Vô Linh
là một nhân vật thần bí, cũng giống như tất cả mọi người đều cảm thấy tôi là
một nhân vật thần bí vậy. Nhân vật thần bí luôn hiểu rõ nhất nội tâm mình. Câu
chuyện của hắn đã chấm dứt từ mấy năm trước, chấm dứt đến nỗi hoàn toàn không
còn một chút dây dưa vết tích gì. Hắn nhận tiền và giết bang chủ của một phái
nhỏ lúc bấy giờ, sau đó đem theo người đàn bà của bang chủ kia đi, để lại một
thanh kiếm ở hiện trường. Thanh kiếm ấy chính là Linh, mà về sau tôi đã nhặt
về. Người bỏ đi, nhưng kiếm lại càng giống sát thủ, bởi nó đã khiến không biết
bao nhiêu nhân sĩ giang hồ tàn sát lẫn nhau.
Một
đoạn sắt thép của một sát thủ để lại có quan trọng vậy không? Tôi cho rằng
không. Có điều giang hồ là xã hội đen, mà xã hội đen là một quần thể đặc biệt,
sẵn sàng đánh nhau chỉ vì một bát vằn thắn, huống chi lại là một thanh kiếm có
bề dày lịch sử. Bất kỳ lúc nào, kiếm cũng chỉ là cái cớ, việc ai đó có thể giết
được bao nhiêu người để đoạt được thanh kiếm mới là thật.
Vả lại,
Vô Linh không chỉ là một tên sát thủ. Hai mươi năm hắn hành tẩu giang hồ là hai
mươi năm đầy truyền kỳ. Trong hai mươi năm, cuộc thế yên ổn, Trung nguyên không
có quân phản loạn, Tây Vực không có giặc Hung Nô, tất cả các phần tử ưa gây sự
đều không bị phân tâm bởi chính trị, một lòng một dạ luyện tập các loại võ
công, ngẩng đầu ngóng ngày loạn thế, đối tượng mọi người đề phòng nhiều nhất
chính là các loài động vật hoang dã bất thình lình tấn công từ trên núi xuống
như hổ, gấu, và cả sát thủ Vô Linh nữa. Tương truyền Vô Linh ra tay rất nhanh,
nhanh đến nỗi bạn còn chưa kịp thấy hắn động thủ thì đối phương đã ngã nhào
rồi, về sau lời đồn đại ngày càng được thổi phồng hơn nữa, người giang hồ đều
lo nơm nớp, ngày càng có nhiều người ngã ngất khi trông thấy Vô Linh, mặc dù
hắn còn chưa ra tay. Bởi mọi người đều tin lời đồn thổi là thật, cho nên thoạt
trông thấy Vô Linh, họ đã chết khiếp; Vô Linh cũng không cần thiết phải chứng
tỏ tốc độ tuyệt đỉnh của mình, chỉ cần bước tới đâm thêm hai nhát là được.
Sát thủ
liệu có phải thấy ai cũng giết không? Vả lại, có công lực mạnh mẽ như thế sao
phải đi làm sát thủ, làm bang chủ chẳng hơn ư? Có điều nguyện vọng lớn nhất của
Vô Linh là mong cho thiên hạ yên bình, yên bình thật tốt biết bao, một mình
mình với một mình mình lúc nào mà chẳng yên bình, cứ có một đám người là y rằng
náo loạn. Vô Linh chỉ muốn làm một hiệp khách, nhưng hiệp khách hành tẩu trong
giang hồ cần phải có kinh phí, không thể ăn trộm được, nếu ăn trộm thì là tặc
khách, tuy nói rằng có thể trộm tiền của bọn tham quan ô lại, sau đó vờ là cướp
của nhà giàu chia cho người nghèo, phần lớn thì mình giữ lại, còn phần nhỏ chia
cho quần chúng nhân dân, nhưng tiền của bọn tham quan đương thời đều bỏ cả vào
tiền trang, mà tiền trang đa phần được triều đình ủng hộ, ra vào lấy tiền đều
có mật mã, nói sai ba lần lập tức bị bắt ngay, cho nên rất khó. Nhưng đột nhiên
có một lần nọ, có người nhờ Vô Linh giết người, khéo nỗi kẻ cần giết lại chính
là một viên quan bản địa, mà đã là quan tức là kẻ xấu, giết xong thì có một
trăm lạng. Sau lần thành công đó, trong giới đều biết là có một người như thế,
một người tiêu diêu tự tại, không sợ giết người rồi bị kẻ khác tiệu diệt bang
phái, giá cả cũng phải chăng, không giết vua, còn các quan nhất phẩm khác, thì
nhất loạt thu một trăm lạng. Dần dần về sau, còn giết cả những kẻ không làm
quan, song kẻ không làm quan là người tốt hay kẻ xấu thì cũng còn khó nói, chỉ
xem trả giá có cao không mà thôi, đối với dân thường, tương truyền kẻ nào có
phẩm hạnh không tốt, giết một tên thì thu một nghìn lạng, kẻ không rõ tốt xấu
thế nào, giết một tên thu hai nghìn lạng. Giết dân thường không giống như giết
quan, bởi giết dân thường, lòng sẽ thấy áy náy. Song thời thái bình thịnh thế
thì về cơ bản là toàn quan tham, thời loạn thế may ra có quan thanh liêm chăng?
