Trương Vô Kỵ quay đầu lại, thấy người nói câu đó chính là gã hói đầu Thánh Thủ Già Lam Giản Tiệp của phái Không Động. Trên đầu y không còn một sợi tóc nào, thoạt tiên Trương Vô Kỵ tưởng y trời sinh đầu hói, sau mới biết y bị người ta bôi một loại thuốc độc lên, đầu tóc rụng sạch, độc dược còn đang ăn xuống, e rằng chỉ vài ngày nữa lan tới tận óc, không khỏi điên cuồng. Lúc này hai tay y bị đồng bạn dùng xích sắt khóa chặt không để cho y đưa lên đầu gãi, nếu không cái cảnh bị ngứa không chịu nổi thế này, chắc y đã cào lòi xương sọ ra rồi.
Hồ Thanh Ngưu lạnh lùng đáp:
- Ta trị được hay không được cũng chẳng sao, nhưng ta không chữa cho ngươi. Ta xem ngươi chỉ còn sống được bảy tám ngày, sao không mau về nhà, còn gặp vợ con được một lần, ở đây nói lảm nhảm, có ích lợi gì?
Giản Tiệp đầu ngứa chịu không nổi, y vẫn thường hoặc cọ sát, hoặc lao đầu vào tường, lúc này xích khóa tay chân kêu loảng xoảng, thở hổn hển nói:
- Hồ tiên sinh, chủ nhân bông hoa vàng sớm tối sẽ đến tìm nhà ngươi, ta xem ngươi cũng chẳng được chết yên lành đâu, cả bọn liên thủ, cùng chống cường địch, chẳng hơn là ngươi nằm trốn trong phòng bó tay chờ chết hay sao?
Hồ Thanh Ngưu nói:
- Bọn ngươi nếu đánh nổi y thì đã giết được hắn rồi, ta được thêm mười lăm cái bị thịt giúp vào thì có ích gì?
Giản Tiệp lại năn nỉ thêm một hồi, Hồ Thanh Ngưu không thèm lý tới. Sau cùng Giản Tiệp nổi khùng lên, quát lớn:
- Được rồi, đằng nào cũng chết, ta cho một mồi lửa đốt cái chuồng chó này cho biết tay. Bọn ta vào đâm cho ngươi mấy nhát, để cùng với tên thầy lang khốn nạn này cùng chết cho xong.
Lúc đó bên ngoài một người khác đi vào, chính là gã hồi trước thổ huyết. Y thò tay vào bọc lấy ra một cái nga mi thích, giơ ra dí vào ngực Giản Tiệp, lạnh lùng nói:
- Ngươi đắc tội với Hồ tiền bối, họ Tiết này thanh toán ngươi trước. Ngươi muốn dao nhuộm máu thì để ta cho ngươi biết tay.
Võ công Giản Tiệp vốn cao hơn gã họ Tiết, nhưng y tay chân bị xích chặt, không sao kháng cự được, chỉ còn nước trợn mắt, thở hồng hộc. Gã họ Tiết lớn tiếng nói:
- Hồ tiền bối, vãn bối là Tiết Công Viễn, là môn hạ của Tiên Vu tiên sinh phái Hoa Sơn, xin khấu đầu trước lão nhân gia.
Nói xong quì xuống, rập đầu mấy cái. Giản Tiệp lúc ấy trong lòng có chút hi vọng, Hồ Thanh Ngưu nói nặng không nghe, gã tiểu tử này lạy lục cầu khẩn, có khi lại được không chừng. Tiết Công Viễn hành đại lễ xong, nói:
- Hồ tiền bối thân thể khiếm an, bọn chúng tôi thật là kém phúc. Ở đây có vị tiểu huynh đệ y đạo cao minh, xin Hồ tiền bối ưng thuận cho cậu ấy trị bệnh cho chúng tôi. Chúng tôi người người bị thương quái lạ, trừ đệ tử của Điệp Cốc Y Tiên ra, khắp thiên hạ không người nào có thể trị khỏi được.
Hồ Thanh Ngưu lạnh lùng nói:
- Thằng bé đó tên là Trương Vô Kỵ, là đệ tử của phái Võ Đương, con trai của Ngân Câu Thiết Hoạch Trương Thúy Sơn Trương ngũ hiệp, đệ tử tái truyền của Trương Tam Phong. Còn Hồ Thanh Ngưu này là người trong Minh giáo, các người trong danh môn chính phái coi không ra gì, sao có can hệ gì với cao nhân đệ tử như y? Y trong người trúng phải âm độc, cầu ta chữa bệnh, nhưng ta đã lập trọng thệ trừ người trong Minh giáo ra, quyết không chữa cho người ngoại đạo. Tên họ Trương đó không chịu gia nhập Minh giáo, ta đâu có chữa cho y làm chi?
Tiết Công Viễn thất vọng, lúc đầu y tưởng Trương Vô Kỵ là đệ tử của Hồ Thanh Ngưu, bản lãnh chẳng bằng sư phụ, gặp chỗ nghi nan, Hồ Thanh Ngưu thể nào chẳng chỉ điểm, nào ngờ chính y cũng chỉ là bệnh nhân xin chữa không được mà thôi.
Lại nghe Hồ Thanh Ngưu nói tiếp:
- Các ngươi ở lì nhà ta không chịu đi, hừ, bộ các ngươi tưởng ta sẽ rủ lòng thương sao? Bọn ngươi thử hỏi thằng bé đó xem, nó ở đây bao lâu rồi?
Tiết Công Viễn và Giản Tiệp nhìn Trương Vô Kỵ, chỉ thấy y giơ hai ngón tay, rồi lại giơ một ngón. Tiết Công Viễn hỏi:
- Hai mươi ngày rồi ư?
Trương Vô Kỵ đáp:
- Tính ra hai năm hai tháng rồi.
Giản Tiết hai người mặt mày ngơ ngẩn, cùng buông một tiếng thở dài. Hồ Thanh Ngưu nói tiếp:
- Y có ở lì đây mười năm, ta cũng không cứu mạng đâu. Trong vòng một năm nữa thôi, âm độc tích tụ trong lục phủ ngũ tạng sẽ phát tác, y không cách nào sống được đến ngày này sang năm. Ta Hồ Thanh Ngưu trước đây từng lập trọng thệ trước Minh tôn là dù cho cha ruột ta, con cái ta, nếu không phải đệ tử Minh giáo, ta cũng sẽ không chữa thuốc cứu mạng cho đâu.
