Trời Ơi Nguyệt Lão Thực Lú Lẫn

Chương 75: Ai nên sống phải sống

Sự kiện chấn động tại tỉnh Cận Sa mau chóng chìm vào quên lãng. Nếu có nhớ chăng bọn họ cũng chỉ nghĩ tới ngọn núi phun trào, chứ không phải một cuộc chính biến của những người họ Lưu. Vùng Thất sơn trước đây là núi rừng hoang vu vắng vẻ, sau đó cũng chỉ là nơi vắng vẻ hoang vu. Không có người sống ở Cấm sơn nên cũng chẳng ai quan tâm ngọn núi thay đổi thành hình dạng như thế nào. Trong mắt người dân lương thiện chỉ có cơm no áo ấm chứ ít người rỗi hơi lo xa xôi. Công chúa bị mất tích là chuyện không nói ra cũng chẳng ai biết tới.

Nội xưởng sau đó vẫn tiếp tục làm nhiệm vụ truy tìm tàn dư phản tặc nhưng chưa kẻ nào thành công. Toàn bộ những đám thổ phỉ đã bỏ đi đều im hơi lặng tiếng, không dám cựa mình. Trong vòng năm năm sau, cả Việt quốc đều là thiên hạ thái bình. Kẻ nào muốn làm loạn đành phải dọn sang các quốc gia kế cận để mà hành nghề trộm cướp.

Hai tiếng Lưu Gia là điều cấm kỵ nhất chẳng ai dám nói tới. Toàn bộ dòng họ này đều bị tận diệt đến người cuối cùng. Chẳng còn lý do gì để người dân hô hào khôi phục tiền triều nữa. Chiến tranh đẫm máu sao sánh được với hoà bình cơm trắng áo hoa. Mấy kẻ thoát thân khỏi trận thảm hoạ năm đó đều tích cực trở thành người dân lương thiện. Đại hoạ không chết, họ đi chùa tạ phật không kịp, sao lại có gan làm chuyện xằng bậy. Chuyện xấu không phát sinh, cả thiên hạ đều là lương dân thì làm sao Nội xưởng có khả năng truy ra.

Ngày một tháng tám năm Khai Nguyên bốn mươi, Hoài Niệm mới trở về kinh thành lần nữa. Nàng đã biến mất suốt một năm, nay quay lại nơi cũ chỉ vì đã đến ngày giỗ kỵ ở nhà họ Hoàng.

- Thời gian quả thật như thoi đưa, mới chớp mắt đã đến đến ngày giỗ đầu rồi. - Đại phu nhân thở dài, nhìn lên bàn thờ nghi ngút khói của vong phu.Hoài Niệm không biết nói gì, chỉ thắp nhang rồi lại ngồi im nghe các vị Hoàng phu nhân tâm sự. Cả gia đình chín người quả phụ buồn rầu, tang tóc vẫn chưa kịp hết. Họ thương tiếc Bích Tuyền tuổi xuân đoản mạng, lại không thể tìm ra thi cốt để mà chôn cất. Nàng nghe đến đoạn này nước mắt lại chảy dài, tim lại nhói đau.

Vết thương trên da rồi sẽ lành, nhưng nỗi đau trong lòng chẳng thể nào nguôi bớt. Nàng đưa tay nhéo vào đùi mình, lấy cơn đau áp chế cơn đau. Hoài Niệm đã sống suốt một năm mà đêm nào cũng giật mình gọi tên Mạt Hối. Xung quanh nàng chỉ là trống vắng bi thương, không còn vòng tay ấm nào bao bọc. Nàng sẽ phát điên lên mất nếu không có kỷ vật mà Mạt Hối để lại. Lọn tóc đen của tình lang vẫn còn vương vấn hơi thở hắn xung quanh.

Mạt Hối đã biết trước, vì bản thân hắn cũng từng trải qua những tháng ngày nhung nhớ. Hắn để nàng không thể quên mình, nhưng cũng giúp Hoài Niệm không tiếp tục sụp đổ thêm. Gặp gỡ năm lần, tháng ngày họ ở bên nhau chưa bao giờ được dài lâu. Yêu một người chỉ mất vài giây nhưng nhung nhớ có thể kéo dài đến muôn đời.

