Khi mặt trời rời đỉnh núi thì Vân Tranh cũng rời nhà, ăn mặc đơn giản cưỡi đại thanh mã, vẫy tay cười với lão bà ra tận cổng tiễn chân, được Hàm Ngưu và Hầu Tử tháp cùng tiến cung, theo sau còn có một cỗ xe ngựa.
Hành động của Vân gia đêm qua có thể nói là đại nghịch bất đạo, quân bảo thần chết thần không thể không chết, người ta lệnh bắt Vân Nhị chín phần không phải Vân Nhị, nhưng Vân gia thì chắc chắn là đã khiêu chiến uy quyền hoàng gia, nên chuyến đi vào cung này sẽ có rất nhiều bất trắc, nhưng Vân Tranh không tin Triệu Trinh hành động lỗ mãng, như hôm qua y cũng không tùy tiện.
Trần Lâm dù rất mệt rồi vẫn cố gượng đứng ở cửa cung chờ đợi, nhìn Vân Tranh xuống ngựa, chắp tay cười với mình, nhìn hai thị vệ hoàng cung bị y sai bảo như chó lợn, xách cái rương gỗ vào hoàng cung.
Ông ta rất muốn chất vấn chuyện đêm qua, nhưng vì tôn nghiêm nên đành ngậm miệng.
- Hôm nay ta ta giảng bài rất quan trọng, đại bạn nên cùng nghe, vài thứ còn cần đại bạn đích thân giải thích cho thái tử mới được.
- Giáo dục thái tử là chuyện của thái phó, thái bảo và thái sư, làm sao lão nô dám tham dự, không hợp với quy củ tổ tông. Trần Lâm đáp lễ, giọng điều mềm mỏng hơn trước kia rất nhiều:
Vân Tranh cười chỉ cái rương: - Hai ta chiến đấu cả đêm, ông không định nghe kết quả à?
Vẻ mặt Trần Lâm tức thì vô cùng thú vị, chuyện này làm sao có thể bày ra ngoài nói, cho dù thần tử không hề có lỗi, nhưng dám tranh đấu với hoàng gia là có tội đại nghịch rồi, đáng lẽ mọi người đều giữ kín vờ như không có chuyện gì mới đúng, nếu không làm sao xuống thang.
Nhưng Vân Tranh lại không chút ngần ngại vạch trần ra.
- Vân hầu đã mời, lão nô sao dám không tuân theo.
Trần Lâm đưa tay mời khách, cùng lúc đó một hoạn quan trẻ ôm phất trần vội vàng chạy tới Cảnh Phúc cung của hoàng hậu.
Đi qua đại điện, tới một khu rừng trúc, Vân Tranh dừng chân quay lại nhìn Trần Lâm: - Hôm qua là ai bắt giữ không cho đệ đệ ta rời cung?
Đây là câu trả lời Trần Lâm dự liệu sẵn: - Hoàng hậu nương nương thấy phò mã không có lệnh đã vào cung là phạm cung cấm, vì thế chỉ giữ lại hỏi nguyên nhân rồi cho về.
- Ngươi đã hứa giúp ta xử lý chuyện này cơ mà.
Trần Lâm ngạc nhiên: - Lão nô hứa với hầu gia bao giờ?
Vân Tranh nhíu mày: - Ta lấy cá của ngươi, coi như chấp nhận điều cười của ngươi, để đệ đệ ta vào cung gặp Quách nương nương. Đợi ngươi đưa điều kiện, không ngờ đệ đệ ta bị giam giữ ở hoàng cung, ngươi thực hiện lời hứa thế à?
- Ngài cướp cá...
- Câm mồm, khắp thiên hạ trừ bệ hạ và thái tử, ai dám cướp cá của đại nội tổng quản? Hai ta là người địa vị cao, không thông qua loại giao ước kín đáo này, chẳng lẽ còn viết giấy rồi lăn tay?
Trần Lâm tức run người: - Hôm nay ngươi vào cung trêu đùa lão phu sao?
- Quả nhiên là thói đời biến đời, lòng người không được như xưa, nuốt lời đã thành chuyện thường rồi sao? Vân Tranh hậm hực đá cây trúc: - Lần sau ngươi có chuyện tìm ta, chúng ta giấy trắng mực đen, tránh ta có miệng khó nói như hôm nay.
Trần Lâm chỉ mặt Vân Tranh, mắt như muốn tóe lửa, hôm qua lo lắng suốt đêm, sáng sớm bị Bàng Tịch chế nhạo, mình trong lúc nóng ruột đã bại lộ hết bố trí Mật điệp ti với Vân Tranh, giờ còn bị Vân Tranh coi như thằng hề, nghiến răng: - Hành động của Vân gia hôm qua coi như mưu phản.
Vân Tranh cười nhạo: - Mưu phản thế nào?
- Điều động giáp sĩ trong đêm...
- Lão tử là Đại tướng quân có Bạch Hổ tiết đường, quan điển ghi rõ được phép sở hữu tám một giáp sĩ lấy uy, bổng lộc của bọn họ do quốc gia cấp, ta triệu tập tới đếm xem đủ người không, ngươi dám nói ta tạo phản?
Quai hàm Trần Lâm bành ra, cơ thịt co giật, mãi mới trấn tĩnh phần nào: - Được, đại tướng quân tay nắm hổ phù, ban ngày điểm binh hay ban đêm thăng đường đều là chức quyền của ngài, lão nô rất muốn biết bệ hạ nghĩ gì về hành vi của ngài đêm qua.
Vân Tranh cười lớn: - Hôm qua bản hầu làm là để chuẩn bị cho bài giảng hôm nay, đồng thời dùng cách giảng bài đặc sắc đó lấy lòng bệ hạ, để bệ hạ tha tội cho đệ đệ ta.
