- Bệ hạ…
- Thái phó hãy về đi. Các khanh ồn ào quấy nhiễu tai thánh thế này, thật là thất lễ.
- Bệ hạ, mối họa nữ chủ* ngày nào, ngài đã quên rồi sao? Bệ hạ…
- Nào, Đại nội giám, Thái phó gào nãy giờ đã khan cổ rồi kìa. Còn không mau rót cho ông ấy chén trà nóng, phải để bản cung nhắc nhở mới làm chắc?
- Nguyên Hinh công chúa, ngài vốn chỉ là hạng đàn bà nuôi dưỡng chốn khuê các, vin vào cớ gì mà xúi bẩy bệ hạ cho ngài giám quốc, nhiễu loạn triều cương?
- Yêu nữ hôm nay ta tất phải tiền trảm hậu tấu, trả lại bầu trời thanh sạch cho Đại Vinh.
Máu tươi bắn xa ba thước, ánh tà dương nhuộm đỏ ba mươi sáu bậc thềm trước Kiến Xương cung. Ai cũng không thể ngờ được trận can gián hôm ấy lại khởi đầu cho cơn ác mộng lớn nhất trong đời họ.
Dưới bầu trời ấy, Nguyên Hinh công chúa nhoẻn miệng cười, điệu cười quái dị không rõ cảm xúc. Xa xăm vọng đến tiếng thì thầm thật khẽ như tan vào gió lạnh vương vất mùi tanh tưởi.
- Quân Mạch à, ta đã bước xa quá rồi, không thể quay đầu được nữa đâu.
Kể từ khi…
Ngày hai mươi tháng tám năm Chương Hoà thứ hai lăm là một ngày lành thích hợp gả cưới, khai trương, xuất hành.
Mái ngói lưu ly vàng óng trải dài, cấm thành lộng lẫy ngợp sắc đỏ, làn gió thu man mác đưa hương cúc thơm nồng. Không khí vui mừng hiện hữu khắp mọi nơi, các cung nhân qua lại ai nấy đều tươi tỉnh hơn mọi ngày. Bởi lẽ, hôm nay chính là ngày mà công chúa Cảnh Du - con gái yêu của trung cung hạ giá.
Ngày lành tháng tốt lại thêm việc vui song Chương Hoà Đế vẫn giữ nét mặt vui giận không hiện thường nhật. Lúc ngài tiễn đưa Cảnh Du công chúa cũng chỉ nghiêm khắc giáo huấn công chúa giữ nghiêm phụ đạo, hòa thuận với phu quân, tuyệt nhiên không rơi lấy một giọt lệ mừng. Dường như tính ngài trời sinh đã lạnh bạc, hoặc giả có chuyện khác khiến ngài bận tâm hơn cả việc con gái hạ giá. Việc nước hay việc nhà cũng đều không phải lời đáp chiều lòng tất cả. Đáy mắt Hoàng hậu Kinh thị lướt qua từng tia sáng sắc lạnh nhưng bà cũng chẳng phật ý, vui sướng nhìn đoàn hộ tống dần khuất bóng.
Vĩnh Lạc công chúa quỳ gối trước thư án của Chương Hòa Đế, tâm hồn đã bay xa tận đẩu đâu. Đại nội giám - Lý Trình nhìn sắc trời tối đen như mực, bỗng ho khan một tiếng, cười nịnh:
- Bệ hạ, bây giờ đã là canh hai rồi, ngài nên nghỉ ngơi sớm ạ.
