Lúc Trần Đĩnh định thần lại, thì thanh Huyết Ẩm đã nhuốm máu từ lúc nào. Hắn rú lên, vứt thanh kiếm đi rồi bỏ chạy. Trên đường, Trần Đĩnh ôm mặt mình. Móng tay bẩn thỉu và dài nhọn do lâu ngày không được cắt tỉa cứ cào lên mặt hết nhát này đến nhát khác, đến khi mặt hắn đầm đìa máu mới ngừng. Đĩnh vẫn chưa đã tay, lại dùng hai tay mà dứt mạnh tóc mình từng nắm từng nắm một.

“ AAAAAAAAAAAAAA ”

Tiếng gào của hắn tan dần vào nền trời.

Mộc Thạnh thở dài, hạ lệnh an táng cho Hồ Đỗ tử tế rồi mới cho quân nhổ trại nam tiến. Trương Phụ thấy cả, nhưng không hề lên tiếng ngăn cản.

“ Phụ… nay đất Đại Việt sinh ra Hồ Đỗ, Hồ Nguyên Trừng thì trước đây, sau này còn thế nào? Tại sao chúng ta không hề biết gì? ”

“ Nghĩ xem, nếu sử ta thừa nhận sức mạnh và sự anh hùng của đám man di, thì vị thế thiên triều còn được như trước? Chuyện ấy cũng là việc của nhà đế vương, ta với lão không nên nhiều chuyện. ”

“ Nói cũng phải… ”

Mộc Thạnh nhảy lên ngựa, dùng cánh tay còn lại giục cương. Đoàn người lục tục tiến về phương xa.

Từ cánh rừng nơ từng là chiến địa, hai bóng người nhẹ nhàng lui ra khỏi bóng cây, tiến tới nấm mồ mới đắp của Hồ Đỗ. Một trong số ấy là Phạm Lục Bình, người còn lại là một thanh niên chừng hai mươi tuổi.

Phạm Lục Bình cẩn thận bưng một hũ tro bọc trong tấm chiến bào rách nát. Tro này là thịt xương Hồ Xạ, áo này nhuốm máu Hồ Xạ.

Sau khi y chết trận ở Hàm Tử, Trương Phụ đã cho người buộc thi thể y vào chiến mã rồi kéo đi suốt mấy ngày, cũng mặc kệ cho quạ mổ diều tha đến mức xác thân chẳng còn nguyên vẹn. Phụ còn cho loan khắp doanh trại, rằng ấy chính là cái giá phải trả cho việc “ trợ Hồ vi ngược ”. Cốt là để răn đe hàng binh Đại Việt.

Hành hạ mãi cũng chán, nên đến ngày thứ hai Trương Phụ ra lệnh cho Mạc Thuý cắt dây, rồi vứt thi thể Hồ Xạ ngay bên vệ rừng cho diều tha quạ mổ. Nhờ thế, Lục Bình mới tìm được thi hài người anh kết nghĩa.

Dù đầu cái xác đã mất tích, nhưng hai người làm anh em thân thiết đã gần hai chục năm trời, nên Phạm Lục Bình nhận ra được ngay. Hôm ấy y quỳ phục xuống trước di thể Xạ mà khóc hết nước mắt. Dòng lệ của người đàn ông trào dâng, ánh lửa dù có đượm như vầng dương trên cao đi nữa cũng không hong khô được.

Phạm Lục Bình không nói không rằng, nhẹ nhàng đặt hũ tro Hồ Xạ xuống cạnh nấm mồ Hồ Đỗ. Sau đó y lấy thanh Thư Hùng kiếm ra, đào một huyệt sâu phải mấy thước để giun dế không quấy rầy nổi tro cốt nghĩa huynh. Kiếm chẳng phải thứ dùng để đào đất. Loay hoay mất cả buổi trời y mới làm xong. Đoạn, Lục Bình cẩn thận đặt rải tro của Hồ Xạ vào huyệt.

Trèo ra khỏi hố, y dùng đôi bàn tay nhem nhuốc và sưng tấy chậm rãi vốc từng nắm từng nắm đất đổ lại vào huyệt. Làm thế, có chăng sẽ để y nhìn thấy bóng dáng người anh kết nghĩa lâu thêm một chút nữa. Y vừa làm, vừa nghẹn ngào.