Thanh
kiếm của Vô Linh chắc chắn là một thanh kiếm truyền kỳ, bởi ai cũng bảo thanh
kiếm này rất xịn, vả lại Vô Linh giàu như thế, kiếm của người giàu lẽ nào lại
không xịn? Nguồn gốc của thanh kiếm là thế này: có người nhờ Vô Linh đi giết
một vị lão nhân đã làm ám khí suốt sáu mươi năm trong giang hồ, nhưng chưa đợi
Vô Linh kịp động thủ, vị lão nhân đã nói: “Ta biết có kẻ muốn giết ta, ta sẽ
cho ngươi một thanh kiếm, rồi coi như mọi việc êm đẹp. Kiếm này không phải loại
kiếm thường, cả đời ta chỉ đúc có mỗi hai thanh như vậy thôi. Một thanh cho
ngươi, không phải để tạ ơn ngươi tha mạng, mà thanh kiếm này tạm thời do ngươi
sử dụng, sau cùng nó sẽ về tay người xứng đáng, ngươi giết ta cũng được, nhưng
chỉ cần ta ngã xuống, ngươi sẽ không thể ra khỏi sân này đâu!”
Vô Linh
đã nhận thanh kiếm đó. Thanh kiếm rất bén, duy không thể làm sây sát được vỏ
kiếm. Hai mươi năm sau, Vô Linh phủi tay bỏ nghề, bởi một mình cũng khó có cách
nào sống yên ổn lâu dài được, tự đối diện với bản thân mình thực ra đã là hại
người rồi. Giết chóc hai chục năm trời, cuối cùng lại mai danh ẩn tích cùng một
cô gái. Điều này rốt cuộc coi như chứng minh được rằng: hắn cũng là một kẻ
giang hồ mà thôi.
Nhưng
ai ngờ một thanh kiếm tuyệt thế lại bị bỏ trên nền nhà của người bị hại, không
mảy may thương tiếc. Có thể thấy, thanh kiếm tuyệt thế rốt cuộc vẫn là thanh
kiếm tuyệt thế, bởi riêng việc bị vứt xuống nền nhà cũng đã làm dấy lên một
cuộc tranh luận lớn trong giang hồ. Giang hồ đồn rằng sau khi trông thấy cô
gái, sát thủ bất chợt nhận ra mục tiêu của đời mình, còn cô gái thực chất đã bị
tên tham quan chiếm đoạt, sau khi thấy sát thủ cô bất chợt nhận ra cuối cùng
cũng gặp được một người đàn ông chân chính, đôi bên chớm gặp xiêu lòng, thành
ra kiếm nhẹ như không, thế là Linh bị bỏ rơi. Giang hồ lại đồn đại, thực ra cô
gái bấy giờ đã ngất lịm, để cõng cô gái cho nên Vô Linh nhất thời hồ đồ đã làm
rớt thanh kiếm ở hiện trường. Nhưng giang hồ còn đồn rằng, việc này rất khó có
thể xảy ra, bởi người ta dẫu hồ đồ thế nào đi nữa thì cũng không thể để rớt
hung khí tại hiện trường được, huống hồ Linh lại được liệt vào hàng quốc bảo.
