Đế Chế Đại Việt

Chương 53: Mục trường

Chuồng ngựa mới được xây dựng cách thành Thăng Long không xa, Lý Anh Tú dẫn theo Trần Thư chạy ra ngoài ngoại ô Thăng Long, từ rất xa đã thấy một hàng rào gỗ chạy quanh trên sườn núi chu vi lại rất lớn. Đến gần Lý Anh Tú mới hít một hơi lạnh. Đây không phải là chuồng ngựa, đây rõ ràng là mục trường. Chỉ thấy diện tích của nó đã chiếm trọn quả núi, không những vậy mà địa hình xung quanh còn bị thay đổi trở nên bằng phẳng, giữa mục trường còn có một cái hồ lớn, xung quanh hồ cỏ non xanh mơn mởn, bên trong không chỉ có ngựa mà còn có cả đàn voi mấy chục con đang đùa giỡn với nhau bên mép nước.

Mục trường (chuồng ngựa lv2): Nơi gây giống, chăn thả chiến mã, chiến tượng của Đại Việt, động vật được nuôi bên trong được tăng tốc độ sinh trưởng. Hiệu ứng: Mỗi hai ngày sinh ra một ngựa thồ, mỗi năm ngày sinh ra một chiến mã.

“Đinh, chuồng ngựa được nâng cấp, mở khóa thị trường mua ngựa”.

Thị trường mua ngựa: Chức năng bên trong mục trường, dùng tiền để mua chiến mã.

Lý Anh Tú đi vào bên trong mục trường có một ngôi nhà nhỏ, bên trong có một người thương nhân ăn mặc mộc mạc, hai bên mép có hai chỏm râu, đôi mắt rất tinh anh, lanh lợi.

- Thảo dân Đoàn Nguyên Đức bái kiến bệ hạ.

- Miễn lễ. Ngươi là ai?

Đoàn Nguyên Đức đứng dậy nói.

- Bẩm bệ hạ, thảo dân là thương nhân buôn ngựa, bệ hạ cần chiến mã, ngựa thồ đều có thể liên hệ đến thảo dân.

Lý Anh Tú rõ ràng, đây đích thị là NPC trá hình của hệ thống. Lý Anh Tú lại hỏi.

- Vậy hiện tại ngươi có bán các loại chiến mã nào?

Đoàn Nguyên Đức nói.

- Bẩm bệ hạ, hiện tại thảo dân có hai loại chiến mã ngựa Đại Lý và ngựa Mông Cổ. Ngựa Mông Cổ giá cả một đơn vị vàng mười con, ngựa Đại Lý năm con trên một đơn vị vàng.

Đúng là xuất thân từ hệ thống, tất cả đều lấy vàng ra nói chuyện, dù là bạc cũng không chiệu. Hiện tại Lý Anh Tú mới rõ ràng tầm quan trọng của vàng, không phải dùng để giao thương thực tế mà dùng để giao thương với hệ thống. Lý Anh Tú nói.

- Ngươi nói một chút về hai loại ngựa đi.

- Bẩm bệ hạ, ngựa Mông Cổ thì thấp bé, nhẹ cân nhưng rất dai sức, dễ nuôi, cũng ít tốn kém, thích hợp với huấn luyện khinh kỵ. Kỵ binh của Thành Cát Tư Hãn thế nào bệ hạ cũng biết. Ngựa Đại Lý cao lớn, chịu nặng khá tốt, nuôi tốn kém hơn, nhưng có thể dùng huấn luyện trọng kỵ.

