*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

Vị công tử vô dụng trằn trọc suốt đêm không ngủ, cuối cùng vì cô nương lỗ mãng… không, vì dân chúng Hòe Thành, chàng quyết định bất chấp giá nào.

Lúc ấy, thua keo này bày keo khác, Ký Linh đã quyết định xuống tay luôn với chính bản thân. Ngờ đâu đang ngồi trên mái đình hóng mát cong cong trong vườn hoa ở nhà giữa để nạp thanh bài trọc, phấn đấu trở thành một mồi câu tươi ngon thì Đàm Vân Sơn rảo bước chạy tới đứng cách mái đình dăm bước ngửa đầu lên nói đầy dứt khoát, không do dự: “Để tôi làm.”

*nạp thanh bài trọc: nạp cái sạch vào, đẩy cái dơ bẩn ra.

Ký Linh lập tức thuận theo, chỉ sợ nói thêm một câu lại làm Đàm nhị thiếu gia đổi ý.

Thế nhưng hôm nay Đàm nhị thiếu gia đã trèo lên mái đình cong ngồi xếp bằng hít vào thở ra được ba ngày hai đêm, dưới ánh trăng u ám của đêm thứ ba, cuối cùng Ký Linh không nén nổi hỏi ra điều nghi hoặc mà bản thân nghĩ mãi không hiểu: “Sao… bỗng dưng lại đổi ý vậy?”

Đã ba ngày không một hạt gạo dính răng, Đàm Vân Sơn còn tưởng bản thân tâm thần bất ổn nghe thấy ảo thanh, gắng lấy lại bình tĩnh mới nhận ra là Ký Linh nói chuyện với mình, thều thào đáp: “Sao cô nương không đợi tôi chết đói hẵng hỏi…”

Đàm Vân Sơn thở không ra hơi nhưng oán hờn thì sôi sục, vẫn còn một chút tác phong nhanh nhẹn hồi đầu.

Ký Linh muốn cười nhưng lại thấy vậy là không nên nên cố gắng mím chặt môi, tốt xấu gì cũng xem như đã nhịn được. Có điều, cơn buồn cười qua đi mới thấy là phải nhìn Đàm Vân Sơn bằng cái nhìn đôi phần mới mẻ.

Làm mồi câu tức là dùng tinh khí của chính bản thân mình để dụ yêu quái tới bắt. Thế nhưng, trên đời có hằng hà sa số người, vì cớ gì mà yêu quái không bắt ai khác lại tới bắt mình, muốn vậy thì tinh khí của miếng mồi này phải sạch sẽ, tinh khiết, ngon ngọt hơn người. Nói nghe thì rất uyên thâm nhưng kỳ thực làm cũng không khó. Tinh khí của con người vận hành trong cơ thể có cả khí trong lẫn khí đục, khí trong là khí thuần khiết gốc ban đầu, khí đục là khí sinh ra do tiêu hóa hoa màu ngũ cốc, người bình thường thường trong đục hòa lẫn vào nhau nên khi yêu quái hấp thụ tinh khí cũng đành phải hấp thụ cả trong lẫn đục, nếu người này không ăn gì chỉ uống nước trong thì dần dần khí đục sẽ tiêu tán, trong bụng chỉ còn khí trong, nếu lại thêm ngồi tĩnh tọa, tập hợp tinh hoa nhật nguyệt thì khí trong này sẽ càng trở nên tinh khiết, đối với yêu quái thì nghĩa là càng thêm ngon ngọt.

Đây chính là điều Đàm Vân Sơn phải làm.

Hiện giờ chàng đã nhịn ăn, chỉ uống nước trắng được ba ngày hai đêm, ngoại trừ buổi trưa về phòng nghỉ ngơi chốc lát thì khoảng thời gian còn lại đều ngồi tĩnh tọa trên mái đình, hấp thụ tinh khí của trời đất, tinh hoa của nhật nguyệt. Điều đáng tiếc duy nhất là Hòe Thành vẫn không có nắng, chỉ buổi đêm thi thoảng mới thấy mây tản bớt, trăng ló mình.

Nhưng so với mọi người trong thành thì Đàm Vân Sơn hiện tại có thể nói là đã được yêu quái thích nhất, cũng may Hòe Thành đất địa linh nhân kiệt, xung quanh không có yêu quái vặt vãnh hỗn tạp, bằng không thì đại yêu chân chính còn chưa tới, Đàm Vân Sơn đã bị đám yêu râu ria tôm tép tranh giành, nào còn có chuyện để yên cho chàng ngồi tới tận giờ.