Dụ Huấn Chiêu giật mình, thần kinh bất giác căng lên. Vụng trộm liếc nhìn mới phát hiện Hoàng đế vẫn đang vùi đầu giữa đống tấu chương. Ngai vàng lấp lánh, long bào nặng trĩu, tấu chương chất chồng, từng thứ một lần lượt bòn rút sức khỏe của ngài. Mà ngài dường như cũng tiều tụy hơn xưa, mặt mày rút bớt vẻ sắc bén trông hiền lành hơn, dưới mí mắt thậm chí còn có quầng thâm nhàn nhạt. Như vậy cũng không khiến Dụ Huấn Chiêu nhẹ lòng hơn, bởi lẽ nàng thừa biết những người trông vô hại khi nảy sinh lòng dạ ác độc thì càng không ai sánh bằng. Còn nàng, dẫu có mười năm kinh nghiệm làm nữ vương, đứng trước người này e rằng muốn qua mặt cũng khó.
Chương Hòa Đế không đáp lại, bầu không khí càng thêm tẻ ngắt.
Giữa lúc này, con nuôi của Lý Trình đột nhiên từ bên ngoài chạy vào nói bên tai lão điều gì đó. Lý Trình cứ ngại ngùng ấp úng, rất nhanh Vĩnh Lạc công chúa đã hiểu tại sao lão ngại ngùng.
- Bệ hạ, đại cung nữ Quan Thư cung đến báo, Khánh Sung nghi bị đau đầu, mời bệ hạ ghé thăm.
Ui, chiêu tranh giành tình cảm kinh điển mà ai đắc sủng một tí cũng thích dùng đây mà! Khánh Sung nghi bị điên hay gì? Hôm nay Cảnh Du công chúa hạ giá, bệ hạ nhất định sẽ nể mặt Hoàng hậu, không tới Phượng Thê cung thì cũng nghỉ một mình, mời sủng ngay lúc này đúng là một hành động đi vào lòng đất. Để xem Kinh hậu trị cô ả ra sao.
Dụ Huấn Chiêu mới đầu còn đang vui sướng tưởng tượng ra mấy pha đấu đá kịch liệt nơi cung cấm, thoắt cái đã cảm thấy cái hào “Khánh” này hơi quen quen, nàng chợt nhận ra Khánh Sung nghi chính là người em họ xa đến mức tám sào tre cũng không đánh tới của dì trong lời đồn. Khi mẹ còn sống có nhắc tới anh em trong nhà cũng chỉ nói mình có một em gái song sinh, Khánh Sung nghi này không biết chui từ xó nào ra mà cũng dám cho rằng mình tiến cung hầu vua là noi theo giai thoại Nga Hoàng Nữ Anh cơ đấy.
- Không. - Hoàng đế chỉ đáp một câu cộc lốc.
Lý Trình cũng sướng đến mức suýt tí thì vỗ đùi khen hay. Khánh Sung nghi cứ luôn cậy nhờ thanh thế của Ý Anh hoàng hậu để ra oai tác quái trong cung. Nay thì hay rồi, ăn quả đắng ngon chưa kìa, còn dám giở thói trịch thượng ra nữa thì chẳng mấy mà kiên nhẫn của bệ hạ dành cho cô ả cũng sẽ mất sạch. Lão mừng rỡ ra mặt, bước chân thoăn thoắt ra ngoài muốn cười vào mặt đại cung nữ của Khánh Sung nghi.
Gió đêm se lạnh ùa vào khiến Vĩnh Lạc công chúa run lên, da gà gai ốc nổi đầy mình, nàng xoa xoa cánh tay, chân mỏi nhừ, nàng lén lút ngồi quỳ xuống cho đỡ mỏi. Chương Hòa Đế phát giác hành động đó, mí mắt hơi nâng, chợt buông một câu:
- Sao lại không nói lời nào?
Đấy! Đến rồi kìa!
Trả lời sao cho vừa đẹp lòng vua vừa kể được cái khổ mà không quá giả tạo cũng là môn học khó nhằn. Câu trả lời thường được chọn nhất là:
- Xa cách lâu ngày, con rất nhớ cha.
Xời, quá sến! Đặt trong trường hợp này quá giả, có phải yêu thương gì nhau đâu mà bày đặt. Cũng không thể là:
- Tạ ơn cha đã tặng cho con một vé đi du lịch thắng cảnh Ô Đạt.
