Mùa hè đến.

Khác với sau này, trẻ con thường chỉ có khoảng chục ngày chơi đùa rồi bị cuốn vào một mớ các lớp học thêm dù chúng muốn hay không. Đơn giản là vì chúng được nghỉ nhưng bố mẹ chúng không được nghỉ, nên cần phải kiếm chỗ nào đó nhốt chúng lại. Và lớp học thêm là địa chỉ tốt nhất. Vừa là chỗ trông trẻ lại đảm bảo đứa trẻ học thêm được cái gì đó.

Mùa hè năm Chi Nga sáu tuổi thì trẻ con vẫn nghỉ đủ ba tháng với những ngày chơi bời xả láng. Mới chuyển lên thị trấn nên Chi Nga chưa có bạn, trong lớp có một số bạn cũng ở thị trấn nhưng các bạn biết rồi đó ở trong lớp cô nhóc này bị ghét. Chi Nga cũng chẳng muốn ra ngoài giang nắng làm gì cho đen da nên lấy lý do “không có bạn” mà trốn trong nhà suốt cả mùa hè. Mẹ cũng chưa hết sợ vì vụ bị lạc của cô ở Sầm Sơn nên trong thâm tâm thấy rằng con bé cứ ở trong tầm mắt mình là tốt nhất vì thế không phản đối với việc cô cứ ngồi lỳ trong nhà.

Mỗi tuần cô chỉ ra ngoài ba lần để theo học ba lớp: học đàn và hát; học nhảy; và học mỹ thuật. Kiếp trước cô theo đuổi hình tượng học sinh chăm chỉ cho nên đạt được thành tích mười hai năm học sinh giỏi, thi đại học được tới hai mươi chín điểm ba môn. Nhưng khi vào đại học cô trở nên vô cùng rụt rè bởi lẽ kỹ năng sống và sự tự tin vào bản thân quá thấp.

Khi nhìn thấy bạn bè nhảy nhót hát hò trên sân khấu cô rất ghen tị, bản thân cô dũng khí cầm mic hát một bài trong quán karaoke cũng không có. Chính vì thế kiếp này cô muốn có cơ hội để học những thứ ngày xưa cô muốn mà không có cơ hội học. Cũng may đã chuyển lên thị trấn, việc tìm lớp học mấy thứ này không khó. Hơn nữa mẹ là người có đầu óc vô cùng tân tiến. Mẹ cũng tin rằng đây là những yếu tố cần thiết cho cuộc sống sôi động của Chi Nga sau này. Thật không hổ danh mẹ tốt nghiệp khoa tâm lý học của đại học sư phạm. Tiếc là vì tiện chăm sóc hai anh em Chi Nga mà mẹ phải từ bỏ vị trí giảng viên trở thành giáo viên tiểu học.

Chi Nga lôi sách lớp hai ra, sáng nào cũng ngồi đọc sách làm bài với vẻ rất nghiêm túc. Thấy con gái chăm chỉ như thế mẹ mừng lắm. Chỉ khổ anh trai vì cái sự chăm chỉ của Chi Nga mà bị mẹ cắt xén mất một nửa thời gian chơi và bắt ngồi vào bàn học. Mỗi lần thấy tiếng cười đùa của chúng bạn cùng khu, anh trai lại bắn ánh mắt phẫn nộ về phía Chi Nga, nhưng lần nào cũng nhận lại được là nụ cười ngọt ngào của cô em gái. Cơn giận vì thế mà nguôi đi một nửa. Kha quả thực uất nghẹn bên trong, từ bao giờ mà hắn không thể nào bắt nạt được cô em gái này?

Ngày nào cũng thấy Chi Nga mở sách ra đọc với làm bài tập nhưng mẹ không để ý lắm. Cho đến một hôm, gần cuối kỳ nghỉ hè, dì út tới chơi. Chi Nga chọn ngày hôm đó vì dì út rất sắc sảo, lại dạy toán cấp hai, có thể đưa được lời khuyên cho bố mẹ. Bố với chồng dì út ngồi ở phòng khách chơi. Mẹ kéo dì út ngồi bàn phòng bếp nói chuyện. Chi Nga cũng đang ngồi bàn làm bài tập. Mùa hè nóng nhưng phòng bếp rất mát đó là lý do mọi người chuyển địa bàn hoạt động tới đây. Chi Nga chào dì út, dì út xoa đầu Chi Nga một cái rồi cầm quyển sách Chi Nga đang đọc lên cười cười nói:

“Đọc sách của anh trai à?”

