Dệt Kén

Chương 4: C4 Cậu biết tôi là ai

Mất giây lát Lê Đường mới có thể cất tiếng nói.

"Không." Cậu không muốn người ta cảm thấy mình là đứa trẻ chưa lớn, bèn phủ nhận: "Nhà tôi rất gần trường, mẹ đang ở nhà đợi tôi rồi."

Cho nên tôi không cần nằm mơ.

Tuy nhiên ký ức bỗng chốc ùa về hãy còn đó, kể cả nỗi thấp thỏm và sợ hãi khi ấy nữa. Lê Đường hít sâu một hơi, láng máng biết rằng vừa nãy là mình tự nói cho mình nghe chứ nào phải câu trả lời gì.

Tưởng Lâu nhếch môi cười như nghe thấy chuyện gì hài hước lắm, song dường như cũng chẳng hề tin.

Hắn về chỗ xách cặp, không đi ra từ cửa sau mà đi hướng bục giảng. Khi ngang qua Lê Đường hắn nói bâng quơ: "Vậy thì về sớm đi."

Buổi tối không phải tự học, Lê Đường kết nối tivi chơi game một người chơi, chốc chốc lại ngó lên tầng xem Trương Chiêu Nguyệt có đi ra hay không.

Giữa chừng bác giúp việc đưa hoa quả cho cậu và trò chuyện vài câu.

"Bác đi chợ nghe nói gần Trung học Số 1 Tự Thành hay có tụi choai choai lảng vảng, cháu đi học phải cẩn thận vào."

Bác giúp việc mới là người do ông bố Lê Viễn Sơn của Lê Đường sắp xếp, chắc chắn Lê Viễn Sơn đã dặn dò gì đó vì Lê Đường thường xuyên cảm thấy bác ấy quan tâm mình thái quá.

Cậu trả lời qua quýt, lại nghe bác ấy hỏi: "Bác thấy buổi sáng cháu không ăn nhiều, có phải không vừa miệng không, có cần sửa lại thực đơn không?"

Lê Đường vừa định nói mình thích bánh mì với sữa thì sực nhớ Trương Chiêu Nguyệt chỉ thích bữa sáng kiểu Trung, thế nên lại sửa lời: "Không cần ạ, cháu ăn cũng ít."

Cậu nghĩ rồi nói tiếp: "Thứ bảy chủ nhật không đi học, nếu mẹ cháu dậy thì bác gọi điện báo cháu nhé."

Theo quan niệm của Lê Đường, bện hơi mẹ là bản năng chứ không phải nhớ nhà.

Ngày nghỉ đầu tiên sau khi khai giảng, để củng cố hình tượng hoà đồng mà Lê Đường nhận lời rủ rê của Chu Đông Trạch đến quán nhà cậu ta chơi.

Đây là quán cà phê, thành phố nhỏ không sầm uất sành điệu được bằng thủ đô, ở thủ đô đi năm chục mét ắt có một quán tương tự, mà biển hiệu đầy tính văn nghệ kẹp giữa các cửa tiệm hoa quả ăn uống kim khí nơi khu phố cổ trông cực kỳ lạc quẻ.

Sau một tháng khai trương lượng khách ghé quán vẫn tạm ổn. Ngoài Lê Đường và Lý Tử Sơ thì Chu Đông Trạch còn rủ thêm mấy đứa khác, gồm cả Hoắc Hi Thần dạo này chơi khá thân với Tưởng Lâu.

Nhưng Hoắc Hi Thần tỏ ra rất phiền chán, vừa đặt mông ngồi đã kêu Chu Đông Trạch mau đi làm cà phê, uống xong sẽ đi luôn.

Chu Đông Trạch trêu: "Mày đi đâu? Đừng bảo lại muốn đi cưa cẩm em lớp hàng xóm nhé?"

Hoắc Hi Thần hấm hứ: "Tô Thấm Hàm đang cưa Tưởng Lâu, tao không bao giờ tranh gái với anh em."

Nghe thấy cái tên quen thuộc, Lê Đường dỏng tai nghe.

