Yêu Thầm Chị Họ

Chương 71

Mình mắc võng đưa tòng teng hai bên gốc xoài ở sân trước. Trời nắng trưa nhưng có bóng cây to che mát rượi, gió thổi vi vu mơn man trên mặt, cảm giác thật tuyệt.

Mình nhắm mắt, miệng cười khoan khoái, cứ nhớ đến câu chị nói khi nãy "Khổ ghê! Chị không lên đó mà yên với T sao? Vậy cũng hỏi nữa!" là lại thấy sướng. Câu đó kiểu như ý chị muốn bày tỏ "Chị không ưng làm vợ T mà yên sao?".

Khổ thân thanh niên suốt ngày tự sướng, nhưng cũng dựa trên thực tế mà nhỉ?!

- Cười gì đó? - Chẳng biết chị rón rén đi ra khi nào, đột ngột lên tiếng làm mình giật bắn.

Mình hé mắt ra, mặt tẽn tò vì bị bắt quả tang:

- Đâu có...

Chị lém lỉnh hấp háy đôi mắt đen láy:

- Thấy rõ ràng còn chối! Cười gì khai mau? Nhìn bộ dạng T ghê quá đi, gian thấy sợ!

- Không có mà, chị nhìn nhầm rồi đó! - Mình yếu ớt chống chế.

Chị dẫu môi:

- Không nói thì thôi, chị đi vô, không cho T ăn luôn!

Nói xong chị xoay người bỏ đi thật. Giờ mình mới để ý thấy chị cầm đĩa cóc ổi xanh mướt trên tay, có cả chén muối ớt đỏ rực nữa. Mình nuốt nước bọt lia lịa, ngồi bật dậy:

- Thì nghĩ tới cảnh chị lên trên đó với em, thấy vui mới cười thôi chứ có gì đâu!

Chị dừng chân, nghi hoặc nhìn mình:

- Thiệt không đó? Vui cười mà sao mặt gian quá à!

- Thiệt trăm phần trăm. Chị tới đây ngồi đi, nhìn thèm quá! - Mình lại nuốt nước bọt hối thúc.

- Hứ!

Chị dọa cho vui thôi, đâu có ý định không cho mình ăn, dụ vài tiếng là cầm đĩa trái cây ngồi xuống cái võng giăng trước mặt mình. Mình nhanh tay chụp một miếng cóc chấm muối cho vô miệng cắn rôm rốp.

Muối cay mà ngon khỏi nói, thêm vào miếng cóc chua chua nhưng có vị ngọt thanh, hai thứ kết hợp thì chẳng còn gì để diễn tả, một cảm giác rất Yomost. Mình chùi mồ hôi tuôn trên mặt vì cay, vừa hít hà vừa hỏi:

- Muối cay dữ vậy, chị làm hả?

Chị Diễm không ăn mà chống cằm nhìn mình, môi cười tủm tỉm cực đáng yêu:

- Không. Hàng xóm mới mang qua đó, cho cóc ổi còn kèm theo muối làm sẵn luôn!

- Chà, thằng nào mê chị hả? - Mình hỏi trong khi tay không ngừng bóc hốt, mặc kệ mồ hôi ướt đẫm lưng áo.

- Ừm. Hồi trước thích chị, nhưng giờ chuyển sang bé Uyên rồi.

- À...

Mình nhớ không nhầm thì ông này lần trước cũng bị em Uyên dụ dỗ, cúng một mớ trái cây. Bữa nay chắc thấy ẻm nên tự động làm muối rồi đem cóc ổi qua làm quen, dại gái khỏi nói.

Mình tặc lưỡi:

- Không gặp Uyên mà vẫn cho hả?

Nhắc tới em Uyên, chị Diễm có vẻ buồn:

- Chủ yếu muốn trò chuyện với bé Uyên thôi mà, chứ tiếc gì mớ trái cây mọc đầy trong vườn. T suốt ngày nghĩ xấu người khác nhen!

Mình cười cười không nói, tiếp tục chiến đấu một mất một còn với đĩa cóc ổi. Đang ăn chợt nghe tiếng nhạc quen quen phát ra trong nhà, mình nhíu mày nói:

- Hình như chuông điện thoại chị reo hả?

- Phải không? Đúng rồi, chắc ba mẹ gọi quá!

Chị lắng tai nghe, rồi bật dậy đi vào trong. Mình bê luôn dĩa trái cây lên cố ăn cho hết, không bỏ phí.

Vài phút sau, chị hớt hải chạy ra thông báo:

- T ơi, bé Uyên gặp chuyện rồi...

Mình đớ người, miệng còn ngậm cóc, lập bập hỏi:

- Hả? Chuyện gì?

