Ba mẹ nghỉ quá lâu rồi, cơ quan liên tục gọi điện giục họ đi làm. Ba mẹ tin rằng tôi đã đủ sức tự lo cho bản thân, bèn tiễn tôi về trường (còn mười mấy ngày nữa là khai giảng rồi), nhờ Sở Y Phàm chăm sóc tôi rồi rời khỏi.

Hai tháng nay, ấn tượng của ba mẹ về Sở Y Phàm rất tốt, đặc biệt là việc anh ta không bỏ rơi tôi ngay cả khi tôi hôn mê càng minh chứng cho phẩm cách tốt đẹp của anh. Vì thế trước khi đi, mẹ căn vặn tôi rất nhiều lần, bảo tôi phải giữ cho chặt, còn bảo tôi không xứng với người ta, thiệt thòi cho người ta.

Nào có ba mẹ nào trợ uy cho con nhà người ta, chèn ép sĩ khí con mình xuống như này? Xì, xì, xì! Đế vương thiên cổ còn chả là gì trong mắt tôi, đời này có ai dám bảo tôi không xứng với họ chứ? Tôi sôi sục ý chí chiến đấu.

Sinh viên về trường hãy còn thưa thớt, trong phòng ký túc xá chỉ có mỗi mình tôi, cả tầng lầu cũng chả có mấy ai. Tôi bắt đầu suy nghĩ và lập kế hoạch tóm “chồng” giữa đêm vắng.

Sáng hôm sau, có người gõ cửa phòng, đáng ghét thật, mới tinh mơ ai lại quấy rầy mộng đẹp của người khác chứ, tôi mơ mơ màng màng mở cửa: “Tìm ai?” Người đến khiển trách tôi bằng giọng vô cùng nghiêm khắc: “Sao em không hỏi là ai trước rồi hãy mở cửa? Nếu là kẻ xấu thì sao?” Tôi nhìn chằm chằm, à ra là Sở Y Phàm, tôi hé rộng cửa để anh ta vào, ngáp dài: “Sợ gì chứ, cả lầu toàn là nữ sinh.”

“Chẳng nhẽ anh cũng là nữ sinh? Giờ là kỳ nghỉ, dưới lầu chả có ai quản lý cả.” Sở Y Phàm thuận ý bước vào, khép cửa lại.

“Là anh thì em lại càng chẳng sợ, anh cũng có hại em đâu.” Tôi vừa xoay người ập thẳng xuống giường, “Em ngủ thêm chút nữa.”

Sở Y Phàm lộ vẻ không vui rõ rệt: “Em yên tâm về anh đến thế à?”

“Đương nhiên rồi, vẻ ngây thơ đó, chàng là…” Không khí như bị nén lại, hí mắt thăm dò thì thấy Sở Y Phàm chống tay sát hai bên đầu tôi, đang nhìn chằm chằm tôi với vẻ hung ác, tôi nhịn hai chữ ‘Vô Trần’ xuống. Không, anh ta không phải Vô Trần, Vô Trần chưa từng nhìn tôi bằng ánh mắt ác độc như thế. Ý nghĩ dồn dập nảy lên trong đầu, nhưng tôi lại không thể nắm bắt rõ ràng, tạm thời lâm vào mơ hồ.

Sở Y Phàm vỗ vỗ mặt tôi: “Em đang nghĩ gì thế? Cứ như nhìn anh, lại như nhìn một ai đó khác trong anh vậy.”

Tôi bừng tỉnh, gạt mớ bòng bong kia đi, trở về với Thanh Thanh vô tâm nọ: “Không gì cả.”

Tôi thoáng nghe một tiếng thở dài, nhìn sang Sở Y Phàm thấy vẻ mặt anh ta vẫn như cũ, ảo giác sao?

Tôi đẩy Sở Y Phàm ra: “Anh tạm ra ngoài đi, em phải thay đồ.”

Tôi vệ sinh cá nhân xong, lại tràn đầy sức sống.

Sở Y Phàm bảo tôi thu xếp quần áo, nói không yên tâm để tôi ở một mình trong ký túc xá, muốn tôi đi với anh ta.

Đi với anh ta? Anh ta muốn làm gì? Tôi lên kế hoạch tóm “chồng”, chứ không phải kế hoạch bị tóm. Tôi nhìn anh với ánh mắt đề phòng: “Đi đâu vậy?”

Anh trái lại bật cười: “Giờ mới biết cảnh giác ư? Yên tâm đi, anh chỉ định đưa em đến Bình Cốc(1) thăm ông bà thôi.”

(1): là một quận ngoại ô của thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc.

Tôi vừa trở về từ xã hội phong kiến nên còn tương đối bảo thủ, bèn từ chối khéo.

