Mắt thấy đứa con gái bình thường hiếu động trở nên trầm mặc, hàng ngày chỉ thích ngồi thần người ra nhìn trời, Mẹ Chi Nga rất nhạy cảm nhận ra sự khác lạ. Bà cảm thấy có gì đó thay đổi lớn ở cô con gái, nhưng không nhận ra được nó là gì. Bà đành đổ lỗi cho việc con bé sốt cao mấy ngày liền nên chắc còn mệt.

Bà định quay người đi vào bếp chuẩn bị bữa tối, ngoài cổng chợt vang lên tiếng cười đùa.

“Mẹ con về!”

“Kha về rồi à? Sao hai ông cháu về chung thế này?”

“Con gặp ông lúc đi bộ từ đê đi xuống.”

Chi Nga đang trong trạng thái ngẩn người nghe thấy câu này thì phì cười. Làm gì có chuyện “tình cờ” khéo thế, cả tuần này ông nội đều “vô tình” gặp anh trai trên đường đi học về. Chi Nga nghĩ ngay tới chuyện tuần trước thằng Cường học lớp năm, con bà Khả xóm trên bắt nạt anh trai, đấm anh trai hai cái. Trẻ con đánh nhau là chuyện bình thường, nhưng ông nội là chúa bênh cháu, nhất lại đứa cháu đít nhôm đít vại* bảo bối của ông. Mẹ luôn cấm anh trai tố cáo bị bạn đánh với ông vì sợ ông làm to chuyện nên lần này anh trai chỉ mách nhỏ với ông nội.

* Đít nhôm đít vại: cháu đích tôn.

Hôm trước Chi Nga nghe trộm được hai ông cháu thì thào với nhau, ông nội tới tận nhà thằng Cường ở xóm trên, tóm được nó đang trông nhà bèn tìm dây buộc nó vào cột nhà. Ông còn ngồi chờ tới tận tối mịt bố mẹ nó mới về để “nói chuyện”. Nhưng ông vẫn chưa yên tâm nên mấy hôm nay mới phải đi đón anh trai. Ông nội thì sợ mẹ cằn nhằn còn anh trai thì sợ mẹ phạt nên cả hai ông cháu mới phải giấu giấu giếm giếm. Ông nội thì không nói làm gì, nhưng giờ Chi Nga mới nhận ra anh trai cô đúng là tinh ranh từ bé. Hèn gì sau này trên thương trường người ra lại sợ anh ấy đến thế.

“Đau!”

Chi Nga đang mải nghĩ ngợi thì nhăn mặt vì bị anh trai đột nhiên vỗ mạnh vào đầu.

“Lại ngồi ngẩn ra cái gì đấy?”

Chi Nga sao lại quên mất là hồi bé cô luôn bị anh trai bắt nạt nhỉ. Hừ, ít nhiều gì tuổi thực của “em” cũng gấp gần ba lần tuổi của anh bây giờ, anh dựa vào cái gì mà định bắt nạt em nữa hả? Cô nhủ thầm trong bụng phải trị cho chừa cái tật bắt nạt em gái mới được, nhưng mặt ngoài cô lại toét miệng cười khoe răng sún.

“Sáng nay em gặp anh Cường, anh ý bảo là ông…”

Miệng Chi Nga lập tức bị bịt chặt lại. Anh trai trợn mắt, giơ tay thành nắm đấm và há miệng hầm hè dọa cô. Chi Nga giả bộ sợ sệt.

“Anh bắt nạt em, em mách mẹ, mẹ ơi…”

Có tật giật mình nên anh trai vội thu tay lại tiếp tục bịt miệng Chi Nga, còn vội vàng quay đầu ngó xem có mẹ đằng sau không. Không thấy ai, anh chàng móc ở túi quần ra một cái kẹo bòn bon đưa cho Chi Nga. Hẳn là vừa nãy đi về ông nội mua cho anh trai. Ông chiều nhất anh mà.

