Mấy ngày sau đó, Tiêu Dư An vừa nhớ lại kịch bản trong nguyên tác vừa cùng Yến Hà Thanh đối thoại, nhưng mà hắn cũng chỉ nhớ câu được câu mất, thành ra lúc nói chuyện thường xuyên có cảm giác có chút thiểu năng.
Tỉ như trong nguyên tác Lâm Tham Linh nói: Công tử, ngươi nghe kìa, là chim én đó, nghe lão nhân nói, mỗi năm khi mùa xuân đến bọn chúng đều sẽ tới đây…
Câu nói kế tiếp, Tiêu Dư An không nhớ kỹ, tự mình nhịn không được lại nói tiếp một câu: Mỗi năm khi đến mùa xuân lại tới đây, ta hỏi chim én vì sao ngươi lại tới, chim én nói, tiết xuân ở nơi này là đẹp nhất! A~! Đẹp nhất!*
(*Này là một bài hát thiếu nhi, tên là “Chim én nhỏ” ai nghe thì vào đây hoặc kéo xuống cuối truyện.)
Lại ví dụ như, một ngày nọ Tiêu Dư An lên núi, ở trong suối nhìn thấy một con cá chép màu đỏ, hắn nhớ tới Lâm Tham Linh cũng đã từng ở trong suối nhìn thấy một con cá chép màu đỏ, lúc trở về có kể cho Yến Hà Thanh.
Vậy là khi trở về hắn cũng đi tìm Yến Hà Thanh kể: “Công tử, hôm nay ta ở trong suối nhìn thấy một con cá chép đỏ… ờm… cá chép đỏ…”
Sau đó phải nói thêm cái gì thì Tiêu Dư An lại không nhớ rõ, thế là lắp bắp nghẹn nửa ngày: “Cá chép đỏ… ờm… đúng, cá chép đỏ… cá chép đỏ cá chép xanh giống như lừa*!”
(*Câu này là chơi chữ, đọc bằng tiếng trung thì như này: “Hóng lǐyú lǜ lǐyú yǔ lǘ”, giống như cái câu “Lúa nếp là lúa nếp làng, lúa lên lớp lớp lòng nàng lâng lâng” Hoặc câu “Buổi trưa ăn bưởi chua” của mình ấy.)
Yến Hà Thanh: “…”
Tiêu Dư An cứ nói mấy lời linh tinh như thế, nhưng Yến Hà Thanh không chất vấn, cũng không ghét bỏ. Tiêu Dư An thì lại nghĩ, đại khái là do bản thân hắn là nam chính của văn ngựa giống cho nên dễ dàng tha thứ cho các “em gái”.
Vết thương của Yến Hà Thanh lại một lần nữa dần khép lại, không có dấu hiệu tiếp tục bị rách ra nữa, điều này khiến Tiêu Dư An càng thêm tin tưởng vào việc phải đi theo kịch bản trong nguyên tác.
Sầu đến sầu đi, cứ thế mà thoáng cái đã qua hai ngày.
Ngày hôm đó, Yến Hà Thanh đang ở trong nhà gỗ nghỉ ngơi, Tiêu Dư An ở bên ngoài nhà gỗ giã thuốc, đột nhiên trong bụi cỏ cách đó không xa truyền đến tiếng sột soạt. Tiêu Dư An cho rằng là động vật nhỏ gì đó thành ra cũng không để ý mà ném một hòn đá qua, cho rằng đã dọa được thứ đó bỏ đi.
Kết quả trong bụi cỏ truyền tới một tiếng “ối” làm Tiêu Dư An giật cả nảy.
Bởi vì đó là tiếng người.
Tiêu Dư An vừa cẩn thận từng li từng tí đi qua bên đó vừa nghĩ thầm không biết là yêu nghiệt phương nào, đột nhiên từ trong bụi cỏ một thân ảnh bất ngờ nhảy ra, gào lên một tiếng bổ nhào tới chỗ Tiêu Dư An, trong nhất thời cả hai lăn thành một đoàn.