Ta hơi thất thần nhưng cũng rất nhanh lấy lại tinh thần vội quỳ xuống hành lễ. Bầu không khí như đặc quánh lại, hắn cũng chẳng bảo ta đứng dậy, giọng nói phẫn nộ đanh thép vang lên: “Trẫm nghe nói nàng ngủ không ngon giấc.”
Xin hỏi, đấy là do người nào đã ban tặng nhỉ?
Mắt ta nhìn thẳng, thái độ thành khẩn, thiếu chút nữa thì buột miệng bật thốt lên thành lời. Xoay qua nhìn Dẫn Diên, trán cô ấy bắt đầu đổ mồ hôi như suối, ánh mắt lo âu như đang nói với ta rằng: Chủ tử, nhịn!
Mặc dù rất không cam tâm nhưng ta vẫn phải cố gắng nuột ngược căm giận vào bụng, bình tĩnh nói lời dối lòng: “Mọi chuyện chỗ tần thiếp tốt đẹp cả ạ, chỉ là việc cỏn con mà thôi, không dám để người nhọc lòng bận tâm.”
Ta thấy Dẫn Diên thở phào một hơi. Nhưng hắn lại không chịu bỏ qua, dường như muốn truy hỏi ta tới cùng mới thôi: “Trẫm còn nghe nói nàng đi tìm Nghi quý phi, xin nàng ấy đổi chỗ ở cho nàng.”
Mồ hôi to như hạt đậu trên trán Dẫn Diên lũ lượt rơi xuống.
Cứ yên tâm, ta sẽ nhẫn nhịn. Trong lòng ta thầm an ủi Dẫn Diên, khóe miệng cong lên nụ cười tiêu chuẩn cứng nhắc, lễ phép trả lời: “Việc ấy quả thật đã quấy rầy đến quý phi, là tần thiếp thất lễ rồi, mong hoàng thượng trách phạt.”
“Trẫm nhớ đã hơn hai mươi ngày không đến đây.”
“Hoàng thượng trăm công nghìn việc, say mê triều chính, không lưu luyến chốn hậu cung, là tấm gương sáng của bậc minh quân có đức hạnh cao quý, là may mắn của thần thiếp, là phúc phần của vạn dân.”
“Ra ngoài!”
Ta nịnh nọt đủ kiểu mà hắn chẳng chút nào cảm động, ngược lại còn có dấu hiệu sắp nổi cơn tam bành. Hỏa khí tích tụ do Nhu sung nghi gây nên khi còn ở ngọ yến chưa tiêu tan hết, thế mà ta còn đứng đây đổ thêm dầu vào lửa.
Ôi, ai bảo hoàng đế là thiên tử làm chi, mà thiên tử là tượng trưng cho tự do tung hoành khắp chốn, muốn tức giận là tức giận, muốn đánh người thì thoải mái đánh người, muốn đuổi người nào đi thì cứ việc đuổi, dù cho nơi đây có là cung của ta thì quyền hành vẫn nằm ở chỗ hắn.
Mà ta lại khác, ngủ không ngon đành phải ngậm miệng chịu đựng, bị cả cung cười nhạo không thể đánh trả, bị hắn gọi là Dục nhi càng không thể kêu hắn cút đi cho khuất mắt. Nỗi oán giận trong bụng ta mỗi lúc một dâng cao, ngày qua ngày ngồi trước tượng Phật ngửi hương khói, trái tim cũng như bị năm tháng mài mòn.
Ta rất ghen tị với hắn, lòng đố kỵ của ta lớn đến mức không muốn đứng chung một gian phòng với nam nhân này.
Nghe được hai chữ kia, ta như nhận được đại xá, đứng dậy dợm đi ra cửa, nhưng chưa được bước được hai bước đã bị hắn ngăn lại: “Trẫm bảo bọn họ ra ngoài, nàng chạy đi đâu?”
Vệ công công vừa nghe đã hiểu ý hoàng đế, nháy mắt ra hiệu với Dẫn Diên, cả hai người cúi đầu tuân mệnh rồi nhanh chóng rời đi. Lúc ngang qua chỗ ta, Dẫn Diên vẫn không quên ném cho ta một ánh nhìn “Chủ tử, nhịn!”.
