Tối đó, Trần Gia Dư hợp tình hợp lý ở lại nhà Phương Hạo.

Chín giờ sáng, đồng hồ sinh học của Phương Hạo đánh thức anh dậy.

Những ngày công tác và nghỉ ngơi bình thường, Phương Hạo cần ngủ đủ bảy tiếng, không hơn không kém.

Anh đưa con mắt ngái ngủ nhìn sang Trần Gia Dư bên cạnh.

Ban đầu Trần Gia Dư còn ôm Phương Hạo, lúc sau thì dần dần xoay người lại tự ngủ, thế nhưng lưng hai người họ vẫn dán vào nhau.

Phương Hạo chống một tay nhổm người ngồi dậy, có chút lưu luyến nhìn sườn mặt của Trần Gia Dư, ngắm anh ấy hít thở yên tĩnh, lồng ngực phập phồng.

Lúc ngủ trông Trần Gia Dư thật khác ngày thường, có chút trẻ hơn, cũng càng yếu ớt, không lớp phòng thủ hơn.

Phương Hạo biết hôm qua Trần Gia Dư làm việc gần mười bốn tiếng đồng hồ không nghỉ ngơi, cộng thêm chuyến bay tới Thâm Quyến tối hôm kia, Trần Gia Dư vốn đã thiếu ngủ thì nay “nợ ngủ” trầm trọng.

Vậy nên Phương Hạo nhẹ chân nhẹ tay đi xuống giường, sau khi tắm rửa thì ra phòng khách, bắt đầu làm một bữa sáng đơn giản.

Phải hơn một tiếng sau Trần Gia Dư mới thức giấc.

Anh đánh răng rửa mặt xong, đi ra phòng khách thì nhìn thấy Phương Hạo đang đứng trước máy pha cà phê Breville, nghiên cứu bột cà phê.

Cậu ấy một tay cầm tay cầm[1], một tay cầm hướng dẫn sử dụng, đang nghiên cứu rất chăm chú.

Phương Hạo thật sự rất tập trung, đến nỗi lúc đầu còn không hề để ý thấy Trần Gia Dư đứng ở cửa phòng ngủ.

Mãi tới khi Trần Gia Dư chào buổi sáng thì Phương Hạo mới ngẩng đầu lên.

“Anh dậy rồi à.” Phương Hạo hỏi, “Tối qua ngủ ngon chứ?”

“Rất ngon giấc.

Lâu lắm rồi anh không được giấc ngủ dài như vậy.” Trần Gia Dư đáp.

Nói xong anh đi qua, đứng sau lưng Phương Hạo nhìn cậu ấy loay hoay đổ đầy bột cà phê vào tay cầm rồi nén chặt, sau đó lắp vào máy.

“Em đã nghiên cứu kỹ chưa? Vẫn hài lòng chứ?” Trần Gia Dư hỏi cảm nhận của Phương Hạo sau khi sử dụng.

Anh là người rất chú trọng dịch vụ hậu mãi, bất kể là làm tình hay tặng quà.

Phương Hạo trả lời: “Em mới nghiên cứu được cách làm espresso, những món khác thì phải lên mạng xem video để nghiên cứu thêm nữa.”

Chiếc máy rung lên, sau đó chất lỏng cà phê đen đặc chảy từ đầu vòi xuống chiếc ly nhỏ tinh xảo.

Phương Hạo đang mày mò chế độ cài đặt của máy thì Trần Gia Dư đã tiến lại gần thêm một bước, vòng tay ôm lấy Phương Hạo từ đằng sau.

Vai Trần Gia Dư rộng hơn Phương Hạo một chút, dáng người cũng cao hơn cậu ấy mấy phân.

Ánh mặt trời ban mai chiếu chếch qua khung cửa sổ, chiếu rọi vào hai con người đến cả chiếc bóng cũng xứng đôi.

“Ôi…” Phương Hạo có hơi bất ngờ nhưng cũng mặc cho anh ấy ôm, chỉ bảo một câu: “Anh cẩn thận chút, đừng để bị bỏng đấy.”

Ly espresso đầu tiên đã hoàn thành.

Phương Hạo không uống mà quay người lại, đưa cho Trần Gia Dư: “Anh nếm thử trước đi.

Trong nhà không có sữa, tính năng đánh bọt sữa đành để lần sau thử vậy.”

Trần Gia Dư lập tức ực cái hết sạch rồi dựng ngón cái với Phương Hạo.