“Chẳng thà đau ngắn còn hơn đau dài…”

Giọng nam thong thả nói ngắt ngang dòng suy nghĩ của Ký Linh.

Nàng ngồi trên tay vịn hành lang nghiêng đầu nhìn chếch lên thấy Đàm Vân Sơn vẫn nhắm mắt ngồi tĩnh tọa, chỉ có môi là mấp máy, cứ như thể dự liệu được rằng Ký Linh có thể nghe rõ.

“Thay vì sống trong lo lắng, đề phòng, chi bằng phủ đầu, thoải mái xông lên.”

Rõ ràng đáng ra là một câu nói đầy kiên nghị, khắng khái, nói ra từ miệng chàng lại nhàn nhã, tự lấy làm vui thích như thể nói đùa. Nhưng chính một Đàm Vân Sơn như vậy ngồi giữa ánh trăng mờ tỏ lại làm cho người ta cảm nhận được dăm phần khí chất của tiên.

Ký Linh lắc lắc đầu, đoán rằng bản thân ngồi tĩnh tọa cùng lâu nên đầu óc hơi thiếu tỉnh táo.

“Huynh không sợ chết sao?” Nàng hỏi Đàm Vân Sơn.

Đây cũng là nguyên nhân sau khi bị từ chối dứt khoát, nàng không cố thuyết phục Đàm Vân Sơn thêm. Mạng là của người ta, lúc đấu khẩu nàng thích nói thế nào cho sướng miệng thì nói nhưng động vào thực tế, chẳng ai có quyền bắt người khác phải bất chấp tính mệnh.

“Sợ.” Đàm Vân Sơn trả lời thẳng thắn tới không ngờ.

Ký Linh ngạc nhiên, còn đang ngơ ngác thì lại nghe Đàm Vân Sơn nói tiếp…

“Nhưng tôi sợ lo lắng hơn. Dù sao hễ yêu quái tới, không phải nó giết tôi thì là cô nương giết nó, kiểu gì cũng có một kết cục. Tôi không thích cứ lo lắng mãi một chuyện, quên không quên được, ngừng nghĩ ngợi không ngừng nghĩ ngợi được. Phiền.”

Cho nên “không phiền” còn xếp trên cả “còn sống”?

Ký Linh hoàn toàn không có cách nào hiểu được điều nhị thiếu gia nhà họ Đàm đeo đuổi.

Nhưng nói đi phải nói lại, nàng có thể liều mình hàng yêu trừ ma, tất nhiên Đàm Vân Sơn cũng có thể liều mình để tiêu hết muộn phiền, mỗi người một chí, đâu cần ai phải bình phẩm.

“Ngày mai là có kết quả,” Ký Linh cổ vũ mồi câu, “tu hành thế này ba ngày ba đêm, khí đục trong cơ thể sẽ bị đẩy hết ra ngoài, khí trong đầy tràn, ngày thứ tư là lúc tinh khí trong nhất nồng nhất.”

“Ý cô nương là ngày mai trời vừa sáng, yêu quái có thể sẽ xuất hiện bất cứ lúc nào?” Đàm Vân Sơn chẳng những không được an ủi còn sợ dựng tóc gáy.

Ký Linh vội vỗ về: “Chớ lo lắng, có sớm cũng phải tới chiều tối mai, yêu quái ngày ẩn đêm ra, buổi tối mới là lúc chúng hành ác.”

Đàm Vân Sơn thở phào nhẹ nhõm, may quá, vẫn còn một ngày một đêm để nghỉ lấy hơi.

Oạp.

Oạp.

Trong gió đêm ẩm ướt bỗng có tiếng lội nước tới.

Đàm Vân Sơn vừa mới yên tâm, tim đã thót lên tận họng.

Từ lúc nghe thấy tiếng đầu tiên, Ký Linh đã đứng ngay dậy, giẫm lên tay vịn hành lang ngó ra ngoài nhìn.

Tiếng động phát ra từ đằng sau đám cây xanh um tươi tốt, từ xa lại gần, càng ngày càng rõ, thỉnh thoảng còn có tiếng sột sà sột soạt nghe mà run người nhưng vì bóng cây nên thứ nhìn thấy chỉ là một khoảng không tối tăm, đen sì.