Mọi người đi hết rồi, hắn bước tới kéo tay ta: “Dục…” Mới nói được nửa chữ hắn đã kịp thời nhận ra mình lại kêu sai tên. Tính cách của con người này lúc thì đáng sợ, lúc thì dịu dàng chẳng giống một vị hoàng đế chút nào: “Trường Ninh, tại sao không tới tìm trẫm?”
“Tìm hoàng thượng làm gì ạ?”
“Nàng có thể đến nói với trẫm đừng đến chỗ của Oanh thường tại nữa, có thể xin trẫm đổi nơi ở cho nàng, cũng có thể bảo trẫm đến thăm nàng nhiều hơn. Dù cho nàng không có nguyên do chính đáng cũng chẳng sao cả, chỉ cần nàng muốn đến gặp trẫm, đều… đều được hết.” Tay hắn bao bọc lấy bàn tay ta, ánh mắt luôn dõi theo ta chưa từng chuyển dời, cứ nhìn tới nhìn lui, dáng vẻ vô cùng nghiêm túc. Dường như một tháng này ta ẩn mình làm kẻ mọn không đáng nhắc tới, nay lại xảy ra biến hóa cần phải cẩn thận cân nhắc thêm đây.
“Nếu hoàng thượng thật sự muốn như thế thì tự khắc sẽ làm. Còn nếu người đã không muốn, tần thiếp đi tìm người cũng có ích gì đâu.”
Xin lỗi nhiều lắm Dẫn Diên à. Ta thầm yên lặng sám hối, ta không xứng đáng với kỳ vọng lớn lao của cô ấy, làm đủ mọi cách rồi nhưng thật sự ta vẫn chẳng thể kìm nén được tâm tình xúc động của mình. Ta lại giận dỗi hoàng đế nữa rồi.
Ta biết hắn tới đây chủ yếu là để nói những lời này, ta cũng biết bản thân vừa mới chối từ tâm ý của hoàng đế.
Cuối cùng hắn thở dài, trông có vẻ bất lực, suy sụp ngồi xuống bên bàn gọi Vệ công công truyền bữa tối. Sau đó lại nói rất nhiều chuyện với ta, nói về nỗi khổ bắt buộc hắn phải gánh trên lưng. Nào là Nhu sung nghi có gia thế cao sang, rất có thế lực trên triều đình, mà dã tâm của Hải đại nhân cũng không vừa, chuyện này làm hắn vô cùng căm giận. Nhưng hiềm một nỗi hắn không thể để Nhu sung nghi nếm mùi đau đớn về thể xác, đối với Hải gia vẫn không nên công kích lộ liễu, càng không thể phế bỏ phân vị “sung nghi”. Hắn còn nói đã tinh tế phát hiện ra một điểm, đó là giọng hát của Oanh thường tại có vài phần giống Hựu Khanh, nếu hôm nay Nhu sung nghi không nhắc đến thì hắn cũng chẳng nhận ra được, dẫu sao Hựu Khanh đã đi từ rất lâu rồi.
“Hựu Khanh là ai?” Ta hỏi.
Thấy ta rốt cuộc cũng chủ động lên tiếng, hắn hơi ngừng lại, ngón tay nhẹ nhàng vuốt ve gò má của ta, đáp: “Người trước kia đã làm bạn với trẫm một quãng thời gian.”
Ta hiểu, cho nên cũng không hỏi thêm gì nữa.
Dùng xong bữa tối hoàng đế đi ngay, hắn nói về sau hắn sẽ thường xuyên đến chỗ ta, còn hỏi ta có muốn đổi nơi ở khác không.
Ta nói, đều nghe theo sắp đặt của hoàng thượng hết.
Mồng chín tháng chín.
Ta, Diệp đáp ứng, được ban thưởng Thái Bình điện, đó là nơi gần chỗ của hoàng đế nhất.
Nghe nói có người từng ở trong đó, còn ai ngoài hoàng quý phi nữa đây?
Mười hai tháng chín, ngày thứ bảy Nhu sung nghi bị cấm cung.
