Đang khi đó, Tiêu Thất đến chùa Thiết Phật không thấy Đổng Khánh Đăng ở
đấy, trong bụng lấy làm phẫn uất vô cùng chàng ta bấm một quẻ độn, biết
rằng Khánh Đăng đã trốn phía tây nam, chàng bèn lập tức theo đường tây
nam, đi rất gấp để đuổi theo Khánh Đăng.
Khi Đổng Khánh Đăng đi khỏi Trịnh Châu chừng 300 dặm đến phố
Thất Tinh thì Tiêu Thất đã theo tới đó. Khánh Đăng không biết có Tiêu
Thất đi theo, nên chàng lấy làm vững tâm tìm vào một nơi quán rượu, ung
dung ngồi chén một mình. Hay đâu chàng vừa uống được vài ba chén rượu
thì chợt thấy Tiêu Thất khoát đạt bước vào. Tiêu Thất vào tới nơi, ngồi
ngay một cái bàn đối diện với Đổng Khánh Đăng, và làm bộ ra dáng tự
nhiên, như là không trông thấy Khánh Đăng ngồi đó.
Khánh Đăng thấy vậy hoảng hốt kinh sợ biết đích là Tiêu Thất
theo mình để chực lôi thôi sinh sự. Nhân thế, chàng nghĩ ngầm trong
bụng, bất nhược trị trước Tiêu Thất thì hơn. Chàng bèn dùng phép phù
thủy, lấy một chiếc đũa đặt ngang lên trên cốc rượu, cho đầu đũa chỉa
thẳng vào mặt Tiêu Thất rồi trong miệng lẩm nhẩm đọc câu thần chú.
Tiêu Thất ngồi bên kia, tuy không nhìn thẳng vào mặt Khánh
Đăng song chợt liếc nhìn thấy vậy thì hiểu ngay mưu mẹo của Khánh Đăng.
Chàng bèn mở cái bầu rượu đặt ở bàn ra, rồi đặt nghiêng cái bầu cho quay miệng sang Đổng Khánh Đăng và cũng đọc mấy câu thần chú lẩm nhẩm trong
mồm. Đoạn rồi Khánh Đăng hai mắt trừng trừng nhìn vào đầu cái đũa trúc.
Thì thấy lúc đó rượu ở trong cốc tựa như cái lò hâm ở dưới làm cho sôi
sùng sục, rồi có một trận hơi bốc lên, quanh quẩn bao bọc lấy đầu cái
đũa. Đằng này trong cái bầu rượu của Tiêu Thất, cũng thấy hơi nóng bốc
lên ngùn ngụt, xong chỉ đi đến chính mặt Tiêu Thất rồi lại đứng chựng
lại, chứ không bay đi chỗ khác.
Những người ngồi ăn ở trong hàng, và hết thảy các người làm ở
cửa hàng, trông thấy như vậy, đều lấy làm kinh lạ, ai nấy cùng ngây mặt
ra để nhìn xem hai người đó làm những trò gì. Vụt chốc Đổng Khánh Đăng
quát lên một tiếng "mau" thì thấy chiếc đũa ở trên cốc rượu theo hơi
nóng bốc lên, bắn thẳng sang mặt Tiêu Thất.
Tiêu Thất ngồi bên này, thấy cái đũa của Khánh Đăng bay sang, thì gật đầu mỉm cười mà rằng:
- Được lắm!
Kế đó thấy những hơi nóng ở trước mặt Tiêu Thất, đón ngay lấy
đám hơi nóng của Khánh Đăng bay sang, làm cho chiếc đũa của Khánh Đăng
quay tít một vòng, rồi rơi tọt ngay vào cái hồ rượu của Tiêu Thất. Tiêu
Thất liền cầm cái đũa bẻ làm đôi, vất xuống dưới đất, rồi giơ hai tay
cầm cái bầu rượu, dốc tuột lên mồm uống một hơi hết thẳng.
Khi ấy, mọi người đương chú ý để xem, thì thấy Đổng Khánh Đăng bỗng biến hẳn sắc mặt, gọi người nhà hàng lên tính trả tiền hàng, rồi
vụt biến đi mất, không ai trông thấy đâu nữa.
Kế đó liền thấy Tiêu Thất quát lên rằng:
- Nhà ngươi định dùng phép ẩn hình để đánh ta, tưởng ta không trông thấy rõ hay sao.
