Nam không biết đối phương không thèm đuổi theo nên vẫn chưa dứt cơn sợ hãi, Nam chạy thẳng một mạch đến nhà bà Mai; cậu bấm chuông và đứng đợi ngoài cổng một lúc thì cửa mới mở ra. Thấy Nam, bà Mai cười cười:

- Cháu vào nhà đi. Cháu đúng lúc thật đấy, bà đang làm bánh, định gọi cho cháu thì cháu đã đến.

Nam đáp:

- Dạ, trùng hợp quá, hì hì.

Bà Mai nghe thấy giọng Nam thì cau mày:

- Cháu bị cảm à? Không phải... đưa tay bà xem nào.

Dù Nam cố gắng tạo ra vẻ tươi tỉnh nhưng chân khí đang chạy loạn lên trong kinh mạch làm cậu không thể nói được tốt như bình thường; và đương nhiên bà Mai dễ dàng nhận ra điều đó. Nam không dám chắc là bà Mai sẽ phát hiện cậu bị thương nhưng lúc này càng che giấu được thì càng đáng nghi, Nam đành đưa tay mình ra cho bà Mai. Bà Mai kiểm tra một hồi rồi nói ngay:

- Cháu vào trong nhà đi.

Bà Mai đẩy Nam vào trong sân, sau đó lắng tai nghe động tĩnh bên ngoài, cảm giác mọi thứ vẫn bình thường mới đóng cổng và dẫn Nam vào nhà. Bà Mai đợi cho Nam ngồi xuống, hơi thở dần ổn định thì mới hỏi Nam:

- Cháu nói cho bà nghe vừa rồi đã gặp phải chuyện gì?

Nam rất ngạc nhiên, ngẩng đầu lên hỏi lại:

- Ơ, sao bà lại biết thế ạ?

- Bà đã biết ngay từ lúc cháu đứng ở cổng rồi, để bà giúp cháu...

Bà Mai đặt bàn tay lên lưng Nam, sau đó một luồng nội kình nhu hòa nhưng cực kỳ thâm hậu truyền vào người Nam, chỉ trong thoáng chốc, Nam cảm thấy toàn thân thư thái, chân khí của mình dần trở lại bình thường. Bà Mai thu tay lại và hỏi tiếp:

- Nào, giờ trả lời bà đi, ai đã đánh cháu bị thương thế này?

Nam đáp:

- Dạ gã đó che mặt cháu hoàn toàn không biết hắn ta là ai, nhưng mà cháu vẫn một chút về võ công hắn ta đã sử dụng.

Nam có trí nhớ tốt nên miêu tả lại chưởng pháp của người tấn công mình khá là chính xác. Trong lúc nghe, vẻ mặt của Bà Mai có phần bất ngờ, bà Mai trầm ngâm suy tư một lúc rồi nói:

- Bộ chưởng pháp sau hơn ba trăm năm biến mất rốt cuộc đã xuất hiện trở lại.

- Sao cơ? Thất truyền hơn ba trăm năm luôn ạ? Đó là loại chưởng pháp gì thế ạ?

Nam bị câu nói của bà Mai làm giật mình. Bà Mai gật đầu, nhưng chưa bà trả lời ngay câu thứ hai của Nam mà hỏi thêm:

- Thế còn nội lực của đối phương ra sao? Cháu có nhớ được không?

Nam ngẫm nghĩ vài phút rồi trả lời:

- Dạ nội lực hắn ta rất mạnh, chân khí không những hùng hồn mãnh liệt mà hậu kình cũng rất dài... hơn nữa... thế nào nhỉ...

Nam vừa nhớ vừa tả lại nên lời của Nam khá là rời rạc, chẳng qua bà Mai vẫn xâu chuỗi các chi tiết với nhau được. Sắc mặt của bà Mai trở nên nghiêm túc hơn trước:

- Không thể ngờ là thần công đó vẫn còn tồn tại trên thế gian này.

Bà Mai càng nói Nam lại càng mù mờ, hơn nữa chưa bao giờ Nam thấy bà ấy lộ vẻ nghiêm trọng đến thế nên hỏi ngay:

- Bà hết nói gì mà chưởng pháp rồi đến thần công thế? Cháu nghe mà không hiểu.

Bà Mai im lặng ra chiều suy tư một lúc rồi mới trả lời một cách chậm rãi:

- Cách đây hơn ba chục năm bà tình cờ tìm thấy một quyển sách cổ, bìa đã rách gần một nửa rồi nên bà không rõ tác giả là ai, chỉ biết là nó đã được viết vào những năm thuộc thế kỷ mười bảy mười tám.

Nam không khỏi kinh ngạc mà cắt lời bà Mai:

- Thế không phải là rơi vào khoảng thời vua Lê, chúa Nguyễn hay sao ạ?