"Thế mày vội nỗi gì?" Chu Đông Trạch cười nói: "Dù sao mày cũng không muốn về nhà, chẳng thà ở đây chơi thêm lúc nữa."

Mọi người đều đã nghe về tình trạng gia đình phức tạp của Hoắc Hi Thần. Tuy nhiên chuyện họ không biết vẫn còn nhiều lắm.

Hoắc Hi Thần quắc mắt nhìn cậu bạn ngồi cạnh Lê Đường, cầm cốc nước chanh trên bàn tu một hơi cạn sạch, thừa lúc mọi người đều đang nói chuyện phiếm bèn nhỏ giọng làu bàu: "Còn chẳng bằng về nhà cho rồi."

Lê Đường cũng có ý này.

Nhưng đến cũng đến rồi, chưa ngồi ấm chỗ đã đi về thì thật tình rất bất lịch sự, cậu đành ngồi lướt điện thoại, chốc chốc lại xem giờ và đoán khi nào mẹ dậy.

Lát sau có vài học sinh lớp bên tới nhập hội, trong đó có Tô Thấm Hàm.


Đám đông hóng hớt không ngại to chuyện hú hét giỡn cợt, Hoắc Hi Thần mới nãy còn hùng hồn nói không tranh với anh em mà giờ gặp nàng thơ trong mộng lại đỏ bừng mặt, thân hình cao hơn 1m8 mất tự nhiên quay lưng lại, uống cà phê cũng uống hớp nhỏ trông lịch sự hết biết.

Lê Đường đang giảng bài tiếng Anh cho Chu Đông Trạch thì chợt nghe người bên cạnh phì cười, cậu xoay mặt sang, Lý Tử Sơ mím môi như đang lấp li3m: "Xin lỗi, nhất thời không nhịn được."

Cậu định hỏi chuyện gì mà buồn cười thế, Tô Thấm Hàm lại hỏi Hoắc Hi Thần trước mặt mọi người: "Sao Tưởng Lâu không có đây?"

Hoắc Hi Thần tan nát cõi lòng, nét mặt xấu tệ: "Rủ nó rồi, nó bảo không rảnh."

"Cậu ấy đang bận gì?"

"Sao tôi biết."

Một đứa con trai lớp bên nói leo: "Chắc là đi làm thêm, thì bố mẹ nó qua đời hết, đang sống một mình mà?"

Lại có người tham gia: "Nhưng năm nào cậu ta cũng được học bổng, đâu cần làm thêm nữa."

Học bổng là một từ quá đỗi xa lạ với Lê Đường.

Nhưng hiểu thì không có gì khó, trong giai đoạn giáo dục trung học, cái gọi là học bổng quá nửa là một dạng trợ cấp của sở giáo dục hoặc chính phủ cho học sinh có thành tích xuất sắc nhưng kinh tế khó khăn.

Thành tích xuất sắc và kinh tế khó khăn, hai tiền đề này Lê Đường chẳng có lấy một cái, đương nhiên là vô duyên với học bổng.

Cậu cũng như bao người bình thường khác, phản ứng đầu tiên khi nghe nói việc này là Tưởng Lâu rất ưu tú, ưu tú đúng nghĩa phổ biến mà không ai nghi ngờ. Sau đó cậu lại bất ngờ, hoá ra gia đình hắn tạo nên hắn như hiện tại.

Bố mẹ đều mất cũng tức là trong nhà chỉ còn một mình hắn.

Vậy thì chạng vạng hôm qua tại lớp học, hắn đã ôm tâm trạng thế nào khi nhắc đến "mẹ" và "về nhà"?

Lúc giải tán, trời mưa lất phất.

Chỗ này không dễ bắt xe, Lê Đường gọi cho tài xế rồi đứng đợi dưới mái hiên ngoài quán. Cậu chờ một lúc thì cửa quán cà phê mở ra kéo theo chuông đón khách kêu "leng keng", một người đứng bên cạnh cậu.

Tô Thấm Hàm kẹp điếu thuốc mảnh nơi đầu ngón tay, khẽ hút một hơi: "Cậu là bạn cùng bàn của Tưởng Lâu?"

