Trung tâm thời trang đã được xây dựng, đầu tư vào đấy hai trăm triệu, xây
ngay bên cạnh khu kĩ thuật cao của thành phố, mở rộng khu này lên hơn
sáu trăm mẫu. Mặt hàng đều dùng thiết kế hàng đầu của thị trường quốc
tế; có ba khu dệt, may áo quần, đồ da và tám khu vực khác gồm nơi để đồ
quí giá, kho tàng vật tư, trưng bày triển lãm, hàng điện tử, nghiên cứu
khoa học kĩ thuật, giao dịch quốc tế, đồ dùng sinh hoạt, vui chơi giải
trí; đồng thời xây dựng các cơ cấu dịch vụ như thương mại, thuế vụ, công an, y tế, giám sát kĩ thuật, tài chính, thông tin. Trung tâm sẽ đứng
vững trong “khái niệm thị trường của thế kỉ mới” có lượng giao dịch hàng năm lên đến hàng chục tỉ đồng.
Thành lập Ban chỉ huy cấp cao,
tổng chỉ huy là ông Lư, Bí thư thành ủy, phó chỉ huy là ông Phan Chấn
Vũ. Theo thông lệ, ông Bí thư chỉ có tên vậy thôi, công việc cụ thể do
phó chỉ huy Phan Chấn Vũ phụ trách. Sau nghi thức khởi công, bắt đầu
công việc xây dựng cơ bản, có đến tám trăm nghìn mét vuông xây dựng,
Hiến Dũng không kìm nén nổi thèm muốn.
Đối với Hiến Dũng, Trung
tâm này là cơ hội hiếm có, anh ta mong được Xuyên Thanh giúp đỡ, được
ông Vũ chiếu cố. Hình như sợ Xuyên Thanh không chịu giúp, Hiến Dũng nói: “Tôi biết anh và ông Vũ là bạn bè, anh giúp được. Người anh em, tốt
nhất có miếng thịt, thịt không được xương cũng tốt. Công trình vào tay,
tôi phát tài tức là mọi người cùng phát tài, nồi tôi có nồi các người
cũng có”.
Xuyên Thanh biết thể nào Hiến Dũng cũng đặt vấn đề,
nhưng không ngờ giọng lưỡi anh ta lại giang hồ, nói năng sỗ sàng đến
vậy. Xuyên Thanh đồng ý liên hệ với ông Vũ, nhưng cũng phải nói trước,
anh không thể tự chủ, không biết thành hay không thành chỉ biết cố hết
sức, không thành đừng trách nhau.
Rất nhanh, Xuyên Thanh thông
báo ông Vũ đồng ý giúp đỡ, khu siêu thị này quá lớn, cần được giúp đỡ
nhiều mặt, ông rất vui được Công ty xây dựng của Hiến Dũng cùng tham
gia.
Hiến Dũng thấy tiến triển thuận lợi, anh tính chuyện mở tiệc mời ông Vũ, đã vào dây cần phải nhiệt tình, để Xuyên Thanh giới thiệu
làm quen. Xuyên Thanh nói, mời ông Vũ ăn cơm tốt nhất nhân cơ hội họp
tỉnh, lúc ấy có cớ mà không bị ai biết. Hiến Dũng thấy ý đó rất đúng,
bảo Xuyên Thanh hễ có cơ hội là phải thông báo ngay, cả hai cùng lên
tỉnh.
Xuyên Thanh đâu có cùng Hiến Dũng lên tỉnh. Đúng là anh
giúp Hiến Dũng liên hệ với ông Vũ, nhưng chỉ nói sơ qua có một doanh
nghiệp muốn tham gia xây dựng. Ông Vũ chưa nghe rõ công ty nào, ngay lúc ấy ông tỏ thái độ, nhưng không như Xuyên Thanh nói với Hiến Dũng, mà
rất đơn giản: “Chính quyền thành phố, Ban chỉ huy công trình hoan nghênh các giới đầu tư, bỏ công sức. Bất cứ một công ty xây dựng nào đủ tư
cách tham gia đều được hoan nghênh”. Cách nói ấy giống như dòng quảng
cáo của chính quyền thành phố cho chạy trên truyền hình từ nhiều ngày
nay.
