Dệt Kén

Chương 5: C5 Tỏ tình sao

Lê Đường không hiểu lời Tưởng Lâu nói, "đừng giả vờ nữa" là sao? Lẽ nào đêm khuya bị cướp phải tỏ ra sợ hãi hơn?

Còn về "cậu biết tôi là ai", Lê Đường nghĩ đi nghĩ lại rồi nảy ra một suy đoán: "Lẽ nào ngày xưa cậu cùng một giuộc với bọn đấy?"

Về đến nhà, Lê Đường nằm trên giường liên tục nhớ lại nét mặt của Tưởng Lâu, nghĩ nát óc cũng chỉ ra vài điều ngờ vực và cả cảm giác một lời khó nói hết vô cùng ít ỏi.

Lần này cậu lại chưa cảm ơn được.

Vốn không giỏi mang ơn người khác, Lê Đường soạn sẵn câu từ rồi trốn trong phòng tập dượt mấy lần mới đi học, nghĩ bụng hôm nay ngồi vào chỗ sẽ trịnh trọng cảm ơn Tưởng Lâu ngay.

Nhưng không ngờ cậu vừa tới lớp, Lý Tử Sơ ngồi bàn ba tổ hai đã vẫy tay gọi cậu lại.

"Vừa nãy cô Lưu vào lớp, cô bảo bắt đầu từ nay cậu ngồi chung với tôi." Lý Tử Sơ cười nói: "Chào cậu nhé, bạn cùng bàn mới."

Hết giờ truy bài, Lê Đường xuống bàn cuối nhưng lại chậm chân, mấy đứa con trai cuối lớp gồm cả Tưởng Lâu đã rời phòng học ngay trước khi chuông reo vài phút, bàn đầu nói tụi nó bị giáo viên Ngữ văn gọi đi bê sách tham khảo rồi.

Lê Đường đành lên văn phòng hỏi cô chủ nhiệm.

"Tưởng Lâu đấy, sáng sớm em ấy đã gặp cô nhờ cô đổi chỗ cho em lên bàn trên." Cô Lưu nói.

"Nhưng em không muốn đổi lên bàn trên."

"Em ấy bảo em bị cận thị, ngồi học không nhìn rõ bảng."

"..."

Lê Đường cận hai độ, ngồi dưới lớp nhìn lên bảng đúng là phải đeo kính, tức khắc nghẹn họng.

Cô Lưu đẩy gọng kính, nhìn cậu một lượt từ trên xuống dưới: "Vả lại em không cao lắm, ngồi đấy là vừa hợp."

Lê Đường cao hơn 1m7 không còn gì để phản bác.

Tuy rằng cậu vẫn cảm thấy kỳ lạ khi tự dưng lại đổi chỗ, lẽ nào vẫn là vì bài hát "không nên phát" ấy? Nhưng tối qua hắn còn cứu cậu cơ mà, trông đâu giống sẽ ghim cậu chỉ vì một bài hát.

Buồn bực hơn là Lê Đường nhận ra mình còn chẳng tìm được cơ hội cảm ơn. Không biết cố ý hay trùng hợp mà suốt hai hôm nay, hễ đến giờ ra chơi Tưởng Lâu không ngủ thì lại mất hút, lúc thu và phát bài tập Toán cũng hiếm khi ló mặt, đều là bạn cùng bàn mới Hoắc Hi Thần làm thay.

Ban đầu Hoắc Hi Thần ngồi cùng Lý Tử Sơ, đổi chỗ xuống bàn cuối thấy thoải mái hẳn, đi đứng cũng mặt mày hớn hở hát ngâm nga. Vì thế khi Lê Đường tìm hắn, mặt hắn đầy cảnh giác: "Tôi không đổi lại chỗ với cậu đâu."

Cứ như bàn cuối tổ bốn, hay nói cách khác chỗ bên cạnh Tưởng Lâu là vị trí đắc địa không bằng.

Việc chưa được giải quyết luôn có thể dễ dàng chuyển hóa nỗi buồn bực thành lo âu.

Lê Đường bắt đầu vần vò vết thương trên cổ tay một cách thường xuyên, đấy là vết bầm từ tối hôm trước bị thằng đại ca nhóm đầu gấu giật đồng hồ.

Mới đầu cậu lấy ngón tay chọc, vùng da sưng tấy mất đi sự đàn hồi vốn có, ấn xuống mất vài giây mới phẳng lại như cũ. Lặp lại mấy lần, vùng da ấy như có ý thức riêng, dần dần tê dại không còn cảm giác đau, Lê Đường bắt đầu cấu, dùng bụng ngón tay rồi đến móng tay.