Giản Tiệp và Tiết Công Viễn hai người thất vọng, đang định đi ra, Hồ Thanh Ngưu bỗng nói:
- Gã đệ tử phái Võ Đương này cũng biết đôi chút nghề thuốc, y lý của phái Võ Đương tuy còn kém xa Minh giáo ta, nhưng cũng không đến nỗi làm chết người. Phái Võ Đương có cứu người cũng tốt, mà thấy chết không cứu cũng tốt, không liên hệ gì đến Minh giáo hay Hồ Thanh Ngưu cả.
Tiết Công Viễn sựng người, nghe giọng lưỡi y dường như muốn Trương Vô Kỵ ra tay chữa cho họ, liền nói:
- Hồ tiền bối, vị Trương tiểu hiệp này nếu ra tay cứu độ, chúng tôi cũng có hi vọng sống phải không?
Hồ Thanh Ngưu đáp:
- Y cứu hay không cứu, có liên quan chó gì đến ta đâu? Vô Kỵ, ngươi nghe đây, ở trong nhà của Hồ Thanh Ngưu, ngươi không được trổ nghề chữa bệnh, trừ khi ra khỏi nhà ta rồi, thì ngươi làm gì ta không cần biết.
Tiết Công Viễn và Giản Tiệp mới đầu cũng thầm hi vọng, bây giờ nghe nói thế, lại đâm ra hoang mang, không biết ý tứ ông ta thế nào. Trương Vô Kỵ so với họ thông minh hơn nhiều, lập tức hiểu ngay, nói:
- Hồ tiên sinh trong người có bệnh, các ông không nên quấy nhiễu ông ấy nữa, xin tất cả cùng đi ra.
Ba người ra đến thảo đường, Trương Vô Kỵ nói:
- Các vị, tiểu khả tuổi nhỏ kiến thức nông cạn, vết thương các vị lại thật quái dị, chữa được hay không, không có gì chắc chắn. Nếu các vị tin tưởng ở tôi, thì để tiểu khả hết sức xem sao, sống chết là ở số trời.
Lúc này mỗi người ai cũng bị thương không ngứa thì đau, không tê thì xót, ai cũng sống dở chết dở, dù có bảo uống tì sương độc dược, họ cũng coi như ăn cục kẹo miễn là hết được đau khổ, nên khi nghe Trương Vô Kỵ nói thế, ai nấy đều vui mừng bằng lòng.
Trương Vô Kỵ nói:
- Hồ tiên sinh không cho phép tiểu khả ra tay trong nhà ông ta, để nếu như chết người làm tổn lụy cái danh Y Tiên, vậy xin tất cả ra ngoài.
Mọi người còn đang phân vân, thấy y bất quá chỉ mười bốn, mười lăm, tài ba dẫu sao cũng có giới hạn, ở trong nhà Y Tiên, ít ra còn có chỗ nương tựa, nếu đi ra khỏi nhà rồi, lỡ y chữa lăng chữa nhăng, thương thế càng nặng, chỉ khổ thêm.
Giản Tiệp lớn tiếng nói:
- Đầu ta ngứa muốn chết, tiểu huynh đệ, xin ngươi trị cho ta trước.
Nói xong y loảng xoảng kéo dây xích chạy ra ngoài. Trương Vô Kỵ trầm ngâm một hồi, đi vào phòng thuốc lấy Nam Tinh, Phòng Phong, Bạch Chỉ, Thiên Ma, Bạch Phụ Tử, Hoa Nhị Thạch hơn mười vị thuốc, sai tiểu đồng cho vào cối giã nát, trộn rượu mạnh, chế thành cao đem ra đắp lên đầu Giản Tiệp.
- Đau quá, đau đến chết mất. Ôi, thế nhưng đau cũng được, so với ngứa còn đỡ khổ hơn nhiều.
Y nghiến răng trèo trẹo, trên bãi cỏ nhảy lên nhảy xuống, kêu luôn mồm:
- Đau quá đi, con mẹ nó, thằng nhỏ này quả có bản lãnh. Không, Trương tiểu hiệp, họ Giản này phải cám ơn cậu mới phải.
Bọn người kia thấy Giản Tiệp đầu ngứa có công hiệu ngay, lập tức ùa ra nhờ Trương Vô Kỵ trị bệnh. Lúc đó có một người ôm bụng, lăn lộn dưới đất kêu rên, thì ra y bị bắt ép phải nuốt hơn ba chục con đỉa sống. Những con đỉa đó vào trong bụng liền bám vào thành dạ dày và ruột hút máu. Trương Vô Kỵ nhớ đến trong y thư có chép: Đỉa gặp mật liền hóa thành nước. Ở Hồ Điệp Cốc có rất nhiều mật hoa, liền sai tiểu đồng đem ra một bát lớn, cho y uống.
Cứ như thế đến khi trời sáng, Kỷ Hiểu Phù và Dương Bất Hối tỉnh dậy đi ra khỏi phòng, thấy Trương Vô Kỵ đầu toát mồ hôi đang trị thương cho mọi người. Kỷ Hiểu Phù liền vào giúp y băng bó, và truyền tin việc lấy các loại thuốc. Chỉ có Dương Bất Hối vô tư vô lự, miệng nhai táo, mận chạy tung tăng đuổi bướm. Mãi đến quá trưa, Trương Vô Kỵ mới xong bước đầu trị ngoại thương, người nào chảy máu thì cầm máu, người nào đau thì giảm đau. Thế nhưng mỗi người đều bị thương rất cổ quái, phức tạp, không phải chỉ ở ngoài mà xong. Trương Vô Kỵ về phòng nằm ngủ một lát, trong cơn mơ màng nghe tiếng người rên rỉ, vội choàng dậy chạy ra, thấy vài người bớt đau nhưng quá nửa lại trở thành nguy kịch. Y không biết phải làm sao, đành chạy vào nói lại cho Hồ Thanh Ngưu nghe.
Hồ Thanh Ngưu lạnh lùng đáp:
- Bọn đó không phải người trong Minh giáo, sống cũng tốt mà chết cũng không sao, ta không cần biết đến.
Trương Vô Kỵ chợt động tâm cơ, nói:
- Nếu như có một đệ tử Minh giáo, bên ngoài không thương tích gì, nhưng bên trong máu tụ lại trương phù lên, mặt đỏ phị, mê man sắp chết, tiên sinh sẽ phải trị cách nào?
Hồ Thanh Ngưu đáp:
- Nếu người đó là đệ tử Minh giáo thì ta dùng Sơn Giáp, Qui Vĩ, Hồng Hoa, Sinh Địa, Linh Tiên, Huyết Kiệt, Đào Tiên, Đại Hoàng, Nhũ Hương, Một Dược, đem rượu đun lên, cho thêm Đồng Tiện, uống vào sẽ tả ứ huyết ra.