Thấy có người bảo trong cung của nàng ta giờ đây đã hết sạch nước và thức ăn. Cứ mỗi lần đi ngang qua cửa là sẽ nghe thấy tiếng khóc lóc thê lương và tiếng van xin không ngớt.
Người trong cung ra sức đập cửa cầu cứu nhưng không nhận được phản hồi nào, tất cả mọi người làm như trước giờ không hề quen biết với cung của Nhu sung nghi, hoàn toàn ngoảnh mặt làm ngơ. Ròng rã hai ngày, có người vì đập cửa quá nhiều nên sức cùng lực kiệt, hoặc chăng là do mấy ngày không ăn không uống nên cuối cùng không chống đỡ được nữa mà buông tay trần thế. Đến tận ngày thứ bảy, Nhu sung nghi phát điên tự mình tới đập cửa cung gào thét.
Trong đại sảnh Thừa Hoa cung của Nghi quý phi, đám nữ nhân hậu cung lại chẳng mảy may quan tâm đến việc sủng phi một thời nổi điên nổi dại, mà điều thu hút sự chú ý của bọn họ chính là Nhu sung nghi rớt đài, Vinh phi thăng vị, chín vị phi tần từ chiêu nghi đến sung viện ai nấy cũng sốt sắng muốn chớp lấy thời cơ để tiến thêm một bước đến vị trí sủng phi mới của hoàng đế.
Và tất nhiên, “cuộc vui” này đã thành công khơi dậy niềm hứng thú sau bao ngày chìm trong cuộc sống nhàn rỗi tẻ nhạt của cô nàng Dẫn Diên.
“Trong hậu cung, đứng ở vị “tần” có tổng cộng bốn nương nương, Mậu tần chắc chắn là không thể chen chân vào trận đấu đá quyết liệt này rồi, Thận tần trước giờ trong lòng chỉ có mỗi hoàng thượng, dành tình yêu cả đời mình cho duy nhất một mình ngài, vì vậy mấy năm nay vẫn được hoàng thượng quan tâm thiên vị. Nhưng nàng lại có điểm yếu rất lớn đó chính là quá mức thanh cao giữ mình, những thủ đoạn tranh giành sủng ái lẫn địa vị đều không am hiểu. Hi tần nịnh bợ Vinh phi, Khang tần có Nghi quý phi chống lưng, kết luận rằng hai vị ấy mới có khả năng nhất, để nô tỳ xem thử…”
“Bốn người?” Ta ngắt lời cô ấy, “Mậu tần là ai? Sao ta chưa nghe bao giờ?”
“Chủ tử chưa từng nghe qua cái danh này cũng phải thôi. Mặc dù nô tỳ có nghe loáng thoáng nhưng chưa bao giờ gặp. Mậu tần là người có thâm niên nhất trong cung đó ạ, và cũng là người theo hoàng thượng từ khi còn ở tiềm để*. Quan sát thật kỹ mới nhận ra điểm bất thường, nô tỳ chưa từng thấy hoàng thượng sủng hạnh Mậu tần, cũng chẳng thấy nàng ta ra ngoài giao lưu. Nghe phong thanh thì là do sức khỏe không tốt lắm, thậm chí còn yếu kém hơn cả con ma ốm Uyển phi nữa kìa.”
*Nơi ở của hoàng đế trước khi đăng cơ.
“Ta cũng không muốn ra ngoài chút nào, thật muốn làm một con ma ốm.” Nói xong ta còn ho khù khụ để minh họa.
Mỗi ngày, cứ sáng bảnh mắt ra là lại phải vội vội vàng vàng sửa soạn tươm tất rồi đi đến chỗ Nghi quý phi nghe đám nữ nhân rôm rả thảo luận mấy câu chuyện phiếm vô bổ, ta hận.
Chiều xuống, hoàng đế triệu ta vào thư phòng trong điện Trường Tín.
Lúc ta đến thì hắn đang loay hoay tìm thứ gì đó, vừa thấy ta hắn đã đi tới kéo ta lại: “Cách đây vài ngày đô đốc Giang Nam có hiến một bức chân dung Phật Bà Quan m, nét vẽ sinh động như thật rất có thần, trẫm nghĩ treo trong phòng nàng thì có thể bảo vệ nàng bình an, hằng đêm mơ mộng đẹp. Ai ngờ vừa lơ đãng đã vô tình để lẫn với các bức họa khác, nàng giúp trẫm tìm đi.”
