Sau hơn ba tháng xa cách nhớ nhung, cuối cùng Hoài Phong và gia đình mình cũng có dịp gặp mặt vào sáng chủ nhật này đây. Ai nấy đều mong ngóng biết nhường nào. Vì ngại đường xá xa xôi lại phải lôi thôi trên xe khách chật chội nên mọi người đều hế lời thuyết phục bà nội ở nhà nghỉ ngơi. Song, bà một mực không chịu nghe theo. Bà bảo phải được tận mắt nhìn thấy thằng cháu Hoài Phong ăn ở ra sao, luyện tập thế nào thì bà mới thấy yên tâm trong lòng. Rồi chẳng ngại nắng nôi vất vả, bà nội còn lỉnh kỉnh mang theo biết bao nhiêu quà vào thăm cháu trai nữa chứ. 

Mất một hồi lâu lâu đứng đợi trước cổng doanh trại, cuối cùng cả nhà cũng nhận ra bóng dáng thân quen của Hoài Phong đang từ bên trong bước lại. Mới đó có mấy tháng thôi mà nom Hoài Phong đã thay đổi đi trông thấy. Từ xa nhìn lại, mọi người đã thấy được sự trưởng thành và trững trạc của Phong thông qua cung cách ăn mặc hiện tại. Nhớ dạo còn ở nhà, quần áo Phong mặc lúc nào cũng kệch cỡm và “hở hang” lắm, cúc ngực cúc tay cứ gọi là tung bay đi hết. Nào có được đứng đắn, chỉnh tề như bộ quân nhân cậu đang khoác trên người kia đâu. Trong bộ đồ lính xanh màu lá, với hàng cúc thẳng tắp được cài lên tới sít cổ, Hoài Phong bấy giờ nom mới ra dáng anh bộ đội cụ Hồ làm sao. Rồi lại cả mũ cối và đôi dày lính nữa chứ, cả nhà nhìn vào mà thấy ưng lòng muôn phần. 

Trước lúc lên đường nhập ngũ, Phong cứ ngỡ bản thân hẳn sẽ nhẹ gánh lắm khi mà nỗi nhớ của cậu chắc chắn chỉ dành cho mẹ và hai cô nàng tên An mà thôi. Nhưng rồi sau này mọi hiểu lầm đượ gỡ bỏ, tình thương gia đình ngày càng thêm gắn bó, lại phải trải qua ngần ấy tháng xa cách không được gặp mặt, bấy giờ Phong mới hiểu, dù có thể nào đi nữa thì cậu chẳng thể ngăn bản thân mình nghĩ về bố và bà. Để rồi khi khoảng cách chỉ còn đôi ba bước chân, Hoài Phong như không đợi thêm được nữa bèn chạy vội đến choàng tay ôm chầm lấy mẹ cùng bà, miệng liên hồi nói lời chào yêu thương: 

“Con chào bà, con chào mẹ...” 

Cậu chàng cũng không quên ngước nhìn người bố đang đứng sát bên và cất lời chào ngoan ngoãn. 

Hành động này đối với những gia đình hạnh phúc khác là một điều hiển nhiên nhưng với người nhà của Phong thì nó lại có phần bất ngờ. Chuyện kể rằng lúc trước khi còn ở nhà, dù giáp mặt nhau mỗi ngày, song Hoài Phong lại chẳng bao giờ chịu mở miệng chào hỏi lễ phép bất kỳ một ai. Cậu chàng chỉ hờ hững nhếch môi thưa một tiếng “bà”, gọi một tiếng “bố” và đáp một tiếng “mẹ” lấy lệ mà thôi. Thành thử ra bây giờ, dù thấy có chun chút là lạ chưa quen nhưng tất cả mọi người đều thấy mát lòng mát dạ vì Phong lắm nhé. 

Chào hỏi xong xuôi các bậc bề trên, sau cùng Phong mới qua qua xoa đầu em gái và giả vờ lên giọng anh cả nhắc nhở: 

“Cứ đứng cười mãi thế. Chào anh đi chứ.” 