Nói đoạn thì thấy Tiêu Thất đứng phắt dậy, giơ tay đánh nhau ở giữa chỗ không, rồi lại huỳnh huỵch đuổi ra ngoài cửa hàng để đánh. Khi ra tới cửa hàng lại nghe tiếng đánh huỵch, rõ như tiếng người bị ngã,
rồi thấy Tiêu Thất ung dung quay vào, thái độ ra dáng tự nhiên.
Mọi người thấy vậy đều xúm lại hỏi Tiêu Thất. Tiêu Thất chỉ
nói là đánh nhau với một người phù thủy, vừa rồi người phù thủy ấy ẩn
hình chạy sang chém chàng, bị chàng trông thấy, đuổi đánh cho bị ngã
trọng thương và đi chạy trốn mất rồi. Chúng hỏi người đó là ai, thì Tiêu Thất không nói tên họ cho ai biết cả. Rồi thì Tiêu Thất tính trả tiền
hàng, quay về Trịnh Châu lập tức.
Đổng Khánh Đăng hôm đó bị Tiêu Thất đánh ngã ở trước cửa hàng
rượu, chàng biết ngay là bị thương rất nặng, nếu không tìm cách chữa
mau, thì cũng khó lòng sống được. Nhân vậy, chàng bèn dùng phép phi
hành, toan đi gấp đường về thẳng Mao Sơn, để nhờ sư phó là Phương Thượng Đức cứu giúp cho. Nhưng không ngờ chàng bị vết thương nặng quá, mỗi lúc một đau thêm, làm cho sự phi hành của chàng càng chậm lại không sao mà
đi mau như mọi khi được. Vì thế, mãi 12 hôm sau chàng mới về tới Mao
Sơn, lên núi hỏi tới sư phó thì sư phó đã đi sang Lật Dương từ mấy hôm
trước mất rồi.
Khánh Đăng lấy làm thất vọng, hỏi thăm kỹ ra mới biết là sư
phó đi sang Thanh Nguyên quán đất Lật Dương, chưa biết bao giờ mới về.
Chàng ta nghe nói, lại phải cố gượng đi vội ngay sang Lật Dương để tìm
sư phó. Khi sang Lật Dương, tìm vào Thanh Nguyên quán thì sư phó lại vừa mới đi đâu từ hôm trước rồi. Khánh Đăng nhân thế uất ức bội phần, quay
ra đi được mấy dặm đường thì vết thương tấy lên, nằm vật ra đường, rồi
sau được Trần Nhị Lang rước về thì bị chết ngay ở đó.
Còn về phần Tiêu Thất, khi về tới đất Trịnh Châu được ngót một năm trời thì bỗng một hôm có một người bé con ước chừng 13, 14 tuổi, tự xưng là Lưu Hướng ở Lật Dương, xin vào để làm đồ đệ. Tiêu Thất thấy Lưu Hướng còn nhỏ mà đã lần mò đến nơi xa lạ để tìm thầy học thì lấy làm lạ bèn mơn man dò hỏi đầu đuôi vì sao?
Lưu Hướng nghe hỏi, khóc lóc đem tình hình cha hắn bị chết vì
yêu thuật của Trần Nhị Lang, nói cho Tiêu Thất nghe và xin nhập học để
sau này báo thù cho cha. Tiêu Thất nghe nói, lấy làm thương tình, nhân
hỏi Lưu Hướng rằng:
- Trần Nhị Lang là người ở vùng ngươi, vì đâu mà học được những yêu thuật như thế, ngươi có biết không?
Lưu Hướng ngây ngô đáp rằng:
- Nghe nói hồi năm trước đây có một người đạo sĩ tên là Đổng
Khánh Đăng chi đó, qua chơi bị bệnh giữa đường rồi Trần Nhị Lang đón về
để cứu chữa thì người đạo sĩ bị chết. Khi đạo sĩ chết đi có để cho Nhị
Lang một thanh bảo kiếm và một tráp sách... Rồi sau đó Nhị Lang học được pháp thuật bỗng dưng trở nên giàu có, mà trong thành thì nhiều người bị hại vô cùng. Cha tôi là một nhà thân sĩ, cũng bị Nhị Lang tự nhiên dùng phép giết chết, khiến cho tôi mẹ góa con côi, không biết lấy đâu mà
nương nhờ bấu víu, tình cảnh thực là thảm khốc vô cùng.
Tiêu Thất nghe rõ đầu đuôi, nổi giận đùng đùng, bèn thu Lưu
Hướng cho làm đồ đệ để ở đó học tập và hứa sẽ trị Trần Nhị Lang để trừ
cái hại cho hạt Lật Dương. Cách đó ít lâu, Tiêu Thất quả nhiên lang
thang tới đất Lật Dương, dò hỏi công việc hành động của Trần Nhị Lang.