Móng tay cậu ngắn nên cấu cũng không sâu, đủ khiến cơ thể tê tê chứ không đau lắm, mức độ này với cậu là vừa đẹp.

Cứ cấu như thế hai ngày, bác giúp việc trong nhà tình cờ phát hiện vết thương ở cổ tay Lê Đường mãi không khỏi mà ngày càng nghiêm trọng hơn.

Bác còn báo cho bố Lê Đường.

Lần này Lê Viễn Sơn đến Tự Thành ngoài mặt là xem vợ con ổn định thế nào, thực tế vẫn là bàn chuyện làm ăn. Bởi vậy đến tận ngày thứ ba sau khi bố đến, Lê Đường mới thấy mặt bố.

Sáng sớm chỉ có hai bố con ngồi ăn, tối qua xã giao uống rượu nên giờ Lê Viễn Sơn vẫn mệt mỏi, nhìn thấy vết bầm bắt mắt trên cổ tay Lê Đường mới nhớ ra hỏi: "Tay bị làm sao?"

Lê Đường đã nghĩ sẵn câu trả lời: "Ngã ạ, tay chống xuống đất."

Lê Viễn Sơn bèn nhắc cậu chú ý an toàn, không có việc gì thì đừng suốt ngày la cà ngoài đường, ở nhà với mẹ nhiều vào. Lê Đường vâng lời.

Bố lại hỏi cậu: "Ở trường mới thế nào, có làm quen bạn mới không?"

Không biết sao mà Lê Đường nghĩ đến Tưởng Lâu, dù cho cậu và hắn chắc chẳng tính là bạn bè.

"Có chứ ạ." Lê Đường nói nghiêm túc: "Làm quen rất nhiều bạn, con chẳng muốn rời khỏi đây nữa."

Hồi nhỏ mẹ từng kể cho cậu nghe câu chuyện "Cậu bé chăn cừu". Cậu đã quên gần hết nội dung, chỉ nhớ kết truyện là cậu bé mất hết sự tin tưởng của người lớn vì quen thói nói dối, cuối cùng bị sói cắn cổ ăn sạch sành sanh.

Lê Đường từng sợ hãi sâu sắc kết truyện này, một thời gian rất dài không dám nói dối, ngay cả việc nhỏ nhặt như thích ăn bánh mì chứ không thích bánh bao cũng nói thật với Lê Viễn Sơn.

Để rồi nhận lại toàn những lời quở trách của Lê Viễn Sơn.

Con trai sao có thể yếu ớt như thế? Bố thấy con bị chiều hư rồi.

Không kết bạn sao rèn được kỹ năng xã hội, bảo bố sau này sao mà yên tâm giao công ty cho con?

Đồ Trung ngon lành không ăn, thích ba cái thứ nước ngoài đấy, không làm người ta bớt lo chút nào cả.

Về sau cậu học được cách ngoan ngoãn; khi bị nhốt cậu cắn răng không khóc, giả vờ mình không hề sợ; rõ ràng sợ xã hội nhưng vẫn bất chấp tham gia tụ tập đủ kiểu, không từ chối ai để làm quen với vô số "bạn bè"; ở nhà mẹ thích ăn gì thì cậu thích ăn món đó; ở ngoài các bạn mê trò gì thì cũng chạy theo trào lưu, bất kể là phim hoạt hình, trò chơi hay cà phê, trà sữa.

Không phải cậu giỏi nói dối mà là không muốn trở nên lập dị.

Hòa đồng khiến cậu cảm thấy mình là người bình thường, từ đó cảm nhận được sự an toàn.

Chỉ có duy nhất một việc cậu không giống tụi con trai bình thường xung quanh.

Nghỉ trưa ngày thứ tư, Lê Đường ngồi trong góc cầu thang tầng bốn dẫn lên sân thượng ở tòa nhà tổng hợp, mở điện thoại lướt diễn đàn giao lưu nổi tiếng trong nước dành cho người đồng tính.

Chẳng mấy khi cậu lên diễn đàn này, một là nó toàn bài viết hẹn ch1ch cùng thành phố, lộn xà lộn xộn, rất khó tìm thấy nội dung có giá trị; hai là Lê Đường có nhận thức về mối nguy cực kỳ mạnh, gặp rắc rối quen suy diễn xa xôi theo chiều hướng xấu.

