Khi Đạm Thai Đức Thấm chạy tới địa điểm tập kết thì quân đội ở đây chỉ có hai mươi mốt vạn, ngoại trừ mười vạn trọng giáp kỵ binh và Nhạn Kỵ ra, Ưng quân cũng đã đến con số một vạn. Đạm Thai Đức Thấm không hiểu lắm việc chỉ huy Ưng quân nên liền xếp Ưng quân vào Nhạn kỵ để cùng tác chiến.

Kế hoạch Ninh Giác Phi vốn là phái mười vạn nhân mã đánh nghi binh ở Yến Bắc thất quận, bốn mươi vạn đại quân khác thì mượn đường từ biên cảnh Tây Vũ, im lặng đi qua, đồng loạt tập kích biên cảnh tây bắc Nam Sở ở Kiếm môn quan, Yển Đường quan, thành Việt Châu, Kim Sơn khẩu, đánh bất thình lình, công phá phòng tuyến Nam Sở, sau đó đánh viện binh, rồi bao vây Toại Thành phương bắc của Nam Sở, đem quân cứu viện từ từ tiêu diệt. Sau đó chỉ huy quân tiến về phía đông, cùng mười vạn binh mã đang đánh nghi binh ở Yến Bắc tạo thành thế gọng kiềm mà tấn công, công phá Yến Bắc thất quận, đến khi phá đổ biên quan Nam Sở, đường biên giới mở rộng ra, việc có được Nam Sở chỉ còn là chuyện sớm muộn.

Đạm Thai Đức Thấm nhận ấn soái, nhưng vì binh lực chưa đủ, sự tình lại quá gấp gáp nên không thể thực hiện đúng như kế hoạch.

Trước khi y xuất phát, Ninh Giác Phi ôm bệnh vào cung, trước mặt Đạm Thai Mục và Vân Thâm, phân tích tình thế hiện nay cho y. Hắn cho rằng hành động đánh nghi binh Yến Bắc có thể bỏ, đề nghị Đạm Thai Đức Thấm lĩnh quân đi thẳng qua Tây Vũ, dọc theo vùng Tây Lọc ở sơn mạch Áo Đặc, lao thẳng đến Yển Đường quan và Kim Sơn khẩu. Lúc này, Nam Sở biết họ tập kết quân đội nhất định nghĩ họ lại tấn công Yến Bắc thất quận, hơn phân nửa sẽ không ngờ tới bọn họ vòng qua Tây Vũ, nhất định có thể thu được hiệu quả bất ngờ. Đại quân Bắc Kế một ngày đột phá Yển Đường quan, Kim Sơn khẩu thì không cần lo đến Du Hổ ở Kiếm môn quan mà lập tức tiến về phía đông. Lúc này, Bắc Kế lục tục tập kết ba mươi vạn nhân mã khác mãnh công Yến Bắc, cùng đại quân Đạm Thai Đức Thấm nội ngoại giáp công, nhất định phá được lá chắn thép ‘Thiết Yến Bắc’.

Đạm Thai Mục nghe xong, vỗ án trầm trồ, muốn Đạm Thai Đức Thấm theo kế hoạch mà làm.

Vân Thâm cũng liên tục gật đầu, tán thưởng diệu kế của Ninh Giác Phi, nỗi lo lắng bây lâu nghẹn trong lòng cũng được quét sạch.

Đạm Thai Đức Thấm gấp gáp nam hạ, đến điểm tập kết, chỉnh lý hai mươi mốt vạn nhân mã, chuẩn bị xuất phát.

Đúng lúc này, thám tử Bắc Kế ở Yến Bắc truyền đến một tin quan trọng. Nội chiến triều đình Nam Sở càng ngày càng nghiêm trọng. Đảng Chương Kỷ tiếp tục làm khó dễ Du Huyền Chi, nghi vấn quan hệ giữa Kinh Vô Song và Ninh Giác Phi, yêu cầu triệu anh về triều, muốn anh giải thích về thất bại lần trước. Kinh Vô Song rất giận nhưng không thể làm gì, chỉ đành tạm giao lại quyền cho giám quân trong cung phái tới. Vị giám quân này không hiểu quân sự, lại tác oai tác phúc ở Yến Bắc, chỉ biết ra tay chỉ trỏ, làm nhiều người tức giận bất bình. Các tướng lĩnh theo Kinh Vô Song như Lục Nghiễm mưu đồ tru sát giám quân, một lần nữa lên Ngọa Hổ sơn làm sơn tặc. Hiện nay, giám quân hoàn toàn không thể phục chúng, mệnh lệnh không người nghe theo, trong quân ai cũng không nghe ai, quân đội rối loạn. Sáu quận còn lại thì vẫn còn bình tĩnh, nhưng Yến Bình Quan đại loạn, giám quân khắc khẩu võ tướng mỗi ngày, quân tâm bất ổn, sĩ khí hạ, rất nhiều bách tính thấy tình thế không ổn liền dìu già dắt trẻ chạy nạn.