Bạn đã bao giờ thấy ai cưỡi con Xích Huyết mã đi làm, sau đó quên rằng mình đã
cưỡi một con ngựa tốt và rồi trở về trên một chiếc xe kéo chưa? Giang hồ còn
đồn rằng, sát thủ cõng cô gái đang hôn mê, lại xách cả chiếc đầu lâu của kẻ bị
hại, đâm ra không còn tay nào cầm kiếm nữa, đành bỏ kiếm đi. Nhưng giang hồ lại
phản bác, điều đó cũng khó có thể xảy ra, bởi nếu bạn từng mang vác rất nhiều
hành lý, bạn sẽ biết rằng, để đỡ phải chạy đi chạy lại nhiều lần, con người ta
thực ra vẫn có thể cố mang vác dù rằng đồ đạc có nhiều hơn nữa, huống hồ là một
sát thủ lõi đời.
Tóm lại
tức là, Vô Linh đã ra đi từ đó. Chuỗi tháng năm truyền kỳ mà người sống trong
giang hồ đều mơ tưởng tới cũng đã trôi qua. Còn chúng tôi thì sao, quãng thời
gian đó, chỉ có việc tranh đoạt một thanh kiếm, rồi thì khiến cho Vô Linh ngày
một huyền hồ hơn sau mỗi lời đồn thổi. Người ta đều nói rằng thanh kiếm này có
thể ra hiệu lệnh cho thiên hạ, nhưng tôi thường nghĩ, nếu tôi nhặt được một tấm
long bào do hoàng đế bỏ rơi, vậy phải chăng tôi cũng có thể ra lệnh cho thiên
hạ? Từ đầu chí cuối ra hiệu lệnh cho thiên hạ đều là người. Mà thiên hạ đã có
người ra hiệu lệnh, vì sao một số người trên thực tế chỉ có thể nhận lệnh nhưng
không cam lòng, lại cứ muốn tạo ra một thiên hạ thứ hai cơ chứ? Phải chăng sẽ
còn có một thiên hạ khác nữa? Lắm thiên hạ như vậy, thì thiên hạ bảo sao mà
chẳng loạn.
Phương
Nam lá rụng, phương Bắc tuyết rơi, cứ vậy hết năm này qua năm khác. Năm tôi
mười tám tuổi, sư phụ nói: ngày kia con có thể đi được rồi.
Tôi
đáp: Con đi đâu ạ?
Sư phụ
nói: Con thích đi đâu thì đi. Nhưng điều này không do con quyết định.
Tôi
đáp: Có rất nhiều việc con còn chưa hiểu.
Sư phụ
nói: Cho nên con mới cần đi để hiểu.
Tôi
nói: Vậy Hỷ Lạc thì sao ạ?
Sư phụ
nói: Đi cùng con.
Tôi
đáp: Thật ạ? Vậy sư huynh thì sao ạ?
Sư phụ
nói: Đi đường nó.
Tôi hỏi
sư phụ: Con có thể hỏi thầy một số câu hỏi không?
Sư phụ
trả lời: Hỏi đi!
Tôi
hỏi: Vì sao con từ nhỏ đã ở đây?
Sư phụ
đáp: Để khiến Thiếu Lâm lớn mạnh.
Tôi hỏi
tiếp: Vì sao bây giờ lại bắt con ra đi?
Sư phụ
đáp: Để Thiếu Lâm khỏi vướng phải tai họa tày trời.
Tôi
hỏi: Vì sao ạ?
Sư phụ
nói: Con sẽ tự biết!
Tôi hỏi
tiếp: Vậy sư huynh của con là ai?
Sư phụ
đáp: Không nói được.
Tôi lại
hỏi: Vì sao sư phụ không truyền cho con võ công chính quy?
