Không ngoài dự đoán, đề nghị của Chu Tiểu Vân bị cha mẹ nhất trí phản đối.

“Con nói gì?” Ba Chu không dám tin đứa con gái lớn thường ngày luôn an phận, ít nói lại đưa ra đề nghị muốn đi học sớm. Trong mắt ông, dù Chu Tiểu Vân hơi cao hơn bạn bè, nói cho cùng chỉ là đứa bé sáu tuổi. Đại Bảo mãi chín tuổi mới học lớp một, còn chưa từng chú tâm học hành bao giờ.

Chu Tiểu Vân hít sâu, thử nói lại lần nữa: “Còn một tháng nữa đến khai giảng, con muốn đến trường.”

Ba Chu cảm thấy hôm nay Chu Tiểu Vân hơi khác, con bé thẳng lưng ngồi ở bàn uống nước, nói chuyện y như bà cụ non. Ông không khỏi có cảm giác vui mừng và tự hào của “Nhà có con gái mới lớn” nhưng cảm giác này không ảnh hưởng đến quyết định của ông:

“Con mới sáu tuổi, biết đến trường phải học gì không? Ở nhà trông Tiểu Bảo và Nhị Nha, không bận còn có thể giúp mẹ con chăn vịt, mọi đứa trẻ khác đều tám, chín tuổi mới đi học.”

Còn một lí do khác ông không nói ra: Học phí cũng là một khoản tiền không nhỏ.

Lúc đó, học phí hơn mười ngàn một kì, số tiền đó không nhiều cũng không ít. Ông ở ngoài giết lợn thuê cho người ta mới kiếm được ba mươi, bốn mươi ngàn. Tiền bán trứng gà trong một tuần khoảng hai ngàn.

(Giải thích qua một chút về tiền tệ Trung Quốc: Tiền tệ được sử dụng chính thức ở Trung Quốc là nhân dân tệ. Tên chính thức là CNY, viết tắt là RMB, ký hiệu là ¥. Đơn vị tiền tệ là Yuan (Nguyên), Jiao (Giác) và Fen (Phân). Trong đó 1 Yuan = 10 Jiao = 100 Fen. Trong văn viết, Nguyên = ngàn, Giác = hào và Phân = xu.

Ở Trung Quốc sử dụng cả tiền giấy và tiền xu: Tiền giấy có các mệnh giá là 1 Jiao, 5 Jiao, 1 Yuan, 5 Yuan, 10 Yuan, 20 Yuan, 50 Yuan và 100 Yuan. Tiền xu có các mệnh giá là 1 Yuan và 5 Jiao. Từ chương này trở đi sẽ thường xuyên xuất hiện các mệnh giá này)

Triệu Ngọc Trân cũng phụ họa: “Đúng vậy, chờ thêm hai năm đi Đại Nha.”

Triệu Ngọc Trân suy nghĩ không khác gì ba Chu. Hơn nữa, ở nông thôn mang nặng tư tưởng trọng nam khinh nữ khiến bà chưa bao giờ coi trọng việc học hành của con gái. Trong mắt bà, con gái chỉ cần biết trông em, làm việc nhà, lớn lên biết thêu thùa may vá là được, học nhiều hay học ít như nhau cả thôi. Ở thời đại này, trường học là nơi bọn trẻ con nhà giàu đến chơi đùa, thậm chí giáo viên trong trường cũng không quản được bọn chúng.

Chu Tiểu Vân không ngạc nhiên khi nghe những lời này, vì từ bé đến lớn cô nghe đã mòn tai.

Cái gì mà “Không lưu ban là được”, “Về nhà không cần làm bài tập, dắt em con đi chơi đi”, “Ngày mai trong nhà phải gặt lúa đừng đi học” đại loại thế. Hoàn cảnh sống và suy nghĩ sai lầm về việc học khiến cô vốn thông minh suy nghĩ đơn giản, dùng thành tích bình thường tốt nghiệp cấp hai rồi nghỉ học, sớm hoà nhập vào xã hội.

