Tác phẩm: Trung Cung Lệnh
Tác giả: Đê Điều Quân
Thể loại: Thanh triều, cung đấu, chính kịch, xuyên không lịch sử, cung đình hầu tước, chậm nhiệt, sủng - ngược, chuyên nhất, tình hữu độc chung, HE,.
Độ dài: Trường thiên
Năm hoàn thành: 2016
Editor: Tĩnh Mặc Nhiên - là nhà đài tui đây.
*Vì dàn nhân vật hùng hậu nên mạn phép không liệt kê.
- --
Giới thiệu:Trung Cung Lệnh không chỉ là một tác phẩm tiểu thuyết bách hợp đơn thuần, nó là một thiên trường văn dựng lại sự vĩ đại của triều đại nhà Thanh dưới sự cai trị của dòng họ Ái Tân Giác La, những cung quy lễ nghi được tác giả dụng tâm miêu tả, những minh tranh ám đấu tàn khốc chốn hậu cung, những nỗi khổ và tâm tư của mỗi một con người, mỗi một thân phận sống trong bốn phía tường son. Nổi bật hơn cả là về cuộc đời của Tố Lặc - người có thời gian tại vị Hoàng (Thái) hậu lâu nhất nhà Thanh, là quá trình Lâm Văn Lan với thân phận là Tang Chi, kiếm tìm giá trị chân - thiện - mỹ ở nơi hậu cung gió tanh mưa máu trong xã hội phong kiến thiếu tình người. Và, đây cũng một bức tranh toàn diện về cuộc đời của những người phụ nữ cả đời sống trong Tử Cấm Thành, về cách họ hy sinh cho tình yêu, mà đặc biệt là tình yêu khắc cốt ghi tâm giữa Tang Chi và Tố Lặc, kinh qua bao sóng gió thăng trầm chốn hoàng quyền.
Văn án:"THANH SỬ CẢO"[1] VIẾT:
Tháng Tám, năm Thuận Trị thứ Mười, đương kim Hoàng hậu bị phế.
Bát Nhĩ Tề Cát Đặc thị, vào tháng Năm năm Thuận Trị thứ Mười một được sơ phong Phi vị, vào tháng Sáu được tấn phong Hậu vị, sau này chính là Thanh Thế Tổ Hiếu Huệ Chương Hoàng hậu.
Khi được sách phong Hậu vị, Bát Nhĩ Tề Cát Đặc thị mới mười ba tuổi, để phân biệt với Phế hậu tiền nhiệm, người đời còn gọi nàng Tiểu Bát Nhĩ Tề Cát Đặc Hiếu Huệ Chương Hoàng hậu.
Sử lại viết, vị Kế hậu này "lạnh nhạt, cứng nhắc, không hiểu phong tình", khiến cho Thanh Thế Tổ Thuận Trị không hài lòng chút nào. Mặc dù mang danh nghĩa chấp chưởng lục cung nhưng thực ra không hề có thực quyền, việc hậu cung đều do Hoàng Quý phi Đổng Ngạc thị toàn quyền khống chế. Thuận Trị đế càng không vừa mắt Tiểu Hoàng hậu, coi nàng như cái đinh trong mắt, cái gai trong thịt, chỉ muốn lập tức phế vị cho thống khoái.
Từ trước đến nay, trong chính sử lẫn dã sử Thanh triều, vai trò nổi bật nhất của Hiếu Huệ Chương Hoàng hậu chính là tô điểm cho chuyện tình Đế vương Phi tử tuyệt luân động lòng người của Thuận Trị đế và Hoàng Quý phi Đổng Ngạc thị mà thôi.
Chốn thâm cung vàng son xưa nay luôn là mồ táng cho phận hồng nhan, mà Tân hậu Bát Nhĩ Tề Cát Đặc thị thân là lục cung chi chủ lại bị chính Đế vương không vừa mắt, đứng mũi chịu sào nhận hết những khó dễ. Nàng là chính thê của Thuận Trị, cũng là người mà hắn chán ghét coi thường nhất.
Cuộc đời của Thuận Trị đế, người mà hắn cảm thấy có lỗi nhất không phải nữ nhân hắn yêu tới đến chết không quên Đổng Ngạc phi, mà chính là Tiểu Hoàng hậu mà sinh thời hắn vẫn luôn căm ghét – Bát Nhĩ Tề Cát Đặc Tố Lặc.
- --
[1] Thanh Sử Cảo [清史稿 ]: Tương đương với Nhị Thập Tứ sử, Thanh Sử Cảo là bản thảo một bộ tư liệu lịch sử về thời nhà Thanh, bắt đầu từ khi Thanh Thái Tổ lập ra nhà Thanh vào năm 1616 đến khi Cách mạng Tân Hợi kết thúc sự thống trị của nhà Thanh vào năm 1911.