Sư phụ
đáp: Con đã không cần đến võ công nữa. Võ đều là các bài quyền cả thôi, bài
quyền này khắc chế bài quyền kia, nếu con không biết đòn của đối phương, con có
thể dùng bài quyền của chúng ta để phòng bị, dùng đòn này chống trả đòn kia,
thực ra không cần để ý đến câu hỏi liệu có hàng phục được đối phương hay không,
mà chỉ cần biết công lực của mình cao hay thấp, tất cả quyền thuật đều không
phải không có chỗ sơ hở để có thể tấn công, hay nói cách khác, tất cả quyền
thuật đều có rất nhiều lỗ hổng, cái chính là phải xem tốc độ và sức mạnh của
mình. Con đã có tốc độ và sức mạnh thuộc hàng đệ nhất, trong khi con lại có thể
thấy hết thảy động tác đối phương, thế thì ta còn dạy con đi quyền làm gì.
Tôi
đáp: Dẫu có như vậy, nhưng con đi quyền trông vẫn hơi khó coi.
Sư phụ
nói: Xưa nay chỉ có kẻ bại trận mới hơi khó coi thôi.
Tôi
nói: Vậy nhỡ con gặp phải cao thủ thì làm thế nào?
Sư phụ
trả lời: Thì chạy. Dù gì người ta cũng chẳng đánh được con.
Tôi
hỏi: Vậy con phải đi đâu?
Sư phụ
nói: Câu này con hỏi rồi.
Tôi hỏi
tiếp: Vậy con phải đi để làm việc gì?
Sư phụ
nói: Đến con còn chẳng biết con phải làm gì, thì ta làm sao biết được con phải
làm gì?
Tôi
đáp: Các thầy sắp đặt cho con suốt mười tám năm.
Sư phụ
nói: Suốt mười tám năm nay, thực ra con chưa từng đón nhận sự sắp đặt của ai
cả. Con chỉ cảm thấy các bài luyện tập ở đây có ích chứ không có hại, vả lại
trong lòng con hiểu rõ rằng nếu ra khỏi ngôi chùa này, con cũng không sống được
đến lúc trưởng thành.
Tôi
nói: Con cũng từng nghĩ như vậy, nhưng mà tại sao cơ chứ?
Sư phụ
đáp: Chính sự lớn mạnh hiện giờ của Thiếu Lâm đã bảo vệ con, bản thân con có
thể không biết, song bên ngoài đều biết con. Sau khi con xuống núi, lúc bình
thường không được dùng pháp danh vốn có nữa.
Tôi
nói: Vậy con được gọi là gì?
Sư phụ
nói: Con tự nghĩ đi! Bao năm nay, ta đã phải chịu đủ cái nỗi khổ đặt tên này
rồi.
Tôi
nói: Vậy con ngủ ở đâu?
Sư phụ
nói: Thì có Hỷ Lạc đấy, con bé chắc chắn sẽ giúp được con!
Tôi
nói: Vậy con có còn được coi là người của Thiếu Lâm không?
Sư phụ
nói: Con nói xem?
Tôi
nói: Vậy tại sao ngày kia con lại phải ra đi? Ngay bây giờ không được ạ?
Sư phụ
trả lời: Không được. Ngày mai trong giang hồ sẽ có cuộc đại tỉ thí võ công. Sư
phụ Huệ Cánh ở chùa Thông Quảng của chúng ta sẽ có một trận quyết chiến với Võ
Đang.
Sư phụ
nói: Vậy Võ Đang muốn người của Thiếu Lâm chết hết, đúng không?
Tôi
đáp: Vâng!
Sư phụ
nói: Trận tỉ thí đó sẽ chẳng có ai thắng cả. Ai thắng cũng như nhau thôi, thắng
thế trận mà không thắng lòng người thì vẫn là thua. Ai thắng cũng là thua.
Tôi
nói: Vậy tại sao còn phải tỉ thí ạ?
Sư phụ
trả lời: Ngày ấy rốt cuộc cũng phải đến, Thiếu Lâm làm ăn lớn trong võ lâm,
song bản chất không mưu lợi cho nên mọi người đều bất mãn, bôn tẩu giang hồ thì
phải uống rượu, nhưng mọi người đều không thể không có tiền rượu được.
Tôi
đáp: Vậy chúng ta không tham gia tỉ thí nữa là được.
Sư phụ
nói: Trận tỉ thí đó ai cũng biết, kẻ thắng sẽ hùng bá thiên hạ. Bá tánh trong
thiên hạ đều biết, Thiếu Lâm bị ép phải tham gia. Có trách thì chỉ có thể trách
công tác tuyên truyền được làm qua tốt thôi.