Bà Mai gật đầu:

- Phải rồi, chính là thời đó. Cách đây trên dưới ba trăm năm, có một vị tiền bối vào tuổi cổ lai hi, trong một lần ngắm hoàng hôn, ông đã nhìn thấy đám mây với hình thù kỳ dị giữa ánh sáng vàng rực của buổi xế chiều; cộng thêm tâm trạng cô đơn thì ông ấy chợt lĩnh ngộ ra điều gì đó nên đã sáng tạo ra bộ chưởng pháp vô cùng độc đáo, vô tiền khoáng hậu. Được sáng tạo ra trong cảnh chập choạng tối nên bộ chưởng pháp có tên là Tịch Dương Chưởng.

- Tịch Dương Chưởng ạ? Cái tên nghe lạ quá... Chắc hẳn nó phải mạnh lắm bà nhỉ?

- Mạnh thì đúng là mạnh vô cùng nhưng bộ chưởng pháp này cũng rất khó luyện, ngoại trừ tác giả sáng tạo ra nó thì chỉ có một người nữa luyện đến tột đỉnh nữa mà thôi.

Nam ngớ người ra:

- Ơ, khó đến thế cơ ạ? Chắc chiêu thức phức tạp lắm.

- Chiêu thức phức tạp chỉ một phần nhỏ thôi, Tịch Dương Chưởng độc đáo ở chỗ chiêu thức thì ai có tư chất tốt thì có thể luyện được nhưng yếu chỉ của nó thì những người có cùng tâm trạng với vị cao nhân sáng tạo ra chưởng pháp thì mới luyện thành được. Người luyện cần phải trải qua vô số biến cố, phải cảm nhận được nỗi cô đơn tột cùng khi tất cả những người thân yêu đã không còn nữa, chỉ duy nhất bản thân còn sống trên thế gian; khi đấy mới có thể phát huy chưởng pháp lên cảnh giới cao nhất. Bởi thế, ngoài tác giả ra thì đến nay, chỉ duy nhất một người luyện được nữa mà thôi.

Nam nghe mà không khỏi bật thốt lên:

- Người như thế thì còn gì níu kéo để sống trên thế gian cơ chứ, có khác gì sống mà chết đâu.

- Cháu nói gần đúng rồi đấy, phải có tâm trạng sống mà như chết thì may ra mới có thể luyện được Tịch Dương Chưởng.

- Ơ vậy người đánh lén cháu khi nãy cũng đáng thương đấy chứ.

Bà Mai lắc đầu:

- Người ban nãy đánh cháu chỉ luyện được phần chiêu thức mà thôi, kẻ đó chủ yếu dựa vào nội lực của bản thân để phát huy, bằng không thì bằng một chưởng thôi cháu cũng đã mất mạng rồi.

Nam nghe mà rùng cả mình:

- Kinh khủng quá, à, thế còn thần công gì đấy thì sao ạ? Nó cũng của người đã sáng tạo ra Tịch Dương Chưởng ạ?

Bà Mai đáp:

- Không, gã tấn công cháu mạnh chủ yếu nhờ vào nội công thâm hậu nhưng thần công gã luyện lại thuộc về thời kỳ khác, tiếc là cụ thể nó thế nào thì bà cũng không biết rõ, chỉ thông qua lời truyền miệng của người xưa mà đoán ra võ công của gã đánh cháu mà thôi.

Tưởng chừng như sẽ được nghe thêm một sự tích hoành tráng nữa thì câu trả lời của bà Mai làm Nam cảm thấy hụt hẫng, cậu thở ngắn than dài:

- Chán quá, ngay cả tên gọi cũng có hả bà?

- Những lời truyền miệng bà nghe được thì chỉ gọi nó là Long Hổ thôi, chẳng qua bà biết tên gọi của nó không phải như thế, chỉ vì thời gian trôi qua quá lâu làm cho người đời không còn nhớ nữa. Nếu gã đó luyện được thần công này thì thân phận của gã không đơn giản đâu. Cháu nhớ cẩn thận đấy.

Bà Mai biết là những ai có ý đồ với Nam, cũng biết họ chẳng có mục đích xấu gì, chỉ là bà vẫn nhắc nhở Nam như thường lệ. Nam thì không rõ điều này mà đang nghĩ về sự việc đã xảy ra ở thành phố D và những chuyện liên quan đến Việt và thế giới sát thủ. Nam không muốn bà Mai phải lo lắng an toàn của mình nên giữ kín trong bụng. Bà Mai cười nói:

- Thôi tạm thời không có chuyện gì đâu, cháu ngồi vận công tiếp tục trị thương đi, bà còn dở việc bên trong chưa xong. À, trưa nay cháu ở đây ăn cơm với bà đấy nhé.

- Dạ vâng ạ.

Bà Mai đi vào trong bếp để Nam được yên tĩnh ngồi vận công, bà Mai chỉ giúp Nam điều hòa chân khí trong người, nội thương của cậu thì phải chính bản thân cậu phải tự chữa trị.