Ngũ phu nhân, cửu phu nhân kéo Hoài Niệm lại dỗ dành. Cô nương này lại gợi cho họ nhớ về Bích Tuyền đã mất. Ngày giỗ kỵ là dịp để những người còn sống tưởng nhớ cố nhân. Chỉ có kẻ cùng nỗi đau mới có thể chia sẻ nỗi đau được.

Trưa hôm đó, mọi người tề tựu lại ăn buổi cơm thân mật. Chín vị đại ca của Bích Tuyền cũng có mặt đầy đủ trong phủ tướng quân. Tất cả họ đều đã trở thành quan to quyền quý được hoàng thượng trọng dụng. Thậm chí những người cầm binh đóng ở vùng xa cũng được đặt cách trở về nhà trong dịp giỗ đầu của phụ thân.

Mọi người tụ họp cùng nói về những việc mình đã làm trong thời gian qua. Bát ca của Bích Tuyền vui miệng nhắc tới kỳ khoa cử năm nay đã có kết quả.

- Chắc hẳn bảng vàng lúc này đã dán tên người chiến thắng. - Bát ca cười nói. - Con nhớ kẻ đỗ trạng nguyên là cái tên rất ấn tượng, Nghiêm Thừa Chí.Hoài Niệm vừa nghe xong, tay đã đánh rơi chén cơm. Mạt Hối từng nói, nhất định sẽ có ngày hắn làm cho ba chữ Nghiêm Thừa Chí xuất hiện trên bảng vàng của Việt quốc. Nàng bỏ chạy khỏi Hoàng phủ, tâm trạng rối bời xúc động. Hoài Niệm đến chỗ dán cáo thị trước cung điện, chen chúc vào đám người đang bu xúm xít xung quanh.

Cái tên Nghiêm Thừa Chí quả nhiên được ghi bằng mực đỏ như son ở vị trí trạng nguyên cao nhất. Nàng bật khóc, không biết căn cứ vào đâu, nhận định chắc chắn là hắn. Hoài Niệm nhìn ngó xung quanh, tìm kiếm trong biển người ngột ngạt. Bát ca từng nói cáo thị vừa mới được dán lên, ai muốn biết kết quả nhất định phải đến xem.

Tên của tam khôi đang được mọi người la hét thông truyền. Đó là những tay nhanh nhảu, tìm đến nhà trọ của thí sinh thông báo nhằm kiếm chút tài lộc từ những kẻ mới chiến thắng. Hoài Niệm lập tức đi theo dấu chân của nhóm ‘trạng nguyên’ đến một nhà trọ nhỏ ở phía nam kinh thành. Nhưng mọi người thất vọng ra mặt khi ông chủ thông báo trạng nguyên vừa nghe tin đã dọn đồ đi rồi. Có người đoán chắc các tân khoa đã đến Thái Học viện tham bái, chuẩn bị nhậm chức. Chỉ riêng Hoài Niệm níu tay ông chủ hỏi thăm về tình hình người này.

- Có gì đặc biệt không hả? - Ông chủ nhà trọ vuốt râu. - Điểm đặc biệt nhất có lẽ là y lúc nào cũng cắm cúi, tóc che phủ mặt, không ai nhìn rõ dung mạo. Còn có chân phải hình như đã từng bị thương nên đi khập khiễng và không thể chạy nhanh.

- Hướng nào? - Nàng vừa hỏi, nước mắt đã ngập tràn trên mặt.

- Bến tàu, mặc dù ta đã chỉ Thái Học viện ở phía ngược lại kia.Không kịp cảm ơn, Hoài Niệm đã chạy ào theo hướng ông chủ quán trọ vừa chỉ. Người tưởng đã mất đi, sao đột nhiên lại xuất hiện thế này. Hoài Niệm vừa đi vừa khóc, đã mấy lần vấp ngã vì nước mắt nên không nhìn rõ lối. Nàng đến bến tàu thì bê bết thảm thương, quần áo dính đầy bùn lầy.

Biết bao người qua kẻ lại, Hoài Niệm đứng giữa ngã tư không biết đi theo lối nào mới đúng. Nếu thật sự Mạt Hối còn sống, tại sao không ngay lập tức đi tìm nàng? Một năm rồi, đúng một năm nàng sống trong mơ màng cùng quá khứ. Hắn thật sự là một kẻ nhẫn tâm, muốn bỏ rơi nàng sao.

