Trí Tuệ Đại Tống

Quyển 7 - Chương 7: Báo thù cho cha

Mang nỗi buồn vô cớ, Văn Ngạn Bác không còn hứng thú nghe Tô Tuân kể quy tắc phân chia tiền thưởng của Vũ Thắng quân nữa, rời lều của Tô Tuân, nhìn quân tốt xếp hàng ngay thẳng lối nhận từng tờ giấy, ông ta cảm giác mọi thứ trước mắt chẳng giống thế giới mà ông biết.

Những binh tốt què chân cụt tay, hoặc là toàn thân băng bó chẳng hề lộ ra vẻ tuyệt vọng mà ông ta hay thấy, lại còn túm năm tụm ba trò chuyện, xem ra bọn họ chẳng lo lắng cho tương lai.

Đi quanh quẩn trong quân doanh một hồi, phát hiện một chỗ chứa đầy những hũ lớn màu đen bịt kín, trông có vẻ giống hũ rượu, hôm nay mọi người đi lấy tiền, chỉ có Vân Tranh duy nhất đến chỗ đó, Văn Ngạn Bác lấy làm lạ nên tới gần giỏng tai nghe, thấy Vân Tranh đang chửi rủa sĩ tốt bị chết thường ngày không chịu luyện tập cho tốt, bây giờ huynh đệ đi lấy tiền phát tài, đám vô dụng nằm đây, còn khiến y tốn tiền đưa về quê nhà. Té ra trong những cái hũ đó là tro cốt của tướng sĩ chiến tử, lần này Vũ Thắng quân xuất chiến một vạn, kể cả số thương tàn trở về mới hơn sáu nghìn một chút, có thể nói tổn thất vô cùng thảm trọng.

Văn Ngạn Bác nhìn Vân Tranh ngồi chỉ đống tro cốt chửi mắng với giọng thương tâm, thi thoảng uống ngụm rượu thì không làm phiền y, xa xa chắp tay một cái với chiến sĩ anh dũng quyên mình vì nước.

Tiếu Lâm tập tà tập tễnh đi tới, ông ta bị thương ở chân trong trận chiến ở động Vật Ác, khó khăn ngồi xuống bên cạnh Vân Tranh, thấy y hết rượu, lấy hồ lô ra tu một ngụm rượu đưa cho.

Vân Tranh nhìn cái hồ lô, sau đó lấy ống tay áo lau chùi miệng bầu, bị Tiếu Lâm bực mình giật lại, đóng nút không cho y uống nữa.

- Ông định làm thế nào đây, vẫn còn muốn làm đạo sĩ làm mật thám à, đã có khuê nữ rồi thì sống cho đàng hoàng đi, nếu không sau này ông và Hoa Nương đừng tới nhà ta nữa, bị người ta nhìn thấy mất mặt lắm.

Tiếu Lâm nằm khểnh xuống bãi cỏ, lâu lắm rồi mới có thể thoải mái cùng Vân Tranh nói chuyện, nhất là chủ đề có liên quan tới Hoa Nương, gối đầu lên hai tay, nhìn ráng đỏ đầy trời, cười nói: - Chẳng lẽ ta hoàn tục, Hoa Nương không làm lão bảo tử nữa thì mới được tới nhà ngươi.

- Tất nhiên, ta không còn là tiểu tử nghèo năm xưa nữa, mà là hầu gia tam phẩm rồi, bằng hữu của ta cũng phải tiến bộ mới được, nói ra với công tích của ông, cùng với quan hệ mập mờ với hoàng đế, kiếm lấy cái tước vị nam tước tử tước gì đó chắc không thành vấn đề. Vân Tranh nhân lúc Tiếu Lâm không để ý trộm bầu rượu, lau lau mấy lượt mới đổ ra chén uống: - Ta về nỗ lực sinh con, sinh một đứa nhi tử, sau đó cưới khuê nữ của ông, tuy khuê nữ của ông nhiều tuổi hơn nhưng không sao, Vân gia có truyền thống thích nữ nhân lớn tuổi, coi như nó báo thù cho cha nó.