Rồi cậu chàng lùi lùi một chút về phía sau, đưa tay lên và chào cả gia đình của mình một lần nữa theo kiểu quân nhân. Rất to và dõng dạc. Bấy giờ bố Phong mới bước lại gần, vỗ vỗ vào vai con trai và cất tiếng ngợi khen:“Ái chà chà, ra dáng quá nhỉ...” 

Đứng ở khoảng cách gần thế này, tận mắt trông thấy nước da Phong đã đen nhẻm đi vì nắng mưa tập luyện và người ngợm cũng đã gầy đi mấy phần, bà và mẹ quả không kìm được lòng mình mà nấc lên từng tiếng nghẹn ngào: 

“Xót quá...” 

Khoảnh khắc ngọt ngào chứa đầy ắp sự quan tâm ân cần này trước đây hiếm khi nào Hoài Phong có được và dẫu vẫn biết làm thế e rằng bà và mẹ sẽ thấy chạnh trong lòng nhưng Phong thực sự chịu hết nổi rồi, đành lên tiếng hỏi: 

“ Bà ơi, Bảo An... không đi cùng ạ?” 

Dứt lời, cậu chàng vẫn liên tục ngó ngang ngó dọc tìm kiếm bóng dáng bé nhỏ thân quen. Chẳng phải hôm bữa gọi điện, Phong đã xin phép bà cho An theo cùng đó thôi. Và cậu tin chắc, An hẳn cũng mong được vào đây với mình lắm đấy. Nghe Phong hỏi, bà nội mới chẹp miệng một tiếng và vờ trách móc: 

“Cái thằng này...” 

Thật khiến Phong chỉ biết gãi đầu gãi tai và nhăn răng cười trừ, trong đầu vẫn nặng trĩu câu hỏi to đùng mà không dám gặng hỏi thêm gì. Chẳng hề biết rằng, bà nội chỉ đang đùa đó thôi. Cũng may có người mẹ nhẹ giọng lên tiếng giải thích, gỡ dùm cậu con một đống tơ tằm thắc mắc: 

“Hôm nay An phải đi thi nên không theo được.” 

Nghe ra được nguyên do, Phong chỉ biết “à à” mấy tiếng hụt hẫng và thất vọng. Dù biết lý do này là chính đáng và cũng chính bản thân mình luôn nghiêm khắc nhắc nhở An phải đặt công việc học hành lên trên hết nhưng Phong lại vẫn muốn được giận dỗi và trách hờn con bé một chút mới chịu. Cậu đã mong được gặp An biết nhường nào. Thấy mặt anh trai cứ dài thuồn thuộn và tâm trạng đã tụt dốc đi mấy phần, Hoài An chẳng chần chừ thêm nữa mà đưa ngay cho anh cái túi giấy em vẫn cầm nãy giờ trên tay: 

“Đây, quà chị An gửi cho anh đấy. Thích nhé!” 

Nghe vậy, mặt Hoài Phong liền vui lên trông thấy, đôi môi trề trề phút chốc đã nhoẻn cười tươi rồi kìa. Hí hửng mở quà ra ngay tức khắc, Phong thật quá đỗi ngạc nhiên khi biết An tặng cho mình dăm ba lọ kem chống nắng. Và khi đọc được hết những lời nhắn nhủ yêu thương An kèm trong đó, Phong quả chỉ còn biết đứng cười ngây ngốc hệt một gã khờ lần đầu biết yêu. 

“Thoa nó lên da mỗi ngày và cậu sẽ cảm nhận được vòng tay tớ đang ôm cậu mọi phút giây.” 

Nom ra cái vẻ mất hồn của con, bố Phong mới vỗ vai cậu chàng một cái đánh bộp và cao giọng hào hứng đề nghị: 

“Ô hay, thế không định dẫn mọi người vào trong hay sao mà cứ đứng đực ra thế này?” 

Bấy giờ, Phong mới giật mình “đáp chân xuống nơi mặt đất” và nhanh tay xách lấy mấy túi đồ lỉnh kỉnh bà mang. Xong xuôi, cậu chàng liền xin phép được dẫn cả nhà dạo chơi một vòng trước lúc vào phòng nghỉ ngơi.