Tôi
nói: Vì sao chúng ta đều không thể thoát tục được? Sư phụ vẫn thường nói phải
thoát tục, nhưng cả Thiếu Lâm đều chưa thể thoát tục kia mà.
Sư phụ
nói: Chúng ta mà thoát tục được cả thì còn nói làm gì? Cứ nói thoát tục ra rả
là vì chưa có ai thoát tục được cả. Thiếu Lâm suy cho cùng cũng chỉ là một bang
phái, mà đã là bang phái thì khó tránh khỏi sự chém giết lẫn nhau.
Tôi
hỏi: Vì sao mọi người đều phải tỉ thí ạ?
Sư phụ
trả lời: Bời vì thiên hạ quá yên bình.
Tôi
nói: Yên bình ổn định không tốt sao?
Sư phụ
đáp: Chắc trong giang hồ có kẻ muốn làm anh hùng, ai bảo người xưa nói “loạn
thế xuất anh hùng”? Mọi người đều nghĩ rằng thời loạn mới xuất hiện anh hùng,
chứ nếu người xưa bảo “thịnh thế xuất anh hùng” thì thiên hạ chắc đã yên ổn dài
dài.
Tôi
nói: Vì sao lại tin vào câu nói của một người không cùng một thời đại?
Sư phụ
nói: Bởi vì ngoài vua ra, thì tất cả đều là con dân trăm họ, con dân trăm họ
thì đều là thằng ngốc.
Tôi
hỏi: Vậy vua thì sao?
Sư phụ
tôi đáp: Là thằng đại ngốc.
Tôi “ồ”
lên một tiếng.
Ngày
hôm sau. Hỷ Lạc ở trong chùa đợi tôi, tôi và sư phụ đi theo dõi trận quyết đấu.
Trên Di Xuân các ở thành Trường An, Lưu Vân bị vây khốn. Huệ Cánh đã được cáng
vào trong chùa để cứu chữa. Tôi hỏi sư phụ: Kết cục sẽ thế nào?
Sư phụ
trả lời: Như nhau.
Tôi
hỏi: Vậy sau khi con đi, con có thể thường xuyên về thăm chùa không?
Sư phụ
trả lời: Không được.
Tôi
hỏi: Vì sao ạ?
Sư phụ
đáp: Nếu con tơ tưởng đến việc thường xuyên về thăm nhà, con sẽ không đi xa
được.
Tôi
nói: Vậy ngay cả sư phụ, con cũng không được gặp ạ?
Sư phụ
nói: Chớ có nuối tiếc, ta chỉ vừa khéo là sư phụ con thôi. Con hãy nhớ, khi con
cảm thấy chẳng có cách nào làm phai nhạt đi hình bóng của ai đó, con hãy nghĩ,
người đó chỉ vừa khéo là người đó, thế là được. Ví dụ sau này Hỷ Lạc có chết,
con hãy nghĩ, Hỷ Lạc chẳng qua vừa khéo là bạn gái của mình mà thôi, thế là
được.
Tôi
nói: Lẽ nào tất cả mọi việc đều diễn ra vừa khéo?
Sư phụ
nói: Không, tất cả mọi việc trước khi xảy ra thì gọi là “chưa hay”, sau khi xảy
ra và ngẫm nghĩ lại thì gọi là “vừa khéo”.
Tôi
nói: Vậy những sự “vừa khéo” kia không phải được sắp sẵn đúng không ạ?
Sư phụ
nói: Số phận đã sắp sẵn, mệnh không thay đổi, vừa khéo chỉ là một phó từ.
Tôi
nói: Vậy sư phụ tặng con chút qua lưu niệm gì đi!
Bấy
giờ, nước mắt tôi chỉ chực trào ra.
Sư phụ
nói: Vậy tặng con Linh kiếm nhé!
Tôi
chợt thu lại nước mắt: À! Linh…
Sư phụ
nói: Kẻ làm thầy này và cả phương trượng cũng đều có ý này. Để kiếm ở Thiếu Lâm
cũng chẳng có ích lợi gì, trong khi con lại có thể khống chế được Linh. Người
khác thì không xong.