Đối với ngựa Đại Lý Lý Anh Tú cũng có biết, thời Lý Trần ngựa chiến chủ yếu chính là xuất phát từ loại này. Năm 1012 Lý Thái Tổ biết người Đại Lý buôn ngựa ở châu Vị Long mà không xin phép, Lý Thái Tổ liền hắc luôn mười ngàn chiến mã. Đại Lý đòi ngựa, nhà Lý nhất quyết không trả nói Đại Lý có giỏi đến cắn một miếng chơi. Tổ tiên của Đoàn Dự tức tối liền đem ba vạn quân đi đánh Đại Việt đòi ngựa, kỵ binh Đại Lý như lang như hổ tiến vào Đại Việt thề không lấy được ngựa sẽ không quay về. Ai ngờ Lý Thái Tổ chơi lầy không đối kỵ mà đem voi chiến với cung nỏ ra bắn, kỵ binh Đại Lý bị tượng binh Đại Việt lùa như vịt, đã không đòi được chiến mã lại còn mất thêm cả vạn con. Đánh xong Đại Lý, Đại Việt không chờ Đại Lý kịp tố khổ với nhà Tống, Lý Thái Tổ liền phái sứ giả đem một trăm chiến mã sang tặng mà nói: “Em nào có biết đánh ai, em còn đang sợ bị người ta đánh đây này”. Thế là nhà Tống cũng không có cớ mà đánh Đại Việt.

Lý Anh Tú tính toán một chút liền nói.

- Trước tiên mua một trăm con ngựa Mông Cổ cùng năm mươi ngựa Đại Lý đi.

Đoàn Nguyên Đức vui vẻ nói.

- Tất cả hai mươi đơn vị vàng. Chiến mã sẽ xuất hiện tại mục trường để chăn thả. Bệ hạ có muốn tuyển người nuôi ngựa hay không, ở đây chúng ta có cho thuê người chăn ngựa, rất rẻ, một năm một đơn vị vàng một người.

Một năm một đơn vị vàng một người còn nói là rất rẻ, phải biết trước kia Lý Anh Tú thuê đám trẻ Cổ Loa nuôi ngựa tiền lương cũng chỉ là vài viên kẹo mà thôi. Nhưng nghĩ lại Lý Anh Tú vẫn quyết định tuyển mười tên chăn ngựa. Hiện tại mục trường toàn là chiến mã, Lý Anh Tú cũng không muốn có việc gì bất trắc.

Ra khỏi căn nhà quả nhiên số lượng ngựa trong mục trường đông đúc lên hẳn, hiện tại mục trường cũng đã có gần hai trăm con ngựa, đủ mọi loại màu sắc nào đỏ, nâu, đen, trắng…khoan đã, Lý Anh Tú thấy gì thế kia, là một con tuấn mã cao lớn, toàn thân lông trắng thế nhưng lông đuôi lại chia làm hai màu một bên trắng còn một bên hồng tựa như có hai chiếc đuôi vậy.

Lý Anh Tú vội chạy đến đưa tay muốn vuốt ve nó, Trần Thư định ngăn càng, phải biết ngựa chiến thường rất hung hăng, không thích người khác chạm vào nó. Ấy thế mà con ngựa này lại không có tức giận, ngược lại cúi đầu để Lý Anh Tú vuốt ve nó. Vừa chạm vào hệ thống bỗng vang lên thông báo.

“Đinh, chúc mừng ký chủ phát hiện ra Song Vỹ Hồng, chiến mã đã cùng Lý Thường Kiệt phá Tống bình Chiêm”.

Quả nhiên là nó, Lý Anh Tú vô cùng vui mừng. Đại Việt có ngựa tốt không? Đương nhiên có nhưng tuấn mã được nổi danh cùng với danh tướng thì có mấy con? Chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay, mà Song Vỹ Hồng chính là một trong số đó. Tên tuổi của nó đi kèm với danh tướng Lý Thường Kiệt, tuy sử sách ít nhắc đến nó nhưng không thể chối bỏ Song Vỹ Hồng thực sự là một con ngựa tốt, trọng vạn con mới có một.

- Song Vĩ Hồng à Song Vĩ Hồng. Ngươi theo ta trở về, cùng ta chinh phục mãnh lục địa này chứ?

Lý Anh Tú vuốt ve đầu ngựa nói, Song Vĩ Hồng vậy mà gật đầu còn phì phì hai tiếng làm Lý Anh Tú bất cười thích thú. Hắn liền lấy yên ngựa, bàn đạp khoác lên mình Song Vĩ Hồng, xoay người một cái thuần thục lên ngựa. Nửa năm qua nếu nói ở dị giới hắn học được cái gì tốt nhất thì câu trả lời chính là cưỡi ngựa, mặc dù khoảng cách với kỵ chiến còn khá xa.