Ơ kìa! Ai lại đi động vào nỗi đau bao giờ.
- Con không biết nên nói gì nữa ạ. - Cuối cùng Vĩnh Lạc công chúa cũng chọn được một câu trả lời nghe tầm thường mà không thất lễ nhất.
Chương Hòa Đế vứt cuốn tấu chương vạch tội của đám ngôn quan xuống, mệt mỏi tựa lưng lên ghế rồng, day day thái dương. Lúc này là đứa con yêu của ngài thì chắc nên chạy tới đấm bóp, bấm huyệt các thứ để lấy lòng; đáng tiếc Dụ Huấn Chiêu đời này không biết làm việc đó, đời trước cũng chỉ có người ta hầu hạ nàng chứ nàng chưa từng hầu ai bao giờ. Lỡ đâu chân tay vụng về làm mích lòng ngài thì tội càng chồng tội, thế nên nàng quyết định cúi đầu giả vờ không thấy để né đi cho nhẹ nợ.
- Chắc ngươi oán hận trẫm lắm?
Thôi thôi, toàn là câu hỏi khó, ngài đi mà tự trả lời lấy. Có ai dám thật lòng đâu mà hỏi làm gì?
- Bệ hạ nói đùa. Ngài làm việc gì cũng có dụng ý của riêng mình. Thân thể, hình hài, tóc tai, da thịt là do phụ mẫu ban cho, con nào dám sinh lòng oán hận. Huống hồ, lôi đình hay mưa móc đều là quân ân, con lại càng không có lí do để oán hận.
Dựa theo kí ức còn sót lại, nàng đã hiểu em họ khi trước được yêu thương đến mức nào. Có thể nói là con gái do trung cung sinh hạ - Cảnh Du công chúa cũng không thể sánh bằng. Được hưởng phong thưởng trước khi hạ giá, được các hoàng nữ chưa hưởng phong thưởng khác hành lễ trước bất kể lớn nhỏ, bao nhiêu đặc quyền cũng nối gót mà tới. Người ta thường nói mẹ quý nhờ con nhưng em họ thì phải nói là con quý nhờ mẹ mới đúng. Càng là như thế thì lúc rơi từ chín tầng mây xuống vũng bùn mới càng dễ nảy sinh oán hận.
Vậy nên vừa phải lời hay ý đẹp vừa phải u oán ngấm ngầm mà nhẹ nhàng thì nghe mới thật.
Oán hận quá nặng nề thì dễ bị vả lắm!
Nhưng câu trả lời này có lẽ không hợp ý Chương Hòa Đế, ngài chỉ liếc mắt nhìn Dụ Huấn Chiêu một cái, thêm một tiếng cười nghe quái dị quá thể rồi nói:
- Nhớ kĩ lấy!
Hoàng đế không nói gì nữa, để Dụ Huấn Chiêu quỳ thêm nửa canh giờ nữa mới cho phép nàng lui xuống. Kì thật như vậy đã tốt hơn những gì nàng nghĩ lắm rồi bởi nếu những lời đồn đại âm ỉ trong nội đình là sự thật thì e rằng sẽ không chỉ đơn giản là quỳ mấy canh giờ như thế.
Lý Trình tự mình đưa tiễn Dụ Huấn Chiêu.
Nàng biết đầu gối mình nhất định đã bầm tím rồi nhưng vẫn cắn răng chịu đựng, quyết không cho Ngưng Chỉ, Phất Chỉ đỡ mình. Em họ vốn sinh non, cơ thể không được khỏe mạnh cho lắm, khí hậu Ô Đạt lại khắc nghiệt thành ra cơ thể này điều dưỡng mãi cũng chẳng khá khẩm hơn, quỳ lâu thế cũng hơi gắng sức. Vậy nên tướng đi bây giờ hơi dị hợm.