“Dạ!”

“Có hiểu gì không? Cháu mới học hết lớp một thôi mà!”

“Dì út, cháu mới đọc hết cuốn đó. Bài tập cũng theo ví dụ trong sách làm hết rồi. Hay dì kiểm tra cháu một chút đi!”

Dì út với mẹ tròn mắt ngạc nhiên. Mẹ cũng lật vội bìa quyển sách dì đang cầm, đúng là sách toán lớp năm, bà mới mua cho Kha tháng trước để xem trước khi vào năm học mới.

“Con nói thật chứ?”

Mẹ nói có chút không tin, gần giống lần anh Kha nói với mẹ là Chi Nga biết đọc. Cô cười cười, gật mạnh đầu. Dì út hăng hái bừng bừng ngồi chọn chọn viết viết mấy bài toán ra giấy cho Chi Nga. Mẹ đọc đề xong thì cười bảo:

“Đề này làm đề thi 90 phút học kỳ một lớp năm được đấy dì út ạ.”

Chi Nga đón lấy đề trong lòng âm thầm tính toán. Phải làm sao để gây ấn tượng kinh ngạc cho mẹ và dì út. Đề không khó, chỉ có câu cuối là đố mẹo nhưng lại tốn thời gian vì nhiều phép tính. Học sinh lớp năm lại không được dùng máy tính mới chán. Mẹ và dì ngồi giám sát bên cạnh. Chi Nga bỏ qua lời nhận xét nho nhỏ của cả hai, thực sực tập trung giải đề.

“Ô, con bé làm được phép nhân hai chữ số kìa!”

“Chưa vào lớp một nó đã thuộc bảng cửu chương rồi!” Mẹ thì thào.

“Ớ, bài toán tổng hiệu mà cũng làm được kìa!”

“Dì nói nhỏ nhỏ thôi…”

Chắc mất khoảng 40 phút thì Chi Nga dừng bút, hớn hở đưa bài cho dì và mẹ. Đại khái là ngồi nhìn cách làm bài của Chi Nga là biết con bé làm đúng hay sai rồi. Dì út nhìn Chi Nga giọng rất kích động.

“Con bé này là thần đồng rồi chị ạ!”

“Dì cứ nói quá! Là anh Kha dạy con hả?”

“Chị nói cái gì thế, thằng Kha năm nay mới lên lớp năm, sao mà kèm toán lớp năm cho con bé được, mà em kiểm tra thằng Kha liên tục, học lực của nó em biết.”

Mẹ không biết là mừng quá hay sợ quá mà tái mặt gọi to cho bố với chồng dì út chạy vào. Dì út hớn hở đưa bài kiểm tra cho bố.

“Anh rể xem, con gái anh làm toán lớp năm, đề thi 90 phút mà chỉ mất có hơn nửa tiếng giải xong hết rồi này.”

Bố rất kích động, cầm tờ giấy lên xem. Phải biết họ nhà nội Chi Nga rất hiếu học, con cái ai học được thì đều cho đi học, không tiếc tiền. Nhưng ngoài bố Chi Nga ra thì chẳng ai theo nghiệp học được cả. Thế nên bố Chi Nga mới mừng như thế. Ngay trong lúc mấy người lớn còn chưa hết hân hoan. Chi Nga thả quả bom thứ hai.

“Sao bố mẹ vui thế? Mấy thứ này chẳng phải là cứ đọc là biết sao? Chỗ sách này con cũng đọc hết, nhớ hết rồi.”