“Không được nói chuyện thằng Cường với mẹ thì anh cho kẹo.”

Hờ, nhà có hai đứa trẻ con, kiểu gì ông nội chả bảo anh trai chia kẹo cho Chi Nga, vậy mà giờ anh trai lại dùng kẹo phải chia cho cô để đi “đút lót” cô. Thế mới biết, giỏi đi quan hệ từ bé. Chi Nga giật lấy cây kẹo, cười cười nói:

“Em biết rồi!”

Tiếng mẹ gọi xuống bếp ăn cơm. Chi Nga và Kha đi ra khỏi căn nhà mái bằng có một gian ngủ một gian khách đi xuống khu bếp. Ông nội và mẹ đã ngồi trên chiếu. Ông nội có ba người con trai. Bố Chi Nga là cả, nhưng thường xuyên đi công tác, tháng về được hai lần là nhiều. Chú hai thì lấy vợ và làm nhà ở xóm trên. Chú út ở ngay gần nhà Chi Nga, hai nhà chỉ cách nhau có một cái vườn. Chú út có một đứa con gái nhỏ ba tuổi, thím lại đang mang bầu đứa thứ hai nên bà nội ở với vợ chồng chú để giúp đỡ thêm. Vì vậy mà bữa ăn hàng ngày nhà Chi Nga chỉ có bốn người là ông nội, mẹ và hai anh em Chi Nga.

Bữa ăn chỉ có cải bắp luộc, thịt rang khô, và canh cải bắp luộc. Trong bát canh có bỏ thêm một quả cà chua nữa. Bữa ăn của gia đình theo trí nhớ của Chi Nga luôn đơn giản thế. Vì mẹ vừa đi dạy nửa ngày, vừa phải lo toan hết mọi chuyện đồng áng, và chăm hai anh em cô. Mặc dù có ông hỗ trợ nhưng vẫn trăm dâu đổ đầu tằm. Cũng vì lí do đó mà hồi nhỏ gần như tháng nào Chi Nga cũng được gửi tới nhờ bà ngoại chăm ít cũng dăm bữa mà nhiều thì nửa tháng. Xét về phương diện ăn uống cả Chi Nga và anh trai đều khảnh ăn, từ bé đã con nhà lính tính nhà quan, không ngon là không ăn. Thế nên cả hai mới gầy cong queo, đi đến đâu cũng bị chê là ốm đói.

Nhìn bữa cơm đạm bạc và nhìn vẻ vất vả của mẹ, Chi Nga chợt muốn giúp đỡ mẹ và đem tài nghệ nấu ăn của mình ra để vỗ béo cả nhà. Cô vì Quang mà chăm chỉ học nấu ăn gần mười năm trời mà Quang cực kỳ kén ăn nên tay nghề của cô không tồi chút nào.

Từ khi tỉnh lại, Chi Nga cứ ngây ngẩn cả tháng trời. Một phần vì sốc trước cái chết của bà ngoại. Phần còn lại vì không biết một đứa trẻ sáu tuổi phải làm cái gì. Cô muốn ngay lập tức đi tìm Quang, nhưng cô không thể xuất hiện trước một đứa trẻ mười tuổi mà nói: Em là người anh yêu nhất, sau này chúng ta sẽ sống cùng nhau. Ôi, đảm bảo anh yêu mười tuổi của cô sẽ chạy mất dép khi nghe những lời này. Mà nghe nói hồi bé anh theo mẹ đi công tác khắp nơi, cô biết ở đâu mà tìm. Cô biết rõ một Quang hai mươi tư tuổi tới ba mươi mốt tuổi, nhưng cô lại không rõ về anh khi anh lên mười. Hơn nữa mẹ cô sẽ để đứa con sáu tuổi của mình đi tìm “giai” sao?