Xuyên Thanh làm công tác tuyên truyền bao nhiêu năm nay, lăn lộn ngoài xã hội và chốn quan trường nhiều, anh có thuật giang hồ của
riêng anh. Nhiều người đến nhờ anh giúp đỡ công chuyện, nói chung anh
không từ chối, luôn luôn đáp ứng, có thể giúp được thì giúp, nhưng không phải bỏ công sức ra giúp. Rất nhiều việc anh đồng ý giúp nhưng không bỏ sức bỏ công, những việc thành công, ai cũng cho rằng anh có tình. Riêng anh lại cho rằng mình ít tốn sức mà thu lợi lớn. Đối với việc Hiến Dũng nhờ, bởi Tiếu Nhu đánh tiếng chuông cảnh tỉnh, nên anh đã chuẩn bị về
tâm lý. Anh cảm thấy không cần thiết từ chối Hiến Dũng, cũng khỏi cần
đến yêu cầu ông Vũ. Các doanh nghiệp muốn tham gia làm ăn đều phải chạy
nhiều cửa, Hiến Dũng không chỉ tìm một Xuyên Thanh để mong được giúp đỡ. Với lại, bữa cỗ siêu thị thời trang lớn như vậy, kiểu gì thì Hiến Dũng
cũng có miếng.
Hiến Dũng chờ Xuyên Thanh hẹn ngày lên tỉnh, chờ
mỏi cả mắt mà chẳng thấy đâu, anh ta sợ lỡ việc, muốn mời ông Vũ ở ngay
thành phố này cho xong chuyện. Ăn chỉ là hình thức, vấn đề quan trọng là thiết lập quan hệ. Xuyên Thanh nhắc nhở Hiến Dũng, chuyện này phải nghe theo anh ta, tuyệt đối không được mời ông Vũ ăn uống ở ngay thành phố
này. Lời nói như đinh đóng cột, Hiến Dũng sốt ruột không biết phải làm
cách nào.
Bất ngờ, Diêu Đức Càn, Phó giám đốc Sở xây dựng phụ
trách văn phòng gọi thầu nói với Hiến Dũng, công ty của anh ta có thể bị gạt ra khỏi công trình Trung tâm thời trang.
Nhiều lần ông Vũ
trong những cuộc họp với các cấp phụ trách công trình đã nhấn mạnh, tham gia dự thầu công trình phải là các doanh nghiệp tốt, những doanh nghiệp xây dựng trước đây đút lót, hối lộ, móc ngoặc, những doanh nghiệp người phụ trách có tiền án tiền sự, không được tham gia công trình này.
Hiến Dũng hỏi ông Càn, ông Vũ có chỉ đích danh anh ta không? Ông Càn bảo
không, nhưng mọi người đều biết, ở thành phố Tứ Phương này chỉ có anh ta mới có những sự việc như thế.
Mặt Hiến Dũng tái nhợt, anh ta mời Xuyên Thanh đến công ty bàn chuyện quan trọng, Xuyên Thanh thoái thác,
cáo bận việc. Hiến Dũng nói, thật ra cũng chẳng có gì quan trọng, chẳng
qua ngứa tay, muốn chơi mấy ván mạt chược. Nghe nói đến mạt chược, Xuyên Thanh nổi hứng, bảo bận việc xong sẽ đến.
Một lúc sau Xuyên
Thanh đến. Hiến Dũng mặt tím tái, nói: “Anh giúp đỡ thế nào mà để ông Vũ không những không nói giúp, mà còn bóc vỏ chúng tôi”.
Xuyên Thanh tỏ vẻ ngạc nhiên: “Làm gì có chuyện?”. Chần chừ một lúc, anh nói thêm: “Không đâu, ông ấy đồng ý giúp rồi”.
Hiến Dũng buồn bã: “Vậy là ông Vũ trước mặt nói thế này nhưng sau lưng làm khác đi”.
Xuyên Thanh định giải thích, Hiến Dũng thấy vẻ mặt anh cũng đủ biết. Anh ta tỏ ra bức xúc, xua tay: “Mạt chược, chơi mạt chược!”
Ngồi chơi mà lòng Xuyên Thanh để đâu đâu, nói như nịnh bợ Hiến Dũng: “Mai tôi thử tìm ông Vũ xem”.