Thật ra, Trần Gia Dư chưa từng nghĩ tới việc bổ sung máy pha cà phê bán tự động cho nhà của mình.

Anh bình thường chẳng có thời gian để nuôi dưỡng thú vui cuộc sống này, thường ngày đều mua cà phê pha sẵn ở mấy tiệm cà phê trên sân bay, cũng vì vậy nên anh mới có thẻ thành viên của Koza.

Thế nhưng, trước hôm sinh nhật Phương Hạo, lúc nghĩ xem nên mua quà gì cho cậu ấy, ý tưởng đầu tiên của anh lại là nên mua món đồ này tặng Phương Hạo.

Trong ấn tượng của anh, Phương Hạo thích nghiền ngẫm những món đồ công nghệ cao, cũng là người sẽ tận dụng được chiếc máy này.

Xem ra anh đã đoán không sai.

Một buổi sáng bình thường tới không thể bình thường hơn, hương cà phê dần dần lan khắp căn nhà, thời gian lặng lẽ trôi qua giữa hai người.

Sau khi đứng ra xa, Trần Gia Dư mới phát hiện Phương Hạo mặc đồ thể thao gồm quần đùi và áo phông mau khô.

Quả nhiên, Phương Hạo chờ anh uống xong ly cà phê thì bản thân cũng làm một ly, sau rồi bảo với Trần Gia Dư: “Em có làm bữa sáng đơn giản, để phần cho anh ở trong lò vi sóng ấy.

Nếu anh muốn ăn bánh mì thì có thể tự nướng.

Trong tủ lạnh có sữa chua cũng như đồ ăn dư hôm qua.

Em không rõ anh thích ăn gì, anh tự mình làm được không? Em ra ngoài chạy bộ, chắc tầm tiếng nữa sẽ về.

Nếu anh muốn ra ngoài ăn thì chờ em về, tắm rửa xong rồi mình đi cũng được.”

Phương Hạo nói xong một tràng như vậy thì đi giày chạy vào.

Trần Gia Dư trêu: “Em yên tâm để anh một mình ở nhà à.”

Phương Hạo cười đáp: “Có gì mà không yên tâm chứ.

Anh còn có thể cướp tiền cướp sắc sao? Tiền em chẳng có, sắc thì anh cướp rồi còn đâu.”

Trần Gia Dư rất thỏa mãn với câu trả lời này của Phương Hạo.

Anh đúng là có hơi đói, bèn đi tới trước tủ lạnh.

Hôm bữa tiệc anh không nhìn kỹ, hôm nay mới thấy trên tủ lạnh có dán một tấm lịch, trên lịch là nội dung dạng kế hoạch hàng ngày, có viết mấy từ đơn tiếng Anh như “easy pace”, “tempo” cũng như một vài lưu ý viết tắt, bên cạnh có chú thích số kilômét.

(easy pace: chạy nhẹ.

Bài tập chạy nhằm mục đích khôi phục thể lực hoặc duy trì trạng thái;

Tempo: chạy nhịp độ.

Bài tập chạy cường độ từ trung bình đến khó, nhằm cải thiện tốc độ và thể lực)

“Kế hoạch luyện tập của em à?” Trần Gia Dư có chút tò mò, hỏi Phương Hạo.

Phương Hạo vốn đã đeo tai nghe thể thao, bèn lấy xuống rồi trả lời Trần Gia Dư: “Phải.

Vốn em định lên kế hoạch cụ thể trước rồi những ngày sau đó sẽ thực hiện theo, thế nhưng… Kể ra cũng xấu hổ.

Dạo gần đây công việc bận bịu quá, kế hoạch không theo kịp sự thay đổi nên giờ trở thành chạy xong rồi ghi chép lại.

Mỗi ngày khi nào em cảm thấy thoải mái thì sẽ đi chạy, chạy được bao nhiêu thì chạy.”

Trần Gia Dư nhớ tới những lời tâm sự Phương Hạo đã thổ lộ với anh trên xe vào buổi tối hai tháng trước, bèn hỏi cậu ấy: “Sắp tới em có tham gia cuộc đua nào không?”

Phương Hạo hơi lưỡng lự, đến cuối vẫn chọn kể với Trần Gia Dư: “Năm sau có cuộc đua 100km ở Hồng Kông.