Sau khi bình tĩnh suy nghĩ, Chi Nga tự nhủ chuyện tìm anh yêu phải hoãn lại rồi. Hiện tại cô chỉ có thể làm gì đó phụ giúp gia đình, khiến mẹ đỡ vất vả hơn thôi. Mặc dù đã hai mươi tám tuổi, có rất nhiều việc cô có thể giúp mẹ, nhưng mẹ cô đã nuôi cô sáu năm, hiểu rõ về cô. Chỉ cần cô thể hiện một chút rất có thể sẽ bị nghi ngờ. Vì thế Chi Nga chỉ nghĩ ra được một việc mình có thể làm là nhờ mẹ dạy nấu ăn, sau đó sẽ “hợp thức hóa” việc giúp mẹ làm bếp. Đứa trẻ sáu tuổi thích bắt chước mẹ là chuyện bình thường. Hơn nữa thời gian gần đây Chi Nga ủ rũ buồn chán, đột nhiên đòi học nấu ăn, nên mẹ rất nhiệt tình hướng dẫn.

Thực tế việc bếp núc cho thấy Chi Nga đã quá tự tin vào bản thân. Dù đúng là cô đã hai mươi tám tuổi và có tới mười năm kinh nghiệm nấu nướng, nhưng cô quên mất rằng, cô chưa từng đun bếp rơm, bếp củi, chưa bao giờ thổi cơm bằng bếp gang, rán trứng bằng chảo không chống dính. Cũng chưa bao giờ nấu ăn mà đồ nêm nếm chỉ có muối trắng với nước mắm mua 2000 đồng một lít.

Chi Nga chưa bao giờ nhớ bếp ga, nồi cơm điện, chảo chống dính, và nước mắm Nam Ngư đến thế. Cô đã ra nước ngoài rất nhiều lần, mỗi lần ở lâu đều thèm nước mắm, nhưng chưa bao giờ thèm mãnh liệt đến như bây giờ. Chi Nga thầm than thở bao giờ cô mới được tiếp tục hưởng thụ cuộc sống hiện đại đây? Thế nên chả cần phải diễn, nhìn cô tay chân lóng ngóng đút rơm vào bếp thì đúng là kiểu người mới học. Mẹ vừa đi lấy nước về đã thấy Chi Nga nhét một đống rơm vào bếp làm khói bốc lên mịt mù. Mẹ vội chạy lại lôi rơm ra, kéo Chi Nga ra khỏi bếp, tét cho một cái vào mông.

“Mẹ vừa dạy thế nào mà lại nhét một đống rơm vào bếp thế?”

Mắt Chi Nga đầy ấm ức, tuổi một bó mà còn bị mẹ tét mông. Hic, thôi đó là mẹ, bỏ qua đi.

Qua hai tuần vừa học, vừa giả vờ học nấu bếp. Cuối cùng Chi Nga cũng có thành tựu. Nấu cơm bằng bếp gang không bị tro tràn vào nồi, trứng rán không thành trứng bác và không bị cháy đen. Luộc rau thì dễ rồi, khỏi phải nói. Bữa cơm đầu tiên của Chi Nga được cả nhà nhiệt liệt hoan nghênh dù chỉ có trứng và rau luộc.

Mẹ cứ tấm tắc khen cô nhanh nhẹn, nghe lời khen của mẹ Chi Nga bất giác đưa tay sờ cái mông bị tét mấy lần trong lúc học nấu ăn. Có câu ngu si hưởng phúc của ngu si, càng biết càng bị bắt làm lắm việc. Thực ra Chi Nga biết mẹ rất chiều cô, nếu cô không đòi học nấu ăn, thì chắc cũng sẽ phải đợi đến khi cô vào đại học, ở xa mẹ rồi mới bắt đầu học. Nhưng vì Chi Nga đòi học, mà mẹ cô lại là một nhà giáo hết sức tận tâm, không dạy thì thôi chứ dạy thì phải đến nơi đến chốn. Mà khi đã dạy “thành tài” rồi thì tội gì mà không sai bảo chứ? Chi Nga bắt đầu hòa nhập lại với gia đình bằng việc nấu ăn như thế đấy.