Hiến Dũng nhìn bài trước mặt, không ngước lên, múa múa tay: “Thôi, bây giờ chúng ta chơi bài”.
Tối hôm ấy Xuyên Thanh gặp vận đen, những quân bài cần thì không có, ra
quân nào cũng không đúng. Hơn chục nghìn đồng trong túi thua sạch, cuối
cùng còn nợ Hiến Dũng hơn một nghìn. Hiến Dũng rất nể bạn, cắt bỏ con số cuối.
Xuyên Thanh ra về, Hiến Dũng nói với Triệu, cấp phó của
anh ta, trước giờ chơi ở đây Xuyên Thanh được tất cả bao nhiêu tiền rồi, Triệu bảo chừng năm chục nghìn.
Hiến Dũng nói: “Không ngờ cái
thằng Thanh ấy lại giảo hoạt đến vậy, bắt hắn phải nôn hết tiền được ra, lột cả da hắn. Cái đồ không biết tốt xấu là gì!”.
***
Xuyên Thanh buồn bã nói chuyện với Hồ Bằng anh ta thua, những ván lớn đều bị người khác ù sạch, thua đậm.
Hồ Bằng khuyên, vậy thì đừng đánh nữa. Xuyên Thanh cho rằng, lúc được anh
mời người khác chơi, bây giờ đến hồi thua người khác kéo anh vào cuộc,
không chơi không xong.
Hồ Bằng bảo, lúc được không đánh nữa mới là thông minh, lúc đen đánh mãi cũng không gỡ nổi.
Xuyên Thanh cười đau khổ, lắc đầu, bảo trước đây cũng đã có lúc như thế rồi,
biết đâu vận may sẽ đến, lúc lên lúc xuống, lúc xuống lúc lên.
Thấy Xuyên Thanh cố tình chơi, Hồ Bằng cũng để anh ta tùy cơ hành động,
khuyên bảo Xuyên Thanh không ù được ván lớn thì tranh thủ ù ván nhỏ,
cũng là năng nhặt chặt bị. Dùng chiêu năng nhặt chặt bị để gây nhiễu đối phương, làm cho đối phương không ù nổi ván lớn.
Vận dụng chiêu
thức của Hồ Bằng quả nhiên có tác dụng, không gặp vận may không thắng,
nhưng cũng không thua to. Hình như Hiến Dũng rất bận, mấy cuộc mạt chược không chơi. Triệu, phó của anh ta chơi với Xuyên Thanh. Người chơi thấy Xuyên Thanh toàn ù nhỏ, chơi trò năng nhặt chặt bị, chế nhạo anh ta là
nhặt nhạnh.
Năng nhặt là năng nhặt, không thua là tốt rồi. Sách
lược của Xuyên Thanh là giảm tổn thất, chờ thời cơ. Anh không chú ý đến ý xấu của cách nói kia.
Thấy Triệu cứ vậy chơi, mọi người có ý
kiến phải thay đổi qui tắc, hạn chế ù nhỏ. Xuyên Thanh không đồng ý. Cho dù Hiến Dũng không chơi, muốn gì thì anh cũng là khách, mọi người không thể làm phật lòng anh. Hiến Dũng vào chơi, anh ta bàn với Xuyên Thanh:
“Cứ ù nhỏ thế này chơi cũng mất hay, đừng hạ thấp thân phận của mình”.
Xuyên Thanh không biết nói sao, đành nghe theo. Dưới năm lần không được
ù.
Xuyên Thanh tính toán trước sau, anh được ở đây hơn năm chục
nghìn đồng, bị Cát Hồng lấy mất mười nghìn còn hơn bốn chục nghìn. Anh
nghĩ nước sông luộc cá sông, số tiền này chơi thêm mấy lần nữa, chỉ cần
gặp vận may sẽ được thêm hai, ba chục nghìn, mình trở thành người phát
tài, được tám chục nghìn hoặc sáu chục nghìn thì thôi, không đánh nữa.
Đó là suy nghĩ hay; nếu tính toán theo chiều hướng không hay, thua đến
mười nghìn đồng coi như giới hạn cuối cùng, cũng không đánh nữa, không
thể để thua cháy túi.
Đánh hai hiệp, Xuyên Thanh không những
không được hai, ba chục nghìn mà thua hơn ba chục nghìn, trong túi chỉ
còn hơn tám nghìn, con số này không thể ngồi chơi như Hiến Dũng nói.