Trương Vô Kỵ lại hỏi:
- Nếu như có một đệ tử Minh giáo bị người ta đổ thiếc vào tai trái, tai phải thì bị đổ thủy ngân, mắt thì bị trét sơn sống, đau đớn chịu không nổi, không nhìn thấy được, thế thì phải làm sao?
Hồ Thanh Ngưu nổi giận đùng đùng:
- Đứa nào mà đám hại đệ tử Minh giáo của ta đến mức đó?
Trương Vô Kỵ đáp:
- Kẻ đó quả thật tàn ác, nhưng cháu nghĩ là mình phải trị thương tai mắt cho đệ tử Minh giáo đó trước, sau đó mới truy hỏi xem kẻ thù là ai cũng được.
Hồ Thanh Ngưu suy nghĩ một chốc nói:
- Nếu người đó là đệ tử Minh giáo, ta sẽ dùng thủy ngân đổ vào tai trái, thiếc sẽ tan vào thủy ngân, theo đó mà chảy ra ngoài. Còn ta dùng kim vàng ngoáy tai phải, thủy ngân sẽ bám vào kim từ từ kéo ra. Còn sơn sống vào mắt, thử giã cua lấy nước đắp vào có thể hóa giải được không chừng.
Cứ như thế, Vô Kỵ đem hết những y án khó khăn nghi nan từng việc một kể lại, giả thác làm như đệ tử Minh giáo bị thương hỏi Hồ Thanh Ngưu. Hồ Thanh Ngưu dĩ nhiên hiểu dụng ý của y, nhưng vẫn dạy y cách điều trị. Thế nhưng những vết thương đó hết sức quái dị, Trương Vô Kỵ theo đó mà chữa nhưng vẫn không kiến hiệu, Hồ Thanh Ngưu lại phải suy nghĩ một hồi rồi đưa ra một cách khác.
Cứ như thế năm sáu ngày sau, thương thế mọi người đều đỡ dần. Nội thương của Kỷ Hiểu Phù vốn do trúng độc, Trương Vô Kỵ chẩn đoán rõ ràng rồi mới dùng Sinh Long Cốt, Tô Mộc, Thổ Cẩu, Ngũ Linh Chi, Thiên Kim Tử, Cáp Phấn[12] các loại cho cô ta uống, giải độc, làm tan máu bầm, bắt mạch lại thấy mạch tế hoãn, thương thế giảm nhiều.
Lúc này mọi người đã đựng bên ngoài thảo đường một cái nhà tranh, dưới đất trải rơm làm chiếu để nằm. Hai mẹ con Kỷ Hiểu Phù thì ở một cái chòi cách đó vài trượng, do Trương Vô Kỵ yêu cầu mọi người dựng giùm. Mười bốn người đó vốn là hào khách tung hoành ngang dọc trên chốn giang hồ, lúc này tính mạng nằm trong tay Trương Vô Kỵ, nhất nhất việc gì thiếu niên này sai bảo không dám trái lời. Dịp này tuy Trương Vô Kỵ phải một phen tân khổ nhưng cũng học được rất nhiều điều hay, nhiều phương thuốc lạ, nhiều cách chữa thần kỳ của Hồ Thanh Ngưu.
Một buổi sáng sớm, khi Trương Vô Kỵ quan sát Kỷ Hiểu Phù, bỗng thấy giữa lông mày nàng có ẩn ẩn một làn hắc khí, dường như thương thế trở bệnh, những độc khí tiêu giải rồi nay lại quay về, vội vàng giơ tay bắt mạch, lại bảo nàng nhổ một bãi nước bọt, hòa vào Bách Hợp Tán để xem, quả nhiên độc tính trong cơ thể lại tăng. Trương Vô Kỵ suy nghĩ một hồi không giải thích được, chạy vào nội đường thỉnh giáo Hồ Thanh Ngưu, Hồ Thanh Ngưu thở dài, đưa ra phép trị. Trương Vô Kỵ theo đó mà làm, quả nhiên hữu hiệu. Thế nhưng đầu Giản Tiệp lại loét ra, thối tha chịu không nổi. Chỉ trong vài ngày cả mười lăm người thương thế đều biến chuyển khó chữa, rõ ràng đã bớt đến tám chín thành chỉ một đêm bệnh lại trở nặng.
Trương Vô Kỵ không rõ tại sao, vào hỏi Y Tiên, Hồ Thanh Ngưu nói:
- Những người này bị thương không phải tầm thường, nếu chỉ chữa một lần là xong thì việc gì phải đến Hồ Điệp Cốc năn nỉ ta chữa bệnh?
Đêm hôm đó, Trương Vô Kỵ nằm trên giường suy nghĩ: "Thương thế phản phục, tuy cũng là chuyện thường, nhưng sao lại cả mười lăm người đều bị hết, huống chi biến đi rồi lại biến lại quả thật lạ kỳ". Nằm trằn trọc mãi đến canh ba, cũng vì chuyện đó nên không ngủ được. Bỗng dưng ngoài song cửa có tiếng chân người đạp lên lá cây xào xạc, ai đó đang dùng khinh công đi qua.
Trương Vô Kỵ nổi tính hiếu kỳ, lè lưỡi nhấm giấy dán cửa sổ, nhìn ra ngoài, thấy bóng người sau lưng vụt qua, nấp sau một cây hòe, nhìn quần áo, quả nhiên là Hồ Thanh Ngưu.
Vô Kỵ lạ quá, nghĩ thầm: "Hồ tiên sinh dậy làm gì? Không biết bệnh đậu mùa ông ta đã khỏi chưa?" Thế nhưng xem các đi đứng của Hồ Thanh Ngưu, rõ ràng không muốn cho ai trông thấy, một lúc sau, thấy ông ta đi về phía cái chòi của mẹ con Kỷ Hiểu Phù. Trương Vô Kỵ tim đập thình thịch, tự hỏi: "Ông ta đến làm nhục Kỷ cô cô chăng? Tuy ta không phải là địch thủ của ông ta nhưng việc này không thể không can thiệp". Y lập tức nhảy ra ngoài cửa sổ, rón rén chạy theo Hồ Thanh Ngưu, thấy y lẻn vào căn lều. Cái chòi đó làm vội cho xong, không tường không cửa, chỉ cốt che mưa trú nắng, người ngoài ai vào cũng được.
Trương Vô Kỵ gấp gáp, chạy vội đến phía sau căn lều, nằm phục xuống nhìn vào, thấy mẹ con Kỷ Hiểu Phù ôm nhau say sưa nằm ngủ trên đám cỏ khô, Hồ Thanh Ngưu lấy trong bọc ra một viên thuốc, bỏ vào bát thuốc rồi quay mình đi ra. Chỉ trong nháy mắt, Trương Vô Kỵ cũng nhìn rõ ông ta mặt che tấm vải xanh, không biết bệnh đã đỡ chưa. Y lập tức hiểu ngay, trên lưng đổ mồ hôi lạnh: "Thì ra Hồ tiên sinh nửa đêm ra ngoài lén hạ độc, cho nên những người này bệnh mới không khỏi".
