Ta vốn hận hắn tới tận xương, nhưng nhìn thấy dáng vẻ của hắn lại cảm thấy phảng phất nỗi buồn. Hắn nói không sai, thủ pháp này quả thật làm nội
lực suy tổn nặng nề, khiến người nội lực thâm hậu như hắn còn mất khống
chế, suýt nữa tẩu hỏa nhập ma.
Ta khẽ nói: “Vương gia, thiếp thân uống rượu An Dật vương ủ, còn ngâm nước nóng ở Ly cung, đã khá nhiều rồi. Mùa đông này có lẽ trôi qua rất dễ
dàng, sau này Vương gia đừng gắng gượng nữa. Đến mùa xuân thiếp thân sẽ
khỏe lên ngay.”
Vẻ đau khổ trong mắt hắn chợt lóe rồi biến mất: “Đúng vậy, qua mùa xuân sẽ đến mùa hè, nàng yên tâm… Mười ngày sau, bổn vương lại tới truyền nội
lực cho nàng.”
Thứ ta muốn nghe không phải là lời này. Vốn dĩ ta nên sảng khoải mới phải,
nhưng không biết vì sao, nhìn hắn như vậy lòng ta chỉ còn nỗi buồn bã
chán nản. Giờ này khắc này, hắn thật sự một lòng vì ta ư?
Sau khi hắn đi, chập tối gió rét nổi lên, mỗi khi đến lúc thời tiết thay
đổi này toàn thân ta sẽ lạnh như băng, nhưng hôm nay thân thể lại ấm áp. Nhìn tán cây lay động theo cơn gió bập bùng ngoài cửa, ngả bóng lên tấm rèm Băng Tiêu, tựa như dục vọng trong đáy lòng con người, không bao giờ có thể đủ đầy.
Gió lạnh gào rú cả đêm, sáng sớm hôm sau ngoài sân phủ đầy lá rách. Có thị
tỳ dậy từ sớm tinh mơ, cầm chổi nhẹ nhàng quét lá, quản sự khẽ nói: “Cô
nương vẫn chưa dậy đâu, đừng dùng chổi, nhặt lên thôi.”
Tiếng chổi ngừng, cuối cùng ngay cả tiếng bước chân cũng không thể nghe thấy.
Nếu là ta của trước đây, sao có thể có được hưởng đãi ngộ như vậy? Có lẽ
Ninh Hoảng Nguyệt mặc dù bất mãn với ta nhưng nể mặt Hạ Hầu Thương vẫn
sai bảo kẻ hầu người hạ, không sơ suất dù chỉ mảy may.
Họ nào biết rằng, sau khi khỏe hơn, cả đêm ta không thể ngủ, nhìn song cửa sổ từ đen biến thành trắng, lại từ trắng trở nên sáng. Đêm đi ngày tới, tai mắt bén nhạy, không thể so với lúc đau ốm, ngược lại còn có thể ngủ được mấy canh giờ.
Ta đẩy cánh cửa sổ nhìn ra mặt nước, ngoài cửa sổ là cầu cửu khúc – lối đi duy nhất tại đây. Thân cầu quanh co uốn lượn như những rối rắm trong
lòng người. Ngoài cửa sổ có mấy thị tỳ mặc áo xanh biếc theo sau một
thiếu nữ áo lụa hồng, váy xẻ tám tà bước theo lối đi quanh co mà đến.
Lúc ta nhìn thấy, trước mặt họ bỗng xuất hiện một người che mặt bằng
khăn đen, toàn thân là trang phục màu đen vươn tay cản họ lại. Đó là một trong Bát Tuấn của Hạ Hầu Thương ư?
Ta choàng áo khoác, mở cửa ra ngoài nó với người kia: “Họ tới gặp ta, để họ vào đi.”
Người mặc áo đen, mặt che khăn rõ ràng hơi sững sờ, nhưng vẫn khom lưng hành lễ: “Vâng, chủ tử.”
Ninh Khải Dao hừ một tiếng, dẫn mấy thị tỳ vòng qua người đó đi về phía ta.
Nàng ta mặc chiếc váy hồng ánh vàng bồng bềnh tầng tầng lớp lớp, sáng sớm có gió thổi qua, váy lụa bay múa theo gió. Thoa lưu ly bện tơ màu ngọc
bích cài nghiêng nghiêng trên đầu nàng, mỏng như cánh ve, như thể gió
thổi qua sẽ rơi xuống nước như bông hoa lìa cành.
Gương mặt tươi trẻ của nàng trơn bóng mà hồng nhuận, không hề tì vết, quả thật có thể xưng tụng là tinh khiết như trăng.