Mặt chị tái xanh không còn chút huyết sắc, nước mắt chảy tràn ra khóe:

- Bác Tám hàng xóm mới điện thoại nói gặp cô gái bị tai nạn trên đường lộ ngoài kia nhìn giống bé Uyên lắm. Kêu chị ra coi phải không!

Bộp!

Mình đánh rơi cái đĩa xuống đất, mặc kệ cóc ổi lăn vãi lung tung, ôm chị trấn an:

- Chị bình tĩnh đã! Uyên đi từ sáng rồi, giờ này chắc đang trên xe về Cần Thơ, làm gì còn ở đây mà tai nạn chứ? Có thể bác Tám nhìn nhầm người thôi!

Bảo chị bình tĩnh nhưng cơ thể mình không tự chủ được cứ run lên, thở dồn dập. Mình có linh cảm rất không lành!

Mình kéo tay chị bước vội vào nhà. Hai người lật đật đội mũ bảo hiểm rồi lên xe chạy như bay giữa trời nắng chang chang, quên cả mặc áo khoác. Mình vừa lái xe vừa hỏi:

- Chỗ đó ở đâu?

- Gần chợ, ra khỏi đường này quẹo phải chạy hai cây số là tới. - Giọng chị run run.

- Ừm, không phải Uyên đâu. Chị đừng lo lắng quá!

Nói thế thôi, mình thừa hiểu cảm giác của chị. Tâm trạng mình lúc này có khác gì, cảm thấy nghẹt thở, lồng ngực nặng trịch cứ như bị tảng đá nghìn cân đè lên. Mình liên tục cầu nguyện, mong rằng đó không phải em Uyên. Ẻm có bề gì thì... chả biết mình và chị sẽ ra sao.

- Chạy nhanh lên T ơi, không biết có ai đưa bé Uyên đi cấp cứu chưa...

- Không phải Uyên đâu mà, chị đừng nói xui!

Mình đang chạy rất nhanh nhưng vẫn cứ thấy chậm, càng siết cứng tay ga. Hiện giờ, an nguy bản thân đã không còn quan trọng, chỉ mong mau chóng đến nơi cho an tâm.

Quãng đường hai cây số qua rất nhanh. Xa xa, mình nhìn thấy đám đông tụ tập bên đường, chắc chắn là chỗ xảy ra tai nạn rồi. Khi nãy gấp gáp, quýnh quáng nên chị chẳng kịp hỏi rõ bác Tám, không biết cô gái bị xe gì tông phải. Nhưng mình thấy rồi... cạnh đám đông là một chiếc xe buýt đỗ giữa lòng đường.

- Uyên ơi...

Tim mình muốn ngừng đập, chẳng còn thở nổi nữa. Tai nạn do xe buýt gây ra thì nạn nhân phần lớn đều mất mạng, khó thể sống sót. Trời ơi, hi vọng đó không phải là em Uyên. Mình thật sự cầu mong điều đó, trong đầu chỉ có mỗi ý nghĩ ấy lặp đi lặp lại.

Vừa tới nơi, mình thắng gấp, gác vội chống xe ngó quanh nhưng chẳng thấy nạn nhân lẫn tài xế, liền hỏi một cô đang đứng đó bàn tán:

- Cô ơi, cô gái bị nạn đâu rồi?

- Cậu hỏi cô gái tóc ngắn kia hả? Con bé được mấy bác xe ôm tốt bụng đưa lên bệnh viện Huyện cấp cứu rồi, vừa mới đi vài phút thôi. Cậu là người nhà à?

- Dạ! cô gái bị nặng không cô? Nhân dạng ra sao? - Mình hi vọng nghe được những gì cần nghe, chỉ có vậy mới giải thoát khỏi tâm trạng quá đỗi tồi tệ lúc này.

Cô kia ngao ngán lắc đầu:

- Nặng lắm, sợ là khó qua khỏi! Còn vũng máu kìa, cậu nhìn đi, mất máu vậy sao sống nổi? Mọi người bu đông quá làm cô không nhìn rõ, nhưng con bé độ trên hai mươi, tóc ngắn nhuộm màu đỏ tím nhìn rất xinh gái.

- Hình như con bé có đeo vài chiếc bông mỗi bên tai nữa thì phải! Nghe nói nó tự dưng từ trong lề băng ra giữa đường, giống như cố tình tự tử vậy! - Một người phụ nữ khác nói chen vào.

