Sau đó, họ đến trấn Xương Ninh, tìm một nơi nhà dân ở phía đông thành làm chỗ ở. Vết thương của Hạ Thiên Thu dần tốt lên, nội lực võ công cũng dần dà khôi phục, hai người cũng có khi thỉnh thoảng đi vài đường quyền, cùng nhau tập vài chiêu thức trong sân, nhưng không phải là để khổ luyện công phu, mà chỉ là luyện rèn sức khỏe. Trong tiểu trấn yên ổn hòa bình này, võ nghệ trước nay không phải là thứ cần thiết.

Không có sự đối chọi loạn ly, không phải đen tất là trắng, không có tranh giành môn phái kẻ trá người gian, không có ân oán tình thù đến chết không hết, trong trấn nhỏ này chỉ có những người dân thường áo vải, làm mấy việc bán buôn lặt vặt kiếm kế sinh nhai, trồng rau nuôi gà lo toan để đủ một ngày ba bữa. Những ngày tháng thanh nhàn như vậy, đã từ rất lâu Vân Hy không cảm nhận được. Đến tận lúc này, cô mới hiểu, vì sao khi xưa Tôn Bồi Nguyên lại sung sướng hớn hở mà xông xáo lên Kỳ Sơn, để nói với phụ thân và sư thúc, Thái Bình Ước là một việc tốt vô cùng. Trong con mắt của các vị thúc bá đại thẩm ở trấn này, trước nay chưa từng có thứ gì là danh môn chính phái hay hắc đạo tà phái cả, họ chỉ biết rằng, ngoài những người đồ tể làm nghề mổ trâu mổ lợn ra, ai cầm đao kiếm cũng đều chẳng phải là người tốt. Ngay cả việc nhặt lấy một viên gạch đánh người ở ngoài đường cũng phải tống vào nhà lao ngồi. Họ không biết võ, không hiểu võ, nhưng lại rất hiểu biết về pháp luật, hiểu rõ quan phủ nha dịch là người bảo vệ cho họ được yên ổn làm ăn, đêm ngủ không phải lo lắng. Cái mà Thái Bình Ước bảo vệ, trước nay không phải là khoái ý trên giang hồ của võ nhân, mà là sự bình yên an lạc của những người bình dân áo vải này.

Thi thoảng, đi trên những con đường bình an yên tĩnh ở đây, Vân Hy lại lơ mơ nghi hoặc: Mong muốn được học võ nghệ mà mình từng tâm tâm niệm niệm khi còn nhỏ rốt cuộc là đúng hay sai? Học được võ nghệ đánh kẻ địch giành thắng lợi rồi, hoàn toàn không khiến cô trở nên sung sướng hơn, mà chỉ càng làm cô phải mang trên lưng một mối thù hận không bao giờ viết được ra hết. Còn những hương dân đến sức trói gà không chặt này lại sống rất tiêu diêu tự tại, ân oán khúc mắc lớn nhất với họ cũng chỉ là gà nhà hàng xóm lọt qua rào vào phá rau vườn nhà mình mà thôi.

“Học võ, nếu chẳng hại người, thì cũng hại mình.”

Rất nhiều năm trước, khi bắt gặp Hằng ca dạy võ nghệ cho Vân Hy, chú câm đã có ý ngăn cản và viết ra một câu như thế. Cho đến hôm nay, Vân Hy ngoảnh đầu nghĩ lại, mới nhận ra thâm ý trong đó. Hạ Thiên Thu khổ luyện võ công, vốn mong muốn có thể giữ gìn môn phái, bảo vệ môn nhân, nhưng rồi lại đẩy mình hết lần này đến lần khác vào nơi đầu sóng ngọn gió, thiếu chút nữa thì mất cả tính mạng. Còn Hằng ca khổ luyện võ công, vốn là muốn được an thân lập mệnh, báo thù rửa hận, nhưng lại đánh mất bản tâm của mình tự lúc nào không hay, từng bước đi vào con đường sai lầm, càng ngày càng lún sâu...