Hồ Thanh Ngưu lại đi vào căn nhà tranh của bọn Giản Tiệp, Tiết Công Viễn, rõ ràng cũng đến cho họ uống thuốc độc, đợi một lúc lâu chưa thấy ông ta đi ra, chắc là vì mười bốn người này mỗi người một cách khác nhau nên mất nhiều thì giờ. Trương Vô Kỵ nhẹ nhàng chạy vào trong cái chòi của Kỷ Hiểu Phù, cầm bát thuốc lên ngửi. Bát thuốc này vốn đựng Bát Tiên Thang, để cho cô ta sáng sớm uống, bây giờ có mùi nồng nặc xông lên mũi. Vừa lúc đó, bên ngoài có tiếng chân nhẹ nhàng đi qua, biết là Hồ Thanh Ngưu đã quay trở về phòng ngủ.
Trương Vô Kỵ bỏ bát thuốc xuống, khẽ gọi:
- Kỷ cô cô, Kỷ cô cô.
Kỷ Hiểu Phù võ công không phải kém, đúng ra tai mắt rất thính, dù có đang ngủ say, chỉ cần một tiếng động nhẹ là tỉnh ngay, nhưng Trương Vô Kỵ gọi đến mấy lần nàng vẫn chưa thức giấc. Trương Vô Kỵ đành giơ tay lay đầu vai, lay đến bảy tám lần, Kỷ Hiểu Phù lúc đó mới mở choàng mắt, kinh hãi hỏi:
- Ai đó?
Trương Vô Kỵ hạ giọng:
- Kỷ cô cô, cháu Vô Kỵ đây. Bát thuốc của cô có người bỏ thuốc độc vào, không nên uống nữa. Cô đem ra đổ xuống suối nhưng làm như không biết, sáng mai cháu sẽ nói rõ cho cô nghe.
Kỷ Hiểu Phù gật đầu. Trương Vô Kỵ ngại Hồ Thanh Ngưu phát giác, về đến phòng mình nhảy cửa sổ vào nhà.
Hôm sau, ăn sáng xong, Trương Vô Kỵ và Dương Bất Hối cùng nhau chạy đuổi bướm trong thung lũng, càng đuổi càng xa. Kỷ Hiểu Phù biết ý, lẽo đẽo theo sau. Mấy hôm nay, Trương Vô Kỵ vẫn thường dẫn Bất Hối đi chơi, nên ai nấy thấy ba người đi cùng chẳng ai để ý. Đi khoảng hơn một dặm, đến một triền núi, Trương Vô Kỵ mới ngồi xuống bãi cỏ. Kỷ Hiểu Phù nói với con:
- Bất nhi, con đừng đuổi bướm nữa, mau đi hái hoa làm ba cái vòng đội đầu cho mỗi người một cái.
- Kỷ cô cô, không biết Hồ Thanh Ngưu có gì thù oán với cô mà lại ra tay hạ độc?
Kỷ Hiểu Phù kinh ngạc nói:
- Ta với Hồ tiên sinh không hề biết nhau, cho đến hôm nay cũng chưa gặp ông ta lần nào, làm gì có chuyện "thù oán"?
Nàng trầm ngâm giây lát, nói tiếp:
- Cha ta và sư phụ mỗi khi nói tới Hồ tiên sinh, đều bảo ông ta y thuật như thần, là người thiên hạ đời nay không ai sánh kịp, chỉ tiếc lại ở trong Minh giáo, đi con đường tà. Cha ta và sư phụ cũng không biết ông ta, vậy sao, sao... ông ta lại hạ độc hại ta nhỉ?
Trương Vô Kỵ liền đem việc Hồ Thanh Ngưu lén bỏ thuốc độc đêm qua thuật lại cho Kỷ Hiểu Phù nghe, rồi nói:
- Cháu ngửi mùi thang thuốc Bát Tiên thấy có cỏ Thiết Tuyến và nấm Thấu Cốt xông lên mũi. Hai vị thuốc này vốn dĩ có thể trị thương nhưng độc tính rất mạnh, cắt thuốc không thể cho nhiều, lại kỵ với những vị trong Bát Tiên Thang, có hại cho cơ thể. Tuy không chí mạng nhưng sẽ làm dây dưa khó chữa.
Kỷ Hiểu Phù nói:
- Ngươi nói cả mười bốn người kia cũng bị như vậy, việc này quả thực kỳ quái. Nếu nói cha ta hay phái Nga Mi vô ý đắc tội với Hồ tiên sinh, không lẽ cả mười bốn người kia cũng như thế?
Trương Vô Kỵ hỏi lại:
- Kỷ cô cô, Hồ Điệp Cốc này thật kín đáo, làm sao mọi người ai cũng biết mà tìm tới đây? Chủ nhân bông hoa vàng đả thương cô là ai? Những việc đó vốn không can hệ gì tới cháu đáng lẽ không nên hỏi nhưng việc trước mắt sao quá nhiều đầu dây mối nhợ, xin cô đừng trách.
Kỷ Hiểu Phù đỏ mặt, hiểu ngay ý Trương Vô Kỵ muốn gì, y ngại chuyện này có liên quan đến việc cô ta chưa chồng sao đã có con, e nói ra xấu hổ, liền nói:
- Cháu cứu tính mạng cô, cô cũng chẳng dấu cháu làm gì? Huống chi cháu đối đãi với cô và em Bất Hối thật tử tế, tuy cháu còn nhỏ tuổi, những nỗi khổ trong lòng, ngoài cháu ra, trên đời này cô chưa nói với một ai khác.
Nói đến đây nàng không cầm được nước mắt. Kỷ Hiểu Phù lấy khăn tay chùi hai giòng lệ nói:
- Khoảng hai năm trước, cô và một vị sư tỉ có chuyện bất hòa nên không dám quay về gặp sư phụ nữa, cũng không dám về nhà...
Trương Vô Kỵ xen vào:
- Hừ, con mụ Độc Thủ Vô Diệm Đinh Mẫn Quân quả là tệ hại. Cô cô, cô không việc gì phải sợ y thị cả.
Kỷ Hiểu Phù lạ lùng:
- Ồ, làm sao cháu biết?
Trương Vô Kỵ bèn kể lại chuyện đêm hôm đó vì sao y và Thường Ngộ Xuân ẩn nấp ở trong rừng, thấy cô ta cứu Bành hòa thượng ra sao. Kỷ Hiểu Phù buồn bã thở dài, nói:
- Nếu muốn người ta không biết, chỉ có thể đừng làm[13]. Tai mắt người trên đời, không thể nào che dấu được.