- Thừa Chí ... Thừa Chí. - Nàng gào thét trong tuyệt vọng.Đó có phải là hắn không, kẻ luôn xuất hiện trong giấc mơ cuả Hoài Niệm? Những người xung quanh quay lại, nhìn cô nương đáng thương có dáng bộ như đang đi lạc. Người ngoài nhìn vào vẫn tưởng Hoài Niệm chỉ mới mười lăm mười sáu tuổi, là một tiểu thư lần đầu xuất môn. Nàng tìm kiếm ở những khuôn mặt xung quanh nét gì đó quen thuộc, nhưng chẳng ai là người mà nàng ngày nhớ đêm mong cả.

Hoài Niệm hết cách, nếu chậm trễ hắn sẽ đi mất dấu. Nàng bắt đầu hát bằng chất giọng cà lăm cuả mình, hát thật to để có thể thu hút hết toàn bộ bến tàu.

"Người về người ở khéo buồn sao,

Tức tối mình thay biết lẽ nào.

Tơ tóc lời kia còn nữa hết,

Đá vàng lòng nọ xiết là bao.

Nổi cơn riêng giận ngày trời ngắn,

Mỏi mắt chờ xem bóng nguyệt cao.

Sớm biết lẽ trời lí có hợp,

Thì mười năm trước bận chi nao.”(“An Hưng ngụ thứ”, Hồ Xuân Hương)

Nếu là hắn chắc chắn sẽ nghe được nàng đang hát về cái gì. Nếu là hắn sẽ không quên bài thơ Thừa Chí dùng để dẫn dụ nàng.

Mọi người xúm xít lại, thì thầm, chỉ chỏ, bàn tán. Người nói lắp kia ê a cái gì, họ nghe chẳng thể ra bài nhạc nào. Có người cười chê nàng, có người thì tò mò đứng lại xem trò lạ. Hoài Niệm vẫn tiếp tục tìm kiếm, tiếp tục thu hút mọi người về phía mình.

Kia rồi, một kẻ không quan tâm nhóm người đang tụ tập, chỉ nhất mực bỏ đi. Nàng phá vỡ vòng vây của đám đông để đuổi theo hắn.

- Hoài Niệm, có chuyện gì vậy? - Một người giật tay nàng kéo lại.Thì ra đó tam ca của Bích Tuyền, y đã đuổi theo nàng từ Hoàng phủ đến đây. Thái độ của Hoài Niệm khiến các phu nhân ở nhà rất lo lắng. Họ vận động toàn bộ chín người con đi tìm nàng nghĩa nữ này. Hoài Niệm quay đầu nhìn lại, mới một chút bóng dáng người đã mất. Nơi đây là bến tàu lớn nhất kinh thành, lượng người tập trung rất nhiều. Nàng giật tay khỏi tam ca, cố gắng đuổi theo hướng kẻ kia vừa đi mất. Kết cục là Hoài Niệm lạc mất trong hàng trăm người đang hối hả qua lại trên bến tàu. Nàng đau khổ đến mức trái tim thắt. Hoài Niệm ngất xỉu ngay tại chỗ vì không chịu nổi đả kích quá lớn cuả hôm nay.

^_^

Ba năm sau đó là chuỗi ngày tìm kiếm trong vô vọng của Hoài Niệm. Nàng đi tìm một người tên Thừa Chí, tên Mạt Hối mà chưa ai từng gặp qua. Nàng trở lại Tiết Châu, lùng sục quanh Thất sơn, thậm chí đến tận vùng nam hải. Nàng đi tới biên giới phía tây, chạy qua Đào đô rồi đến tận Miên Cương. Người nhà khuyên nhủ, đe doạ nhưng tất cả đều vô hiệu. Với võ công của nàng, với số độc dược mà nàng sở hữu, không ai dám làm mạnh tay, vì sợ người nhà đả thương nhau.

Cha mẹ của Hoài Niệm vô cùng đau đầu với tình hình hai đứa con. Trưởng tử thì hôn mê không biết chừng nào mới tỉnh lại, còn con gái thì coi như phát điên không ai cản nổi. Nhưng họ cũng đành phải buông Hoài Niệm ra, để nàng chạy theo một bóng ma đã chết từ lâu.