Từng nghe một câu nói, dành trái tim cho quá khứ, dùng khối óc cho tương lai, Vân Tranh quyết định cất giữ tình cảm với Hoa Nương vào sâu trong tim.

Đoạn sau thì Tiếu Lâm coi như Vân Tranh đang đánh rắm phun phân, nhưng đoạn đầu nếu khuê nữ có thể gả cho nhi tử hầu gia, nhất là gả vào Vân gia, tương lai coi như được đảm bảo rồi, ngồi bật dậy hỏi vội: - Lời này có thật không?

- Đương nhiên là thật, chỉ cần ta sinh được nhi tử thì hôn sự này mới tính, không sinh được thì đứng trách ta, đây không phải chuyện ta khống chế được.

Tiếu Lâm sờ chòm râu lộn xộn của mình, khấp khởi hi vọng hỏi: - Nói vậy nếu như ta sinh được nhi tử, ngươi cũng gả khuê nữ của ngươi cho con ta chứ?

Vân Tranh đứng dậy phủi đít đi thẳng.

Thái độ cực kỳ ác liệt đó làm Tiếu Lâm gân xanh nổi đầy trán, thiếu chút nữa không kiềm chế được mà xông tới bóp chết y, rống lên sau lưng: - Lão tử cũng không thèm gả khuê nữ cho con ngươi, đừng có mơ.

… …

Ba ngày sau bên một bến tàu, Văn Ngạn Bác cũng gân xanh chằng chịt, chửi mắng văng nước bọt, làm mấy vị tướng lĩnh thủy sư quỳ trước mặt ông ta mồ hôi ròng ròng, bọn họ không ngờ hàng hóa chất ở Liễu Châu nhiều như thế, nhất là bên bờ còn có mấy chục con voi, nếu như chúng mà bước lên thuyền thì chìm là cái chắc. Tình huống như thế này thì tội danh làm lỡ quân cơ khó mà tránh khỏi, nghĩ tới độ tàn nhẫn của quan văn với quan võ, cả bốn không rét mà run.

Cùng là võ quan với nhau, Vân Tranh không đành lòng, đi tới khuyên can: - Thôi đành, tam ti sứ ngồi thuyền đi, ta đi đường bộ về kinh, thuyền nội hà mà chở voi thì nguy hiểm lắm, thứ này chỉ cẩn cử động lung tung là lật thuyền như chơi.

- Lương thảo mà Nông Trí Cao tích trữ trong thành cũng để ta vận chuyển đi luôn, Quảng Nam chẳng còn mấy người, ăn không hết, dù sao ta thuận đường qua Tây nam lộ, mang lương thảo giúp Lão Bao cứu tế bách tính luôn.

Văn Ngạn Bác cũng không yên tâm để Vân Tranh đưa voi lên mấy cái thuyền này, đại tướng khải hoàn bị đắm thuyền, không còn cái gì nực cười hơn nữa, phất tay đuổi đám tướng lĩnh thủy sư đi: - Từ thời thái tổ khai quốc đến giờ, thủy quân Kính Hồ chưa được thay chiến thuyền, rách nát là khó tránh. Lão phu cũng muốn sớm ngày đem chiến lợi phẩm về, để giải nguy cho quốc khố, nhưng thủy sư không gánh nổi trọng trách, để ổn thỏa, ta theo Vân hầu đi đường bộ vậy, thử xem tư vị cưỡi voi ra sao.

Tiếng voi kêu vang vọng hoang nguyên Lĩnh Nam, một trăm hai mươi con voi hành quân đi tới đâu làm muôn thú chạy loạn tới đó, mặt đất cũng rung chuyển ầm ầm.