Thấy ta khoác áo ra ngoài, nàng tiến lên cười nói: “Thân thể tỷ tỷ yếu quá,
bây giờ vừa mới vào thu, tỷ tỷ đã mặc áo dầy như vậy rồi sao?”
Ta cười cười, vỗ nhẹ chiếc áo mềm mại trên người: “May mà đêm qua Vương gia đưa áo tới.”
Sắc mặt nàng ta hơi thay đổi, nghiêng đầu nhìn thị tỳ bên cạnh. Thị tỳ này
liền bưng một hộp đựng thức ăn lên nói: “Cô nương, tiểu thư nhà nô tỳ
thấy đêm qua gió lạnh, liền bảo tụi nô tỳ ninh canh ấm bụng, mong cô
nương đừng ghét bỏ.”
Ta cười cười, lạnh lùng nói: “Nô tỳ của muội muội thật vô lễ, chẳng lẽ lão gia các ngươi không nói cho các ngươi biết phải gọi ta một tiếng đại
tiểu thư sao?” Rồi lại quay đầu nói với Ninh Khải Dao, “Muội nói xem?
Nhị muội?”
Sắc mặt Ninh Khải Dao trắng nhợt, vẻ căm hận trong mắt chợt lóe rồi biến mất, sẵng giọng quát thị tỳ: “Còn không mau sửa lại?”
Thị tỳ kia sợ hãi, vội vàng quỳ xuống: “Xin đại tiểu thư tha tội chết cho nô tỳ, nô tỳ biết sai rồi…”
Rồi ta nói với Ninh Khải Dao: “Nhị muội. E rằng ta chỉ có thể nhận tấm lòng của muội mà thôi. Vương gia đã dặn, không được ăn uống tùy tiện đồ của
người khác. Ta và muội đã là người một nhà, có lẽ muội cũng rõ rồi.”
Ân oán của ta và nàng có thể nói là từ xưa đến nay. Ta lại khiêu khích
nàng ta thêm một lần nữa, cuối cùng khiến gương mặt nàng ta hiện vẻ tức
giận, lạnh lùng nói: “Chẳng qua phụ thân nhờ vả nên ta mới đến chỗ cô
trước. Chẳng lẽ cô tưởng mình là đại tiểu thư của Ninh gia thật sao?”
Ta vừa chú ý quan sát thị tỳ bên người Ninh Khảo Dao, vừa tới gần nàng,
vươn tay lấy chiếc lá khô rơi lên đỉnh đầu nàng ta. Ngón tay vừa vươn
ta, chuỗi hạt ở chiếc trâm trên đầu nàng ta kêu leng keng thành tiếng.
Ninh Khải Dao không ngờ ta lại đưa tay lên đầu mình, né tránh nhưng
không còn kịp nữa, vẻ buồn bã trên mặt càng nồng đượm, ánh mắt thêm vẻ
chán ghét, cho rằng thân phận thấp kém của ta hạ nhục mình.
“Cô làm gì thế?”
Ta nhìn đầu nàng, than nhẹ: “Vốn tưởng trên đầu Nhị muội muội là mẫu đơn,
vua của các loài hoa, nhưng lại gần thấy rõ, chẳng qua chỉ là một đóa đỗ quyên hoang dại, thật làm người ta thất vọng.”
Lời này vừa dứt, sắc mặt thị tỳ bên cạnh đều trở nên giận dữ, Ninh Khải Dao lại càng tức giận hừng hực, lạnh lùng nói với ta: “Ai là mẫu đơn, ai là đỗ quyên, cô cứ chờ thì biết!”
Nàng ta vung tay áo xoay người rời đi, ta khẽ mỉm cười, khẽ nói: “Dáng phảng phất hoa, áo quyện mây, Ngoài hiên gió thoảng móc hoa đầy. Đầu
non Quần Ngọc như chưa thấy, Dưới nguyệt Dao Đài hẳn gặp đây (*)…. Nhị muội muội tuy dáng phảng phất hoa, nhưng đừng chọn nhầm hoa nhé.”
* Khúc hát thanh bình kỳ 1 – Lý Bạch. Bản dịch của Lê Nguyễn Lưu.
Bài thơ này tán dương dung mạo dáng điệu của nữ tử, nhưng nàng ta sẽ không
cho rằng ta đang tán dương nàng mà còn ngờ vực. Nghe đến câu cuối thì
chợt ngộ ra, vẻ oán hận vẻ càng sâu, có thể Ninh Hoảng Nguyệt đã dặn
trước nên nàng ta không dám đáp lời, đành phải dậm chân bực bội rời đi.
