Đà Lạt mùa đông lạnh thật lạnh. Dù đã sống xa xứ nhiều năm nhưng Duy vẫn cảm nhận được cái lạnh mùa đông ở Việt Nam luôn có những độc đáo riêng. Anh đặc biệt thích khí hậu nơi này, cứ như đó là nơi anh được sinh ra vậy. Tủ quần áo của Duy, nhiều nhất là áo len dệt và khăn choàng cổ. Đó là loại quần áo anh thích sưu tập. Lúc Duy vừa ra khỏi nhà thì Trần Kiên cũng đã có mặt tại biệt thự nhà anh. Bà Quế nói:
- Nó bảo sẽ đi ra Nha Trang vài hôm. Công việc gì thế?
- Lúc này công ty đâu có mặt hàng nào chuyển ra miền Trung.
- Hay là nó lại …
- Anh đã cho người theo dõi nó rồi. Nó chỉ đi một mình thôi.
- Thằng Duy dạo này có nhiều điều giấu kín. Anh nên cẩn thận. Nó rất giống ba nó, cực nhạy bén và thông minh.
- Em lo cho anh đấy à?
- Cả hai chúng ta.
- Em không tin vào con cờ mà chính tay em đã nuôi nấng chăm sóc ngần ấy năm sao hả, cưng?
Bà Quế im lặng, mặc cho gã Trần Kiên sờ soạng, hôn hít, bà nhìn ra ngoài bằng ánh mắt xa xăm khi nghĩ về chuyện đó. Một chuyện mà bà đã cố quên, cố giấu kín với cuộc đời, với lương tâm của chính bản thân bà. Tiến Mạnh đi dạo một mình dọc những công viên, nơi có nhiều đôi đang lãng mạn trao nhau những cử chỉ ngọt ngào, âu yếm. Anh thèm thuồng cảm giác đó, giá như tình yêu đừng tan vỡ hoặc giả là Mạnh có một tình yêu mới bên Tuệ Lâm. Đầu óc anh suy nghĩ nhiều lắm. Rồi Mạnh đối mặt với Khiết Nhã, mãi cúi đầu xuống đất mà đi nên anh không nhận ra người đứng trước mặt mình. Mạnh nhìn Nhã, Nhã cũng nhìn anh. Hai ánh mắt phút chốc trao cho nhau nhiều cảm giác yêu đương nhưng trở lại nhanh với thực tế, cả Mạnh và Nhã đều liếc nhìn cả hai như thể hiện vẫn còn giận lẫy. Nơi góc phố, một cửa hàng áo cưới, một đôi tình nhận lặng lẽ bước đi về hai hướng khác nhau. Chàng ngoảnh lại nhìn bằng ánh mắt buồn rồi khuất lặng trong đêm. Đi một quãng, nàng cũng quay lại như để cố nhìn được bóng hình người yêu thêm vài giây ngắn ngủi, tuy nhiên, anh đã khuất mất tự thuở nào. Nàng lau vội vệt nước mắt chảy dài trên má rồi chạy đi thật nhanh.
Duy đi dọc theo những con đường trải dài đất đỏ, hai bên đường sặc sỡ những khóm tú cầu và dã quỳ khoe sắc. Địa chỉ này nằm khuất hẳn thành phố mộng mơ nhưng vẫn giữ được nét quyến rũ kỳ bí. Một căn nhà xây kiểu Pháp hiện ra, Duy dò từng số từng chữ một rồi tặc lưỡi:
- Chắc là đúng!
Anh nín thở rồi bấm chuông, Duy nhoẻn miệng cười mãn nguyện khi có người ra mở cửa. Là một ông lão tóc bạc phơ, già yếu nhưng đôi mắt thì cực kỳ linh hoạt. Duy nhìn một thoáng rồi hỏi:
- Cho hỏi, đây có phải là nhà của ông Liêm. Từng làm chủ phòng trà Điểm ở Đà Lạt không ạ?
- Cậu tìm ông ấy làm gì?
- Cháu cần tìm thông tin về một ca sĩ đã từng hát ở phòng trà ấy.
- Ca sĩ thì thiếu gì … làm sao mà nhớ hết. Cậu trai trẻ sao ấu trĩ vậy?
- Cháu nghĩ người này khó làm người ta quên ạ. Ảnh của bà ấy đây này!
Duy lấy trong túi áo ra hai tấm ảnh, một là tấm anh mượn được ở phòng trà, hai là tấm anh lấy trộm từ cuốn sổ tay của ông Gia Đoàn. Duy đưa cho ông già ấy xem, ông xem xong vẫn nhìn Duy bằng ánh mắt xem xét trong vài giây rồi giận dữ:
- Ông ta chết rồi! Đi về đi!
- Ơ … ông gì ơi! Chờ chút! Khoan hãy …
Duy không kịp nói gì thì cánh cửa lớn đã đóng sầm lại. Anh chàng thở dài gọi thêm vài tiếng nữa rồi bỏ đi…
- Ngày mai cháu lại tới. Cháu không có ý xấu.
Duy bỏ về. Ngày hôm sau anh lại tới rất sớm, ông Liêm đứng trên ban công và nói vọng xuống:
- Đi về đi! Ông ta chết rồi.
- Cháu không có ý xấu. Cháu chỉ muốn tìm người thôi.
Hôm nay Duy nán lại khá lâu, anh mặc cho những cơn gió nhẹ cuốn qua lạnh tê người. Những tia nắng héo hắt và những giọt mưa lất phất rơi. Duy lạnh lắm nhưng anh vẫn không chịu về. Ông già ở trong nhà thở dài một cách lặng lẽ rồi bước vào trong...
Tuệ Lâm quyết dùng những ngày nghỉ đó để theo dõi Khiết Nhã. Đúng là cô luôn có những lần lái xe đến bệnh viện và bí mật đi bằng cửa sau. Tuệ Lâm hồi hộp đứng chờ trước cửa xe của Khiết Nhã. Lúc cô bước ra với tâm trạng lo lắng, nhìn thấy Tuệ Lâm, Khiết Nhã nhợt nhạt chào: