Xuyên Sách Hệ Thống Buộc Ta Phải Viết Văn

Chương 42: 42 Lê Thuỳ


Thím Lan đã đỡ hơn rồi, chân cũng được bác sĩ băng bó nên tinh thần khá tốt.

Đội trưởng lại hỏi thím: "Có cần gọi cho thằng Quân không?"
Thằng Quân được nhắc đến ở đây là Hoàng Bách Quân, con trai duy nhất của thím Lan.
Thím lắc đầu: "Dạ không cần, bác đừng gọi."
Giờ gọi chẳng có ích gì, chỉ làm thằng nhỏ lo lắng hơn mà thôi, nó đã đủ vất vả rồi.
Đội trưởng thấy thím kiên quyết như vậy đành nghe theo.
Phòng bệnh có sáu bảy cái giường, đều trống, trên giường chỉ có một cái đệm rơm mỏng, còn lại thứ gì cũng chẳng có.

Vợ đội trưởng vỗ đùi: "Tôi quên mất, phải về để lấy đồ đạc.

Mọi người ở đây nhé!"
Đoạn, bà nhanh chóng chạy theo đội trưởng.

Dương Gia Nghi và cháu dâu đội trưởng nhìn nhau, nhất thời không biết nói gì.

Tuy cô đã đến thôn Hoàng Gia được gần một tháng, nhưng mỗi khi làm việc đều làm riêng một khu vực, tách biệt với những thôn dân còn lại.

Bởi vậy, dù đã đến đây một thời gian nhưng cô chỉ quen được thím Lan và đội trưởng.
Đối với con dâu nhà đội trưởng, Dương Gia Nghi chỉ biết sơ sơ.
Vợ chồng đội trưởng có tổng cộng một trai một gái.

Người con trai lớn đang ở trong quân đội, người con gái út chuẩn bị lấy chồng.

Đời cháu thì có mỗi đứa cháu đích tôn, năm nay hai tuổi.
Ngồi nói chuyện một lát mới biết, con dâu nhà đội trưởng tên là Lý Hương, năm nay hai mươi mốt.
Hai người chưa kịp nói gì nhiều thì phòng bệnh lại được mở ra.

Âm thanh nhốn nháo ồn ào truyền vào.
Một bà bác tuổi chừng năm mươi, dáng người ốm yếu, được một thanh niên cõng vào đặt lên giường bệnh.

Đi phía sau là hai nữ một nam.
Đoàn người vào tới cũng đánh vỡ sự yên tĩnh khó được của phòng bệnh.
Chỉ nghe thấy một người phụ nữ giở giọng chanh chua: "Người cũng đưa tới rồi, chúng tôi còn có việc phải về trước đây!"
Người phụ nữ nhỏ tuổi hơn trợn tròn mắt: "Anh chị bỏ mặt mẹ ở đây mà xem được à?"
"Bỏ mặt cái gì? Không phải còn có chú thím sao? Mẹ là mẹ chung chứ có phải mẹ của riêng ai đâu, bấy lâu nay vợ chồng tôi chăm sóc mẹ như vậy là đủ rồi."
Dương Gia Nghi nghe giọng quen quen, nhìn kỹ lại, người phụ nữ nhỏ tuổi hơn chẳng phải là nhân viên bán hàng ở Cung Tiêu Xã hay sao.
Lại nghe hai bên cãi nhau một lúc, cô mới rõ đầu đuôi câu chuyện.

Người bán hàng tên là Lê Thuỳ, lấy chồng là Lý Toàn.

Nhà Lý Toàn chỉ có hai anh em, anh trai cả tên Lý Nghĩa, lấy vợ tên Đặng Thu Mi, phía trên còn một mẹ già.
Lê Thuỳ và Lý Toàn đều có hộ khẩu ở nông thôn, nhưng hai người đều nỗ lực lấy được bằng cấp ba, vì vậy mà tìm được việc làm ở trong huyện.


Còn Lý Nghĩa thì học dở nên nghỉ học sớm, chỉ phải ở lại thôn trồng trọt kiếm công điểm.
Mâu thuẫn bắt đầu từ đây.

Vợ chồng Lý Toàn đều ở trong huyện nên chuyện chăm sóc mẹ già được để lại cho vợ chồng anh trai, bù lại, mỗi tháng họ sẽ chu cấp 5 đồng xem như tiền dưỡng lão.

Đặng Thu Mi có tính tình nhỏ nhen keo kiệt, nhưng vì mỗi tháng 5 đồng nên cô ta nhịn, mọi chuyện xem như tương đối êm ấm.
Khoảng thời gian trước, Lê Thuỳ sinh con.

Thời đại này không được phép thuê người trông trẻ nên, vì có thể tiếp tục đi làm, Lê Thuỳ đón mẹ ruột từ quê lên để trông cháu.

Cha cô mất sớm, cô lại là con một nên mẹ cô chẳng ngại ngần gì mà nhanh nhẹn gói ghém đồ đạc lên phụ giúp con cháu.
Chuyện tưởng chừng như không có vấn đề này lại bị Đặng Thu Mi ghim ở trong lòng.

Cô ta nghĩ Lê Thuỳ đón mẹ ruột lên hưởng phước còn mẹ chồng thì quẳng cho mình nên sinh lòng oán hận, đi ra đi vào chì chiết đay nghiến mẹ chồng.

Mới đầu, mẹ Lý Nghĩa nhịn, nhưng bị nói nhiều bà cũng giận, thế là mở miệng cãi lại.

Đặng Thu Mi tức quá với tay đẩy mẹ chồng một cái khiến bà ấy bị gãy chân.
Sự việc diễn ra đến mức này, hai vợ chồng Lý Nghĩa không dám bỏ mặt nên tức tốc đưa mẹ vào bệnh viện, sẵn tiện thông báo cho vợ chồng Lý Toàn.

Gặp nhau ở đây, Đặng Thu Mi vừa thấy mặt Lê Thuỳ thì lại nhớ đến nguyên nhân gây ra tất cả, vậy là cô ta quyết đẩy mẹ chồng cho vợ chồng Lê Thuỳ chăm sóc.

Theo ý cô ta thì nuôi một người cũng là nuôi, nuôi hai người cũng là nuôi.

Lý Toàn nuôi mẹ vợ được thì cũng phải nuôi mẹ ruột được.
Cả quá trình, giọng Đặng Thu Mi cao vút, riêng Lý Nghĩa thì ôm đầu gục mặt, tuỳ ý vợ muốn nói gì thì nói.

Cũng có lẽ vợ gã nói đúng ý lòng nên hắn chẳng buồn mà răn dạy.
Lý Toàn nhìn anh trai như vậy thì rất thất vọng.

Không nói đến việc mẹ vợ vừa phải trông cháu lại phải làm việc nhà, vốn dĩ chẳng có gì gọi là hưởng phước, chỉ nói đến mỗi tháng hắn đều gửi 5 đồng về thì chẳng thể nói hắn bỏ mặt mẹ ruột được.
Trước kia anh trai là người vô cùng hiếu thuận, tình nghĩa giữa họ cũng rất sâu đậm.

Chẳng biết tình cảm thay đổi từ khi nào....