Lý Anh Tú giá hô một tiếng Song Vĩ Hồng liền hí lên vui vẻ, bốn đạp trên đất liền như bay chẳng mấy chốc đã chạy xa cả trăm mét để lại một cái bóng trắng. Trần Thư vội vã hô.

- Bệ Hạ, đợi thần với.

Song Vĩ Hồng chạy một mạch vậy mà không chạy về Thăng Long mà chạy lên trên Khai Quốc tự, người dân xung quanh nhìn thấy hắn vội cung kính cúi người chào. Song Vĩ Hồng cũng không dừng lại ở Khai Quốc tự mà chạy thẳng lên đỉnh núi cao nhất liền tung hai vó lên hí một tiếng dài phấn khích. Lý Anh Tú nhìn về phía xa, từ nơi này có thể nhìn thấy được toàn bộ kinh thành Thăng Long, từng dãy nhà san sát nhau, còn có cả hoàng cung sắp hoàn thiện, ở phía xa xa là những rặn núi trải dài đến phía cuối trời chìm đắm trong một màn sương mỏng. Lý Anh Tú cười ha hả.

- Song Vĩ Hồng, ngươi muốn Trẫm nhìn cảnh tượng này sao, đây chính là cương thổ của Đại Việt ta. Nhưng ngươi yên tâm, Thăng Long rồi sẽ còn lớn hơn, Đại Việt rồi sẽ còn rộng hơn. Đến một ngày các quốc gia trên thế giới này sẽ phải một mực nhìn Đại Việt mà sùng bái.

Một người một ngựa ngắm cảnh một lúc lâu Trần Thư cuối cùng cũng chạy được đến nói.

- Bệ hạ, vừa rồi thần có thấy qua Khuôn Việt đại sư, đại sư nhắn nhủ thần tìm được bệ hạ liền nói rằng tại chùa có xuất hiện một vị danh y.

Lý Anh Tú nghe vậy liền vui mừng, hôm nay tin mừng thực sự quá nhiều. Hiện tại Đại Việt cái gì cũng thiếu nhưng thiếu nhất hẳn chính là một vị danh y. Suốt nửa năm triệu hoán không hề có một vị y sư nào xuất hiện, dân chúng cũng chỉ chữa bệnh bằng phương pháp dân gian. Đại Việt hiện tại thiếu thốn một hệ thống y học để phổ cập toàn quốc.

Lý Anh Tú liền dẫn theo Trần Thư đi vào Khai Quốc tự. Trải qua một thời gian hiện tại nhân số của Khai Quốc tự đã không hề ít, đã ra dáng của một ngôi chùa lớn. Lý Anh Tú xe chạy đường quen liền tìm tới Khuôn Việt đang ở trong phòng đàm đạo với một vị sư trạc tuổi trung niên mặc áo xám, gương mặt hiền hậu, nhưng đôi mắt sáng ngời, đặc biệt là cái trán nhô cao vừa nhìn liền có cảm giác là người thông thái. Khuôn Việt nhìn thấy Lý Anh Tú liền đứng dậy chào.

- Bần tăng bái kiến bệ hạ.

Lý Anh Tú nói.

- Khuôn Việt đại sư miễn lễ. Không biết vị này là…?

Vị đại sư kia khom người nói.

- Bần tăng Tuệ Tĩnh bái kiến bệ hạ.

---

Khi triều Lý mới thành lập quan hệ của nhà Lý và nhà Tống rất xấu vì bấy giờ vua Tống cho rằng Lý Thái Tổ cướp ngôi nhà tiền Lê. Tuy nhiên sau chiến tranh với Đại Lý, Đại Việt vừa phô trương cơ bắp của mình, vừa dỗ ngon ngọt nhà Tống nên quan hệ hai nước dần dần hòa hoãn.