Vừa nói Chi Nga vừa chỉ vào chồng sách giáo khoa lớp năm. Lần này ngoài sự ngạc nhiên ra còn thấy sự hứng thú bừng bừng của dì hai. Dì chộp lấy quyển sách lịch sử, mở đại một trang, hỏi mấy sự kiện gì đó. Chi Nga nghe câu hỏi rồi thoải mái trả lời. Mỗi một câu trả lời lại khiến mọi người thêm bội phục vì các sự kiện lịch sử, năm tháng hay tên người cô nói không sai một chút nào. Để đạt được kết quả này ba tháng hè vừa rồi Chi Nga thực sự học chứ không phải giả bộ. Toán văn thì còn có thế làm chơi chơi chứ các môn xã hội nếu không đọc sao Chi Nga nhớ nổi. Cũng may lịch sử địa lý cấp một rất đơn giản.

Chồng dì hai cũng không kiềm được kích động với lấy quyển sách tiếng Anh phun ra mấy câu chào hỏi. Chồng dì hai làm bên dịch vụ khách sạn nên biết tiếng Anh, nhưng mà phát âm thế này thì… tệ quá. Chi Nga làm bộ lắc lắc đầu không hiểu. Mọi người đều cười mắng chồng dì hai, tiếng Anh sao có thể đọc sách mà tự học được. Thấy mẹ tìm sách định kiểm tra môn khác thì Chi Nga viết ra giấy hai câu chào hỏi ban nãy chú hai nói:

“Cháu không biết đọc thế nào, chỉ đoán là hai câu này. Nếu chú hỏi cháu hai câu này thì câu trả lời theo sách là…”

Chi Nga hạ bút viết câu trả lời. Miệng chồng dì hai há ra không ngậm lại được. Mẹ sốt ruột hỏi:

“Đúng không chú?”

Chú hai im lặng, tìm mấy câu khó hơn trong sách viết xuống. Chi Nga cũng dùng cách viết xuống để trả lời. Chi Nga đang chứng minh cho mọi người thấy cô có khả năng cầm sách tự đọc tự hiểu. Cô không nói được tiếng Anh chẳng qua vì chưa nghe được phát âm mà thôi. Chú hai nhìn đáp án Chi Nga viết, cười cười nói:

“Con gái anh chị đúng là thần đồng rồi!”

Mẹ mở cuốn sách Tập làm văn ra, hỏi Chi Nga mấy câu về cấu trúc ngữ pháp, và những biện pháp tu từ. Dĩ nhiên mấy cái này còn dễ trả lời hơn cả mấy câu hỏi lịch sử.

“Vậy là con bé nắm hết được kiến thức lớp năm rồi, cần đi học làm gì chứ?”

Dì út than thở.

“Thực sự là cháu tự ngồi đọc sách tự học, không có ai chỉ dạy cháu?”

Chi Nga gật gật đầu. Mẹ cũng phụ họa nói cả mùa hè này Chi Nga không có đi đâu chơi. Bố đột nhiên lên tiếng:

“Vậy nếu tiếp tục đưa sách lớp trên nữa cho con đọc thì con có thể tự học được nữa không?”

Chi Nga nhún nhún vai tỏ thái độ con không biết. Mọi người rơi vào trầm mặc. Đây là kết quả mà Chi Nga muốn. Chi Nga muốn mọi người tin rằng khả năng của cô không chỉ dừng lại ở kiến thức của học sinh lớp năm. Điều khiến mọi người trầm mặc là không thể đoán được khả năng của Chi Nga có thể đạt đến mức độ nào. Vì thời này chưa có chế độ học nhảy lớp, nên muốn là người đầu tên thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn thế nên Chi Nga phải thể hiện được mình cực kỳ thông minh.

Dì út không phụ sự mong đợi của cô nói ra câu cô muốn nghe nhất.

“Thế này mà vài hôm nữa cho con bé vào học lớp hai thì phí phạm quá!”

Chi Nga đáp vội:

“Con không thích đi học!”

Cả nhà trợn mắt nhìn cô. Giống như cô vừa dập tắt niềm hứng khởi trong lòng họ vậy.

“Các bạn trong lớp toàn bắt nạt con. Con đi học cùng lớp với anh Kha được không? Các chị lớp anh ấy rất hiền, có anh Kha, không ai dám bắt nạt con.”

