Trở Lại Tìm Nhau (One Day, Perhaps)

Chương 6: Sức mạnh của mọi chuyện

Số phận là những gì xảy đến với chúng ta vào lúc chúng ta không ngờ tới.

Marcel PROUST 1

Manhattan

Thứ Bảy ngày 31 tháng Mười

13h 08

Đi cùng nữ luật sư của mình, Ethan rời Phòng Cảnh sát quận 66 sau hai giờ thẩm vấn náo động. Khi bước xuống bậc thềm, một tia sáng chợt làm lóa mắt anh. Anh giơ tay che mắt và nhận ra đó là tia phản chiếu ống kính chụp xa của một tay nhiếp ảnh đang phục kích phía sau một cột đá cẩm thạch. Để bảo vệ thân chủ, nữ luật sư đề nghị anh lùi bước để quay vào tòa nhà trung tâm.

- Ông đã đọc cuốn Giàn thiêu phù hoa 2 chưa? Cô vừa hỏi anh vừa đưa anh về phía lối ra bí mật.

- Sao cô hỏi thế?

- Cuốn đó mô tả những gì có nguy cơ xảy ra với ông, cô cảnh báo với giọng cam chịu: các phương tiện thông tin đại chúng đã từng rất ngưỡng mộ ông khi ông thăng tiến sẽ là những kẻ đầu tiên khoái trá vì sự sụp đổ của ông...

- Nhưng tôi đã không làm gì cả! anh tự biện hộ.

- Ở nơi tồi tệ vào đúng thời điểm tồi tệ, đôi khi thế là đủ để phá hủy một cuộc đời đấy.

- Tôi cứ tưởng cô bào chữa cho tôi cơ!

- Lòng dũng cảm của một con người được đo bằng khả năng chịu đựng sự thật của người đó: đó có đúng là những gì ông viết trong các cuốn sách của mình không?

Ethan mở miệng định phản đối, nhưng không tìm thấy câu phản bác thuyết phục.

Hai người ra đến chỗ cầu thang phụ dẫn ra sân sau hẹp bị kẹp giữa một dãy ô tô cảnh sát và các giàn giáo của một công trường xây dựng.

Nữ luật sư đề nghị đưa anh về, nhưng Ethan thích đi bộ. Văn phòng của anh chỉ cách đó có mấy phố, và anh rảo bước đến số 120 phố Wall để phát hiện rằng cảnh sát đã dán dấu niêm phong lên cửa phòng khám. Tức giận, anh đi xuống bãi đỗ xe dưới tầng hầm của khu nhà để lấy ô tô. Anh ngồi trong xe một lúc lâu, trong bóng tối buồn thảm của bãi đỗ xe, toàn thân mệt mỏi rã rời. Tại sao anh lại có cảm giác mình giống một tên tội phạm? Tại sao tay cảnh sát điều tra đã thẩm vấn anh lại làm tất cả mọi chuyện để tạo cho anh cảm giác này?

Chính thức mà nói, Ethan không bị nghi ngờ gì hết, nhưng xét tuổi nạn nhân và hành động cực kỳ bạo lực của cô, sự kiện này sẽ được đưa trên những hàng tít lớn và công luận sẽ đòi hỏi một kẻ bung xung.

Tất cả đã sụp đổ quá nhanh.

Anh nhắm mắt và xoa mí. Các sự kiện buổi sáng, đau buồn và thảm khốc, trình tự nối tiếp nhau trong đầu anh dưới dạng chớp flash: phát súng nổ, sự hoảng loạn tiếp sau đó, cảnh sát đến, tạm giữ máy camera giám sát trong phòng đợi, và trên tất cả là chiếc băng ca trắng mang thi thể cô bé đi.

Cô bé đó, Jessie... Cảnh sát không tìm thấy bất cứ giấy tờ tùy thân nào trong ba lô của cô. Đến mức anh không biết gì về cô bé, thậm chí ngay cả họ của cô.

Anh đã không biểu lộ bất cứ sự quan tâm hay mối đồng cảm nào. Anh đã không hỏi cô lấy một câu về những nỗi sợ hãi và đau khổ của cô. Thế mà cô đã đến đây chỉ cốt để gặp anh, anh chứ không phải ai khác. Cô đã cắt các bài báo viết về anh, đã xem các chương trình truyền hình anh được mời tham gia. Chính tất cả những cái đó đã đưa cô đến quyết định đi gặp anh. Cô tìm kiếm một đồng minh, cô đã nài nỉ anh giúp đỡ, nhưng anh đã để mặc cô đơn độc với nỗi tuyệt vọng của mình.