Tôi
nói: Vì sao ạ?
Sư phụ
đáp: Bởi con trông thấy nó là có thể hàng phục nó, con không trông thấy nó sẽ
không thể hàng phục nó.
Tôi
đáp: Linh quá quý báu, con không nhận được, dù chỉ là vỏ kiếm thôi con cũng
thấy mãn nguyện rồi.
Sư phụ
cười: Ha ha ha, kiếm và vỏ không thể tách rời. Song ta hy vọng con có thể nhớ
câu con vừa nói suốt đời.
Sư phụ
nói: Con không cần đi gặp Thích Không đâu, ta biết huynh đệ hai con tình sâu
nghĩa nặng, song nó chỉ vừa khéo là sưu huynh của con mà thôi.
Sư phụ
lại nói: Con có thể hỏi ra một câu hỏi cuối cùng!
Tôi
nói: Vậy con sẽ hỏi đây, thực ra con vẫn luôn muốn hỏi, cả sư phụ cũng đã từng
hứa là sẽ nói, năm con sắp lên mười sư phụ đã nói vậy, nhưng sư phụ quên rồi.
Hồi con và sư huynh còn nhỏ, có lần lén xuống núi tắm, chúng con đã đi vào
trong một cái hang, song cả hai đều lập tức hôn mê bất tỉnh. Bao năm nay, con
vẫn luôn muốn quay lại hang động đó.
Sư phụ
tôi cười lớn, nói, ta không nói cho con đâu, nói rồi e con lại thất vọng. Con
đã khôn lớn, chớ có mê muội tin vào mấy câu chuyện truyền thuyết. Thiếu Lâm có
vô số mật thất, muốn giấu đồ sao lại phải giấu ở cái hang mà ngay cả thằng
Thích Không thô kệch cũng có thể tìm được.
Vượt
hai trăm dặm trở về chùa. Hỷ Lạc đã đeo Linh đứng ở cổng đợi tôi. Thấy Hỷ Lạc
đeo thanh kiếm mà thiên hạ tranh nhau cướp đoạt giữa ban ngày ban mặt tôi hết
sức kinh ngạc, bèn nói: Muội không sợ à?
Hỷ Lạc
nói: Không sợ, người tốt kẻ xấu đều đi xem tỉ thí võ công rồi.
Tôi
nói: Muội đứng đây đợi huynh lâu chưa?
Hỷ Lạc
nói: Lâu lắm rồi.
Tôi
nói: Vậy chúng ta đi đâu đây?
Hỷ Lạc
kéo tôi nói: Xuống núi chứ còn đi đâu.
Tôi
nói: Đợi đã, huynh còn một mộng tưởng muốn thực hiện.
Hỷ Lạc
nói: Gì nữa đây, mộng tưởng của huynh chẳng phải luôn muốn tới một nơi tươi
đẹp, sống một cuộc sống an nhàn sao?
Tôi
đáp: Không, còn một ước nguyện nữa, huynh muốn biết cái hang ở ngọn núi phía
sau rốt cuộc thế nào. Hồi còn nhỏ huynh đã bị ngất ở đó, giờ chắc huynh sẽ
không bị ngất nữa. Huynh muốn biết trong đó có gì.
Hỷ Lạc
không vui, nói: Là cái hang huynh từng kể ấy à? Chúng ta đã đủ khổ sở rồi, mà
ngộ nhỡ cả hai đều bị chết ngất thì phải làm sao?
Tôi
đáp: Cả hai đều chết ngất thì tốt quá.
Tôi và
Hỷ Lạc lén tới ven hang động ở dãy núi sau chùa. Tôi đứng cách cửa hang rất xa,
phát hiện thấy xung quanh sơn động đã bị cỏ hoang phủ lấp. Bấy giờ sắc trời sẩm
tối, các ngọn núi chung quanh có vẻ đáng sợ. Hỷ Lạc nép mình vào người tôi nói:
“Huynh ơi, mình về đi!”
Tôi
nói: Đã đến rồi, giờ mà quay về thì tiếc lắm. Nói đoạn liền đi tới gần sơn
động, bắt đầu bạt cỏ dại.