Chén chè hôm ấy, vào cái ngày mà ba người chĩa mũi kiếm vào nhau, có ngờ đâu lại là chén cuối cùng ba anh em được ngồi cùng mâm mà dốc cạn. Lời thề khi ấy Hồ Đỗ trịnh trọng tuyên: “ Đợi lúc thiên hạ thái bình, ba tên ngốc của thành Thăng Long sẽ lại tụ hội, chè chén thâu đêm ” giờ mãi chỉ là một ảo vọng xa vời. Sẽ không, không bao giờ thành hiện thực được nữa…

Những cái vỗ vai đôm đốp và tiếng cười giòn rụm của Hồ Đỗ, cái nhếch mép cố nín cười của Hồ Xạ… nay chỉ còn trong dĩ vãng.

Lục Bình móc trong túi áo ra một gói chè xanh, mấy chén hạt mít với cái ấm đất nung kì lạ. Người thanh niên đi cùng dễ dàng nhận ra những vật này. Ấy là bộ ấm, chén bất li thân của con sâu chè xanh Phạm Lục Bình. Y quý cái này lắm, so ra có lẽ chỉ thua thanh Thư Hùng thôi.

Song, y vẫn xếp cả xuống huyệt cùng với nắm tro của Hồ Xạ. Đoạn, Phạm Lục Bình cất tiếng cười như tự giễu:

“ Hai anh linh thiêng có nhìn thấy không? Thằng em cai được nước chè rồi này… ”

Sấm nổ! Đùng! Đoàng! Nghe khô khốc.

Dăm con quạ. Kêu. Nháo nhác đằng xa.

Phạm Lục Bình giật mình ngoái đầu, phát hiện hai con sáo sậu hãy còn đang đậu trên cành cây nhìn xuống.

“ Hồ Đỗ? Hồ Xạ!? Phải hai anh không!? Nếu phải thì xin xuống đây gặp mặt!? ”

Phạm Lục Bình kêu lên, giọng khàn đặc lại. Lũ sáo sậu bị giật mình, hoảng sợ chấp cánh bay vút đi, mất hút nơi nền trời thăm thẳ`m.

" Phải rồi nhỉ, các anh chắc chẳng muốn nhìn mặt thằng Bình đâu… "

Phạm Lục Bình ngồi trở lại chỗ cũ, tiếp tục việc lấp đất vào huyệt.

Từng nắm, từng nắm đất theo tay người trôi xuống nầm mồ, khoả lấp đống tro xám trắng của người xấu số. Thời gian như dãn dài ra, lượt thượt não nề như nhạc đám ma. Huyệt đất nay đã bị lấp đi một nửa, tro tàn của người tử sĩ chỉ còn loáng thoáng giữa những vốc đất nâu đen mà thôi. Phạm Lục Bình chợt giật mình, phát hiện mình chẳng thể úp bàn tay xuống nữa.

Vốc đất cuối cùng hắn đang nắm lấy sẽ hoàn toàn vùi đi chút màu xám cuối cùng của tro tàn. Song vì một lí do nào đó, Phạm Lục Bình không để thêm một hạt đất nào trượt khỏi những kẽ ngón tay hắn nữa. Hắn bần thần ngồi nguyên tại chỗ.

Vẫn biết rằng trốn chạy sẽ chẳng ích gì, nhưng hắn không làm nổi. Một vốc đất ấy sẽ chôn vùi tất cả. Nào là ký ức, nào là bóng người, đều đi hết rồi…

Người thanh niên đứng cạnh bây giờ mới chép miệng một cái, vỗ vào vai Lục Bình mà nói:

“ Hồn đã đi rồi, để anh ta về với đất mẹ đi thôi. ”

" Lục Bình biết chứ, nhưng… vẫn không làm nổi. Chủ công, ngài nói xem, xuống dưới ấy tối tăm lạnh lẽo như thế có cô đơn không? Hai người họ… hai tên ngốc kia ưa nhất là chốn náo nhiệt phồn hoa, liệu có chịu nổi cái tịch mịch dưới suối vàng không? " - Phạm Lục Bình nghẹn nấc lên một cái, đôi mắt đỏ au lên hằn đầy gân máu. - “ Bọn họ lại là loại chỉ mong làng trên chẳng được yên xóm dưới không được ổn. Với tính cách ấy ở dưới đó có bị đám quỷ sai đánh đập chăng? ”

