Ở nhà Vân Nhị và Vân Tam đang chùm chăn nói chuyện với nhau, không rõ là nói cái gì, một người một chó đối đáp như thật.
– Kiên Cường, đại ca về rồi đây.
Vân Nhị ngồi bật dậy, ôm con chó vào lòng, lo lắng nhìn Vân Tranh: – Đại ca, đệ nghe mấy người xung quanh đây nói quan sai xuống bắt tráng đinh đi lao dịch, Hổ Sơn cô cô bảo khổ lắm, năm nào cũng có người đi về ốm bệnh chết, thậm chí còn chết luôn ở công trường, tưởng năm nay không phải đi nữa, nhà nào cũng cần bỏ ra một người, nếu vậy đại ca phải đi đúng không? – Tất nhiên là phải đi rồi, Lưu đô đầu nói, thiếu người bắt tộc trường bù vào cơ mà.
Vân Nhị cuống lên: – Không được, ngay cả người trong núi còn thấy khổ cực thì làm sao huynh chịu nổi, khác nào có đi không về, hay chúng ta trốn thôi, tới thành phố lớn chúng ta nhiều đường sống hơn, với bản lĩnh kiến thức của huynh, kiếm cơm dễ dàng hơn nơi này.
Vân Tranh lấy cành cây xuyên đùi gà hơ nóng lại đưa cho Vân Nhị, thở dài có phần nặng nề: – Đây không phải là chuyện đệ cần lo, nhiệm vụ của đệ bây giờ là mau chóng lớn lên, sau này không được nói những lời thiếu suy nghĩ nữa, làm nam nhân phải có trách nhiệm, chúng ta phủi mông đi thì Thương lão phải làm sao? Chúng ta đã lập hộ tịch ở đây rồi, giờ bỏ đi là trốn tịch, bị bắt được là sẽ biếm thành quân hộ, kết cục thê thảm.
Vân Nhị biết tính Vân Tranh, miệng lầu bàu vài câu cầm chân gà ăn, ăn chẳng được mấy miếng ném cho con chó, nhìn Vân Tranh bận rộn hết cho củi vào bếp, lại đi kiểm tra lương thực, nghĩ lại chuyện từ lúc tới đây, mình biến thành đứa bé ngoài ăn chả làm được gì, dựa hết vào vị đại ca chẳng có chút máu mủ gì này: – Đại ca, bây giờ đệ vô cùng thỏa mãn, thật đấy, tuy ở đây chẳng có điện, chẳng có TV, chẳng có gì hết, nhưng đệ thấy sung sướng hơn trước kia nhiều. Chưa có ai muốn chịu khổ vì đệ, chỉ có đại ca, đệ biết, nếu không có đệ liên lụy, đại ca không phải vất vả như thế, bây giờ càng không phải vì hộ tịch mà phải liều mạng đi bê đá bê đất.
Vân Tranh nhìn Vân Nhị rơm rớm nước mắt, cười phá lên: – Ai nói ta đi vác đá, ta có ngu đâu, đôi tay này làm nổi mấy công việc đó à, đại ca đệ ngay cả chuyện lao dịch mà không tránh nổi thì uổng phí bao năm lăm lộn cuộc đời. Sau này đừng nói mấy lời buồn nôn nữa, lau nước mũi đi, thấy ghê.
– Đệ giết huynh. Vân Nhị mặt đỏ dừ, xấu hổ lao tới nhảy lên lưng Vân Tranh muốn bóp chết y, vừa rồi nó bị mấy phụ nhân kể chuyện lao dịch khổ cực thế nào, cho rằng Vân Tranh sẽ phải đi làm việc thật, lòng đau khổ cực điểm, ai ngờ y lại chờ chế nhạo mình, tức muốn chết.
Hai cánh tay của đứa trẻ lên ba lên bốn thì có mấy sức lực, Vân Tranh kệ nó đeo lên người mình, tiếp tục quấy nồi canh, canh này đun lâu mới ngon, còn huýt sáo vui vẻ.
Ngoài cửa sổ mưa phùn mùa đông cứ vậy thong thả rơi, nhưng hơi lạnh trong phòng tựa hồ bị nồi canh Vân Tranh nấu xua đi cả rồi.
….
Thế là Vân Tranh lần đầu tiên thực hiện nghĩa vụ của công dân Đại Tống, đúng vậy, đây là triều Tống, triều đại hèn yếu nhất trong lịch sử hàng ngàn năm Trung Quốc, cái triều đại làm người ta vừa yêu vừa hận.
Nếu dùng từ nào đó hình dung về nhà Tống, có lẽ giàu mà không mạnh là từ thích hợp nhất, đất nước mở cửa buôn bán, thương nghiệp cực kỳ hưng thịnh, khắp nơi phồn vinh, ngân khố đầy ắp, còn là quốc gia dùng tiền giấy sớm nhất thế giới. Thế nhưng liên tiếp thất thế với các cuộc chiến ngoài tộc, hết cắt đất cầu hòa, lại còn cấp dưỡng cho Liêu Hạ thời gian dài, là triều đại đầu tiên khiến đất nước hoàn toàn mất vào tay ngoại tộc, mang nhục ngàn đời.
Năm nay là năm Khánh Lịch thứ tư, lúc này đây hẳn là lúc Phạm Trọng Yêm đang tưng bừng cải cách, tuy thất bại nhưng vẫn là nhà cải cách vĩ đại đời sau xưng tụng. Tô Thức Tô Đông Pha lúc này hẳn là còn nhỏ, nhưng sớm thôi tài hoa của hắn sẽ bộc lộ làm kinh động thiên hạ, nhưng nếu nói người Vân Tranh muốn gặp nhất thời đại này thì Bao Chửng Bao Thanh Thiên rồi, muốn gặp tứ đại hộ vệ, rồi Tần Hương Liên và tên bạc tình nổi tiếng nhất lịch sử Trần Sĩ Mỹ.
