thì vội đến đây xem tình hình.
Bác sỹ già từ phòng cấp cứu bước ra, chuẩn đoán thầy bị viêm ruột thừa cần phải mổ gấp.
Mình không biết có nguy hiểm gì không, chỉ thấy bác Mai thở phào nhè nhõm. Bác ấy vỗ vỗ lên mu bàn tay mình, ra sức trấn an.
- Con đừng lo quá, thằng Phong nhất định không sao.
Sao mà mình vô tư đến mức không lo cho được? Giây phút ấy, trông thấy người ta nằm bất động dưới chân cầu thang, mình đã khóc tức tưởi giống như thầy chết rồi ấy. Đó giờ, mình chỉ khóc vì cha, khóc vì mẹ, nhưng lần này, thầy là người thứ ba khiến một đứa phổi bò như mình mau nước mắt đến thế.