Ván Bài Lật Ngửa

Chương 19: Phần II - Chương 08


P 2- Chương 8
Luân trầm ngâm bên cửa sổ, tài xế Lục đang kì cọ chiếc Opel, công việc thường ngày của anh. Thạch đi vắng. Sau Tết, Sa chuyển cho Luân một mật thư của anh Sáu Đăng, theo đó, hôm nay Luân sẽ đón “một người cộng sự tin cậy và gần gũi” được A.07 phái vào. A.07 là kí hiệu của đồng chí đứng đầu cơ quan an ninh cả nước, dĩ nhiên trong đó có ngành phản gián. Luân chưa trực tiếp làm việc với đồng chí trong nhiệm vụ mới song đã từng công tác dưới quyền đồng chí khi anh phụ trách phòng mật vụ: một cán bộ cao cấp rất trọng nguyên tắc, hết sức tỉ mỉ và cũng dễ gần gũi. Đồng chí bị Pháp kết án tử hình và sau đó, nhờ Hội Nhân quyền đấu tranh nên được giảm án, đã nằm khám tối Côn Đảo mười lăm năm, chính Cách mạng tháng Tám giải thoát đồng chí.
“Một người cộng sự tin cậy và gần gũi” là ai? Luân cố đoán mà không sao đoán ra. Trong công việc của anh, thêm một người phụ lực nữa càng hay. Nhiều khi anh muốn trao đổi, nhưng chẳng có ai bên cạnh. Ngọc là người duy nhất có thể trao đổi, từ lần gặp ở Đại Thế Giới, anh thậm chí không nhắn tin qua chị Cả, đề phòng cho cả anh và cho Ngọc. Sa – khi trao thơ cho anh, nó đóng vai chú bé bán dầu cù là – chỉ gặp anh hằng tháng và tuyệt đối không nói với nhau điều gì ngoài địa điểm và ngày giờ gặp lần sau. Còn Quyến, chẳng rõ nó lộn rồng lộn rắn ở đâu.
Từ hôm Hộ Pháp Phạm Công Tắc họp báo đến nay đã ba tuần lễ đó, tình hình miền Nam tiếp tục xáo trộn. Trước hết, tướng Trịnh Minh Thế tuyên bố với báo chí không tán thành bản tuyên ngôn của Mặt trận toàn lực quốc gia, kêu gọi các đảng phái và tôn giáo đoàn kết ủng hộ Chính phủ của Thủ tướng Ngô Đình Diệm. Tuyên bố thì như vậy, song tướng Thế lại có tên trong Ủy ban lãnh đạo mặt trận. Ở Quảng Trị, quân Chính phủ và quân của Đảng Đại Việt đánh nhau thật sự. Sau nhiều ngày, quân Chính phủ mới lọt được vào Ba Lòng, sào huyệt của quân Đại Việt. Cũng trong thời gian này, Nguyễn Thành Đây, thiếu tá Hòa Hảo, cánh Quốc gia liên hiệp, đem quân về quy hàng trung tá Nguyễn Khánh tại Cần Thơ, lễ quy hàng tổ chức thật rầm rộ. Ngày 12-3, Chính phủ ra thông báo kết thúc “Chiến dịch tự do” tiếp thu vùng Cà Mau. Trước đó mấy hôm, Thủ tướng huấn thị thành lập Công dân vụ: vừa vũ trang tuyên truyền, vừa hoạt động tình báo, vừa tổ chức cơ sở ở các vùng trước kia do kháng chiến kiểm soát.
Ngày 19-3, một sự kiện nghiêm trọng xảy ra: lính Sénégalais thuộc Liên hiệp Pháp và quân đội Việt Nam xung đột đẫm máu tại Ngã Bảy Sài Gòn. Tuyên bố, bác bỏ, lên án, đính chính, xin lỗi... giữa Chính phủ Việt Nam và Bộ Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp công bố liên miên trên các báo. Trong lúc đó, Quốc trưởng Bảo Đại, từ Cannes, ra một quyết định khiến mọi người đều hỡi ơi: Từ nay, Quốc khánh Việt Nam không cử hành vào ngày 8-3 – ngày kí hòa ước Elisée năm 1949, trong đó Pháp tuyên bố trao trả độc lập cho Việt Nam – mà sẽ lấy ngày Gia Long lên ngôi, vào 21-5.
Ngô Đình Diệm không mù mờ như Bảo Đại. Ngày 21-3, trả lời phỏng vấn của truyền thanh, ông nhấn mạnh: Phải thống nhất quân đội, không thể có lực lượng riêng biệt; phải thống nhất hành chính, không thể có địa phương tự trị; phải thống nhất tài chính, không thể có những sắc thuế do địa phương tự động đặt ra. Và mới hôm qua, khi công bố điện văn của Bảo Đại yêu cầu Ngô Đình Diệm và các giáo phái giảng hòa, báo chí đồng thời công bố lệnh của Chính phủ bãi bỏ chức Khâm mạng tại Hoàng triều cương thổ - tức vùng Tây Nguyên – của Nguyễn Đệ, thân tín của Bảo Đại và của hai người nữa là người Pháp.
*
Luân bỗng thấy có điều khác lạ ở Vũ Huy Lục: anh ta vừa kì cọ vừa như lắng tai nghe cái gì đó, mặt anh dường ngơ ngẩn.
Luân bước ra ngoài, Lục mải lắng nghe, không biết là Luân đã đến cạnh. Trong xe, một máy thu thanh rất nhỏ đang phát… Luân cũng lắng nghe và chỉ cần mấy giây anh hiểu liền: Đài Hà Nội, buổi nhắn tin vào Nam.
Lục nhận ra Luân, hốt hoảng tắt máy, tay lẩy bẩy. Luân nhìn Lục, cái nhìn nghiêm khắc, rồi anh quay vào nhà...
Mấy phút sau, Lục rón rén đứng cạnh bàn làm việc của Luân.
- Thưa ông kĩ sư! – Luân nghe tiếng Lục nuốt tiếng khóc – Xin ông thương giùm em. Lúc vào Nam vội vã, em không kịp gặp mẹ em, vợ con em... Em nghe đài may ra biết tin của họ. Em khổ lắm!
Rồi Lục òa khóc. Luân quan sát anh ta một lúc. Toàn bộ gương mặt Lục toát vẻ đau đớn, sợ hãi và hết sức chất phác.
- Anh ra ngoài kia! – Luân xua Lục.