Tựa hồ sét đánh rầm ngang tai, mình loạng choạng không còn đứng vững, tai ù đặc, mọi âm thanh nhốn nháo xung quanh bỗng nhiên trở nên xa xăm mù mịt. Vũng máu đỏ thẫm loang lỗ đất cát trên mặt đường như cắt từng nhát dao vào tim mình. Hết rồi, hết thật rồi!

"Uyên ơi, sao lại thế này? Tại sao chứ? Tàn nhẫn lắm có biết không?"

- T... T ơi... mau đi vô bệnh viện... - Thanh âm chị Diễm kêu như thét bên tai, chị đang lay mình thật mạnh.

- Ừ.

Mình đáp như người mộng du. Thế gian vô thường, mọi chuyện đều có thể xảy đến. Nhưng cớ sự đột ngột thế này phải chăng quá tàn nhẫn với bọn mình, sao có thể chịu đựng nổi đây?

Chẳng biết bằng cách nào mà mình có thể an toàn chạy xe đến bệnh viện Huyện trong trạng thái cả người cứ lơ lửng trên mây. Dường như linh hồn mình không còn ở lại đây nữa, chỉ còn thể xác ngốc nghếch biết di chuyển tựa thây ma vô hồn. Mọi vật, mọi con người cứ lơ đãng trôi qua trước mặt mình. Tiếng chị khóc nức nở, tiếng bác sĩ y tá í ới gọi nhau, tiếng xe cứu thương ồn ào, tiếng thân nhân kêu than... ngày càng to khi bọn mình hối hả chạy đến khoa cấp cứu chìm trong không gian trắng toát lạnh giá.

Ở đây tiếng là bệnh viện huyện nhưng khá rộng. Bọn mình chạy lung tung qua những dãy phòng dọc ngang, không khí sặc mùi thuốc sát trùng khó ngửi. Trên đường, mình hối hả hỏi thăm bất kỳ bác sĩ, y tá nào lọt vào tầm mắt. Thế nhưng bọn họ chỉ nhìn nhau lắc đầu không biết, rồi nhanh chóng tiếp tục công việc.

Mình và chị lòng vòng một hồi bỗng thấy hai người đàn ông tán chuyện dưới gốc cây sứ, nhìn họ đen đúa khắc khổ rất giống dân lao động chân tay.

Nhớ lời cô kia bảo em Uyên được hai bác xe ôm đưa đi, mình liền chạy tới hỏi:

- Hai chú cho cháu hỏi có thấy một cô gái tóc ngắn vừa được đưa vào cấp cứu không?

Một trong hai người nhìn mình dò xét, nhanh chóng đáp:

- Chính tay tụi tui đưa con bé vô, cậu là người nhà hả?

- Dạ. Cô ấy đâu rồi chú? - Mình mừng quýnh.

Người còn lại chỉ tay vào căn phòng cấp cứu đóng cửa im ỉm nằm ở dãy bên trái, nói:

- Đang được cứu chữa trong đó. Chậc, thiệt tui không hiểu tụi trẻ mấy cậu sao nữa, đang yên đang lành lại muốn chết!

Chị Diễm vẫn khóc thút thít không nói được gì, mình gấp gáp hỏi:

- Cô ấy có sao không chú? Có bị nguy hiểm tới tính mạng không?

Chú xe ôm lại tặc lưỡi mấy cái, có vẻ không muốn đáp lời. Nhưng thấy mình và chị nhìn chòng chọc chờ đợi, cuối cùng chú đành nói:

- Tui không muốn làm cô cậu lo lắng, nhưng con bé chảy máu nhiều lắm, mê man chẳng còn biết gì nữa.

Nói rồi chú chỉ vào áo người nọ, giờ mình mới để ý thấy áo chú kia cả vạt trước ướt đẫm vết máu khô đen đen nâu nâu.

- Cậu nhìn nè, dính áo tùm lum vầy, người chứ phải trâu bò đâu mà chịu nổi! Chậc, tụi tui cũng mong con bé tai qua nạn khỏi! Hồi nãy vô, quýnh quáng quá mà y bác sĩ không cho nhập viện, đòi ký giấy tờ tùm lum. Cũng hên hồi xưa tui học hết tiểu học biết ít chữ, rồi phải nhận bừa là thân nhân con bé, họ mới cho nhập viện đó!

Mắt mình cay cay, nắm tay chú cảm ơn rối rít, định trả lại ít tiền viện phí mà hai người đã tạm đóng trước nhưng họ nhất định không nhận. Bảo tạm thời chờ xem tình hình thế nào đã, tiền bạc tính sau, cứ để mà lo cho con bé. Người dân ở đây tuy quê mùa và ít học nhưng thật thà chất phác, sống rất tình cảm.