Voi lớn da cứng thịt dày căn bản không coi bụi rậm gai góc ra cái gì, mỗi con voi cái chân to dẫm qua, một con đường rộng hơn trượng có thể miễn cưỡng thông xe xuất hiện, đây là đội ngũ làm đường vô địch thiên hạ.

Sau đàn voi là ba trăm quân tốt, dùng xẻng lấp đầy những cái hố do chân voi để lại, sau đó nữa lại tới vó ngựa kỵ binh Vũ Thắng quân, liền biến thành mặt đất chắc chắn, tuy không thể so với quan đạo, nhưng làm đường dùng tạm thì rất thích hợp.

Cảnh sắc dần thay đổi, không còn những cánh rừng sâu thăm thẳm, những ngọn núi cao dựng đứng cheo leo, thác đổ sầm sập nữa nữa mà là nước sông trong veo chảy hiền hòa, đồng cỏ mượt mà rộng thẳng cánh cò bay, xa xa là mây trắng lững lờ trôi bên chân trời.

Văn Ngạn Bác và Vân Tranh lười nhác nằm trên tiểu lâu bắc ở lưng voi, nhìn phong cảnh say lòng người của Lĩnh Nam, hưởng thụ cơn gió mát vi vu mang tới hương cỏ cùng hương quả chín ngọt.

Tháng năm âm lịch là mùa vải chín, cho nên cái bàn giữa hai người bọn họ chất đầy vải.

Văn Ngạn Bác bóc một quả, nhìn thịt vải màu trắc ngần, tặc lưỡi tán thưởng: - Quả nhiên là quả lừng danh của Lĩnh Nam, chẳng trách năm xưa có điển cố hồng trần phi tử tiếu, cổ nhân quả không lừa ta.

Vân Tranh vứt bỏ vải đi, hỏi: - Ngày ăn vải chín ba trăm quả, muốn mãi làm dân đất Lĩnh Nam, tam ti sứ, nơi này là vùng đất giàu có, vì sao trong triều luôn cho rằng đây là chốn man hoang, không muốn tới đây, người bị biếm quan tới đây thì tìm sống tìm chết, không hiểu bọn họ nghĩ cái gì?

- Giao hẹn nhé, nếu sau này Vân mỗ phạm lỗi phải đi đầy thì hẵng đầy tới Lĩnh Nam, đừng đi nơi khác.

Văn Ngạn Bác không tranh luận với Vân Tranh, vì y toàn thứ quái luận tựa đúng tựa sai, làm người ta muốn nghĩ không được, muốn bỏ qua không xong, bứt rứt trong người rất khó chịu, nên lảng đi: - Vân hầu, chẳng phải nói đem vài chục con voi đến kinh đô thôi sao, thế nào lại tăng lên gấp đôi. Đám súc sinh này thể hình to lớn, ngài không sợ không nuôi nổi sao, chẳng lẽ còn mong quan gia nuôi hộ?

- Năm Khánh Lịch thứ hai, Đại Lý tiến cống một con voi, kết quả bị bệ hạ trách là hao tốn tiền của, nếu Vân hầu nghĩ dùng voi lớn để lấy lòng quan gia thì ngài nhầm rồi đấy.

Vân Tranh dửng dưng, hiện y lười tới rợn người, nghiêng đầu nhổ hạt, nước quả chảy ra mép thì lấy khăn lau: - Không có voi thì sao về, Lĩnh Nam làm gì có con đường nào ra hồn, không mở một đường tới Mai Lĩnh cổ đạo, đi vòng không kịp đại khảo.

Điển cố hồng trần phi tử tiếu: Chỉ Dương Ngọc Hoàn, sủng phi của Đường Minh Hoàng Lí Long Cơ. Dương Ngọc Hoàn rất thích ăn vải, hàng năm Lí Long Cơ đều truyền lệnh vùng Lĩnh Nam dùng ngựa trạm phi thật nhanh vận chuyển đến Trường An, vì việc này mà rất nhiều người đã chết vì chạy.