Trương Vô Kỵ nói:
- Cô cô, Ân lục thúc tuy là một người rất tốt, nhưng nếu cô không thích, không lấy lục thúc thì cũng không có gì quan trọng. Lần tới cháu gặp lục thúc, cháu sẽ nói ông ấy đừng ép uổng cô làm chi.
Kỷ Hiểu Phù thấy Vô Kỵ nói chuyện thật ngây thơ, coi mọi việc trên đời đều nhẹ nhàng như thế, không khỏi gượng cười, ôn tồn nói:
- Hài tử, không phải ta có ý phụ bạc Ân lục thúc đâu, sự tình lúc đó không còn cách nào khác hơn, nhưng... nhưng về sau ta cũng không có gì phải hối hận...
Nàng thấy khuôn mặt Vô Kỵ thật là trong sáng, nghĩ thầm: "Tâm địa thằng bé này chẳng khác chi một tờ giấy trắng, những chuyện tình ái nam nữ, chẳng nên nói với nó thì hơn, vả lại chuyện trước mắt không có liên hệ gì đến đó cả". Nàng nói tiếp:
- Ta và Đinh sư tỉ gây gỗ rồi, nên sau đó không về lại núi Nga Mi, dẫn Bất nhi về ẩn cư ở núi Thuấn Canh ở phía tây cách ba trăm dặm. Hai năm qua, ngày ngày chỉ làm bạn với người dân quê, kẻ đốn củi, thật là tiêu dao an lạc. Nửa tháng trước, ta dẫn Bất nhi lên trên chợ mua vải, định may cho con bé vài cái áo mới, thấy trên góc tường vẽ bằng phấn trắng một vòng hào quang giữa có một thanh kiếm nhỏ, nét bút còn mới. Đó là dấu hiệu gọi đồng môn của phái Nga Mi, ta trông thấy không khỏi kinh hoàng. Suy nghĩ một hồi, ta với Đinh sư tỉ tuy bất hòa, nhưng không phải lỗi ở ta, ta cũng không làm chuyện gì khi sư phản môn, hôm nay thấy đồng môn lâm nạn, không thể không đến cứu giúp. Nghĩ thế ta đi theo dấu hiệu chỉ đường, tới Phượng Dương.
Ở trong thành Phượng Dương, ta lại nhìn thấy dấu hiệu, liền dắt Bất nhi đến Lâm Hoài Các tửu lâu, đã có bảy tám nhân sĩ võ lâm chờ sẵn, Thánh Thủ Già Lam Giản Tiệp của phái Không Động, Tiết Công Viễn của phái Hoa Sơn cùng ba sư huynh đệ cũng trong số đó. Thế nhưng không có đồng môn phái Nga Mi.
Ta trước đây đã từng gặp Tiết Công Viễn, Giản Tiệp rồi, hỏi nguyên do thì mọi người đều nhận được tín hiệu của đồng môn, liền tìm đến nơi này phó ước, còn vì chuyện gì thì chẳng ai hay biết.
Hôm đó ta chờ cả ngày, không thấy đồng môn Nga Mi nào cả, nhưng về sau lại kéo đến thêm mấy người, có Thần Quyền Môn, có Cái Bang, ai cũng nói là nhận được ước hiệu kêu gọi của đồng môn. Hôm sau lại có thêm mấy người khác, nhưng cũng chỉ những người nhận tín hiệu chứ không có ai là người đưa tín hiệu cả. Mọi người bàn với nhau xong đều nghi ngờ: Phải chăng cả bọn bị địch nhân đùa rỡn?
Thế nhưng cả mười lăm người tụ tại Lâm Hoài Các tửu lâu, bao gồm cả thảy chín môn phái, mỗi môn phái truyền tín hiệu hoàn toàn khác nhau, lại nghiêm thủ bí mật, ngoài người trong bản môn ra, người khác nhìn thấy không thể biết ý nghĩa thế nào. Nếu quả có địch nhân ở bên trong lén bố trí âm mưu, không lẽ y biết cả mật hiệu của toàn thể chín môn phái? Ta vốn dắt theo Bất nhi ngại gặp hung hiểm, lại cũng không muốn gặp đồng môn, thấy không phải phái Nga Mi cầu cứu liền dắt Bất nhi toan đi về.
Ta vừa xuống tửu lâu, bỗng nghe có tiếng cộc cộc, dường như có ai dùng gậy gõ vào bậc thang, tiếp theo là tiếng ho khúc khắc, thấy một bà lão lưng còng, tóc trắng như bông đi lên. Bà ta cứ đi vài bước lại ho mấy tiếng, thật là khó khăn, bên cạnh là một cô gái chừng mười hai, mười ba đỡ cánh tay trái. Ta thấy bà lão già cả, lại bệnh hoạn, liền đứng tránh qua một bên, nhường cho bà ta lên trước. Cô bé con thần thanh cốt tú, khuôn mặt thật là xinh đẹp. Bà lão tay phải cầm một cây gậy chống bằng gỗ trắng, mặc áo vải, trông như một bà cụ nghèo nàn, nhưng tay trái cầm một chuỗi tràng hạt màu vàng sáng lấp lánh, nhìn kỹ, thì ra chuỗi tràng hạt đó mỗi một hạt niệm châu đều đúc bằng vàng, hình bông hoa mai...
Trương Vô Kỵ nghe đến đây, nhịn không nổi vội nói chen vào:
- Bà cụ đó chắc là chủ nhân của bông hoa vàng, phải không?
Kỷ Hiểu Phù gật đầu:
- Đúng vậy. Thế nhưng lúc đó có ai nghĩ ra đâu?
Nàng lấy trong bọc ra một bông hoa mai nhỏ đúc bằng vàng, giống y hệt bông hoa mà lúc trước Trương Vô Kỵ đã đem vào cho Hồ Thanh Ngưu xem. Trương Vô Kỵ thấy lạ lùng, mấy hôm nay y vẫn nghĩ "chủ nhân những bông hoa vàng" này phải là một người hung ác dễ sợ, hình dạng ghê gớm, nay nghe Kỷ Hiểu Phù nói, hóa ra chỉ là một bà lão bệnh hoạn, quả thực y không thể nào tưởng tượng nổi.
