Cảnh Du công chúa rất khoái trá, quyết định tha cho Vĩnh Lạc lần này. Hoàng hậu cũng hài lòng với sự thức thời của Dụ Huấn Chiêu, bèn gọi nàng tới bên cạnh, tận tình hỏi thăm:

- Con đã khỏi hẳn chưa? 

Quan tâm vừa đủ lại không quá vồn vã. Đây chính là lí do mà biểu hiện yêu thương con cái của Kinh hậu không bị chê là làm màu. Thì vậy, không phải máu mủ chui ra từ bụng mình, không khắt khe đã là quý lắm rồi.

- Vâng, con khỏi hẳn rồi, thưa mẫu hậu. 

Vĩnh Lạc công chúa đứng đối diện ghế phượng, chân thành nhìn thẳng mắt Hoàng hậu. Người ngoài chỉ thấy cảnh tượng mẹ hiền con hiếu chứ làm sao biết được hai người trong cuộc nghĩ thế nào. Trở lại ghế ngồi, hoàng lục nữ và nàng nhìn nhau cười, đột nhiên mở lời:

- Chị dâu đã mang thai rồi, không biết khi nào thì chị Tương cũng cho mẫu hậu hưởng niềm vui song hỉ lâm môn đây?

Cảnh Du công chúa e thẹn cúi mặt, nàng dâu mới gả là vậy, động đến vài chuyện tư mật là xấu hổ ngay. Nét không vui thoáng lướt qua mặt Hoàng hậu, nhưng bà vẫn luôn là một người biết giữ thể diện, cười khen ngợi:

- Người khôn ngoan nói lời dễ nghe, Hiền phi nuôi dạy con thật khéo.

- Mẫu hậu quá lời rồi.

Ngay giữa lúc tất cả mọi thứ đều coi như hòa hợp này, Thường Tân đột nhiên vén rèm đi vào, cung kính thưa:

- Bẩm lệnh bà, Trường Duyệt công chúa sai người đến báo rằng công chúa nhiễm bệnh, không tiện tới thăm hỏi, xin được lệnh bà tha thứ.

Đám con gái do phi tần sinh ra nhìn nhau, trong nháy chốc đã hiểu ẩn sau từng đó câu chữ có vấn đề gì khó nói. Dụ Ngôn Tranh lẩm bẩm đầy mỉa mai:

- Đúng là họ hàng, lí do lí trấu y hệt nhau.

- À. - Hoàng hậu liếc hoàng bát nữ, nhàn nhạt đáp: - Đã cho mời thái y chưa?

- Bẩm, đã mời rồi ạ.

- Vậy thì được.

Nghe đôi câu, đám người trong chính sảnh đều tự có đánh giá riêng. Nhiễm bệnh? Bệnh quái gì lại đến đúng lúc như vậy? E rằng lại là một thủ đoạn tránh mặt thôi. Có điều, trung cung xưa nay không phải dạng vừa, vậy mà cũng nhượng bộ trước hành vi có thể xem như vô lễ của một công chúa thậm chí còn chẳng có tí liên quan gì với hoàng thất. Tuy rằng thanh thế của Trường Duyệt công chúa mấy năm nay cũng lên cao nhưng không đến mức có thể cao ngạo làm giá.

Đúng là quái lạ mà!

Dụ Huấn Chiêu đương nhiên rất “thương nhớ” người chị đã từng thân thiết này. Trong ấn tượng của nàng, Tư Không Uyển Phù hình như là một họ hàng xa rất xa nào đó của mẹ và dì mình. Ai biết duyên số thế nào mà mặt mày nàng ta giống dì đến năm phần, em họ vừa gặp đã có cảm tình, xin Chương Hòa Đế cho nàng ta ở lại nội cung làm bạn với mình. Khi đó mối quan hệ cha con chưa có khúc mắc như bây giờ, Chương Hòa Đế yêu chiều con gái, ngay lập tức vung tay lên phong cho Tư Không Uyển Phù tước vị công chúa, ngang nhiên đạp lên đầu mấy hoàng nữ còn chưa được phong thưởng.