Cả bốn ngồi quanh bệ xi măng xây bao gốc sứ to chờ đợi. Chờ lâu nóng ruột, mấy lần mình dợm bước tới chỗ phòng cấp cứu nhưng bị hai chú ngăn lại, kêu để yên cho bác sĩ người ta tập trung chạy chữa. Lòng mình nóng như lửa đốt, không thể ngồi yên được, cứ đi tới đi lui, mắt chằm chằm nhìn về phía đó, chờ đợi cánh cửa kia hé mở.

Trong lúc chờ, mình và chị lầm thầm cầu nguyện. Mình chẳng biết đã hứa hẹn những gì, chỉ nhớ mỗi một câu là mình sẽ đối xử tốt với em Uyên, chỉ cần ẻm tai qua nạn khỏi, muốn mình ra sao cũng chấp nhận.

Chưa khi nào thời gian trôi chậm giống lúc này, từng giây từng phút kéo dài lê thê như trêu ngươi. Vậy mà tính ra bọn mình chờ đã hơn hai giờ đồng hồ, trời dần xế chiều khiến mình càng thấy lo lắng hơn. Chị Diễm đã thôi khóc, nhưng cũng chẳng nói chuyện lấy một câu. Cảm giác chị rơi vào trạng thái u uất, đôi mắt đen láy mở to nhìn về phương xa một cách mông lung mờ mịt, không rõ chị đang suy nghĩ gì.

Qua thêm một lúc lâu, rốt cục cửa phòng cấp cứu cũng hé mở. Bọn mình bật dậy, chạy tới ngay. Một nhóm bác sĩ, y tá từ bên trong bước ra, nhưng chẳng thấy em Uyên đâu.

Mình lắp bắp níu tay vị bác sĩ hỏi:

- Bác sĩ, bạn cháu có sao không?

Ông bác sĩ khá lớn tuổi, đầu tóc hoa râm, bình tĩnh đáp:

- May được đưa đi kịp thời nên cô ấy không sao, chỉ bị sốc do mất máu quá nhiều, xuất huyết nội, gãy xương tay trái và chấn thương đa phần mềm.

Mình nghe mà choáng váng, bảo không sao cứ tưởng chỉ bị nhẹ, thế này thì không nhẹ chút nào. Nhưng dù sao còn giữ được tính mạng đã mừng lắm rồi, mình lo lắng hỏi tiếp:

- Hiện cô ấy đâu rồi ạ, cháu có thể vào thăm chứ?

- Bệnh nhân vừa mổ xong vẫn còn hôn mê do ảnh hưởng của thuốc, đã được chúng tôi chuyển sang phòng hồi sức hậu phẫu để theo dõi rồi. Không có gì ngoài ý muốn thì khuya nay người nhà có thể vào thăm!

- Dạ, cháu cảm ơn mọi người nhiều lắm!

Mình thở phào nhẹ nhõm, quay nhìn chị cũng đang nhoẻn cười, ánh mắt chị long lanh ngập tràn niềm vui. Tiếp đó, mình gửi trả tiền hai chú xe ôm, không quên cảm tạ họ lần nữa rồi ra ngoài sảnh làm thủ tục nhập viện, hoàn thành những bước trước đó do gấp gáp cứu người vẫn còn bỏ dở. Đồng thời mình đóng trước viện phí cho em Uyên, có lẽ ẻm phải ở lại đây một thời gian để bác sĩ theo dõi tình hình.

Trên người không có nhiều tiền, mình gọi điện về nhà hỏi xin mẹ. Ba mẹ nghe được tin thì rất lo lắng, muốn xuống thăm nhưng mình ngăn lại, bảo hôm khác hãy ghé. Hiện giờ em Uyên vẫn chưa tỉnh, ba mẹ xuống đây cũng chẳng vào được. Có vậy hai người mới thôi, không quên chuyển tiền xuống cho mình.

Trong lúc chờ đợi tin tức em Uyên, mình đưa chị về nhà tắm rửa. Dì dượng về rồi. Chị kể sơ qua chuyện em Uyên, xin phép dì dượng tối nay ở lại bệnh viện chăm sóc.

Bọn mình định ăn cơm ở nhà thì nhận được điện thoại từ cô y tá chăm sóc em Uyên, thông báo ẻm đã tỉnh lại. Trước đó mình có lén lút gửi cô ấy ít tiền nhờ trông nom em Uyên cẩn thận, có tin tức gì sớm báo mình biết. Nhận được tin, bọn mình chẳng kịp ăn cơm mà lập tức lên đường, trong lòng rất đỗi vui mừng. Bác sĩ bảo không sao nhưng cũng có một số trường hợp sau khi mổ thì hôn mê mãi không tỉnh, chuyện đời khó biết trước được.