Tất nhiên, giờ đây, anh sẵn sàng đánh đổi bất cứ thứ gì để có thể quay ngược lại thời gian ba tiếng đồng hồ. Sau một thảm họa, bao giờ cũng là như vậy: luôn là những câu kiểu như giá mà tôi biết thế, nếu như được làm lại, cơ hội thứ hai ta sẽ không để vuột đi... nhưng than ôi, chúng ta không bao giờ quay ngược được thời gian cả.

Ánh đèn FLASH của tay săn ảnh đưa Ethan ra khỏi luồng suy nghĩ.

Anh mở mắt và FLASH, nhận ra ngay chính tay chụp ảnh đã theo anh lúc trước đang chụp lia lịa một cách có chủ ý phía bên trong ô tô. Mỗi ánh đèn lé lên lại khiến anh tê liệt như một lần bị phóng điện. Với phản xạ tự vệ, anh xoay chìa khóa điện và chiếc xe đua Maserati đột ngột vọt lên, buộc tay săn ảnh phải nhanh chân tẩu thoát. Ethan đi ngoằn ngoèo giữa các cột, đuổi theo tay săn ảnh khoảng năm mươi mét, sau đó anh từ bỏ ý định và ra khỏi bãi đỗ xe.

o O o

Không có chủ đích cụ thể, Ethan chạy xe dọc theo phố Fulton và ngược lên Broadway. Khuôn mặt Jessie một lần nữa lại choán hết tâm trí anh.

Thật không thể tin được là anh đã không nhận thấy chuyện gì hết. Giờ đây, anh thấy rõ những dấu hiệu báo trước lẽ ra phải khiến anh chú ý: những vết rạch trên cẳng tay cô bé, nước da bợt bạt ma quỷ khiến cô trông giống một bông hoa tía tàn, sự khôn ngoan già dặn không hợp với lứa tuổi cô. Nhưng giờ đã hơi muộn rồi.

Với lứa tuổi thiếu niên, tự sát không phải cách thể hiện tự do. Những sức mạnh hiểm họa nào có thể khiến một cô bé mới mười bốn tuổi đầu tự bắn vỡ sọ mình vào một sáng mùa thu đẹp trời? Nỗi đau nào? Nỗi nhục nào? Tức giận gì? Oán hận ai? Nỗi khiếp sợ nào khiến cô bé không thể đương đầu nổi nữa?

Tất cả những câu hỏi đó, lẽ ra ngươi phải hỏi cô bé khi cô bé đứng trước mặt người... Lẽ ra ngươi phải nói chuyện với cô bé, xây dựng một không khí tin tưởng. Lẽ ra ngươi phải làm thế, nhưng thay vì làm thế, ngươi lại chỉ ngập sâu trong đống vấn đề cá nhân nhỏ nhoi của mình.

Anh rời khu Broadway để tới khu Little Italy và ngược lên phía Nolita và East Village. Anh lái xe mà không biết sẽ đi đâu. Anh muốn trốn chạy, đơn giản vậy thôi.

Mặt khác, anh cũng biết mình sẽ phải chịu trách nhiệm đến cùng hậu quả những hành động của mình.

Tất nhiên, không phải ngươi ấn cò súng, nhưng ngươi sẽ mang mặc cảm tội lỗi này trong tâm trí cho đến cuối đời.

Trong các chương trình truyền hình anh là khách mời hay các hội thảo do anh chủ trì, anh thường xuyên nói về tự sát, đưa ra những con số anh đã thuộc lòng: "Trên thế giới, hàng ngày có khoảng 3000 người tự tử, nghĩa là cứ 30 giây thì có một nạn nhân".

Cứ 30 giây có một nạn nhân ư? Nào, thử đếm để xem thế nào nào:

1...2...3...4...5...6...7...8...9...10...11...12...13...14...15...16...17...18...19...20...21...22...23...24...25...26...27...28...29...30...

MỘT NGƯỜI CHẾT.

1...2...3...4...5...6...7...8...9...10...11...12...13...14...15...16...17...18...19...20...21...22...23...24...25...26...27...28...29...30...

Hai người chết.