Xuyên Thanh muốn rút lui, nhưng do Triệu gọi điện mời, anh bảo bận công
việc, từ chối mấy lần. Triệu không vui, bảo anh không nể mặt. Nghĩ lại,
ngày thường Triệu rất nhiệt tình với anh, tôn anh làm khách quí, Xuyên
Thanh cảm thấy ngượng: “Anh bảo anh Dũng có bận gì thì cũng bỏ đấy, để
những người bận công chuyện chúng ta xả hơi một lúc”. Triệu nói, không
biết Hiến Dũng có thì giờ không, phải gọi điện hỏi xem.
Xuyên
Thanh nhớ lại, chơi với Hiến Dũng anh được nhiều. Hiến Dũng thua nhiều
không nói làm gì, thỉnh thoảng được vài ván, lúc tính sổ bao giờ cũng
không bằng anh.
Rất nhanh chóng, Triệu gọi điện lại, bảo Hiến Dũng cho biết có bận đến đâu thì cũng phải tiếp Xuyên Thanh.
Xuyên Thanh hứng lên, rút tiền ở ngân hàng ra, lấy cả ba nghìn kẹp trong sổ công tác ở văn phòng, có đủ ba chục nghìn đồng.
Trước lúc đi anh còn do dự giây lát, không biết có nên chơi cuộc này không?
Cuối cùng, rất may, tâm lý chiếm thế thượng phong, anh nghĩ chơi bài
ngày nào biết ngày ấy, không chơi làm sao biết tốt xấu thế nào? Muốn
chơi sẽ có trăm nghìn lý do, cảm thấy phải chơi trận này.
Nhớ đến câu nói “đổi tay như đổi dao” mọi người vẫn nói trên bàn mạt chược,
Xuyên Thanh đưa bộ bài mạt chược phỉ thúy ông Vũ tặng ra, anh muốn đổi
bài để đổi vận may. Bộ bài này anh chưa bao giờ đem ra chơi, sợ Cát Hồng truy hỏi ở đâu ra, anh cứ để trong tủ hồ sơ ở văn phòng. Sợ sức khỏe
không đủ, anh đem theo trà sâm và mấy gói cà phê hòa tan.
Hiến
Dũng đang chờ anh, cười khà khà bảo chưa vội chơi bài, uống rượu trước
đã. Xuyên Thanh nói, cũng chưa vội uống rượu, hãy xem bộ bài của anh
trước đã.
Bộ bài chưa đem ra thì Hiến Dũng hỏi: “Không phải ngọc
chứ?”. Trông thấy bộ bài, anh ta hừm một tiếng, hai mắt như hai cái dùi, nhìn xoáy vào bộ bài.
Bộ bài mạt chược phỉ thúy bên ngoài trơn
láng, sáng bóng, chạm khắc trên bộ bài chứng tỏ của một bàn tay đại gia, hoa văn trang nhã, rất có thần. Hiến Dũng cầm một quân lên, không nỡ bỏ xuống. Triệu cũng thăm dò: “Bộ bài này cũng phải mươi nghìn đấy nhỉ?.
”Hiến Dũng nói phải hơn thế. Xuyên Thanh như được thể, nói bộ bài này
tương đương với một thiết bị lớn của công ty xây dựng. Hiến Dũng gật
đầu, Triệu ước chừng: “Cần cẩu tháp chứ? Hay là…”. Xuyên Thanh nói: “Ít
ra là một cái máy đào đất”.
Hiến Dũng xoa xoa tay: “Tuyệt quá!
Tôi chỉ thấy bộ quân bài mạt chược bằng ngọc phỉ thúy trong bảo tàng mạt chược Tứ Xuyên, nghe nói bộ quân bài ấy có niên đại xa xưa lắm, giá
chừng hai, ba trăm nghìn. Còn bộ này, ít ra cũng phải trăm nghìn đấy
nhỉ?”. Nói xong anh ta liếc nhìn Xuyên Thanh.
Xuyên Thanh như mở cờ trong bụng: “Ai bỏ ra một trăm nghìn tôi bán đấy”.