Kỷ Hiểu Phù nói tiếp:
- Bà cụ đó lên trên lầu rồi lại ho một trận nữa. Cô bé gái nói: "Bà ơi, bà uống thuốc nhé?". Bà lão gật đầu, cô gái móc ra một cái bình sứ, lấy trong bình ra một viên thuốc, bà già nhai trệu trạo xong niệm mấy câu: "A Di Đà Phật, A Di Đà Phật". Đôi mắt già nua hấp háy, nói lẩm bẩm: "Chỉ có mười lăm người, hừ, ngươi hỏi họ thử xem, hai phái Võ Đương và phái Côn Lôn có ai đến không?"
Khi bà ta lên trên lầu không ai để ý, bây giờ nghe nói thế, mấy người tai thính trên chốn giang hồ liền quay đầu lại, thấy bà lão ốm yếu nghèo nàn, ai nấy tưởng mình nghe lầm. Cô bé con lớn tiếng nói: "Này, bà của ta hỏi các ngươi, hai phái Võ Đương và Côn Lôn có ai đến không?". Mọi người ai nấy sững sờ, không ai trả lời. Một lát sau, Giản Tiệp của phái Không Động mới trả lời: "Tiểu cô nương, cô nói gì thế?". Cô bé đó nói: "Bà của ta hỏi: Vì sao không thấy đệ tử hai phái Võ Đương và phái Côn Lôn?". Giản Tiệp hỏi lại: "Hai người là ai?". Bà lão lại gập người ho sù sụ một hồi.
Đột nhiên, một làn tập phong ào tới trước ngực ta. Làn gió đó không biết từ đâu đánh tới, nhưng nhanh lạ thường, ta vội đưa chưởng ra chống đỡ, thấy tức ngực, khí huyết dồn lên, đứng không vững, ngồi phịch xuống sàn, ói ra mấy ngụm máu tươi. Ta còn đang hoang mang chưa biết phải làm gì, thấy bà lão thân hình phiêu động, đông đánh ra một chưởng, tây đấm ra một quyền, thỉnh thoảng vẫn ho vài tiếng, trong nháy mắt đánh ngã tất cả mười bốn người còn lại. Bà ta ra tay thật bất ngờ, thân pháp lại quá nhanh nhẹn, kình lực mạnh mẽ, cả mười lăm người không ai trả lại được một chiêu, nửa thức nào. Người thì bị điểm huyệt, kẻ lại bị nội lực chấn thương tạng phủ. Lão bà bà đó liên tiếp vung tay trái, từng đóa hoa mai trong chuỗi tràng hạt lần lượt phóng ra, cắm vào cánh tay mỗi người. Bà ta quay lại, vịn vào cô gái, nói: "A Di Đà Phật" xong rồi run rẩy đi xuống lầu. Chỉ nghe tiếng gậy của bà ta gõ vào bậc thang cộc cộc chầm chậm, mỗi bước một xa hơn, thỉnh thoảng có tiếng ho khúc khắc truyền đến.
Kỷ Hiểu Phù nói đến đây, Dương Bất Hối đã kết được một cái vòng đội đầu bằng hoa, cười khúc khích chạy đến, nói:
- Mẹ, cái vòng hoa này cho mẹ đội nè.
Nói xong đội lên đầu Kỷ Hiểu Phù. Kỷ Hiểu Phù cười, kể tiếp:
- Lúc đó trên tửu lâu, cả mười lăm người đều nằm gục dưới sàn, có người thì còn rên được mấy tiếng, có người thở hổn hển không ra hơi...
Dương Bất Hối kinh hãi:
- Mẹ, mẹ nói chuyện bà già ác ôn đấy ư? Đừng nói, đừng nói, con sợ lắm.
Kỷ Hiểu Phù nói:
- Bé ngoan, con chạy đi hái hoa làm cho anh Vô Kỵ một cái vòng nữa.
Dương Bất Hối nhìn Trương Vô Kỵ, hỏi lại:
- Anh thích hoa màu nào?
Trương Vô Kỵ đáp:
- Anh thích màu đỏ, ồ, có cả màu trắng nữa, càng to càng tốt.
Dương Bất Hối giang hai tay nói:
- Bây lớn được không?
Trương Vô Kỵ nói:
- Được, cỡ bấy nhiêu đó.
Bất Hối vỗ tay vừa chạy vừa nói:
- Em làm xong anh phải đội đó nghe.
Kỷ Hiểu Phù kể tiếp:
- Trong khi ta đang mê man, thấy khoảng một chục người, toàn là tửu bảo, chưởng quĩ, nấu ăn trong tửu lâu, đi tới khiêng cả bọn xuống nhà bếp. Bất nhi lúc đó sợ quá khóc òa lên, líu ríu theo mẹ. Tên chưởng quĩ tay cầm một tờ giấy, chỉ Giản Tiệp nói: "Bôi thuốc cao vào đầu tên này". Lập tức một tên tửu bảo đem thuốc cao đã dự bị sẵn bôi lên đầu Giản Tiệp. Tên chưởng quĩ lại coi tờ giấy, chỉ một người nói: "Chặt tay bên phải tên này ráp qua tay bên trái". Hai tên đầu bếp lấy hai con dao sắc, theo đúng thế mà làm. Đến lượt ta may quá không bị hình phạt cổ quái nào, chỉ bắt uống một bát thuốc ngòn ngọt. Ta biết là thuốc đó thể nào cũng có chất cực độc, nhưng lúc đó số phận trong tay người, làm sao phản kháng gì được?
Sau khi cả mười lăm người bị họ thi hành những khổ hình quái dị xong, tên chưởng quĩ nói: "Các ngươi người nào cũng bị những chứng bất trị, không ai sống nổi quá mười ngày nửa tháng. Nhưng chủ nhân của bông hoa vàng nói rằng, lão nhân gia với các ngươi không thù không oán, thấy các ngươi thật đáng thương nên mở lòng từ bi chỉ cho một con đường sống. Các ngươi đi đến bờ hồ Nữ Sơn, kiếm Hồ Điệp Cốc khẩn cầu một người xưng là Điệp Cốc Y Tiên tên Hồ Thanh Ngưu chữa trị cho. Nếu như y bằng lòng ra tay, các ngươi mới mong hi vọng sống được, ngoài ra trên đời này không ai cứu nổi các ngươi đâu. Tên Hồ Thanh Ngưu này cũng còn một cái ngoại hiệu Kiến Tử Bất Cứu, các ngươi nếu không hết sức cầu khẩn, y chắc chắn không chịu động thủ. Các ngươi cũng nhắn với Hồ Thanh Ngưu rằng, chủ nhân bông hoa vàng không lâu sẽ đến kiếm y, bảo y nên mau mau chuẩn bị hậu sự là vừa". Y nói xong chỉ rõ lộ trình, cả bọn liền kéo nhau đến đây.