1...2...3...4...5...6...7...8...9...10...11...12...13...14...15...16...17...18...19...20...21...22...23...24...25...26...27...28...29...30...

Ba người chết.

1...2...3...4...5...6...7...8...9...

Nối tiếp nhanh đấy chứ?

Thế mà lúc nãy, anh đã bớt kẻ cả đấy, khi cô bé hấp hối trong vòng tay anh, sau khi đã tự bắn vào đầu. Cái chết ngay trước mặt mình quả thực khiến con người ta suy sụp hơn nhiều lần những con số trong sách vở, đúng không?

o O o

Chiếc xe đua Maserati gặp sự cố chỗ ngã tư giữa Bowery và phố Stuyvesant. Giống như đĩa vinyl bị xước, tiếng động cơ đang nhịp nhàng bỗng méo đi, buộc chiếc xe tốc độ cao phải dừng lại cách đó vài mét.

Chỉ còn thiếu mỗi nước này thôi.

Ethan sập cửa ô tô và bước lên vỉa hè. Anh ngó xung quanh. Anh đang ở đầu khu St. Mark's Place, ngay giữa East Village. Đó là một khu kỳ lạ, một trong những khu cuối cùng của Manhattan còn giữ được nét riêng của mình sau chiến dịch đồng bộ hóa cả thành phố mười năm trở lại đây.

Anh vừa mở nắp capô vừa thở dài. Một cái xe gần như mới anh đã phải chi tới 140 000 đô la...

Anh cúi xuống động cơ với vẻ hoài nghi.

Thôi, ra vẻ hiểu biết tí chút về máy móc chẳng ích gì đâu...

Anh tìm thẻ bảo hiểm trong ví, bấm số của dịch vụ liên quan và đề nghị người ta đưa xe cứu hộ tới.

- Trừ trường hợp khẩn cấp, chúng tôi không có sẵn xe trong vòng hai tiếng nữa, cô trực tổng đài xin lỗi.

- Hai tiếng nữa cơ á! Ethan ngạt thở.

- Cuộc đình công của tài xế taxi đã buộc các lái xe tạm thời phải cầm lái trên đường, cô giải thích, chúng tôi phải giải quyết vô vàn tai nạn.

Anh tắt máy với vẻ mặt khó chịu, đóng nắp capô lại và châm một điếu thuốc, rít những hơi mạnh.

Phố vắng lạ thường, gió Nam quét sạch đường phố sau khi đã cuốn theo những đám mây bụi, đám lá rụng và vài tờ giấy tràn ra ngoài các thùng rác. Phải nói thật rằng nơi này không phải là nơi clean 3 nhất của Manhattan. East Village, trước đây điêu tàn và nổi tiếng xấu, trong suốt một thời gian dài từng là khu của những kẻ bán lại ma túy, những kẻ sống ngoài lề xã hội, các ả gái điếm và chuyên xảy ra các vụ xung đột bạo lực với cảnh sát. Nhưng đó cũng chính là khu của những thanh niên hippy, của nhạc jazz, của phong trào chống văn hóa chính trị, của nhạc rock và của những thành viên phong trào punk. Khu này đã từng là nơi cư ngụ của các huyền thoại: Thelonious Monk 4, Andy Warhol 5 và Jean-Michel Basquiat 6 đã từng sáng tác tại đây; nữ ca sĩ nhạc rock Patti Smith, nhóm rock Police và nhóm rock và punk rock Clash đã từng chơi tại câu lạc bộ CBGB, cách đây mấy mét dưới phố. Tất nhiên, cùng với thời gian, khu này đã thay đổi để trở thành một nơi có thể lui tới nhiều hơn, nhưng nó vẫn giữ được vẻ bất cần và độc lập.

Ethan đi vài bước trên phố St. Mark's Place. Anh đã đi qua đây một hay hai lần và vẫn giữ ký ức về một đường phố nhộn nhịp, với các quán bar, những người bán quần áo cũ, những người mua đi bán lại đĩa hát hạ giá, các tiệm xăm và xỏ lỗ. Tuy nhiên, buổi chiều thứ Bảy này, St. Mark's Place ngập chìm trong uể oải và mang dáng vẻ của một thành phố ma.

Một tiếng két của bánh xe khiến anh phải quay đầu lại. Một xe taxi vọt tới rất nhanh và bất thần lướt qua người anh trước khi phanh gấp cách anh mấy mét.

Kỳ lạ...

