Trở Lại Tìm Nhau (One Day, Perhaps)

Chương 21: Marisa

Chúng ta tiến lên như thế, như những con thuyền ngược dòng, cái dòng chảy cứ liên tục đưa ta về với quá khứ

Francis Scott FITZGERALD

Hôm nay

Ngoại ô phía Nam Boston

16h

Ethan đã đi suốt 350 kilômét không ngừng lại chút nào.

Anh đỗ chiếc Maserati dọc theo vỉa hè, ở ngã tư giữa phố Hope và phố Joy: phố Hy vọng và phố Niềm vui.

Bao giờ những chỗ tệ hại nhất cũng mang những cái tên lạc quan nhất, anh vừa nghĩ vừa sập cửa xe.

Bầu trời thấp và xám xịt. Lòng bồn chồn, anh châm điếu thuốc, dựng cổ áo vest lên che gió và bước vào con phố nơi anh từng sống khi còn nhỏ.

Nơi này còn tệ hơn cả những gì anh nhớ. trong vòng mười lăm năm, khu này chẳng được sửa chữa tu bổ gì cả. Nó có vẻ chịu tác động của cơn khủng hoảng tín dụng nhà đất. Những khu vườn bỏ hoang, mặt tiền nhà chằng chịt hình vẽ nhăng vẽ cuội, cửa sổ bịt kín mít. Trên vỉa hè vứt đầy khung máy giặt, bàn ghế bằng gỗ dán, đồ trang trí rẻ tiền lèn chặt trong thùng giấy: vết tích ít ỏi của cuộc sống thường ngày bỗng dưng bị cắt ngang vì những người sống ở đây bị đuổi ra khỏi nhà quá gấp gáp.

Thị trường chứng khoán thế giới chỉ mới chịu tác động của vụ sụp tín dụng thứ cấp từ mùa hè này, nhưng ở đây cơn khủng hoảng đã tác oai quái từ lâu. Ba năm gần đây, nhân viên tòa án bận túi bụi. Liên tục có người bị đuổi ra khỏi nhà, khiến cho khu này dần dà biến thành vương quốc của những ngôi nhà vắng chủ và đổ nát, thành chốn dung thân quá sức mong đợi cho bọn buôn bán ma túy và các băng nhóm.

Chừng nào khủng hoảng chỉ ảnh hưởng đến những người lao động nghèo thì chẳng ai buồn động tâm. Chỉ đến khi phố Wall rung chuyển thì cả thế giới mới hoảng lên.

Tình huống cổ điển.

Ethan di mẩu thuốc và châm ngay điếu khác. Nếu có thể thì anh muốn uống ngay một ly whisky hay một hớp vodka.

Đây là mặt bị giấu đi của nước Mỹ: thế giới của những working poors 1, bị bỏ xó bên vệ đường, thứ mà hiếm khi thấy trên phim, thế giới của những người chơi xổ số Giấc mơ Mỹ nhưng chẳng bao giờ trúng số.

Cái thế giới anh từng muốn thoát khỏi biết bao nhiêu.

Anh dừng vài giây trước ngôi nhà bố mẹ anh từng thuê. Một tấm biển cắm trước ngôi nhà bị dùng vào việc khác. Tấm biển ghi: Too late! No Copper! No Boiler! 2

Không để mình mềm lòng, Ethan tiếp tục bước đi trên vỉa hè. Mấy con chó giận dữ sủa sau hàng rào. Trên sân bãi trải nhựa đường đã biến dạng, chừng chục thiếu niên đang thay nhau chơi bóng rổ bên chiếc đài cũ kỹ phát ra những bản rap ầm ĩ.

Xa hơn một chút, một cô gái da đen ngồi đơn độc trên bức tường thấp, nhập bản tóm tắt cuốn sách đang đọc vào chiếc máy tính xách tay lỗi thời, màu quít. Mái tóc tết xù kiểu người Phi, áo sơ mi trắng chiết eo, áo phông nhái hiệu Ralph Lauren, cái nhìn kiêu hãnh và ý muốn được ở nơi khác. Ethan nheo mắt để nhìn cho ra cuốn sách cô đang đọc: Trái tim là người thợ săn đơn độc của Carson McCuller 3. Cô gái này chính là hình ảnh của anh hai mươi năm trước...

Anh đi qua chỗ giao nhau với phố Công viên. Một cụ già đang tưới vườn cố tình làm nước bắn lên người anh vừa cười nhạo, nhe cái miệng móm: ông già Mitchell vẫn còn sống! Mười lăm năm trước ông đã già lọm khọm, nhưng thật ngược đời, chính ông lại là người duy nhất không thay đổi ở đây.