Sở Y Phàm nói: “Để chăm sóc em mà cả kỳ nghỉ hè này, anh vẫn chưa về thăm hai người. Em phải đến giải thích giúp anh chứ.”

Tôi móc tờ một trăm tệ ra: “Anh cầm đi mua một giỏ trái cây tặng ông bà, cứ xem như là lời thăm hỏi chân thành nhất của em vậy.”

Sở Y Phàm lườm tôi một cái, móc di động ra gọi: “Bác ạ, chào bác, cháu là Y Phàm…”

Tôi càng nghe càng khẳng định người bên đầu dây là ba mình, họ thân mật đến thế từ lúc nào vậy?

Tôi đang ngờ vực, Sở Y Phàm đã chìa điện thoại sang: “Mẹ em bảo muốn nói chuyện với em.”

Tôi nhận điện thoại: “Mẹ…” Mẹ ở đầu dây đã chột dạ mở lời: “Thanh Thanh này, cũng do mẹ không lo tới nơi tới chốn, con cứ làm theo lời Y Phàm đi, đừng để ba mẹ không yên lòng…” Đây chả phải là đẩy gà tới miệng chồn à?

Cứ thế, tôi xuất hiện ở Bình Cốc.

Ông bà nội của Sở Y Phàm đều rất hiền. Lúc đầu thì họ khách sáo lắm, lâu dần, bà kể những mẩu chuyện hồi còn bé của bọn nhóc cho tôi nghe, tôi cũng từng đảm nhiệm chức bà nên nảy sinh cảm giác đồng cảm, bà nội bảo tôi rất hiểu chuyện, thân thiết hơn với tôi.

Nhà ông bà ở bên hồ Kim Hải, gần đó có vườn trái cây và cả vài ngọn đồi nhỏ. Chúng tôi ngày ngày đi hái đào, leo núi, chèo thuyền du ngoạn, cuộc sống rất thanh nhàn.

Sở Y Phàm có khi tỏ ra rất quan tâm đến tôi, có lúc lại như tránh mặt tôi, về xưng hô, ông bà cũng đã bắt đầu gọi tôi là ‘Thanh Thanh’ rồi, thế mà anh ta vẫn cứ réo cả tên lẫn họ, nói chung, nghe rất khó chịu.

Chính bản thân tôi cũng cảm thấy rất mâu thuẫn. Tôi vẫn chưa dám kể chuyện mình xuyên không cho ai khác, dù gì thì tuổi tâm hồn cũng chẳng còn nhỏ nữa, tôi làm việc có cân nhắc hơn nhiều. Tôi chả muốn về lại viện tâm thần đâu. Song xuất phát từ lòng tham hư vinh, tôi không muốn Sở Y Phàm khinh thường mình, muốn kể sự thật cho anh biết. Hơn nữa, tình cảm nhiều năm như thế, tôi không muốn vứt bỏ dễ dàng, tôi hy vọng anh nhớ ra mình, hy vọng anh trở về với con người Vô Trần trước đây.

Thế là hai chúng tôi cứ khi nóng khi lạnh, người khác nhìn mãi cũng thấy khó chịu.

Vào một buổi tối, tôi ngồi xem ti vi với bà nội, trong bộ phim truyền hình nào đó có một kẻ tâm thần đang múa may con dao găm đầm đìa máu, cười điên dại. Tôi thoáng cảm thấy như có một bàn tay bóp chặt trái tim mình, không thở nổi. Tôi chạy khỏi phòng, vịn tường thở dốc từng hồi, cơn choáng chậm chạp lùi đi.

“Thanh Thanh, con sao vậy? Mặt tái thế này.” Tôi ngẩng đầu lên thì thấy bà nội cũng theo ra ngoài, đang lo lắng nhìn tôi.

Tôi cố gắng cười một cái: “Không sao ạ, có lẽ hơi cảm nắng, chắc con nghỉ một chút.”

Tôi muốn đi, lại phát hiện ra tay chân mình đều đang run rẩy, không di chuyển được.

Sở Y Phàm bước đến bế tôi lên, hơi ấm của anh truyền qua quần áo đến cơ thể mình, lòng tôi bình yên hơn đôi chút. Không sao, không sao rồi, anh vẫn đang khỏe mạnh ở bên cạnh mình, ấm áp như thế, đầy sức sống đến vậy.

Anh đưa tôi về phòng, bà nội đem thuốc và nước sang, Sở Y Phàm đút thuốc xong thì đỡ tôi nằm xuống: “Em nghỉ ngơi cho khỏe đi đã, anh ở phòng sát bên thôi.” Dứt lời liền bước đi.

Tôi níu góc áo anh: “Đừng đi!”

Anh nhìn tôi chăm chú, “Lâm Tử Thanh, em đang sợ gì vậy?”

Tôi vẫn nói: “Đừng đi.”

Anh thở dài ngồi xuống trước bàn, nhón một quyển sách, nói: “Được rồi, anh ở đây với em.”