Nam ngồi vận công một lúc thì có tiếng chuông cửa vang lên, Nam tạm dừng vận công và ngoảnh đầu nhìn ra thì thấy đó là Linh và anh trai của cô, Nam chạy ra mở cửa cho họ. Trên đường đi vào, Hùng - anh trai Linh phát hiện thần sắc của Nam hơi kém thì hỏi:

- Hình như cậu bị nội thương phải không?

Nam ngạc nhiên:

- Anh nhận ra được à? Đúng là em đang bị nội thương, mà không đáng ngại lắm, cũng tại em nôn nóng luyện công mà sinh chuyện.

Hùng phát hiện vết bầm nhỏ trên cánh tay Nam thì biết Nam đang nói dối, chẳng qua giữa hai người không quá thân thiết, nên Hùng chỉ hỏi thăm thôi chứ không quan tâm đến chi tiết thế nào, Hùng đáp:

- Ừ, điều cấm kỵ trong luyện công là không được vội vã, dục tốc bất đạt mà.

- Cám ơn anh đã nhắc nhở.

Bà Mai từ trong bếp đi ra, trên tay bà cầm một đĩa bánh nướng, bà đặt đĩa bánh trên bàn và nói:

- Cả hai cháu cũng đến rồi à, ngồi xuống ăn bánh bà làm nào.

Linh vỗ tay hớn hở:

- Hay quá, đúng lúc cháu đang đói bụng, bánh bà đã làm thì không chê vào đâu được.

...

Trong lúc Nam đang ăn bánh với hai anh em và Linh thì ở nhà ông Công, ông Công đang hỏi chuyện ông Phúc:

- Theo như lời ông kể thì võ công của thằng nhóc không hề liên quan đến võ công của gia tộc của chúng ta cũng như không giống của nhà Hoàng gia, thế thì thằng nhóc nó được học từ ai chứ? Nó mới mười tám mười chín tuổi mà đạt tới trình độ như vậy thì chắc chắn phải được một minh sư truyền thụ.

Ông Phúc bổ sung:

- Còn một điều nữa, khi kiểm tra thằng nhóc, tôi còn phát hiện thêm một điều quái lạ, nội công của nó có chút gì đó tương đồng với nội công của ông ấy.

Ông Công hiểu quản gia đang nhắc đến ai, ông lập tức lắc đầu phản bác:

- Tôi hiểu ông muốn nói gì nhưng điều đó cực kỳ vô lý, thằng nhóc hoàn toàn không thể được truyền thụ từ ông ấy đâu, có thể thằng nhóc được truyền thụ từ bà Mai, mối quan hệ giữa hai người đó thì ông cũng biết rõ rồi đấy, rất có thể ông ấy truyền lại một phần võ công của mình cho bà Mai, nhờ thế thằng nhóc mới được chỉ dạy.

Ông Phúc đáp:

- Chắc mọi chuyện thật sự đơn giản như lời ông chủ nói, xem chừng tôi đã nghĩ nhiều quá rồi. À phải, tôi quên nói, theo tôi đoán võ công hiện tại của thằng nhóc gần như đã ngang ngửa với cậu chủ nhỏ rồi, riêng về chiêu thức thì chắc hơn rồi.

Ông Công nghe xong thì nhíu mày:

- Ông có khen quá lời không đấy?

Ông Phúc lắc đầu:

- Không hề, tôi hoàn toàn khách quan.

- Được rồi, mong là ông đừng để Quang nghe được điều này, từ sau trận thua đó thì tâm trạng thằng bé không được tốt lắm.

- Vâng, đúng là trận thua đó đã đả kích rất nhiều đến lòng tự tôn của cậu ấy. Tôi có ý kiến thế này, chỉ là không biết ông chủ nghĩ thế nào.

Nhận ra sự ngập ngừng trong câu nói của quản gia, ông Công cảm thấy khó hiểu:

- Có gì ông cứ nói đi, đâu cần phải e ngại chứ.

Ông Phúc đáp:

- Vậy tôi nói, tôi định truyền lại võ công của tôi cho cậu Quang.

Vốn dĩ võ công của ông Phúc chỉ đơn truyền trong nhà ông Phúc, ngay cả gia chủ của ông là “Lê gia” cũng không thể biết và không thể bắt buộc ông Phúc phải làm gì được, cho nên khi nghe quản gia nói như thế thì ông Công rất kinh ngạc:

- Ông nói thật đấy à? Chả phải võ công của ông theo nguyên tắc là không được truyền cho người ngoài à, cớ sao lại muốn truyền lại cho thằng bé chứ?

Ông Phúc thở dài:

- Đúng là thế, nhưng vợ chồng tôi không có con thì nguyên tắc đó xem như chẳng đúng nữa, chi bằng truyền lại cho cậu Quang để giúp cho võ công này không bị thất truyền.

Ông Công rất hiểu nỗi đau đớn không có con của vợ chồng ông Phúc nên khi ông Phúc đưa ra đề nghị đó, ông suy ngẫm vài phút rồi đồng ý. Dẫu ông Công không biết tý gì về võ công của quản gia nhưng chấp nhận đề nghĩ cũng là để mang lại cho cả hai bên chút hi vọng.