Đàm Vân Sơn hoảng sợ nhìn sang Ký Linh, tỏ ý lên án mà không dám phát ra tiếng: Không phải cô nương nói tối mai mới có khả năng tới sao?!

Tự cổ, khẳng khái hy sinh vì đại nghĩa dễ, ung dung đi tới cái chết khó. Tuy lúc trước đã nói với Ký Linh rằng mình bằng lòng bất chấp giá nào, nói rất hay, trong lòng cũng thực nghĩ vậy nhưng theo bản năng vẫn thấy sợ.

Ký Linh cũng bị bất ngờ, nhướn mày đưa mắt ra dấu với Đàm Vân Sơn, hy vọng đối phương có thể hiểu được: ta nào biết nó lại không theo đúng bài!

Giữa lúc “liếc mắt đưa tình”, tiếng động đã tới gần.

Gần hơn nữa.

Gần đến mức tiếng chân lội nước như thể ở ngay bên tai.

Ký Linh và Đàm Vân Sơn không hẹn cùng nhìn về phía góc tối chỗ những cái cây, chỉ nghe thấy tiếng mà chẳng nhìn thấy hình khiến cả hai đồng loạt gai da đầu, căng thẳng toàn thân.

Oạp oạp…

Lùm cây bỗng bị gạt ra, một bóng người hiện ra dưới trăng đi kèm tiếng gắt gỏng: “Đứa không có mắt nào nói nước trong vườn đã rút rồi, đừng để ta tóm được bằng không ta lột da nó!”

Người tới, ấy là đại thiếu gia Đàm Thế Tông nhà họ Đàm.

Ký Linh thả lỏng người, tuy không thích Đàm Thế Tông nhưng so với chuyện bỗng dưng có yêu quái không rõ là loại gì tới thì vị đại thiếu gia này cũng không đến nỗi đáng ghét.

Đàm Vân Sơn phản ứng nhanh nhạy hơn Ký Linh, sau khi nhận ra tiếng Đàm Thế Tông thì liền cười khẽ, đổi giọng tự nhiên như thể người suýt bị tiếng bước chân dọa ngồi không vững không phải là chàng: “Đại ca đang mắng ai vậy?”

“Còn là ai ngoài đám nô tài kia.” Đàm Thế Tông còn chưa nguôi hết giận, vừa đi về phía hành lang dẫn tới đình hóng mát vừa hậm hực kể, “Ta tính chèo thuyền để đi, chúng lại nói nước trong vườn đã rút kha khá, không chèo được thuyền, khuyên ta đi bộ, giờ thì hay rồi, chân toàn bùn là bùn!”

Nước trong vườn quả là đã rút bớt một chút, tuy bên phía hồ vẫn còn lênh láng nước nhưng phía vườn hoa thì đã hơi hơi nhìn thấy nền đất, chắc chắn là không đi thuyền được nhưng nếu đi bộ thì tất nhiên là phải bị ướt nước bẩn. Kẻ dưới không dối Đàm Thế Tông, chẳng qua là không nhắc nhở tận tình, về phần là cố ý hay là vô tình thì còn phải xem xét.

Đình hóng mát xây trên hồ nước nằm ở cuối hành lang còn hành lang này thì thông với vườn hoa cho nên Đàm Thế Tông phải trèo qua tay vịn vào hành lang rồi mới theo hành lang tới được chỗ Đàm Vân Sơn, cứ đi một bước lại bẹp một tiếng, tới lúc đi tới chỗ Ký Linh thì đã để lại trên hành lang một dãy dấu chân bùn.

Cùng lúc đó, Đàm Vân Sơn ôm cột đình tụt xuống, đứng sẵn trong tư thế đón chào, đợi Đàm Thế Tông tới chỗ mình liền hữu lễ hỏi: “Đại ca đêm hôm khuya khoắt đến tận đây là có chuyện muốn đề điểm Vân Sơn chăng?”

*đề điểm: nhắc nhở, hướng dẫn, một cách nói lịch sự.

Câu này của Đàm Vân Sơn đúng là thật nâng thể diện cho Đàm Thế Tông, nếu không phải chàng nói bằng giọng thân thiết chứ không nịnh nọt, Ký Linh quả thực phải ngờ là chàng nợ tiền Đàm Thế Tông.