Chỉ là tìm đồ thôi mà, ta không do dự vén tay áo lên bắt tay vào công việc, khom lưng vùi đầu vào những cuộn giấy tròn trông không khác nhau là mấy. Đống thư pháp tranh vẽ ở đây đều là bảo vật hoàng đế gìn giữ rất kỹ, ngày thường đến cả Vệ công công luôn hầu cận bên cạnh cũng cấm được chạm vào. Ta cẩn thận lật từng cuộn giấy rồi lại cẩn thận cất vào. Nén hương đã cháy hết non nửa, đúng lúc này ta vô tình kéo ra một cuộn giấy…
Nét mực đậm nhạt phác họa dáng hình mỹ nhân, trán vuông cao mày thanh tú, khuôn mặt đầy đặn vừa kiều diễm vừa phúc hậu, nổi bật là đôi con ngươi trong veo như nước hồ thu.
Ta vừa nhìn mà sững người, như phát hiện ra sự bất thường của ta, hoàng đế quay lại xem, nhưng chỉ vừa liếc mắt hắn đã hung hăng giật lấy bức họa trên tay ta: “Ai cho nàng đụng vào cái này?”
Bắt ta vào đây tìm mà còn giấu giếm những thứ không muốn cho người khác biết. Nếu ai dám đụng vào, bất kể là vô tình hay cố ý thì sẽ phải chịu hắn trút cơn thịnh nộ xuống đầu, hắn cho rằng ta đang quét mìn đấy phỏng?
Ta bĩu môi chẳng muốn đôi co, vì trước khi bị hắn giật lại đồ một cách hết sức thô lỗ thì ta đã kịp nhận ra người trong tranh - là Hựu Khanh của hắn, là Dục nhi của hắn. Trong truyền thuyết, chỉ dựa vào bức họa chân dung mà trúng tuyển sau đó còn được làm sủng phi đứng đầu lục cung, có lẽ chỉ có mỗi mình Lâm hoàng quý phi. Người ngoài bảo ta giống nàng sáu bảy phần, Oanh thường tại chắc được hai phần xấp xỉ nhưng đã có thể nắm chắc thánh sủng của hoàng đế trong tay, là nốt chu sa* trong lòng hoàng đế.
*Trong tác phẩm “Hoa hồng đỏ hoa hồng trắng” của Trương Ái Linh có viết: Có lẽ mỗi người đàn ông đều có hai người phụ nữ như vậy, ít nhất là hai. Cưới một đóa hoa hồng đỏ, dần dà rồi sẽ biến thành vệt máu của con muỗi dính trên tường, còn hoa hồng trắng thì vẫn sẽ mãi là “trăng sáng treo đầu giường”; kết hôn với hoa hồng trắng cũng giống như hạt cơm vương trên vạt áo, mà hoa hồng đỏ thì lại là nốt chu sa trong lòng.
“Không cho nhìn thì thôi, hung dữ như thế làm gì.” Ta bất mãn lẩm bẩm, vươn tay cướp lại bức họa cuộn vào ngay ngắn rồi trả nó lại vị trí ban đầu.
Có lẽ hắn không rõ ta hiểu được bao nhiêu, họa chăng hắn cũng mong ta hiểu, mà cũng không cần hiểu.
Mười lăm tháng chín, cửa cung của Nhu sung nghi mở khóa.
Vài thái giám cung nữ được khiêng ra ngoài. Nhu sung nghi vang danh một thời lúc này đây nằm yên trên cáng, trên cổ tay chi chít vết cắt, đôi mắt hạnh xinh đẹp nay trợn ngược lên, nghe người ta nói là không cứu được, nàng ta chết không nhắm mắt. Còn có người bảo Nhu sung nghi chống đỡ được qua mười ngày là nhờ uống máu của lão cung nữ bên cạnh nàng ta. Nói sao thì Nhu sung nghi cũng là người có thân phận cao quý, coi mạng người như cỏ rác muốn làm gì thì làm. Chỉ đáng thương những người hầu hạ nàng ta, không có thức ăn vào tước cây nhổ cỏ lót bụng, không có nước uống phải uống nước bẩn dưới đất, thậm chí uống cả nước tiểu của mình. Có người tuyệt vọng, đến việc mình còn sống được bao lâu nữa cũng chẳng biết nên đã lén lút tự kết thúc tháng ngày đày đọa bằng một tấm lụa trắng.