Thái độ của Tô Thấm Hàm khi nói chuyện với Lê Đường khác hẳn khi nói chuyện với Tưởng Lâu, hiện giờ dù cô bạn vẫn kiêu kỳ ngạo mạn nhưng chí ít còn thả lỏng và tự nhiên. Có lẽ đây là sự khác biệt giữa vô cảm và thích.

Lê Đường gật đầu.

Cậu tưởng cô bạn sẽ nhờ mình trông chừng Tưởng Lâu như trong phim tình cảm, hoặc là nhờ mình ở gần nghe ngóng tin tức, ai dè Tô Thấm Hàm lại lấy điện thoại trong túi xách mở mã QR: "Bọn mình kết bạn Wechat đi."

Mỗi lần thêm bạn mới, việc đầu tiên Lê Đường làm là xem trang cá nhân của người ta.

Có lẽ phải giả vờ cho ông bố làm hiệu trưởng xem nên trang cá nhân của Tô Thấm Hàm sạch sẽ một cách bất ngờ, không thuốc lá rượu chè cũng không nổi loạn, bài đăng đều về cuộc sống hàng ngày như hôm nay đi làm móng với chị em bạn dì hay muốn đi xem suất chiếu đêm các kiểu.

Chỉ có một bài đặc biệt là tập thơ của Shakespeare, cô bạn đăng kèm nội dung: Cậu thích nhà thơ, vậy tớ trở thành nhà thơ là được rồi.

Nhưng mà bình thường Tưởng Lâu không đọc thơ, chắc hẳn cũng không thích hút thuốc.

Giờ truy bài sáng thứ hai, Lê Đường cả gan sáp lại gần ngửi thử trong lúc Tưởng Lâu bò ra bàn nằm ngủ, không có mùi thuốc lá.

Có một tích tắc Lê Đường nảy sinh xúc động muốn nhắn tin cho Tô Thấm Hàm, đề nghị cô bạn trước khi theo đuổi người ta hãy kiểm tra tin tình báo của mình có phải thật hay không, đừng làm việc vô ích nữa.

Cuối cùng dĩ nhiên cậu không nhắn. Chuyện tình cảm kị nhất là người ngoài xen vào, Lê Đường cũng không hy vọng Tưởng Lâu cảm thấy mình lo chuyện bao đồng.


Lớp 11 vừa khai giảng nên bài vở vẫn chưa căng thẳng, nghe đâu tuần sau mới bắt đầu nghỉ một ngày một tuần.

Sau tiết tiếng Anh buổi chiều là sinh hoạt lớp, cô Lưu đến muộn, cô tiếng Anh cũng chán dạy, cho cán sự bộ môn mới nhậm chức phát nhạc cho cả lớp nghe.

Điểm tiếng Anh của Lê Đường tốt phần lớn là nhờ cậu thích xem phim Âu Mỹ, bình thường cũng toàn nghe nhạc tiếng Anh.

Lê Đường nhận nhiệm vụ đi lên bục giảng, đăng nhập tài khoản nhạc của mình trên máy tính lớp. Bỗng dưng cậu hơi căng thẳng. Đám trẻ tuổi này không ai là không sĩ diện, Lê Đường rất lo danh sách phát không đủ "làm màu" của mình bị các bạn cười.

May thay chuyện cậu lo lắng đã không xảy ra, mọi người ai làm bài tập thì làm bài tập, ai ngủ gật thì ngủ gật, nhạc vang lên mới túm tụm ngẩng đầu.

Cô tiếng Anh phụ trách trông lớp ngứa mắt tụi học trò chán nản bơ phờ, cất giọng quát: "Nom đứa nào đứa nấy ỉu xìu như bánh đa gặp nước kìa, có ra dáng thanh niên không, mau mau hát theo tôi!"

Các bài hát trong danh sách này đều ít phổ biến, hầu như không có giai điệu quen thuộc. Bài đầu tiên có giai điệu tươi sáng và lời ca "I dont want to waste my days thinkin it over" truyền cảm hứng. Cô tiếng Anh thích thú, còn giảng về một cách dùng cố định xem như dạy thêm ngoài giờ.