Suy nghĩ dần xa hơn, động tác tay của Vân Hy cũng dần chậm lại. Nhận thấy vẻ trầm ngâm của cô, Hạ Thiên Thu hơi nghiêng người ngước mắt lên nhìn. Chỉ thấy Vân Hy hai mắt lơ đãng xa xăm, tâm hồn như đang ở mãi nơi nào. Tâm tư của cô xưa nay vốn giản đơn, nhìn động tác dáng vẻ của cô, chàng cũng có thể đoán ra được vài phần. Hạ Thiên Thu cũng không giục giã, chỉ nhẹ nhàng cầm lấy cây lược trong tay cô, nhuộm hết lại mái tóc của mình. Tận đến khi đợi cô để ý trở lại, Hạ Thiên Thu mới cất cây lược vào tay áo, nhẹ nhàng hỏi: “Ra ngoài dạo một lát chứ?”

Sắc trời dần tối, nhưng đường phố vẫn rất sầm uất đông vui. Sắp tới trừ tịch, những người buôn bán đều tranh thủ bán hàng, hoa đăng đầy đường kết thành một dải màu sáng trưng, huy hoàng rực rỡ. Tiếng rao hàng hòa cùng tiếng hò hét uống rượu vỗ tay trong quán ăn, khiến phố phường vào buổi tối càng trở nên vô cùng náo nhiệt.

Hai người sánh vai dạo bước trên con đường nhỏ lát đá xanh, cắt ngang qua những con phố phồn hoa. Đám đông xung quanh vô cùng ồn ã, những câu cười nói thi thoảng lại lướt qua bên tai. Có những đoạn đường ngõ hẹp, Hạ Thiên Thu lại tiến bước đi trước Vân Hy, giúp cô chen vào làn sóng người đang xô tới. Còn Vân Hy thì cúi mặt, không muốn nhìn những dãy hoa đăng lung linh đầy hai bên đường, không muốn nhìn những màu sắc êm đềm ấm áp ấy.

Bỗng nhiên, đang đi trước Vân Hy, Hạ Thiên Thu chợt dừng bước. Vân Hy dõi theo ánh mắt của chàng mà nhìn, chỉ thấy Hạ Thiên Thu đang đứng trước một hàng bán hoa đăng. Hàng bán đèn ấy dùng ba cây gậy trúc dựng thành một giá dài, treo đầy các loại hoa đăng đủ màu đủ vẻ. Có đèn con thỏ tròn trịa với đôi mắt hồng, có đèn hoa sen với những cánh hoa nở xòe tươi thắm, lại có cả những cây đèn cung đình vẽ hình mỹ nhân phong nhã, tám mặt lung linh. Thấy có khách dừng chân, người bán đèn đon đả chào mời: “Xin mời công tử, đèn nhà tôi vừa bền vừa đẹp, giá cả cũng phải chăng, công tử chọn cho cô nương một chiếc đi.”

Hạ Thiên Thu cười chào đáp lễ, nhưng không để ý đến công việc làm ăn của ông ta, quay sang nhìn Vân Hy đang đứng bên. Chỉ thấy cô đứng lặng ngắm nhìn dãy hoa đăng lung linh đầy trước mắt, ánh lửa sáng trưng ấm áp soi vào hai mắt cô, soi đến cay sè.

Vân Hy từng vô cùng thích đèn hoa đăng. Ngày đông giá tuyết rơi ấy, những chiếc lồng đèn hoa đăng đỏ rực rỡ đã soi rọi cho Hằng ca và cô nằm cuộn trong tuyết lạnh, trao cho hai người hơi ấm nhỏ nhoi để vượt qua những ngày lạnh giá khổ sở. Sau đó về theo chú câm, ông lại dạy Vân Hy dán đèn, vẽ đèn, mỗi khi đến dịp Nguyên tiêu, Thất tịch, chú câm lại mỗi tay dắt theo một đứa, dẫn bọn họ cùng lên phố bán đèn. Bày hàng xong rồi, Vân Hy lại giúp ông rao mời khách mua, và chú câm lúc nào cũng giữ lại một chiếc đèn con thỏ nho nhỏ cho Vân Hy, để Vân Hy cầm đèn soi đường cho họ cùng về nhà...