Mà ám hiệu cũng truyền ra ngoài theo lời của ta.
Tiếp theo chỉ cần lẳng lặng chờ đợi mà thôi.
Đến chập tối, Hạ Hầu Thương lại tới, mang cho ta chút thức ăn ấm bụng. Bốn
thị tỳ dùng đồ sứ hai lớp để đựng, vừa mở nắp, hơi nóng hổi hổi lập tức
bốc lên. Ta cười nói: “Vương gia, Ninh phủ có đầu bếp, ngài còn sợ thiếp thân ăn không ngon sao?”
“Đêm qua khí trời trở lạnh, e rằng cả đêm nàng ngủ không ngon? Ta liền cho
người chưng chút thức ăn an thần, có canh hạt sen long nhãn, tôm nõn
bách hợp, vịt hầm đông trùng hạ thảo, còn bảo người nấu chút cơm ngũ
sắc… Sợ nàng ăn cơm sớm nên vừa hạ triều đã vội vã mang tới, may còn
kịp.”
Ta im lặng không nói gì, hắn có vẻ hơi lo sợ nhìn ta, dè dặt nói: “Sao vậy? Không thích à?”
“Không phải… Từ bé đến lớn thiếp thân chỉ ăn mấy thứ thô lậu, được Vương gia
nuông chiều thế này, chỉ sợ về sau không thể nào quen.”
Hắn thở phào nhẹ nhõm, bảo người bỏ thức ăn từ trong hộp ra bát đĩa, cười
nói: “Ta vẫn chưa ăn đâu. Hôm nay rảnh liền ăn với nàng.”
Hôm nay hắn mặc áo bào màu xanh, ngọc quan trên đỉnh đầu khác ngày hôm qua. Nhưng đưa mắt nhìn xuống chân hắn lại phát hiện vẫn là giày gấm Bàn
Long hôm trước, bên mép giày còn dính chút bùn, không khỏi thoáng giật
mình, liền hỏi: “Tối hôm qua gió rét đêm lạnh, thiếp thân cảm thấy Lâm
Thủy các này như bị gió thổi bay. Cành thúy trúc bên cửa sổ càng làm cho người ta phiền chán, cứ gõ lên song cửa sổ, khiến người ta cả đêm không được yên giấc…”
“Thanh bình điệu” là một điệu nhạc danh tiếng được mọi người ái mộ dưới đời
Đường. Theo “Nhạc sử”, trong năm Thiên Bảo, khi Lý Bạch ở toà Hàn Lâm,
trong cung mới bắt đầu trồng một loài hoa mẫu đơn rất quý, được gọi là
mộc thược dược. Tại đình Trầm Hương, người ta trồng bốn loại quý nhất
vừa mới tìm ra. Ngày hoa nở đầu tiên, vua Đường Minh Hoàng đưa Dương Quý Phi đến thưởng hoa. Ban nhạc do nhạc trưởng Lý Quý Niên điều khiển,
toan cất tiếng hát, Đường Minh Hoàng ngăn lại và nói: “Thưởng danh hoa,
đối phi tử, sao lại dùng những bài hát cũ?” Rồi Minh Hoàng truyền Lý Quý Niên cầm giấy hoa vàng đòi Lý Bạch đến, bảo Lý Bạch làm ngay ba bài
“Thanh bình điệu”. Bấy giờ Lý Bạch còn say rượu (có nơi nói Dương Quý
Phi phải phun nước lạnh vào mặt mới bàng hoàng tỉnh lại) liền vung bút
viết ngay ba bài.
Giai thoại này còn thêm một biến cố nhỏ. Cũng trong thời gian được vua yêu
chuộng, một hôm trong lúc say rượu, Lý Bạch đã đưa chân cho Cao lực sĩ
tháo giày cũ thay giày mới vừa được vua ban sũng ái, Cao lực sĩ đành
phải làm nhưng trong lòng căm giận, liền nhân bài hát này, dèm pha với
Dương Quý Phi rằng Lý Bạch có ý ngạo mạn khi ví Dương Quý Phi với nàng
Triệu Phi Yến, một phi tần thất sủng của vua Thành Đế nhà Hán. Vì thế mà nhiều lần Minh Hoàng muốn phong quan chức cho Lý Bạch nhưng vẫn không
thành, vì Dương Quý Phi cản trở. Lý Bạch không tiến thân được ở Trường
An, phải xin vua trở về quê, rồi đi ngao du, vui với danh lam thắng cảnh của miền trung và nam Trung Hoa.