*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

Có một tin tốt và một tin xấu.

Tin tốt là sau 4 ngày bỏ nhà đi bụi để rồi bị lạc thì giọng nói của tôi đã quay trở về với vòng tay tôi, may mà không lỡ mất mấy sự kiện ca hát quan trọng.

Còn tin xấu là, di động của tôi bị Cung Tuyển Dạ làm rơi vỡ nát, tôi còn chưa kịp ghi lại số liên lạc cũng như tin nhắn quan trọng, thì anh đã oán hờn thứ đã làm bạn với tôi suốt cả năm trời là hàng-giảm-giá-chất-lượng-kém.

“Lúc ấy đúng vui luôn…” Anh còn rất chi là oan uổng, “Ta đền cho em.”

“Không, ” Tôi nghiêm khắc từ chối, “Không cần.”

— Từ khi biết chiếc khuyên tai kim cương đen đeo trên tai anh trị giá 8 vạn, tôi liền sinh ra lòng nghi ngờ nặng với cái khái niệm tiêu xài của người này, tôi không muốn chỉ vì mình không đồng ý mà ích kỷ thay đổi cách sống của anh, mặc dù quan hệ của cả hai đã thân mật đến không thể thân mật hơn nữa, nhưng với những món đồ quá đắt đỏ tôi vẫn không thể yên dạ yên lòng mà nhận được.

Nhưng từ khi cả hai sống chung với nhau anh cũng hiểu được phần nào suy nghĩ của tôi, nghe tôi nói không chịu, liền cố gắng vớt vát lại, uyển chuyển xuống nước nói: “Ầy, vậy em lấy một trong mấy cái di động cũ ta từng sử dụng mà dùng đi, còn đến trường nữa, lỡ mất thì sao.”

Nói có lý.

Vì thế tôi theo anh vào thư phòng, trong ngăn kéo có 5 6 cái di động không dùng đến, tùy ý cầm một cái trông ưng mắt, gắn sim vào, tạm thời chỉ lưu số anh và của Hạ Giai – hai số duy nhất mà tôi có thể nhớ, chẳng qua là lần này đổi tên trong danh bạ từ “Papa” siêu thú dzị sang “Tuyển Dạ” nghe có vẻ quy củ, nhưng lại có một sự sến ngầm.

Nhưng rất nhanh tôi lập tức phát hiện ra điều kỳ lạ.

Anh không có chuyện gì thì đi mua lắm di động như thế làm chi?

Từ đó suy ra, trong nhà còn có Đồng-hồ-mua-về-rồi-không-đeo, Notebook-mua-về-không-xài, cùng với quần-áo-mua-về-cỡ-nhỏ-hơn-một-số-là-không-mặc, rơi xuống tay tôi một cách có vẻ như vô cùng chính đáng…

“Anh nghĩ em ngốc à Cung ba tuổi?”

Tôi gào với cái điện thoại khi đã lên chiếc xe buýt chật kín người.

Gào rồi tôi không quên nói cho Hạ Giai biết cổ họng tôi đã lành, đang trên đường đến trường; Chương trình học bị lỡ mất hai học phần, cũng không nhiều, nhờ tụi cùng phòng giúp đỡ một chút là bù vào được, nói dì không cần quá lo lắng, với cả nương tay với chú Chu thôi.

“Ta có nặng tay bao giờ.”

Dì thấy tôi lái sang đề tài này, xì một tiếng, lời nói không nghe ra cái sự ngượng ngùng mất tự nhiên hay điềm đạm của người sắp làm mẹ, “Hắn đã ‘nhẹ nhàng’ với má rồi, còn muốn như nào nữa đây.”

Dì nói không chút e dè làm tôi nhất thời nghẹn lời: “Có nói sao thì hai người cũng là…” Nói tới đây lại thấy lúng túng mà tạm dừng, “… Người sẽ cùng nhau sống qua ngày mà.”

“Không nói ta nữa, còn con thì sao?” Dì ngay sau đó hỏi, “Cái người, mẹ ruột của con ấy, có tìm con nữa không.”

Tôi nghĩ dì biết tôi không thích nghe mấy từ này, cách biểu đạt cũng hơi hơi ngập ngừng, tôi chưa từng nghĩ sau mười mấy năm biến đổi vô thường, quan hệ hai mẹ con chúng tôi còn khảo vấn nhau như vậy.

“Không ạ.”

Tôi quay đầu hướng ra ngoài cửa sổ, vô định nhìn làn ô tô bị bỏ lại phía sau, bất chợt có tiếng nhạc không biết phát ra từ đâu, nhoáng lên rồi biến mất, “Họ sẽ không xuất hiện nữa đâu.”

Tôi đang trần thuật sự thật đấy.

“Làm thế nào thì mẹ không cần phải lo đâu ạ. Tóm lại họ sẽ không đến quấy rầy cuộc sống của chúng ta nữa” – theo như lời Cung Tuyển Dạ, về bản chất chuyện này sẽ không vì đối phương có thân phận là mẹ ruột tôi mà thay đổi, thậm chí, vì nguyên nhân là mẹ ruột mà lại làm ra chuyện như vậy thì càng khó có thể tha thứ.

Tôi tin anh đã bố thí đủ nhân từ rồi, người đứng ở vị trí cao tuyệt đối làm việc cũng không quá tận tuyệt, dù sao thì những người đó không có gì đáng uy hiếp với anh.