Khi hỏi rõ ra mới biết đích xác Nhị Lang là một người hung tàn độc ác,
làm nhiều điều càn bậy không thể nào tha thứ được. Nhân thế, Tiêu Thất
đợi đến hôm đó là ngày Trần Nhị Lang có việc vui mừng, bèn cốt lẻn đi
vào để gây chuyện.
Khi Trần Nhị Lang thấy Tiêu Thất đánh ngã tên người nhà và
sừng sững đi vào thì chàng lấy làm hoảng hốt kinh sợ, vội vàng đứng dậy
chạy vội ngay ra, chắp tay vái chào Tiêu Thất mà rằng:
- Tôi được nghe tiếng ngài ở Trịnh Châu đã lâu, mà chưa có dịp nào được tiếp. Hôm nay ngài lại giáng lâm tới đây, tôi không được biết
để đón tiếp ngài, thực là vạn tội, xin ngài tha thứ cho.
Tiêu Thất cũng giơ tay vái lại và đáp luôn rằng:
- Tôi cũng không ngờ được gặp Nhị tướng công hôm nay, đã là
hân hạnh lắm rồi, còn đâu dám phiền đến ngài nghênh tiếp! Vả mấy hôm nay lại gặp được ngày khánh hạ của ngài, vậy Tiêu mỗ gọi là lấy đầu làm lễ, xin ngài chớ cười là người lỗ mãng...
Nói dứt lời liền cúi thụp xuống đất lạy luôn hai lạy. Trần Nhị Lang vội vàng đỡ dậy không kịp, bèn lạy thụp xuống để đáp lễ lại. Dè
đâu chàng vừa cúi xuống lạy thì thấy Tiêu Thất cười lên ha hả mấy tiếng, rồi lúc ngẩng lên nhìn thì đã không thấy Tiêu Thất đâu nữa. Nhị Lang
lấy làm nghi ngại vô cùng, đằng ngẩn ngơ quay vào tiếp rượu mọi người dự tiệc.
Kim bộ dịch khi ấy thấy vậy, nhân cười bảo Nhị Lang rằng:
- Anh Chàng Tiêu Thất đến đây một cách kỳ quái như vậy, không
khéo hắn định có ý gì. Vậy Nhị ca phải nên cẩn thận đề phòng một tí thì
hơn.
Trần Nhị Lang đương khi ngẩn ngơ nghĩ ngợi, lại nghe Kim bộ
dịch nói mấy câu đó, thì trong bụng càng thêm bối rối không biết ý tứ ra sao. Được một lát chàng chợt nghĩ ra một kế, bèn gọi tám tên người nhà
đắc lực lên, sai đi các ngã hàng cơm quán chợ hỏi dò xem Tiêu Thất ở đâu thì về phi báo!
Bọn người nhà vâng lời, chia đi các ngả tìm dò, song thủy
chung không thấy ở đâu, đành phải quay về nói với Nhị Lang. Nhị Lang
nhân thế hoảng hốt trong lòng, làm cho bữa tiệc hôm đó cũng mất vẻ vui.
Mọi người thấy vậy cũng ăn uống qua loa, rồi tan tác cáo lui về cả.
Sau khi mọi người về rồi Trần Nhị Lang bèn quay vào nhà kín
lập tức xõa tóc, chống kiếm, bắt quyết, thư phù, hô các thần đinh thần
giáp để về hộ vệ cho mình. Nhưng không ngờ từ đó, chàng cứ mỏi mệt dần
dần, rồi thấy trong bụng nóng sôi sùng sục và các chân tay đều rời rã cả ra. Chàng nhân mở áo xem đến trước bụng thì chợt thấy giữa ngực xuống
có một cái vết đo đỏ tròn tròn, tựa như vết đánh thâm tím đã tự lâu
ngày.
Chàng thấy vậy hiểu ngay là Tiêu Thất đã dùng phép nội công
đánh mình trong khi cúi lạy. Rồi chàng bất giác thở dài một tiếng rồi
rưng rưng hai hàng nước mắt và gọi vợ con lên dặn dò các việc về sau.
Rồi thì chỉ đến chiều tối hôm ấy là bạo bệnh phát lên, chết ngay lúc
đêm, không sao mà cứu gỡ được.