Đạm Thai Đức Thấm vừa nghe liền thèm tới nhõ dãi. Đây chính là lúc phải ‘Tùy cơ ứng biến’, y cảm thấy có thể tận dụng thời cơ này, nếu phái người về Kế đô xin chỉ thị hoàng thượng rồi đợi hồi âm thì chỉ sợ lỡ mất thời cơ tốt, lúc này trăm triệu lần không thể ngồi yên đợi được. Y lập tức thay đổi kế hoạch, lệnh đại quân ngày đêm bôn ba, chạy tới Yến Bình Quan.

Ngay khi hai mươi mốt vạn kỵ binh Bắc Kế đột nhiên xuất hiện ở dưới Yến Bình Quan thì quân coi cửa lập tức hỗn loạn, trống trận và kẻng cảnh báo gõ vang trời, rồi lại đốt phong hỏa đài, mọi người tâm hoảng ý loạn, chân tay luống cuống.

Rối loạn cả nửa ngày, binh sĩ trên thành mới nhớ mà bắn tên xuống, nhưng tên bắn trong lúc này cũng là bắn cong bắn vẹo, lực sát thương yếu ớt vô cùng.

Đạm Thai Đức Thấm và phó soái Đại Đàn Minh thấy thế, liếc nhau một cái rồi bật cười ha hả. Chúng tướng sĩ Bắc Kế cũng đều khinh miệt chê cười.

Đạm Thai Đức Thấm ra lệnh một tiếng, binh sĩ Bắc Kế giương cung cài tên, vô số tên dài lập tức bay ra như mưa, bắn lên đầu tường. Không ít binh sĩ Nam Sở trúng tên bị thương, tiếng kêu than vang dậy khắp nơi. Binh sĩ Bắc Kế càng thêm anh dũng, dùng máy phá thành nặng nề đâm vào cửa thành.

Không được một canh giờ, thám tử Bắc Kế ẩn núp trong thành đã đến được gần cửa, mở cửa từ bên trong. Trọng giáp kỵ binh Bắc Kế lập tức phóng ngựa vọt vào thành, quân như thủy triều tràn khắp phố lớn ngõ nhỏ.

Lúc này, quân coi giữ thành đã dọc theo tường thành chạy toán loạn về hai quận kế bên, Đạm Thai Đức Thấm hạ lệnh ‘Giặc cùng đường không đuổi’, chỉ cần quét sạch địch ở Yến Bình Quan là được.

Lúc này đã công phá được Yến Bình Quan, kỵ binh Bắc Kế dưới sự chỉ dẫn của thám tử, lục soát quân doanh, tướng quân phủ, nha môn châu phủ các nơi, sau đó lại dò la đến khu bình dân.

Quan viên văn võ Nam Sở đã sớm chạy, bách tính cũng chạy bảy tám phần, Yến Bình Quan giờ đã như một tòa thành rỗng.

Đạm Thai Đức Thấm chiếm lĩnh được Yến Bình Quan xong liền chỉ ở 5 ngày, đang muốn mở rộng thành quả, hạ 6 quận còn lại liền nghe được tin Định Quốc tướng quân Du Hổ từ Kiếm môn quan dẫn mười vạn đại quân đến đây cứu viện, đã đến Toại thành ở giữa Yến Bình Quan và Kiếm môn quan.

Đạm Thai Đức Thấm là một dũng tướng, ba năm qua lại không thể nào công phá được Thiết Yến Bắc do Du Hổ trấn thủ, trong lòng vẫn còn căm lắm, nghe được tin này, nhiệt huyết liền dâng trào, muốn ra ngoài nghênh chiến túc địch.

Y để năm vạn Nhạn Kỵ và trăm thương binh lưu lại trấn giữ Yến Bình Quan, đợi ba mươi vạn binh mã khác tới, còn mình thì dẫn mười sáu vạn người ra khỏi quan, hướng thẳng đến Toại thành ở phía tây.

Bọn họ đi rồi, Yến Bình Quan vẫn gió êm sóng lặng, binh sĩ Bắc Kế dần dần có chút mệt mỏi, chỉ một lòng chờ quân đội của mình tới, hoàn toàn không để tàn binh bại tướng Nam Sở vào mắt.