Hoàng quý phi hoăng, Vĩnh Lạc công chúa “đi đày”. Tổ chim lật úp, trứng chim bên trong đáng ra không thể lành lặn. Ấy vậy mà cái trứng chim này không chỉ nguyên vẹn, nó còn nở ra chim non, lông cánh cứng cáp mới hay chứ.

Cảnh Du công chúa tức ra mặt, đập bàn sẵng giọng: - Sao? Bây giờ Trường Duyệt công chúa quý giá quá, đến bái kiến bản cung cũng không thèm đi có phải không?

- Cảnh Du, chú ý ngôn hành. - Kinh hậu sầm mặt nhắc nhở.

- Mẹ! - Cảnh Du công chúa gọi, giọng ngân dài nũng nịu, rúc vào lòng mẹ mong được an ủi, khe khẽ oán thán: - Nó chỉ là con ranh không biết chui từ xó nào ra mà dám không cho con mặt mũi. Con không thể dằn xuống cơn tức này được.

Hoàng hậu xót con nhưng bà càng hiểu đại cuộc quan trọng hơn. Bệ hạ ra vẻ yêu chiều Tư Không Uyển Phù vì nó còn có chỗ để trọng dụng. Hiện tại không thể đao to búa lớn bức ép nó được. Nhưng trung cung này không phải một bà cả bất lực, trong phạm vi nhất định vẫn có thể khiến nó ngột ngạt.

Kinh hậu nghĩ thế, vuốt tay con gái tỏ vẻ an ủi, trong mắt dấy lên quyết tâm kiên định. Dụ Huấn Chiêu thu biểu hiện của bà vào mắt, cười thầm. Cảnh Du công chúa đạt được ước muốn, vui sướng hàn huyên với mẹ. 

Đám cung nữ đổi vài lượt trà mới thấy bóng An Kỳ công chúa. Tới muộn vốn là một điều thất lễ, An Kỳ công chúa cáo lỗi với Hoàng hậu và Cảnh Du công chúa, được bọn họ đồng ý mới ngồi xuống. An Kỳ công chúa do Hiền phi sinh hạ, đứng thứ ba trong các hoàng nữ của Chương Hòa Đế. Nàng ốm yếu từ bé, Hiền phi sợ nàng bị “bắt” đi nên thường cứ hai ngày ba bận là lại đi chùa Bảo Quốc dâng hương, xin Thần Phật che chở. May mắn An Kỳ công chúa lớn lên bình an, tuy mình hạc xương mai nhưng cũng đã hơn hẳn đám anh em chết yểu khác của nàng rồi. 

Mà nàng cũng không phụ mong đợi của mẹ ruột, lúc vân anh chưa gả tiếng lành đã vang xa bốn phương. An Kỳ công chúa am hiểu thi họa, một tay chữ trâm hoa tiểu khải được Chương Hòa Đế khen không dứt miệng, cũng khiến Hiền phi dù không có con trai vẫn rất được nể trọng. 

Cành vàng lá ngọc gả cho người hiền, đáng lẽ nên có một cuộc đời suôn sẻ. Nhưng khi Vĩnh Lạc công chúa nhìn thấy vài vết bầm thoáng hiện trên cổ tay nhợt nhạt của An Kỳ công chúa lúc, nàng đã biết An Kỳ công chúa sống không dễ chịu.

Có điều, cung đình là như vậy, hết xô máu chó này đến xô máu chó khác tạt đến.

Mà Dụ Huấn Chiêu thì không có hứng thú tìm hiểu sâu hơn. 

Mẹ con vui vầy, cảnh tượng vẫn cứ tường hòa như những mong muốn của Chương Hòa Đế. 

Ít nhất mặt ngoài là vậy. 

***

“Quên cả thân này lẫn thế duyên,

Lặng lẽ ngồi lâu mát lạnh giường.

Cuối năm trong núi không có lịch,

Cúc nở hay ra tiết trùng dương.” (1)

Hương cúc thơm nồng, hương rượu thầm kín. Tết Trùng Dương năm nay không náo nhiệt như mọi khi, Chương Hòa Đế chỉ cho bày một buổi yến tiệc nhỏ ở vườn ngự để thết đãi con cháu hoàng thất. Và lẽ đương nhiên là không thể thiếu việc uống rượu hoa cúc hay giắt cành thù du theo bên mình đã trở thành nếp sống cắm rễ trong máu thịt.