Sau khi Nhị Lang vừa chết xong, chưa kịp đem chôn thì bỗng
dưng nhà lại bị cháy, tất cả quan tài của Nhị Lang và bao nhiêu di sản
trong nhà đều cháy ra tro một lượt. Trong lúc khói lửa mê man, vợ Trần
Nhị Lang là Tào thị chỉ còn giữ được thanh bảo kiếm, một tráp sách phép
và một đứa con là Trần Hanh Cát để đem sang gửi bên nhà mẹ mà thôi.
Tào thị cũng là một người giảo quyệt khôn ngoan, những tưởng
cơ nghiệp tuy hết, song còn tráp sách lại đây, thì sau này tất cũng có
ngày lại gây lên được. Chẳng dè bà về nhà mẹ không được bao lâu, thì lại bị bạo bệnh chết nốt. Trước khi sắp sửa tắt thở, Tào thị thấy Hanh Cát
tuy còn quá trẻ, không thể trao sách và gươm được, nàng bèn gọi người
anh ruột là Tào Sùng Sơn đến, trao cho giữ các vật đó và dặn đợi khi nào Hanh Cát lớn lên thì trao trả cho Hanh Cát, bắt hắn theo đó luyện tập
để hắn trả thù cho bố.
Đến khi hơi thở cuối cùng, Tào thị lại còn dặn với Sùng Sơn rằng:
- Hanh Cát sau này, xem ý nếu không ra gì thì bộ sách và thanh bảo kiếm, nên tìm một người có duyên mà cho và bảo người ta luyện tập
để rồi báo thù cho Trần Nhị Lang cũng được.
Tào Sùng Sơn lúc đó tuy ậm ừ vâng lời, song khi Tào Thị chết
rồi, bèn đuổi ngay Hanh Cát đi, không chứa ở nhà, rồi đem sách và kiếm
ra, định lập tâm luyện lấy cho mình. Không ngờ chàng ta chưa luyện tập
được mấy hôm, thì u hồn của vợ chồng Trần Nhị Lang hiện về quấy nhiễu
làm cho trợn mắt chết tươi lập tức.
Sùng Sơn có một đứa con trai tên là Tào Hoàn, năm đó mới 17
tuổi, song tư chất thông minh, tính tình trung hậu, khác hẳn với Tào
Sùng Sơn. Trước đây Sùng Sơn đuổi Trần Hanh Cát đi, Tào Hoàn vẫn lấy làm bất phục, nhưng không dám nói ra. Nay thấy phụ thân bỗng dưng bị bạo
bệnh chết, thì chàng liền đặt bàn thờ lên, khấn linh hồn vợ chồng Trần
Nhị Lang thề xin sẽ tìm cho được Hanh Cát trở về và đợi khi khôn lớn sẽ
trả kiếm, sách, ép cho luyện tập để báo thù xưa. Sau khi khấn nguyện
xong rồi, thì quả nhiên không thấy âm hồn quở trêu chi nữa. Tào Hoàn
liền lo liệu việc ma chay cho phụ thân xong đâu vào đấy rồi mới quay ra
đi tìm Hanh Cát.
Chàng cho người dò hỏi mọi nơi, không thấy tung tích Hanh Cát ở đâu. Bất đắc dĩ chàng lại khấn với âm hồn vợ chồng Nhị Lang xin cho tự
mình luyện tập, để sau này thay Hanh Cát mà báo thù kia. Từ đó Tào Hoàn
được bình an vô sự, đem sách đem gươm, gia tâm nghiên cứu luyện tập.
Đoạn rồi chàng lại tìm đến Thanh Nguyên quán ở gần vùng đó, nói với nhà
sư ở đấy là Triệu Phi Hùng để xin tập thêm những các môn pháp dị kỳ.
Thắm thoát trong mấy năm trời, Tào Hoàn thấy pháp thuật đã hơi thông thạo, nhân lại nóng lòng về việc báo thù cho Trần Nhị Lang, chàng bèn quyết chí đi sang Trịnh Châu để tìm Tiêu Thất.
Về phần Tiêu Thất, sau khi sang Lật Dương dùng phép nội công
đánh ngầm được Trần Nhị Lang rồi, bèn quay về nhà thuật chuyện cho Lưu
Hướng biết và bảo Lưu Hướng phải gia công luyện tập, để chờ có phen đại
dụng về sau. Lưu Hướng thấy thế cũng lấy làm vui lòng hả dạ, yên tâm ở
đó học tập, không hề quản công lao.