Chỉ nghĩ thôi đã muốn chắp cánh bay ngay tới Biện Kinh rồi, nhưng giọt nước mưa lạnh băng luôn lăn trên má xuống chui vào áo làm y nhanh chóng trở về hiện thực, hiện thực là y đang co ro trong cơn mưa dầm dề mùa đông vùng núi xa xôi nghèo khó.
Mưa như oán phụ khóc than, triền miên ngày này qua ngày khác, làm người ta nổi nóng, vừa mới sấy khô được quần áo không bao lâu sau đã vắt chảy ra nước, áo quần mà ẩm ướt thì mặc lên người không thoải mái chút nào.
Tới nơi rồi, Vân Tranh nhảy từ trên xe xuống, dắt trâu vào lán, dùng vải bố lau khô người cho nó, bản thân nước mưa chảy ròng ròng trên mặt cũng kệ, vì y hiểu thêm một chuyện ở nơi này, đó là trâu còn quan trọng hơn người. Một con trâu cày khỏe mạnh giá năm quan, một người đi lao dịch tử nạn được tuất có 1 quan rưỡi, đủ thấy mạng người chả là gì so với mạng trâu.
Mấy phụ nhân tháo gạo trên xe xuống, thấy Vân Tranh toàn thân bùn nước, trách: – Sao tiểu tướng công lại đắp áo tơi lên gạo, số gạo này ăn một hai ngày là hết, dính chút nước mưa không sao.
Vân Tranh lấy một cái giỏ trứng gà cất cẩn thận trên xe ra, cười khoe hai cái lúm đồng tiền: – Không hề gì, gạo để người ăn, sao có thể dính nước, thế chẳng hóa thành cơm nấu hai lần? Mọi người làm việc cực nhọc, ăn không tốt là chết người đấy, mấy ngày trước cơm nước có dư một ít, cháu lấy đem mua trứng, làm canh để mọi người húp cho ấm áp.
Mấy phụ nhân lo việc cơm nước bếp núc rất quý chàng trai có văn hóa lại thân thiết, biết lo nghĩ cho mọi người này: – Ài dà, bao năm làm lao dịch, cơm nước lúc nào cũng không đủ ăn, giờ tới tay tiểu tướng công liền thành có cơm có rau, lại còn có canh trứng thế này, ra công trường thế này khác gì huyện lão gia. Sau này cô nương nào tốt số được gả vào nhà là phúc phận mấy đời.
Vân Tranh cười, chẳng hiểu đám quan lão gia cung ứng thế quái nào, gạo thì ít mà muối rau lại tống cho cả đống, cho cứ như sợ không ăn là hỏng vậy. Không hiểu là muối từ bao giờ nữa, từng vò đen xì xì, quản kho còn nói, không đủ ăn cứ tới mà lấy, Vân Tranh xem niêm phong, có dấu của Vũ Thắng quân, không cần nói cũng biết là do quân đội đào thải ra.
Muối tất nhiên chẳng ăn no bụng được, Vân Tranh đem đổi với sơn dân lấy ít gạo, mỡ. Với sơn dân mà nói có muối ăn là phải thắp hương vài phật rồi, nói gì tới kén chọn, nên Vân Tranh hưởng lợi lớn, hơn một trăm lao dịch mà y phụ trách cơm nước đều vô cùng hài lòng, có cơm có rau ăn no tức bụng, ai nói được gì.
Sơn dân là người bỏ trốn, bọn họ ở trên núi cao tự cày cấy tự nuôi thân, nghe có vẻ tiêu diêu tự tại đấy, thực ra ngày ngày vật lộn bên bờ sinh tử, đấu tranh với thiên nhiên, với dã thú rồi cả đám thổ phỉ khác, một tháng tiếp xúc trao đổi với bọn họ, Vân Tranh không thấy sơn dân lớn tuổi nào, bọn họ đều sống không quá 30 tuổi.
Uống một bát canh trứng nóng, Vân Tranh thấy hơi ấm tỏa ra toàn thân, canh phẩy tay này là món đặc sản vùng đông bắc, do Vân Tranh dạy họ làm, chỉ cần ít bột sắn, một quả trứng đánh lẫn vào nhau, rải thêm ít rau hay hành vụn, thế là làm được cả một nồi to, màu mỡ thích mắt, húp cũng không tệ, chỉ là chẳng có dinh dưỡng gì, lừa cái mồm mà thôi, thế mới gọi là canh phẩy tay, ai biết họ phẩy tay bỏ đi.
Tiêng chiêng báo nghỉ đã vang lên, đám lao dịch ai nấy như ma quỷ từ trong mưa xông ra, chen lấn chui cả vào lán, vây quanh bếp lửa, đám phụ nhân liền vung thìa lớn đánh đập: – Đi, đi ra, ai cho vào đây.
– Có muốn ăn cơm nữa không, tiểu tưởng công thấy các ngươi đáng thương, hôm nay còn chuẩn bị món ăn ngon cho các ngươi, canh trứng gà hẳn hoi đấy, các ngươi không biết điều vào đây chen lấn xô đẩy tiểu tướng công à, xéo, xéo hết.
Nếu Vân Nhị giỏi lấy lòng các tiểu cô nương thì Vân Đại rất được lòng phụ nhân có tuổi.