Thậm chí cậu còn từng nghĩ nếu một ngày nào đó mình bất ngờ thiệt mạng, điện thoại sẽ trở thành vật chứng điều tra quan trọng, cảnh sát sẽ lật từng cuộc trò chuyện của cậu và mỗi một từ khóa cậu từng tìm kiếm truy cập, phơi bày trước mặt mọi người.


Đây là việc không thể khống chế, nhưng ít nhất, Lê Đường mong là ít nhất khi cảnh sát mở lịch sử duyệt web của cậu sẽ không thấy đầy các nội dung về quan hệ đồng tính như "lần đầu nên mở rộng thế nào", "chỗ đó có thể tiếp nhận kích cỡ to nhất là bao nhiêu".

Dù cậu chết thì cũng phải chết có sĩ diện.

Khi nghe thấy tiếng bước chân, Lê Đường đang xem một bài viết khá trong sáng, chủ thớt nói anh chàng mình yêu thầm cao hơn mình rất nhiều, mỗi lần anh ta cúi đầu nói chuyện với chủ thớt, chủ thớt đều cảm thấy người ta muốn hôn mình.

Bình luận hầu hết là cười nhạo, bảo chủ thớt đừng nghĩ nhiều quá, trai thẳng trên đời vẫn nhiều lắm. Còn có người tò mò rốt cuộc chủ thớt thấp đến mức nào, sao người ta cúi đầu cũng có thể bị hiểu sai.

Lê Đường vuốt lên đóng trình duyệt web, khóa màn hình rồi đứng dậy.

Thời gian vừa khít, người đang lên tầng đi qua chỗ ngoặt tầng ba, vừa ngước mắt đã chạm mặt người đứng trên.

Hôm nay Lê Đường đeo kính áp tròng, vì thế có thể nhìn rõ sau khi Tưởng Lâu trông thấy mình, hắn đã nhướng mày rất khẽ.

Có bài học kinh nghiệm từ những lần trước, lần này Lê Đường lên tiếng cảm ơn ngay.

"Chuyện lần trước, cảm ơn cậu."

Tưởng Lâu đứng trước mặt cậu: "Lần nào?"

Đúng là không chỉ có một lần, Lê Đường nói: "Tối thứ hai ở cổng trường, còn cả lần chọn cán sự môn Anh... Đều phải cảm ơn cậu."

Tưởng Lâu tỏ ra đã hiểu: "Chỉ vì chuyện đấy."

Lê Đường ngơ ngác: "Không thì sao?"

Cậu nói xong mới chợt nhớ ra vị trí hai đứa đang đứng, đi lên tiếp một tầng là sân thượng - địa điểm thường xảy ra các câu chuyện tình yêu tuổi học trò nhất, chưa biết chừng cũng là nơi Tưởng Lâu được tỏ tình nhiều nhất.

Trong phút chốc tim đập thình thịch, Lê Đường vừa cảm thấy không nên lại vừa không thể ngừng liên tưởng sang hướng khác.

Không vì chuyện đấy thì còn có thể vì gì?

Tỏ tình sao?

Tưởng Lâu cười, không trả lời.

Hôm nay hắn mặc đồng phục mùa thu, tay áo rộng che kín cánh tay hắn.

Lê Đường nhớ mục đích thứ hai của chuyến này, chỉ tay mình xong lại chỉ tay Tưởng Lâu: "Vết thương ở tay cậu đỡ hơn chưa?

Tưởng Lâu "ừ" vu vơ, dường như không muốn giải thích thêm về nguồn gốc vết bầm lớn trên cánh tay. Nhưng hắn lại liếc cổ tay buông thõng bên người của Lê Đường, chỗ đó mới được bôi thuốc, trông rõ là chuyện bé xé ra to, ai không biết còn tưởng cậu bị thương nghiêm trọng gì.

Lê Đường không khỏi giấu tay ra sau, ngón tay xoắn lại với nhau.


May mà Tưởng Lâu không cười cậu yếu ớt.

Cậu nhìn lên cánh cửa sổ duy nhất ở cầu thang, nắng gắt giữa trưa hắt qua ô kính, chói chang tới nỗi cậu phải híp mắt.

Lê Đường tranh thủ vài giây ít ỏi lấy can đảm: "Tớ muốn mời cậu bữa cơm."

Tòa nhà tổng hợp đối diện sân thể dục, ngoài cửa sổ có người nói to làm ồn ào, Tưởng Lâu nghiêng đầu như không nghe rõ: "Gì?"