Hiển nhiên là Đàm Thế Tông đã quen với thái độ cung kính này của Đàm Vân Sơn, nhận lễ ấy, xua tay đầy tự nhiên: “Chuyện bắt yêu thì ta không hiểu, chẳng qua chỉ tò mò nên qua xem đệ đang làm linh tinh gì thôi.”

Đàm Vân Sơn cười cười, không vội đáp.

Quả nhiên, liền đó, Đàm Thế Tông hào hứng đi quanh Đàm Vân Sơn một vòng: “Ta nghe đám người dưới nói đệ ba ngày chỉ uống nước, không ăn gì hả? Thật hay giả vậy, đâu thấy gầy đi chút nào đâu.”

Đàm Vân Sơn nói nửa đùa nửa thật: “Thể chất tốt.”

Không ngờ Đàm Thế Tông lại đi nhéo nhéo thử cánh tay chàng thật.

Hai huynh đệ đều có vóc dáng cao to, đem so với nhau thì Đàm Thế Tông cường tráng hơn một chút, chẳng biết nhéo mạnh cỡ nào mà làm Đàm Vân Sơn đau nhíu mày nhưng rồi chàng lại nhanh chóng tỏ ra như thường.

Đàm Thế Tông không để ý nhưng Ký Linh thì thấy hết, quả thực muốn đá một phát vào mặt Đàm Thế Tông.

Cho dù Đàm Vân Sơn có thể chất tốt, đói mấy ngày không thấy có thay đổi gì nhiều nhưng em trai mình đang ở đây chịu khổ nhịn đói để trừ yêu cho cả nhà, anh trai lại qua nói như vậy à?

Đàm Thế Tông làm một câu “đúng thật nhỉ”, rõ ràng là rất vừa lòng với “thể chất” của em trai, giống như một trưởng bối đang kiểm tra vãn bối vậy. Cuối cùng phải nói thêm mấy câu vớ vẩn vô nghĩa mới hài lòng, vỗ vai em: “Thấy đệ rất ổn, ta cũng an lòng. Về phần mấy thứ yêu ma này, đệ tin là có thì nó là có, không tin thì… Tóm lại cứ tàm tạm là được, đừng liều mạng quá.”

Đàm Vân Sơn cúi đầu đúng như một người đệ tôn kính đại ca: “Thưa biết.”

Đàm Thế Tông nhìn khắp nơi mọi xó nhưng không phát hiện được thứ gì mới lạ, cuối cùng hời hợt nói một câu “thầy cũng thật vất vả” với Ký Linh rồi quay người đi về.

Ký Linh nhìn theo bóng lưng của y, không thể hiểu nổi rốt cuộc vị này tới đây để làm gì. Nếu nói là có ác ý ghê gớm thế nào thì không hẳn, tuy rõ ràng y không tin thuyết “yêu nhập trạch” nhưng cũng không mỉa mai, khiêu khích hay bóng gió muốn đuổi nàng đi, phải nói là Đàm đại thiếu gia từ đầu chí cuối chẳng thèm để mắt tới nàng, chỉ có hứng thú nói chuyện với Đàm Vân Sơn…

“Đừng nghĩ nữa,” Đàm Vân Sơn trèo lên lại nóc đình, cười đầy bất đắc dĩ, “huynh ấy chẳng qua chỉ đến hóng chuyện thôi.”

Ký Linh sực hiểu ra.

Chẳng trách Đàm Thế Tông vừa tới liền nhìn quanh ngó quất còn hỏi Đàm Vân Sơn mấy chuyện linh tinh, giờ nghĩ lại chẳng phải là thấy ở đâu có chuyện liền chạy tới đó ngó nghiêng, nghe ngóng đó sao. Về phần những ngôn từ cử chỉ làm người khác không được thoải mái của huynh ta có vẻ không phải là cố ý mà xem ra là bình thường vẫn nói chuyện với Đàm Vân Sơn bằng cái giọng điệu tùy tiện pha lẫn xem thường như vậy ngay đến chính huynh ta cũng không nhận ra, lại thêm được Đàm Vân Sơn hết sức thuận theo, dần dần đó trở thành một thói quen.

“Huynh huynh thật rảnh.” Ký Linh tổng kết lại chỉ bằng bốn chữ nhưng chứa đựng trong đó là vô vàn ghét bỏ.

Tất nhiên Đàm Vân Sơn nghe hiểu, chàng nhẹ nhàng biện bạch thay Đàm Thế Tông: “Huynh ấy không có ý xấu.”