Việc cô bị bắt nạt và bị cô lập đó là sự thật. Cô sẽ hướng bố mẹ đến một thỏa thuận. Hoặc là cho cô học cùng lớp với anh trai, hoặc là cô sẽ không chịu đi học. Nhìn vẻ kiên quyết của Chi Nga. Dì quay sang mẹ nói:

“Hay để con bé học nhảy lớp?”

“Không dễ như thế đâu, em biết quy chế của bộ giáo dục rồi đấy, con bé đã đi học sớm một năm rồi…”

“Lo gì, em với chị đưa cháu đến tận Cục Khảo thí của Bộ Giáo dục, cho họ kiểm tra cháu nó luôn. Thần đồng thế này mà bắt học cùng học sinh lớp hai thật phí phạm.”

Oh ree!!! Quả không uổng sự ủy thác của Chi Nga vào dì. Xem đi, những gì cô muốn, dì út nói hộ cả rồi kìa.

Bố mẹ và Chi Nga mang hứng trí bừng bừng đi tới Cục Khảo thí thì bị gội cho gáo nước lạnh. Nhân viên của Cục Khảo thí nói:

“Anh chị tưởng đây là nước ngoài à? Tiêu chuẩn học nhảy lớp ở nước ta chưa có. Nếu muốn học nhảy lớp thì đưa con ra nước ngoài mà học. Những vấn đề này chúng tôi quả thật không có thời gian tiếp đãi anh chị.”

Chi Nga quả thực phát điên với kiểu làm việc quan liêu và hệ thống giáo dục nước hiện tại. Bố mẹ biết là không có kết quả đành uể oải đứng lên. Chi Nga đang lũn cũn theo sau họ thì nhìn thấy ngoài cửa có người đang mặc áo vest màu ghi đi vào. Cô nhận ra người này hơn mười năm nữa sẽ là thứ trưởng bộ giáo dục. Chi Nga nhớ kỹ vì năm cô thi đại học, có sự thay đổi về thể lệ thi nên nhìn thấy ông ta trên ti vi liên tục. Chỉ khác là bây giờ trông ông ta trẻ hơn. Nếu mười năm sau lên thứ trưởng, vậy bây giờ đoán chừng chức cũng không nhỏ. Hẳn là hơn tên nhân viên quèn đang phun nước bọt đuổi bố mẹ cô về. Chi Nga cố lớn tiếng nói để ông ta có thể nghe được nhưng giọng vẫn tỏ vẻ lịch sự: 

“Chú ơi, con chú học lớp mấy rồi?”

Chi Nga chỉ vào bức ảnh trên bàn của anh nhân viên kia mà hỏi. Mấy người lớn còn ngây ra không hiểu con bé hỏi linh tinh gì thì Chi Nga đã nói tiếp:

“Có vẻ bạn ấy học lớp hai hoặc ba. Chú ơi, nếu con trai chú bảy, tám tuổi nhưng có thể học lớp mười, chú có muốn con trai chú bỏ phí thời gian để ngồi không bảy năm đợi đến khi học lớp mười không?”

Bị một đứa nhỏ sáu tuổi chất vấn. Anh nhân viên kia có chút tức giận, anh ta chế giễu:

“Ý cháu là cháu có thể học cùng các anh chị lớp mười sao?”

Bố Chi Nga nhịn nãy giờ, không chịu nổi thái độ của anh nhân viên kia bèn đáp:

“Anh không tin, mọi người cũng không tin, thế nên chúng tôi mới phải đưa cháu tới nơi này để kiểm tra. Tiếc rằng anh nói ‘không có thời gian đón tiếp’ và ‘muốn học thì ra nước ngoài mà học’. Tôi nghe người ta nói nước mình bị chảy máu chất xám. Hồi đầu tôi không hiểu nhưng giờ thì nghe anh nói tôi mới biết những người như anh sẽ làm chảy máu chất xám.”

Chi Nga không ngờ được bố sẽ nói đỡ mà lại còn nói trúng ý cô nữa, lá gan cô vì thế mà cũng lơn hơn. Chi Nga tiếp lời bố:

“Chú chưa kiểm tra, sao biết cháu không thể học cùng các anh chị lớp mười?”