Cuối cùng, Ethan chỉ còn cách ngôi nhà số 120 vài mét: đó là ngôi nhà của bố mẹ Jimmy. Nơi anh từng sống sáu năm cuối cùng ở Boston.

Giữa bãi cỏ là lá cờ Mỹ phai màu rách nát. Trên hiên nhà, một phụ nữ phơi quần áo trong khi đài phát một bản rock cũ của Springsteen.

I was unrecognizable to myself... báo cho những kẻ muốn đến cướp phá là những kẻ khác đã nhanh tay hơn họ. Trong đầu anh, những kỷ niệm quay lại, hỗn độn và lộn xộn.

o O o

... In the streets of Philadelphia 4.

Không khí nặng nề, ẩm thấp, như khi trời sắp mưa. Đầu óc để tận đâu đâu, Marisa cắm những cái kẹp quần áo lên trên dây phơi bằng ni lông. Cô nghĩ đến đứa con gái Jessie, nó biến mất từ tối qua đến giờ, đến Jimmy, chồng cô, người đã đi New York tìm con bé, và đến gã nhân viên ngân hàng sáng nay đến thông báo cho cô biết nhà họ sắp bị tịch thu. Lẽ ra vợ chồng cô không nên mua lại căn nhà này sau khi bố mẹ Jimmy qua đời, khi những người chủ rao bán nhà. Lẽ ra vợ chồng cô phải đi xa khỏi nơi này, nhưng chồng cô cứ nằn nì! Mà lúc đầu quả thật mọi chuyện cũng suôn sẻ, nhưng từ sáu tháng nay vợ chồng cô không trả được tiền nhà đúng hạn nữa. Cũng như nhiều hộ gia đình khác, họ bị mắc bẫy tín dụng thứ cấp. Thật ngớ ngẩn: biến khoản vay 250000 đô la với lãi suất cố định trong 25 năm thành khoản vay có lãi suất lũy tiến. Thời gian đầu thì điều đó giúp vợ chồng cô tiết kiệm được vài trăm đô một tháng, khoản đó ngay lập tức được đầu tư vào xí nghiệp xây dựng của Jimmy. Sau đó lãi suất tăng lên, khiến vợ chồng cô không trả nổi những khoản thanh toán hàng tháng nữa. Marisa phải làm thêm giờ ở khách sạn gần đường cao tốc nơi cô làm việc và Jimmy đã sa thải hai công nhân. Nhưng như vậy vẫn không đủ, cô đành lấy khoản tiết kiệm dành cho việc học hành của con gái ra.

Vô ích.

Cô đã thử đến ngân hàng xin gia hạn nợ, nhưng chẳng ích gì. Khoản vay của cô đã bị chuyển hco một người môi giới, rồi cho những tổ chức tín dụng khác. Quá tuyệt vọng, cô toan nhờ luật sư can thiệp, nhưng rốt cuộc là phải trả thêm một khoản mà chẳng ích gì. Tất cả chỉ vì cô không hiểu hết những thuật ngữ được in nhỏ li ti trong hợp đồng.

Những tháng gần đây, cô sống trong lo âu: Jimmy làm việc như điên và trở nên bẳn tính, Jessie trải qua giai đoạn khó khăn, ngôi nhà của gia đình sắp bị tịch thu và đem bán đấu giá với giá bèo bọt. Nhưng từ hôm qua thì nỗi lo âu của cô biến thành nỗi hoảng sợ khi con gái cô...

Cô bỗng dừng phắt dòng suy tư. Trên phố, một người đàn ông đang nhìn cô. Người đàn ông cô không gặp lại từ mười lăm năm nay, người mà lúc nào cô cũng mong biết tin tức.

Vừa mong vừa sợ.

o O o

Một tia chớp ngoằn ngoèo rạch nát chân trời, tiếp ngay sau đó là tiếng sấm ầm ì. Ethan mở cái cửa nhỏ và bước trên con đường nhỏ.

- Marisa! anh nói, giọng không chắc chắn.

Anh nhìn người vợ chưa cưới ngày xưa của mình, lòng vừa cảm thông vừa ngạc nhiên. Cô bằng tuổi anh - ba mươi tám - nhưng trông già hơn tuổi, dáng cô hơi còng và những nếp nhăn sớm hằn trên khuôn mặt.