Lục bước nặng nề khỏi phòng, vừa bước, vừa khóc.
Luân theo Lục đến giữa sân.
- Em đành ngồi tù, chỉ buồn không rõ gia đình ra sao… Em nhớ gia đình em…
Lục thấy Luân đưa khăn tay chậm nước mắt.
- Bác sĩ Tuyến giao anh theo dõi tôi, vậy mà…
Luân bỗng chuyển sang chuyện khác.
- Thưa ông kĩ sư, – Lục vẫn nức nở - Em thề trước Chúa là không hề báo một điều gì xúc phạm đến ông kĩ sư... Người ta giao cho em, em là cấp dưới, không vâng không được, em định báo với ông, nhưng lại thôi, vì thấy ông kĩ sư có làm điều gì trái phép đâu… Không tin, ông kĩ sư xem đây…
Lục rút trong túi ra quyển sổ con. Luân đọc:
Ngày 6-1, ông kĩ sư gặp ông cố vấn Ngô Đình Nhu.
Ngày 9-1, ông kĩ sư gặp ông cố vấn Ngô Đình Nhu
Ngày 12-1, ông kĩ sư vào Đại Thế Giới.
Ngày 14-1, ông kĩ sư ăn tiệc ở Arc – en – ciel.
Ngày 15-1, ông kĩ sư sang cầu chữ Y...
Ghi đến đó, Lục để khoảng giấy trắng. Luân trả sổ cho anh:

- Tại sao anh không ghi tiếp?
- Dạ, có gì phải ghi? Em trình với bác sĩ Tuyến, ông ấy bảo thôi…
- Bác sĩ Tuyến bảo thôi, mặc ổng… Anh cứ ghi đều đặn, nhớ chưa?
- Dạ, - Lục trả lời, ngỡ ngàng.
- Tỉ như bữa ta chữa xe, sao anh không ghi?
- Dạ!
- Cả anh Thạch nữa…
- Dạ, anh Thạch không được giao việc như em…
- Làm sao anh biết?
- Dạ, em biết…
“Có lẽ như thế thật!” Luân nghĩ thầm. Song chính Thạch mới là nguy hiểm cho anh. Không phải tự Thạch – điều này ít xảy ra với người như Thạch – mà từ cách ném Thạch sát anh của Tuyến: đe dọa và tra tấn sẽ buộc Thạch phun hết mọi thứ!
- Thôi được rồi – Luân nói, thân mật – Tôi mong anh sớm biết tin gia đình và gia đình anh bình yên. Con anh tên gì? Mấy tuổi? Gia đình anh sống ở đâu? Tên là Thành à? Lên bốn… Thôn Hải Lí, xã Hải Vân, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định… Chắc họ còn sống không?
- Dạ, em nghĩ là họ còn sống. – Lục tươi tỉnh dần – Em đi lính Bảo chính đoàn Bùi Chu. Ông kĩ sư ở trong Nam nên không rõ, đi lính Bảo chính để khỏi bị đưa vào quân chính quy. Nhờ vậy mà em thoát chết ở Nho Quan, rồi Nà Sản… Không gặp gia đình, em hỏi mãi, người cùng quê bảo là mẹ em không chịu đi. Chả là em có một người cậu ruột theo Việt Minh..