Nếu không phải đi làm sớm, cô sẽ không yêu sớm, kết hôn và sinh con sớm như kiếp trước. Chu Tiểu Vân tổng kết lại nguyên nhân cuộc sống kiếp trước của cô thất bại, bởi vì một sai lầm của thời thơ ấu kéo theo từng bước sau này đều sai. Bây giờ cô muốn tương lai của mình tươi sáng hơn.

“Ba ba, con rất muốn đi học, mỗi ngày con ở nhà chăn vịt, đã học đếm được mấy số. Ba nghe nè: một, hai, ba,…”

Chu Tiểu Vân đếm liền tới số hai mươi ba.

“Không tồi.” Hai mắt ba Chu tỏa sáng, đứa bé sáu tuổi thường chưa biết đếm, con gái ông biết đếm khá nhiều. Ngay cả Đại Bảo cũng không đếm rõ ràng như con bé.

“Con gái của Chu Quốc Cường ta đúng là thông minh, y hệt ba nó hồi nhỏ.” Ông cố tình khoe lại quá khứ, hồi bé ông cũng là một đứa trẻ thông minh!

Việc nhỏ trong nhà Chu Tiểu Vân do mẹ Triệu Ngọc Trân làm chủ, nhưng việc “đại sự” người quyết định chính vẫn là ba Chu, tất nhiên cô biết nên lấy lòng ai.

Chu Tiểu Vân lại đọc thuộc lòng hai bài thơ Đường khá nổi tiếng “Ngỗng Ngỗng ngỗng” và “Một hai ba năm”, càng khiến ba Chu mừng rỡ cười toe toét, khen con gái thông minh mãi. Ý định không cho con gái đến trường bắt đầu dao động, nghĩ thầm con gái thông minh, lại thích đi học có lẽ nên cho nó đi.

(Ngỗng Ngỗng Ngỗng là một bài thơ vui nhộn, dễ hiểu, được trẻ em yêu thích.

Tạm dịch : Ngỗng Ngỗng Ngỗng

Lông trắng nổi trên mặt nước xanh biếc, đuôi quay tròn.

Một hai ba năm : có ý nghĩa rằng : một cậu bé theo mẹ đến nhà bà ngoại. Vừa đi đã mất hai, ba năm, trước mắt phải băng qua một ngôi làng nhỏ. Chỉ có bốn, năm căn nhà đang nấu cơm trưa nên toả ra khói bếp. hai mẹ con đi đường mệt mỏi, thấy bên đường có sáu, bảy ngôi đình nên qua đó nghỉ chân. Ngoài đình, hoa nở tươi đẹp, cậu bé càng ngắm càng thích , chìa đầu ngón tay ra đếm : “Tám cành, chín cành, mười cành~~~~~~~”. Cậu muốn bẻ một nhánh mang theo bên người nhưng bị mẹ ngăn lại, khuyên rằng : “Con bẻ một nhánh, cây gãy một cành, sau này con không thể nhìn thấy những bông hoa xinh đẹp nữa.” Nếu để nguyên, sau này càng ngày càng có nhiều bông hoa xinh đẹp nở ra, trở thành một khu vườn lớn.

Tạm dịch : Một đến hai ba năm, làng bốn năm nhà khói

Đình sáu bảy toà, tám chín mười cành hoa)

Triệu Ngọc Trân cảm giác kỳ quái, cả ngày Chu Tiểu Vân lượn qua lượn lại trước mắt bà, chưa từng thấy con bé đọc thơ: “Đại Nha, từ khi nào con biết đọc thơ, mẹ chưa bao giờ thấy con học thuộc.”

Chu Tiểu Vân sớm nghĩ sẵn lý do: “Lúc anh ở nhà đọc, con nghe hai lần đã thuộc lòng.”