- Em biết anh nghĩ gì, cô nói như thể đọc được ý nghĩ trong đầu anh. Nhưng anh cũng chẳng còn trẻ trung gì đâu, nói thật là trông anh ở ngoài còn già hơn trên truyền hình.

Sấm lại gần hơn, càng làm tăng cảm giác không thoải mái.

- Nếu anh đến đây, tức là anh đã gặp Jimmy phải không?

Cô không giấu được vẻ lo lắng.

- Không, anh nhẹ nhàng trả lời, nhưng anh đã gặp Jessie.

- Anh có đưa nó về cho em không?

Giọng cô hơi lấy lại được chút hy vọng. Ethan buồn rầu lắc đầu.

- Thế con bé đâu?

Anh thoáng ngập ngừng rồi nói:

- Anh cũng không biết nữa.

Anh cảm thấy không có đủ can đảm để thông báo với cô là con gái cô đang giữa sự sống và cái chết, trên bàn mổ trong bệnh viện. Nhất là vì anh muốn bám lấy hy vọng là tình trạng của Jessie có lẽ không trầm trọng như anh vẫn sợ, và rằng mọi chuyện rồi sẽ ổn thỏa cả.

- Có chuyện gì mà con bé lại trốn nhà đi thế? anh hỏi.

- Không phải việc của anh, Marisa trả lời.

Cơn dông cứ ủ mãi cuối cùng cũng bùng ra, trút mưa cùng sấm chớp xuống.

- Sao trước đây em chẳng nói gì với anh? anh vừa hỏi vừa đi đến chỗ cô đứng trên hiên nhà.

Vì cô không trả lời, anh hỏi lại bằng giọng hơi cộc cằn:

- Sao em không nói với anh là em có mang?

Cô nhìn thẳng vào mắt anh:

- Vì anh không để cho em kịp nói.

- Không, Marisa, đổ trách nhiệm cho anh thì dễ quá.

- Nghe này Ethan, anh từng không muốn đứa con này và...

Anh ngắt lời cô:

- Có thể anh từng không muốn có nó thật, nhưng anh là cha nó và anh có quyền được biết!

Những tia chớp thay nhau vạch ngoằn ngoèo trên nền trời rồi bỗng cơn dông lui đi, để lại sau nó bầu không khí nặng nề đe dọa. Marisa dụi mắt để xua đi cơn mệt mỏi.

- Không, Ethan, có thể anh đã cho nó sự sống, nhưng anh không phải là cha nó.

- Có chứ!

- Jimmy đã nuôi dạy nó từ mười bốn năm nay. Còn anh, anh đã làm gì? Anh không nuôi nó, anh không ru nó, anh không an ủi nó khi nó thấy sợ...

Anh tóm lấy cánh tay cô và lay cô dữ dội:

- Làm sao anh có thể chăm lo cho nó được? Anh có biết mình có con đâu?

Anh siết chặt cánh tay cô ngày một mạnh như thể ngăn không cho cô nói, nhưng cô hét thẳng vào mặt anh.

- Đánh đi, đánh tôi đi, đánh ngay đi! Dù sao thì anh cũng chỉ biết làm người khác đau thôi!

- Thế nhưng khi có chuyện thì Jessie lại đến tìm tôi!

Cô cố thoát ra khỏi tay anh và anh buông tay cô, bỗng nhận thấy phản ứng của mình thật thô bạo.

Trong khi Marisa trốn vào trong nhà, Ethan thở dài ngồi xuống bậc thềm.

Anh mong đợi gì khi đến đây? Mong mọi người đón chào anh nồng nhiệt chăng? Đấy là chưa kể mối oán giận anh gây ra ngày xưa chỉ càng lớn hơn.

o O o

- Cách đây bốn, năm năm có người đàn bà đến đây...

Ethan giật mình. Marisa đã quay lại hiên nhà, trông cô có vẻ bình tĩnh lại và đang giấu cái gì đó sau lưng.

-... đó là một phụ nữ Pháp, cô nói tiếp, cô ấy nói tên, nhưng tôi quên rồi...

Céline...

Céline vốn chẳng biết gì nhiều về quá khứ của anh, nhưng cô đã theo dấu vết anh đến tận Boston! Anh không bao giờ ngờ được điều đó.

- Cô ấy muốn gì? anh vừa hỏi vừa cố nén cảm xúc.

- Tôi cũng chẳng biết nữa. Cô ấy muốn "hiểu anh", cô ấy bảo tôi thế. Theo như tôi hiểu thì anh cũng bỏ cả cô ấy, mà chẳng buồn giải thích hay tế nhị chút nào, như anh vẫn quen làm thế.