Triệu hỏi có thật không, Xuyên Thanh không nói gì. Hiến Dũng bảo, quân tử
không cướp của người khác, bộ quân bài này không phải là cổ vật, không
phải là của gia truyền, cũng không phải anh ấy mua, nhưng người nào cho
anh ấy chắc chắn phải thân tình lắm.
Xuyên Thanh gật đầu, nói của một người có chức quyền trả ơn anh. Câu nói tỏ ra sĩ diện
Ai cho? Liệu Xuyên Thanh có xứng được nhận tình cảm của người khác như thế không? Một câu hỏi đối với Hiến Dũng và những người khác, khiến họ phải suy nghĩ.
Trong bữa ăn, Xuyên Thanh không uống một giọt rượu
nào, cho dù Triệu khuyên thế nào cũng không. Xuyên Thanh biết, mình uống rượu vào bắt đầu rất hưng phấn, hăng hái lắm, nhưng một lúc sau không
như vậy, mệt mỏi không sao chịu nổi.
Hiến Dũng bảo Triệu không ép Xuyên Thanh uống rượu, sau bữa ăn còn chơi mạt chược.
***
Ăn xong, mọi người kéo sang phòng vui chơi, người đánh bài vây quanh bàn,
dùng quân xúc xắc để xác định vị trí, Hiến Dũng ngồi vị trí đông phong.
Còn hai người nữa là Trương, đại đội tự vệ thành phố và Lý, làm việc ở Sở
Tài nguyên. Xuyên Thanh đã từng chơi mạt chược với họ, gọi đùa là
“Trương Thành hoàng” và “Lý Thổ địa”. Triệu chưa đến lượt chơi đành phục vụ trà nước cho mọi người. Hiến Dũng cầm cây tăm che miệng xỉa răng,
Xuyên Thanh lấy một điếu thuốc để trước mặt, Hiến Dũng đẩy cái bật lửa
đến trước mặt anh, dặn Triệu lấy hai bao thuốc Lầu Hoàng Hạc…
Ngay trong hiệp thứ nhất chỉ một mình Xuyên Thanh được, được những ba chục
nghìn. Trương Thành hoàng càu nhàu: “Xem ra cái bộ bài này phò chủ, bài
tốt đều vào tay anh ấy”. Lý Thổ địa cũng oán trách: “Ù đầu bài rất đỏ,
gặp phải cái hôm chẳng ra sao”.
Trên nét mặt Xuyên Thanh không thấy vẻ phấn khởi, chỉ thầm đắc ý.
Hiệp thứ hai đến lượt Xuyên Thanh cầm cái, hiệp này rời rạc, không có ai ù
lớn, bài của Xuyên Thanh ù nhiều lần, cũng được chút ít.
Trương
Thành hoàng ngồi cái hiệp thứ ba. Xuyên Thanh nơm nớp lo sợ, anh này kẹp bài rất chặt, không cho ai thấy. Hiệp thứ ba kết thúc, Xuyên Thanh thua năm mươi nghìn.
Sang hiệp bốn, trong tay Xuyên Thanh còn bảy nghìn. Mọi người xóc bài rào rào, anh ngồi yên.
“Tôi cạn vốn rồi”. Xuyên Thanh nói rất văn hóa, anh không nói hết tiền, vẻ mặt không có gì tỏ ra không chịu nổi.
Hiến Dũng nói: “Chơi hết bốn hiệp, không muốn gỡ vốn thì thôi, nếu muốn chơi, tiền không thành vấn đề”.
Nghe Hiến Dũng nói vậy, Xuyên Thanh hăng hái hẳn lên, nhìn Hiến Dũng. Hiến
Dũng bảo, có anh ta trong bàn mạt chược thì đừng nên hỏi vay tiền. Anh
ta gọi Triệu cho Xuyên Thanh vay.
Triệu hỏi Xuyên Thanh vay bao
nhiêu, Xuyên Thanh nói năm chục nghìn. Triệu chần chừ một lúc, nói: “Vay hẳn một trăm nhé. Tôi không lấy lãi của anh đâu, mặc dù vốn lớn lãi to. Với lại, tôi sắp về rồi, có tìm tôi vay cũng khó”. “Được, cho tôi vay
một trăm nghìn!”. Xuyên Thanh yên tâm.
Còn chơi, còn cơ hội lật ngược thế cờ. Cũng không thua mãi, chẳng đến nỗi không gỡ nổi vốn ban đầu? Anh nghĩ.