Nghe đồn tai trái của hắn bị điếc, chỉ có thể nghe bằng tai phải nên được xếp ngồi góc lớp, vì lẽ đó lúc nghe người khác nói chuyện quen nghiêng nhẹ đầu về bên phải.

Khoảng cách bỗng chốc ngắn lại, gần đến mức có thể nhìn thấy sợi nắng xuyên qua d ái tai mong mỏng của hắn, khiến da dẻ vốn trắng nhợt nhuốm màu vàng nhàn nhạt.

Lê Đường nín thở hoàn toàn là vô thức.

Cậu lặp lại câu nói vừa rồi, trong lòng lại nghĩ rõ ràng nghiêng mặt giống hơn cúi đầu.

Nghiêng mặt giống đòi hôn hơn cúi đầu.

Giờ ra chơi buổi chiều, Lý Tử Sơ hỏi có chặn được Tưởng Lâu không, Lê Đường gật đầu.

Hai hôm nay bạn cùng bàn Lý Tử Sơ đã thấy hết hành vi như sói đuổi cừu của cậu, cậu cũng không phủ nhận, chỉ nói trước đây được Tưởng Lâu giúp đỡ nên muốn cảm ơn đàng hoàng.

"Thế cậu ấy nhận lời đi ăn với cậu chưa?" Lý Tử Sơ lại hỏi.

Lê Đường lắc đầu tiu nghỉu: "Chưa."

Nhưng Tưởng Lâu không từ chối thẳng, chỉ trả lời cậu là "lần sau đi".

Cậu hỏi lần sau là khi nào, Tưởng Lâu lại cười rộ lên như thể chưa gặp ai tích cực như vậy: "Tất nhiên là khi nào muốn ăn."

Lý Tử Sơ ra chiều quả nhiên là thế: "Hình như vẫn chưa ai có thể hẹn đi ăn riêng với Tưởng Lâu."

Lê Đường nhớ lại, đúng là không gặp hắn ngồi ăn với người khác bao giờ.

Và cũng không gặp hắn ngồi ăn một mình, chỉ thi thoảng ra vào căng tin mà trong vòng một tuần Lê Đường đã quen toàn bộ bạn bè cùng lớp, duy nhất Tưởng Lâu là chưa từng xuất hiện ở bất cứ cửa gọi cơm nào ở căng tin.

Đến nỗi Lê Đường còn bắt đầu nghi ngờ phải chăng hắn không cần ăn uống, ví dụ như ma cà rồng gì đó. Cậu ngẫm lại bộ phim ngày trước từng xem, da của ma cà rồng cũng rất trắng, sẽ sáng lấp lánh dưới nắng mặt trời.

Lý Tử Sơ lại hỏi: "Vậy cậu có hỏi vì sao cậu ấy phải đổi chỗ cho cậu không?"

"Không." Lê Đường đáp: "Dù hỏi thì chắc lý do cậu ấy đưa ra cũng giống cô giáo thôi."

"Cũng đúng."

Lê Đường nhìn bạn cùng bàn mới: "Hình như cậu còn để ý vụ đổi chỗ hơn cả tôi."

Lý Tử Sơ ngớ người, sau đó bật cười: "Tò mò chút thôi mà."

Chẳng mấy mà đến cuối tuần, sau sáu ngày tự học tối liên tục cơ thể Lê Đường như bị khoét rỗng, ngủ một mạch từ lúc trời tối tới khi mặt trời lên cao.

Lê Viễn Sơn đã về thủ đô, trước khi đi lại để cho cậu rất nhiều tiền. Lúc ăn trưa, Lê Đường cắn đũa tra số dư thẻ ngân hàng, thầm nghĩ tuần sau đi học đãi các bạn vài bữa trà sữa nữa vậy, gà rán tụi nó cũng thích.


Nhờ hào phóng mà sáng ngày ra điện thoại Lê Đường đã reo inh ỏi không ngừng, ngoài Chu Đông Trạch gọi cậu đến quán cà phê nhà cậu ta chơi, còn có đứa rủ cậu cùng đi chơi bóng rổ và Murder Mystery. Thậm chí còn có bạn nữ lớp bên tuần trước gặp ở quán cà phê hẹn cậu xem phim, hôm đó kết bạn Wechat với rất nhiều người, Lê Đường đã không nhớ rõ mặt mũi cô bạn.