Những ngày đó dù là thanh bần, nhưng ngày nào cũng tràn ngập tiếng cười, tựa như đang ở trong một giấc mơ đẹp đẽ và ấm áp. Nhưng vào một đêm của ba năm về trước, bí mật mà chú câm khổ sở giữ gìn suốt tám năm trời cuối cùng đã bị bại lộ. Bao nhiêu niềm vui gia đình, bao nhiêu ân tình dưỡng dục, chỉ trong phút chốc đã tan như bọt nước sương sa. Điều mà Vân Hy vẫn chưa thể hiểu nổi, đó là với chú câm, cô yêu kính nhiều hơn, hay là oán hận nhiều hơn? Cô chỉ biết trốn đi thật xa khỏi nơi ấy, cho là làm như vậy có thể thoát khỏi nỗi khổ sở âm thầm hận không được, yêu không xong, muôn nỗi rối bời ấy. Nhưng từ đó trở đi, Vân Hy bắt đầu trở nên oán hận hoa đăng, mỗi khi trông thấy chúng, cô liền cảm thấy cái gai đâm nhói trong lòng mình lại bắt đầu cựa quậy.

Cho đến hôm nay, Vân Hy cuối cùng đã thấu hiểu được câu nói của chú câm khi ấy, thấu hiểu được những khổ tâm trong lòng ông, nhưng rồi cái ông có được lại là cái chết được báo trước. Vào một ngày ba năm trước, ông đã bị đứa con mà chính tay ông nuôi dạy lớn khôn, đâm một thương xuyên cổ, và đi vào giấc ngủ ngàn năm trong biển lửa...

“Cho dù ông ấy không còn nữa, nhưng trong lòng nàng, kết cục ấy vẫn chưa bao giờ phai nhạt. Vân Hy, trốn tránh xưa nay chưa bao giờ là cách làm đúng đắn, nàng càng trốn đi xa, vết thương sẽ càng sâu. Ta nhớ nàng từng nói, nàng có giữ lại một thẻ tre dùng để dán đèn lồng, suốt từ bấy đến giờ vẫn không nỡ vứt bỏ...”

Bên tai Vân Hy văng vẳng một giọng nói ôn tồn ấm áp, kéo cô ra khỏi những câu chuyện năm xưa. Cô ngước nhìn lên, đó là một đôi mắt ấm áp như ngọc, sáng rực như sao. Người ấy nói nhỏ, nhưng rất khẩn khoản:

“Vân Hy, nàng dán cho ta một chiếc đèn lồng, có được không?”

Nhìn ánh mắt sáng ngời của Hạ Thiên Thu, Vân Hy lặng lẽ hồi lâu, chậm rãi lấy từ tay áo ra thẻ tre đã giữ suốt hơn ba năm qua. Thẻ tre dài chưa quá một thốn, nhưng là cột trụ chính để giữ cho cả cây đèn lồng rực rỡ. Cô đứng im hồi lâu, cuối cùng nhè nhẹ gật đầu, nghẹn ngào nói:

“Tay không quen nữa, sợ là không dán nổi...”

“Nhớ là được rồi.”

Chàng đi bên cô, xuyên qua những ngõ phố, mua nan tre, hồ dán, mua dây buộc sợi bông, mua giấy mực bút nghiên, mua kéo và nến, đầy đủ tất cả những vật liệu để dán đèn.

Gió đêm thổi qua, làm dòng sông lăn tăn gợn sóng. Một vầng trăng cuối tháng như dải lông mày cực nhỏ treo lơ lửng trên bầu trời, soi bóng xuống mặt nước, chập chờn theo làn sóng rung rinh.