Lại chơi. Triệu lấy một trăm nghìn đồng ra. Bên cạnh bàn mạt chược, mỗi
người có một cái bàn trà vuông, Xuyên Thanh để cặp lên đấy, bây giờ bên
cái cặp có một tệp tiền. Xuyên Thanh lấy điếu thuốc đang ngậm trên miệng xuống gẩy tàn, lại ngậm lên miệng nói không rõ ràng với Triệu: “Có sợ
tôi không lật lại nổi không? Nếu thua, bộ bài này sẽ thuộc về anh”.
Triệu thích thú: “Tốt lắm! Tôi bỏ ra một trăm nghìn đồng để mua cái bảo bối này của anh, đến lúc ấy anh đừng hối hận đấy nhé”.
Xuyên Thanh không ngờ, chẳng nhẽ mình thua sạch? Anh bực mình, ngoảnh lại
nhìn tiền bên cạnh, nói: “Bộ quân bài không phải của anh. Lúc này anh
còn chưa được sờ đến nó nữa là”.
Triệu thấy Xuyên Thanh cãi lại, cười ngập ngừng, liếc nhìn sắc mặt Hiến Dũng.
Hiến Dũng ra hiệu cho Triệu đi nơi khác, nói với Xuyên Thanh: “Lúc chơi bài đừng nên bực mình”.
Chắc chắn Xuyên Thanh bực mình rồi, không nói gì đến việc bị Triệu chọc tức, Lý Thổ địa ngồi nhà trên càng không ra gì, bài cũng rất gượng ép, đi
quân nào lỗ mũi cũng như bốc lửa. Trương Thành hoàng lỏng tay là vì
thua, như vậy cũng có lý. Lý Thổ địa được, có bài trên tay cũng không
xem, lúc nào cũng ù đối địch với anh, thật sự khó hiểu.
Bài tốt
lúc bắt đầu không còn, Xuyên Thanh hối hận ù ngay đầu cuộc chơi, cảm
thấy câu nói cũ rất đúng: “Trước thắng sau thua, thua chảy cả nước mũi”.
Hiến Dũng liên tục được lớn, anh ta rất thích tự chủ, nói những người tự chủ là người tự tin, làm sai cũng thích tự cho mình là người thành công.
Hiến Dũng nghe gọi quân, Xuyên Thanh không sợ, có thể không ù. Chỉ lo Hiến Dũng bắt bài, bài giống như đặt vào tay anh ta.
Xuyên Thanh như một thủ quĩ, liên tục xuất tiền. Tiền Xuyên Thanh đưa Hiến
Dũng không đếm. Xuyên Thanh thua đau đâm ra làm liều, lẽ ra phải trả hai nghìn, anh chỉ đưa một nghìn rưỡi, nghìn sáu, Hiến Dũng không nhìn.
Đến ván cuối cùng của hiệp thứ tư, Xuyên Thanh thua khá đậm. Hiến Dũng liếc nhìn bàn để tiền của Xuyên Thanh, “Anh Thanh sao thua nhiều thế? Nhiều
lúc anh tấn công mà cũng không ù”. Anh ta để Xuyên Thanh nắm được cơ hội cuối cùng. Trong lúc nói chuyện anh ta vẫn để ý đến bài, lại ù. Lần này anh ta bảo Xuyên Thanh chưa trả tiền vội, cứ để đấy. Xuyên Thanh
ngượng, cứ trả, nhìn số tiền còn trong tay, anh lắc đầu bất lực: “Hết
rồi, hết sạch”.
Lẽ ra còn hai ván nữa, Trương Thành hoàng cũng muốn gỡ, anh ta đọc câu “chín mẻ không, một mẻ có” như đọc thần chú.
Xuyên Thanh đã rối, nghe câu ấy càng rối hơn, hỏi Trương Thành hoàng, nếu cái đám buôn bán vỉa hè cứ nói luôn miệng, anh có giữ trật tự hay không? Lý Thổ địa giành lấy trả lời: “Tất nhiên anh ấy ngậm kín miệng, giống như
quảng cáo vặt dán khắp nơi ấy mà”.