Dọc đường đi, bà và mẹ liên tục hỏi han Hoài Phong về cuộc sống trong này. Biết thằng cháu giờ giấc sinh hoạt vốn trái khoáy với người, bà nội mới sốt ruột hỏi ngay: 

“Ngủ nghỉ có đủ giấc đúng giờ không con? Rõ khổ, đã quen với việc dậy sớm chưa?” 

Thú thật, cho đến tận bây giờ, Hoài Phong vẫn chưa thực sự thích nghi được với thời gian biểu trong này. Cậu có thể dậy sớm và cố chịu đựng cơn buồn ngủ nhưng bảo ngả lưng chìm giấc vào khoảng thời gian được quy định kia, cậu quả vẫn chưa quen. Thành thử ra, hầu như lúc nào Hoài Phong cũng ở trong tình trạng thiếu ngủ suốt thôi. Song vì không muốn bà phải bận tâm nhiều, cậu chàng cứ gật đầu nói rằng:“Con quen rồi bà ạ. Ở trong này ăn ngủ đúng giờ nên sức khỏe cũng tốt lên nhiều.” 

Biết được điều này, bà nội cũng thấy yên tâm trong lòng, khẽ “Ừ” một tiếng ưng dạ. Rồi mẹ Phong bước đằng sau cũng lên tiếng hỏi han: 

“Còn ăn uống thế nào hả con? Có đủ chất không mà sao thấy gầy hẳn cả đi?” 

Ngoảnh lại nhìn mẹ, Hoài Phong mỉm cười đáp: 

“Đủ mẹ ạ. Con bây giờ người toàn cơ thôi, ít mỡ rồi nên mẹ mới tưởng gầy vậy đấy.” 

Chẳng dừng lại ở đó, bà và mẹ còn hỏi nhiều chuyện nữa cơ. Và đối với Hoài Phong, giây phút này thật đáng trân quý biết mấy. Có điều, do lo sợ đường dài vất vả và nghe ra những câu nói của bà có phần khó khăn vì hụt hơi, Hoài Phong thật muốn xin bà để những câu chuyện này vào trong hẵng hỏi. Nhưng cậu nào có dám, đến như bố cậu cũng đã hết lời rồi mà bà nào có chịu. Cuối cùng, Phong mới nghĩ ra được một cách hay ho thế này. Cậu chàng sẽ “cướp” sạch lời của bà và mẹ. Thay vì để cả hai liên tiếp hỏi han đến mình, Hoài Phong xin phép được vừa đi vừa giới thiệu tới mọi người khung cảnh và những công việc thường ngày trong đây. Thấy bà chăm chú lắng nghe từng lời mình nói, Phong lấy làm hạnh phúc lắm, chỉ mong đoạn đường này được nới dài ra thêm chút nữa mà thôi. 

Trái hẳn với cậu, Hoài An lại muốn mau mau chóng chóng được về đến phòng. Nhìn xem, suốt từ nãy tới giờ, An luôn được những anh lính xung quanh hò reo ý ới, gọi lại trêu đùa. Thật khiến em ngại đến độ chỉ biết gục mặt vào vai mẹ và giục anh trai bước vội mà thôi. Hiểu được sự ngượng ngùng của em cũng như đồng cảm với tâm trạng những người bạn lính của mình, Phong liền thay họ nói hộ nỗi lòng An nghe. Rằng thì là mà... 

“Cô thông cảm, ở trong này toàn đàn ông với nhau. Lâu lắm mới thấy bóng con gái thành thử ra hơi bị phấn khích quá đà...” 

Bố mẹ thấy vậy cũng liền lên tiếng góp vui rằng. Mẹ bảo rằng có được yêu được quý thì các anh mới trêu mới đùa. Còn bố thì ra sức khuyên An: 

“Thôi ngẩng mặt lên xem nào. Biết đâu được lòng anh nào thì sau này bố lại có thằng rể là lính.” 

“Ứ ừ...” 

Trong khi cả nhà cùng cười vang vui vẻ, Hoài Phong bỗng dưng lại thấy nhẹ nhõm trong lòng, bởi... 