Luân cau mày, Lục sợ hãi:
- Dạ, em giấu tiệt việc này... Xin ông kĩ sư thương… – Lục sắp bật khóc.
- Anh có gặp cậu anh lần nào không?
- Dạ có! Lúc cậu em hoạt động vùng Hải Hậu. Em mang thơ giúp cậu em. Đó là lúc cha Hoàng Quỳnh chưa đưa lính Pháp về đóng trong vùng. Sau nầy, cậu em đi bặt, thật lâu mới nhắn tin về ẹ em.
- Cậu anh làm gì, anh biết không?
- Hồi ở Hải Hậu, cậu em làm chủ tịch ủy ban kháng chiến huyện…
- Vậy sao? - Luân nói như reo – Thôi được, anh đừng nói với ai về lí lịch của anh, lôi thôi đa! Cả với anh Thạch… Bầy giờ, anh lo xe, tôi có việc.
*
Nhu và Luân ngồi trong phòng làm việc của Nhu – vẫn là gian phòng nhỏ phía sau Dinh Gia Long và Nhu vẫn mặc bộ quần áo không là.
- Ngô Trọng Hiếu là một con người đần độn! – Nhu cáu kỉnh – Nhưng, hắn giỏi nịnh và anh Diệm hay nhẹ dạ… Một công chức ngân khố có thể mẫn cán song một chính trị gia loại tồi. Anh có thấy như vậy không?
Luân lặng thinh.
- Nào phải chỉ mỗi gã Ngô Trọng Hiếu. Còn Trần Gia Hiến, Trần Quốc Bửu… cực kì lố bịch! – Nhu càng nói càng to tiếng.
- Điều gì khiến anh bực mình? – Luân hỏi
- Sao không bực mình được? Tôi muốn ta hành động khôn khéo, bọn hắn muốn phô trương. Tôi đã bảo: hãy cứ trách nhẹ Paul Ely vụ Sénégalais ở Ngã Bảy, bọn hắn họp hội nghị, ra tuyên cáo… Ngay với tướng Vỹ, tôi chủ trương vỗ về, bọn hắn dọa. Lũ đó chỉ được mỗi cái hò hét. Tổ chức biểu tình, anh thấy đó, toàn là mướn dân di cư, thật thảm hại…
Luân cười nhẹ:
- Mỗi loại thái độ đều có mặt lợi ích đối với Chính phủ cả. Chính phủ cần sự thông minh, nhưng không phải không cần sự vụng về, thậm chí, xin lỗi anh, sự ngu xuẩn… Không phải bất cứ sự ngu xuẩn nào cũng đều… ngu xuẩn cả!

Nhu chồm người gần sát Luân:
- Anh nói cái gì mà lạ vậy?
Luân chỉ bức tranh treo trên tường: qua mấy cành anh đào, một ngọn núi đầy tuyết.
- Có phải kia là bức tranh “Núi Phú Sĩ” của Foujita không? Đúng rồi. Anh nghĩ xem, nếu không có cái khung bên ngoài, bức tranh giảm giá trị đến chừng nào? Cái khung xấu, tôi biết anh sẽ nói như vậy. Khung xấu trong trường hợp này đắc dụng lắm!
- Tôi chịu anh! – Nhu ngả người – Còn anh Diệm? Tôi muốn hỏi anh: anh Diệm có quá cứng không?
- Không – Luân lắc đầu quả quyết – Ông Bảo Đại lôi thôi, mọi người sanh lờn. Thủ tướng cần mạnh tay một chút.
Nhu gục gặc gật đầu một lúc.
- Thế nào, tay vệ sĩ ổn chứ?
- Cám ơn…
- Tôi nhắc anh: nó là vệ sĩ, chỉ có vậy thôi!
- Cám ơn anh! Anh ta khác người lái xe…
- Ồ! - Nhu đưa tay lên trời – Tôi phải thề với anh đó là sáng tác của ông Tuyến… Tôi sẽ thay lái xe cho anh.
- Không cần! – Luân cười – Chúng ta làm việc lớn, mà việc lớn đòi hỏi phải có những đảm bảo. Tôi không phiền đâu…
- Tùy anh! – Nhu buông thõng – Vở kịch lớn sắp hạ màn…
- Và sẽ mở màn cho những vở kịch không nhỏ khác!
Nhu mời thuốc Luân. Làn khói xanh nhẹ lượn trùm hai người và trong khói thuốc, cả hai đều như hư ảo…