Mọi người phá lên cười, cả
Trương Thành hoàng cũng cười, chỉ có Xuyên Thanh là không, anh không thể cười nổi. Trương Thành hoàng vẫn đánh, anh ta cố tình làm ra vẻ từ tốn, xua tay: “Anh Thanh… miễn”.
Xuyên Thanh cảm thấy không còn mặt
mũi nào, anh cười, ném tiền đến trước mặt Trương Thành hoàng: “Của anh
đấy, anh cứ coi tôi như người buôn bán vặt, không bao giờ anh nhẹ tay
phạt”.
Trương Thành hoàng “ờ” nhạo báng rồi thu tiền về. Xuyên
Thanh để tiền ở bàn nước lên bàn mạt chược, nói rất thoải mái: “Thua chỉ còn từng này, cũng không có cảm giác gì, muốn các anh lấy nốt số còn
lại”. Hiến Dũng khuyên Xuyên Thanh đừng từ bỏ, dù chỉ còn một quân bài
vẫn có thể mò được trăng dưới đáy biển.
Xuyên Thanh thua đỏ mắt
không phải là lúc này, mà là lúc anh hỏi vay tiền, là lúc nghe Triệu bảo cho vay một trăm nghìn đồng. Bây giờ thua sạch, tâm trạng mệt mỏi, muốn sớm kết thúc.
Cuối cùng thì cũng kết thúc. Xuyên Thanh nhìn một
nghìn đồng còn lại, không muốn cho nó vào cặp. Hiến Dũng thắng lớn, anh
ta nói: “Thắng bại là chuyện thường tình của nhà cầm quân, tôi khó
thắng, chơi bài với anh đã nhiều, anh bảo tôi đã thắng bao nhiêu lần?”.
Xuyên Thanh cười đau khổ: “Anh thua nhỏ được lớn”. Hiến Dũng nói: “Vậy
ngày mai chúng ta gặp lại nhau nhé, tôi sẽ chuyển phần thắng cho anh”.
Xuyên Thanh lắc đầu: “Muốn đánh nữa cũng không thể”. Thấy Triệu không có mặt, Xuyên Thanh viết giấy nợ một trăm nghìn đồng, nhờ Hiến Dũng chuyển cho anh ta. Hiến Dũng hỏi có thật vậy không? Xuyên Thanh bảo quân tử
không hai lời, nợ là nợ. Hơn nữa cậu Triệu không chơi bài mà chỉ cho vay tiền. Hiến Dũng gợi nhớ: “Anh bảo hết tiền sẽ gán bộ quân bài cho cậu
ấy cơ mà? Cậu ấy cũng đồng ý rồi”.
Xuyên Thanh muốn bảo đấy chỉ
là nói đùa, Hiến Dũng nói: “Nghe tôi nói nhé, anh gán bộ quân bài cho
cậu ấy một trăm nghìn là cậu ấy bị thiệt. Bộ quân bài này tuy bằng ngọc
phỉ thúy, nhưng không phải là loại tốt. Bộ quân bài mạt chược trong bảo
tàng mạt chược ở Tứ Xuyên còn là cổ vật, trị giá hơn hai trăm nghìn, bộ
này của anh không đáng một trăm nghìn, lúc đầu tôi xướng giá lên như vậy là để đề cao anh, biết không?”.
Xuyên Thanh vẫn đang do dự, Hiến Dũng bồi thêm: “Bộ mạt chược này anh không mua, người cho chắc là không thể cho anh đến một trăm nghìn đồng”.
Câu nói đánh đúng điểm yếu của Xuyên Thanh. Bộ quân bài này của ông Vũ cho, bởi anh giúp đỡ ông
ta, ông ta khó có thể lấy một trăm nghìn cho anh, cảm ơn anh. Xuyên
Thanh có phần dao động.
Hiến Dũng lại tiếp: “Anh không cần về lấy một trăm nghìn trả cho cậu Triệu đâu, cứ đưa cho cậu ấy bộ bài. Nếu cậu ta có mặt, biết đâu sẽ hối hận, bảo đấy là nói đùa, mà anh cũng không
thể không chấp nhận”.
Xuyên Thanh không còn cách nào, nói: “Được! Nếu anh thấy được thì cứ thế”. Anh vẫn băn khoăn, dặn Hiến Dũng đừng
nói với ai chuyện này.
Hiến Dũng bảo đồng ý, không có vấn đề gì.