Mà cái tôi cần làm chính là quên đi mọi thứ, giống như cuộc sống trước đây vậy.

Hôm về trường vừa lúc là thời gian bữa tối, phát thanh viên radio trường hôm nay là giọng nữ ngọt ngào, thông báo tin tức diễn ra vào ban ngày bằng giọng điệu rất thoải mái, ngoài kia ánh chiều tà rơi xuống mái tóc dài buông xõa của cô nàng nào đó, có đàn bồ câu đậu trên thanh nhựa màu đỏ trên đường băng sân vận động, hoàng hôn đẹp vô cùng.

Tiện đường tôi đi siêu thị mua 2 chai rượu với cả đồ nhắm mang về phòng, đạp cửa như phường ăn cướp mà vào, dẫn đến một trận hoan hô của đám quỷ đói.

“Về rồi à!”

Đúng thế, anh em trở lại.

Nửa tháng Tư qua đi, bụng Hạ Giai càng lúc càng rõ, cuối tuần tôi về nhà cùng dì dạo phố mua sắm quần áo, thấy cái bụng dì đã có thể lộ hẳn ra hình dáng mờ mờ sau lớp quần áo, không tương xứng lắm với thân hình mảnh mai của dì. Hình như dì mập lên một chút, hai má đã hơi có nét bầu bĩnh rồi, cho nên phải cảm ơn ngài Chu Tĩnh Dương đã tận tình chăm sóc.

Mua sắm đủ thì quay lại tàu điện, có người nhường ghế cho dì, dì vui vẻ nói cảm ơn, tôi thì xách mấy cái túi to nhỏ khác nhau đứng một bên, nhìn dì ngồi xuống vô cùng tự nhiên đặt tay lên bụng, khó nén nổi hiếu kỳ, hỏi dì là em trai hay em gái vậy ạ.

Dì sợ tôi nhọc, cầm lấy cái túi nặng kha khá đặt lên đùi, nói, để tránh trọng nam khinh nữ, nên là không đi kiểm tra giới tính, đáp án thì chờ cho đến khi lâm bồn rồi mới công bố, xem như là gợi sự hồi hộp đi.

Nhưng dì Lịch lại nói, mang con gái da sẽ đẹp lên đó.

Vậy ư? Dì đảo mắt, cười hỏi tôi, con thích em trai hay em gái?

Không biết dây thần kinh nào của tôi bị kích thích, chỉ có hai xưng hô mềm mại kia thôi mà cả trái tim như nhũn ra thành khối bọt biển, hút căng nước nặng trĩu, nói, mẹ sẽ cho nó… con bé… gọi con là anh trai sao.

Tất nhiên rồi. Dì mang vẻ mặt kinh ngạc, giống như câu hỏi của tôi ngâu si đến không thể ngâu si hơn được nữa, cho dù có lớn hơn 20 tuổi thì con vẫn làm anh trai mà, con trai ngốc ạ.

Tôi ngây ra nhìn chằm chằm dây giày màu xám của mình, tàu điện dừng ở trạm, người ngồi cạnh dì xuống tàu, bên ngoài lại có thêm một đợt hành khách, trực tiếp chen qua chỗ tôi đang ngồi, lúc này chính là giờ cao điểm, đám nhóc mặc đồng phục líu ra líu ríu chen chúc vào khoang tàu, một nữ sinh đứng trước người tôi, chân ngay sát đầu gối tôi, tôi còn phải ôm đống thứ lại phải nhường chỗ cho cô bé rất phiền, đành dịch dịch chân để cô bé đứng không phải chen.

Cô bé nhíu chặt lông mày, hàng mi rũ xuống không che được đôi mắt láo liên sang hai bên, gương mặt trông rất khổ sở, có lẽ là say xe chăng.

Tàu điện bắt đầu di chuyển, tôi dựa vai Hạ Giai dần thấy buồn ngủ. Đều tại tối qua hiếm lắm mới được dịp rảnh rỗi ngồi ôn chuyện với Lý Khiêm Lam, hai đứa bật video chat sáng tác, phải biết cái chuyện sáng tác này một khi có bạn cùng đàm luận thì sung sướng biết bao nhiêu, một mình viết không thế so sánh, hai đứa càng nói càng hăng, đến rạng sáng 3h mới đi ngủ, giờ thì buồn ngủ đến hoa cả mắt, hai mắt hễ nhắm là muốn díp lại, ấy rồi sau đó thì bị đánh thức bất ngờ bởi tiếng kêu to của Hạ Giai.

Dì nói, mày đủ cmn chưa, mau bỏ tay ra!

Tôi ngạc nhiên mở mắt, người xung quanh cũng có biểu cảm không khác tôi là bao, cả nửa buổi không xác định được đối tượng bị chỉ trích là ai.

Hạ Giai lại trừng thẳng cái người đứng sau cô bé kia.

Phía sau cô bé là một người đàn ông trông dung tục có mái đầu bóng lưỡng, mặt gã đỏ lên, lên tiếng một câu, cô điên à, nói ai chứ hả!

Cô bé siết chặt góc áo đồng phục, cắn môi bật ra tiếng nức nở rất nhỏ.

Hạ Giai một tay đỡ cái bụng, một tay dùng sức kéo cô bé qua chỗ mình, lớn tiếng lặp lại, tôi nói cái đờ mờ ông đó, biến thái.