Chiều thu xào xạc lá rơi, bên trà quán ven đường đối diện khách điếm có một khách hiệp tuổi mới chừng hai mươi, mặc Thô Bố Y(*) đã cũ sờn, đầu đội mũ vành lớn rèm che kín mặt. Vị khách hiệp ngồi uống trà ở quán này đã hai canh giờ, thủy chung đều không nói một lời, mặt cũng chỉ nhìn vào tường, hẳn thần nhãn có thể quan sát được cả phía sau.
Trời vừa tối cũng trả tiền trà, lên ngựa nhằm hướng Nam Sách mà đi, vị khách hiệp rời bước chưa lâu, bên kia khách điếm Lữ Kiệt cũng về cùng một nam nhân chừng thập tứ tuần, người này ăn mặc tuy mộc mạc nhưng vẫn toát lên một phong thái xuất thần.
Lữ Kiệt về đến nơi đứng khép bên cửa thưa vào:
- Gia Gia! Chu Tiên Sinh đã đến rồi!
Cánh cửa hé mở, người đứng bên trong là Tiểu Bạch, nàng còn nhìn Lữ Kiệt làm mặt quỷ một cái, hắn không dám nói gì, cơ bản lúc này hắn cũng chẳng dám nói gì, hắn mặt lạnh làm ngơ quay đi nhường lối cho Chu Tiên Sinh vào.
Trong phòng lúc này bọn Lữ Đường Mạnh Nguyên và Phượng Nhi cũng đã rời đi hết, chỉ có mình Tiểu Bạch ở lại hầu chuyên Lão Thái Gia. Nha đầu Tiểu Bạch này được Lão Thái Gia vô cùng yêu quý, từ khi nàng còn bé Lão Thái Gia cho nàng theo cùng vào mật thất khi luyện công, trong số những đệ tử chính tông của Lữ Gia nàng là người được yêu quý nhất, vì thế mà ngay cả đến Lữ Kiệt là cháu đích tôn của Lão Thái Gia cũng phải nhượng bộ nàng mấy phần.
Lúc này Lão Thái Gia vẫn ngồi trong bức bình phong nói ra:
- Ta nghe nói ngươi là thần y có thể cứu người chết sống lại.
Chu Tiên Sinh khiêm tốn nói:
- Đó chỉ là lời tâng bốc của thiên hạ thôi, người chết sao có thể cứu sống lại được.
Sắc mặt Lão Thái Gia có chút khích động khi nghe lời nói này, lại tiếp lời:
- Chuyện này ta chính tai nghe từ các bậc danh môn trong thiên hạ, không lẽ họ cũng nói xàm sao?
Chu Tiên Sinh bình thản nói:
- Có lẽ Lão Thái Gia nhận nhầm người rồi!
Nói xong toan quay ra, bên trong lại nghe Lão Thái Gia đó nói tiếp:
- Chu Tam ngươi không nhận ra ta sao?
Chu Tiên Sinh tên thật là Chu Tam, nghe lời nói này thần sắc có vẻ kinh hãi, mồ hôi trán liền đổ ra đầm đìa, bàn tay hắn run lên nhè nhẹ. Quả là ngay từ lúc đầu nghe giọng nói này y đã cảm giác có gì đó quen thuộc. Ban chiều khi nam tử kia đến đón y nói rằng hắn tên là Hà Kiệt. Hắn nói trong nhà có vị Gia Gia bị bệnh ho lâu ngày không chữa khỏi, khẩn cầu y tới giúp. Chu Tam là thầy lang đức độ, nói đến chuyện cứu người hẳn không thể làm ngơ, liền theo Hà Kiệt đến nơi thăm bệnh.
Chu Tam đứng chết chân ở đó cho dù thần tình hắn muốn nhanh chóng biến mất khỏi nơi này, giọng người đàn bà lại tiếp:
- Tiểu Bảo vẫn khỏe chứ, ngươi có đối tốt với nó không ?
Giọng bà ta có vẻ ôn tồn không có phần tức giận, Chu Tam cũng có phần yên lòng liền thưa :
- Tiểu nhân sao dám đối xử không tốt với nàng, Tiểu Bảo nàng ấy sống rất tốt, hàng ngày vẫn nhớ đến Lão Thái Gia.
- Nó còn nhớ đến ta sao ?
Giọng Lão Thái Gia có phần buồn rầu, lại hỏi tiếp :
- Nó sinh cho ta đứa cháu nào chưa ?
Chu Tam vội thưa :
- Tiểu nhân có một nữ tử năm nay đã mười tám tuổi.
Lão Thái Gia thở dài nói:
- Vậy là đã mười tám năm rồi!
Chu Tam liền quỳ xuống vái sâu đến đất nói:
- Xin Lão Thái Gia hãy tha cho chúng con!
Chỉ nghe Lão Thái Gia sầu thảm nói:
- Ta đã tha thứ cho các ngươi từ mười tám năm trước, khi Tiểu Bảo cùng ngươi bỏ trốn đi, ta biết ta đã sai rồi.