Trương Vô Kỵ càng nghe càng lấy làm lạ, nói:
- Kỷ cô cô, nếu như thế thì tất cả bọn chưởng quĩ, đầu bếp, tửu bảo đều cùng một bọn với bà già ác ôn kia ư?
Kỷ Hiểu Phù nói:
- Xem ra bọn đó đúng là thủ hạ của bà ta, tên chưởng quĩ cứ theo những điều viết trên tờ giấy của bà già ác ôn mà thi hành những khổ hình. Cho đến hôm nay, ta vẫn chưa minh bạch, tại sao mụ ta lại làm những việc quái dị đó? Nếu như có thù oán với bọn ta, muốn giết tất cả thì chỉ cần giơ tay là xong. Còn như muốn cho cả bọn thêm đau khổ, thì phải hành hạ thêm cách khác chứ sao lại chỉ đường cho đến tìm Hồ tiên sinh xin chữa trị? Lại nói không bao lâu nữa bà ta sẽ đi kiếm Hồ tiên sinh báo thù, không lẽ dùng phải dùng những cách thiên kỳ bách quái kia để thử tài Hồ tiên sinh chăng?
Trương Vô Kỵ trầm ngâm một hồi, nói:
- Nếu Kim Hoa bà bà muốn kiếm Hồ tiên sinh để gây sự, cứ lý mà nói, Hồ tiên sinh quả muốn chữa khỏi cho mọi người rồi cùng tất cả chung sức chống địch. Chính thế mà miệng ông ta nói không chữa, nhưng vẫn chỉ cho cháu các phương pháp giải cứu, đem áp dụng quả nhiên cực kỳ công hiệu. Nói trắng ra, ông ta ngoài mặt nói không, nhưng bên trong mượn tay cháu cứu người. Có điều là dạy cháu chữa cho mọi người khỏi rồi, nửa đêm lại len lén hạ độc, để cho mọi người sống dở chết dở, thật là kỳ quái.
Hai người bàn tán hồi lâu, không hiểu lý do tại sao. Dương Bất Hối đã làm được một cái vòng hoa thật to, để cho Trương Vô Kỵ đội trên đầu. Trương Vô Kỵ nói:
- Kỷ cô cô, từ rày chỉ khi nào chính cháu mang thuốc đến cô hãy uống, ngoài ra đừng có uống thuốc nào khác. Ban đêm cô nằm nhớ để sẵn binh khí, phòng có người gia hại. Trước mắt xem ra cô chưa đi khỏi đây được, để cháu làm ít thuốc tễ cho cô uống, sau khi không còn nội thương, sẽ tìm cách dẫn Bất Hối muội muội đào tẩu.
Kỷ Hiểu Phù gật đầu, nói:
- Này cháu, nếu gã họ Hồ có bụng khó dò như thế, cháu ở với y không phải là chuyện hay, hay là mình cùng trốn đi là hơn.
Trương Vô Kỵ nói:
- Ồ, ông ta trước nay đối với cháu thật tử tế. Hồi xưa ông ấy có nói rằng, chữa khỏi âm độc trong thân thể cháu xong rồi sẽ ra tay giết cháu. Thế nhưng ông ấy trị không xong, thành thử chẳng cần phải ra tay làm chi. Đúng ra lúc này mình cùng trốn đi, thật là ổn thỏa, thế nhưng trị nội thương cho cô còn mấy điều chưa rõ, cháu phải hỏi lại Hồ tiên sinh mới được.
Kỷ Hiểu Phù nói:
- Ông ta len lén hạ độc hại ta, nếu có dạy cháu phương thuật chữa trị sẽ cố ý nói sai không chừng.
Trương Vô Kỵ đáp:
- Không hẳn thế đâu. Những phương pháp Hồ tiên sinh dạy cháu tất cả đều hiệu nghiệm như thần. Nếu có gì đúng hay sai, cháu đều biện biệt được. Lạ là ở chỗ đó. Cháu nghĩ rằng nếu như chủ nhân bông hoa vàng đến gây chuyện với Hồ tiên sinh, ông ta đang bị bệnh, nhân lúc ông ta gặp khó khăn cháu bỏ đi không đành. Thế nhưng xem ra Hồ tiên sinh giả vờ bị bệnh đấy thôi.
Tối hôm đó, Trương Vô Kỵ không ngủ, đến lúc canh ba, quả nhiên lại nghe thấy tiếng chân Hồ Thanh Ngưu từ trong phòng đi ra, đến cái chòi của Kỷ Hiểu Phù bỏ thuốc độc. Cứ như thế ba ngày liền, Kỷ Hiểu Phù vì không uống thuốc có độc nên bệnh tình thuyên giảm rất nhanh. Còn bọn Giản Tiệp, Tiết Công Viễn lại tái phát, bệnh trở qua trở lại, có mấy người tính tình nông nổi đã tỏ giọng oán thán, chê Trương Vô Kỵ y thuật kém cỏi. Trương Vô Kỵ không thèm lý tới, nghĩ thầm chỉ một đêm nữa thôi, sẽ cùng mẹ con Kỷ Hiểu Phù trốn đi thật xa, vì âm độc trong người mình không trừ được, nên cũng chẳng về núi Võ Đương làm gì để thái sư phụ và các sư thúc, sư bá khỏi thêm đau lòng, chi bằng kiếm một nơi thật hoang vắng rồi chết để khỏi ai hay.
Đêm hôm đó khi đi ngủ, Trương Vô Kỵ nghĩ đến sáng sớm mai mình sẽ ra đi, Hồ Thanh Ngưu tuy cổ quái nhưng đối với mình không có gì không phải, nếu không nhờ ông ta chữa bệnh làm sao sống được đến hôm nay? Hơn hai năm qua, lại được ông ta dạy cho biết bao nhiêu là y thuật, nghĩ đến điều đó, khi sắp ra đi thấy buồn man mác, bèn đến trước phòng ông ta, hỏi thăm vài câu. Y tưởng đến việc Kim Hoa bà bà nay mai sẽ đến sinh sự, không biết ông ta chống trả cách nào, lòng không khỏi lo lắng, bèn nói:
- Hồ tiên sinh, ông ở tại Hồ Điệp Cốc này sống cũng đã lâu, bộ không thấy chán sao? Chi bằng đi nơi khác chơi cho đỡ buồn.
Hồ Thanh Ngưu ngạc nhiên nói:
- Ta đang bị bệnh, làm sao đi được?
Trương Vô Kỵ nói:
- Kiếm một cỗ xe thì đi được chứ khó gì. Chỉ cần dùng vải che kín cửa trong cửa ngoài, không để cho gió vào là được. Nếu ông muốn đi ra ngoài, cháu sẽ đi cùng.