- Sao, sao có thể vô sỉ đến thế?
Vân Tranh bỗng nhiên rút bội kiếm, chén đứt một đoạn trúc to bằng ngón tay, tước đi một đoạn thành gậy trúc dài ba xích, múa may trong tay: - Vừa tay đấy! Rồi lờ Trần Lâm đi, tiếp tục đi về phía cung Cảnh Dương, vào cung đeo bội kiếm cũng là quyền lực của y.
Bạc thái phi bế Vân Tâm ngủ say, vỗ tay Triệu Uyển cả đêm ngủ không ngon: - Đừng để bụng, hôm qua hoàng hậu làm khó Vân Việt là vì Vân gia sỉ nhục hoàng hậu, lờ đi điều kiện của bà ta.
Triệu Uyển lắc đầu: - Hài nhi không lo cho Vân gia, huynh đệ phu quân đều đủ trí tuệ và năng lực ứng phó, hài nhi lo cho mẫu thân, hôm qua gặp một chút, thấy tâm trí bà ấy có chút điên cuồng, chẳng may bị chuyện này kích thích.
- Đó mới là chuyện trẻ ngoan nên nghĩ, hai đứa đi gặp mẫu thân, tuy trái luật lệ hoàng gia, nhưng hợp với tôn chỉ hiếu nghĩa của Đại Tống, chỉ cần đúng hiếu nghĩa thì dù bệ hạ trách mắng cũng không quá được.
- Vân hầu sở dĩ để các ngươi đi gặp Quách thị vào trước ngày dạy thái tử thì ắt có cân nhắc, ta thấy chuyện của các ngươi hôm nay sẽ có câu trả lời hoàn chỉnh.
Hai người đang nói chuyện thì hoạn quan vào bẩm báo, Văn Tín hầu đã tiến cung.
Bạc thái phi cười: - Xem đi, người giải quyết phiền toái tới rồi.
Vân Tranh đi vào cung Cành Dương, tòa cung điện này có đặc tính lớn nhất là thông thoáng, bốn phía mở cửa sổ, toàn bộ trọng lượng đè lên trên ba mươi sáu cái cột lớn, vì thế khi mùa hè nóng bức, mở toàn bộ cửa sổ bốn phía, gió mát lay động rèm cửa trắng, vô cùng thoải mái.
- Ái thân giả, bất cảm ác vu nhân ; kính thân giả, bất cảm mạn vu nhân. Ái kính tận vu sự thân, nhi đức giáo gia vu bách tính, hình vu tứ hải...
Hôm nay Bàng Tịch dạy ( hiếu kinh), còn là thiên chữ hiếu của người làm con, ông ta đọc một câu, Triệu Húc đọc thêm một câu, đến khi đọc xong vuốt râu nói: - Đến vương các đời có phẩm hạnh vào đạo đức cao vời, khiến nhân tâm quy thuận, nhân dân chung sống hòa bình, con người bất kể là tôn quý hay ti tiện, từ trên xuống dưới đều không có oán hận hay bất mãn, điện hạ có biết vì sao không?
Triệu Húc hổ thẹn lắc đầu: - Đệ tử không biết.
- Đó là vì chữ hiếu, nó là gốc rễ của toàn bộ hành vi đạo đức, cũng là cội nguồn của giáo hóa, tứ chi thân thể, lông tóc da thịt đều do cha mẹ ban cho, không được hủy hoại tổn thương, đó là khởi đầu của hiếu thuận. Con người sống trên đời phải tuân theo nhân nghĩa đạo đức, để lại thanh danh cho hậu thế, từ đó làm phụ mẫu vinh diệu hiển hách, đó là mục tiêu cuối cùng của chữ hiếu. Cho nên hiếu là bắt đầu từ phụng dưỡng cha mẹ, góp sức cho quốc quân để dựng công lập nghiệp, công thành danh toại.
Triệu Húc nghe rất kỹ, cuối cùng nói: - Đây là hiếu của thứ dân, không phải hiếu của bậc quân vương mà đệ tử muốn học.
Không chỉ Bàng Tịch, cả Triệu Trinh đang nằm trên giường cũng cười, Triệu Húc có thể nói ra câu này làm họ rất vui.
Bàng Tịch cười hiền hòa: - Hiếu không phân thứ dân hay hoàng đế, hiếu chỉ có một, không có ba sáu cấp hay bảy hai đẳng, người yêu thương cha mẹ mình thì sẽ không ghét cha mẹ người khác, người tôn kính cha mẹ mình cũng không lạnh nhạt cha mẹ người khác.
- Đem giáo hóa tới cho lê dân bách tính, để thiên hạ tuân theo, đó là hiếu đạo của thiên tử. ( thượng thư, phủ hình) nói:" Một mình thiên tử làm viện thiện, dân chúng muôn phương học theo." Sau khi giảng giải một lượt, Bàng Tịch thấy Vân Tranh đứng ở cửa, cười nói: - Làm phiền thái bảo đợi lâu, hôm nay lão phu giảng bài hơi nhiều, ảnh hưởng thời gian dạy học của thái bảo, thứ tội.
Vân Tranh đáp lễ: - Thái phó giảng bài khiến Vân Tranh hưởng lợi không ít, nghe mãi không đủ, sao lại trách tội.
- Hà hà, không biết hôm nay thái bảo định giảng cái gì, lão phu rất muốn dự thính kiến giải quân sự của thái bảo.
Vân Tranh chỉ rương vệ sĩ đưa vào: - Hôm nay giảng giải chính trị đương thời, chẳng phải trọng yếu, Bàng tướng chớ cười.