Anh nhân viên kia không khỏi ngạc nhiên nhìn hai bố con Chi Nga, còn bố mẹ Chi Nga cũng đưa mắt nhìn cô, họ không nghĩ cô con gái nhỏ của mình lại có có thể mạnh miệng thế.

Ngoài cửa có tiếng nói vang lên. Chi Nga cười nụ, có thế chứ.

“Có chuyện gì thế?”

“Trường phòng… chuyện là … chuyện là …”

Chi Nga nghe thấy hai chữ “trưởng phòng” thì có chút thất vọng, tưởng ít ra cũng phải là chức gì gì đó to to một chút chứ. Trong nước còn chưa có tiền lệ cho việc học nhảy lớp, cho nên muốn nhảy lớp quả thực rất gian nan. Một anh trưởng phòng liệu có thể giúp gì cho cô?

May mắn là tiếp theo đó ba người nhà Chi Nga được mời vào phòng anh trưởng phòng tên Quảng. Sau khi nghe trình bày xong anh ta trầm ngâm nhìn Chi Nga đánh giá. Cô bé này có khuôn mặt thông minh, dĩ nhiên rồi, hồi bé ai cũng nói cô thông minh khả ái mà, giờ cô còn kế thừa kiến thức của một người hai mươi tám tuổi thành đạt nữa đấy. Quảng nghĩ, cô nhóc này chỉ sáu, bảy tuổi nhưng ăn nói gãy gọn, cử chỉ hành động khá người lớn; khi nói chuyện cẩn thận với cô bé thì thấy rất ngoan ngoãn, lễ phép và đặc biệt câu trả lời nào của cô bé cũng rất thông minh. Ừm, nhảy lớp à? Nước ngoài việc này đầy ra đấy, nhưng trong nước đây vẫn là một việc hiếm lạ.

Trưởng phòng Quảng quay sang cười với bố mẹ Chi Nga, hỏi han cẩn thận về việc học của con bé. Mẹ Chi Nga cũng tỉ mỉ kể lại. Đặc biệt nhấn mạnh vào khả năng đọc sách, tự học của Chi Nga. Càng nghe Quảng càng hứng thú. Anh ta nói nhất định sẽ báo cáo lại cấp trên về trường hợp này, rồi để lại số liên lạc, dặn bố mẹ Chi Nga thứ hai tuần sau gọi lại.

Tối thứ hai cả nhà vô cùng phấn kích trước thông tin, bên Cục Khảo thí đồng ý kiểm tra cho Chi Nga. Trái tim lo lắng của Chi Nga cuối cùng cũng hạ xuống. Điều cô sợ nhất là bên Cục Khảo thí không thèm để mắt đến vấn đề của cô, chứ đã cho cơ hội nhất định cô phải tóm lấy. Họ đề nghị mỗi tháng sẽ có một bài kiểm tra ứng với một lớp học, tháng sau sẽ tăng thêm một lớp. Mặc dù bố mẹ Chi Nga đã nói con bé đủ điều kiện để tốt nghiệp tiểu học, nhưng có vẻ họ muốn kiểm tra kĩ khả năng tự học của Chi Nga.

Bố hứng trí bừng bừng đi mua một đống sách từ lớp sáu đến lớp mười về cho Chi Nga học, điều này khiến Chi Nga dở khóc dở cười. Cô chỉ muốn nhảy lên lớp năm thôi, sao bây giờ phải đọc sách cấp hai nữa? Nhưng không dám trái ý bố mẹ, cũng không muốn làm hỏng hình ảnh thần đồng ham học hỏi, Chi Nga đành cắn răng ngồi đọc sách.

Bài kiểm tra đầu tiên dành cho Chi Nga bắt đầu vào tháng chín. Đó là bài kiểm tra năm môn: toán, văn, lịch sử, địa lý, và tiếng Anh. Ngoài ra còn một test trắc nghiệm IQ (kiểm tra chỉ số thông minh). Kết quả khiến bố mẹ cô nở mày nở mặt. Cô đạt điểm giỏi cho cả năm môn thi, còn trắc nghiệm IQ đạt 145 được cho là thần đồng. Chi Nga quả thực thấy thẹn trong lòng, bởi IQ của cô thực tế chỉ có 110 thôi, nhưng thang điểm chấm cho một người trưởng thành và một đứa trẻ sáu tuổi thì khác nhau. Nói đơn giản là cùng một kết quả nhưng đứa trẻ nhỏ tuổi sẽ được điểm cao hơn.