Đó không phải là một chiếc Forrd Crown Victoria truyền thống mà ta thấy ở khắp nơi trên phố, mà là một mẫu xe cổ hơn, một chiếc Checker cổ dáng rất đẹp mà người ta chỉ còn nhìn thấy trong các bộ phim cổ. Chiếc xe mà diễn viên De Niro lái trong bộ phim Người lái taxi.

Ethan cau mày.

Chắc chắn đó là một chiếc xe sưu tập...

Trên nóc ô tô, ba đèn báo hiệu đã được bật sáng, dấu hiệu thông báo là người lái xe không phục vụ. Đáng ngạc nhiên hơn, đèn báo động, thường được sử dụng để báo nguy hiểm cho cảnh sát cũng được khởi động.

Tò mò, Ethan tiến gần lại chiếc xe. Khi anh đang cúi xuống cửa kính xe, cửa này được hạ xuống để một khuôn mặt to hiện ra:

- Anh cần đi đâu?

Lái xe là một người da đen khổ vai rất rộng, đầu cạo trọc và da rất bóng. Mắt trái của ông bị teo, giấu dưới mí mắt sụp, khiến ông có vẻ u sầu.

Ethan lùi lại một bước, sững sờ vì sự đề nghị đường đột này.

- Anh đang phục vụ à?

- Có thể nói như vậy.

Bác sĩ do dự. Đề nghị rất hấp dẫn: dù sao anh cũng không có ý định đợi xe cứu hộ trong vòng hai giờ đồng hồ, và thật may là chiếc Maserati đỗ ở một vị trí không gây cản trở giao thông. Anh liền mở cửa chiếc yellow cab 7 và ngồi vào hàng ghế sau.

Lái xe khởi động mà không đợi khách thông báo nơi đi.

o O o

Khi Ethan nhận ra chiếc taxi không có đồng hồ, anh tự hỏi không biết mình đã bị rơi vào hoàn cảnh tệ hại nào đây. Như tất cả mọi người ở New York, anh đã nghe nói về những chiếc taxi dù thỉnh thoảng móc túi khách du lịch, nhưng anh không nghĩ trường hợp này là như vậy: mặc dù vóc dáng giống như vận động viên chơi bóng bầu dục, nhưng người lái taxi vẫn toát lên một sự dịu dàng không ngờ.

- Một ngày căng thẳng à? anh vừa hỏi vừa nhìn Ethan qua gương chiếu hậu.

- À... không, mọi chuyện đều tốt, Ethan trả lời, bị bất ngờ vì câu hỏi đó.

Anh nhìn người lái xe chăm chú hơn. Giống hình ảnh của diễn viên Robert Mitchum trong bộ phim Đêm của kẻ đi săn, người lái xe kiêu hãnh mang hình xăm trên mỗi bàn tay, đó là các chữ L.O.V.E và F.A.T.E 8 trên bốn trong số các đốt ngón tay của anh và khiến người ta đoán định một cuộc đời đầy biến động. Giấy phép hành nghề của dán ở lưng ghế, cho biết tên anh - Curtis Neville - cũng như nguyên quán của anh - khu Brooklyn.

- Anh chẳng thể làm được gì trong tất cả những chuyện vừa xảy ra, đột nhiên người lái xe nói với một giọng an ủi.

- Anh bảo sao cơ?

- Vụ cô bé tự tử ấy.

Ethan rùng mình:

- Nhưng anh đang nói về chuyện gì cơ?

- Anh biết rõ mà.

- Anh... anh đã thấy tôi trên truyền hình, đúng không? Bác sĩ vừa hỏi vừa nghĩ tới cảnh gã quay phim quay lén. Họ đã nhanh chóng phát cảnh đó lên!

Curtis không trả lời thẳng:

- Chúng ta không thể làm gì chống lại dòng chảy định mệnh của mọi chuyện, anh thì thầm. Chúng ta không thể làm gì chống lại cái chết và công việc của nó.

Ethan thở dài không tìm cách biện luận. Anh ngước mắt lên nhìn gương chiếu hậu trong xe, xung quanh gương là một tràng hạt bằng xà cừ và bạc xoắn lại treo lủng lẳng ở giữa kính chắn gió.

- Dám chắc có thể đấu tranh chống lại số phận chỉ là ảo tưởng thôi, người lái xe da đen tiếp tục.