Hoàng đế không hỏi tình hình của Nhu sung nghi ra sao, chỉ nhắc đến lòng trung thành bảo vệ chủ tử của lão cung nữ kia, đó là người có ơn với Nhu sung nghi. Chính vì thế ngài đã sai người bọc xác bà ấy rồi khiêng tới Hải gia, lệnh cho Hải gia phải chuẩn bị hậu táng chu toàn, còn bắt người thừa kế của Hải gia phải dập đầu với bà ấy, khấu tạ ân tình của lão cung nữ đối với cả nhà bọn họ. Nói là hậu táng, khấu tạ, thực chất là chà đạp danh dự của Hải đại nhân, cái tát đau điếng vừa nặng nề vừa tàn nhẫn.
Hai mươi tám tháng chín, thành Hồ Lan phía Tây Bắc xảy ra biến động, tin báo nhanh chóng được truyền vào cung, hoàng đế vì vậy mà thức khuya dậy sớm. Cho tới một đêm giá rét căm căm, ngài đã triệu khẩn cấp những vị thần là cánh tay đắc lực của mình trong triều đình tới, thức trắng cùng nhau bàn bạc kế hoạch, cuối cùng quyết định xuất quân.
Bộ binh thượng thư Hầu đại nhân không còn tâm tư để giục kẻ khác dâng tấu xin phong Nghi quý phi thành hoàng quý phi lên hoàng đế nữa, dù sao người dẫn binh ra trận chính là con trai độc nhất và đồng thời cũng là “đầu quả tim” của ông ta - Hầu Uyên Di.
Vị công tử nhà họ Hầu này là nhân vật khá có tiếng, khắp nơi ca ngợi, được rất nhiều cô nương trong kinh thành mến mộ, tới nỗi xe của y đi đến đâu là lại hứng trọn cả đống quả* đầy ắp từ những nàng thiếu nữ. Từ nhỏ đã khôi ngô tuấn tú, cũng lập được chút công trạng thành tích, còn được tiên đế tán thưởng. Hơn cả thế, y còn là con trai của quyền thần trong triều, và là cậu em vợ quý hóa của hoàng đế.
*Ném quả là hành động của phụ nữ để bày tỏ lòng ngưỡng mộ với những chàng đẹp trai. Dùng trong những buổi tụ họp nam nữ.
Chỉ tiếc rằng, năm mười tám tuổi lần đầu bước chân ra chiến trường, suýt nữa thì không thể trở về đoàn tụ gia đình. Cũng may trong khoảnh khắc cửu tử nhất sinh đã được thuộc hạ trung thành đỡ cho một mũi tên, trốn mình sau đống xác chết chồng chất mới thoát khỏi bàn tay tử thần. Tuy nhiên trận chiến đã tổn thương tới khuôn mặt vốn hoàn hảo của y, mày sáng mắt kiếm khi xưa giờ chỉ còn hằn những vết sẹo xấu xí, cánh tay trái không còn cầm kiếm được nữa.
Sau khi về kinh Hầu công tử chịu đả kích rất lớn, mặc dù cha mẹ y có nói đã gọi bà mai đến tìm mối hôn nhân tốt rồi đón một vị thê tử môn đăng hộ đối về cho y. Nhưng có lẽ điều đó chính là lý do khiến càng lúc y càng ít về nhà hơn, quanh năm vùng vẫy nơi sa trường, khắp người đâu đâu cũng toàn vết thương mới cũ có đủ, trông cực kỳ rợn người. Về phần người vợ, ngày ngày quẩn quanh trong Hầu phủ, không biết là do tủi thân hay buồn khổ quá độ, số lần được gặp phu quân của mình đếm trên đầu ngón tay, thế rồi lên cơn bạo bệnh và buông tay nhân gian khi còn rất trẻ. Từ đó, Hầu Uyên Di như biến thành con nghiện cầm vũ khí đánh đấm, cơ thể chịu vô vàn thương tích bệnh tật, xương cốt mỗi lúc một yếu dần khiến cho Hầu đại nhân thấp thỏm khôn nguôi.