Thấy bọn mình vào, y tá liền đặt tay lên môi ra hiệu giữ im lặng, đoạn thì thào:

- Cô ấy vừa tỉnh một lúc lại thiếp đi rồi, có lẽ còn mệt trong người. Hai người hạn chế gây ồn ào, cũng đừng chạm lung tung vào máy móc ở đây nhé!

- Dạ, em biết rồi. Tình trạng cô ấy ổn chứ chị? - Mình hỏi.

- Rất tích cực, sẽ sớm bình phục thôi! - Cô y tá đáp, rồi đi ra ngoài, không quên căn dặn - Có gì thì gọi tôi sẽ đến ngay!

- Cảm ơn chị!

Mình và chị kéo ghế đến gần giường bệnh. Cô gái nằm trên giường bệnh được băng bó trắng toát khắp người, mặt cũng bị che đi phần nào nhưng bọn mình vẫn có thể nhận ra, đúng là em Uyên.

Gương mặt ẻm rất xanh xao, má hơi tóp lại, chắc do mất máu quá nhiều. Em Uyên vẫn phải nhờ máy thở hỗ trợ, dây nhợ lỏng nhỏng trên đầu nằm, tay cắm kim tiêm truyền nước biển. Mình lặng người nhìn thật lâu, cảm giác rất khó chịu, tâm trạng dồn nén cứ muốn đập phá gì đó cho hả.

Em Uyên vẫn thở đều, lúc sâu lúc nhẹ như tơ khiến bọn mình khá lo. Thỉnh thoảng nghe ẻm lớ mớ nói gì đó, mình không rõ. Những lúc như vậy, mình nhẹ nhàng chạm vào tay em Uyên, nắm những ngón tay nhỏ nhắn hơi máy động, thì ẻm lại thôi, vẻ mặt bình yên.

Bọn mình chờ đã hơn hai tiếng. Gần chín giờ tối, em Uyên vẫn chưa dậy. Mình thấy lo, cứ sợ ẻm có chuyện gì, gọi cô y tá sang kiểm tra thì cổ bảo ẻm vẫn ổn, mệt nên ngủ thôi.

Chị Diễm yên tĩnh ngồi cạnh mình. Từ lúc vào đến giờ bọn mình rất ít nói chuyện vì sợ đánh thức em Uyên. Lo chị đói, mình ghé tai thì thầm:

- Chị ra ngoài ăn gì đi, không đói hả?

- Chị ăn không nổi! - Chị gượng gạo đáp.

- Không nổi cũng phải ăn! Nhìn chị kìa, nay ốm hơn trước rồi đó!

- Chị không muốn ăn mà...

- Nghe lời em đi, sẵn tiện mua giùm em ổ bánh mì thịt hén! Đói quá! - Mình vờ xoa bụng than.

Thật ra mình cũng chả nuốt nổi thứ gì vào lúc này, nhưng phải nói vậy chị mới chịu đi ăn. Mình trai tráng khỏe mạnh không sao, chị vốn đã yếu ớt, còn nhịn đói thì không được.

Chẳng rõ trùng hợp thế nào, chị vừa đi vài phút thì mí mắt em Uyên khẽ lay động. Ban đầu thật nhẹ, thật nhẹ, sau đó chậm chạp mở hé ra rồi cứ thế nhìn trân trân lên trần nhà.

Khỏi phải nói cũng hiểu mình mừng hết cỡ, vội lên tiếng nhưng chẳng dám nói to:

- Uyên tỉnh rồi hả?

Nghe gọi, em Uyên hơi nghiêng đầu, ánh mắt đờ đẫn nhìn mình có chút mông lung mơ hồ. Mình thoáng ái ngại, đừng nói ẻm bị mất trí nhớ như trong mấy phim Hàn xẻng đấy nhé, chắc chết quá. Mình hồi hộp liếm môi hỏi:

- Uyên thấy trong người sao rồi? Có đau lắm không?

Đáp lại mình chỉ là ánh mắt vô hồn xa xăm. Em Uyên chẳng nói gì cả, ngơ ngơ ngác ngác tựa như không rõ chuyện gì đã xảy ra. Thấy ẻm cố cử động ngồi lên, mình hoảng hồn ngăn cản:

- Đừng, Uyên cứ nằm yên đó đi! Vận động mạnh coi chừng ảnh hưởng vết thương bây giờ!

Em Uyên chậm chạp chuyển ánh nhìn lên mặt mình, bờ môi tái nhợt run run mấp máy mà không thành tiếng. Hai dòng nước mắt long lanh chực trào ra, chảy tràn hai bên má.