Ký Linh nguýt mắt nhìn lên nóc đình chẳng hề nể nang: “Cũng không có ý tốt. Không, người ta căn bản chẳng xem huynh…” Nhận ra bản thân nói lỡ, Ký Linh vội ngậm miệng.

Đàm Vân Sơn ngẩn ra một thoáng rồi nhanh chóng hoàn hồn, cười hỏi: “Sao không nói nữa?”

Ký Linh cắn môi, quả thực muốn đập chết bản thân.

Chẳng mấy khi mới thấy Đàm Vân Sơn gặng hỏi, có điều giọng nói trong vang lên giữa cảnh khuya nghe có vẻ không giống thẩm vấn mà tựa như đang xúi giục người ta thú tội: “Nói thực đi, đã nghe được gì ở Hòe Thành khách điếm rồi.”

“Làm sao huynh biết!” Ký Linh ngạc nhiên ngẩng đầu lên. Quả thực nàng có nói với Đàm Vân Sơn là mình ở trọ tại Hòe Thành khách điếm nhưng chuyện tìm tiểu nhị khách điếm hỏi thăm chuyện Đàm gia thì Đàm Vân Sơn không thể nào biết được, trừ khi chàng ta chẳng cần đoán cũng biết.

Đàm Vân Sơn thở dài: “Bởi vì từ lúc cô nương về khách điếm gói ghém hành lý quay lại thì bất kể nhìn tôi bằng thái độ ghét bỏ, chán ghét hay ôn hòa thì trong đó đều ẩn chứa đôi chút từ bi.”

Ký Linh bất giác đưa tay sờ mắt, không tới mức ấy chứ…

Đàm Vân Sơn nhìn vẻ mặt của nàng là biết không cần phải hỏi thêm nữa, cứ theo tốc độ tập hợp và phát tán tin tức của Hòe Thành khách điếm thì chắc tới tám phần là toàn bộ tổ tiên mấy đời nhà họ Đàm đều đã bị Ký Linh biết hai năm rõ mười.

“Đàm phu nhân không phải mẹ ruột của tôi, cha thì chắc là cha ruột nhưng ông ấy cho là không phải, tôi cũng đâu làm thế nào được.” Rõ ràng là một chuyện cực kỳ xót xa nhưng từ miệng Đàm Vân Sơn nói ra lại gió nhẹ mây trôi như thể đang nói “tôi hơi đói”.

Ký Linh vốn lúng túng vì bị hỏi, không biết phải thoát tội thế nào nhưng Đàm Vân Sơn lại chủ động nói chuyện này ra trước còn là nói thẳng ngay trúng trọng điểm, không chút giấu diếm hay có vẻ ngại không nói ra được, thật đúng là thản nhiên.

“Huynh không… khó chịu à?” Ký Linh nghĩ ngợi một hồi vẫn không tìm ra được từ nào uyển chuyển hơn, đành nghĩ sao hỏi vậy.

“Khó chịu chuyện gì?” Đàm Vân Sơn ngả người nằm xuống mái đình, tay gối sau đầu, “Khó chịu vì cha tôi nghi ngờ tôi không phải con ruột hay vì đại ca tôi không coi tôi ra gì?”

Hóa ra chàng không gì không biết.

Hóa ra chàng rõ mọi chuyện hơn bất kỳ ai.

“Nếu như cô nương muốn nghe lời thật,” Đàm Vân Sơn nhìn vầng trăng bị mây che khuất một nửa, thong thả nói, “thật sự cũng khá tốt.”

Ký Linh bỗng ngơ ngác: “Khá… tốt?”

“Đúng vậy. Hiếu thuận phụ mẫu, tôn kính huynh trưởng, cần cù học tập, dễ bảo nghe lời, còn những chuyện khác tôi không quyết định được, chỉ có thể thuận theo tự nhiên. Kết quả tốt thì thật đáng mừng. Kết cục không tốt, tôi cũng không hổ với lương tâm.”

Đàm Vân Sơn không hề ra vẻ kiên cường, sự thản nhiên và ôn hòa trong giọng chàng làm Ký Linh cảm nhận được chàng thực sự nghĩ như vậy.

Ký Linh ngoác miệng bội phục, không còn lời nào để bàn.

“Đến Đàm nhị thiếu gia còn chẳng để tâm, ngày ngày ăn uống nói cười có lúc nào không.”