Năm kia ở Bắc Kinh cũng có tổ chức nhưng em không thể hoàn tất, vậy nên có chút gánh nặng tâm lý, cũng chưa quyết xem lần này có đăng ký không.

Nếu đăng ký thì phải dày công luyện tập để thi đấu thật tốt.” Anh đáp.

Trần Gia Dư động viên Phương Hạo: “Nếu muốn thì làm thôi, sẽ không sao đâu.” Nói xong, đầu óc anh mới tiêu hóa được lời vừa rồi của đối phương, “100km… Thế không phải tương đương với hai cuộc đua marathon sao? Như vậy thì phải chạy bao lâu đây?”

(Cự ly tiêu chuẩn của một cuộc đua marathon là 42km)

“Gần hai cuộc rưỡi.” Phương Hạo nghiêm túc trả lời: “Em chưa chạy hết nên cũng không biết nữa.”

Hai năm trước, Phương Hạo và Lộ Gia Vĩ chia tay trong chật vật.

Sau khi chia tay, Phương Hạo mất phương hướng ở mặt tình cảm cũng như trong cuộc sống cá nhân một khoảng thời gian, cảm thấy không vui vẻ mấy tháng liên tiếp.

Theo phân tích của bản thân, Phương Hạo nhận thấy anh đang gặp khủng hoảng ¼ cuộc đời điển hình, cần động lực cũng như mục tiêu mới.

Thế là trong một phút bốc đồng, Phương Hạo đã đăng ký tham gia cuộc đua 100km tại Bắc Kinh.

Vì hấp tấp đăng ký, Phương Hạo không có sự chuẩn bị kỹ càng trước cuộc đua, đến hôm đua anh gồng mình lên chạy, cho rằng với ý chí cũng như khả năng chạy đường dài bình thường của mình thì có thể cầm cự được.

Kết quả, khi chạy được 70km, Phương Hạo cảm thấy không ổn, vì không ăn uống được gì dẫn tới hoàn toàn không được bổ sung năng lượng.

Thời tiết Bắc Kinh hôm đây còn nóng như đổ lửa.

Phương Hạo ói mửa ven đường hai lần, cuối cùng khi thật sự không chạy nổi nữa thì mới từ bỏ rồi được xe cứu thương đón đi.

Phương Thịnh Kiệt và Phiền Nhã Lan có tới vạch đích ôm và động viên anh nhưng Phương Hạo vẫn không nén được sự thất vọng.

(Khủng hoảng ¼ cuộc đời: tiếng Anh là quarter-life crisis, còn được gọi là khủng hoảng tuổi đôi mươi.

Là trạng thái lo âu, mất phương hướng về mọi mặt trong cuộc sống: từ nghề nghiệp, tài chính cho đến các mối quan hệ; thường xuất hiện ở độ tuổi từ 20 đến 30)

Kể từ sau lần đó, anh không còn thử sức với những cuộc thi cự ly dài như vậy.

Dòng chữ “Did Not Finish” trên bảng thành tích đã trở thành bóng ma tâm lý của Phương Hạo.

Giới chạy đua chẳng mấy quan tâm cái DNF này, những người thường xuyên tham gia các cuộc chạy đua có ai mà không có hai cái DNF.

Thế nhưng, với Phương Hạo mà nói, có lẽ là cự ly 100km, cũng có lẽ là khoảng thời gian ngắn ngủi đó – Rốt cuộc DNF là cuộc đua vội vàng kia hay là kết thúc bi thảm của mối tình cũ, suy cho cùng là điều gì khiến anh vướng bận không thể thoát được ra, bản thân Phương Hạo cũng chưa ngẫm rõ.

(Did Not Finish: Chưa hoàn thành)

Sau khi chạy bộ về, Phương Hạo đi tắm rửa, chuẩn bị tới sân bay.

Lúc anh thay quần áo xong đi ra thì phát hiện Trần Gia Dư đã mặc lại bộ đồng phục ngày hôm qua.

Chiếc notebook của Trần Gia Dư được đặt trên quầy bar ngăn cách giữa phòng khách và phòng ăn, anh ấy thì đang ngồi vắt chân trên chiếc ghế cao đồng bộ bên cạnh, vừa xem máy tính xử lý công việc, vừa gọi điện cho người thân.

Trông bộ dạng Trần Gia Dư thì có vẻ như đã ăn sáng.

Bát đũa, kể cả chiếc ly nhỏ dùng để thử espresso trước đó, đều đã được xếp vào máy rửa bát.