Tôi mê mẩn ngắm gương mặt anh, sau một lúc, anh buông sách, lại thở dài: “Đừng nhìn anh nữa, không thì anh đi đấy.”

Tôi vội vàng nhắm tịt mắt lại, chỉ chốc lát sau đã thiếp đi.

… Tôi lại về đến Uẩn Tú trai, Vô Trần đứng giữa sân, ánh mặt trời mạ một lớp vàng lên người chàng, chàng cười dịu dàng với tôi, nom tựa thiên sứ cứu rỗi linh hồn. Tôi vui mừng lao về phía chàng, song lại chẳng cách nào đến gần được.

Bỗng ánh mặt trời tối sầm lại, Vô Trần nằm dưới đất, mặt tái mét dặn dò tôi: “Ta sẽ chờ em ở kiếp sau.” Bốn phía ngập sương mù, Vô Trần biến mất, tôi hoảng loạn tìm kiếm chàng khắp nơi, “Vô Trần, Vô Trần, chàng ở đâu? Vô Trần, đừng bỏ rơi em…”

“Lâm Tử Thanh, em tỉnh lại đi…” Có ai đấy đang lay tôi, tôi cố gắng mở mắt, là Vô Trần. Tôi ôm cổ chàng, bắt đầu khóc nấc: “Vô Trần, em thấy chàng biến mất, em sợ lắm, chàng đừng bỏ rơi em.”

Chàng ôm tôi: “Không sao rồi, Thanh Thanh, chỉ là giấc mơ thôi, đừng sợ, anh ở đây.”

Giọng của chàng có tác dụng vỗ về rất lạ, tôi dần hết run, bình tĩnh lại.

Tôi mơ mơ màng màng thiếp đi: Vô Trần vẫn luôn đứng trước mặt, mỉm cười với tôi, tôi cố gắng tiến đến gần chàng thì lại bị dìm xuống nước buốt, lạnh đến rùng mình, chỉ chốc lát sau lại như bị đưa đến sa mạc, mồ hôi chảy đầm đìa. Cứ bị hành hạ giữa lạnh và nóng như thế, mỗi khi tôi sắp bị bóng tối nuốt chửng thì lại có một giọng nói phá tan màn sương: “Thanh Thanh, đừng sợ, ta ở đây.” kéo tôi về lại.

Lúc tôi tỉnh lại, đã là sáng sớm ngày hôm sau, bà nội ngồi trước giường, thấy tôi tỉnh lại thì thở phào nhẹ nhõm, vuốt trán tôi: “Cuối cùng cũng hạ sốt rồi, nếu không chúng ta buộc phải đưa con tới bệnh viện thôi.”

Tôi áy náy đáp: “Xin lỗi bà ạ, đã làm phiền bà rồi.”

Bà nội cười: “Bà có phiền gì đâu, đều là Phàm Phàm chăm sóc con cả.” Bà nhìn ra sau lưng tôi, ra dấu bằng miệng. Tôi ngoái đầu thì thấy Sở Y Phàm đang nằm ngủ ở mé giường.

Bà nội đút thuốc cho tôi, vừa thu dọn vừa hờn mát: “Thường ngày cứ làm bộ hờ hững trước mặt chúng ta, giờ bệnh rồi mới lộ tẩy đấy nhỉ. Ầy, thanh niên đúng là hay thật!” Dưới ánh mắt của bà, tôi đỏ mặt, bà nội cười cười rời khỏi phòng.

Tôi trở người đối mặt với Sở Y Phàm, anh có vẻ hơi hốc hác, cằm lún phún râu, tôi thò tay sờ thử, nhoi nhói. Sở Y Phàm chợt tỉnh lại, ôm cổ tôi: “Thanh Thanh, đừng sợ, anh ở đây.” Hóa ra giọng nói trong mơ là của anh.

Tôi mơ màng ngắm đôi mắt ấy, không phải vẻ sắc bén thường ngày mà lóe lên tia dịu dàng trong trẻo, là ánh mắt của Vô Trần.

Lát sau, anh tỉnh táo lại, ánh mắt sắc bén, vẻ mặt hơi buồn phiền, cứ như không muốn mình bị người khác thấy nhược điểm.

Ranh giới giữa tôi và Sở Y Phàm cứ như đã bị phá vỡ, chúng tôi thân thiết hơn rất nhiều.

Dùng xong bữa sáng, Sở Y Phàm đưa tôi đến bệnh viện, sau khi kiểm tra xong, bệnh viện phán tôi chỉ bị cảm mạo thông thường, uống vài cữ thuốc là khỏe.

Trên đường về nhà, anh rẽ vào một vạt rừng nhỏ. Anh hỏi Vô Trần là ai. Tôi chưa bao giờ giấu giếm Vô Trần điều gì, ánh mắt buổi sáng kia đã khiến tôi chắc chắn anh chính là chàng, thế là kể hết mọi chuyện.