Người thanh niên nọ nghĩ thầm:

[ Thường ngày Phạm Lục Bình xử lí mọi chuyện đều đầu xuôi đuôi lọt, trơn tru đâu ra đó. Lại chẳng thèm tin vào ba cái chuyện quỷ ma thần thánh. Thế mà hôm nay lại kích động đến nỗi ngu ngơ ngốc nghếch thế này. Ây dà, xem chừng là đang tự ép mình đây. ]

" Lạnh lẽo tối tăm là thế nào? Anh Bình, anh nghe ta khuyên mấy câu. Chủ công cũ của anh, cũng tức là huynh trưởng ta, từng nói rằng phàm là các vị anh hùng liệt sĩ tuẫn thân vì nước thì linh hồn sẽ hoà cùng núi non Đại Việt, còn nhớ không? " - y gãi gãi mũi mình, tiếp: " Có khi họ đã được đón lên thiên phủ từ lâu, còn đang bận hưởng yến bên cạnh đức thánh Trần, Phù Đổng Thiên Vương trong phủ đệ của các ngài ấy chứ. Nên là chôn nhanh đi thôi, mồ yên mả đẹp rồi là được an nghỉ đời đời. Âyyyy… chỉ tiếc là Lam Sơn ta từ nay thiếu hai viên hãn tướng. Thôi! Chúng ta còn có việc lớn trên người, không thể dây dưa mãi ở đây được. "

Phạm Lục Bình nghe xong, gật đầu lấp cái huyệt lại. Hai nấm mồ nay đùn lên giữa cánh đồng, khác nào hai người huynh trưởng im lìm nằm bên nhau dõi theo đứa em út năm nào nay đã trưởng thành. Phạm Lục Bình rút phắt thanh Thư Kiếm ra, cắm xuống đất bên cạnh hai nấm mồ. Nói đoạn, y cúi người vái người thanh niên một cái dài, nói:

" Đội ơn chúa công đã nói lời dịu xoa an ủi. Cũng tại tôi đau thương quá độ, nên nhất thời không giữ được bình tĩnh, mới nói những lời viển vông ấy. Thật đáng xấu hổ. "

Người thanh niên nọ gãy gái, cười:

" Bị nhìn ra rồi? Ai… anh Bình ơi là anh Bình, anh không thể giả vờ một tí cho ta vui được à? "

Long Thành kiếm khách nhặt thanh Hùng kiếm lên, cất vào hộp gỗ. Y ngẩng đầu nhìn lên bầu không, rồi dứt khoát quay đầu cất bước, tay áo trắng khẽ xoay tròn trong không khí.

" Từ nay về sau, Phạm Lục Bình không còn trên đời này nữa. Hồn y đã nằm lại kia cùng thanh Thư kiếm. Khẩn xin về sau chủ công gọi tôi là Phạm Ngũ Thư. "

" Đổi cả tên nữa cơ à? Ài… thôi thì sao cũng được. Dù sao cũng chỉ là cách gọi nhau thôi. Đàn ông đàn ang, quan trọng gì ba cái tiểu tiết này? "

Thanh niên nhún vai, điệu bộ chẳng thèm để vào lòng.

Một chủ, một tớ bắt đầu cất bước. Khinh công Phạm Ngũ Thư nhanh nhẹn là thế, ấy vậy mà vẫn bị người thanh niên kia đuổi kịp. Vừa chạy, gã vừa nói:

" Lần này anh B… Thư sai rành rành, đáng phải phạt ba li! "

" Cứ làm xong chuyến này, ba chục li Ngũ Thư cũng xin cạn. "

Hai người lao nhanh về hướng nam, tiếng nói hoà trong gió. Có lẽ nếu âm tào địa phủ là có thực, thì ở dưới dòng Vong Xuyên nước vàng gió xám, trong những con sóng cuộn đầy những quỷ ma mắt xanh mỏ đỏ kia… hôm nay sẽ có một tấm bèo con con lững lờ trôi từ đâu tới, chờ anh hồn của hai tử tướng Đại Ngu dưới chân cầu Nại Hà.