“Bảo An ở nhà kể cũng may.” 

Nghĩ mà xem, nếu để Bảo An theo vào thì thể nào con bé cũng sẽ bị rơi vào hoàn cảnh tương tự Hoài An cho xem. Và tất lẽ dĩ ngẫu là Hoài Phong chẳng muốn bất kỳ ai chăm chăm nhìn con bé vậy đâu. Cậu tự hiểu bản thân mình dễ nổi máu ghen lắm mà. 

Từ nãy tới giờ, cả nhà đã được mấy phen ngạc nhiên vui mừng trước những chuyển biến tích cực trong cách ăn mặc và nói năng của Phong. Giờ bước vào phòng, mọi người lại được dịp ngã ngửa ra sau khi tận mắt trông thấy cái giường – nơi Phong ngủ nghỉ mỗi ngày – gọn gàng và sạch sẽ hơn hẳn lúc còn ở nhà. Vội vã chạy đến và ngồi phịch xuống đệm, Hoài An khoái chí quay ngang quay dọc và hí hửng reo lên:“Bố mẹ và bà lại đây xem này, anh Phong dạo này ngăn nắp ngoài sức tưởng tượng ấy ạ.” 

Đỡ bà và mẹ lại ngồi, Hoài Phong bấy giờ mới ngượng nghịu gãi đầu gãi tai hỏi nghe ý kiến, trong lòng không ngừng trỗi lên mong muốn được mọi người hết lời tuyên dương: 

“Cả nhà thấy... sao ạ?” 

Phong đã muốn được khen, bà nội nghiễm nhiên sẽ chiều theo ý cậu chàng. Vừa đưa cho Phong bịch bánh bịch kẹo để mời bạn bè cùng ăn, bà vừa gật đầu nói lời có cánh động viên thằng cháu. Bố cậu đứng ngay cạnh đầu giường thấy vậy cũng mắt mạt lắm nhé. Bằng kinh nghiệm của một người đi trước, bố Phong mới nói một câu gọi là khích lệ kệ cả phòng: 

“Đã là thằng con trai, cứ phải trải qua tháng ngày quân ngũ thì mới trưởng thành được.” 

Nghe vậy, cả phòng đang ăn uống nhiệt tình cũng tạm dừng mấy giây để đồng loạt thưa: 

“Vâng, chú dạy chí phải.” 

Với tư cách là người thường xuyên phải dọn dẹp lại “cái ổ” của Phong, mẹ cậu ngồi đó mới lên tiếng ngưỡng mộ: 

“Gập được chăn màn vuông vắn, gọn gàng hơn cả mẹ rồi đây này. Khi về nhà cũng thế nhớ chưa, đừng có mà lôi thôi "ngựa quen đường cũ" đấy.” 

Phong còn chưa kịp đáp lời mẹ một tiếng “Vâng” ngại ngùng thì anh bạn cùng phòng tên Đạo đã vội vàng chen miệng nói thay: 

“Mất đến mấy tuần bị phạt ngồi xếp đi xếp lại nội vụ giữa sân nắng ban trưa thì làm sao mà không đẹp được hả cô? Cô cũng cứ yên tâm cô ạ, chắc giờ cu cậu cũng tởn đến già rồi, chẳng dám bầy bừa nữa đâu.” 

Mọi người nghe xong ai cũng phá lên cười sảng khoái như được mùa lúa tốt. Chỉ tội mỗi Phong thôi, cái mặt đã sớm đỏ bừng rồi kìa. Thực lòng, cậu chẳng ngại gì việc bị anh em bạn bè bóc mẽ những chuyện vụn vặt này đâu, bởi dẫu sao thì đó cũng khiến mọi người cảm thấy hào hứng, phấn khởi cơ mà. Có điều, do biết tối nay về, thể nào con bé Hoài An cũng sẽ đem hết những điều nghe được hôm nay kể với chị An và Phong thì luôn muốn bản thân mình thật hoàn hảo trong mắt Bảo An nên cậu chàng đành phải gằn giọng kêu một tiếng “Đạo” gọi là nhắc nhở người đồng đội kia. Nhưng xem chừng chẳng xi nhê được gì vì ngay sau khi nghe Hoài An hớn hở reo lên: 

“Thật ạ? Anh kể thêm cho em nghe về mấy vụ anh Phong bị phạt nữa đi.” 