Sau hồi lâu trầm tư, Sở Y Phàm nói: “Theo anh được biết thì, Hiếu Trang thái hậu không chết vào lúc đó, bà sống đến năm bảy mươi lăm tuổi, thế nên tất thảy đều chỉ là tưởng tượng của em thôi.”

Tôi nóng nảy: “Những gì em nói đều là thật, em không bị bệnh!”

Anh cười vỗ về tôi: “Anh tin, em rất bình thường.”

Anh vừa nói tất cả chỉ do tôi tưởng tượng, giờ lại bảo tôi bình thường, anh có thấy trước sau mâu thuẫn quá không? Song tôi không có cơ hội để hỏi câu này, vì anh đã hôn tôi.

Tuy thể xác kia vẫn là thể xác cũ, song trái tim tôi đã không phải trái tim không biết rung động như trước, tôi cảm nhận được môi anh đang mút lấy mình, lưỡi tách răng ra, quấn quít với lưỡi tôi, một luồng khí nóng theo lưỡi anh xộc thẳng vào, tôi mất sức tựa vào lòng anh, hai tay mềm mại ôm lấy.

Lúc tôi sắp ngạt thở thì anh dừng nụ hôn này lại, tôi vẫn đang mơ màng, anh hỏi: “Anh là ai?” Tôi đờ đẫn đáp: “Sở Y Phàm.” Anh có vẻ rất hài lòng, lại hôn tôi thêm lần nữa.

Tôi thoáng tỉnh ra, “Anh vừa hôn em?” Anh ta cười, xoa xoa đầu tôi: “Bé hươu cao cổ.” Tôi lì lợm so đo: “Anh mà đã hôn rồi thì không được bỏ rơi em, sau này không được thích ai khác nữa! Em cảnh cáo anh, em sẽ thi hành quy tắc all or no đấy, nếu anh làm gì đó có lỗi với em, em sẽ khiến cả thế giới này no you đấy.” Anh vò đầu tôi mạnh bạo hơn: “Biết rồi, bé dấm ạ.”

Cứ thế, tôi chả kịp thực hiện kế mỹ nhân, kế lạt mềm buộc chặt, kế bá hậu ngạnh thượng cung… gì gì đó, con mồi đã tự dâng mình tới cửa, trở thành bạn trai của tôi.

Sở Y Phàm chẳng bao giờ chịu tin câu chuyện xuyên không kia, tôi cũng canh cánh chuyện mình từng ở viện tâm thần nhưng lại không muốn thỏa hiệp rằng câu chuyện ấy là sản phẩm của trí tưởng tượng, chúng tôi vẫn đang giằng co vụ này.

Tôi nhấn mạnh, lặp lại rằng tôi không bệnh, anh lại bảo trước giờ chưa từng nghĩ tôi bị bệnh. Tôi đặt ra nghi vấn rằng anh thích “tôi” hồi ở viện, anh bảo đấy chỉ là trách nhiệm. Tôi lại cáo buộc rằng anh ghét mình, anh lại ôm chặt lấy tôi mà hôn đến mơ màng.

Sau này khi tôi định lật lại vấn đề, anh lại hỏi có phải tôi thèm được hôn hay không, thế là tôi chẳng thể nào mặt dày mà nhắc đến nữa. Thôi vậy, đợi đến lúc tôi “hòa tan” cả con người anh rồi nói sau.

Trừ chuyện này ra, tình cảm giữa chúng tôi rất tốt, tôi thấy học thuyết của Platon không thể áp dụng vào tình yêu, vì hôn môi là lửa nóng, ôm nhau là mật ngọt, kiến trúc thượng tầng không thể tách khỏi nền móng vật chất được.(2)

(2): Platon là nhà triết học theo chủ nghĩa duy tâm khách quan. Ông cho rằng thế giới các sự vật cảm biết là không chân thực, không đúng đắn vì các sự vật không ngừng sinh ra và mất đi, thay đổi và vận động, không ổn định, bền vững, hoàn thiện; còn thế giới ý niệm là thế giới phi cảm tính phi vật thể, là thế giới đúng đắn, chân thực, các sự vật cảm biết chỉ là cái bóng của ý niệm. Tóm lại là ý kiến của bạn Thanh Thanh ngược lại với ông này.

Tới đây, hẳn các vị đã biết trong những trường hợp mà tôi sẽ gặp phải sau khi quay về mà mình đã liệt kê (trong chương bảy), tôi rơi vào trường hợp 2A. Xuyên về kịp lúc, quan hệ mập mờ với Sở Y Phàm. Ầy, việc đời khó mà đoán trước! Tình huống thực tế ra sao? Hạ hồi phân giải.