Ethan lắc đầu và hạ kính chiếc xe cà tàng xuống để hít thở chút không khí trong lành mát mẻ. Đây không phải là lần đầu tiên anh chịu đựng những cơn điên loạn của một kẻ cuồng tưởng. Điều cốt lõi rất đơn giản là không tham gia trò chơi của kẻ đó.

- Tôi nghĩ rằng số phận của cô bé đó là phải chết, người lái xe lại còn nói rõ. Tôi nghĩ rằng anh sẽ không thể cứu được cô bé, cho dù anh có quan tâm chú ý nhiều hơn đến cô ấy.

- Chúng ta không chịu trách nhiệm về cái gì hết, phải vậy không? Ethan không thể ngăn mình đặt câu hỏi, chính vì anh thấy những câu nói của người đối thoại đơn giản một cách thái quá.

Lần này, Curtis suy nghĩ một lát trước khi nghiêm trang nói:

- Tôi nghĩ có tồn tại một trình tự mọi chuyện. Một trình tự không thể đảo lộn cũng không thể không tuân thủ.

- Anh thực sự nghĩ rằng tất cả đều đã được viết ra? Ethan hỏi, hơi khinh thị.

- Đúng như thế. Thời gian tựa như các trang của một cuốn sách: lúc anh đọc trang 66, các trang 67 và 68 đã được viết rồi.

- Thế anh làm gì với sự ngẫu nhiên?

Curtis lắc đầu:

- Tôi nghĩ sự ngẫu nhiên không tồn tại. Hoặc sự ngẫu nhiên, đó... đó chính là Đức Chúa. Đúng thế, sự tình cờ, đó chính là khi Đức Chúa bí mật vi hành...

- Thế còn ý chí tự do?

- Những gì anh cứ tưởng là ý chí tự do thực ra chỉ là cái cớ giả dối mà thôi, đó là một ảo tưởng đầu độc chúng ta bằng cách để chúng ta tưởng rằng mình có thể tác động lên mọi chuyện nhưng trên thực tế, các chuyện đó không phụ thuộc vào chúng ta. Chuyện này chưa bao giờ xảy ra với anh à? Chính những người mà cuộc đời luôn mỉm vười với họ lại là những người luôn bị số phận bám riết lấy ra sức làm khổ đấy.

Ethan thuộc lòng những câu nói đó. Vài người trong số các bệnh nhân của anh - thường là những người từ chối trách nhiệm và không có mặc cảm tội lỗi trong một vụ việc bi thảm - đã từng nói với anh những câu nói kiểu như vậy. Nhưng mặc cảm tội lỗi bị đè nén nào đang gặm nhấm Curtis Neville?

Ethan nhìn xung quanh anh chăm chú hơn. Hàng ghế trước của ô tô chứa đầy những thứ lặt vặt đủ loại: một tượng Đức Mẹ đồng trinh, một tượng thần hộ mệnh, những bông hoa khô móc vào cái ghế, các quân bài tarô Marseille 9 được dán băng dính theo những bố cục thông thái và tựa như nối giữa chúng nhiều bức vẽ của trẻ con, thò ra cả trên kính. Một kiểu trang trí khiến người ta nghĩ ngay tới kiểu trang trí của một... lăng tẩm. Trong đầu Ethan, tất cả mọi chuyện bỗng nhiên sáng tỏ:

- Đó là con trai anh à? anh vừa hỏi vừa chỉ bức ảnh một cậu bé để trong khung mạ bạc trên bảng điều khiển.

- Vâng, cháu tên là Johnny.

- Cậu bé mấy tuổi?

- Sáu tuổi.

Ethan do dự đặt câu hỏi tiếp theo. Thế nhỡ anh nhầm thì sao? Thế nhỡ anh...

- Cậu bé mất rồi, đúng không?

Các ngôn từ đã tự buột ra khỏi miệng anh.

- Vâng, người lái xe công nhận với một giọng rất nhỏ. Cách đây hai năm, trong kỳ nghỉ hè.

- Chuyện xảy ra như thế nào?

Curtis không trả lời ngay, giữ im lặng một lúc lâu, tập trung vào dường như thể anh đã không nghe thấy gì. Rồi, một lúc sau, anh kể câu chuyện bi kịch của mình, một cách khó nhọc, ngắt quãng, đào xới trong sâu thẳm con người anh những mảnh ký ức mà anh đã đau đớn chôn vùi.