Chu Tam nghe vậy mừng đến rơi lệ, hắn liền dập đầu liên hồi mà cảm tạ, đến nỗi máu trên trán đã rớm ra, bên trong giọng Lão Thái Gia có vẻ khẩn cầu:
- Nếu có thể hãy đưa chúng về Lữ Đường Gia Bảo!
Chu Tam cảm kích thưa:
- Chu Tam xin vâng lời!
Câu chuyện này bắt đầu từ hai mươi năm trước. Chu Tam lúc đó còn là một tiểu sinh chế thuốc trong Lữ Gia, chàng dù không biết võ công nhưng tài năng y thuật thật hơn hẳn người thường. Vào đêm trăng Trung Thu chàng gặp Lữ Tiểu Bảo, nữ tử của Lão Thái Gia. Hai người vì mến mộ mà sinh tình ý, lấy trăng thề nguyện, trao thân cho nhau. Lão Thái Gia biết chuyện này một mực phản đối, lão chỉ có một cô con gái duy nhất là Tiểu Bảo, lại cho rằng Chu Tam là kẻ lang sinh không môn đăng hộ đối, nàng bị nhốt trong mật thất suốt bảy ngày đêm. Cuối cùng Lữ Thuận biểu ca của nàng vì thương cảm đã bí mật thả nàng ra, còn chỉ chỗ Chu Tam ẩn nấp, hai người nắm tay nhau trốn khỏi Lữ Đường Gia Bảo phiêu bạt giang hồ. Năm ấy khi ra đi Tiểu Bảo đã mang cốt nhục của Chu Tam, ngoài mặt Lão Thái Gia vô cùng tức giận sai đệ tử Đường Gia đuổi theo truy bắt, nhưng trong thâm tâm lại xót thương Tiểu Bảo và ân hận về việc mình đã làm. Hôm nay nghe đến thần y Chu Tiên Sinh liền cho Lữ Kiệt đến vời, quả thật người này chính là Chu Tam năm xưa.
Chu Tam nhớ tới việc Lữ Kiệt nói lúc ở tư gia liền hỏi:
- Gia Gia! Mười tám năm nay bệnh phong hàn của Gia Gia vẫn chưa thuyên giảm sao ?
Lão Thái Gia lại phát ra mấy tiếng ho khụ …khụ …khụ … ! rồi mới nói tiếp :
- Nhờ số Bổ Phế Dược của ngươi để lại ta cũng cầm cự được suốt mười tám năm qua, điều này phải cảm ơn ngươi.
Chu Tam vội nói :
- Đó là bổn phận của Chu Tam ! Mười tám năm nay con đã nghiên cứu nhiều loại sách cổ liên quan đến bệnh này, cuối cùng cũng tìm ra phương pháp chữa trị, có điều …!
Nói đến đây hắn lại ngập ngừng hẳn là có điều khó nói, Lão Thái Gia nghe vậy liền bảo:
- Ngươi cứ nói đi!
Chu Tam mới tiếp lời:
- Hàn độc trong người Gia Gia tích tụ lâu ngày, linh dược trong thiên hạ đều không thể trị hết được, chỉ có một cách duy nhất là dùng Hỏa Long Huyền Pháp đẩy Hỏa Long khí vào trong nội phế mới trừ được hết hàn độc.
- Hỏa Long Huyền Pháp !- Lão Thái Gia có phần chấn động hỏi lại – Ngươi nghĩ Yên Nam Tử chịu chữa bệnh cho ta?
Chu Tam cẩn trọng tiếp lời :
- Yên Nam Tử tuy hai mươi năm nay ẩn cư giang hồ không màng chuyện thế sự, nhưng ông ta là người nhân nghĩa chắc chắn ra tay tương trợ. Có điều tìm ông ta rất khó.
Lão Thái Gia ôn tồn:
- Chuyện này cứ hãy để sau, ngươi lui trước đi.
Chu Tam vâng lời vội lui ra.
Bên ngoài trăng đã treo cao, gió Thu se lạnh,Trấn nhỏ đã chìm vào giấc ngủ.
***
Nam Sách Phủ…
Một ngày trước Dương Cát Lợi và Đỗ Cảnh Thạc cũng đã cho quân lính rời về kinh thành. Trong phủ Nam Sách kẻ ra người vào đều khá đông đúc, hôm nay Phạm Lệnh Công mở tiệc Anh Hùng, mời thập nhị lộ anh hùng trong Tĩnh Hải đến cùng nghị sự việc chính kinh đại biến.