Đêm thứ ba, phần lớn tướng sĩ Bắc Kế đều đã yên giấc, chỉ còn vài đoàn người tuần tra trong thành, tiếng vó ngựa lộc cộc đạp trên đường vang vọng khắp nơi.

Bỗng nhiên, một vài tiếng ‘vút vút’ nho nhỏ bắn xuyên màn đêm.

Binh sĩ tuần tra còn chưa có phản ứng, tất cả đều đã ngã ngựa. Trên người họ trúng không ít, tên nỏ ngắn nhỏ mà sắc bén, đây chính thị tên từ Liên Châu nỏ trứ danh Nam Sở bắn ra.

Từ trong bóng tối không ít đại hán lập tức hiện ra, vung tay chém xuống, giết hết binh sĩ Bắc Kế. Ngựa Bắc Kế bị kinh hãi nhảy dựng lên đang muốn hí vang nhưng đã bị những đại hán này, mau tay nhanh mắt, vung đao, đầu ngựa lặng lẽ rơi trên đường.

Cùng lúc đó, nhiều đội tuần tra của binh sĩ Bắc Kế cũng bị tru sát như thế, không một tiếng động.

Sau đó, không ít binh sĩ Nam Sở ào ào xuất hiện. Bọn họ dường như đã trải qua huấn luyện rất tốt, hành động mau lẹ mà chính xác, không tiếng động tiếp cận nơi ở của binh sĩ Bắc Kế, nơi vốn là binh doanh Nam Sở trước kia. Vài mũi tên thấm dầu được bắn ra.

Doanh trại làm bằng gỗ, chỉ cần một mồi lửa là đủ biến nơi đây thành đuốc sống. Lúc này, vạn tiễn tề phát, phong trợ hỏa thế, ngọn lửa lan rộng. Binh doanh trong khoảnh khắc liền chìm trong biển lửa.

Binh lính Bắc Kế đang ngủ say bị tiếng lửa rít làm giật mình, nhất thời thất sắc, la hét mà chạy. Ngựa chiến nhốt trong chuồn đều lấy vó bào đất, ngửa đầu hí vang, không lâu sau, vài con thoát cương lồng lên chạy trốn.

Binh sĩ Nam Sở bao quanh binh doanh, thấy ngựa không người cưỡi chạy thoát ra thì lách mình tránh, phía sau sẽ có người xông lên bắt chúng sau. Nhưng, khi có bóng người vừa xuất hiện, họ sẽ bắn tên như mưa, bắn người nọ thành nhím.

Trận tàn sát khốc liệt này, đến hừng đông mới kết thúc.

Hơn bốn vạn chiến sĩ Bắc Kế táng thân biển lửa hoặc chết dưới mưa tên, không người nào may mắn thoát được. Hai vạn ngựa chiến chạy thoát cảnh bị nướng chín toàn bộ đều bị quân Nam Sở bắt được.

Toàn bộ binh doanh tro tàn chưa nguội, khói đen cuồn cuộn bốc lên cao, thỉnh thoảng còn nghe tiếng gỗ ngã xuống, khắp nơi đều là thi thể người ngựa la liệt, trong không khí tràn ngập mùi khen khét.

Binh sĩ Nam Sở vây quanh ở bốn phía đại doanh, tất cả đều ngơ ngác mà nhìn, một lúc lâu, không ai dám vào xem.

Ngay giây phút đầu tiên quân doanh bốc cháy, gần một vạn binh sĩ Bắc Kế thủ vệ tường thành đều kinh hãi, phó tướng trực đêm lập tức phái người đi xem xét tình hình, hạ lệnh chú ý phía ngoài quân và xung quanh tường thành, đề phòng dương đông kích tây.

Hắn phái người chạy bộ xuống thành, nhưng đi chưa được trăm bước đã bị binh sĩ Nam Sở ẩn núp khu dân cư vây công, nhất thời tiếng quát tháo, tiếng kêu và tiếng binh khí va chạm nhau vang lên không dứt. Trong đêm đen, vài binh sĩ Nam Sở giơ cao đuốc, đao kiếm vung lên, máu tươi ngập đất.

Cùng lúc đó, hai bên tường thành xuất hiện hai đội tinh binh Nam Sở, như thủy triều ào về phía binh sĩ Bắc Kế trên thành, đầu lĩnh là phó tướng Nam Sở, Lục Nghiễm. Chỗ cửa thành cũng có một đội quân Nam Sở khác bảo vệ, không để bất cứ ai chạy thoát.