Cách sáu năm sau, Lưu Hướng đã trở nên một người bản lĩnh rất
khá. Tiêu Thất nhân viết một phong thư, sai Lưu Hướng đem sang Tế Nam
đưa cho sư huynh là Âu Dương Vĩnh Minh để nhờ cho học tập các môn thủy
công ở đó. Lưu Hướng vâng lời cảm tạ đi ngay.
Khi Lưu Hướng đi rồi, Tiêu Thất một mình rỗi rãi, muốn đi
Trung Sơn du ngoạn một phen. Hôm đó, chàng đương sắp ra đi thì chợt thấy người nhà vào báo:
- Ngoài cửa có một người thiếu niên tên là Tào Hoàn xin vào yết kiến.
Tiêu Thất nghe nói, ưng nhận cho vào, khi vào tới nơi. Tiêu
Thất nhác trông Tào Hoàn thấy dáng người cao to lực lưỡng, lưng như lưng hùm, bụng như bụng gấu, vẻ mặt hùng vĩ, khôi ngô rất là khả ái.
Tào Hoàn vào tới nơi, liền thụp xuống lạy ngay Tiêu Thất và nói lên rằng:
- Đệ tử là Tào Hoàn, từ nơi muôn dặm xa xa, đến đây cầu học,
dám xin sư phụ thu nhận dạy cho. Nếu sư phụ đem lòng từ chối thì đệ tử
xin chết ngay đây, không còn đi đâu được nữa.
Tiêu Thất nghe nói, cho là thành thực, bèn nhận lời ngay để
cho ở đó học tập. Chàng nhân hỏi Tào Hoàn đã biết được những ngón võ gì, thì phải đi thử cho coi, để sau liệu cách dạy bảo.
Tào Hoàn vâng lời, quay ra đi mấy bài hoa quyền lếu láo cho
Tiêu Thất xem. Tiêu Thất vừa xem được một bài, vội xua tay bảo Tào Hoàn
thôi đừng đi nữa. Tào Hoàn xin cho đi nốt một vài bài nữa, thì thấy Tiêu Thất cười nói mà rằng:
- Cứ theo cách luyện tập của anh như thế, cho dẫu già đời cũng chẳng ăn thua. Vậy sau đây anh phải bỏ hết lối cũ, rồi bắt đầu luyện
tập các môn pháp mới, thì mới mong có ngày khá được. Duy hiện nay nếu mà cố ép luyện ngay thì cũng vô hiệu, vì các lối cũ anh đã luyện nhập tâm
rồi, không thể chốc lát mà đã bỏ ngay được hết... Vậy cứ ung dung thư
thả thì hơn...
Tào Hoàn nghe nói, cũng phải vâng lời để đó, song thực ra
trong bụng chỉ muốn mau mau giết ngay Tiêu Thất để báo thù cho vợ chồng
nhà Trần Nhị Lang. Cách ba hôm sau, Tào Hoàn lấy làm nóng lòng nóng
ruột, muốn mau mau dò xem bản lĩnh của Tiêu Thất ra sao. Chàng nhân nói
với Tiêu Thất rằng:
- Các ngón võ nghệ của sư phụ, có ngón gì là đặc sắc hơn cả, thì xin sư phụ rộng lượng cho xem, để đồ đệ biết đường học tập.
Tiêu Thất nghe nói cho Tào Hoàn còn ít tuổi, tính khí nóng nảy thật thà, cũng không đem lòng nghi ngại, bèn cười bảo Tào hoàn rằng:
- Chính mình ta đây, ta cũng không biết ngón gì là ta đặc sắc. Duy có điều, trong nghề học võ này thì không biết thế nào là bờ, là
cõi. Người này đã giỏi, lại có người khác giỏi hơn, dù cho ai nữa cũng
không dám tự khoe là đã hơn hết được đời... Còn như ta đây, chẳng qua
cũng là được tiếng hão huyền mà thôi chứ thực ra ta đã có gì gọi là đặc
sắc.
Tào Hoàn thấy Tiêu Thất nói tới câu đó, tưởng thực ngay là
Tiêu Thất chỉ có tiếng hão, chớ võ nghệ cũng chẳng ra gì, vì thế trong
bụng có ý khinh rẻ coi thường, song cũng chẳng dám nói ra .