Thì y như rằng, không chỉ riêng một “anh” đâu, mà cả cơ man những “anh” khác nữa cũng hào hứng vào cuộc. Cậu đầu tiên kể rằng: 

“Ở nhà Phong có hút thuốc không bà? Dạo mới vào đây, cậu ta bị phạt ngậm đến cả bao trong mồm vì cái tội lén lút hút thuốc đó bà.” 

Biết chuyện, bà nội không kiềm được chút thất vọng mà thốt lên hai tiếng: 

“Chết thật!” 

“Nhưng bà đừng lo, giờ có biếu thêm tiền nó cũng chẳng dám tái phạm nữa đâu bà ạ.” 

Tuy được bạn bè nhanh chóng đỡ lời, song Phong vẫn không thể không gục mặc nhìn xuống và đưa tay lên vỗ trán cái tét, ra cái vẻ tuyệt vọng vô cùng. Cũng đúng thôi, nhìn ánh mắt liêng liếc chứa đầy ý đồ của Hoài An thế kia, Phong nhắm chắc thể nào chuyện này cũng đến tai Bảo An cho xem. Đau đớn nhất chính là trong vụ việc đó, Hoài Phong rõ ràng bị rơi vào thế tình ngay lý gian mới thật đắng lòng. Chỉ vì tò mò muốn biết hình phạt mà anh họ Bảo Minh nhà An dọa dạo trước có thật hay chỉ là tin đồn tầm phào nên Phong mới liều mình đem bản thân ra thí nghiệm. Canh me đợi đến lúc cấp trên gần đi qua, cậu chàng mới vờ châm điếu thuốc giả vờ phì phèo say sưa. Thật không ngờ, những điều Bảo Minh nói chẳng chệch đi đâu li nào. Đúng là trên đời này...”Không có cái ngu nào giống cái ngu nào.” 

Chưa dừng lại ở đó, anh chàng Đạo kia sau khi giải lao ăn cái bánh, uống miếng nước xong xuôi, liền tiếp tục tham gia vào cuộc vui. Chạy bổ tới và ôm choàng lấy Phong vào vòng tay mình, anh ta làm bộ e thẹn nhìn người nhà của cậu chàng và mách lẻo: 

“Cháu với Phong ngày trước có lần đánh nhau, thế rồi bị phạt đứng trước mặt toàn dân thiên hạ ôm nhau và nói toàn lời yêu thương bà ạ. Giờ thì dính như sam, đố ai tách ra được.” 

Được đà gợi lại chuyện xưa, bao nhiêu đồng chí khác thấy vậy bèn đua nhau chạy tới và tranh giành được ôm lấy Phong, miệng liên tục khoe khoang chiến tích: 

“Cháu nữa, cháu nữa. Cháu ôm hai lần rồi...” 

“Cháu nhiều hơn thế gấp đôi...” 

“Tiếc là giờ Phong đổi tính đổi nết rồi, chẳng thèm cho ai một cơ hội được "ôm ấp" thêm lần nào nữa bà ạ.” 

Thấy con thấy cháu được lòng bạn bè như thế, cả nhà cũng yên tâm hơn hẳn. Còn Phong, cậu chàng chỉ biết cười ra nước mắt với những người bạn lính “lầy tính” này mà thôi. Nhưng kể ra thì bọn họ nói chẳng sai chút nào, đếm nhẩm sơ sơ đại khái trong đầu, Phong chợt giật mình nhận ra rằng, quả thật cậu chàng đã từng ôm ấp qua tay bao người. Và rồi cậu chàng đang tự hỏi... 

“Bảo An liệu có ghen không nhỉ?” 