Bài thứ hai là nhạc phim trong một bộ phim nào đó hát rất khó nghe, đến tận hôm nay phát trên màn chiếu và các bạn đồng thanh hát theo, Lê Đường mới biết lời cụ thể.

Your hearing damage,

Your mind is restless,

They say youre getting better,

But you dont feel any better.

...

Hát mãi hát mãi, không biết ai bắt đầu mà liên tục có ánh mắt nhìn về bàn cuối tổ bốn. Bình thường những người từng nghe tin đồn hay nghe nói chút ít về chuyện Tưởng Lâu bị điếc đều không tiện dò hỏi nhiều, bây giờ chỉ với một bài hát lại bất chợt khơi lên nỗi tò mò vẫn giấu kín trong lòng.

Thậm chí còn có người thì thầm to nhỏ rằng lời bài hát giống quá, nghe mà nổi cả da gà. Còn có người hỏi sao lại phát bài này, cố ý phải không?

Ngay cả Lê Đường cũng cảm thấy việc phát bài này trước mặt Tưởng Lâu thật sự giống như đang cố tình làm hắn bối rối.

Nhưng có trời mới biết bài hát này cậu chỉ tìm thông qua giai điệu rồi thêm vào danh sách phát, cũng chưa từng xem lời cho đến hôm nay.

Lê Đường đã về chỗ ngồi. Cậu nhìn sang trái, Tưởng Lâu chống cằm bằng tay phải, mặt quay ra hướng cửa sổ, từ chỗ Lê Đường chỉ có thể nhìn thấy góc nghiêng mượt mà và tai phải của hắn.

Cái tai phải khỏe mạnh.

Hôm nay có vẻ Tưởng Lâu cực kỳ mệt mỏi, ngoài giờ ra chơi thì trong tiết hắn cũng ngủ gà ngủ gật.

Tưởng Lâu quay sang như cảm nhận được điều gì, vừa ngáp vừa hờ hững nhìn khắp lớp khiến cả đám lần lượt im bặt, không ngó về phía này nữa.

Lê Đường vội tranh thủ giải thích: "Tôi không cố ý đâu."

Tưởng Lâu nghe tiếng bèn liếc cậu, sau đó ngẩng đầu nhìn màn chiếu.

Your ears are wrecking,

Your hearing damage,


You wish you felt better,

You wish you felt better.

...

Lê Đường sắp ngừng thở đến nơi.

Cảm thấy hết đường chối cãi, cậu đuối lý: "Bài hát trong playlist, trước đây tôi không biết... Thật sự không phải tôi cố ý."

Ngay khi cậu tưởng rằng Tưởng Lâu đanh mặt lại là đang tức giận, Tưởng Lâu bỗng nhoẻn miệng cười.

"Playlist gì đấy? Tôi lưu với."

Tới tận nửa đêm, Lê Đường lôi điện thoại ra xem cũng không thấy thông báo có người lưu danh sách phát. Rõ ràng cậu đã viết tên danh sách phát lên giấy cho Tưởng Lâu rồi.

Hôm sau tất cả lại như bình thường, giờ ra chơi vẫn có đứa chạy xuống đây nghịch, Tưởng Lâu nhường bàn nhường ghế rồi đứng tựa cạnh cửa sổ, thi thoảng xen vào một hai câu. Hắn vẫn cười mỉm, vẫn có quan hệ tốt với mọi người.

Tốt đến mức Lê Đường cũng không nhịn được ghen tị.

Tiết tự học tối nay cô Lưu chiếm dụng để chữa đề, tan học muộn hơn vài phút. Đúng lúc chuyến bay của bố Lê Đường cũng hạ cánh cùng giờ, tài xế ra sân bay đón bố, đáng lẽ Lê Đường định bắt xe về nhà, nhưng chờ ở cổng trường mãi cũng không thấy xe trống, chỉ đành đi bộ về trước.