- Đó là một ngày đẹp trời, anh vừa bắt đầu vừa nheo mắt. Tôi làm món thịt nướng ngoài trời... Johnny lội bì bõm bên cạnh tôi trong bể bơm hơi di động trong khi mẹ cháu lẩm nhẩm hát dưới hiên nhà... Trên bãi cỏ, Zéphir, con chó săn giống Ai Len của chúng tôi đang nghịch cái đĩa bay nhựa... Con cún sống yên bình với chúng tôi đã được ba năm... Đó là một chú chó chắc nịch, to khỏe, mạnh mẽ, nhưng rất hiền và rất trung thành... Chúng tôi đã dạy nó rất đàng hoàng: mặc dù to lớn như vậy, nhưng nó luôn điềm đạm và rất hiếm khi sủa.

Ethan im lặng, tập trung vào câu chuyện của Curtis, chú ý đến sự thay đổi nhỏ nhất trong âm điệu giọng nói của người lái xe.

-... và rồi, chẳng vì lý do gì cả... con chó bất thần lao vào Johnny, cắn cháu liên tiếp, cắn vào ngực và cổ cháu, trước khi ngoạm vào đầu...

Sau đó, Curtis ngừng lại một lúc lâu, vừa sịt mũi nhiều lần vừa quệt mắt bị giảm thị lực, rồi tiếp tục:

- Tôi đã phải tay không đánh nhau mới lôi được cháu ra, nhưng tôi đã hiểu ngay là quá muộn rồi: con chó đã làm biến dạng và xé nát khuôn mặt cháu như một miếng thịt vậy. Johnny đã chết trong khi cầm tay tôi trên chiếc trực thăng đưa cháu tới bệnh viện.

o O o

Im lặng.

Ngắm những đám mây với ánh phản chiếu của chúng khiến người ta cảm giác như đang nhảy từ mặt tiền bằng kính này sang mặt tiền bằng kính khác.

o O o

- Khi con trai tôi mất, tôi đã cảm thấy một nỗi đau đớn không thể diễn tả nổi và khi vợ tôi bỏ tôi - cô ấy không bao giờ tha thứ cho tôi chuyện xảy ra với Johnny - đến lượt mình, tôi đã nhiều lần định tự tử cho đến khi tôi hiểu ra.

- Thế anh đã hiểu ra điều gì: Ethan nhẹ nhàng hỏi.

- Hiểu rằng tôi không có tội.

Chiếc xe tiếp tục chạy, vượt qua Quảng trường Madison, khu Grand Central, và tiến về phía Midtown.

- Không ai có tội cả, Curtis tiếp tục. Dù sự việc có kinh khủng đến đâu đi chăng nữa, tôi vẫn nghĩ rằng giờ khắc chúng ta phải chết đã được ghi ở đâu đó và chúng ta không thể làm gì để thoát khỏi nó.

Ethan lắng nghe người lái xe với thái độ đồng cảm xen lẫn hoài nghi. Curtis chắc chắn đã xây dựng cho riêng mình một hệ thống đức tin dùng làm vỏ bảo vệ. Tất cả những lời nói lúng túng tối nghĩa xoay quanh chuyện định mệnh đó giúp anh tiếp tục sống bằng cách gạt sang một bên mặc cảm tội lỗi và nỗi đau gắn với cái chết của con trai mình.

- Có những sự việc mà chúng ta không thể dừng diễn tiến được, Curtis tiếp tục. Những gì phải đến sẽ đến, dù chúng ta có làm gì để tránh đi nữa.

- Nếu theo cách lập luận của anh, nghĩa là sẽ không bao giờ có người chịu trách nhiệm về cái gì hết: các vụ tấn công, các vụ hãm hiếp, các vụ giết người...

Curtis cân nhắc lý lẽ trong khi chiếc taxi vượt qua khách sạn Plaza và đi dọc theo Công viên Trung tâm.

- Anh có thể giải thích cho tôi một chuyện được không? một lúc sau anh hỏi.

- Anh cứ thoải mái.

- Tại sao anh không cho tôi địa chỉ cần đi khi tôi chở anh?

- Tôi cũng chẳng biết nữa, Ethan thú nhận. Có thể vì chính tôi cũng chẳng biết mình sẽ đi đâu.

Sau khi đã vượt qua Frick Collection 10, chiếc xe tiến sâu vào Công viên Trung tâm trước khi thong thả ngược lên East Drive.