Hoàng đế cũng không phải người không có lương tâm thế nên đã liên tục phong thưởng cho Hầu Uyên Di, thậm chí còn tuyên bố rõ ràng nếu Hầu Uyên Di chiến thắng trở về thì ngài lập tức phong tỷ tỷ của y lên làm hoàng quý phi, ca ngợi sự tận tâm của Hầu gia với đất nước, tiện thể an ủi Hầu đại nhân.
Khó trách vị Binh bộ thượng thư quyền cao chức trọng này cứ phải đấu tranh tư tưởng, mâu thuẫn trong lòng khó có thể tháo gỡ. Một mặt hy vọng con trai mình lập được chiến công vang dội, một mặt thì là lo sốt vó sợ y xảy ra mệnh hệ gì.
Chỉ là bên chỗ Hầu Uyên Di đã chuẩn bị xong xuôi chờ xuất phát thì ở hậu cung, Nghi quý phi đột nhiên ngã bệnh không dậy nổi.
Nghe nói bệnh này là do quỳ quá lâu ngoài Trường Tín điện.
Biết tin tức đệ đệ nhà mình phải dẫn binh tới thành Hồ Lan, Nghi quý phi quỳ trước Trường Tín điện bao lâu thì cửa điện cũng khép chặt ngần ấy thời gian.
Sáng sớm hôm sau, Trường Tín điện truyền chiếu chỉ, Nghi quý phi thấy Vệ công công cầm tờ chiếu đi ra thì vội đứng dậy ngăn lại nhưng rốt cuộc chỉ nhận được lời nói lạnh tanh của ông: “Xin quý phi hãy quay về đi, giờ lão nô còn đang vội truyền chỉ tới thượng thư phủ.”
Kết cục đã định không còn hy vọng thay đổi được nữa, cả người Nghi quý phi chao đảo như muốn ngã xuống, người hậu nhanh chóng đỡ nàng ta về Thừa Hoa cung.
Chỉ là, từ đó trở đi Thừa Hoa cung càng trở nên náo nhiệt hơn hẳn, mọi người ai ai cũng biết đến danh tiếng Hoài Hóa đại tướng quân Hầu Uyên Di bách chiến bách thắng đã ra chốn sa trường kiến công lập nghiệp, chờ đến khi ca khúc khải hoàn mang thắng lợi trở về như những lần trước thì Nghi quý phi sẽ thật sự trở thành người đứng đầu lục cung, ngay cả Vinh phi cũng không thể ngang ngược đi quá giới hạn nữa.
Vừa khéo hiện tại Nghi quý phi đang bị bệnh, đúng là thời cơ cực tốt để đến xu nịnh tâng bốc người ta, mà nữ nhân trời sinh đã có năng khiếu thăm dò ý tứ đối phương qua lời nói và sắc mặt nên sao nhắm mắt bỏ qua lần này cho được?
Đương nhiên ta chẳng muốn tham gia vào mấy trò vặt vãnh ấy, Dẫn Diên có thúc giục ta vài lần nhưng ta lại cảm thấy chuyện này quá là hoang đường.
Ta đi để làm gì chứ?
Chăm sóc quý phi, ta vốn chân tay vụng về, làm sao bì được với mấy cung nữ đã được huấn luyện thuần thục.
Quỳ bên giường túc trực, gian phòng bé tí mà cả hơn chục người chen chúc lúc nhúc, người ốm có khi còn thấy ngột ngạt hơn gấp trăm lần.
Còn nếu mà nói đến Thừa Hoa cung để chọc giận nàng ta thì ta cũng không có năng lực đó, vẫn thua xa Vinh phi trong khoản khiến người khác tức chết.