Mải vui nhưng chẳng quên phép tắc, bằng chứng là từ nãy tới giờ Hoài Phong tuyệt nhiên chưa hề lỡ miệng chửi thề một câu gọi là góp rôm với bạn. Điều này thật không giống Phong cách thường ngày của Phong chút nào. Để có thể đạt được đến trình độ văn hóa này đây, âu cũng là nhờ cái hình phạt dở khóc dở cười mà Hoài Phong đã phải hứng chịu lúc trước. Phải đánh răng hết nguyên một tuýp mới tinh sau mỗi lần lỡ miệng văng ra những lời không hay đến năm, sau lần, Hoài Phong quả đã tởn đến già. Mỗi lần muốn nói cái gì, cậu chàng đều phải uốn lưỡi đến cả chục lần có hơn, lâu dần hình thành thói quen đẹp đẽ trong Phong. 

Không thể đi cùng mọi người lên đó thăm nom Hoài Phong, Bảo An lấy làm tiếc nuối đến vô cùng tận. Nếu không phải do bà chàng lên tiếng trách mắng và hứa sẽ đưa điện thoại để Phong gọi về thì Bảo An cũng dám bỏ thi để đi theo lắm chứ. Chính thế nên từ lúc thi xong tới giờ, con bé cứ mãi chăm chăm nhìn vào cái điện thoại và ngóng chờ sự liên lạc từ ai kia thôi. Nóng lòng là thế, ấy vậy mà khi màn hình điện thoại sáng lên cuộc gọi, Bảo An tuy vội vàng bắt máy “alo” nhưng ngay sau đó mồm miệng lại cứng đơ tức thì. 

Bảo An vốn đã chuẩn bị cả một danh sách dài những câu hỏi dành cho Hoài Phong, từ vấn đề ăn ở cho và sức khỏe của cậu chàng cho tới câu chuyện giới tính An hoài nghi mấy ngày hôm nay cơ. Chẳng hiểu sao vừa nghe hai tiếng “An à!” được nói ra bởi giọng ai kia trầm ấm và đầy dịu êm, đầu óc con bé bỗng dưng lại trống rỗng đến lạ lùng. Mặc cho chúng bạn có ngỡ ngàng hay dỗ dành thế nào, con bé vẫn cứ òa lên nức nở ngay giữa quán xá đông người. Thì ra, nỗi nhớ cho Phong lại nhiều hơn so với những gì An vẫn tưởng. 

Và với Hoài Phong, nếu là trong những ngày mới quen thoáng biết hay với một ai đó khác An, chắc chắn cậu sẽ để máy ra thật xa bên tai và chờ đến khi đối phương ngưng gào thét, cậu mới áp lại để tiếp tục câu chuyện. Phũ phàng hơn, có đôi khi Phong còn dập máy cái rụp cũng không biết chừng. Nhưng bây giờ với An lại khác, dù tiếng khóc ấy có the thé cỡ nào thì Phong vẫn muốn được nghe trọn vẹn để cảm nhận được thấu những thiệt thòi An chịu lâu nay và cũng là để vơi đi được phần nào nỗi nhớ nhung trong mình.Quệt tay lau ngay hai hàng nước mắt, mất một lúc sau, Bảo An bấy giờ mới lấy lại được chút ít bình tĩnh và nghẹn ngào làm nũng gọi tên: 

Khẽ mỉm cười hạnh phúc trước tiếng gọi An trao, Hoài Phong biết con bé hẳn vẫn còn đang bối rối lắm. Và những lúc thế này, cậu nên nắm thế chủ động gợi chuyện trước thì hơn. Huống hồ, Hoài Phong vốn cũng chất chứa trong đầu bao nhiêu điều muốn nói với An, khi nãy còn chưa dám gọi là bởi lo sợ con bé đang trong phòng thi đó thôi. 

“Thi tốt không? Dạo này vẫn khỏe chứ? Có bị đứa nào bắt nạt không?” 

Khịt khịt mũi mấy cái, Bảo An thỏ thẻ đáp lời: 

“Tớ ổn, mọi chuyện đều suôn sẻ hết. Còn cậu...” 

“Nghe bảo dạo này đang ăn kiêng giảm cân đấy à? Cấm nhé. Đã không lên được cân nào thì tốt nhất là "Nguyễn Y Vân", rõ chưa?” 