Thật ra từ trước đó Phương Hạo đã cảm thấy ở Trần Gia Dư tỏa ra một thứ hào quang rất khó hình dung.

Anh ấy tham gia vào cuộc trò chuyện nào thì đều sẽ trở thành nhân vật chính, bước vào căn phòng nào cũng sẽ trở thành chủ nhân nơi ấy.

Đây là một thứ cảm giác bẩm sinh, không liên quan tới việc Trần Gia Dư có nổi tiếng hay không.

Lúc này đây, Trần Gia Dư ở phòng khách của anh bành trướng trận địa, tạo cảm giác không giống người lần đầu qua đêm tại nhà Phương Hạo, mà hệt như đã trú ngụ tại căn nhà này từ rất lâu rồi.

Ở chiếc tủ âm tường nào có cất đồ gì, Trần Gia Dư dường như đều nắm rõ.

Trong thoáng chốc, Phương Hạo không quấy nhiễu sự ăn ý này.

Tuy chắc chắn Phương Hạo nghe được nhưng Trần Gia Dư gọi điện thoại cũng không tránh cậu ấy.

Anh đề cập tới việc đến bệnh viện làm thủ tục cũng như gửi lẵng hoa bày tỏ lòng cảm ơn với bác sĩ.

Sau đó, anh nhấc đồng hồ đeo tay lên xem giờ rồi hẹn trưa sẽ qua.

Đợi đến khi Trần Gia Dư cúp máy, Phương Hạo tìm được cơ hội để hỏi anh: “Nhà anh có ai nằm viện sao?”

“Mẹ anh xuất viện.” Trần Gia Dư nghĩ thấy bọn họ hình như chưa từng nói chuyện về chủ đề này, hiện tại Phương Hạo đã nhắc đến thì anh cũng không né tránh: “Ung thư vú giai đoạn cuối, đã di căn tới hạch bạch huyết.

Lúc trước có hóa trị nhưng dạo gần đây mẹ anh quyết định chọn điều trị bảo tồn, nếu không có vấn đề gì lớn sẽ không tới bệnh viện nữa.”

Đây quả thực là lần đầu tiên Phương Hạo nghe Trần Gia Dư kể chuyện gia đình.

Anh khẽ hỏi: “….

Có kết quả chẩn đoán từ khi nào thế ạ?”

Trần Gia Dư trả lời: “Tầm một năm trước.”

Phương Hạo hồi tưởng lại.

Anh biết được từ các nguồn tin khác nhau, hẳn là bắt đầu từ lúc đó, Trần Gia Dư từ bỏ đường bay quốc tế với mức lương cao, lượng công việc ít để chuyển sang bay nội địa.

Phương Hạo đặt mình vào địa vị của Trần Gia Dư, nghĩ nếu chuyện như vậy xảy đến với Phiền Nhã Lan thì anh chắc chắn sẽ khổ sở tới ngạt thở.

Mặc dù lúc mới bắt đầu đi làm Phương Hạo đã trải qua biến cố bố qua đời, thế nhưng bố anh mất vì bệnh tim, mọi thứ thật sự rất đột ngột.

Nhìn nhận từ một góc độ nào đó, khi ông ra đi không phải chịu nỗi đau thể xác cũng như sự dày vò về mặt tinh thần vì phải sống lay lắt từng ngày sau khi biết số mệnh sắp tới hồi kết.

Gia đình có người mắc bệnh nan y, không chỉ bản thân người bệnh chịu ảnh hưởng mà cả những người thân bên cạnh họ cũng vậy.

Suy nghĩ cho người khác, Phương Hạo biết Trần Gia Dư chắc chắn đã trải qua một năm qua không dễ dàng gì.

Phương Hạo đi đến bên cạnh Trần Gia Dư, ngồi lên chiếc ghế chân cao còn lại, chỉ biết nói: “Em xin lỗi.” Dứt lời, anh đặt tay lên lưng Trần Gia Dư, vỗ nhẹ.

Cảm giác đêm qua lại ùa về.

Rõ ràng bản thân đã một mình vượt qua những lúc gian khổ hơn, khó khăn hơn, nhưng hôm nay đây khi thật sự có một người đứng bên cạnh, nói câu hiểu anh, nói câu xin lỗi lại khiến Trần Gia Dư cảm thấy cay cay sống mũi.