Cậu vừa đi vừa nhắn tin với Tào Dương, phàn nàn cái chỗ rách nát này đến chín giờ đã kết thúc cuộc sống về đêm, đường xá chẳng có lấy nửa bóng người.

Không biết Tào Dương đang chơi gì mà một lúc lâu cũng không trả lời, Lê Đường buồn bực cất điện thoại về túi áo, ngước mắt lại nhìn thấy ngã rẽ đằng trước có mấy người đang đứng.

Đấy là một nhóm thanh niên tầm hai mươi tuổi, ăn mặc lòe loẹt, dáng đứng cợt nhả, thằng nào cũng cầm điếu thuốc lá, nhìn Lê Đường như thể đàn sói đói trông thấy con cừu béo.

*

Tưởng Lâu rời phòng học sau cùng, khóa cửa lớp rồi khoác cặp lên vai thong thả đi về. Hôm nay hắn không cần đến phòng tập quyền anh, tối hôm kia đánh liền hai trận, máu bầm trên người vẫn chưa tan hết, nói kiểu gì lão Trương cũng không cho hắn đánh tiếp.

Ra đến cổng trường trông thấy một đám người tụ tập, loáng thoáng có đốm lửa lập lòe, Tưởng Lâu tưởng là tụi trường nghề bên cạnh lại sang đây đánh chén, lại gần hơn mới nhìn rõ tụi nó đang vây quanh một người.

Người này cao hơn 1m7, cổ thon dài, mắt rất to. Có lẽ bị dọa sợ nên cậu ta rụt vai nép sát tường, da dẻ vốn đã trắng lại càng nhợt nhạt tợn, trông hơi thảm hại và buồn cười.

Chính xác là bạn cùng bàn Lê Đường của hắn.

Nếu đã ở ngoài trường thì không cần thiết phải tiếp tục tỏ ra thân thiện, Tưởng Lâu không nhìn nữa, hai tay đút túi cụp mắt bước nhanh qua.

Mới đi được mấy bước, hắn nghe thấy giọng nói run rẩy của Lê Đường: "Chỉ, chỉ có nhiêu đây thôi, cái đồng hồ này không đáng tiền, thật đấy..."

Cậu ta luôn dùng từ "thật đấy" để nhấn mạnh mình không nói điêu.

Đáng tiếc sức thuyết phục gần như bằng không, đám đầu gấu không tin, tiếng lôi kéo giằng co vang lên cùng tiếng Lê Đường kêu đau.

Tưởng Lâu cau mày khẽ đến mức khó có thể nhận ra.

Dường như hắn không có bất cứ niềm vui sướng trả được thù nào hết.

Bây giờ Lê Đường đang hối hận xanh ruột, hối hận hôm nay đeo chiếc đồng hồ này đi học, đồng hồ không đắt nhưng là do Trương Chiêu Nguyệt tặng, cũng hối hận vì xem nhẹ lời nhắc của bác giúp việc, chờ ở cổng trường thêm một lúc đã chẳng làm sao.

Mấy thằng đầu gấu chặn đường cậu có lẽ đã để ý cậu từ lâu, mới nãy còn hỏi sao hôm nay không có Mercedes đến đón cậu tan học.

Sức phản kháng của cậu hệt như trò cười, cố lắm cũng không làm gì được một tay của thằng đầu sỏ đang túm tay mình, ngay khi đồng hồ sắp bị tháo ra thì có tiếng bước chân từ xa lại gần, đứng cách chỗ này gần hai mét.

Mấy thằng đầu gấu quay qua nhìn, thằng đầu sỏ bực mình: "Cút xa ra, đừng lo chuyện bao đồng, tin bọn tao lấy cả của mày..."

Nó chưa kịp nói dứt câu, Tưởng Lâu đã vung nắm đấm vào mặt nó.


Là một người sinh ra ở thủ đô - nơi có trị an tốt nhất - và học trường tư thục từ nhỏ, lần đầu tiên Lê Đường tận mắt chứng kiến người khác đánh nhau.