Dưới thành, ầm ầm tiếng đao kiếm, tướng đối tướng, binh đối binh, triền đấu với nhau, thỉnh thoảng lại có tiếng người chết hay bị thương bị ném xuống tường thành, máu thịt tung tóe.

Mấy tướng lĩnh Bắc Kế ngủ ở tướng quân phủ và thân binh của họ thì bị Kinh Vô Song dẫn quân vây giết, một trận chiến thảm liệt kết thúc, tất cả đều bị trọng thương.

Trời vừa sáng, binh tướng Bắc Kế trên thành, trong thành, trong tướng quân phủ không chết cũng bị trọng thương nhưng không ai chạy trốn. Bọn họ đều là nam nhi tâm huyết, tuyệt đối không chịu đầu hàng chịu nhục, chỉ biết liều mạng giết địch, đến cuối cùng tất cả đều chiến đấu đến chết.

Kinh Vô Song nhìn thấy mấy vạn quan binh Bắc Kế đều chết trận, không bắt được một tù binh nào, còn phe mình thì tử thương cũng không ít, tâm trạng dù có ảo não nhưng vẫn hết lòng bội phục. Một trận này, Nam Sở toàn thắng, khiến quân tâm đại chấn. Tất cả đều là diệu kế của anh. Khi anh nhận được mật báo, biết quân đội Bắc Kế đang tập kết, có dấu hiệu tấn công nhưng người lĩnh quân không phải Ninh Giác Phi mà là Thiên Uy tướng quân, Đạm Thai Đức Thấm thì bao nhiêu sầu lo đều tan biến hết.

Anh ra lệnh sơ tán bách tính, sau đó dẫn quân bí mật ẩn dấu ngoài thành, rồi dụ địch vào quan. Gã thám tử Bắc Kế mở cổng khai thành kia vốn đã ở Yến Bình Quan cưới vợ sinh con, nửa năm trước đã bị anh tìm ra, rồi bị thu mua, làm việc cho anh. Chờ địch nhân chia đội rời đi, các tiểu đội Nam Sở liền chia nhau từ lối bí mật lẻn vào thành, đột kích, quả nhiên vừa ra tay liền chiến thắng. Lúc này, quân đội Bắc Kế vẫn dùng chiến thuật không khác gì lúc xưa, nên Kinh Vô Song tự nhiên đối phó thành thạo.

Trong khi cả thành đều tràn ngập vui mừng hoan hô thì anh hoàn toàn không có cảm giác lâng lâng vì thắng lợi, đầu óc còn rất sáng suốt. Chỉnh đốn dân tình và quân tình xong xuôi, anh ra lệnh cho Lục Nghiễm lưu lại trấn thủ Yến Bình Quan. Nếu quân Bắc Kế lại đến tấn công thì cứ theo kế sách mà hành động, thủ vững không mở thành. Còn chính anh thì không hề ngơi nghỉ, tự mình dẫn hai vạn kỵ binh cùng mười vạn bộ binh vội vàng xuất quan, dự định cùng Du Hổ hội hợp, giáp công Đạm Thai Đức Thấm.

Lúc này, quân chủ lực Bắc Kế ở phía tây đều đã vào khu vực Toại thành.

Toại thành là thành trấn quan trọng ở phương bắc của Nam Sở, địa thế hiểm yếu, hướng đông có thể tiếp viện Yến Bắc thất quận, hướng tây có thể tiếp ứng Kiếm môn quan, nếu có quân địch thâm nhập lãnh thổ thì có thể từ mặt bên tấn công, đoạn hậu, cho nên nó là vùng giao tranh giữa các nước.

Toại thành tuy xây dựng ở bình nguyên nhưng cách đó không xa là đồi núi trùng điệp, địa hình nhấp nhô, bất lợi cho kỵ binh dã chiến.

Du Hổ lợi dụng địa thế, cho đào vô số bẫy, bày ra một địa thế “Bình Di Vạn Toàn trận” cực lớn, đại trận này do Tảo Bắc tướng quân, Kinh Thái Thương năm xưa sáng chế ra để ‘dùng bộ binh đánh kỵ binh’, trận này ở địa hình núi non rất có uy lực.

Đạm Thai Đức Thấm lại nhìn không ra tác dụng của thế trận. Y chỉ thấy bọn lính Nam Sở lười biếng cầm trường mâu, đông một đội, tây một đám, dường như rất tản mạn, hoàn toàn không có lực chiến đấu. Y vốn khinh thị bộ binh Nam Sở, lúc này không cần nghĩ ngợi mà lập tức chỉ huy đại quân tiến công, ra lệnh trọng giáp kỵ binh lấy cách ‘thay phiên tiến bước’ trùng kích, Nhạn Kỵ cùng Ưng quân bọc đánh hai cánh.