Bị nói trúng tim đen, Bảo An liền luống cuống xúc ngay một thìa cơm rang to oành vào mồm. Rồi vừa nhồm nhoàm nhai, con bè vừa lúng búng nói, ra cái điệu đang bận rộn ăn uống lắm: 

“Đâu, ai bảo thế? Tớ đang... ăn cơm đây này.” 

“Ngoan! Nhân cái tiện cũng nói luôn, cấm làm tóc làm tai gì đâu đấy. Không thích thế. Hứa đi.” 

“Tớ biết... biết rồi. Có định làm cái gì đâu cơ chứ.” Vừa lắp bắp cãi lại lòi Phong ngay tức khắc, Bảo An vừa tự thầm nhắc nhở bản thân lát nữa phải gọi điện hủy ngay lịch hẹn uốn nhuộm đã đặt từ hai hôm trước. 

Bây giờ thì tâm trạng An đã ổn định thật rồi, thay vì cứ để An mãi quan tâm tới cuộc sống của mình, con bé liền nhanh miện hỏi thăm cậu chàng luôn: 

“Mà cậu thì sao? Nói cho tớ nghe về cậu đi? Tớ lo và nhớ cậu muốn chết đi được.” 

Thực lòng, Bảo An đã nghĩ thông lắm rồi. Dù giới tính của Phong có “cong – thẳng” thế nào thì con bé vẫn muốn được ở bên cạnh cậu. Giống như Lâm sẵn sàng để Băng “lợi dụng” bản thân thì An cũng muốn hy sinh hạnh phúc riêng mình vì Phong. Sau những lời nửa trêu nửa dọa của hội bạn hôm trước, An về nhà và lên mạng tìm hiểu ngay về cuộc sống quân nhân bên trong doanh trại. Con bé thấy thương và ngưỡng mộ những người lính vô cùng. Huống hồ, từ đó từ giờ, Hoài Phong luôn là người đứng lên bảo vệ và nhận hết những phần thua thiệt về mình thay An. 

Quay trở lại với Hoài Phong, sau khi nghe An hỏi như vậy, cậu thật lòng cũng chẳng muốn kể quá thực cho con bé nghe về cuộc sống của mình hiện tại đâu. Phong lo sợ, An sẽ đau lòng và suy nghĩ liên miên suốt ngày. Vận dụng hết khả năng nói giảm nói tránh học được bấy lâu, Phong mới bảo: 

“Tốt chán, sinh hoạt có giờ có giấc nên giờ chẳng những khỏe mà người ngợm con như siêu mẫu luôn cơ. Bụng bắt đầu có múi rồi đấy. Da dẻ thì tất nhiên là đen đi nhiều, nhưng con trai phải vậy mới đẹp, đúng không?” 

Hai má dần ửng lên khi đầu óc tưởng tượng tới thân thể Phong lúc này, Bảo An bèn ngại ngùng đáp tiếp: 

“Cậu thế nào thì tớ vẫn thấy đẹp. Đẹp nhất luôn ấy. À, còn vụ ăn uống thì sao hả?” 

Đút một bên tay vào túi quần nhàn rỗi, Phong lại tiếp tục “múa mép” An nghe. Cậu bảo: 

“Đồ ăn thì hết nấc, thực đơn phong phú lắm chứ đùa. Xem nào, có "rồng xanh vượt đại dương này", "xe ông Táo lội vạc dầu" này, "đậu lướt ván" này, rồi thì "Mặt Trời quầng chân mây" này. À, suýt quên món "lươn vàng đóng gói" nữa chứ.” 

Dù thực sự chẳng hiểu rõ những món Phong khoe hình dáng ra làm sao, mùi vị như thế nào nhưng nghe tên mỹ miều và “sang chảnh” thế kia, An đoán chắc ắt hẳn phải thơm ngon hết ý. Đút thêm một thìa cơm nữa vào miệng và sẵn sàng tưởng tượng, con bé liên tục thúc giục Hoài Phong: 

“Còn gì nữa không, cậu kể tiếp đi.” 