- Bệ hạ dạo này không khỏe à? Ngài gầy quá! - Dưới bầu trời vắng sao, nàng đã hỏi như vậy. Xung quanh ánh đuốc lộng lẫy, côn trùng rả rích kêu đêm, khuôn mặt nàng lại lẩn khuất trong bóng tối khó lòng nhìn rõ biểu cảm.
- Nô tài mạo muội hỏi một câu. - Lý Trình vô cùng khó hiểu. Bệ hạ không còn gọi khuê danh của công chúa nữa thì thôi, sao đến cả công chúa cũng không muốn gọi tiếng “cha” mà những đứa trẻ ngoài dân gian vẫn thường gọi ông thân sinh của mình nữa vậy?
- Có phải ngài giận bệ hạ không?
Quan hệ của đám tâm phúc bên cạnh Chương Hòa Đế và Vĩnh Lạc công chúa xưa nay vẫn tốt, lời nói cũng khá thẳng.
Vừa hỏi xong câu này, Đại nội giám ngay lập tức muốn vả vào mồm mình. Ôi cái miệng tiện này! Ô Đạt là chốn nào nhà ngươi còn không biết hay sao mà còn hỏi, khác gì đâm dao vào lòng người ta? Vái trời vái đất cho công chúa đừng ghi thù lão.
- Khi đó tuổi nhỏ chưa hiểu việc đời, ngông nghênh kiêu ngạo mới cho rằng mình quan trọng. - Vĩnh Lạc công chúa chẳng có vẻ gì là phật lòng, chỉ than thở: - Nay cũng đã mở mang tầm mắt, hiểu biết nhiều rồi, không lẽ còn không nhận ra?
- Điều này… - Lão hơi do dự, cảm thấy mình già rồi, bất lực rồi nên chẳng hiểu nổi bệ hạ nữa, ngài yêu thương con gái hơn mười năm xong tự dưng đùng một cái bắt ép nàng tới cái nơi chim không thèm ỉa lại còn dân phong hung hãn, ăn lông ở lỗ như Ô Đạt. Nhưng con mắt tinh tường đã chứng kiến bao cảnh chìm nổi trong cung khiến lão có cảm giác vị công chúa này chưa hẳn đã không được phục sủng nên vẫn đối đãi khách khí: - Đời có lúc lên lúc xuống, nô tài không dám nói xằng. Chỉ đành chúc ngài sau này suôn sẻ, thuận lợi.
Dụ Huấn Chiêu mà biết Lý Trình nghĩ gì ắt sẽ vỗ vai lão cảm khái rằng: đúng là nội giám “bất lực” thật, đáng tiếc nàng không biết. Nàng chỉ đang cười thầm. Đấy! Lão tỏ thái độ rồi! Người tâm phúc của Hoàng đế tỏ thái độ thì chẳng khác nào mấy lời vờ vịt này của nàng sẽ đến được tai thánh. Vậy thì không uổng công mình diễn nãy giờ.
Bước chân dừng lại trước Kiến Xương môn, nàng quay ngoắt lại lặng ngắm Kiến Xương cung oai vệ, sâm nghiêm - nơi tượng trưng cho hoàng quyền chí cao vô thượng của các đời Hoàng đế Đại Vinh, sau đó không chút do dự bước qua Kiến Xương môn, mừng mừng tủi tủi nói với Đại nội giám ở bên trong cánh cửa:
- Mượn lời tốt lành của lão nhé!
- Công chúa đi thong thả.
------------------------
* Chỉ việc nữ tử tham gia chính sự
Nga Hoàng Nữ Anh: hai con gái của vua Nghiêu về sau gả cho vua Thuấn, Nga Hoàng là chị Nữ Anh là em. Hai bà đoan trang hiền thục, nhường nhịn lẫn nhau. Về sau vua Thuấn mất ở đất Thương Ngô, hai bà khóc than rồi trầm mình xuống sông Tương tuẫn tiết theo chồng.
(Nguồn: Wikipedia)