Dụ Huấn Chiêu tựa vào lan can đình nghỉ mát ngắm nhìn nam thanh nữ tú uống rượu, cười đùa đằng xa. 

Không có vũ hội hào nhoáng, không có đảo nhân tạo huyền phù, không có điện thờ Noah trang nghiêm, càng không có hơi thở khoa học kĩ thuật thân quen nhưng tựu trung đều mang không khí náo nhiệt, một kiểu náo nhiệt rất riêng.

Vĩnh Lạc công chúa tuyệt đối sẽ không thừa nhận rằng mình nhớ nhà đâu.

- Ra vẻ tư lự thế làm gì? Ai không biết có khi còn tưởng cô sầu muộn xuân thu gì lắm!

Huy Ninh quận chúa ngồi đối diện Vĩnh Lạc công chúa, khẽ phe phẩy quạt tròn, buông câu bông đùa. Cẩm Sơ rất xinh, nét xinh của cô ấy mặn mà hơn cả muối biển, duyên không gì sánh được. Tính tình thuộc dạng phóng khoáng, cực kì hiếm thấy trong đám quý nữ kinh thành. Một cô gái thú vị như vậy, lại có thân phận hiển hách thế mà trông mòn con mắt vẫn chưa thấy món nợ đào hoa nào, âu cũng liên quan đến một vài sở thích đặc biệt của cô.

- Rồi rồi. Giờ thì đến cả làm màu cô cũng không cho tôi làm nữa, tôi khóc bây giờ đấy!

- Xùy! Cô thì giỏi rồi, mới nói mấy câu đã đòi khóc lóc, cũng ít có yếu ớt lắm.

Khi hai người tụ lại nói chuyện phiếm, tuyệt đối sẽ không nhắc đến những chuyện không vui. Dụ Huấn Chiêu biết cô bạn thân của em họ đang cố gắng tránh nhắc đến Ô Đạt, nàng cũng vui lòng thuận theo:

- Tôi xa nhà mấy năm, không biết trong kinh có chuyện gì thú vị chăng?

Thật ra Vĩnh Lạc công chúa đang nói xạo. Nàng không rành chuyện ở đây thì vẫn còn nhiều tai mắt thay nàng giám thị. Có điều, tai thính mắt tinh cỡ nào thì cũng có lúc bất lực, tỉ như mấy chuyện bị giấu nhẹm trong phủ đệ quyền quý chẳng hạn. Thuộc hạ của nàng bản lĩnh là thật nhưng cánh tay không vươn vào nổi, chỉ những người thường xuyên ra vào nơi nhà cao cửa rộng như Huy Ninh quận chúa mới dễ bề nắm giữ.

Mà mấy chuyện khuất tất vào lúc cần ắt sẽ có chỗ trọng dụng.

- Ấy dà, chuyện thú vị kể mấy ngày cho hết chứ. Nay là tiết Trùng Dương, vậy bắt đầu từ đây nhá. 

Có lẽ Dụ Cẩm Sơ thường hay nghe mấy vị tiên sinh ở quán trà kể chuyện nên điệu bộ lúc này cũng không khác họ là bao. Nàng kể đến hăng say, kể đến khô cả họng. Bao nhiêu chuyện trên trời dưới đất, nhỏ như hạt vừng có, lớn kinh thiên động địa cũng có. Và hiển nhiên là không ít chuyện “thú vị”, Vĩnh Lạc công chúa cười cười, nghe chăm chú, thầm ghi nhớ kĩ.

- Chuyện này tôi có nghe nói rồi. Ông ta đúng là người ngay thẳng.

- Uầy, tiếng xấu đồn xa, cả cô cũng biết thì Khánh Sung nghi coi như danh chấn tứ phương rồi. Có điều, Biện Khản cứng rắn quá, cứng quá dễ gãy lắm.

Vĩnh Lạc công chúa cười khẽ, nghĩ bụng Biện Khản đúng là cứng thật, đừng nói là Khánh Sung nghi, đến Chương Hòa Đế ông ta còn dám mắng nữa kìa.