Trong Đại Khách Đường đã có đến hơn hai trăm người, một số đến đây từ chiều hôm qua. Phần lớn là đệ tử các phái Thiên Quân Môn, Không Động, Yên Viên, Võ Đang, Nga My, An Nam Quyền và một số chi phái nhỏ gần Nam Sách cũng tới dự. Trên Chính Khách Đường một hàng ghế xếp theo hình cánh cung gồm mười chiếc ghế lớn, dường như vẫn còn nhiều chỗ trống. Phạm Chiêm ngồi ghế chủ bên tả, bên hữu là Thiền Ông phương trượng chùa Nam Thiếu Lâm Lục Tổ, ngồi đằng sau Thiền Ông có Tịnh Độ đại sư của Bắc Thiếu Lâm, tuy là đại diện của Bắc Thiếu Lâm nhưng Tịnh Độ thấy mình là bậc hậu bối không dám ngồi trên ghế chính, chỉ dám ngồi sau Thiền Ông, phía dưới có Lý Khuê và Trần Lãm, bên cạnh Phạm Chiêm là Nguyễn Thủ Tiệp.
Nguyễn Thủ Tiệp người Vũ Ninh là anh trai cả của Nguyễn Siêu năm nay tuy mới 36 tuổi nhưng đã là trưởng môn Thiên Quân Môn, là một trong ba phái lớn nhất Tĩnh Hải, người này trí dũng song toàn, mưu lược hơn người, xưng bá một cõi.
Ngồi gần Nguyễn Thủ Tiệp là Hồ Vạn Xuân trưởng môn Ngũ Tiên phái, Ngũ Tiên là một đại phái lớn ở vùng Hạ Long, thông thường đệ tử của Ngũ Tiên ít khi vào trong Tĩnh Hải, nhưng những chuyện đại sự trong Tĩnh Hải, Ngũ Tiên vẫn cử đệ tử của mình vào giúp. Ngũ Tiên tự xưng là Tiên Tộc thuộc dòng Lạc Việt cổ, bộ lạc này thờ thần Âu Cơ là mẹ của trời đất.
Phạm Chiêm đứng trên Chính Đường vòng tay thi lễ một lượt, xong nâng ly rượu nên khách khí nói:
- Phạm mỗ hôm nay được các vị hào kiệt chiếu cố đên tệ phủ thật lấy làm vinh hạnh! Chung rượu này xin được kính các vị!
Bên dưới quan khách đều đứng cả dậy đáp lễ, không khí vô cùng nhộn nhịp, bỗng nhiên từ xa một lão nhân chừng hơn 60 tuổi, lưng đeo một thanh đại đao nói lớn tiến vào:
- Rượu ngon sao có thể thiếu lão !
Mọi người đều quay lại nhìn, liền tránh đường cho lão, khách đường nhốn nháo cười nói :
- " Triệu Lão Đồng Tử đến rồi "
Lão nhân ấy vẫn vẻ hồn nhiên mà cười, người này không ai khác chính là Nhất Vương Đao Triệu Tông Thuận. Triệu Tông Thuận tính tình cổ quái, tuy tuổi đã 65 nhưng vẫn đùa vui như trẻ nhỏ vì thế mà giang hồ còn phong cho ông ta cái hiệu "Lão Đồng Tử ".
Phạm Chiêm thấy lão cười lớn nói:
- Triệu sư đệ! Xin mời! Xin mời!
Triệu Đồng Tử cũng vừa đến nơi, liền ghé lấy cốc rượu trên tay Phạm Chiêm uống một hơi hết sạch. Ở dưới mọi người đã quen với tính Lão cũng chẳng thấy gì làm lạ lùng chỉ cười nghiêng ngả, Phạm Chiêm cũng lắc đầu cười, xong liền lấy một chén khác mời tất cả đồng đạo.
Chén rượu vừa uống cạn bên ngoài chợt nổi lên một đợt gió khác lạ, một tiếng cười ngân vang khiến ai nấy đều có chút kinh hoàng.
- Phạm Gia hôm nay quả thật đông vui!
Người này dùng nội công phát ra tiếng nói vì thế tuy ở rất xa nhưng âm thanh vô cùng rõ ràng, hẳn đây là Vạn Lý Truyền Âm Công của Lữ Đường Gia Bảo
Thiền Ông Đại Sư liên đứng dậy dùng Sư Tử Hống thần âm nói lớn :
- Lữ Đường Công Tử đã đến rồi ! sao không chịu ra mặt.
Từ trên không trung một nam nhân vận bạch y, da trắng hồng, tóc mai bềnh bồng, thập phần tuấn mỹ, trên tay cầm Bạch Phiến nhẹ như gió đáp xuống, không ai khác chính là Lữ Đường.
- Đại sư nhãn quang quả thật tinh tế! - Lữ Đường khâm phục nói.
Phạm Chiêm vòng tay thi lễ:
- Lữ Đường Công Tử đường sá xa xôi ghé đến phủ thật lấy làm vinh hạnh.
Bên ngoài lại một cơn gió lớn thổi đến, một đoàn người đang tiến vào khách đường đi giữa là một lão nương đã ngoại lục tuần, người này sức khỏe không được tốt, thần sắc có chiều nhợ nhạt.
Khụ …Khụ…Khụ…
Lão nương ấy vẫn phát ra tiếng ho quen thuộc, toàn thể Khách Đường ai nấy đều dõi nhìn, thần tình có phần hoang mang.