Khi đó Tiêu Thất nhân đứng ở nơi gần giếng, bèn lửng thững đi
đến bên giếng, và gọi Tào Hoàn cùng đi theo ra. Khi tới bờ giếng Tiêu
Thất đứng trên nhìn chăm chăm xuống giếng không nói câu gì, một lát thì
bỗng thấy nước ở trong giếng thẳng vọt cao lên, ngay như cái giây bằng
bạc ở giếng ném thẳng lên trên, ước chừng cao quá nóc nhà. Tiêu Thất
càng ngẩng đầu lên đến đâu thì ngọn nước càng vọt lên tới đó, và hễ khi
chàng cúi đầu xuống thì ngọn nước lại hạ xuống ngay. Tiêu Thất cứ làm
như thế hàng mấy lần, rồi sau quay đi thì ngọn nước lại im như cũ.
Tào Hoàn thấy vậy, nhân hỏi Tiêu Thất rằng:
- Dám thưa sư phụ, cái môn pháp ấy có phải là một món đặc sắc của sư phụ đó không?
Tiêu Thất nghe hỏi nhân quay nhìn Tào Hoàn, thấy nét mặt ra dáng khinh khỉnh không được trân trọng bèn cười bảo Tào Hoàn rằng:
- Cái đó thì có lấy gì làm đặc sắc, nhưng có lẽ nhà ngươi cũng làm được thế, cho nên nhà ngươi mới hỏi ta chăng?
Tào Hoàn lặng ngắt không trả lời, liền cũng chạy đến ngay bên
giếng, nhìn thẳng hai mắt xuống giếng, miệng lẩm nhẩm đọc câu thần chú,
rồi giơ tay trỏ xuống giếng nước, quát một tiếng rất to. Liền đó thấy ở
dưới nước vang lên một tiếng rồi thấy nước ở giếng cũng vọt lên từng tia như tấm lụa trắng, cao lên hàng 3, 4 trượng, so ra cao hơn ngọn nước
của Tiêu Thất đã làm vọt lên lúc nảy.
Tiêu Thất lúc đó mới biết Tào Hoàn có ý không phục bản lĩnh
của mình, chàng nhân cười nhạt một tiếng, giơ tay bắt một cái quyết,
quát một tiếng "xuống" rất to, thì thấy tia nước đương lên, bỗng trụt
ngay xuống, mặt nước lại phẳng như tờ.
Tiêu Thất bèn quay bảo Tào Hoàn rằng:
- Bây giờ nhà ngươi thử làm cho nước lại lên được thì ta phục ngươi là giỏi.
Tào Hoàn bấy giờ nét mặt đã đỏ choét, nhân thấy Tiêu Thất lại
thách, chàng bèn đọc luôn mấy câu thần chú nữa và tay trỏ miệng quát
toan làm cho nước lại lên. Nhưng lần này tha hồ cho Tào Hoàn chỉ trỏ,
ngọn nước chỉ cứ cuồn cuộn trong lòng giếng, không sao vọt lên được nữa. Tào Hoàn thấy vậy, tức thẹn bội phần, đứng ngẩn mặt ra không nói được
một câu gì.
Tiêu Thất lúc đó nét mặt ra vẻ nghiêm trang bảo Tào Hoàn rằng:
- Nhà ngươi có hiểu vì lẽ gì thế hay không? Lúc nãy ta làm
dâng nước lên là ta dùng sức nội công. chứ không phải là môn tà thuật.
Còn như lần sau ngươi dâng nước lên là ngươi dùng môn tà thuật, cho nên
ta đem tà thuật trấn đi, thì lập tức không lên được nữa. Cái đó có chi
là lạ. Duy nhà ngươi còn đương tuổi trẻ, ta tưởng không nên luyện tập
môn đó làm chi. Nhưng ngươi học được thuật ấy ở đâu? Ngươi nói cho ta
được biết.
Tào Hoàn không dám nói rõ là học ở trong sách Đổng Khánh Đăng, bèn nói dối là học ở Triệu Phi Hùng bên Thanh Nguyên quán. Tiêu Thất
nghe nói lắc đầu mà rằng:
- Triệu Phi Hùng vẫn định là giỏi về môn kỳ dị biến hóa, song
ông ta là người chính đạo, làm gì lại có những phép yêu tà như thế? Cái
này ngươi học ở đâu ngươi nên nói rõ cho ta nghe mới được.
Tào Hoàn luống cuống không biết trả lời ra sao thì chợt đâu có tên gia đinh vào báo:
- Có Chu Tử gia sang chơi.
Tiêu Thất nghe báo vội vàng quay ra để đón. Tào Hoàn tinh ý
bèn chạy tót vào trước nấp ngay phía sau phòng khách, để nghe câu chuyện ra sao.