Tôi thò
đâu vào hang hít một hơi rồi vội nói: Hỷ Lạc! Muội ngửi thử xem! Mùi hương thật
lạ, phía trong chắc chắn có bí mật gì đó của Thiếu Lâm. Huynh có luyện được
thần công hay không không thành vấn đề, dù sao huynh cũng có thể chạy, nếu như
có bí kíp gì thì muội hãy luyện theo nhé.
Hỷ Lạc
nói: Đi thôi, muội cảm thấy chóng mặt quá.
Tôi
nói: Hồi xưa cũng lạ thật, làm sao bảo ngất là ngất ngay được nhỉ? Huynh chẳng
chóng mặt chút nào cả, chắc muội chóng mặt là do tác dụng tâm lý thôi.
Nói
đoạn, tôi chẳng biết trăng sao gì nữa.
Khi
tỉnh dậy tôi lại thấy khuôn mặt sư phụ. Ngẫm đi ngẫm lại thì điều này quả thật
khiến người ta có cảm giác anh hùng lắm nỗi truân chuyên, bởi đã bảo là xuất
phát từ lâu rồi, thế mà kết cuộc xuất mãi vẫn chẳng phát được. Tôi hỏi sư phụ:
Sao con lại bị ngất? Hỷ Lạc đâu ạ?
Sư phụ
nói: Tỉnh rồi. Không sao cả.
Sư phụ
nói tiếp: Con hiếu kỳ quá. Tính hiếu kỳ có thể gây chết người đấy!
Tôi
đáp: Nhưng sư phụ cũng biết, con từ nhỏ đã rất muốn biết bí mật của hang động
đó mà.
Sư phụ
nói: Ta không thể nói cho con được.
Tôi đáp:
Sư phụ, xin sư phụ nói cho con đi, bằng không con sẽ vẫn khám phá đến cùng.
Sư phụ
ngẫm nghĩ hồi lâu, rồi nói: Được rồi, ta đành phá vỡ một mộng tưởng của con
vậy.
Nói
đoạn, liền hỏi tôi có thể rời khỏi giường đi lại không, tôi trả lời không sao
cả. Sư phụ nói, vậy hãy đi theo ta.
Dọc
đường tôi bám theo sư phụ, chúng tôi đi đến trước Đại-nhà-xí của Thiếu Lâm. Sư
phụ hỏi tôi: Đây là đâu?
Tôi
đáp: Là Đại-nhà-xí!
Sư phụ
hỏi: Có tổng cộng bao nhiêu hố?
Tôi
đáp: Ít nhất cũng phải năm mươi hố!
Sư phụ
hỏi: Nhà chùa tồn tại bao nhiêu năm rồi?
Tôi
đáp: Không dưới ba trăm năm.
Sư phụ
nói: Đúng. Con xem, phía dưới Đại nhà xí thông với cái sơn động kia. Cứt đái
của năm mươi cái hố trong suốt ba trăm năm đều tích tụ trong đó, đương nhiên sẽ
sản sinh ra thứ khí khiến người ta ngạt thở. Con ngửi một lần không đủ, lại còn
ngửi đến lần thứ hai. Hừm, kẻ làm thầy này biết nói thế nào với con đây. Giờ
con đã thấy hối hận khi biết được sự việc này chưa?
Tuy có
cảm giác choáng váng như thể thần tượng của tôi vừa mới chết, nhưng tôi vẫn
nói: Con không hối hận, bằng không đợi đến khi võ công cao cường, con sẽ vẫn
vào hang tìm cho bằng được. Đa tạ sư phụ chỉ dạy. Sao sư phụ không sớm nói cho
đệ tử biết?
Sư phụ
nói: Hồi đó con còn nhỏ, có một cái hang để có thể suy ngẫm về nó là một việc
rất tốt.
Tôi
không nói gì.
Sư phụ
nói: Con có thể xuất phát được rồi!
Tôi
quay về chùa, dắt Hỷ Lạc đi theo. Cáo biệt sư phụ. Một lần nữa.
Khi tôi
quay người, Hỷ Lạc hỏi tôi: Trong cái hang đó rốt cuộc có thứ gì vậy?
Tôi
nói: Hỷ Lạc à! Đừng có để tính hiếu kỳ hại mình, huynh không thể nói cho muội
biết được.