Cấp Sự Trung Hình Khoa - Biện Khản không thẹn với cái tên của mình (2), trong mấy mươi năm nhậm chức ở Đô Sát Viện, không có một ngày nào là ông ta không đàn hặc, thành công trở thành cục đá dưới hố phân vừa cứng vừa thối, cần né xa trong mắt các đồng liêu.

Hoàng quý phi cưỡi hạc chầu trời, Chương Hòa Đế không thiết ăn uống, khóc rống trước linh cữu mấy ngày trời, cơ thể không chống đỡ nổi mà ngất xỉu. Khi tỉnh lại, việc đầu tiên ngài làm là tặng Vĩnh Lạc công chúa một vé “du lịch” Ô Đạt, việc thứ hai là truy phong Hoàng quý phi thành Hoàng hậu, đặt thụy Ý Anh.

Quần thần cho rằng việc này không hợp lễ bởi Hoàng hậu nguyên phối còn sống mà lại truy phong phi tần thành hậu, hành động này chẳng khác gì tát thẳng vào mặt Kinh hậu. Vả lại Chương Hòa Đế còn cho nghỉ triều mấy tháng trời, không màng đến chính sự khiến người ta liên tưởng đến một câu: hồng nhan họa thủy.

Mà đối lập với hành động không giữ thể diện cho trung cung, vô tình vô nghĩa của Chương Hòa Đế lại là sự hiền huệ của Kinh hậu. Không một lời oán than, bà tự mình lo liệu tang nghi cho Ý Anh Hoàng hậu, vất vả đến độ ngất đi, ai nấy đều phải khen một tiếng hiền đức. Thừa Ân Công – anh cả của Kinh hậu cũng dâng tấu bày tỏ sự thương tiếc đối với Ý Anh Hoàng hậu, khen nàng một tràng, đồng thời khuyên bệ hạ nén đau buồn mà chăm lo việc nước.

Thế là, thanh thế của phe cánh Đông cung được bề dâng cao, ngay cả đảng bảo hoàng chỉ trung với bệ hạ cũng ủng hộ hết mình.

Vậy nhưng đã sống lâu dưới mí mắt Hoàng đế và trải qua cuộc đoạt đích long trời lở đất, máu tươi chất chồng của ngài, những vị quan lớn đã cao tuổi vẫn có một sự kiêng dè nhất định. Đương nhiên, bổn phận của gián quan thì không ai dám quên, tội cứ phải vạch song lời lẽ uyển chuyển đi nhiều. Gió chiều nào theo chiều nấy, đám quan lại thấy quan trên không dám gây sức ép, cũng không ai dám nhảy nhót quá phận, sợ bệ hạ nóng máu lên thì mũ ô sa trên đầu khó giữ.

Giữa lúc đó, Biện Khản nhảy ra quỳ trước cung Kiến Xương đập đầu can gián, vạch tội bệ hạ háo sắc không màng chính vụ, còn mắng Ý Anh Hoàng hậu hồ mị hoặc chủ, hồng nhan họa quốc. Lời lẽ thẳng thừng, chả kiêng nể gì sất.

Theo lệ cũ, ngôn quan buộc tội, chính Hoàng đế cũng phải chú ý lắng nghe.

Chương Hòa Đế đang đau xót quá độ, nghe Biện Khản nói mấy lời chướng tai, lập tức giáng chức ông ta, đuổi khỏi kinh thành, năm ngoái mới điều về. Cũng vào dịp này năm ngoái, Chương Hòa Đế dẫn dắt một vài vị hoàng tự, phi thiếp và đại thần được tin sủng xuất hành leo núi. Khánh Sung nghi đã có vài hành vi cử chỉ lấn lướt Hoàng hậu. Biện Khản hay tin, tiến gián đôi lời trước Hoàng đế. Chương Hòa Đế tiếp thu lời gián, cho cắt giảm ân sủng của Quan Thư cung. Nghe đâu trong khoảng thời gian đó, Khánh Sung nghi trốn tiệt trong Quan Thư cung không dám ra ngoài, trở thành trò cười cho toàn kinh thành.

--------------

(1): Bài thơ "Hoa cúc Kỳ 3" của thiền sư Huyền Quang thời Trần, bản dịch của Thiên Thanh. (Nguồn: Thi viện)

(2) Khản: Cương trực, cứng cỏi. (Nguồn: Thi viện)