Từ tháng mười cho đến tháng ba năm sau, Chi Nga lần lượt trải qua các kỳ thi với áp lực mà bản thân cô cũng thấy là không nhỏ. May mắn là trước đây cô luôn là học sinh giỏi, kiến thức của cô rất chắc. Nhưng xui xẻo là cô đã hai mươi tám tuổi rồi, đã mười mấy năm không đụng lại mớ kiến thức này cho nên dù có thời gian một tháng giữa các lần thi thì cô vẫn thấy mệt mỏi.

Kết quả của các lần thi sau đó là, Chi Nga đạt điểm giỏi với bài thi lớp sáu, bảy và khá cho lớp tám, chín, mười và mười một. Mà chỉ cần bài thi đạt trung bình là Chi Nga có thể vượt qua lớp học đó. Nhưng không đợi bài thi cho lớp mười hai thì Chi Nga đã lăn ra ốm một trận.

Mẹ với dì út là người khởi xướng cho việc học nhảy lớp nhưng bố lại là người ép Chi Nga theo đuổi các kỳ thi. Chi Nga thật muốn làm ông tự hào nên mới cố gắng đến thế. Nhưng trận ốm đến thật đúng lúc, cô quả thực kiệt sức và muốn buông tay. Sau một buổi tối tranh cãi, cuối cùng cả nhà đi đến thống nhất chấm dứt kỳ kiểm tra khổ sở này cho Chi Nga. Bố mẹ đưa Chi Nga tới nhận giấy chứng nhận vượt qua lớp mười một của cô, nghĩa là hết hè này cô có thể nhảy lên học thẳng lớp mười hai. Ngoài giấy chứng nhận ra cô còn có cả học bạ. Học bạ đó ghi điểm các môn thi của cô trong bảy lần thi từ lớp năm đến lớp mười. Trước khi về trưởng phòng Quảng còn xoa đầu Chi Nga một cái. Chú nói:

“Cháu nhớ là cháu có cơ hội học nhảy lớp là vì chúng ta không muốn chảy máu chất xám đấy nhé! Mau lớn để xây dựng tổ quốc.”

Bố nghe thế thì cười tít mắt, có ai không vui khi người khác tán dương con mình? Mẹ cũng cười có điều không khoa trương như bố. Chi Nga thì bật cười khanh khách ngay tại chỗ. Xây dựng tổ quốc cái gì chứ, cô chẳng có mục tiêu cao cả như thế đâu. Mục tiêu của cô chỉ là đợi anh trai học hết tiểu học thì cùng học lớp sáu với cô. Chi Nga học tiếp lớp mười hai để làm gì, sang năm anh yêu của cô cũng mới học lớp sáu mà thôi. Ôi, chỉ tiếc là bây giờ anh ấy mới mười một tuổi. Chi Nga rất nhớ và muốn gặp anh nhưng cô không thể phá hoại một mầm non tổ quốc sớm như vậy được.

Bố Chi Nga bị dọa sợ ngây người vì trận ốm của con gái nên khi Chi Nga nói chỉ muốn học cùng lớp với anh trai thì không phản ứng gì. Mẹ thì có chút tiếc nuối, nhưng sợ con gái mất tuổi thơ nên không phản đối. Có điều cả bố và mẹ đi đâu cũng khoe con gái bảy tuổi của họ có thể học cùng học sinh lớp hai một khiến cho Chi Nga luôn bị chỉ trỏ, xấu hổ vô cùng. Phản ứng phụ duy nhất của sự kiện này là cô vẫn chẳng có một người bạn nào.

Mới tháng ba nhưng Chi Nga đã được nghỉ hè sớm, đợi đến tháng chín sẽ bắt đầu nhập học cùng anh trai. Vừa ôm cuốn học bạ Chi Nga vừa cười thầm, cuối cùng cũng học bằng lớp với anh, tình yêu của em, chờ em nhé!