Nghĩ tới nghĩ lui ta thực sự cảm thấy Nghi quý phi đúng là đáng thương, tâm tình vốn đã u sầu, vậy mà mỗi ngày còn phải nghe một đám nữ nhân nối đuôi nhau tới sắm vai mèo khóc chuột.
Đây chính là nỗi khổ của quý phi đấy!
Trong số những người đó, người có biểu hiện tích cực nhất chính là Phùng tiệp dư, lúc nào cũng thấy nhảy nhót lung tung. Nàng ta tới tìm ta những ba lần liên tiếp, lần nào cũng châm chọc khiêu khích, nói đạo đức của ta bị chó cắn hết cả rồi, bảo ta bất kính với Nghi quý phi, ỷ vào có mấy phần sủng ái mà đã chẳng phân biệt nổi tôn ti trật tự, không hề có lòng hiếu kính, cũng không biết điều đi đến Thừa Hoa cung quỳ.
Ta định hỏi lại nếu nàng ta rỗi hơi đến giáo huấn ta thế này thì sao không dành thời gian đó để đến chỗ Nghi quý phi quỳ. Chẳng đợi ta đáp trả thì ma ma bên cạnh Phùng tiệp dư đã cướp lời: “Chủ tử của chúng nô tỳ là tiệp dư, đã quỳ bên cạnh giường Nghi quý phi suốt cả đêm để phụng dưỡng, sáng thấy quý phi tỉnh mới miễn cưỡng rời đi. Lại đề cập đến vấn đề của Diệp đáp ứng nên chủ tử mới muốn thay quý phi dạy dỗ mấy phi tần cấp thấp. Thế mà chủ tử đã nhắc nhở hai ba lần rồi mà vẫn không thấy Diệp đáp ứng phản ứng gì, sao lại có người không chịu hiểu chuyện thế chứ?”
Ôi trời, đúng là chiến sĩ thi đua gương mẫu, quỳ sáu bảy canh giờ mà vẫn còn tâm tư đến dạy bảo ta!
Ta cơ hồ bị những lời này làm cảm động, vì để tiễn bước vị tôn Phật Phùng tiệp dư này đi, ta liên tục tỏ vẻ như nhất định sẽ nghe lời khuyên răn mà đến cung quý phi quỳ. Nhưng ta chỉ là một đáp ứng, sao tôn quý bằng tiệp dư, nên chắc chắn không thể quỳ quá lâu, nhỡ đâu vô tình giành hết nổi bật của nàng ta thì khổ.
Thấy ta vỗ ngực cam đoan chắc nịch, còn thề thốt sẽ bảo với quý phi rằng chính Phùng tiệp dư đã kêu ta tới. Tuy còn mang nhiều hoài nghi nhưng nàng ta cũng chịu hài lòng rời đi.
“Nịnh hót kiểu này đúng là quá khó mà.” Nhìn bóng lưng dần khuất xa của nàng ta và ma ma, ta không nhịn được tặc lưỡi cảm thán.
Dẫn Diên ngượng ngập nói: “Phùng tiệp dư là muội muội ruột của Phùng quý nhân, tỷ tỷ của mình bị Vinh phi tra tấn đến chết, hiển nhiên sẽ muốn bợ đỡ Nghi quý phi, tìm cách báo thù cho tỷ tỷ.”
“Báo thù?” Ta cười lạnh, “Cứ quỳ là sẽ báo thù được?”
Báo thù, ta lại có cảm giác không phải như thế. Lần đầu tiên gặp Phùng tiệp dư ở Thừa Hoa cung, khi đó hài cốt Phùng quý nhân còn chưa lạnh nhưng chưa bao giờ thấy nét bi thương hiện hữu trên khuôn mặt Phùng tiệp dư, ngược lại càng giống như người đứng ngoài cuộc, thái độ thờ ơ coi như không dính líu đến mình, thậm chí còn cười đùa rất vui vẻ.
Từ xưa, các trường hợp như gà nhà bôi mặt đá nhau chiếm phần rất lớn trong số những vụ huyết án của hoàng gia. Ai dám đảm bảo tỷ muội máu mủ ruột thịt khi bước vào hậu cung rồi vẫn còn giữ được mối quan hệ khắng khít như xưa?