An đã thích, đương nhiên Phong sẽ chiều. Hắng giọng một tiếng lấy hơi, cậu chàng tiếp tục tuôn ra cả một chàng dài cái thực đơn học được từ những tiền bối đi trước: 

“Còn nhiều. Đấy mới chỉ là đồ ăn thôi, thức uống cũng đa dạng vô bờ bến luôn. Ngày nào cũng được thưởng thức toàn những “sương tan sáng sớm", "băng tan Bắc Cực" với cả "nước mắt Mặt Trời" cơ mà. Thi thoảng, còn được uống cả "choáng váng thần dược" nữa cơ.” 

Chẹp chẹp miệng mấy tiếng thèm thuồng, An lại hút thêm một ngụm trà sữa nữa, đầu óc liên tục mường tượng, hình dung. Rồi chống cằm lên tay và khép hờ đôi mắt đầy ý mơ màng, con bé khẽ khàng đề nghị với Phong: 

“Uầy, nghe thèm thế. Khi nào về, cậu làm mấy món đó cho tớ nhớ.” 

Biết được cuộc sống của Phong thông qua những gì cậu vừa kể, An cũng thấy nhẹ nhõm hơn muôn phần. Và rất hào hứng, con bé cũng khoe ngay về cuộc sống của mình hiện tại cho Hoài Phong nghe. An khoe thỏi son Phong tặng, con bé đã dùng đã mòn lắm rồi và muốn trong đợt về phép tới đây, cậu làm tặng cho mình mấy thỏi như thế nữa cơ. Xong xuôi, An lại than thở luôn với Phong về những khó khăn khi phải chen chân lên xe buýt tới trường, cũng may là hay được mấy anh ga lăng nhường chỗ. Và cả những lúc ở trường... 

“Anh Minh nhiệt tình lắm, giúp tớ cả đống việc. Mà á, nhờ có anh ấy nên giờ ở trường tớ nổi phết đấy. Bao nhiêu chị ghen tị, làm gì mà tên tuổi của tớ chẳng được truyền đi xa.” 

Nghe đến đây, Phong bỗng thấy giật thót cả mình. Đứng thẳng người dậy sau một hồi lười biếng tựa lưng thành tường, cậu cuống cuồng dặn dò Bảo An bằng giọng điệu khó chịu thật sự: 

“Này, bớt đi lại cùng Minh hộ cái. Tốt nhất là chỉ chơi cùng những đứa con gái không yêu con gái thôi, biết chưa?” 

Ngửi ra được mùi khói ghen tuông đang được tỏa ra từ đầu bên đấy sang đầu bên đây thông qua đường dây điện thoại, Bảo An lấy làm sung sướng vô cùng. Thay vì cố tình chọc ngoáy bắt Phong thừa nhận như những lần trước đầy, lần này An liền nhận lời ngay tức thì. 

“Được thôi. Nhưng chuyện chúng mình...” 

Vụ tỏ tình hụt lần trước, cho đến bây giờ, Phong vẫn cảm thấy tiếc ơi là tiếc. Mấy đêm mơ lại cảnh đấy, cậu chàng không kìm nổi mình lại tự vả vào cái miệng vô dụng của mình mấy cái cho hả hê cõi lòng. Nhưng Phong cũng chẳng muốn thú nhận tình yêu này với An một cách xuyềnh xoàng thông qua một cú điện thoại hay đôi dòng tin nhắn. Vì cậu hiểu rõ, Bảo An đã phải chịu quá nhiều thiệt thòi và những lần xấu hổ tuột giá không phanh. Hoài Phong nhất định sẽ dành tặng Bảo An một màn tỏ tình thật hoành tráng và đáng để những cô nàng xung quanh ghen tị, ao ước. Để có thể làm được điều đó, trước hết cậu nghĩ mình với An cần phải: 

“Đổi cách xưng hô đi An!” 

Và như để cho An hiểu hơn đề nghị của mình, Hoài Phong lại tiếp tục dịu dàng nói thêm một câu ngọt ngào: 

“Đợi anh!”