Bên tai bỗng vang lên lời tiểu nhị khách điếm từng nói.

Ký Linh muốn quay lại cho thêm gã một thỏi bạc để biểu đạt sự hổ thẹn vì bản thân đã từng không tin lời gã.

“Sao không nói gì nữa?” Mãi không thấy ai đáp gì làm Đàm Vân Sơn tự nói một mình thấy đôi chút cô đơn.

“Tôi không biết nên nói gì,” Ký Linh thật thà đáp, “nghĩ thoáng là tốt, nếu như mọi người đều tựa như huynh thì thế gian sẽ bớt đi đa số chuyện bất hòa…”

Đàm Vân Sơn nghe là biết sẽ có chuyển ý: “Nhưng mà?”

“Nhưng mà không đúng.”

Biết ngay mà.

“Không đúng chỗ nào?” Đàm Vân Sơn kiên nhẫn thỉnh giáo.

Ký Linh ngẫm nghĩ đôi chút rồi lắc đầu khó xử: “Tôi không nói rõ được. Về lý thì nghĩ thoáng là tốt nhưng như huynh thì có phải là nghĩ thoáng quá rồi không, dù sao cũng là chuyện lớn, sao có thể tùy ý vậy được?”

Đàm Vân Sơn nhìn nửa vầng trăng trên trời không nói gì thêm nữa.

Ký Linh cho là chàng đang cân nhắc lời mình nói, nào biết chờ một hồi thật lâu lại nhận được một câu…

“Tôi đói lắm.”

Chao ôi đáng thương, u u oán oán.

Ký Linh buồn cười, không khí nghiêm túc ban nãy bay biến: “Đã nói với huynh rồi, kiên trì một ngày nữa thôi, mai yêu quái ắt tới.”

Giờ Đàm Vân Sơn ngắm trăng cũng thấy nó giống chiếc bánh, cho dù chỉ là rìa bánh: “Đói thế này rồi, dù nó có tới tôi cũng không có sức chạy, thật nguy hiểm.”

“Yên tâm, có tôi bảo vệ huynh mà.”

“…”

Nói nghe hay đấy nhưng không hiểu sao lại thấy kỳ kỳ? Tốt xấu gì chàng cũng là nam nhi mình cao bảy thước…

Oe…

Oe oe…

Đàm Vân Sơn giật mình, ngồi bật dậy, nam nhi bảy thước gì cứ để tạm đó đã, tiếng gì thế kia?!

Oe oe…

Trẻ con… khóc?

Bỗng sực hiểu, da đầu Đàm Vân Sơn giần giật, bất giác muốn nhảy xuống dưới đình nhưng tay vừa chống một cái, bên hông bị cản chặt lại, cúi đầu nhìn xuống mới thấy một thứ màu xám xanh lá không rõ là thứ gì đang cuộn chắc lấy thắt lưng chàng!

Đàm Vân Sơn lập tức dùng tay lôi nó ra nhưng thứ to khỏe ấy có bề mặt trơn trượt, lành lạnh, phủ đầy vảy mỏng, căn bản không lôi ra được. Trong cảnh hiểm nghèo, Đàm Vân Sơn mạnh tay làm bản thân bị tróc mất một chiếc móng tay, móng tay bị lật, máu chảy ra, đau xé ruột. Nhưng ngay đúng khoảnh khắc này, chàng bỗng bị bay vút lên không trung!

Đến khi chàng kịp định thần nhận ra mình bị yêu quái hất lên giữa trời thì cơ thể đã lao mạnh xuống!

Ngay lúc sắp rơi xuống nước, trong lòng Đàm Vân Sơn chỉ quay cuồng kịch liệt một ý nghĩ: Không phải bảo là mai mới tới hay sao!!!

Hồ nước nhà họ Đàm vốn đã sâu một thân người nay thì lại càng không nhìn thấy đáy. Đàm Vân Sơn chỉ thấy trước mặt bỗng tối sầm lại, người rơi vào hồ, cơ thể trở nên nặng nề, nước lụt bẩn thỉu tràn vào tai mắt miệng mũi!

Hình như đâu đó nghe “ùm” một tiếng.

Đàm Vân Sơn không rảnh quan tâm, gắng sức nín thở, tận hết khả năng để không bị sặc, kéo dài thời gian ở dưới nước, đồng thời sờ xuống thắt lưng kiểm tra, thứ quấn chặt lấy chàng vẫn còn đó.