Hồ Thanh Ngưu thở dài:
- Hài tử, cám ơn cháu có lòng tốt. Trời đất tuy rộng, nhưng e rằng ở đâu cũng thế thôi. Mấy hôm nay cháu thấy trong ngực thế nào? Ở đan điền hàn khí có xông lên không?
Trương Vô Kỵ đáp:
- Hàn khí mỗi ngày một nặng, không có thuốc gì chữa được cả, thôi cũng đành để tự nhiên tới đâu hay đó.
Hồ Thanh Ngưu im lặng một hồi, nói:
- Để ta cho một cái toa cứu mệnh cho cháu, dùng Đương Qui, Viễn Chí, Sinh Địa, Độc Hoạt, Phòng Phong năm vị, đến canh hai dùng Xuyên Sơn Giáp làm thuốc dẫn, uống ngay đi.
Trương Vô Kỵ giật mình kinh hãi, thấy năm vị đó chẳng liên quan gì với bệnh của mình, dược tính xem ra có chỗ xung đột là khác, dùng Xuyên Sơn Giáp làm thuốc dẫn thật chẳng thông chút nào, hỏi lại:
- Tiên sinh, những thuốc đó phân lượng ra sao?
Hồ Thanh Ngưu nổi giận:
- Phân lượng càng nhiều càng tốt. Ta đã nói rồi sao không mau mau cút ra đi.
Mấy năm qua, mỗi khi Hồ Thanh Ngưu bàn luận y lý, dược tính với Trương Vô Kỵ đối với y nửa học trò, nửa bạn hữu, luôn luôn có vẻ lễ mạo, lúc này ăn nói chẳng chút lưu tình, Trương Vô Kỵ nghe xong, không khỏi nổi giận bừng bừng quay về phòng ngủ, nghĩ thầm: "Ta có bụng khuyên ông ta đi xa tránh họa, để khỏi bị sỉ nhục, vậy mà lại cho một cái toa láo lếu, tưởng mình không biết hay sao?". Y nằm trên giường, nghĩ đến ngôn ngữ vô lễ của Hồ Thanh Ngưu, đang mơ mơ màng màng định ngủ, bỗng dưng nghĩ ra: "Đương Qui, Viễn Chí... sao lại phân lượng càng nhiều càng tốt là sao? Hay là... hay là ông ta muốn nói Đương Qui là "nên đi về đi"?"
Khi nghĩ ra Đương Qui là nên đi về đi, y lại nghĩ tiếp Viễn Chí ắt là "chí ở phương xa, cao bay xa chạy", Sinh Địa và Độc Hoạt thì ý đã rõ ràng đó là sinh lộ, có thể sống được. Còn Phòng Phong thì sao? Ồ, thì là nên "đề phòng tiết lộ phong thanh". Y nghĩ tiếp: "canh hai dùng Xuyên Sơn Giáp làm thuốc dẫn, uống ngay". Xuyên Sơn Giáp là theo đường núi đào tẩu, đừng theo đường lớn mà đi, canh hai này nên trốn lập tức.
Nghĩ đến đây y thấy cái toa thuốc quái đản của Hồ Thanh Ngưu đã giải được liền nhỏm dậy, nhưng lại nghĩ tiếp: "Hồ tiên sinh biết rằng trước mắt đại họa lâm đầu, nên có lòng tốt bảo mình đi trốn, thế nhưng lúc này địch nhân chưa đến, sao ông ta không nói trắng ra cho mình hay, mà lại dùng mật ngữ như thế? Nếu như ta không nghĩ ra, có phải làm hỏng việc không? Bây giờ canh hai đã qua rồi, mình nên chạy ngay. Y nghĩ thầm ắt Hồ tiên sinh có điều khó nói cần dấu, nên trong những ngày qua không chịu trốn đi, rất có thể bên trong đã an bài cơ quan xảo diệu để đối phó với cường địch rồi. Tuy ông ta nói mình "Phòng Phong, Độc Hoạt", nhưng mẹ con Kỷ cô cô không thể không cứu.
Nghĩ thế y lặng lẽ ra khỏi phòng, đi đến cái chòi tranh của Kỷ Hiểu Phù. Y thấy Kỷ Hiểu Phù nằm trên đám cỏ, nhưng có một người đang cúi xuống đè lên người nàng. Đêm đó có trăng sáng, dưới ánh trăng chiếu vào căn lều, Trương Vô Kỵ thấy người đó mặc áo xanh, đầu đội khăn vuông, vải xanh che mặt, chính là Hồ Thanh Ngưu, trong một chớp mắt bao nhiêu mối nghi ngờ nổi dậy.
Hồ Thanh Ngưu tay trái đè lên mặt Kỷ Hiểu Phù, ép cô ta phải há miệng ra, tay phải cầm một viên thuốc, tính nhét vào mồm nàng. Trương Vô Kỵ thấy tình hình nguy cấp, vội nhảy vào, kêu lên:
- Hồ tiên sinh, ông không thể hại người...
Người kia kinh hãi quay đầu lại, tay lơi ra, nghe bình một tiếng, lưng đã bị Kỷ Hiểu Phù đánh trúng một chưởng. Thân hình y ngã xuống, chiếc khăn che mặt cũng tung ra một bên. Trương Vô Kỵ vừa nhìn qua, bất giác kinh hãi kêu lên. Thì ra người đó không phải Hồ Thanh Ngưu, mà là một người đàn bà trung niên, mặt hoa da phấn.
[1] Lục phủ ngũ tạng nói về chức năng của các bộ phận chứ không phải chi nói về cơ quan theo nghĩa sinh lý học (xin xem thêm Đông Y và Chân Khí Vận Hành Pháp của dịch giả)
[2] tức là cứu (châm là dùng kim đâm vào huyệt-acupunture, cứu là dùng ngải đốt hơ nóng bên ngoài-moxibustion)
[3] tự thưởng thức cái thơm tho của mình
[4] lạnh, nóng, khô, ẩm ướt, gió
[5] vui, giận, lo, suy nghĩ, sợ hãi
[6] người thầy thuốc giỏi có thể cải tử hoàn sinh
[7] Theo Minh Sử, truyện Thường Ngộ Xuân viết: Thường Ngộ Xuân bị bạo bệnh mà chết năm bốn mươi tuổi.
[8] Theo y thư Trung Quốc, tam tiêu được dùng để hình dung các loại tuyến nội tiết trong cơ thể. Hiện nay y khoa Tây phương cũng chưa hiểu rõ lắm về hoạt động và sự điều hòa của các tuyến nội tiết, là một bộ môn rất khó khăn trong y khoa.
[9] những điều khó biết
[10] thần hộ vệ đức Phật (Sanharama)
[11] mạch sáp là trì trệ, đi không trơn, mạch hoạt là mạch đi nhanh