Đại quân Vân Tranh rốt cuộc cũng rời Đồng Đầu quan, đại quân tới đâu địch hàng tới đó, kỵ binh Triệu Phu ngày đi ba trăm dặm không gặp bất kỳ phản kháng nào.
Hoài Châu, Nhụ Châu, Khả Châu không đánh mà hạ, xuất quan chưa tới ba ngày đã ép tới Cư Dung quan.
Cư Dung quan địa thế hiểm yếu, thành quan từ thời Hán đã có quy mô khá lớn, tới Nam Bắc triều nối liền với Trường Thành, trở thành đệ nhất hùng quan của Tây Kinh.
Công phá Cư Dung quan, đại quân của Vân Tranh sẽ tới dưới thành Yến Châu.
Nước Liêu hay tin chấn kinh, Liêu hoàng không chấn kinh, đây là chuyện trong dự liệu rồi, hắn một mặt phái mãnh tướng tâm phúc Quỷ nô cố thủ Cư Dung quan, một mặt phân binh cố thủ Đàn châu, Thuận châu, giữ đường lui của mình, tới đây thế bại lui đã không thể tránh khỏi.
Nghe Vân Tranh xuất quan, Da Luật Ất Tân ngay trong đêm dẫn quân chạy về Trung Kinh, xây dựng phòng tuyến ở một dải Xích Thành, Long Môn, thề cùng tồn vong với Trường Thành.
Vân Tranh lúc này đóng quân ở huyện Trác Lộc, sau khi đọc xong tình báo mới nhất, gọi tín sứ trong quân tới viết một bức thư gửi Da Luật Ất Tân, lần này nghênh ngang mà làm chẳng mời đám Trần Lâm, Vương An Thạch xem thư trước tránh hiểu lầm, chỉ là tín sứ đi rồi vẻ mặt vẫn rất quái dị: - Xưa kia là chúng ta cố thủ Trường Thành bảo vệ quốc thổ, giờ là người ta, đột nhiên ta thấy có chút buồn cười.
Tô Tuân cười: - Mỗi thời một khác mà.
Khổng Viễn Đạt buồn chán bẻ cành thông, không nói không rằng.
Vân Tranh đi tới trước mặt Khổng Viễn Đạt kéo hắn lên, chỉ hùng quan trước mắt: - Nơi này nước trong quấn quanh, núi biếc trùng điệp, hoa cỏ tốt tươi, chim núi véo von, cảnh đẹp như thế mà sao không vui?
Khổng Viễn Đạt phủi áo bào, mặt lạnh tanh: - Đại tướng quân nếu công thành chớ phá thủy đạo, thủy đạo này do nước Liêu dùng năm vạn dân phu, tốn ba năm mới hoàn thành, có thể không phá thì đừng phá.
Cư Dung Quan hai phía dựa núi, ở giữa có một thủy đạo xuyên qua thành quan, chỗ tường thành dòng sông giao cắt xây hai thủy môn lớn, tùy theo mùa lũ hạn mà khống chế lượng nước vào thành.
Vân Tranh lắc đầu: - Không được, nếu đại quân cần phá thủy môn để vào thành thì sẽ phá, ta không hứa gì hết.
- Cổ ngữ có câu thà làm chó thời bình hơn làm người thời loạn, giờ ta đã hiểu rồi.
Tô Tuân tiếp lời: - Tử Chính nói thế là sai, đại soái không phải người gây ra loạn cục ở Trác Lộc, từ khi đại quân tiến vào Trác Lộc không tơ hào của dân, gây loạn giết người đều là người bản địa, Vương công đang thu thập tàn cuộc, huyện trị đã an, Tử Chính sao nổi nóng vô cớ?
Khổng Viễn Đạt cười thảm: - Hay cho khẩu hiệu đánh thổ hào, chia ruộng đất, Vân hầu dùng binh đã tới mức không câu nệ vạn vật rồi, dùng bách tính người Liêu mở cửa quan cho mình, ba ngày phá ba châu thành, Khổng mỗ bội phục.
Vân Tranh không bị lời mỉa mai đó làm tức giận, cũng không cần đi giải thích đó là kế hoạch của đám Lý Thường: - Năm xưa ta đích thân tới gặp Diễn Thánh công, cùng ngài ấy định ra Yến Vân sách, Diễn Thánh công rơi lệ thề thu hồi Yến Vân, để giang sơn vẹn toàn, nay chúng ta thực hiện lời thề năm xưa, tuy người chết có nhiều, nhưng so với binh loạn không dứt về sau, là nên làm.
Khổng Viễn Đạt phẫn nộ ném cành cây đi, rống lên: - Vậy những người vô tội thì sao, những phụ nhân bị cưỡng bức tới chết, những đứa bé còn chưa biết gì, ông già tóc bạc bị chặt đầu, trong mắt ngài đều đáng chết cả à?
- Không có ai là vô tội hết, ngày trước bọn chúng hưởng thụ trên xương máu bách tính, giờ chẳng qua đòi lại mà thôi, nếu muốn luận tội, ta tùy tiện tìm cũng thấy được tội trạng tất tử của chúng.
- Hướng Dương pha Cẩu gia gia nghiệp cực lớn, trong nhà không nuôi ác đinh, không có chó dữ, nhưng nhà họ tới nay vẫn bình yên vô sự, Cẩu gia lão thái công kê một cái ghế ngồi trước đại môn, loạn dân tuy hùng hổ, nhưng không ai dám vượt qua ông vào nhà cướp bóc.