Hiến Dũng đưa cho Xuyên Thanh hai chục nghìn, bảo sẽ gõ thêm Triệu để
anh ta chịu lấy bộ quân bài này với giá một trăm hai mươi nghìn.
Xuyên Thanh cất tiền, không nghĩ mình đã may mắn trong chuyện này.
***
Triệu thấy Hiến Dũng cầm bộ bài mạt chược phỉ thúy, hỏi: “Có đáng giá một trăm hai chục nghìn không?”
Hiến Dũng tỏ ra ranh mãnh: “Còn xem nó trong tay ai, được dùng vào việc gì”.
Triệu cười khà khà, lấy lòng Hiến Dũng, tưởng chừng anh ta biết bộ quân bài này dùng vào một việc lớn lắm.
Hiến Dũng trách Xuyên Thanh không giữ lời. Triệu nói làm gì cũng phải giữ
lời. Hiến Dũng hối hận đã nghe vợ, coi Xuyên Thanh như một nhân vật quan trọng. Triệu nói, bây giờ làm việc gì cũng khó, xã hội hư hỏng bởi tay
những người này.
Hiến Dũng rất vui vì câu nói của Triệu, tươi cười hỏi lại: “Cậu bảo thằng Thanh kia thua bài nó nghĩ gì?”.
Triệu nịnh: “Tôi nói không chính xác, nhưng chắc chắn anh biết. Xưa nay anh biết rõ những người này”.
Hiến Dũng cười nhạt: “Hắn rất buồn, phải xin lỗi vợ rồi còn bị giày vò”.
Triệu thận trọng, không dám lấy lòng Hiến Dũng về câu nói ấy, không cho rằng
Hiến Dũng dùng điển cố, cho rằng anh ta đã lỡ lời. Chuyện trai gái của
Hiến Dũng thì nhiều lắm, mình biết ít còn hơn.
Đúng như Hiến Dũng nghĩ, Xuyên Thanh thua mạt chược rất buồn. Chuyện như vậy với ai cũng buồn.
Buồn thì buồn, Xuyên Thanh vẫn tự an ủi. Anh nghĩ, chơi mạt chược với cánh
Hiến Dũng chỉ thua một vài chục nghìn, chẳng hề hấn nghiêm trọng gì. Còn bộ quân bài mạt chược kia, nếu là thứ tốt chắc chắn ông Vũ không nỡ
cho.
Chỉ giận một nỗi mình không sớm lui quân. Được nhiều lắm
cũng chỉ năm sáu chục nghìn, nếu không đánh tiếp, năm sáu chục nghìn vẫn là của mình, đám Hiến Dũng có cách nào? Đúng là vác đá ném trời.
Hồ Bằng dự đoán rất đúng, mình được hay thua cũng chỉ là tay không. Được
người khác trên bàn mạt chược cũng là của người khác cho, không giúp gì
cho người; trên bàn mạt chược người ta lấy lại tiền cũng là bình thường, chẳng qua trần trụi, hôi tanh, khiến anh khó chịu, buộc anh phải bù một bộ bài, tính cả lãi cũng được mười phân, mười phân là quá rồi.
Những lúc bất bình lại nhớ lời Tiếu Nhu nhắc nhở, bảo Hiến Dũng có dụng tâm
khác, tại sao mình không nghe? Biết rõ Hiến Dũng chơi đểu với mình rồi
mà vẫn chui vào tròng của anh ta, cuộc chơi do anh ta sắp đặt. Rõ ràng
họ cùng một bọn với Hiến Dũng, họ xâu chuỗi với nhau, lẽ ra trước lúc
chơi mình phải ý thức được điều đó.
Xuyên Thanh gọi điện cho Tiếu Nhu, nói sẽ không bao giờ chơi mạt chược với Hiến Dũng nữa. Tiếu Nhu
cười cười: “Hôm trước em đã bảo anh đừng chơi, đừng đánh mạt chược với
anh ấy, anh không nghe. Bây giờ bảo không đánh, sợ rằng có hai khả năng, hoặc thua nhiều hoặc hòa vốn”.
Tiếu Nhu nói không sai, Xuyên Thanh thừa nhận thua nhiều. Tiếu Nhu thở dài, nói rất ngắn gọn: “Không đáng!”.