Ngón tay vuốt bừa trên màn hình điện thoại, Lê Đường mắc chứng khó lựa chọn còn chưa nghĩ xong sẽ đi chơi với ai thì chợt nghe thấy tiếng bước chân xuống tầng.

Cậu ngẩng đầu nhìn, Trương Chiêu Nguyệt đóng cửa nghỉ ngơi nhiều ngày cuối cùng cũng ra khỏi phòng.

Có mẹ thì những người khác đều phải xếp sau.

Trương Chiêu Nguyệt ăn trưa với Lê Đường, cậu hỏi buổi chiều mẹ định làm gì, mẹ nói: "Muốn đi loanh quanh."

Lê Đường hưởng ứng ngay, trước khi Trương Chiêu Nguyệt buông đũa đã chuẩn bị hết đồ dùng cần thiết cho chuyến đi, gồm áo khoác chống gió, chăn đắp chân và nước nóng đựng trong bình giữ nhiệt để uống thuốc.

Bác giúp việc nhìn xong cũng khen cậu chu đáo: "Có cậu con trai hiếu thảo thế này, bà chủ có phúc quá."

Trương Chiêu Nguyệt vẫn chưa khỏe lại, môi tái nhợt gần như không có màu máu, nghe vậy chỉ cười không đáp.

Sau khi lên xe, tài xế hỏi đi đâu, Trương Chiêu Nguyệt nói: "Lái đi đâu cũng được."

Thôi thì đi quanh Tự Thành, diện tích nơi đây không lớn, đi từ đầu này thành phố đến đầu kia thành phố chỉ mất nửa tiếng. Trên đường Lê Đường chủ động nhắc đủ chuyện ở trường mới, tiện thể "vô tình" kể việc mình trở thành cán sự môn Anh, Trương Chiêu Nguyệt nghe xong quả nhiên rất vui, cười bảo cậu chăm chỉ học hành, đừng làm cô giáo giao trọng trách cho mình thất vọng.

Lộ trình sau đó Lê Đường dựa vào mẹ ngủ một giấc trên xe, và rồi tỉnh dậy vì đường bắt đầu nhấp nhô xóc nảy. Cậu nhìn ra ngoài cửa xe, nhà cao tầng san sát lùi hết về sau, con đường phía trước uốn lượn quanh co dẫn đến vùng đồi núi xa xôi.

Nhà dân hai bên đường cũng bắt đầu đan xen cao thấp, sườn núi thoai thoải lát đá xanh đền đặn tiện cho con người đi lên. Mà giữa nhà dân và đường cái chỉ cách một lùm cỏ thấp tè.

Xe đỗ bên vệ đường, không khí trong lành phả vào mặt lẫn mùi cỏ cây thơm mát, Lê Đường vô thức hít sâu.

Lê Đường đỡ Trương Chiêu Nguyệt xuống xe rồi hỏi: "Hồi ở Tự Thành mẹ sống gần đây ạ?"

Trương Chiêu Nguyệt ngẩn ra giây lát mới nói: "Đúng lúc đi ngang qua nên xuống xem thử."

Lê Đường không hiểu có gì đáng xem.

Thay vì nói nơi này làm xanh hóa tốt thì chi bằng nói thẳng ra là vẫn giữ nguyên nét hoang sơ, thể hiện đầy đủ đặc điểm của làng trong phố.

Khoảng nửa tiếng sau, Trương Chiêu Nguyệt hóng gió chóng mặt mới nghe khuyên nhủ về xe nghỉ ngơi.

Lê Đường thấy khát, bèn đến cửa tiệm nhỏ gần đó mua nước. Cửa tiệm xây dưới một con dốc thấp, biển hiệu bằng gỗ sơn chữ đỏ, kệ hàng cũng làm bằng gỗ, vài chỗ nổi mốc do bị ẩm.

Trên kệ bày một số loại quà vặt Lê Đường chưa thấy bao giờ, bao bì sặc sỡ sắc màu, nhìn là biết hàng rẻ tiền.

Lê Đường đang mải nghĩ bim bim "tai heo" làm từ gì thì nghe thấy một giọng nói quen thuộc.

"Ông chủ, bán cho cái dao rọc giấy."

Cậu quay đầu sang, tức thì chạm mắt Tưởng Lâu nhìn qua.

***

Tác giả có lời muốn nói:

Tin xấu: Chỉ ngồi cùng bàn một tuần.

Tin tốt: Đã biết địa chỉ nhà.