- Cẩu lão thái công thường nói, mỗi khoản tiền tài trong nhà đều do hai tay mình kiếm được, không dính một giọt máu, chỉ cần bách tính ở đó chỉ ra bất kỳ chuyện không đúng nào của Cẩu gia, ông đích thân hủy gia bảo, không cần phiền người khác. Khi đó người rất đông, cuối cùng phải hậm hực mà đi, hào tộc Yến Vân không bị diệt môn như thế rất nhiều.
- Tử Chính vì sao chỉ nhìn vào mặt tốt của hào tộc đó mà không nhìn vào mặt đáng hận của chúng, ví như Thuần Vu gia giao hảo với ngươi, ngươi có biết trong hậu hoa viên nhà chúng tìm ra bao nhiêu bộ xương cốt không? Mười bảy, đó là chưa tìm kỹ, trong hầm nhà ông ta có ba phụ nhân chết ngạt, Tử Chính có biết không?
- May mà hắn đi sớm, nếu không gặp phải ta, nhất định sẽ chặt đầu trả nợ.
Tô Tuân thấy mặt Khổng Dĩnh Đạt lúc xanh lúc trắng, sợ hắn bị thương tâm phế, vội kéo hắn đi: - Tử Chính là bậc quân tử đường đường, làm sao nhìn thấu những thủ đoạn đó, thời gian qua ngươi giúp đại quân vỗ về lòng dân vất vả, nào nào, tạm bỏ hết tục sự, làm ít rượu thả lỏng chút, nghịch tử ở kinh sư có gửi tới ít lê hoa bạch.
Ai cũng biết đại quân của Vân Tranh tới Cư Dung quan, nhưng không ai biết Lang Thản, Lý Đông Sở, Lương Tập, Tôn Kiệt nửa đường rời đại đội, lặng lẽ di chuyển về phía Cổ Bắc khẩu.
Quân doanh quân Tống lúc này kỳ thực đã trống không, quân Liêu ở Cư Dung quan có thể nhìn thấy là kỵ binh của Triệu Phu, thân vệ của Vân Tranh, và ba vạn dân phu ở vòng ngoài và vô số hình nộm mặc giáp ở bên trong thôi.
Những lực lượng sót lại của nước Liêu đều đang áp sát Cư Dung quan, chặn đứng Vân Tranh ở ngoài, khiến y chỉ cách vương tước một bước chân, khi y đặt chân vào Tích Tân phủ là lúc vương quan đội lên đầu.
Đây là vinh quang vô thượng.
Cũng không ai biết kỳ thực Vân Tranh chẳng ham gì, chẳng thích gì cái vương tước, với một người sắp bỏ chạy, vương hay hầu cũng thế.
Da Luật Hồng Cơ đã chuẩn bị rút lui, đây là lần rút lui lớn chưa từng có, lần này hắn không dám để con dân đi trước, như thế chẳng khác gì tặng mồi cho Một Tàng Ngoa Bàng.
Trăm vạn đại quân, thêm vào mấy trăm vạn bách tính, đây là vấn đề nghiêm trọng mà Da Luật Hồng Cơ phải đối diện.
Hỏa pháo luân phiên bắn phá ngày đêm, đạn rơi xuống tường thành làm vỡ mấy tảng đá, nhưng làm làm người Liêu cực độ hoảng loạn, vì không ai biết quân Tống sẽ tấn công vào lúc nào, nên mỗi lần hỏa pháo xạ kích là chúng tổng động viên, căng thẳng nhìn kỵ binh quân Tống quần thảo diễu võ giương oai dưới chân thành.
Quỷ nô cho rằng đây là kế mỏi mệt của Vân Tranh, hạ nghiêm lệnh toàn quân không được phép xuất thành, phòng ngự trọng điểm là chủ thành, còn úng thành chỉ để ít binh lực cảnh giới. Nhiệm vụ của hắn là cầm chân Vân Tranh để đại quân có đủ thời gian rút lui, Đại Liêu gây dựng cơ nghiệp ở Nam Kinh gần trăm năm, cơ nghiệp lớn không thể chuyển đi hết trong thời gian ngắn.
Đại Liêu đã phái sứ thần tới Đông Kinh chính thức thương lượng với Triệu Húc tính khả thi việc dùng tiền chuộc Yến Vân, với người Liêu mà nói, thời gian là hàng đầu, nếu Vân Tranh mà công phá Yến Vân thì còn nói gì tới việc chuộc lại.
Vân Tranh suốt ngày dẫn thân binh quan sát Cư Dung quan, cứ như chỉ chực tìm sơ hở đột quá, Khổng Viễn Đạt ngày ngày say như bún, Tô Tuân thì báo cáo chiến sự về Đông Kinh hàng ngày, từ khi Địch Thanh chuyển sang phản công, hai quân phải nhất trí mới có thể tối ưu hóa lực lượng.
Trần Lâm trở nên hết sức hưng phấn, thái độ vô cùng ôn hòa, quân tốt dù có sai lầm nhỏ ông ta cũng vờ câm điếc, dù quân hầu báo lên chỉ xử lý qua loa.
Khi vạn sự tốt lành, chẳng cần khiến quân tốt khổ sở, đại quân suất chinh đã gần hai năm rồi, ai cũng khao khát sớm ngày kết thúc chiến sự về nhà.