Đàm Vân Sơn tuyệt vọng.

Đây có lẽ là một con xà yêu, cũng có lẽ là một thứ khác nhưng chàng không có cơ hội nhìn thấy. Đừng nói chàng không biết Ký Linh có bản lãnh thế nào, cho dù Ký Linh có khả năng bắt yêu trên mặt đất thì vào nước rồi thì lại là một nhẽ khác, huống chi có phải chàng chưa thấy Ký Linh rơi xuống nước đâu. Kỹ năng bơi của vị thầy pháp này hẳn là chỉ đủ để không đến mức bị chết đuối, cứu người còn khó, nói gì tới bắt yêu dưới nước.

Ùm.

Cơ thể cứ lên lên xuống xuống khiến Đàm Vân Sơn chẳng may sặc phải một ngụm nước. Nước lụt bẩn thỉu tởm lợm buồn nôn nhưng Đàm Vân Sơn chỉ còn nước cố mà nuốt vào bụng, tiếp tục gắng gượng nhịn thở, mở mắt nhịn đau cố quan sát chung quanh, nhưng, rất nhanh, chàng bỏ cuộc, lại nhắm mắt lại.

Hồ nước… giờ nên gọi là vũng bùn, vì yêu quái vào quấy khiến bùn dưới đáy ao vẩn lên cộng thêm buổi đêm mịt mờ, cho dù có trợn nổ mắt ở dưới nước thì cũng vẫn chỉ là một màu đen thui.

Cơ thể lên lên xuống xuống trong nước ngày càng dữ dội, lắc tới mức Đàm Vân Sơn buồn nôn, hiển nhiên là con yêu quái này đang vận động rất mạnh, chẳng biết Ký Linh đánh đấm thế nào nhưng hiện giờ chàng có thể kết luận rằng thứ quấn lấy thắt lưng chàng chắc chắn là đuôi của yêu quái vì dù bị vung lên vung xuống theo nhịp chuyển động của nó nhưng chàng không hề được nhô lên mặt nước mà toàn đập người xuống đáy bùn.

Chàng chỉ có thể nghĩ bâng quơ được vậy.

Không, có lẽ đến việc nghĩ bâng quơ này cũng không còn được tiếp tục bao lâu nữa.

Đàm Vân Sơn cảm thấy lồng ngực bức bối rất rõ, suy nghĩ ngày càng mông lung như một màn sương đang tản ra…

Ào…

Gió và không khí bất ngờ ùa tới khiến Đàm Vân Sơn thoáng chốc hồi hồn, thậm chí xuất phát từ bản năng, còn chưa kịp mở mắt đã vội há miệng hít thở, lần đầu tiên cảm nhận được còn sống thật tốt biết bao.

Cuối cùng hít thở đủ rồi, Đàm Vân Sơn mới mở cặp mắt đau đớn ra, quan sát thấy bản thân vẫn còn ngâm mình trong nước được Ký Linh dùng cánh tay quắp lấy cổ cố gắng vừa bơi vừa kéo chàng lại gần chỗ hành lang.

Nhưng giờ chàng đã tỉnh, tất nhiên không cần cô nương ấy phải vất vả như thế. Đàm Vân Sơn nói ngay: “Để tự tôi.”

Ký Linh chẳng nói chẳng rằng lập tức thả tay, bơi thẳng tới chỗ hành lang.

Tới khi hai người đều đã leo lên được hành lang, Đàm Vân Sơn mới để ý thấy Ký Linh toàn thân ướt đẫm thở hổn hển, mặt mày nhếch nhác, tất nhiên là sắc mặt cũng chẳng tốt đẹp gì, sâu trong đáy mắt ngập tràn sự thất vọng và buồn nản.

Dẫu vậy, mở miệng, câu đầu tiên nàng nói vẫn là hỏi han Đàm Vân Sơn: “Không sao chứ?”

Cuộc đời Đàm Vân Sơn lần đầu tiên đến gần cái chết như thế, nói không hoảng hồn là dối trá, dù gì lúc ấy đồng ý làm mồi câu là vì tin bản lãnh của Ký Linh cho nên bị hỏi vậy liền rầu rầu nhìn xuống đầu ngón tay be bét máu, hết thảy không cần phải nói thành lời.

Ký Linh cả kinh: “Yêu quái làm à?”