- Tôi có thể trấn lột anh, Curtis vừa nói vừa khẽ mỉm cười, tấn công anh...

Ethan lắc đầu.

- Anh có khuôn mặt tử tế, anh nói đùa, anh khiến người ta tin cậy.

Đúng lúc đó, một mối đồng cảm kỳ lạ liên kết hai người đàn ông lại. Ethan nhìn qua cửa kính xe: đang giữa mùa thu và những chiếc lá màu rực rỡ phủ kín Công viên Trung tâm. Dọc theo Park Drive North, các em nhỏ đã xếp một loạt các trái bí ngô đủ kích cỡ, phủ đầy dưới đất để dành cho lễ Halloween. Phía sau đám cây cối có thể thấy bờ hồ dốc đứng...

Ethan bỗng co rúm lại: Công viên Trung tâm, hồ nước... Đó là một sự ngẫu nhiên hay cái gì khác?

Chỉ vài giây sau, anh đã có câu trả lời cho câu hỏi của mình khi chiếc taxi dừng lại ở chỗ giao nhau giữa số 72 phố Đông và Park Drive North. Anh đang đứng trước Nhà thuyền Loeb, quán ăn nơi Céline định tổ chức lễ cưới!

Bực mình, Ethan nhoài người về phía Curtis:

- Nhưng thực ra anh là ai?

- Một người lái taxi bình thường đang cố gắng giúp anh thôi.

- Tại sao anh lại đưa tôi đến tận đây? bác sĩ hỏi với giọng đe dọa. Làm thế nào mà anh biết được là...

Curtis là người đầu tiên ra khỏi xe và mở cửa cho vị khách của mình. Điên tiết vì mình là thứ đồ chơi bị giật dây, Ethan chui nhanh ra khỏi xe và đứng im trước người đàn ông Da Đen cao lớn hơn hẳn anh một cái đầu. Giờ anh thấy anh ta kém tử tế hơn nhiều.

Không từ bỏ vẻ nhu nhược, Curtis quay lại chỗ ngồi của mình và khởi động xe.

- Tại sao anh lại đưa tôi đến tận đây? Ethan vừa nhắc lại vừa gõ vào cửa xe.

Curtis hạ kính xuống và, trước khi lái xe đi, thản nhiên trả lời:

- Vì đó là số phận của anh.

Chú thích

1. Marcel Proust (1871-1922), nhà văn nổi tiếng người Pháp, được biết đến nhiều nhất qua tác phẩm Đi tìm thời gian đã mất. 2Tiểu thuyết của Tom Wolfe (nhà văn Mỹ, sinh năm 1931), xuất bản năm 1987, câu chuyện mô tả một nhà tài chính giàu có của phố Wall, sau khi trừ khử một người da đen tại khu Bronx (nơi cư ngụ của người gốc Phi), đã trở thành con mồi của các nhà báo và tất cả những gì ông có đã hoàn toàn sụp đổ. (Chú thích của tác giả). 3Tiếng Anh trong nguyên bản, nghĩa là sạch sẽ, trong sạch. 4Thelonious Monk (1917-1982), nghệ sĩ piano người Mỹ chơi nhạc jazz, nổi tiếng với phong cách ngẫu hứng độc đáo. 5Andy Warhol (1928-1987), một trong những nghệ sĩ sáng lập phong trào Nghệ thuật đại chúng, ông là họa sĩ, nhà sản xuất âm nhạc, tác giả kịch bản... 6Jean-Michel Basquiat (1960-1988), họa sĩ nổi tiếng người Mỹ theo trường phái đương đại. 7Taxi màu vàng, taxi đặc trưng của thành phố New York. 8FATE: tiếng Anh, nghĩa là số phận - ở đây thay cho chữ HATE (căm thù) mọi người hay xăm (chú thích của tác giả). 9Bài tarô Marseille (còn gọi tắt là bài tarô) có 78 quân bài với những hình vẽ cổ xưa, là một loại để bói bài, cho phép phân tích các tình huống xảy ra trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Bói bài tarô không nhằm phát hiện một số phận nào đó, mà nhằm làm sáng tỏ phần có ý thức cũng như vô thức trong mỗi con người. Theo thuyết này, con người quyết định vận mệnh của chính mình. 10Viện bảo tàng nghệ thuật ở đối diện Công viên Trung tâm.