Cây cầu đá như một dải cầu vồng, bắc ngang con sông nhỏ, Vân Hy ngồi bên bờ sông cách chân cầu không xa, cúi đầu chăm chú dán lồng đèn. Năm ngón tay thon dài cẩn thận nhuộm màu cho những tờ giấy xuyến, dán lên những nan tre đã uốn cong, rồi lại miết thật kỹ cho mặt giấy phẳng phiu... Động tác của cô vô cùng nhẹ nhàng, tựa như cây đèn đang được vẽ thành hình bởi bàn tay của cô không phải là những cây đèn hoa đăng bình thường mà là một thứ báu vật gì vậy.

Hạ Thiên Thu lặng lẽ ngắm nhìn thần thái chăm chú ấy của cô, khóe miệng hơi mỉm cười, vẽ nên một vẻ mặt tươi tắn bình an. Rồi chàng lấy từ tay áo ra một cây sáo ngọc, kề lên môi. Khúc nhạc du dương uyển chuyển tuôn tràn, những âm thanh linh diệu, ấm áp dịu dàng, có lúc như hàn mai ánh tuyết, lúc lại như mưa xối ba tiêu, thầm giấu mấy phần tình tứ, mấy phần quyến luyến.

Tiếng sáo ngọc du dương, bay qua dòng sông nhỏ, bay lên tận vầng trăng và những vì sao. Hạ Thiên Thu không nói câu nào, chỉ đem tiếng sáo ra làm bạn với Vân Hy, làm bạn với những hồi ức xa xưa của cô, đem bao nhiêu yêu hận rối bời, bao nhiêu hoài niệm và day dứt, cùng hòa cả vào chiếc đèn nhỏ trong tay cô.

“Xưa ta đã tạo bao ác nghiệp. Đều vì vô thủy, tham sân si. Từ thân, miệng, ý phát sinh ra. Hết thảy ta nay đều sám hối... Thiếp từng trông thấy chú câm viết câu ấy, ông viết mà bàn tay run rẩy, khiến cho chữ viết vốn rất đẹp thành như quỷ vẽ bùa...”

Cuối cùng cô cũng cất lời nói, đem câu chuyện chất chứa trong lòng mình nhiều năm qua, nhất nhất kể lại cho Hạ Thiên Thu nghe.

“Chính ông ấy đã dẫn Triệu Hãn lên Kỳ Sơn, khiến cho ba mươi bảy mạng người của Tùy gia thương phải chết oan. Nhưng cũng chính ông ấy đã quỳ xuống cầu xin cứu mạng cho thiếp và Hằng ca thoát khỏi lưỡi đao đồ tể của Triệu Hãn...”

Chiếc lồng đèn giấy trong tay đã dần thành hình, những cánh hoa lớp lớp chồng lên nhau - là một đóa hoa sen đang nở rộ.

“... Ông ấy đã tự hủy hoại khuôn mặt mình, giả vờ bị câm, ông ấy dạy thiếp học sách viết chữ, dạy thiếp biết xử thế làm người, ơn dưỡng dục tám năm trời, thiếp không bao giờ dám quên một chút nào. Nhưng, so với báo đáp ơn nghĩa, thì thù hận lại đến dễ dàng hơn rất nhiều, cũng mạnh mẽ hơn rất nhiều.”

“... Hạ đại ca, giống như chàng đã nói vậy, trốn tránh rất dễ, nhưng càng trốn đi xa, vết thương sẽ càng sâu.”

“Thiếp... thiếp rất hối hận. Nếu như khi ấy thiếp không vứt bỏ lại chú câm mà đi, thì có lẽ ông ấy đã không phải chết...”

Một giọt nước mắt rơi xuống cánh hoa sen, mực màu nhòe đi, thiếu chút nữa thì khiến cho giấy dán bong ra. Vân Hy vội vàng lấy tay áo thấm hết nước, nhưng cô chỉ mới hơi nghiêng đầu, đã lại có bao nhiêu giọt nước mắt khác rơi xuống, lách tách nhỏ vào cánh hoa sen.

Tiếng sáo chợt ngưng bặt. Hạ Thiên Thu thở dài một tiếng, ôm lấy vai Vân Hy, để cô gục vào ngực mình, khóc nức nở.

Mảnh trăng cong như lông mày, ánh sao thưa thớt, rơi xuống mặt nước mênh mông.