Đàm Vân Sơn nghĩ trước nghĩ sau, cho là nên nói đúng sự thực: “Cấu nó rồi bị, chắc cũng tính là tại nó nhỉ?”

Ký Linh thở phào nhẹ nhõm. Nếu là yêu quái làm thì phải xem xem có bị yêu khí xâm nhập không, nếu là tự mình làm…

“Đi theo tôi.” Nàng thở dài, xoay người đi trước.

Đàm Vân Sơn không biết đi để làm gì, vội vã đi theo.

Ký Linh đưa Đàm Vân Sơn về phòng của mình, múc một chậu nước sạch, trước tiên rửa sạch vết bẩn bám trên ngón tay, sau đó rắc thuốc bột trắng lên vết thương, băng kín lại.

Làm xong xuôi ổn thỏa, Ký Linh mới nhẹ nhàng thở một hơi: “Ba ngày nữa tháo ra là được.”

Đàm Vân Sơn nửa tin nửa ngờ: “Ba ngày nữa là khỏi?”

Ký Linh lắc đầu: “Ba ngày nữa móng tay sẽ rụng hẳn.”

Đàm Vân Sơn: “…”

Ký Linh thấy Đàm Vân Sơn tròn mắt nhìn mình, lần đầu tiên cười một cái kể từ lúc lên bờ, nói nốt nửa ý còn lại: “Nhưng sẽ mọc lại một cái mới.”

Đàm Vân Sơn nhíu mày: “Bình thường như ban đầu?”

Ký Linh lắc đầu.

Đàm Vân Sơn khóc không ra nước mắt.

Ký Linh nói: “Đẹp hơn trước.

Đàm Vân Sơn: “… Cô nương có cần nói nửa câu một vậy không!”

Bầu không khí nặng nề hơi dịu xuống, lúc này Đàm Vân Sơn mới nghe thấy Ký Linh lẩm bẩm bất mãn: “Suýt chút nữa là đã bắt được nó.”

Đàm Vân Sơn giữ thái độ hoài nghi với sự “suýt chút nữa” này. Dù gì bản thân cũng mới phải dạo chơi một vòng ở quỷ môn quan: “Cuối cùng chẳng phải là vẫn để nó chạy mất.”

Ký Linh không nói gì.

Thật lâu sau, lâu tới mức Đàm Vân Sơn cho là nàng sẽ không cãi lại mới nghe thấy nàng lẩm bẩm một câu…

“Vì huynh đang ở dưới nước.”

Đàm Vân Sơn ngẩn ra.

Vì chàng đang ở dưới nước nên mới cản trở nàng bắt yêu? Không, không, phải là vì chàng ở dưới nước nên phải chọn giữa bắt yêu và cứu chàng, nàng chỉ có thể chọn cứu chàng… nhỉ?

Đàm Vân Sơn đang do dự phân vân giữa hai phỏng đoán thì thấy Ký Linh lấy trong tay nải ra một chiếc bình sứ nhỏ nhưng lấy ra rồi lại ngồi không nhúc nhích, chỉ lẳng lặng nhìn chàng.

Đàm Vân Sơn ngầm hiểu là cô nương này muốn thoa thuốc, bảo chàng “phi lễ chớ nhìn”… Khoan đã, nàng cũng bị thương?

Đàm Vân Sơn muộn màng quan sát Ký Linh, cuối cùng phát hiện làn gấu váy trái bị rách một miếng, ống quần cũng bị kéo toạc theo để lại cẳng chân bị thương, miệng vết thương ghê người nhưng không thấy chảy máu, thậm chí còn đã ngâm nước tới mức trắng ra, chỉ còn lại một mảng đỏ tươi loang ra nằm im trên miếng vải rách.

Bản thân còn đi mách cái đầu ngón tay bị thương với người ta, so với đối phương, Đàm Vân Sơn quả thực xấu hổ vô cùng.

“Yên tâm, có tôi bảo vệ huynh mà.”

Đây là lời Ký Linh đã nói, kết quả vị cô nương này, nói được, làm được.

Chú giải:

*mái cong (tiếng Trung: 飞檐 – mái hiên bay): là một nét đặc trưng trong kiến trúc Trung Hoa truyền thống, không chỉ tăng tính thẩm mỹ tạo cảm giác các góc mái đang nhẹ nhàng bay lên mà còn có tác dụng tăng góc chiếu sáng, tăng khả năng thoát nước mưa.