Nói chính xác là một người đánh và một người bị đánh. Tưởng Lâu ra đòn không có vẻ gì là thượng thừa nhưng có lẽ thắng ở phản ứng nhanh, lực vừa đủ, nắm đấm nện lên da nghe nặng nề, khiến trái tim Lê Đường cũng run rẩy theo.

Thằng đầu gấu ngã sõng soài chỉ sau vài ba đấm, mấy thằng còn lại cũng toàn võ mèo cào, thấy đại ca dễ dàng bị khống chế như thế thì sợ hết hồn, Tưởng Lâu còn chưa xoay người mà tụi nó đã lùi tít ra xa.

Thằng đại ca chống đất đứng dậy, nhổ toẹt máu trong miệng: "Con mẹ mày..."

Nó vừa tiến lên vài bước đã bị Tưởng Lâu nhảy lên đạp trúng bụng, ngã oạch về đất, bấy giờ không đứng dậy nổi nữa.

Đến khi đám đầu gấu dắt díu nhau đi xa, Lê Đường mới hoàn hồn, đeo đồng hồ hẳn hoi rồi bước nhanh đuổi theo.

Tưởng Lâu đi rất nhanh, từ đầu đến cuối không nói một lời, thậm chí Lê Đường còn đoán hắn chẳng nhìn rõ người mình cứu là ai.

"Cậu sao rồi?" Lê Đường nhớ đến hình ảnh mình vừa nhìn thấy nhờ ánh đèn đường, vội vàng hỏi: "Tôi thấy tay cậu bị thương, không phải tụi nó chưa động đến cậu sao?"

Tưởng Lâu không trả lời mà thình lình dừng bước, Lê Đường lao về trước mấy mét theo quán tính, ảnh hưởng tới khớp xương bị thương trong quá trình lôi kéo vừa nãy, không khỏi xuýt xoa.

Đau hơn bị dằm đâm vào tay nhiều.

Lê Đường phanh lại, chật vật xoay người. Đập vào mắt cậu là Tưởng Lâu đứng một mình dưới ngọn đèn đường gần đó, gió đêm đầu thu se lạnh thổi quần áo dính sát người, khiến hắn có vẻ cao lớn mà gầy gò, cũng hất tung phần tóc trước trán, để lộ đôi mắt hoàn chỉnh.

Hốc mắt hắn hơi trũng nên trông sâu hun hút, con ngươi đen trắng rõ ràng, dù không gợn mảy may cảm xúc nhưng cũng có thể dễ dàng khiến người ta liên tưởng đến mặt biển tĩnh lặng trước khi triều dâng, hoặc là tấm gương vừa chạm vào đã vỡ.

"Đang thăm dò tôi à?"

"... Sao cơ?"

"Đừng giả vờ nữa." Tưởng Lâu nói: "Cậu biết tôi là ai."

Mà lúc này đây Lê Đường đang chú ý đến điều khác, dòng suy nghĩ rơi vào vòng xoáy trôi dạt ra xa.

Cậu nghĩ, hình như luôn có những đặc điểm xung đột với nhau tập trung ở người trước mặt, ví dụ như mối nguy hiểm tiềm tàng và sự yếu đuối cận kề bờ vực vỡ vụn.

Điều ấy khiến cậu nhớ đến hai câu cuối trong bài hát "không nên phát" hôm nay.

You wish you felt better,

You wish you felt better.

Và cậu lại nhớ đến câu nói của lớp trưởng, không ai là không thích cậu ấy.

Dù cậu ấy có khiếm khuyết và không hoàn hảo, tựa như vầng trăng khuyết hôm nay.

Lê Đường bỗng cảm thấy lời bài hát hẳn phải thế này:

I wish you feel better,

I wish you feel better.

Không ai là không thích cậu ấy.

Không ai là không mong muốn cậu ấy sống tốt hơn.

***

Tác giả có lời muốn nói:

"I dont want to waste my days thinkin it over" trong bài Saving Love của Anadara.

"Your ears are wrecking, Your hearing damage" trong bài Hearing Damage của Thom Yorke, nhạc phim Chạng Vạng: Trăng Non.