Thế nhưng, sườn núi ở đây, cây thấp, dòng suối, khe rãnh rất nhiều, hạn chế trọng giáp kỵ binh phát huy lực chiến đấu, ngựa lọt vào hố trũng, thường bị khựng lại, phải đi đường vòng, tốc độ không thể nhanh được, hoàn toàn mất đi uy lực lúc thường, giờ đây toàn bộ áo giáp nặng nề trở nên rườm rà phiền phức.

Nhạn Kỵ và Ưng quân tuy tốc độ cực nhanh, xông lên từ hai cánh nhưng rất nhanh đã rơi vào bẫy được đào sẵn, lập tức bị bắn chết còn những binh lính dù không rơi xuống bẫy tuy vẫn tả xung hữu đột nhưng vẫn khó tạo nên thương vong lớn cho đối phương.

Lúc này, cờ lệnh Du Hổ vung lên, đại trận bắt đầu vận hành, đem mười sáu vạn binh mã chia nhỏ ra mà bao vây, rồi tấn công.

Quân đội Du Hổ mang đến chỉ có mười vạn, thêm năm vạn quân lính ở Toại thành, dù số lượng ít hơn mười sáu vạn thiết kỵ Bắc Kế nhưng trận này đích xác huyền diệu, chỉ lợi dụng địa thế thôi cũng đã đấu ngang lực với Đạm Thai Đức Thấm.

Chiến đấu kịch liệt ba ngày, mười vạn đại quân Kinh Vô Song liền chạy tới hợp binh với Du Hổ, siết chặt vòng vây Đạm Thai Đức Thấm đến nước cũng không lọt qua được.

Tướng sĩ Nam Sở ở đây nghe tin năm vạn binh mã Bắc Kế ở Yến Bình Quan toàn bộ đều đã bị tiêu diệt thì hoan hô ngập trời, tiếng khen vang tận mây xanh, ý chí chiến đấu toàn quân càng thêm cao, thề phải giết sạch kẻ thù.

Lúc này Đạm Thai Đức Thấm đem quân ẩn tại một đỉnh một ngọn núi cao cách Toại thành ba dặm, dự định chờ cứu viện, nghe tin mà lòng đau như cắt.

Phó soái Đại Đàn Minh có chút hiểu biết với tư tưởng chiến thuật Ninh Giác Phi nên cùng thương nghị với y, nghĩ cách phái người chạy về Kế đô cầu viện.

Vào đêm, hơn mười đội Nhạn Kỵ giả vờ phân công nhau đột phá vòng vây, nhảy vào đại trận dưới chân núi triền đấu với quân Nam Sở.

Lúc lực chú ý của binh sĩ đều tập trung chiến đấu, một trăm Ưng quân mặc hắc y bỏ ngựa chạy bộ, lợi dụng đêm tối lẻn vào trong quân Nam Sở, giết chết một số binh sĩ Nam Sở, lấy y giáp, lặng lẽ thoát khỏi trận, sau đó đổi trang phục, giả làm bách tính địa phương, ngày ẩn nấp đêm chạy đi, cố chạy về phương bắc.

Lúc này Yến Bắc thất quận đã được phòng thủ cẩn thận, một đội Ưng quân liền nhanh chóng quyết định, mạo hiểm băng qua Áo Đặc sơn mạch không ai dám đi.

Theo ngôn ngữ địa phương, Áo Đặc có nghĩa là ‘Diều hâu cũng bay không qua”. Nơi hiểm trở này trở thành đường ranh giới của Bắc Kế cùng Tây Vũ, nhưng vẫn giáp ranh với Nam Sở, là nơi hiểm yếu.

Ngay lúc đầu Ninh Giác Phi dùng những cách thức huấn luyện tàn khốc để tập luyện cho Ưng quân, để lúc này dù phải đi trên con đường cửu tử nhất sinh, phải hy sinh sinh mệnh bảy mươi chiến hữu, họ vẫn can trường vượt qua ngọn núi hiểm trở tuyết đọng quanh năm, thành công về tới Bắc Kế.

Không dám dừng lại nghỉ ngơi, bọn họ ngày đêm chạy trên thảo nguyên, vừa đụng đến nhóm dân chăn nuôi đầu tiên liền trưng dụng ngựa, phi về Kế đô.

Lúc này, thảo nguyên mây đen vần vũ, cuồng phong gào thét, mưa to sẽ tới.

Hết chương 62