Anh cúi đầu che giấu cảm xúc của mình, một lúc sau mới lên tiếng: “Cũng không phải chuyện anh có thể lựa chọn.”

Trước đây Trần Gia Dư cũng từng nói những lời tương tự với Phương Hạo.

Với anh, việc dành thời gian chăm lo đồng đều cho cả công việc và gia đình ngay từ đầu đã là lựa chọn duy nhất, bất di bất dịch.

Thế nhưng hiện tại khi Phương Hạo hỏi tới, Trần Gia Dư mới giật mình nhận ra, giờ đây những điều anh cần cân bằng đã có thêm chuyện tình cảm cùng Phương Hạo.

Bên nào anh cũng phải chăm sóc, không thể để ai thất vọng được.

Phương Hạo thấy nét mặt nghiêm túc của Trần Gia Dư thì khẽ thở dài, bảo: “Xin lỗi anh, em… không giúp được gì cho anh.”

Trần Gia Dư cảm động.

Anh đóng máy tính lại, nắm lấy tay Phương Hạo: “Không cần đâu.

Có lời này của em là đủ rồi.”

Gần trưa, Trần Gia Dư thu dọn đồ đạc, chuẩn bị đến bệnh viện.

Anh còn nhớ chuyện ô tô của Phương Hạo vẫn đang để ở sân bay nên khăng khăng muốn chở cậu ấy đi làm trước rồi mới quay về nhà.

Đúng lúc Phương Hạo bước xuống từ chiếc Porsche Macan bắt mắt thì bắt gặp Sở Di Nhu cũng vừa đỗ xe vào bãi.

Trần Gia Dư cũng nhận ra cô.

Anh không chút trốn tránh, hạ cửa kính xuống, chào hỏi cô.

Chờ đến khi Trần Gia Dư lao vút đi được một khoảng xa, Sở Di Nhu trợn tròn mắt, hỏi Phương Hạo: “Anh có phải có gì rồi không?”

Phương Hạo nhoẻn miệng cười, lần này cũng thẳng thắn với cô: “Ừm, có thể nói vậy.”

“Hai người quen nhau rồi?” Sở Di Nhu xác nhận lại.

Phương Hạo đáp: “Thành thực mà nói thì vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm, chưa hẳn là quen nhau.”

Sở Di Nhu mừng cho Phương Hạo.

Cô kéo tay anh: “Chu chao, em biết ngay hai người không bình thường mà.”

Sở Di Nhu nhỏ hơn Phương Hạo hai tuổi nên anh luôn nuông chiều cô như một ông anh trai, lúc này đây cũng đồng ý với cô: “Đúng rồi.

Em có hỏa nhãn kim tinh, phát hiện còn sớm hơn cả anh.”

Hai người tách ra ở tháp chỉ huy.

Bên trong phòng kiểm soát, mọi việc vẫn như thường lệ, từ màn hình radar, tai nghe, micro đến băng phi diễn.

Nhiệt độ điều hòa ổn định, nước trong cốc luôn luôn ở mức một lít, chiếc ghế cũng ở độ cao mà trước đó anh đã điều chỉnh để phù hợp với bản thân.

Những điều này đều là những hằng số trong cuộc sống của Phương Hạo.

Phương Hạo ngồi vào chỗ của mình, chuẩn bị cho công việc giống như chục ngàn ngày trước đó, không có gì khác biệt.

Biến số duy nhất ở đây là tâm trạng của Phương Hạo đang rất vui vẻ.

Trần Gia Dư hôm nay không bay trên bầu trời, anh ấy hẳn đã lên đường cao tốc rồi.

Hóa ra tâm trạng nhớ nhung một người có thể là cảm xúc như vậy, khiến anh thoải mái, tự tại và thỏa mãn.Chú thích:[1] Tay cầm: hay còn gọi là tay pha cà phê.

Khi pha cà phê, người dùng sẽ cho bột cà phê vào phần muỗng trên, sau đó dùng tamper (hình dưới) để nén và dàn đều cà phê nhằm làm phẳng bề mặt và loại bỏ không gian thừa giữa các hạt bột với nhau, giúp bột cà phê có thể chịu được áp suất lớn của máy và chiết xuất đồng đều hơn.

Khi đã nén xong, người dùng sẽ lắp tay cầm vào máy và bật để máy hoạt động.

Cà phê sẽ được chảy ra từ vòi phía dưới tay cầm..