- Thế em kể gì với cô ấy?

- Sự thật.

- Sự thật của em, anh chữa lại.

- Có lẽ thế, nhưng điều đáng ngạc nhiên nhất là...

- Gì cơ?

- Là tôi có cảm giác ngay cả sau khi đã nghe tôi kể, cô ấy vẫn muốn gắn bó với anh.

Ethan cúi đầu, châm điếu thuốc và để nó cháy chầm chậm, mắt nhìn mông lung, trước bức tường mây đen đang nút chặt chân trời.

- Nhân tiện, tôi trả anh cái này!

Anh quay lại và nhận thẳng vào ngực thứ Marisa ném anh. Đó là cái túi thể thao sờn cũ giả da, có mang logo đã bị xóa mất một nửa của Đại hội thể thao Olympic Los Angeles 1984.

- Cái gì thế này?

- Anh cứ mở ra thì biết.

Anh mở cái khóa kéo: túi đầy những tờ tiền mệnh giá 50 và 100 đô la.

- Của anh đấy, toàn bộ số tiền anh đã gửi Jimmy từ mười năm nay. Tương đương với số tiền anh chuyển vào tài khoản của anh ấy: lúc đầu là 800 đô la mỗi tháng, sau đó là 2000 đô la khi anh bắt đầu xuất hiện trên truyền hình...

Ethan đặt cái túi xuống cái bàn nhựa. Marisa nói tiếp:

- Anh có thể đếm lại, không thiếu xu nào đâu: đúng 148000 đô la. Anh cho rằng chừng đó đủ chuộc lỗi hả? Cái đó giúp anh ngủ ngon hơn hả? Anh nghĩ gì thế hả? Anh nghĩ chúng tôi đợi đồ bố thí của anh để sống chắc?

Anh cố làm cô bình tĩnh lại, nhưng chẳng ích gì.

- Anh thích chơi trò từ thiện hả?

- Anh chỉ muốn giúp hai người thôi, Ethan biện bạch.

- Nhưng anh không cần phải làm thế. Anh đã muốn đi thì cứ đi hẳn đi cho xong, phải cắt đứt mọi quan hệ! Nhưng không, anh không có đủ can đảm...

Marisa túm lấy cái túi và hua hua trước mặt anh.

- Anh thấy chưa, lúc này tôi chẳng có xu nào dính túi, nợ nần ngập đầu ngập cổ và chắc chắn sẽ mất nhà, nhưng tôi thà chết còn hơn động vào tiền của anh!

Cô giận dữ mở cái túi ra và đổ xuống, giải thoát cho hàng trăm tờ tiền bay lên thành luồng như đàn chim trời.

- Ethan ạ, nếu anh muốn giúp chúng tôi thật, hãy đưa con gái và chồng tôi về cho tôi. Tôi chỉ nhờ anh có vậy thôi.

o O o

Gió bỗng dưng nổi lên nối tiếp sau mưa. Có tiếng chó sủa xa xa.

Cứng họng vì những lời đay nghiến của Marisa. Ethan bước xuống bậc thềm và đi dọc phố Hy vọng theo chiều ngược lại, về xe mình.

Mấy thiếu niên chơi bóng rổ rời sân bóng lúc có cơn dông giờ đã quay lại, đang hò hét như điên đuổi theo mấy tờ tiền giấy bị gió lùa cuốn đi như lá rụng.

Cô gái trẻ cùng máy vi tính núp dưới mái bến xe buýt, lặng lẽ nhìn đám thiếu niên. Cô ôm chặt cuốn sách vào ngực. Trên bìa tiểu thuyết là một tấm ảnh đen trắng: những năm 40, một phụ nữ trẻ lạc lõng, đơn độc và buồn rầu.

Nét duyên dáng mỏng manh của Carson McCullers...

Chú thích

1. Tiếng Anh trong nguyên bản, nghĩa là người lao động nghèo.

2. Tiếng Anh trong nguyên bản, nghĩa là Quá muộn! Không còn đồng xu nào! Không còn nồi xoong nữa! (chú thích của tác giả).

3. Carson McCullers (1917-1967), nữ nhà văn Mỹ, tác phẩm của bà chịu nhiều ảnh hưởng của Freud, nói về nỗi cô đơn của con người.

4. Tôi khó nhận ra chính mình... trên đường phố Philadelphia (chú thích của tác giả).