Bị gọi đến tên, Đại Bảo không biết sao chuyện em gái muốn đi học lại nhảy sang mình, vẻ mặt mờ mịt. Trong lòng đang nhớ lại lúc nào mình học thuộc hai bài thơ này, hình như, hình như, mình chưa từng học nó mà: “Con không…!”

Chu Tiểu Vân nhanh chóng liếc mắt nhìn anh, ánh mắt hàm ý rất nhiều điều. Lúc này suy nghĩ của Đại Bảo cũng rõ ràng hơn, cảm thấy không thể làm hỏng chuyện của em gái, nếu không sau này mình đừng mong đi chơi thoải mái. Đi tới chỗ nào cũng dẫn theo ba cái đuôi không hay chút nào, vừa trông em đã mất ít nhất hai tiếng, không được đi chơi sao cậu chịu nổi.

Về phần tại sao Đại Bảo có thể nghĩ được như thế là do công lao ánh mắt “cảnh cáo” của Chu Tiểu Vân.

Lúc này, Đại Bảo còn không chưa hiểu cái gì gọi là cảnh cáo và uy hiếp, nhưng trực giác làm cậu muốn giúp em gái thoả nguyện: “Có thể con từng ở nhà đọc qua, bị Đại Nha nghe thấy.” Trời mới biết cậu đọc qua lúc nào.

Ba Chu vuốt cằm suy tính một hồi, do dự nói: “Nhưng mà…”

“Ba ơi, con cam đoan mỗi ngày sau khi tan học sẽ về nhà giúp mẹ trông Tiểu Bảo và Nhị Nha, thời gian rảnh rỗi, thứ bảy và chủ nhật đi chăn vịt. Ba cho con đi học lớp một đi mà!”

Chu Tiểu Vân giơ tay phải lên giống như tượng các chú cảm tử quân đang đọc lời thề, lại không biết rằng cô mới sáu tuổi làm động tác đó vô cùng buồn cười.

Triệu Ngọc Trân xì một tiếng bật cười, “Con nhóc chết tiệt kia, toàn học cái khôn vặt. Ba nó à, hay là mình thuận theo ý con đi!”

Cuối cùng mẹ cô vẫn mềm lòng, nghĩ lại Đại Nha từ trước đến nay ít nói. Trong nhà Đại Bảo nghịch ngợm bướng bỉnh, Tiểu Bảo yếu ớt hay ốm, Nhị Nha còn bé cần chăm sóc, chỉ có Đại Nha làm cha mẹ bớt lo nhất, nên ít quan tâm đến con bé nhất. Giờ nhớ lại trong lòng bà hơi áy náy.

Không còn cách nào khác, nhà đông con mà. Trong nhà hơn mười mẫu đất cộng thêm gà vịt lợn trong chuồng, việc vặt vãnh rất nhiều mà bên nào cũng cần có bàn tay của bà. Thỉnh thoảng ba Chu còn đi giết lợn thuê cho hàng xóm trong thôn và các thôn xung quanh, có lúc không có ở nhà. Triệu Ngọc Trân mỗi ngày đi sớm về muộn, không có thời gian rỗi quan tâm nhiều đến con cái.

Chu Tiểu Vân nghe được lời Triệu Ngọc Trân nói, vui mừng quá đỗi, nhào tới ôm Triệu Ngọc Trân, “Mẹ thật tốt, mẹ là người mẹ tốt nhất trên đời!”

Nhị Nha không nghe hiểu chị nói gì, non nớt bắt chước, “Mẹ tốt, mẹ tốt.”

Ba Chu cũng nở nụ cười, dằn lòng đồng ý. Một tháng nữa là khai giảng, ông sẽ cố gắng giết lợn thuê cho người ta nhiều hơn, nếu không được thì bán bớt lúa trong nhà, thể nào cũng đủ tiền học phí cho Đại Bảo và Đại Nha được đi học.

Chu Tiểu Vân cười toe cười toét, vừa cười vừa hò hét cùng Đại Bảo. Nhất thời, trong nhà họ Chu, tiếng cười nói huyên náo rộn rã.